album-art

00:00

TẢI MP3 – THANH KIM

 

Chiều nay, Nhật Minh và Diệu Hiền cùng đến thăm ông chú. Vừa gặp ông chú, Diệu Hiền đã xà xuống, ngồi bên cạnh ông, trong khi Nhật Minh, ngồi đối diện.

Vừa ngồi xuống, Diệu Hiền đã móc trong bóp ra xấp giấy, cầm trên tay, rồi nói:

Chú ơi, cháu đã đọc bài viết này của Thầy Thích Thông Huệ về Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả, nhưng càng đọc thì cháu càng mơ hồ, cho nên, cháu mới in ra để đọc cho chú nghe. Chú nghe xong giải thích dùm cháu nha chú.

Không đợi ông chú có đồng ý hay không, Diệu Hiền đọc:

“Đối với nhà Phật, sự tu hành còn nhắm đến mục đích cao hơn: Xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Đức Phật là bậc Vô Thượng Y Vương, có đến tám vạn bốn ngàn phương thuốc, điều trị bệnh cho chúng sanh; trong đó, có những cách thức điều trị tận gốc, giúp chúng sanh khỏi được tâm bệnh phiền não, và giải thoát được sinh tử luân hồi. Pháp môn quán chiếu về Thập Nhị Nhân Duyên là một trong những phương pháp điều trị tiệt căn ấy.

Cùng với Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên là giáo lý rất quan trọng trong hệ thống kinh điển Nguyên thủy.

Đây là mười hai yếu tố, liên hệ hỗ tương với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng thường được minh họa theo sơ đồ sau đây, gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả (ba đời và hai tầng nhân quả)

1- Nhân quá khứ: Gồm Vô minh và Hành, gọi là nhân khổ

Vô Minh được hiểu theo nhiều cách, tuỳ theo gốc độ nhìn của mỗi tông phái; tựu trung có hai nghĩa chính: Thứ nhất, Vô minh là không thấy các pháp đúng như thật, không nhận chân được thực tướng của các pháp là vô thường, duyên sinh vô ngã. Thứ hai, Vô minh là nhận lầm thân tứ đại và những tâm phân biệt lăng xăng, làm thân tướng và tâm tướng của mình, mà quên mình, đang sẵn đủ tự tánh bất sanh bất diệt. Đây là căn bản vô minh, là Hoặc.

Do Vô minh khuấy động, trong tâm phát khởi buồn thương giận ghét… Từ sanh tâm khởi ý thiện hoặc ác, đưa đến miệng và thân theo đó tạo nghiệp. Đây là Hành, động cơ chính để tái sinh.

Như vậy, vì có vô minh nên có hành động tạo tác, vì có Hoặc nên mới có Nghiệp, mới trở lại lục đạo luân hồi. Chúng sinh bị nghiệp lực lôi dẫn để thọ sanh; khác với các bậc Bồ Tát, cũng lăn lộn vào các cõi nhưng do nguyện lực. Các Ngài cũng làm tất cả để độ người; nhưng không thấy có người làm, việc làm và đối tượng làm nên không thuộc về Hành Nghiệp.

  1. Quả hiện tại: Gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ, gọi là Quả khổ.

Đối với Thức, chúng ta cần hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, đó là Thần Thức hay Hương Ấm. Khi thân trước mất đi, thần thức theo nghiệp dẫn để thọ thân sau. Nếu nghiệp không còn, thì thức cũng diệt, nên nói Hành duyên Thức. Nghĩa thứ hai, hiểu theo Duy Thức học, là Ý thức và Tàng thức. Vì chúng sanh vô minh, quên tánh giác, tạo nghiệp thiện ác mới phát sinh thức. Nếu giác ngộ, nhớ lại tự tánh thanh tịnh bản lai của mình, thì thức không phải bị diệt, mà ngay đó chuyển thành Trí.

Thức làm duyên cho Danh Sắc hình thành. Danh là tinh thần, sắc là thể chất. Trong bào thai danh sắc tạo nên nhờ sự phối hợp của tinh cha huyết mẹ và thần thức gá vào. Danh sắc cũng có nghĩa là phần tinh thần và vật chất của một cơ thể khi còn trong bào thai.

Lục Nhập là sáu căn duyên với sáu trần. Khi đã ra đời, sáu căn tiếp xúc với sáu trần phát sinh sáu thức. Các căn càng trưởng thành càng dính mắc với trần cảnh, tác động qua lại tạo nên Xúc. Xúc là sáu căn tiếp xúc với sáu trần.

Khi có tiếp xúc giao thoa giữa căn và trần, cảm thọ phát sinh, nên xúc duyên Thọ. Thọ gồm ba loại: Khổ, lạc và trung tính. Cần phân biệt cảm thọ vui (lạc thọ) của phàm phu, với niềm vui của các bậc đã giác ngộ. Lạc thọ hình thành do căn dính mắc theo trần, khi hình thành rồi trở lại chi phối thân và tâm. Đối với các Ngài, tuy vẫn đối duyên xúc cảnh, nhưng không khởi niệm phân biệt chia chẻ, nên dù xúc và thọ, mà tâm vẫn thanh tịnh an nhiên. Niềm hỷ lạc của các Ngài là một hạnh phúc đích thực, vì có chánh niệm và thanh tịnh.

  1. Nhân hiện tại: Gồm Ái, Thủ và Hữu.

Aí là ưa thích, đam mê. Đây là chi mạc vô minh hay nhuận sanh vô minh, cũng là Hoặc.

Phàm phu chúng ta có rất nhiều đam mê khát ái, nhưng quan trọng nhất là Ái Ngã. Do yêu mình, nên tìm mọi phương tiện phục vụ cho nhu cầu vật chất, và tinh thần, của chính bản thân. Ngay cả tình cảm thương yêu đối với người khác, ngẫm lại, cũng chỉ vì mình mà thương. Cho nên, tình cảm nào cũng có tính ích kỷ, không nhiều thì ít. Cũng chính vì ái ngã, nên khi mất thân này, liền tìm thân khác, tiếp tục vòng quay sinh tử.

Vì sao có Ái? – Bởi vì vô minh nhận thân tâm huyễn hóa làm thật mình; từ chấp ngã rồi chấp ngã sở đều có thật, nên sanh tham ái. Ái lại làm tăng trưởng vô minh, nên hai yếu tố này có sự liên hệ hết sức chặc chẽ, và là hai động lực vô cùng mạnh mẽ làm chuyển động bánh xe luân hồi.

Cũng do ái ngã, nên những gì bên ngoài làm mình vừa ý, mình lại muốn chiếm hữu. Đây là Thủ. Giữ lấy cho riêng mình là hành động tạo tác nên thuộc nghiệp. Khi chiếm giữ được, liền phát khởi ý có sở đắc (Hữu). Hữu là điều kiện để tái sanh vào ba cõi, nên còn được chia thành Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu

  1. Quả vị lai: Gồm sanh và lão tử

Có nhân hiện tại tức có điều kiện tái sinh ở vị lai. Một hữu tình lại chào đời (Sanh). Trong hữu tình này, cũng có yếu tố Vô minh, Thức…, Ái, Thủ, Hữu. Quy luật tất yếu của cuộc sống, là có sinh trưởng thì phải có hoại diệt, nên Sanh duyên Lão Tử.

Như vậy, mười hai nhân duyên đã giải thích tường tận guồng máy sinh diệt của loài hữu tình. Duyên hợp lại là sinh, duyên tan là diệt. Đi theo chiều thuận, nhân quá khứ, sanh quả hiện tại (tầng nhân quả thứ nhất), và nhân hiện tại, sanh quả vị lai (tầng nhân quả thứ hai). Đây là chiều lưu chuyển. Trong mỗi tầng nhân quả đều có Hoặc – Nghiệp – Khổ:

Phần đông các nhà nghiên cứu về Phật học thường theo chiều lưu chuyển của mười hai nhân duyên để chứng minh và giải thích luân hồi, mà chủ yếu làm thế nào liễu thoát sinh tử. Cho nên, mới có chiều ngược lại, từ quả phăng lần đến nhân: Mọi người đều già chết (Lão tử); Vì sao có già chết? – Vì có Sanh. Cứ đi ngược lần lên đến tận cùng, ta hiểu rõ bản chất của sanh tử là vô minh. Đây là chiều hoàn diệt.

Muốn giải quyết vấn đề sinh tử phải giải quyết nơi nhân. Chúng ta thấy đức Phật đã khéo dùng phương pháp đi ngược từ quả đến nhân, lần đầu tiên khi giảng về Tứ Diệu Đế; cuộc đời là khổ (Khổ – quả); Tìm hiểu vì sao có khổ (Tập nhân); trừ hết nguyên nhân gây khổ sẽ có an lạc giải thóat (Diệt- quả); Các phương pháp để đạt được giải thoát (Đạo – quả). Nguyên nhân của khổ tức Tập nhân trong Tứ Diệu Đế cùng tương đồng với Ái – Thủ trong mười hai nhân duyên; và chẳng khác gì vọng tưởng sanh diệt mà nhà Thiền chủ trương buông bỏ.

Ý NGHĨA

Kinh A Hàm, Phật dạy: “Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”. Đây là một định lý về duyên sinh duyên khởi. Tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình, đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại. Ví như một bó lau, cùng nương vào nhau để đứng vững; nếu một cọng lau ngã xuống, những cọng khác khó thể trụ lại.

Mười hai nhân duyên cũng thuộc giáo lý Duyên sinh, nhưng hạn cuộc cho loài hữu tình. Nếu nhìn theo chiều dọc từ trên xuống dưới thì chi phần trên làm duyên cho chi phần dưới phát sinh. Vô minh là Hoặc nhân của quá khứ, làm duyên phát sinh Hành nghiệp. Vì là nhân quá khứ, nên hiện tại, người tu không thể sửa đổi được gì đối với Vô minh, mà chủ yếu chỉ chuyển hóa nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu. Nhân hiện tại bị diệt trừ thì không có quả vị lai. Sanh, lão tử ngay nay đoạn dứt.

Tuy nhiên, cách hiểu ấy chỉ là khái niệm về nhân quả theo tuyến tính, theo thời gian, không phản ứng đúng tinh thần tương tức và tương nhập của đạo Phật. Thật ra mỗi chi phần đều vừa là nhân vừa là quả của mười hai chi phần còn lại, và ảnh hưởng ở cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Rõ ràng, trong vô lượng kiếp chúng ta đã vô minh, vì vô minh mới tạo nghiệp trầm luân trong sinh tử.

Kiếp này chúng ta cũng đang vô minh, đang tạo nghiệp; và trong tương lai, nếu không thức tỉnh, chúng ta sẽ lại vô minh và tạo nghiệp không có ngày cùng. Như vậy vô minh có mặt ở cả ba thời.

Lại nữa, Vô minh có mặt trong Hành, nên tác ý khởi niệm, sanh phiền não; đến lượt phiền não trở lại tác động làm vô minh nặng thêm. Đây là liên hệ hai chiều, vô minh duyên Hành và Hành cũng duyên vô minh. Vô minh cũng đồng thời có mặt trong Thức, Danh sắc, Lục nhập… Nếu thức không có vô minh, vì sao lại bị nghiệp dẫn lôi, thọ sanh theo nghiệp? Nếu Lục nhập không có Vô minh, sao đối duyên xúc cảnh lại sanh tâm phân biệt, không thấy được thực tướng của các pháp? Nếu Ái không có vô minh thì không có ý thức chấp ngã và ngã sở. Vì có vô minh mới có phiền não, mà phiền não khổ đau thì luôn hiện hữu trong cuộc sống.

Suy ra toàn bộ các chi phần khác, chúng ta sẽ thấy rõ sự tương quan trùng trùng điệp điệp: Mỗi chi phần, có liên hệ nhân duyên với chi phần kế cận, đồng thời, cũng liên hệ như thế với tất cả những chi phần còn lại. Sự tương quan này chằng chịt mật thiết, trong cả không gian lẫn thời gian, không có điểm đầu tiên, cũng không có điểm tận cùng.

Tuỳ theo cách hiểu về mười hai nhân duyên, và tuỳ theo sở thích, hành giả có thể áp dụng nhiều phương pháp về công phu. Nhưng tựu trung, có hai mắt xích quan trọng.

Nếu phá được một trong hai, có thể phá vỡ được sự liên hệ chằng chịt giữa các chi phần: đó là vô minh và Ái, hai chi phần này, là những lực tác động hết sức mãnh liệt, làm chuyển động bánh xe luân hồi, đều có cùng bản chất vô minh.

Hành giả tu theo Duyên Giác, thực hành pháp quán về mười hai nhân duyên. Lúc đầu theo chiều lưu chuyển để thấy rõ sự vận hành của guồng máy sinh tử, trong tinh thần “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh”.

Vì vô minh sanh nên Hành mới sanh, vì Hành sanh nên có Thức sanh… tiếp tục cho đến cuối cùng là Sinh – Lão – Tử. Sau đó hành giả quán theo chiều hoàn diệt trong tinh thần “Cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”.

