TẢI MP3 – TRẦN THIỆN TÍCH
TẢI MP3- BÍCH HÀ
TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT
Ngày hôm sau, chàng thanh niên trở lại hội trường để tìm ông chú với một tâm trạng háo hức. Ông không còn ngồi ở đó, khiến chàng hơi hụt hẫng. Đối diện với hội trường là một công viên có nhiều người đang sinh hoạt. Thay vì, quyết định quay về, chàng thanh niên lại đổi ý, rảo bước hướng về công viên.
Chàng bước đi mà trong đầu vẫn đang miên man suy nghĩ về 10 Bức Tranh Chăn Trâu.
Tiếng cười lớn của 2 đứa bé đi bên cạnh làm chàng giật mình, thoát ra khỏi sự miên man trong suy nghĩ. Ánh mắt chàng hướng về phía trước, và bắt gặp hình ảnh ông chú đang ngồi. Chàng vui vẻ, bước về hướng ông, lễ phép chào, rồi ngồi xuống.
Ông chú hướng ánh mắt về chàng trai trẻ, mỉm cười, nói:
Chào anh bạn trẻ, chiều nay nhìn bạn tươi tắn hơn nhỉ.
Dạ cám ơn chú. Thưa chú, chiều nay, cháu có một số vấn đề muốn xin chú chia xẻ, không biết cháu có làm phiền chú không?
Không đâu, bạn muốn tôi chia xẻ về vấn đề gì? Ông chú nói.
Chàng thanh niên liền móc trong cặp ra một xấp giấy và trao cho ông chú, trong đó, có 10 bức tranh chăn Trâu của Thiền Tông, rồi nói:
Thưa chú, bàn về Thiền Tông thì 10 bức tranh Chăn Trâu được ví như một la bàn, giúp cho người thực tập có thể nương theo đó để tìm đến đích mà không bị lạc hướng. Cho đến nay, đã có muôn ngàn lời giải thích về ý nghĩa của 10 bức tranh này, và mỗi người, mỗi ý. Vậy đâu là ý nghĩa thật sự của 10 bức tranh Chăn Trâu, chú có thể giải thích cho cháu không?
Này anh bạn trẻ, trước khi chúng ta đi tìm ý nghĩa thật sự về 10 bức tranh Chăn Trâu, tôi có thể hỏi bạn một câu được không?
Xin chú cứ hỏi.
Tại sao lại Chăn Trâu mà không phải Chăn Bò, hay Chăn Ngựa?
Ừ nhỉ, tại sao lại Chăn Trâu mà lại Không Chăn những con khác?
Chàng thanh niên nhắm mắt, im lặng… ông chú cũng ngồi yên, không nói tiếng nào.
Một lúc sau, chàng thanh niên mở mắt, ánh mắt sáng rực, rồi nói:
Thưa chú, thời xưa, con người ta sống được là nhờ lúa gạo. Muốn làm ra lúa gạo, người ta cần phải cày bừa để gieo hạt. Trong qúa trình cày bừa, đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức. Để giải quyết vấn đề công sức này, người nông dân đã biết sử dụng con Trâu là con vật mạnh nhất nếu đem so với tất cả các loại gia súc khác.
Chính vì vậy, thời xưa, con Trâu được xem như một báu vật đối với nhà nông. Đó là đứng trên góc độ về giá trị vật chất. Nhưng, nếu đứng trên góc độ về tinh thần, rõ ràng, sự đóng góp công sức của con Trâu đã đem đến sự No Ấm, An Vui, cho con người. Cho nên, các vị Thiền Tổ đã dùng hình ảnh con Trâu để biểu tượng cho sự An Lạc mà không dùng những con khác.
Này bạn trẻ, bạn nói hay lắm. Khả năng quan sát, phân tích, nhìn sâu, của bạn, thật tinh tế. Này bạn, hãy dùng sự quan sát, phân tích, và nhìn sâu của bạn để diễn giải ý nghĩa về 10 bước tranh này đi.