Tuy vậy, vì Vô minh là tập nhân hùng hậu, khó thể can thiệp được, nên hành giả tập trung tâm lực trừ nhân hiện tại là Ái. Do Ái diệt nên Thủ – Hữu không còn; Thủ – Hữu diệt nên Sanh – Lão Tử diệt; hành giả liễu thoát sinh tử, đạt quả vị Duyên Giác là Bích Chi Phật. Nếu sinh ra đời không gặp Phật  pháp, tự quán lý duyên sinh của trời đất mà ngộ, hành giả được tôn xưng là Độc Giác Phật.

 Hành giả tu theoThiền Đốn Ngộ quan niệm về mười hai nhân duyên bằng tinh thần tương tức tương nhập đã nói ở trên. Vô minh và Hành là biệt danh của Ái – Thủ – Hữu; Thức – Danh sắc – Lục nhập – Xúc. Thọ là biệt sanh của Sanh – Lão tử.

Các vị quán chiếu sự liên hệ hỗ tương trùng điệp của tất cả chi phần, Ngộ được lý duyên sinh, chứng trí Vô ngã, không còn chấp lầm thân tâm sinh diệt vô thường là thật mình.

Vì vậy, đoạn trừ căn bản vô minh. Đây là lối tu ngay gốc, khi gốc bị diệt thì các ngọn ngành theo đó tự tiêu. Nhưng làm thế nào để đoạn trừ được căn bản vô minh? Khi tâm hành giả hoàn toàn rỗng lặng, bặt hết mọi ý niệm phân biệt so sánh, biết tất cả các pháp, mà không sanh tâm trên chúng, cái biết ấy, mới ở trong trạng thái như thị.

Đây là cái “tri kiến vô kiến” đức Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm, hành giả thấy Niết bàn ở ngay: tại đây và bây giờ, không giở chân mà đến. Muốn tìm nước phải ngay sóng mà nhận, ngay trong phiền não phải thấy được Bồ Đề. Nếu thấy rõ trong si mê có hạt giống trí tuệ, trong vô minh đồng thời cũng có Minh hiện hữu, ta sẽ hiểu được tinh thần bất nhị, một tư tưởng vút cao của nhà Phật.

Mười hai nhân duyên là một trong những giáo lý quan trọng trong hệ thống kinh điển của đạo Phật. Giáo lý này cũng nhằm giải thích và chứng minh luân hồi nhưng chủ yếu nhầm đưa đến phương pháp giải thoát sinh tử.

Chúng ta không chỉ hiểu mười hai nhân duyên theo “tam thế lưỡng trùng nhân quả”, trong đó, các chi phần liên hệ nhau theo chiều thời gian; mà nên hiểu theo tinh thần “trùng trùng duyên khởi”; các chi phần liên hệ chằng chịt tương hỗ lẫn nhau theo không và thời gian, trùng điệp vô thuỷ vô chung.

Áp dụng vào công phu tu hành, chúng ta theo thứ lớp đoạn trừ chi mạt vô minh là Ái, rồi dần đến Thủ và Hữu. Đây là lối tu tiệm, cần dụng công nhiều, buông bỏ lần như chặt các ngọn. Tinh thần tu tập, một thời gian lâu xa sẽ thành công, vì có tu có tiến.

Lối tu thứ hai theo Thiền Đốn Ngộ, chúng ta đoạn trừ căn bản vô minh, thật ra không phải là “đoạn trừ vô minh”  mà là “nhận ra Minh ngay tại đó”. Tuỳ theo căn cơ và sở thích, chúng ta tự chọn cho mình một con đường, miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đời tu: ra khỏi nhà phiền não và ra khỏi nhà tam giới.”

Diệu Hiền đọc xong, thở ra một hơi thở dài, rồi nói:

Chú ơi, chú có hiểu gì không? chứ cháu thì mù tịt khi thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả cho rằng: Vô Minh trong quá khứ là không thể tận diệt, cho nên, phải tận diệt vô minh trong hiện tại, và khi vô minh trong hiện tại là nhân, bị diệt, thì sẽ không sinh ra quả tương lai là lão tử, nên không tác động đến vô minh trong quá khứ. Như vậy là sao? Vậy khi vô minh trong quá khứ khích hoạt thì lại trôi lăn theo 12 duyên và lại tiếp tục sinh tử luân hồi?

Này bạn trẻ, nếu bạn có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về đạo Phật thì cũng không khó lắm để bạn hiểu về 12 Nhân Duyên được diễn giải qua thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả mà bạn vừa trình bầy.

Trước hết, chúng ta phải có một nhận thức vô cùng đúng đắn về mục đích của đạo Phật là gì?

Mục đích tối thượng, hay duy nhất của đạo phật là, giúp cho những người đang đau khổ về tâm lý, do những nhận thức sai lầm ràng buộc có thể giải thoát khỏi những sự khổ đau bằng cách nhìn đúng sự thật.

Nếu chúng ta có thêm chút hiểu biết về bối cảnh xã hội, tôn giáo, và các hệ thống tư tưởng triết học trong thời đức Phật còn tại thế thì chúng ta có thể hiểu được, tại sao trong kinh điển của đạo Phật ngày nay, vẫn còn lưu truyền những quả vị có thể đạt đến như: Duyên Giác, Bích Chi Phật, Độc Giác Phật, A La Hán v.v., trong khi, giáo lý của Đức Phật vốn chủ trương là Vô Ngã.

Đơn giản, là vì, phần đông các đệ tử của đức Phật thời đó, dù ít hay nhiều, cũng đã chịu ảnh hưởng bởi hệ thống tư tưởng: đa thần, nhất thần, phân chia đẳng cấp của các tôn giáo, hay hệ thống Triết học. Các tôn giáo, hay hệ thống tư tưởng Triết học này, dựa trên việc phân chia các quả vị để định vị cho sự nhận thức của họ theo trình độ.

Nếu đứng trên góc độ về kiến thức, sự phân chia này đúng, nhưng lại hoàn toàn sai lệch về Đạo Giải Thoát của đức Phật, hay Nhận Thức về Sự Thật.

Đứng trên góc độ của Nhận Thức về Sự Thật, thì một là Biết Đúng Sự Thật, hai là Không Biết Đúng Sự Thật.

Nếu biết đúng Sự Thật thì gọi là Giải Thoát, Giác Ngộ, hay còn gọi là Minh; còn không biết đúng Sự Thật vẫn còn bị ràng buộc dù đau khổ ít hay nhiều thì gọi là Vô Minh.

Cho nên, không thể đem cách thức phân cấp trên góc độ kiến thức để áp dụng cho sự Nhận Thức về Sự Thật khi cho rằng, chúng ta phải đi từng bước một; hết cấp này, rồi đến cấp kia, cho đến khi đạt đến cấp cao nhất. Đây là một trong những nhận thức sai lầm rất nghiêm trọng.

Thí dụ, đứng trên góc độ nâng cao kiến thức, chúng ta phải bắt đầu từ những bước cơ bản như: phải học lớp một trước, rồi mới đến lớp hai; phải học hết tiểu học, rồi mới đến trung học, đại học v.v.

Nhưng đứng trên góc độ Nhận Thức về Sự Thật thì không có sự phân cấp như kiến thức. Chúng ta không thể lý luận rằng, tôi nhận thức sai lầm ít hơn người kia thì đẳng cấp của tôi cao hơn người kia, vì tôi gần với nhận thức về sự thật hơn người kia.

Ông bà ta ngày xưa, có một câu nói rất hay: “trông gà hóa cuốc” để diễn tả hình ảnh nhìn thấy “mờ mờ” như lý luận trên. Nghĩa là, dù có mờ mờ nhìn thấy sự thật thì vẫn không đúng sự thật. Trong khi, sự thật là con gà, mà qua mờ mờ, chúng ta lại thấy ra con cuốc.

Vì vậy, những quả vị trong kinh điển hiện tại trong đạo Phật, chắc chắn, không phải là chủ trương hay cứu cánh của đức Phật, nếu có chăng, chỉ là phương tiện, vì hoàn cảnh lúc đó, có qúa đông các đệ tử của Ngài đã có quá quen với cách phân chia đẳng cấp của các tôn giáo, hay kinh điển khác, mà các đệ tử của Ngài lúc trước đã tu tập.

Cho nên, đức Phật mới dùng những qủa vị đó để giúp cho các đệ tử của Ngài, có kinh nghiệm về phân chia quả vị trước đó có thể nương theo để đạt được sự Giải Thoát. Đó mới là mục đích cuối cùng của đức Phật.

Chúng ta ngày nay rất may mắn không có những lệ thuộc vào những hệ thống tư tưởng Triết học của các tôn giáo cũ. Chúng ta lại may mắn hơn, khi đã có những sự trải nghiệm, và hướng dẫn của đức Phật, để kiểm chứng và thực chứng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải gạn lọc lại, đâu là những tinh hoa, cốt lõi, trong việc giúp chúng ta giải quyết những sự khổ đau đích thực, chứ không nên cứ y kinh mà thực tập.

12 nhân duyên, dưới góc nhìn trải nghiệm của đức Phật là 12 yếu tố hay 12 chi phần tạo ra những nhận thức sai lầm của con người khiến cho họ đau khổ.

Khi con người có sự hiểu biết đúng đắn về những nguyên nhân đó, và tiếp xúc được với sự thật mà không qua sự phỏng đoán (vọng tưởng), qua cách nhìn nông cạn, thì chúng ta có thể giải thoát khỏi những nhận thức sai lầm đưa đến khổ đau.

Nếu chúng ta dựa vào những chức năng được phân chia rõ ràng trong Chín Thức, chúng ta sẽ hiểu được rất rõ sự mầu nhiệm về 12 nhân duyên mà đức Phật đã chỉ dậy.

Trước hết, chúng ta hãy quan sát định nghĩa về hai chữ Nhân Duyên.

Theo đạo Phật, Nhân tức là hạt giống, và Duyên là điều kiện đầu tiên.

Sở dĩ, chữ Nhân là hạt giống, vì theo quan điểm của Duy Thức học, Tiềm Thức là nơi dung chứa tất cả mọi hạt giống, bao gồm các hạt giống như: buồn, vui, khổ đau, hạnh phúc, thiện, ác v.v. Vì chức năng của Tiềm Thức không có khả năng phân tích, so sánh, quan sát như Ý Thức, cho nên, trong Tiềm Thức không có sự phân biệt đâu là hạt giống tốt nên phát huy, hay đâu là hạt giống xấu nên loại bỏ.

Vì vậy, Tiềm Thức được gọi là vô ký hay vô minh (không sáng suốt trong sự phân biệt, thiện, ác đúng, sai). Thế nên, khi một người Giác Ngộ thì Tiềm Thức có danh xưng là vô ký, vô minh được đổi thành một danh xưng mới: Đại Viên Cảnh Trí (hiển hiện soi sáng).

Theo 4 lý Duyên Khởi, nếu đã có Nhân Duyên (hạt giống điều kiện đầu tiên), và nếu muốn hạt giống đó nẩy sinh, phát triển, thì cần phải có thêm những điều kiện khác. Những điều kiện phát triển này, có một tên riêng là Tăng Thượng Duyên (Tăng là thêm vào, Thượng là trên).

Trong qúa trình phát triển của Tăng Thượng Duyên, lại có hai trường hợp sẽ xẩy ra: gọi là phát triển, hay lớn lên theo hướng Thuận, nghĩa là, có sự hỗ trợ, nâng đỡ, bổ túc (thuận), và phát triển lớn lên theo hướng nghịch, nghĩa là, có chướng ngại, ngăn chặn.

Chúng ta ngày nay, giản lược Tăng Thượng Duyên theo hướng thuận là Thuận Duyên, và Tăng Thượng Duyên theo hướng nghịch là Nghịch duyên.

Tuy có Tăng thượng Duyên để phát triển hạt giống theo hướng thuận hay nghịch, nhưng nếu không có sự liên tục, không gián đoạn thì cả giai đoạn phát triển và hạt giống cũng không thể tồn tại. Qúa trình này, có tên gọi là Thứ Đệ, có nghĩa là, có trước có sau, có sự liên tục không bị gián đoạn. Hay còn có một tên gọi khác là, Đẳng Vô Gián. Đẳng tức là, thường thường, còn Vô Gián là không bị gián đoạn.

Và cả ba điều kiện trên, nếu muốn tiếp tục tồn tại hay phát triển mạnh lên đều phải có một đối tượng tác động; và đối tượng đó sẽ tưới tẩm hay khích hoạt hạt giống đó liên tục. Quá trình này gọi là Duyên Sở Duyên hay đối tượng (Sở) tạo tác.

Đây gọi là bốn Lý Duyên Khởi, diễn tả về quá trình của một đối tượng đã tác động và tưới tẩm hạt giống nẩy mầm, phát triển liên tục, không gián đoạn trong Tiềm Thức theo Duy Thức học.

Thí dụ, chúng ta có một người bạn (đối tượng/Sở), đi nói xấu chúng ta (chủ thể/Năng). Hạt giống (Nhân Duyên) khổ đau trước khi người bạn đi nói xấu đã có mặt trong Tiềm Thức, nhưng vì chưa đủ các điều kiện, nên không phát triển.

Khi những lời nói không đúng sự thật của người bạn đến tai của chúng ta qua Nhĩ Thức (nhận biết được những âm thanh qua lời nói), và đưa về kho Tiềm Thức để lưu giữ; theo Duy Thức học, có nghĩa là, người bạn đó, đang tưới tẩm, hay cung cấp những điều kiện cho hạt giống khổ đau trong chúng ta được phát triển (Tăng Thượng Duyên). Và nếu người bạn đó, cứ đi nói xấu chúng ta liên tục không gián đoạn (Thứ Đệ Duyên) thì hạt giống khổ đau trong chúng ta cứ lớn dần.

Như vậy, đứng trên góc độ về Tâm Lý thì bốn điều kiện phát khởi trên hoàn toàn hợp lý và chính xác. Nhưng nếu đem áp dụng bốn điều kiện đó cho Vật Lý thì lại còn tùy vào từng trường hợp.

Tiếc thay, khi các đệ tử của đức Phật, vì muốn chứng minh giáo lý của đạo Phật là giáo lý bao trùm cả Tâm, Sinh, Vật Lý; cho nên, các đệ tử của đức Phật đã biến giáo lý của đạo Phật (Đạo đi tìm sự thật để giải quyết những nhận thức sai lầm của Ngã Thức gây ra sự khổ đau) thành Triết học, đi tìm nguyên nhân tạo ra vũ trụ và muôn loài.

Đây là một nhận thức cực kỳ lệch lạc mà những người học đạo giải thoát chân chính cần chỉnh sửa.

Chúng ta hãy quan sát 4 lý duyên khởi trên khi áp dụng vào một hạt cam. Khi hạt cam được gieo trồng xuống đất, qua sự tiếp xúc với các điều kiện thuận, bắt đầu nẩy mầm, và tạo thân lá (Tăng Thượng Duyên). Nếu những điều kiện vẫn được cung cấp đầy đủ, và liên tục, không bị gián đoạn thì cây cam càng ngày càng lớn mạnh (Thứ Đệ Duyên). Nhưng còn Duyên Sở Duyên, nghĩa là, điều kiện của đối tượng của cây cam thì làm sao giải thích.

Về Tâm Lý, khi giải thích Duyên Sở Duyên thì hợp lý, vì khi chúng ta giận thì phải có chủ thể là chúng ta, và giận đối tượng nào. Đối tượng có thể là trời, là đất, là hoàn cảnh, hay là giận chính mình, chứ chúng ta không thể giận mà không có đối tượng nào cả.

Nhưng ở đây, cây cam chỉ phát triển trong sự tương tác của các duyên, nghĩa là, khi có đầy đủ các duyên liên tục thì cây cam sẽ phát triển thành hoa và trái cam, mà không phải trái khác. Cây cam không lấy đối tượng là cây quýt phát triển mạnh hơn, hay trái ngọt hơn mà buồn phiền, đau khổ; hay không lấy vị ngọt hơn của trái Quýt để phát triển vị cam thành vị quýt. Hay nói đúng hơn, cây quýt chẳng có tưới tẩm hay tạo tác gì cho sự phát triển của cây cam cả.

Cho nên, Duyên Sở Duyên không thể áp dụng cho cây cam được.

Như vậy, nếu muốn áp dụng, chúng ta có thể nói, bốn lý duyên khởi, khi áp dụng về Tâm Lý để giúp chúng ta nhìn sâu hơn, để tiếp cận với sự thật là chính xác; nhưng đứng trên góc độ về Vật Lý thì bốn lý duyên khởi dành cho Tâm Lý này, chỉ có thể ứng dụng cho Vật Lý, nhưng tùy trường hợp.

Chứ chúng ta không thể khiên cưỡng, áp đặt, và cho rằng, bốn lý duyên khởi đều áp dụng đúng và chính xác với cả Tâm, Sinh, Vật Lý được.

Thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả cũng rơi vào cùng trường hợp với bốn lý Duyên Khởi vừa rồi. Nghĩa là, các đệ tử của đức Phật đã đem Nhận Thức 12 nhân duyên ứng dụng cho việc nhận dạng những nguyên nhân gây ra khổ của Ngã Thức thuộc về Tâm Lý, lại đem diễn giải và áp dụng vào nguyên nhân tạo tác ra vũ trụ và muôn loài, đặc biệt là con người.

Chính vì thế, đã tạo ra biết bao nhận thức sai lầm khiến cho những người học đạo Phật sau này, càng khó khăn hơn trong qúa trình giác ngộ.

Thuyết 12 nhân duyên của đức Phật, nếu chúng ta có dịp đọc những kinh điển của Ngài, chúng ta thấy, lúc ban đầu, đức Phật chỉ dùng có 1 duyên/chi như: Các Pháp Hữu Vi Nương Nhau Mà Có.

Sau đó, tùy theo hoàn cảnh, môi trường, điều kiện, kinh nghiệm, sự cần thiết trong quá trình tu tập của đệ tử, v.v, nên tiếp tục phát triển và hình thành thành các duyên khác như sau:

2 duyên/chi: Nhân và Quả

3 duyên/chi: Tam Thế: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị lai

4 duyên/chi: Vô Minh, Hành, Sinh, Lão Tử

5 duyên/chi: Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử

6 duyên/chi: Tam Thế Nhân Và Nhân Quả, gồm: Nhân Quá Khứ, Nhân Hiện Tại, Nhân Tương Lai, và Quả Quá Khứ, Quả Hiện Tại, Quả Tương Lai

9 duyên/chi: Thức, Danh Sắc, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử

10 duyên/chi: Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử

12 duyên/chi: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão Tử

Nếu có ai đó cắc cớ, muốn bắt bẻ, hay đả phá, và lý luận rằng, giáo lý của đức Phật là không chuyên nhất, vì khi thì đức Phật nói 1 chi, khi thì 2 chi, khi thì 5 chi, khi thì 12 chi, vậy cái chi nào, mới là giáo lý thật của đức Phật?

Nếu bạn là người đặt ra câu hỏi này thì bạn đã có sự lầm lẫn giữa phương tiện là cứu cánh. Là một bậc Giác Giả, đức Phật đã trình bầy nhận thức của Ngài hết sức rõ ràng qua kinh điển. Ngài cho rằng, các chi đều là giả, khi các chi không thể giúp cho người thực tập đạt được sự giải thoát. Và các chi đều là thật, khi các chi có thể giúp cho người thực tập đạt được sự giải thoát. Ngài không bao giờ cho rằng: chi này quan trọng hơn chi kia, hay chi này có trước chi kia.

Tất cả các chi chỉ là phương tiện, tùy theo kinh nghiệm của người đang thực tập mà đức Phật nương theo kinh nghiệm của người đó để trình bầy. Không ngoài một mục đích duy nhất, giúp cho họ nhận ra được cứu cánh.

Cứu cánh của đạo Phật là giúp Ngã Thức của người thực tập đang đau khổ do những nhận thức sai lầm được giải thoát khỏi những ràng buộc khi tiếp xúc với sự thật.

Thí dụ: bạn là người có kinh nghiệm về nấu ăn nhưng không có kinh nghiệm về cắm hoa. Nếu đức Phật muốn nương nơi nghệ thuật cắm hoa dậy cho bạn về chánh niệm thì bạn sẽ rất khó hiểu; vì bạn không có kinh nghiệm chánh niệm là gì. Nhưng nếu đức Phật đem kinh nghiệm về nấu ăn dậy cho bạn, như: khi bạn đang chú tâm vào việc rửa sạch rau thì việc chú tâm của bạn gọi là chánh niệm. Chắc chắn, bạn sẽ hiểu được ngay.

Với đức Phật, cái quan trọng nhất, hay cứu cánh mà đức Phật muốn dậy cho bạn, đó chính là chánh niệm, chứ không phải nghệ thuật cắm hoa, hay nghệ thuật nấu ăn. Vì cả hai chỉ là phương tiện. Và cả hai phương tiện này, chẳng có phương tiện nào cao hay thấp, sang hay hèn.

Và nếu như bạn thông minh hơn, khi bạn đã nhận diện ra được chánh niệm là gì, bạn có thể áp dụng chánh niệm không phải chỉ cho nấu ăn, mà còn cho tất cả các việc khác. Bạn không cần phải học chánh niệm khi cắm hoa như thế nào, hay chánh niệm khi đang lái xe như thế nào.

Bởi vì, chánh niệm là chánh niệm. Chánh niệm trong khi nấu ăn, với chánh niệm trong khi cắm hoa, hay chánh niệm khi đang lại xe, đều giống nhau. Đây chính là ý nghĩa của câu: “một là tất cả”.

Như vậy, khi học hỏi về giáo lý của đạo Phật, nếu bạn muốn học hỏi nghiêm túc và đúng đắn, bạn chỉ cần bỏ thời gian ra, lựa chọn một pháp môn nào mà bạn đã có kinh nghiệm, và chuyên tâm thực tập phương pháp đó mà thôi.

Đừng ôm đồm, đi học tất cả những pháp môn mà bạn không hề có kinh nghiệm. Không những bạn vừa phí thời gian mà bạn còn gây ra rất nhiều hậu quả, và tạo ra nhiều nhận thức sai lầm. Vì sao? Vì những gì bạn không có kinh nghiệm trải qua, bạn sẽ sử dụng sự phỏng đoán và tưởng tượng. Và sự phỏng đoán hay tưởng tượng thường là sai sự thật.

Đó là chưa kể, mỗi phương tiện có cách ứng dụng khác nhau, và cách ứng dụng này có thể đối nghịch với cách ứng dụng kia. Nếu bạn không có kinh nghiệm về sự ứng dụng, bạn sẽ luôn trầm luân trong những ưu tư và thắc mắc.

Thí dụ như, bụng bạn đang đói, và bạn bước vào một quán ăn có cả trăm món, và bạn chỉ thích ăn bún bò Huế. Vậy, bạn sẽ gọi một món bún bò Huế hay bạn sẽ gọi cả trăm món trong thực đơn, vì trong một trăm món có món bún bò Huế.

Ai trong chúng ta cũng sẽ cười nghiêng ngã, nếu chúng ta chứng kiến một người, chỉ vì muốn ăn một tô bún bò Huế mà đi gọi cả một trăm món ăn.

Và ai trong chúng ta, cũng đều có chung một nhận xét: người này có vấn đề. Nếu một người không có vấn đề, muốn ăn bún bò Huế thì gọi món bún bò Huế ăn no, là đủ.

Tiếc thay, khi học về giáo lý của đức Phật, chúng ta lại là người có vấn đề, chúng ta là người đi gọi cả trăm món ăn, trong khi, chúng ta chỉ cần có một món, để no bụng. Cứu cánh của một món hay cả trăm món, cũng đều giống nhau, là đi giải quyết chuyện chúng ta đang đói bụng, và cần ăn để no bụng.

Nhân đây, chúng ta hãy quan sát về 2 chi là Nhân và Quả, là hai điều kiện mà phần lớn chúng ta đã sử dụng một cách vô cùng lộn xộn và không chính xác.

Đứng trên góc độ về định lý, thuyết nhân quả hoàn toàn chính xác về cả hai lĩnh vực: tâm lý và vật lý.

Thí dụ, về tâm lý, khi chúng ta có một suy nghĩ sai lầm như coi thân thể này là không, và đem ngón tay dí vào cục than hồng, thì ngón tay của chúng ta sẽ bị phỏng và tạo ra cảm giác đau đớn.

Nếu đứng trên góc độ Nhân Quả, từ nguyên nhân đầu tiên, chúng ta hiểu sai về lý Không của đạo Phật, khi cho rằng, thân thể này vốn thật là không (nhân), cho nên, đưa chúng ta đến hành động là dí ngón tay vào than hồng (quả). 

Rồi từ cái quả là hành động dí tay vào than hồng, mới làm tay bị phỏng, tạo ra một nhân mới, và sau đó, đưa đến cảm giác đau đớn (quả) trong Ngã Thức.

Nếu chúng ta giản lược, nhìn phiến diện, và cho rằng, cái nhân đầu tiên là từ sự nhận thức sai lầm đã gây cái qủa là cảm giác đau đớn thì không chính xác. Vì cái nhân đầu tiên, không phải tạo ra cái quả là cảm giác đau đớn mà là hành động dí tay vào than hồng.

Nhưng trong thực tế, chúng ta thường dùng thuyết nhân quả theo cách giản lược như, từ nhận thức sai lầm là nhân, dẫn đến hậu quả là cảm giác đau đớn; hơn là, chúng ta nhìn đúng với sự thật, nhân này tạo ra quả kia, và quả kia, lại là nhân mới tạo ra quả khác.

Về vật lý, nếu chúng ta lấy một hạt cam (nhân), và gieo trồng xuống đất, khi có đủ duyên thì sẽ có cây cam và các quả cam. Điều này, cũng đúng và chính xác trên định lý căn bản về thuyết nhân quả. Cái có trước được gọi là nhân, vì sự tác động hay điều kiện nào đó mà tạo ra cái thứ hai là quả.

Như vậy, đứng trên góc độ định lý luận về luật nhân quả thì cả tâm lý và vật lý đều đúng với định lý. Cái có trước, qua sự tác động hay điều kiện tạo ra cái thứ hai thì cái có trước được gọi là nhân, và cái thứ hai được gọi là quả.

Nhưng nếu đứng trên góc độ của ứng dụng luật nhân quả trong thực tế thì không phải như vậy mà còn có thêm một điều kiện quan trọng khác nữa, là Quá Trình Phát Triển từ nhân đến quả. Quá trình này, mới là yếu tố quan trọng quyết định cái quả sẽ ra sao. Và cái quả, đôi khi, không ra đúng với cái nhân ban đầu.