Nói xong, ông chú liền đưa xấp giấy lại cho chàng thanh niên. Cầm lại xấp giấy, chàng thanh niên bắt đầu quan sát, rồi nói:
Bức tranh thứ Nhất, Tìm Trâu: Ý nghĩa của bức tranh này, diễn tả một sự quyết định đi tìm lại một cái gì đó. Ở đây, diễn tả qúa trình của một người đã đánh mất đi sự An Lạc (Trâu) của mình, và quyết định muốn đi tìm lại sự An Lạc đó. Yếu tố quan trọng nhất trong bức tranh này, đó là, sự xác Định (tìm). Nếu không có sự xác Định này thì sẽ không có những bức tranh kế tiếp.
Bức tranh thứ Hai, Thấy Dấu: Ý nghĩa của bức tranh này, diễn tả những điều kiện cần phải có (Dấu), và sự chấp nhận để đạt (Thấy) được sự An Lạc.
Bức tranh thứ Ba, Thấy Trâu: Ý nghĩa của bức tranh này, diễn tả người đi tìm sự An Lạc đã tìm ra được nguyên nhân tạo ra sự mất An Lạc của mình và tìm ra giải pháp để giải quyết sự mất An Lạc của mình.
Bức tranh thứ Tư, Được Trâu: Ý nghĩa của bức tranh này, diễn tả trạng thái của người đó cảm nhận được sự An Lạc thật sự, hay là Chân An Lạc.
Thưa chú, cháu chỉ có thể giải được đến bức tranh thứ Tư thôi, còn những bức tranh kế tiếp, cháu chịu, không thể nào giải được.
Ông Chú nhận lại xấp giấy từ chàng thanh niên, mỉm cười, rồi nói:
Này anh bạn trẻ, khả năng quan sát, phân tích và nhìn sâu của bạn thật tuyệt vời.
Này bạn, nếu 3 bức tranh này, dùng để diễn tả qúa trình của một người đi tìm Bản Thể của chính người đó, thì bức thứ Tư, diễn tả về kết quả mà người đó đạt được sau khi tiếp xúc được với Bản Thể của chính họ, hay có thể rút gọn thành, Bản Cá Thể (dáng gốc của cá nhân). Khi người đó đã nhận diện được Bản Cá Thể rồi, người đó cũng có cơ hội để nhận ra được Bản Thể của Vạn Pháp.
Vì vậy, để gọi tên cho cả qúa trình của 4 bức tranh này, trong Thiền học, gọi là Kiến Ngộ (Kiến = sự gặp gỡ, Ngộ = sự hiểu biết thông suốt, không còn vướng mắc.)
4 bức tranh này, nếu tóm gọn lại, chính là la bàn cho qúa trình Kiến Ngộ.
Từ bức tranh thứ Năm cho đến bức tranh thứ Mười, dùng để diễn tả về quá trình đi từ Bản Thể Trở Về Bản Ngã. Qúa trình này, trong Thiền học gọi là Thực Ngộ (thực hành sự hiểu biết thông suốt, không vướng mắc), hay Dụng Ngộ (ứng dụng sự hiểu biết thông suốt, không vướng mắc).
Bởi vì, hai quá trình ĐI (Kiến Ngộ), và VỀ (Thực Ngộ), hoàn toàn khác nhau, nên sự ứng dụng cũng khác nhau. Tiếc rằng, vì nhiều người trong chúng ta thiếu sự trải nghiệm xuyên suốt, nên tưởng rằng, hai qúa trình này là một. Từ đó, gây ra sự lầm lẫn trong cách ứng dụng.
Nếu chúng ta chịu quan sát sâu hơn, chúng ta sẽ nhận thấy: Bốn bức tranh đầu tiên, diễn tả về qúa trình đi tìm An Lạc và đạt đến sự An Lạc. Nhưng từ bức tranh thứ Năm đến bức tranh thứ Mười, lại diễn tả về cách ứng dụng của sự An Lạc trong đời sống hằng ngày.
Nào, chúng ta hãy cùng bắt đầu sự quan sát bức tranh thứ Năm.
Bức tranh thứ Năm, Chăn Trâu: Chăn có nghĩa là nuôi dưỡng. Vì vậy, ý nghĩa của bức tranh này là nuôi dưỡng (Chăn) sự An LạcTuyệt Đối, hay gọi là An Riêng.
Chú ơi, Tại sao đã có An Lạc Tuyệt Đối hay An Riêng rồi, mà lại còn cần phải nuôi dưỡng?