Thí dụ, về vật lý, nếu chúng ta đem hạt cam gieo xuống đất thì cái kết qủa mà chúng ta đạt được phải là trái cam chứ không phải trái quýt. Điều này, chỉ đúng với định lý khi điều kiện trong qúa trình phát triển cây cam không có sự thay đổi nào khác. Nhưng nếu, trong quá trình phát triển mà có sự thay đổi thì cái quả mà đạt được sẽ không phải là từ cái nhân ban đầu mà có thể từ nhân khác.

Chẳng hạn như, thay vì, trong quá trình phát triển cây cam tạo thành các quả cam, chúng ta lại đem chặt phần thân của cây cam và ghép vào thân cây cam bằng các cành của cây quýt. Thời gian sau, chúng ta lại có quả quýt chứ không phải là quả cam. Mặc dù, khi chúng ta trồng là hạt giống (nhân) của quả cam.

Cũng tương tự như vậy trong lĩnh vực về tâm lý.

Thí dụ: thấy một người đang chết đuối, chúng ta khởi lòng thương và muốn cứu người; đó là một nhân tốt. Nhưng trong quá trình chúng ta nhẩy xuống cứu người, chúng ta không có kinh nghiệm làm sao cứu người đang chết đuối, thì người đang chết đuối vì sợ chết sẽ níu kéo chúng ta, và cả hai cùng bị chết chìm (hậu quả).

Như vậy, khởi đầu là một nhân tốt, cứu người, thay vì, đạt được kết quả, cứu sống người đó và có niềm vui. Nhưng trong quá trình cứu người đã thay đổi kết quả thành hậu quả. Thay vì kết quả sau khi cứu người là niềm vui thì lại có một hậu quả là đau buồn vì mất mát.

Rõ ràng, đâu phải cứ cứu người là một nhân tốt thì sẽ cho ra kết quả tốt là niềm vui, mà có khi, lại ra một hậu quả khác, trái ngược, là nỗi đau buồn.

Như vậy, qua sự quan sát và nhìn sâu hơn trong ứng dụng, chúng ta sẽ không còn sợ cái nhân sẽ là tốt hay xấu, chúng ta cũng không sợ cái quả là tốt hay xấu. Vì dù nhân hay quả, qua quá trình phát triển, chúng ta có thể thay đổi mà không hoàn toàn lệ thuộc 100 % vào cái nhân hay cái quả đó là gì.

Cho nên, khi học về thuyết nhân quả, chúng ta cần phải biết thuyết nhân quả đó, đang diễn đạt ở lĩnh vực nào, là định lý luận, hay ứng dụng luận, v.v., vì hai điều đó, hoàn toàn khác biệt nhau và có khi còn đối nghịch nhau.

Nhưng thuyết nhân quả của đức phật chỉ dậy vẫn hoàn toàn đúng về mặt tâm lý, nghĩa là, khi có một ý niệm khởi sinh thì sẽ có một cái quả nào đó, có thể sẽ là hậu quả hay kết quả.

Chính vì vậy, Ngài đã chỉ dậy phương pháp Tứ Diệu Đế để chúng ta ứng dụng trong qúa trình phát triển của nhân quả. Cũng chính vì Ngài biết, quá trình phát triển sẽ thay nhân và quả, nên Ngài không coi trọng cái nhận thức sai lầm hay vô minh từ đâu, khởi sinh từ lúc nào, hay khổ đau đó từ đâu mà có. Chỉ cần trong qúa trình phát triển, chúng ta liên tục tu sửa thì cái quả sẽ ra theo đúng ý chúng ta muốn.

Như vậy, qua 12 nhân duyên, chúng ta thấy, đạo lý của đức Phật không phải đưa ra để giải thích về nhân sinh và vũ trụ, cũng như, không đi giải thích về quá trình luân hồi, tái sinh, như Ấn Độ giáo, mà là phương pháp để giải quyết sự khổ đau đang có trong Ngã Thức của mỗi con người.

Nhưng các đệ tử của Ngài, vì đã thấm nhuần tư tưởng về Triết học của Áo Nghĩa Thư, Vệ Đà, khi nền Triết học này sử dụng sự tái sinh qua luân hồi lục đạo để giải thích về nhân sinh, vũ trụ, nguyên nhân tạo ra các pháp. Có kiếp trước và kiếp sau để giải thích về sự bất bình đẳng về gia cấp của con người trong xã hội do các tăng lữ Bà La Môn đang thống trị.

Chính vì vậy, chúng ta mới có thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả như ngày nay, nhằm giải đáp lý lẽ về luân hồi và tái sinh. Cho nên đã tạo ra rất nhiều nhận thức lệch lạc và không có độ chính xác.

Trên căn bản, 12 Nhân Duyên của đức Phật, qua quan sát thì đó là 12 hạt giống điều kiện chứ không phải là 12 mắt xích, nối liền vào với nhau tạo thành thế luân hồi, vô thỉ vô chung. Qua quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy, thông thường, một cảm giác khó chịu có mặt trong Ngã Thức, đôi khi, chỉ có vài ba điều kiện chứ không cần phải có đủ 12 điều kiện.

Thí dụ: Có một anh chàng thấy một cô gái đi qua, anh chàng liền nẩy sinh cảm giác ưa thích và chạy theo dùng lời ngon ngọt để tán tỉnh. Cô nàng không ưa, khó chịu, nên quay lại, mắng anh một trận. Anh chàng này xấu hổ, bỏ đi trong bực tức, và miệng lẩm bẩm, chửi thề.

Nếu chúng ta quan sát câu chuyện trên, qua sự vận hành của các Thức, và 12 nhân duyên, chúng ta thấy, qua Nhãn Thức (lục nhập), anh chàng nhận ra được cô gái và hình ảnh cô gái đó được đưa về Tiềm Thức.

Vì trong Ngã Thức của anh trong qúa khứ đã có tiêu chuẩn con gái như thế nào là xấu hay đẹp qua sự phân tích của Ý Thức, và Ngã Thức của anh đã chọn lựa, thích gái đẹp. Cho nên, khi hình ảnh cô gái đó qua Nhãn Thức đưa về Tiềm Thức có liên quan đến con gái nên được đưa vào kho của Ngã Thức.

Ngã Thức khi nhận được hình ảnh của cô gái đó, dựa theo tiêu chuẩn đã chọn lựa, có sẵn, và Ngã Thức chấp nhận cô gái kia là cô gái đẹp, nên hình ảnh cô gái đẹp đã khích hoạt nguồn năng lượng của thích gái đẹp.

Nguồn năng lượng thích gái đẹp của anh khi có mặt trên Ngã Thức, liền khích hoạt Ý Thức đi phân tích và so sánh xem, phải sử dụng những ngôn từ nào, hay câu nói nào để chinh phục cô gái đẹp, từ kho dữ liệu của Tiềm Thức.

Kho dữ liệu của Tiềm Thức về tán gái của anh chàng này có nhiều hay ít, tùy thuộc vào trước đây kiến thức (Ý Thức) của anh đã có, hay trải qua về tán gái nhiều hay ít, hay qua sự tích lũy từ những kiến thức tán gái của người khác mà anh đã được đọc qua sách vở, tài liệu, hay học qua sự quan sát những người khác.

Khi Ý Thức đã phân tích, so sánh, và chọn lọc những lời nói xong thì gởi về cho kho Ngã Thức trong Tiềm Thức. Ngã Thức với sự có mặt của nguồn năng lượng thích gái đẹp liền ra lệnh cho Thân Thể Thức hoạt động. Thân Thể Thức liền ra lệnh cho não bộ điều khiển đôi chân đi theo, và dùng miệng để nói những lời mà Ý Thức đã phân tích.

Khi cô gái nghe những lời tán tỉnh của anh, và không thích, nên mắng anh. Những lời mắng của cô gái, qua tai, tác động lên Nhĩ Thức. Nhĩ Thức nhận những âm thanh, lời nói của cô gái, đưa về kho Ngã Thức trong Tiềm Thức.

Ngã Thức nhận được những lời nói đó mới đưa qua Ý Thức phân tích. Ý Thức lại vào kho Tiềm Thức lấy dữ liệu để so sánh, và đưa ra kết quả; những lời đó, mang hình thức xúc phạm, coi thường, và gởi kết quả về Ngã Thức.

Ngã Thức khi nhận được kết quả từ Ý thức sẽ nối kết quả với những cảm xúc/giác đã được Ngã Thức chọn lựa. Nếu những kết quả đó, trùng với những cảm xúc/giác tên gì thì nguồn năng lượng đó được khích hoạt. Nếu những lời nói đó, không trùng với những cảm xúc/giác mà Ngã Thức đã chọn lựa hay chưa có thì không có nguồn năng lượng được khích hoạt.

Nếu như không có nguồn năng lượng nào khích hoạt thì Ngã Thức của anh chàng này vẫn tiếp tục duy trì nguồn năng lượng thích gái đẹp, và vẫn tiếp tục tán tỉnh cô gái, mặc dù, cô gái đã không ưa, và đã mắng anh. Nhưng anh vẫn cứ cười vui, vì lúc đó, Ngã Thức của anh đang duy trì nguồn năng lượng của thích gái đẹp kết hợp với nguồn năng lượng tích cực, là vui vẻ. Trường hợp này, chúng ta gọi anh chàng là “chai mặt” hay “lỳ”.

Nhưng trong trường hợp này, anh chàng bị những lời nói của cô gái tác động đến cảm giác xấu hổ. Khi cảm giác xấu hổ được khích hoạt thì lấn chiếm cảm giác thích gái đẹp, khiến cho Ngã Thức của anh rơi vào trạng thái tiêu cực.

Cảm giác xấu hổ liền kết hợp với các cảm giác tiêu cực khác như, sự bực tức, giận, tác động lên Ngã Thức của anh chàng. Ngã Thức vì bị sự bực tức khống chế nên ra lệnh cho Ý Thức tìm giải pháp để giải tỏa sự bực tức.

Ý Thức lại so sánh, phân tích tìm ra những cách giải quyết khác nhau, và gởi về kho Ngã Thức trong Tiềm Thức. Ngã Thức khi nhận được những giải pháp của Ý Thức như: đá lon, la hét, chửi thề, bạo hành v.v. thì sẽ chọn lựa cái nào có lợi nhất cho Ngã Thức.

Khi đã chọn xong, Ngã Thức ra lệnh cho Thân Thể Thức, và Thân Thể Thức ra lệnh cho não bộ điều khiển các bộ phận để đưa ra các hành động giải tỏa cơn bực tức. Ở đây, Ngã Thức của anh chàng này đã chọn giải pháp: chửi thề.

Như vậy, qua thí dụ trên, chúng ta thấy có các điều kiện (duyên) như: Hành, Thân Thể Thức thay vì Thức, Lục Nhập, Thọ và Xúc, vẫn có thể tạo ra sự khổ đau, sự bực tức, chứ không nhất thiết phải có đủ 12 mắt xích Nhân Duyên mới tạo ra đau khổ.

Hay trong trường hợp của anh chàng này, chỉ có Hành (nhân quá khứ) có Thọ, Xúc (quả hiện tại), nhưng lại không có Ái, Thủ, Hữu (nhân hiện tại) tác động nên không tái sinh: Sinh, Lão Tử (quả tương lai) theo thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả. Vậy là anh chàng này thoát ly khỏi sinh tử luân hồi sao?

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng, nếu đức Phật sẽ tái sinh trong thời đại này thì Ngài sẽ dậy chúng ta về 12 nhân Duyên theo ngôn ngữ hiện đại như thế nào, dựa trên tinh thần Thân Tâm Nhất Như.

Trong Duy Thức học, tuy được phân chia thành 100 thức, nhưng tất cả các thức chỉ chú trọng đến sự vận hành, tương tác, và tương nhập các thức của Tâm, nhưng lại thiếu hẳn phần quan trọng nhất mà các đạo giáo đều đề cập đến, là Thân Thể của con người.

Các nhà khoa học trong nghành Cơ Thể học ngày nay, vẫn đang thắc mắc và nghiên cứu, tại sao cơ thể của con người, từ một hợp tử nhỏ nhoi (bắt đầu cuộc sống của con người), hay một tế bào nào đó, đều vận hành một cách trơn tru, hài hòa, đến một cách kỳ lạ.

Tế bào Tcell, có thể phân biệt được đâu là những vi khuẩn, vi trùng có lợi cho cơ thể thì giữ lại; đâu là những vi khuẩn, vi trùng có hại cho cơ thể thì tiêu diệt đi.

Rồi các tuyến như Yên, Tùng, v.v. lại có thể tự sản xuất ra các loại hormone để quân bình các cơ quan khi hoạt động qúa công suất tạo nên sự mất cân bằng giữa các tế bào. Và còn biết bao điều kỳ diệu xẩy ra giữa hệ thống thần kinh, và các hệ thống khác như: tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, v.v, luôn phải biết hợp tác, hỗ trợ nhau.

Tóm lại, thân thể của con người là một tổ hợp của hàng tỷ tế bào đang sinh hoạt với nhau một cách hài hòa. Mỗi cơ quan bộ phận đều biết nó phải làm gì, và làm tốt nhất, để duy trì sự sống của con người.

Qua đó, chúng ta thấy, tất cả mọi cơ quan trong thân thể đều có sự biết ra, nhận ra, ngay cả khi, chỉ mới là hợp tử. Sự biết ra, nhận ra này, chẳng phải là định nghĩa của Thức sao? Như vậy, rõ ràng, trong thân thể của con người cũng có một thức, và Thức đó điều hành cơ thể, cho nên, gọi là Thân Thể Thức.

Nếu chúng ta quan sát và nhìn sâu hơn, chúng ta thấy, Thân Thể Thức là Thức liên quan đến qúa trình cấu tạo và sinh diệt thuộc về thân thể của con người, trong đó bao gồm: tất cả các cơ quan lớn như: lục phủ, ngũ tạng, não, hay đến những phần nhỏ như: giao tử, DNA, RNA, tế bào v.v. có chức năng tạo ra sự sinh diệt của các tế bào, cơ, mô, và duy trì sự sinh hoạt hài hòa của thân mạng.

Theo khoa học, Thân Thể Thức của một cá thể còn được gọi là xung động nội môi (homeostatic impulse). Nhiệm vụ của Thân Thể Thức là giữ cho thân nhiệt của cá thể đó luôn ở 98,6 độ F (37 độ C). Đồng thời, giúp cho cơ thể của cá thể đó có thể thở đều đặn, và giữ cho tim của cá thể đó đập ở một nhịp độ nhất định, v.v.

Ngoài ra, Thân Thể Thức còn thông qua hệ thống thần kinh tự trị (autonomic nervous system) của cá thể để điều khiển và duy trì sự cân bằng giữa hàng trăm chất hóa học trong hàng tỷ tế bào của cá thể được hoạt động hài hòa, hoàn hảo, trong hầu hết thời gian.

Thân Thể Thức có sự liên kết chặt chẽ với tất cả các thức, bao gồm: Ngã Thức, Ý Thức, Tiềm Thức và ngũ thức. Ngoài ra, còn có các là chức năng khác như sau:

  • Kho chứa tất cả các thông tin, dữ liệu của hợp tử, DNA, RNA, tế bào, v.v.
  • Quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, phỏng đoán
  • Tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ thức ăn, chuyển hóa các chất dinh dưỡng đó thành năng lượng và thực hiện các chức năng chuyên biệt.
  • Duy trì bộ nhớ lâu dài và nối kết các thông tin dữ liệu, có khả năng sáng tạo
  • Cung cấp thông tin liên tục cho Ngã Thức.
  • Là chủ nhân của ngũ Thức
  • Ngôn ngữ chính: năng lượng

Chính vì, có các chức năng như phân tích, tính toán, tổng hợp, v.v như Ý thức, nên dưới sự điều khiển của Thân Thể Thức não bộ có khả năng tự sản xuất và tăng giảm các chất khích thích tố để tạo nên sự hài hòa hoạt động giữa các tế bào, cơ mô, hệ thần kinh, v.v. cũng như, tế bào máu có thể phân biệt để tiêu diệt các loại vi trùng, hay vi khuẩn, hay sự xáo trộn các mô, cơ, qua những nhận thức sai lầm của các tế bào, mô, cơ, tạo ra tế bào ung thư,v.v.

Thân thể Thức cũng như Tiềm Thức có sự hoạt động không ngừng nghỉ, và khác với Tiềm Thức là kho dữ liệu tổng thể, trong khi, Thân Thể Thức là kho dữ liệu biệt thể, chỉ liên quan đến các phần trong cơ thể.

Thí dụ, khi Ngã Thức muốn nhìn một hình ảnh thì tác động lên Thân Thể Thức. Thân thể Thức mới tác động lên não bộ, và não bộ mới điều khiển hệ thần kinh và các cơ mắt mở ra, rồi mới kết hợp với Nhãn Thức để phân biệt hình ảnh.

Nếu không có Nhãn Thức thì chúng ta không biết hình ảnh đó là gì; vì Thân Thể Thức là Thức chỉ lưu giữ những thông tin và dữ liệu liên quan đến sự sinh hoạt của thân thể (biệt thể). Cho nên, hình ảnh bên ngoài, nếu Ngã Thức muốn biết, thì Thân Thể Thức phải kết hợp Nhãn Thức (tương tự cách thức vận hành cho cả bốn Thức khác) để biết hình ảnh đó. Ngược lại, Tiềm Thức thì lưu giữ tất cả mọi thông tin và dữ liệu, trong đó, bao gồm luôn thông tin và dữ liệu từ Thân Thể Thức (tổng thể).

Thân Thể Thức không có cảm xúc/giác nhưng lại có sự tương tác, tương tức và tương nhập trực tiếp với cảm xúc/giác và ý muốn từ Ngã Thức.

Tuy nhiên, Thân Thể thức cũng như Tiềm Thức, không chịu sự điều khiển từ Ngã Thức, mà đôi khi, còn bắt Ngã Thức phải khuất phục Thân Thể Thức. Vì thế, Ngã Thức chỉ có thể sử dụng Thân Thể Thức như một “công cụ” hay “một nơi cư trú” để thỏa mãn những sinh hoạt mà Ngã Thức muốn qua thân thể.

Thí dụ: Ngã Thức muốn thức khuya để coi phim, nhưng nếu Thân Thể Thức nhận được những tín hiệu từ các bộ phận đã hoạt động qúa mệt mỏi, thì Thân Thể Thức sẽ phân tích và đưa ra sự lựa chọn, rồi chuyển về Ngã Thức.

Ngã Thức có quyền không theo sự lựa chọn của Thân Thức, và tiếp tục gia tăng “áp lực” bắt Thân Thể Thức phục vụ cho ý muốn của mình. Thân Thể Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức sẽ ra lệnh cho các cơ của mắt, căng lên, để giúp cho mắt có thể mở. Tuy mắt mở, nhưng Nhãn Thức lại không nhận diện được những hình ảnh trong phim một cách rõ ràng, vì các cơ mắt và hệ thống thần kinh mắt đang trong tình trạng mệt mỏi.

Các cơ mắt, khi đã quá ngưỡng chịu đựng thì Thân Thể Thức bất chấp là Ngã Thức muốn coi phim cũng tự động ra lệnh cho mắt nhắm lại, cũng như, ra lệnh cho các bộ phận mệt mỏi khác dừng hoạt động. Khi cơ thể dừng hoạt động thì Ngã Thức dù có muốn coi phim cũng phải chấp nhận dừng lại ý muốn của mình.

Như vậy, nếu thuyết 12 nhân duyên của đức Phật thời hiện đại, Ngài sẽ dựa trên tinh hoa của Thân Tâm Nhất Như và phân chia 12 nhân duyên như sau:

Về Thân có 6 nhân duyên: Động Lực tạo ra sự sống (Hành), Sỉnh (Sinh), Thân Thể Thức (Thức), Thân Thể (Danh Sắc), Năm Giác Quan (Lục Nhập), Lão Tử (Lão Tử).

Nếu chúng ta muốn quan sát 6 nhân duyên dưới góc độ quy trình sinh tử của Thân, chúng ta thấy, bắt đầu từ động lực (Hành) của cha mẹ muốn có con, mới đưa đến sự giao hợp. Khi tinh trùng của người cha kết hợp với noãn trứng của người mẹ tạo ra một hợp tử. Hợp Tử là cá thể bắt đầu sinh và phát triển ở giai đoạn đầu tiên (Sinh).

Khi có Hợp Tử thì Thân Thể Thức nương nơi Hợp Tử và điều khiển Hợp Tử theo lập trình Nhân Tướng Bản Thể (hình dạng gốc về tướng người mà không phải là thú hay thực vật).

Hợp Tử dưới sự điều khiển của Thân Thể Thức trải qua các quá trình giản phân nối tiếp nhau liên tục cho đến khi hình thành Thân Thể con người, trong đó có 5 Giác Quan. Tất cả các cơ quan của thân thể cứ tiếp tục phát triển đến một gia đoạn thì suy thoái gọi là Già, hay Lão Hóa, và khi cơ quan suy thoái, hay bị tổn thương trầm trọng, ngừng hoạt động, thì cơ thể của cá thể cũng ngừng hoạt động theo hay gọi là Chết/Tử.

Quy trình này, hoàn toàn đúng với hầu hết tất cả con người, và quy trình này được sắp xếp theo hệ thống đường thẳng một chiều. Bắt đầu từ Hành và chấm dứt là Lão Tử. Cho nên, theo thuyết duy vật, khi thân thể người ta chết, có nghĩa là, chấm dứt quy trình sinh tử.

Vì vậy, họ cho rằng chết là hết. Điều này hoàn toàn hợp lý. Vì họ đang dựa trên quy trình từ điểm khởi đầu của cơ thể cho đến tận cùng của cơ thể. Khi cơ thể đó chết thì cơ thể đó không có chiều đi ngược lại; như bắt đầu từ Tử (Chết) tạo ra hợp tử, rồi lại từ hợp tử tạo ra thân thể v.v.

Vì vậy, ở đây không có quá trình luân hồi và tái sinh thành con người được, nếu có chăng, chỉ là qúa trình chuyển hóa; như thân thể của con người, sau khi chết, bị phân rã, có thể trở thành thực phẩm cho các vi sinh vật, hay làm phân bón, làm chất dinh dưỡng cho các thực vật.

Đây chính là sự thật về Thân mà ai trong chúng ta cũng có thể quan sát trong quá trình kiểm nghiệm.

Nhưng đối với các tôn giáo, nếu họ chấp nhận sự thật này, nghĩa là, không có luân hồi và tái sinh của một kiếp người thì không thể nào các đạo giáo có thể giải thích được những thắc mắc của con người, như: từ đâu họ sinh ra, chết họ đi về đâu, tại sao tôi là người tốt nhưng lại gặp những điều bất hạnh v.v. Hay nói rõ hơn, đó chính là những ưu tư thắc mắc của các nhà Triết học, hay Khoa Học, luôn cố gắng đi tìm nguồn gốc tạo ra vũ trụ và con người.

Thêm vào đó, nếu không có thuyết luân hồi và tái sinh, không có kiếp trước và kiếp sau thì không thể thuyết phục và giải thích về sự bất bình đẳng giai cấp trong xã hội, hay quyền lợi thụ hưởng khác nhau giữa mỗi người.

Cho nên, các đạo giáo đã miễn cưỡng đem những cách ứng dụng để giải quyết vấn đề đau khổ trong Ngã Thức, thuộc về Tâm Lý, áp đặt trên vấn đề về Sinh, Vật Lý của con người. Và thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả là một trong những thuyết đã áp dụng cách này.

Theo những kinh nghiệm và nghiên cứu của các nhà Cơ Thể học thì Thai Nhi,

  • Bắt đầu tuần thứ năm: Hệ thống tuần hoàn, đang bắt đầu hình thành, và trái tim nhỏ bé sẽ bắt đầu đập
  • Tuần thứ sáu: Mũi, miệng và tai bắt đầu định hình, ruột và não cũng bắt đầu phát triển
  • Tuần thứ bẩy: Những cánh tay, cẳng chân, đang phát triển tạo ra hai bàn tay và hai bàn chân
  • Tuần thứ tám: Các tế bào thần kinh bắt đầu phân nhánh, hình thành hệ thần kinh nguyên thủy. Ống hô hấp bắt đầu nối dài từ họng đến hai lá phổi đang phát triển
  • Tuần thứ chín và mười: Hình thái cơ bản của cơ thể đã hình thành, tay chân có thể co duỗi
  • Tuần mười một: Hoàn chỉnh cơ thể
  • Tuần mười hai: Thai nhi đã bắt đầu biết mút

Như vậy, Ngã Thức hay cái tôi, của một cá thể mới chỉ có thể có mặt bắt đầu từ tuần thứ mười hai qua hành động biết mút (bài học đầu tiên của cơ thể, học để sống còn) qua sự chỉ huy của Thân Thể Thức, và cũng chính vì muốn sống còn, nên Ngã Thức mới phát sinh dưới dạng thô sơ.

Sở dĩ, gọi là dạng thô sơ, vì từ cái muốn duy nhất của Thân Thể Thức là sống còn mà Ngã Thức mới được phát sinh, và sẽ tiếp tục phát sinh cái muốn “cao cấp hơn” qua qúa trình phát triển, và tích lũy sau khi cơ thể phát triển.

Toàn bộ qúa trình này, không hề có bất cứ một chứng tích nào từ ở kiếp trước mang qua, và Ngã Thức mới này vẫn tiếp tục phát triển, lớn lên cho đến già và chết.

Nếu chúng ta cho là tinh tế thì Ngã Thức mới đã có nghiệp lực thúc đẩy để tái sinh, cùng với những chấp trước hay kinh nghiệm, có Ái, Thủ, Hữu từ kiếp trước, mà chỉ mượn sự thụ tinh trong bụng mẹ để tạo ra thân thể mới để trả nghiệp và tiếp tục bị dẫn dắt bởi vô minh và nghiệp trong kiếp trước tác động (giống như, chúng ta đang mượn xác thân mới, để hoàn hồn cũ (nghiệp báo trong kiếp trước), thì chúng ta không thể giải thích được trường hợp bị xẩy thai hay phá thai.