Thực tế, trên đời này, có rất nhiều người đã có những trải nghiệm qua qúa trình Kiến Ngộ. Có người, họ cũng không biết đó là Kiến Ngộ. Có người, họ An Trú (Chăn) trong đó vài ngày, rồi lại trở về Bản Ngã của họ và họ sống giống như xưa. Có người, họ có thể An Trú (Chăn) lâu hơn khoảng vài ba tháng. Chính nhờ sự An Trú lâu hơn này, họ có được cơ hội Nhận Ra được Bản Thể của Vạn Pháp.
Sở dĩ, thời gian An Trú của mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào sự khao khát đi tìm Bản Thể lúc ban đầu của mỗi người khác nhau như thế nào. Người nào, càng khao khát mãnh liệt bao nhiêu, họ càng qúy trọng và gìn giữ sự An Lạc bấy nhiêu. Cho nên, họ có thể kéo dài thời gian An Trú.
Sự thật, sự An Lạc vốn Thường Hằng và luôn Có Mặt. Nhưng vì, những nhận thức sai lầm, khiến cho chúng ta không nhận ra sự Thường Hằng đó.
Chính vì vậy, không có người Kiến Ngộ nào có thể An Trú trường tồn trong trạng thái An Lạc đó. Vì sao? Vì sự An Lạc vốn đã có sẵn. Chỉ vì nhận thức sai lầm nên người đó không nhận ra. Khi người đó đã nhận ra rồi, thì người đó, trước hay sau gì cũng phải từ Bản Thể về lại Bản Ngã.
Thời gian lưu lại lâu trong Bản Thể, gọi là quá trình kéo dài thời gian An Trú, hay còn gọi là quá trình nuôi dưỡng, hay gọi là quá trình CHĂN.
Nhờ có quá trình Chăn này, người đó mới tạo thành một thói quen, nhận dạng được sự An Lạc. Chính thói quen này, giúp cho người đó, khi trở về sinh hoạt trong đời thường, dùng thói quen đó để ứng xử.
Thói quen này, giống như mỏ neo vậy, giúp cho người đó, dù có bị sóng gió bao nhiêu trong cuộc sống cũng không bị trôi dạt mất hướng. Cho nên, tại sao trong 10 bức tranh thì bức thứ Năm, được chọn làm đại diện cho tổng thể của 10 bức tranh là vậy.
Bức tranh thứ Sáu, Cỡi Trâu Về Nhà: Nếu bức Tranh thứ Năm là biểu hiện của qúa trình khởi đầu cho sự chuẩn bị Về Lại Bản Ngã, thì ý nghĩa của Bức tranh thứ Sáu dùng để diễn tả qúa trình đem sự cảm nhận về sự An Lạc Tuyệt Đối, hay An Riêng, từ Bản Thể về lại Bản Ngã để ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Chú ơi, chú có thể dừng lại một chút để giải thích An Lạc Tuyệt Đối, hay An Riêng là gì hay không, chú?
Này anh bạn trẻ, khi một người nào đó, đạt được trạng thái An Lạc cho chính họ, ngoài họ ra, không có ai khác, thì sự An Lạc đó có phải là Tuyệt Đối (một mình không có ai để so sánh) không?
Dĩ nhiên rồi. Cho nên, khi chúng ta nhập chung vào thì thành sự An Lạc Tuyệt Đối. Còn An Riêng cũng là sự An Lạc Tuyệt Đối, nhưng rút gọn hơn. Chính nhờ sự rút gọn này sẽ giúp cho người Dụng Nghiệm dễ dàng ứng dụng giữa cá thể với tập thể, và tránh gây ra sự hiểu lầm.
Trong ứng dụng của bức tranh thứ Sáu: Cỡi Trâu Về Nhà, chúng ta sẽ có thêm những tên gọi mới như: An Lạc Tương Đối và An Chung.
An Riêng hay An Chung sẽ là một chủ đề dài, nếu anh bạn trẻ muốn hiểu sâu sắc về chủ đề này, chúng ta sẽ có một buổi quan sát khác.
Trở lại bức tranh thứ Bẩy, Quên Trâu Còn Người: Nếu bức tranh thứ Năm, diễn tả về qúa trình nuôi dưỡng sự An Lạc Tuyệt Đối, và trong qúa trình nuôi dưỡng đó, thì người đó cũng tạo thành một thói quen về sự An Lạc Tuyệt Đối.