Vì xẩy thai hay phá thai bị ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường, hoàn cảnh, luân lý và đạo đức trong hiện tại.

Nếu chúng ta lại khiên cưỡng, và lập luận rằng, do vì không đủ duyên nên Ngã Thức cũ không có đủ điều kiện để hiện hữu. Vậy nếu như, cứ thụ tinh xong, rồi bị phá, hay xẩy thai, thì cái nghiệp lực đẩy đến tái sinh ở đâu? Nếu có, thì sao lại để việc xẩy thai hoặc phá thai có thể hình thành?  Hoặc giả, nếu có, cũng là qúa ít không đủ để tác động thì có cũng như không.

Như vậy, nếu đứng trên góc độ của Thân để quan sát, chúng ta thấy, Ngã Thức mới chỉ được hình thành theo dạng thô sơ nhất, đó là, ý muốn cho thân thể được phát triển và hình thành để Ngã Thức mới có nơi nương tựa và sinh hoạt.

Hay có thể nói khác hơn, là từ ý muốn của người mẹ, từ môi trường, hoàn cảnh, mới là những động lực quyết định thân mạng mới chứ không hề có bất cứ nghiệp lực nào trong kiếp trước tác động cả.

Vì vậy, khi thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả cho rằng: “Vô minh là Hoặc, nhân của quá khứ, làm duyên phát sinh Hành nghiệp. Vì là nhân quá khứ, nên hiện tại, người tu không thể sửa đổi được gì đối với Vô minh, mà chủ yếu chỉ chuyển hóa nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu. Nhân hiện tại bị diệt trừ thì không có quả vị lai. Sanh, lão tử, ngay nay đoạn dứt.”

Trong câu này, nếu chúng ta chú ý có câu: “người tu không thể sửa đổi gì”. Người ở đây thuộc về Thân. Theo Cơ Thể học về Thân, chúng ta thấy, Ngã Thức mới hoàn toàn có thể thay đổi, vì Ngã Thức mới không hề có vô minh và hành trong kiếp trước.

Nếu có vô minh hay hành thì chỉ có cha mẹ ngay trong kiếp hiện tại, vì trong lúc vô minh, không sáng suốt, đã có những hành động vụng dại tạo ra thai nhi mà không có sự chuẩn bị tâm lý trước. Chứ Thai Nhi, trên căn bản, vốn không có vô minh và hành từ kiếp trước ảnh hưởng.

Quá trình phát triển Ngã Thức như thế nào thì chúng ta sẽ quan sát 6 duyên về Tâm hay Ngã Thức.

Về Tâm/ Ngã Thức cũng có 6 nhân duyên: Vô Minh, Xúc, Thọ, Ái, Thủ và Hữu.

Về tính hệ thống theo thứ tự thì 6 nhân duyên của Ngã Thức được thiết lập theo hệ thống vòng tròn, theo hai chiều, nên không có thức nào có trước, và cũng không có thức nào có sau; và các thức này, có thể phát triển theo chiều ngược, hoặc chiều xuôi, tùy theo đối tượng khởi tác tại điểm nào. Trong khi, Thân Thể Thức lại sắp xếp theo đường thẳng một chiều, có khởi đầu và có kết thúc.

Chính vì, hai hệ thống trình tự sắp xếp khác nhau, cho nên, khi đem hệ thống của Tâm/Ngã Thức theo vòng tròn, hai chiều, mà áp dụng vào đường thẳng một chiều của Thân Thể Thức, nên các tôn giáo đã “bẻ cong” đường thẳng một chiều, tiếp nối hai đầu lại với nhau thành vòng tròn, giống như của Ngã Thức theo dạng hai chiều. Cho nên, họ đã tạo ra những lý luận vô cùng khiên cưỡng qua sự phỏng đoán và tưởng tượng hơn là sự thật.

Thí dụ, các tôn giáo cho rằng, thân của con người là giả tạm, đó là đứng trên góc độ của Ngã Thức, khi muốn dùng thân này để thỏa mãn cho những khao khát, mong muốn, của mình. Nhưng vì họ không biết được, Thân Thể Thức là Thức, ngoài sự tương tác về mặt cảm xúc/giác và ý muốn từ Ngã Thức ra, Thân Thể Thức gần như hoạt động độc lập, và có thể hỗ trợ hay đối kháng lại Ngã Thức.

Thí dụ như, khi thân thể chúng ta bị bịnh, Ngã Thức của chúng ta muốn thân thể phải khỏe mạnh để đi chơi, nên Ngã Thức của chúng ta đã ra lệnh cho Thân Thể Thức phải đi bác sĩ để chữa bịnh.

Trong khi, Thân Thể Thức có thể tự chữa lành cho thân nhưng Ngã Thức cứ “phớt lờ”. Vì sao? Vì sự tự chữa lành của Thân Thể Thức còn lệ thuộc vào rất nhiều điền kiện như: môi trường, các mô, cơ, tế bào, bị nhiễm độc, hay vi trùng, vi khuẩn nào đang tác động. Sau khi phân tích, so sánh rồi, Thân Thể Thức mới điều khiển các tuyến, hay các cơ quan, chế ra các loại hormone, hay thuốc giải độc, hay ra lệnh cho hệ thống miễn nhiễm phải gia tăng thân nhiệt để diệt vi trùng qua hình thức, sốt cao, v.v.

Vì vậy, thời gian tự chữa lành của Thân Thể Thức rất khác nhau, và cũng tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người. Nhưng vì Ngã Thức muốn đi chơi mà lại bị bệnh, khiến thân thể không thể hoạt động như ý muốn của Ngã Thức.

Thế nên, đi khám bác sĩ để mau có được thân thể khỏe mạnh là cách mà Ngã Thức đã sử dụng Ý Thức để phân tích và chấp nhận giải pháp của Ý Thức. Vì vậy, Ngã Thức đã ra lệnh cho Thân Thể Thức đến gặp bác sĩ để khám, chữa bịnh, thay vì, để cho Thân Thể Thức tự chữa lành.

Bác sĩ, sau khi khám bịnh, cho các loại thuốc mà theo kiến thức tích lũy của bác sĩ được cho là tốt nhất, giúp cho cơ thể có thể phục hồi lại nhanh.

Vì không hiểu được sự vận hành kỳ diệu của Thân Thể Thức điều hành cơ thể, cho nên, khi sáng chế các loại thuốc, các nhà thuốc, chỉ chú trọng đến vị trí bị bệnh mà không hiểu được sự vận hành tổng thể của cơ thể.

Cho nên, các nhà thuốc đã tạo ra hiện tượng “phản ứng phụ” khi dùng thuốc, có nghĩa là, chữa được bịnh này thì lại tạo ra bịnh khác. Hay làm mạnh một cơ quan này thì lại làm yếu đi các cơ quan khác. Và khi cơ quan khác bị yếu thì lại tạo một loại thuốc khác để làm mạnh cơ quan đó và lại làm yếu các cơ quan khác.

Trong khi, hầu hết các loại động vật, bao gồm cả con người, vì không có bác sĩ, nên chỉ lệ thuộc hoàn toàn vào cách vận hành tự chữa lành của Thân Thể Thức.

Nền Y học ngày nay, nhất là Tây Phương, vì muốn chuyên sâu về một cơ quan, nên đã phân chia cơ thể của con người ra rất nhiều cơ quan, bộ phận, riêng lẻ. Mỗi vị bác sĩ chuyên khoa chỉ biết và chịu trách nhiệm về luật pháp với khoa mà mình được học hỏi, và thực hành mà không cần để ý đến các cơ quan và bộ phận khác.

Chính vì vậy, nên tình trạng chữa cơ quan này, làm yếu cơ quan khác, là chuyện xẩy ra bình thường mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Không ít những Y Sĩ ngày nay đã tự cho mình “cái quyền” thay thế Thân Thể Thức để điều khiển cơ thể qua kinh nghiệm và kiến thức của mình.

Nhưng sự thật, cho dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể thay thế Thân Thể Thức được.

Thí dụ: Các bác sĩ ngày nay, khi chữa trị cho những người bị ung thư, dù cho có giải phẫu cắt bỏ khối u, nhưng nếu Thân Thể Thức muốn, thì vẫn tiếp tục phát triển; không những vậy, còn có thể tạo ra di căn tế bào ung thư tới các cơ quan khác, mà các bác sĩ, dù có dùng tất cả các kiến thức, kinh nghiệm, với sự hỗ trợ của máy móc, và dược liệu, vẫn không có thể cứu chữa được bịnh nhân khi Thân Thể Thức ra lệnh cho các cơ quan ngừng hoạt động, thì bịnh nhân vẫn chết như thường.

Y học của phương Tây, nhất là khoa phẫu thuật, là một trợ thủ vô cùng đắc lực cho Thân Thể Thức, khi gặp những trường hợp, mà Thân Thể Thức không thể giải quyết được vấn đề xẩy ra cho cơ thể trong một khoảng thời gian rất ngắn, như khi thân thể có va chạm mạnh, gây ra sự tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan.

Đây là một đề tài liên quan đến Y học, và là một chủ đề lớn, nên khi có duyên chúng ta sẽ cùng nhau quan sát.

Vậy, về sự tương tác, tương tức, giữa Ngã Thức và Thân Thể Thức sẽ xẩy ra như thế nào?

Hãy lấy một thí dụ để minh họa:

Ngã Thức của chúng ta muốn ăn kem nên ra lệnh cho Thân Thể Thức hoạt động. Khi ăn kem vào trong cơ thể, vì những nguyên liệu trong kem bị dơ, bẩn, khiến cho các tế bào bị nhiễm độc tạo ra nguồn năng lượng (đau) tác động nơi bụng.

Nhận ra được sự nguy hại của độc tố có thể gây nguy hiểm cho mạng sống, Thân Thể Thức liền ra lệnh cho các cơ quan thải độc ra ngoài qua hai đường nhanh nhất là: ói mửa, và đại tiểu tiện; nếu còn độc tố nữa thì thoát qua đường mồ hôi hay khóc v.v cho đến khi hết độc tố.

Tất cả qúa trình cùng hành động giải độc (giải tán nguồn năng lượng đang tác động) của Thân Thể Thức, ngoài chức năng duy trì trong kho của Thân Thể Thức trong Tiềm Thức, thì cũng liên kết với kho của Ngã Thức.

Nếu chúng ta quan sát kỹ, chúng ta thấy, giữa Ngã Thức và Thân Thể Thức có chung một ngôn ngữ là năng lượng.

Chính vì vậy, những qúa trình giải quyết của Thân Thể Thức nơi nguồn năng lượng đang tác động nơi bụng cũng tác động trực tiếp với những nguồn năng lượng của Ngã Thức (tương tức: cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không). Cho nên, mới sinh ra cảm giác đau trong Ngã Thức.

Đau là tên gọi cho nguồn năng lượng cảm giác của Ngã Thức qua sự phân tích của Ý Thức; còn trên thân thể thì không có danh xưng mà chỉ là sự tác động của năng lượng trên vùng, hay cơ quan đó.

Vì vậy, tại sao chúng ta có thể nhận thấy, trong phần chức năng của Thân Thể Thức không có cảm xúc/giác là vậy.

Bởi vì, trong cảm xúc/giác, cường độ của nguồn năng lượng lại phụ thuộc vào định nghĩa được diễn dịch theo ý của mỗi cá nhân. Cho nên, không thể đưa ra một con số chuẩn xác như trên thân thể.

Chúng ta hãy trở lại, trong quá trình tự chữa lành của Thân Thể Thức như: ói mữa, tiêu chảy, hay thoát mồ hôi đầm đìa nơi vùng năng lượng đang tác động trên vùng bụng, và trong Ngã Thức là cảm giác đau.

Ngã Thức muốn giải thoát cảm giác đau liền ra lệnh cho Ý Thức hỗ trợ cho Thân Thể Thức đi tìm phương pháp giải quyết. Nếu trong quá khứ, cơ thể đã bị đau bụng và đã đi bác sĩ khám bịnh và cho thuốc, thì Ngã Thức ra lệnh cho Thân Thể Thức sử dụng chân, đi đến tủ thuốc; tay lấy, cầm thuốc; và miệng uống thuốc.

Khi uống thuốc vào, thuốc tạo ra một nguồn năng lượng đối kháng với nguồn năng lượng (đau) và làm tan nguồn năng lượng này. Hiện tượng này, gọi là hết đau bụng, hay cảm giác đau của Ngã Thức được giải thoát hay không còn hiện hữu.

Nói đến cảm giác đau của Ngã Thức, thì với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay, với những máy móc tối tân hiện đại, các bác sĩ cũng không thể đo lường được cái đau của bịnh nhân như thế nào mới là chính xác.

Nếu đứng trên dạng năng lượng tác động lên vùng bụng thuộc về vật chất, thì máy móc hiện đại có để đo được cường độ của năng lượng tác dụng lên các mô, cơ, hay cơ quan, và có con số chính xác. Nhưng khổ thay, đây lại thuộc về cảm xúc/giác của Ngã Thức. Cho nên, cái cảm giác đau này, lệ thuộc vào định nghĩa của mỗi cá nhân khác nhau về cường độ của đau.

Ông bà ta ngày xưa rất thông minh khi đem so sánh hai cái đau của hai cá thể như sau: Người giầu đứt tay, như ăn mày đổ ruột.

Còn với các Y Sĩ, bao giờ họ cũng phải hỏi bịnh nhân xem, họ đau như thế nào chứ không thể dùng máy móc để đo mức độ đau được.

Bây giờ, chúng ta hãy quan sát tiếp, chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu như, nguồn năng lượng từ thuốc vào mà vẫn không giải quyết hay giải tán vùng năng lượng đang tác động trên bụng?

Nếu như nguồn năng lượng từ thuốc vào mà không thể giải tán được nguồn năng lượng đang tác động thì kết quả này được gởi về kho Ngã Thức trong Tiềm Thức. Ngã Thức lại sử dụng Ý Thức để phân tích. Nếu Ý Thức không còn có thể tìm được những phương pháp khác, thì kết quả của Ý Thức cũng gởi về kho Ngã Thức trong Tiềm Thức.

Nhận được kết quả từ Ý Thức, nếu như trong phân tích của Ý Thức có sự liên quan từ cái đau có thể dẫn đến cái chết của Thân, thì nguồn năng lượng lo sợ (vì nếu thân thể mà ngưng hoạt động thì Ngã Thức không có nơi để nương tựa hoạt động) trong Ngã Thức được khích hoạt, rồi kết hợp với nguồn năng lượng đang đau sẵn có tác động ngược lại trên thân thể, khiến cho nguồn năng lượng tại vị trí đang bị tác động gia tăng (năng lượng đau + năng lượng lo sợ)

Vì bị thêm nguồn năng lượng lo sợ của Ngã Thức tác động, khiến cho các cơ quan khác bị đè nén, trì trệ, đòi hỏi tim phải đập nhanh hơn, phổi phải hít thở gấp rút hơn, v.v.

Khi có những sự vận hành của các cơ quan khác, vì bị ảnh hưởng từ nguồn năng lượng lo sợ, lại tạo ra nguồn năng lượng phản kháng mới tác động ngược lại lên Ngã Thức, nơi đang có nguồn năng lượng đau và lo sợ, khiến cho cả hai nguồn năng lượng này đều tăng cường độ từ lo sợ lên đến sợ hãi, và cảm giác đau hơn v.v. Và nếu quá trình này cứ tiếp diễn thì có thể dẫn đến cái chết.

Điều này chúng ta có thể quan sát qua hiện tượng một người không biết bơi, khi ngã xuống sông, hồ. Khi người đó bị té xuống nước sâu, vì chân không có điểm tựa, giúp cho đầu có thể ngoi trên mặt nước để thở. Tạo ra tình trạng cơ thể thiếu dưỡng khí.

Việc thiếu dưỡng khí, khiến cho Thân Thể Thức phải ra lệnh cho những cơ quan khác tạm dừng hoạt động để dồn năng lượng cho hai tay và hai chân hoạt động. Những sự thay đổi nguồn năng lượng trong Thân Thể Thức tác động lên những nguồn năng lượng của Ngã Thức, bắt đầu bằng sự lo sợ (thân thể sẽ mất đi), nên tạo ra áp lực lên Thân Thể Thức qua việc, tay và chân phải hoạt động hết năng suất.

Tuy Tay và chân hoạt động mạnh nhưng vì không có kiến thức về bơi lội, nên tay và chân, sau khi hoạt động mạnh một lúc thì tạo ra sự thiếu năng lượng, nên yếu dần. Sự yếu dần của tay chân tác động ngược lại trong Ngã Thức, và cảm giác lo sợ (vẫn còn hy vọng sống nên còn hoạt động) gia tăng cường độ thành sợ hãi (không còn hy vọng).

Nguồn năng lượng sợ hãi tác động lên các cơ quan qúa mạnh khiến một số các cơ quan bị ngưng hoạt động (đó cũng là lý do, khi có một việc gì đó tác động đến sự sợ hãi thì thân thể của chúng ta bị cứng lại, không thể di chuyển).

Nếu sự sợ hãi tiếp tục được duy trì, thì các cơ quan ngưng hoạt động, thay vì, trong khoảng thời gian ngắn, lại trở nên dài hơn. Qúa trình kéo dài ngưng hoạt động của các cơ quan này, gọi là Chết/ Tử.

Như vậy, “sát thủ” chính của người bị chết đuối là nguồn năng lượng sợ hãi nơi Ngã Thức làm cứng các cơ quan tạo ra sự ngừng hoạt động của Thân.

Không ít người trong chúng ta, khi chưa hiểu về sự tương tác, tương tức giữa Ngã Thức và Thân Thể Thức hay lý luận rằng: người chết đuối là do sức hút của trái đất, vì thân người có trọng lượng, nên bị hút xuống sâu, nên chết đuối.

Vậy thì lý luận này, không thể giải thích được cũng là bao nhiêu trọng lượng đó, nếu là người có kinh nghiệm về bơi thì sao họ vẫn nổi trên mặt nước mà không bị sức hút từ trái đất. Hay khi người đó chết rồi (không còn chịu sự tác động của nguồn năng lượng sợ hãi từ Ngã Thức), thân thể người chết có thể tăng trọng lượng lên gấp đôi mà vẫn có thể nổi trên mặt nước.

Dĩ nhiên, khi đã rơi vào lý luận thì ai trong chúng ta cũng có quyền diễn dịch định nghĩa mỗi sự, mỗi việc, theo kinh nghiệm của mình. Ở đây, chúng ta sẽ không sử dụng cái cân đúng sai để chứng minh ai sai, ai đúng. Mà ở đây, chúng ta đang dùng sự quan sát để tìm ra Sự Thật. Nếu đúng với Sự Thật thì sẽ giải thích được trên mọi góc độ mà vẫn không sai với gốc.

Điều này, ai trong chúng ta, nếu chịu khó quan sát và nhìn sâu, hiểu đúng sự vận hành, tương tác, tương tức giữa Thân Thể Thức và Ngã Thức cũng có thể kiểm nghiệm được.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát và nhìn sâu vào sự vận hành về Tâm/ Ngã Thức theo hệ thống vòng tròn và hai chiều của Ngã Thức như thế nào?

Qua sự sắp xếp về Tâm, thì chúng ta có 6 nhân duyên, bao gồm: Xúc, Thọ, Ái, Thụ, Hữu và Vô Minh. Với 6 nhân duyên này, thì qủa thật, không có đâu là đầu, đâu là cuối, và cũng không theo bất cứ thứ tự nào cả mà tùy thuộc vào khởi điểm ở đâu.

Thí dụ, qua sự tiếp xúc (Xúc) với hình ảnh cô gái đẹp, Ngã Thức mới có cảm giác ưa thích (Thọ), vì có cảm giác ưa thích nên mới sinh ra ham muốn (Ái), vì muốn thỏa mãn cái ham muốn nên mới sinh ra chiếm hữu (Thủ), vì khi chiếm hữu được rồi (Hữu) sợ mất, nên sinh ra những hành động ghen bóng, ghen gió (Vô Minh), và tạo ra đau khổ.

Hay, vì lời khen của người khác cho mình là người giỏi, từ đó có cảm giác tự kiêu (Thọ), nên khi tiếp xúc (Xúc) với người khác, muốn (Ái) chúng tỏ ra vẻ ta đây, mới có những hành động lố bịch (Vô Minh), khiến ai cũng ghét, nhưng vì muốn giữ cảm giác tự kiêu lâu dài (Hữu), nên tiếp tục giữ (Thủ) thái độ tự kiêu đó mà không sửa đổi. Tuy ngoài mặt thì vẫn tự kiêu, nhưng trong lòng (Ngã Thức) thì rất đau khổ khi bị người khác ghét bỏ hay không muốn gần gũi.

Qua hai thí dụ trên, chúng ta thấy, 6 nhân duyên tương tác theo hai chiều, và điểm khởi đầu tùy thuộc vào môi trường và hoàn cảnh, hay đối tượng tác động.

Vậy nếu như chúng ta muốn ứng dụng 6 nhân duyên về Tâm/Ngã Thức vào thuyết Nhân Quả, thì sao? Chúng ta thấy, chỉ còn lại là Ái và Thọ. Trong đó, Ái bao gồm luôn Xúc, Thủ, Hữu, Vô Minh.

Thí dụ, Không có ham muốn từ Ái thì dù có tiếp xúc (Xúc) cũng không có sự phát động cảm giác nào; nếu không có ham muốn thì cũng chẳng cần chiếm hữu (Thủ) để làm gì; nếu không có ham muốn thì đâu muốn chiếm hữu lâu dài làm gì (Hữu), nên chẳng tạo ra Vô Minh. Vì vậy, bốn duyên của Xúc, Thủ, Hữu, Vô Minh là Quả, từ cái Nhân là Ái. Và khi không có Nhân là Ái thì không có Quả của Xúc, Thủ, Hữu, Vô Minh.

Hay, khi chúng ta không muốn mặc áo đẹp, thì cho dù, chúng ta có tiếp xúc, nhìn thấy, bao nhiêu cái áo đẹp, chúng ta vẫn dững dưng, thản nhiên như thường. Cũng vì không có ham muốn, cho nên, dù tiếp xúc, chúng ta cũng chẳng thèm mua chiếc áo đẹp (Thủ) để làm gì, và nếu không có Thủ mua chiếc áo đó thì không có Hữu (sở đắc – được làm chủ đối tượng), và cũng không dùng tiền một cách bừa bãi (Vô Minh), đến khi cần phải sử dụng tiền, lại không có, gây ra khổ đau.

Như vậy, Ái chính là Nhân, và 4 duyên còn lại là Quả. Nếu chúng ta không muốn có Quả, thì chỉ cần không khởi cái Nhân. Hoặc nếu đã có nhân thì trong Quá Trình Phát Triển Nhân Thành Quả, chúng ta có thể thay Quả theo ý chúng ta muốn.

Thí dụ: Chúng ta muốn mặc đẹp, qua sự tiếp xúc với chiếc áo đẹp, mới khích thích cái nhân muốn mặc đẹp. Khi cái nhân muốn mặc đẹp có mặt trong Ngã Thức thì mới khích thích Thủ, muốn chiếm hữu cái áo đẹp để đi khoe khoang với người khác (Hữu), nên đã lấy tiền để trả tiền nhà, mua chiếc áo đẹp (Vô Minh), đến cuối tháng, không có tiền trả tiền nhà, sinh ra lo âu, phiền não.

Như vậy, từ cái Nhân ban đầu, muốn mặc đẹp tạo ra cái Quả từ sự tiếp xúc, cho đến việc mua cái áo bằng tiền trả tiền nhà, tạo ra phiền não, chỉ có thể xẩy ra khi trong quá trình phát triển từ Nhân thành Quả không thay đổi. Nếu trong qúa trình có sự thay đổi, thì sao?

Thí dụ, Cũng là cái nhân ban đầu là muốn mặc đẹp, nhưng khi tiếp xúc (Xúc) với chiếc áo, chúng ta biết được công ty may chiếc áo này bóc lột nhân công, và khởi lòng thương xót những người đang bị bóc lột, nên không mua chiếc áo đó (Thủ), và vì không có Thủ nên không có Hữu và Vô Minh.

Qua hai thí dụ trên, chúng ta thấy, không phải cứ có ham muốn là gây ra khổ đau như thí dụ một, mà cho dù có ham muốn như thí dụ hai, nhưng trong qúa trình phát triển Nhân và Quả, yếu tố Quá Trình Phát Triển mới đóng vai trò quan trọng nhất.

Chư Phật và Bồ Tát chính là những người đã áp dụng qúa trình này để thay đổi nhân quả. Đó chính là tinh hoa, sự khác biệt giữa đạo Phật và các đạo giáo khác; khi cho rằng gieo nhân nào ra quả đó. Và họ dựa trên lý thuyết đó để dẫn chứng, tái sanh luân hồi và nghiệp báo, gây ra biết bao nhận thức sai lầm.

Vậy, nếu chỉ còn là Ái và Thọ, nếu áp dụng theo luật nhân quả, thì sao?

Thì Ái vẫn là Nhân và Thọ vẫn là Quả. Nếu quan sát và nhìn sâu hơn, và đúng hơn, thì chúng ta phải nên nhìn như thế này, vì ham muốn (Ái) là Nhân, tạo ra Quả là, Xúc, Thủ, Hữu, Vô Minh, rồi Quả là Xúc, Thủ, Hữu Vô Minh mới thành Nhân, tạo ra Qủa là Thọ.

Nhưng vì, chúng ta hay dùng cách giản lược trong nhân quả nên chúng ta hay gọi tắt: Ái là Nhân và Thọ là Quả.

Dĩ nhiên, vì luật nhân quả chỉ có hai điều kiện, cho nên, chúng ta mới gom 6 nhân duyên lại, và phân chia thành hai điều kiện cho đúng với luật nhân quả, theo lý thuyết. Nhưng trong ứng dụng thì 6 nhân duyên về Ngã Thức, vừa là Nhân lại là vừa là Quả.

Thí dụ, mua chiếc áo đẹp mặc để đi khoe khoang (Hữu) khi dùng tiền trả tiền nhà (Vô Minh), để rồi đến cuối tháng sinh ra phiền não, lo âu; nghĩa là, Hữu là Nhân và Vô Minh là Quả. Nhưng Vô Minh cũng lại là Nhân khi muốn giải quyết phiền não lo âu tiền nhà, bằng cách, muốn (Ái) đi ăn trộm tiền của người khác (Quả).