Khi một điều gì đó biến thành một thói quen thì sự vận hành của thói quen đó không cần sự có mặt của Ý Thức. Vì vậy, nên gọi là Quên Trâu.
Quên Trâu ở đây, không nên hiểu là quên đi sự An Lạc, mà nên hiểu là, thói quen An Lạc Tuyệt Đối được vận hành một cách tự nhiên, không cần sự có mặt (Quên) của Ý Thức. Còn 2 chữ: Còn Người; nhấn mạnh đến cách ứng xử giữa cá thể, có thói quen An Riêng, đối với người khác.
Chưa chắc thói quen An Riêng cho cá thể này đã thích hợp khi ứng dụng cho cả tập thể kia. Vì vậy, mới có thêm hai chữ, Còn Người, có nghĩa là, còn cái An của người khác nữa.
Ngắn ngọn hơn, ý nghĩa của bức tranh thứ Bẩy, diễn tả về cách ứng xử của một cá thể có thói quen An Riêng Tuyệt Đối đi tìm cái An Chung Tương Đối (Cái An mà cá nhân đó có thể đem ra ứng xử để tạo ra cái An cùng người khác).
Bức tranh thứ Tám, Người Trâu Đều Quên: Ý nghĩa của bức tranh thứ Tám này, diễn tả qúa trình tìm ra An Chung Tương Đối, rồi biến cách hành xử An Chung Tương đối thành thói quen trong cách ứng xử giữa cá thể với tập thể. Khi An Chung Tương Đối biến thành thói quen rồi thì qúa trình này được gọi là: Người Trâu Đều Quên. Vì lúc đó, An Riêng hay An Chung, cũng chỉ là An.
Bức tranh thứ Chín, Trở Về Nguồn Cội: Ý nghĩa của bức tranh thứ Chín này, diễn tả quá trình thực hành cái An Chung của cá thể trong tập thể. Nếu trong qúa trình thực hành cái An Chung này, cá thể không thể thiết lập được cái An Chung cho tập thể, thì cá thể này vẫn có thể sống chung với tập thể mà vẫn không hề bị ảnh hưởng bởi tập thể, nhờ sự trở về với cái An Riêng Tuyệt Đối của mình. Cho nên, gọi là Trở Về Nguồn Cội.
Bức tranh thứ Mười, Thõng Tay Vào Chợ: Ý nghĩa của bức tranh thứ Mười này, cũng diễn tả quá trình thực hành cái An Chung của cá thể trong tập thể. Nếu trong qúa trình thực hành cái An Chung này, cá thể có thể thiết lập được cái An Chung cho tập thể, thì cá thể này sẽ tiếp tục sống chung với tập thể và vẫn tiếp tục dùng Cái An Chung Tương Đối này. Cho nên, mới gọi là: Thõng Tay Vào Chợ.
Thì ra, ý nghĩa 10 bức tranh Chăn Trâu lại sâu sắc đến như vậy.
Ngày xưa, khi cháu nghe giảng giải về 10 bức tranh Chăn Trâu, hầu như, diễn giả nào cũng chỉ nhấn mạnh đến, đó là, qúa trình đi tìm lại Tâm. Bắt đầu từ bức thứ Nhất đến bức thứ Chín, và bức thứ Mười là đại diện cho vào đời hành đạo sau khi đắc đạo.
Lúc đó, cháu cứ thắc mắc, nếu 10 bức tranh Chăn Trâu, diễn đạt về qúa trình của sự thực chứng, thì bức tranh Trở Về Nguồn Cội mới là bức tranh phải đặt tên cho toàn bộ tác phẩm. Nhưng tại sao lại chọn bức thứ Năm là Chăn Trâu thì cháu thật không thể nào nghĩ ra.
Nhưng bây giờ, cháu đã hiểu, tại sao bức tranh thứ Năm Chăn Trâu lại quan trọng như vậy. Cho nên, chọn 2 chữ Chăn Trâu cho toàn bộ 10 bức tranh thật là tuyệt vời.
Một cơn gió mát thoảng qua, giữa buổi chiều oi bức, hai chú cháu cùng ngồi im lặng thưởng thức cơn gió vô tình.