Như vậy, từ lý thuyết đến ứng dụng, chúng ta thấy hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, khi sử dụng thuyết Nhân Quả, chúng ta phải biết phân biệt, trường hợp đó đang nói về lý thuyết, hay đang nói về ứng dụng. Nếu không phân biệt được, chúng ta sẽ rơi vào sự mâu thuẫn, bế tắc, và từ đó, đưa đến những nhận thức sai lầm gây ra phiền não, khổ đau.

Vậy, nếu chúng ta chia 12 nhân duyên theo cách thức mới, có Thân Thể Thức và Tâm Thức/Ngã Thức thì chúng ta sẽ rơi vào một vấn đề, đó là, Ý Thức và Tiềm Thức sẽ ở đâu? Vì theo Duy Thức học thì Tám thức đều có khả năng, phân biệt, có cảm xúc/giác, và trong Tám Thức thì ba Thức là Ý Thức, Ngã Thức và Tiềm Thức, chính là nơi tác động và phát sinh ra những khổ đau của con người.

Nếu chúng ta quan sát Ngã Thức theo 9 Thức thì Ngã Thức là ông chủ  của Ý Thức, và lợi dụng Tiềm Thức và Thân Thể Thức (trong đó có ngũ thức) để thỏa mãn những cái muốn của Ngã Thức.

Vì vậy, nếu dựa theo cách phân chia của Chín Thức, chúng ta sẽ không rơi vào nhận thức sai lầm rằng: Ý Thức và Tiềm Thức là nguyên nhân gây ra khổ, mà chỉ là công cụ của Ngã Thức mà thôi.

Cho nên, khi chúng ta phân 12 nhân duyên ra làm hai phần: Thân Thể Thức và Tâm Thức/Ngã Thức, thì trong Ngã Thức đã có 5 thức, Ý Thức, và Tiềm Thức để phục vụ cho Ngã Thức rồi. Vì thế, chúng ta không cần mượn Thức của Thân Thể Thức để thay cho Ý Thức của Ngã Thức; trong khi, Ý Thức của Ngã Thức lại hoàn toàn khác với Thân Thể Thức.

Theo chức năng, Ý Thức của Ngã Thức có thể sử dụng sự quan sát, so sánh, phân tích, phỏng đoán, tưởng tượng, nhìn sâu và nông, thuộc về tổng thể; trong khi, Thân Thể Thức chỉ có một số ít chức năng của Ý Thức như so sánh, quan sát, phân tích mà không có sự nhìn nông sâu, hay tưởng tượng, phỏng đoán như Ý Thức, và chỉ sử dụng những chức năng này cho sự sinh hoạt của Thân Thể mà thôi (biệt thể).

Cho nên, những việc gì không liên quan đến thân thể thì Thân thể Thức không thể biết được. Nếu Ngã Thức muốn biết được qua Thân Thể thì Thân Thể Thức phải kết hợp với các Thức khác.

Thí dụ, Ngã Thức muốn ngắm hoa hồng, theo Duy Thức học thì phải nương tựa nơi căn là mắt, trần là hoa hồng, và có Nhãn Thức tham gia thì chúng ta mới nhận ra đó là hoa hồng.

Trên lý thuyết thì đúng, nhưng trên ứng dụng thì chưa chính xác, vì thuyết này, chỉ dựa trên Ngã Thức là chủ thể và đối tượng là hoa hồng. Nhưng lại hoàn toàn không có bất cứ lý luận nào nói về sự tác động của Thân Thể Thức cả.

Nếu theo đúng quy trình, khi Ngã Thức (chủ thể) muốn điều gì đều phải đi qua Thân Thể Thức (đối tượng/chủ thể). Nếu không có Thân Thể Thức hợp tác thì Ngã Thức cũng không đạt được điều ngã Thức muốn, là ngắm hoa hồng (đối tượng).

Chẳng hạn như, Ngã Thức muốn ngắm hoa hồng nhưng Thân thể Thức phát hiện ra, mắt đang bị nhiễm trùng nặng, cho nên, phải nhắm mắt lại để ngăn ngừa các vi trùng khác vào, vậy thì mắt không thể mở ra; cho dù, Ngã Thức có muốn cũng không thể thỏa mãn. Và khi Ngã Thức không thể thỏa mãn thì sinh ra thất vọng, buồn chán.

Chính vì vậy, Ấn Độ giáo mới dựa trên hiện tượng này, và cho rằng, Thân Thể chính là nguyên nhân gây ra đau khổ. Trong khi, đức Phật lại cho rằng, nguyên nhân gây ra cái khổ không phải là Thân, mà do Tâm/ Ngã Thức khởi ham muốn đầu tiên nên khi không được thỏa mãn mới gây ra buồn chán.

Trường hợp thứ hai, như mắt bị cườm khô, khi thủy tinh thể bị mờ đục, gây ra những rối loạn thị giác, thì cho dù có mở mắt, và Thân Thể Thức có kết hợp với Nhãn Thức cũng không thể đưa ra sự nhận dạng chính xác được hoa hồng.

Cũng như, nếu theo lý luận của Duy Thức học, thì Thức là sự phân biệt, nên mới có sự phân chia chủ thể và đối tượng. Cho nên, khi chủ thể tiếp xúc với đối tượng, lại hiểu sai lầm về đối tượng, vì vậy, chủ thể mới sinh ra phiền não đau khổ. Và nhận thức sai lầm đó chính là vô minh. Nhưng không giải thích vô minh từ đâu có.

Nếu chúng ta dựa trên sự phân chia rõ rằng các chức năng của Chín Thức, chúng ta thấy, về chức năng, Ý thức có khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, phỏng đoán, và tưởng tượng, theo chiều nông và chiều sâu.

Khi Ý Thức sử dụng theo chiều nông thì Ý Thức có một tên gọi riêng là Trí, bao gồm: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, phỏng đoán và tưởng tượng.

Khi Ý Thức được sử dụng theo chiều sâu thì Ý Thức có một tên gọi riêng là Tuệ, bao gồm: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, nhưng không có sự phỏng đoán, và tưởng tượng.

Như vậy, vô minh phát sinh từ sự quan sát, phân tích theo chiều nông, nên không biết được kết quả chính xác. Vì vậy, mới dùng sự phỏng đoán hay tưởng tưởng, hay còn gọi là vọng tưởng, để đưa ra kết quả mà chưa chắc đúng với sự thật.

Thí dụ: có một người khởi đầu là tâm tốt, thấy lụt lội gây ra thảm cảnh khiến bao người khốn khổ, và muốn đi cứu giúp nên kêu gọi mọi cùng đóng góp. Nhưng người này khi quyên góp xong, vì một lý do nào đó, chưa thể thực hiện được đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Thế là, chúng ta lên án, chỉ trích, và đưa ra kết luận rằng, người này là người xấu, kẻ lợi dụng, v.v. Sau khi người đó giải quyết những vấn đề cá nhân xong, người này đem những số tiền quyên góp trao lại cho những người cần giúp đỡ.

Chúng ta cũng tiếp tục lên án, và chỉ trích, và cho rằng, nếu chúng ta không lên tiếng thì người kia sẽ không chịu giao tiền, và có thể sẽ giữ luôn số tiền. Rồi chúng ta còn mạnh miệng biện minh cho rằng, việc chúng ta làm là vì chính nghĩa.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được sự khác biệt thế nào giữa Trí và Tuệ.

Rõ ràng, chúng ta cũng dùng sự quan sát, phân tích của Ý Thức, qua góc nhìn nông (Trí). Chúng ta chưa hề biết kết quả ra sao, nhưng qua sự phỏng đoán và tưởng tượng, chúng ta đã đưa ra kết quả là người kia sẽ giựt tiền, hay giữ lại tiền cho mình, trong khi, tiền đó là tiền đóng góp của mọi người.

Từ sự phỏng đoán và tưởng tượng này tác động lên trên Ngã Thức, phát sinh ra cảm giác tức giận, và đưa đến hành động là những lời lẽ thóa mạ, chỉ trích, lên án, mà hoàn toàn không đúng với sự thật.

Trong đạo phật, khi chúng ta không có khả năng tiếp xúc với sự thật mà chỉ phỏng đoán hay tưởng tượng ra sự thật thì gọi đó là vô minh, hay những nhận thức sai lầm; và nguyên nhân gây ra sự nhận thức sai lầm đó, bắt đầu bằng sự phỏng đoán và tưởng tượng ra kết quả.

Rồi khi, người kia đã giải ngân số tiền, đến những người cần giúp thì chúng ta lại vì muốn giữ mặt mũi (Thủ), nên lại có tiếp tục những hành động chỉ trích, lên án, và biện minh cho những hành động này là vì chính nghĩa (vô minh).

Còn một người dùng Tuệ, họ không sử dụng phỏng đoán hay tưởng tượng, vì họ sử dụng sự quan sát, so sánh, phân tích theo chiều sâu. Nghĩa là, họ chỉ đưa ra kết luận sau khi họ tiếp xúc được với sự thật. Cho nên, khi nào tiếp xúc với sự thật thì họ mới có hành động.

Trong qúa trình chờ khi tiếp xúc với sự thật, họ không tạo ra cảm giác tức giận nên không có những hành động chỉ trích thóa mạ. Chính vì vậy, họ có cái An dài hơn, và khi biết được sự thật người kia đã giải ngân thì họ dựa vào kết quả, dựa vào sự thật, để đánh giá đúng người kia là ai.

Nếu giải quyết theo Tuệ, có lợi ích đem đến An, thay vì tức giận, vậy, tại sao con người chúng ta lại cứ thích sử dụng Trí hơn Tuệ?

Đơn giản, là vì, khi dùng Tuệ, chúng ta phải quan sát, phân tích theo chiều sâu, cho nên, đứng trên góc độ về thời gian thì dùng Tuệ rất tốn thời gian.

Muốn rút ngắn được thời gian, đức Phật và các Thiền Tổ đã biết sử dụng chức năng của Tiềm Thức, và biến sự quan sát và nhìn sâu thành một thói quen. Khi đã thành một thói quen rồi thì bất cứ môi trường hoàn cảnh nào, các Ngài cũng hành động theo thói quen đó.

Còn những người bình thường như chúng ta, Ngã Thức của chúng ta luôn có sự ham muốn thúc đẩy, nên thiếu kiên nhẫn; vậy nên, chúng ta hay dùng sự phỏng đoán, hay tưởng tượng để tạo ra kết quả.

Cho nên, chúng ta hay sử dụng khả năng phỏng đoán và tưởng tượng từ Trí để thỏa mãn cho Ngã Thức, thay vì ra kết quả thì lại biến thành hậu quả; và từ hậu quả, biến thành nhân, gây ra liên tiếp các hậu quả khác qua sự tiếp tay liên tục của phỏng đoán và tưởng tượng của Trí.

Vì vậy, chúng ta liên tục có những khổ đau; và khi không giải thích được những khổ đau từ đâu đến thì chúng ta đẻ ra thuyết luân hồi sinh tử, kiếp trước và kiếp sau để giải thích cho những việc này.

Nếu đem so sánh cuộc sống ngày xưa với hiện tại, chúng ta thấy, chúng ta càng ngày càng sống hối hả hơn, vì thời gian luôn bị ngắn lại, vì công việc qúa nhiều. Thế nên, chúng ta lại càng sử dụng Trí nhiều hơn và càng tạo ra nhiều sự khổ đau hơn.

Tóm lại, khi chúng ta phân chia 12 nhân duyên thành hai phần, một là Thân, hai là Tâm/ Ngã Thức, thì trong đó, Thân vừa là đối tượng, cũng là chủ thể của Tâm, và ngược lại.

Thí dụ: khi Ngã Thức muốn ăn kem, và Thân Thể Thức đi phục tùng, thì Ngã Thức là chủ thể còn Thân là đối tượng. Nhưng khi Thân ăn kem bị tác động năng lượng, thì Thân là chủ thể và cảm giác đau nơi Ngã Thức thành đối tượng.

Chính vì vừa là chủ thể, và vừa là đối tượng của Thân và Tâm, nên chúng ta thấy rất rõ được lý tương tức giữa Thân và Tâm. Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không.

Nếu như cái Tâm kia Thật có thì cái Thân này cũng Thật có. Và đức Phật đã chứng minh trong sự trải nghiệm của Ngài khi quyết định từ bỏ phương pháp tu tập, xem thân là giả tạm, nên phải ép thân đến cùng cực để đạt được giải thoát.

Chính vì, khi Ngài chấp nhận Thân là Thật mà không phải là giả tạm, nên trong 49 ngày, Ngài mới nhận ra được Chân Tâm của Ngài.

Vì vậy, Ngài mới thuyết câu: Thân Tâm Nhất Như (Thân và Tâm là một, chân thật như vậy) để diễn tả sự chân thật của Thân và Tâm. Và sự chân thật đó, qua 12 nhân duyên được chia làm hai phần rất rõ rệt. Thân có Thật, và hoạt động theo cái Thật của Thân, Tâm cũng có Thật, và sinh hoạt trong cái Thật của Tâm.

Giữa Thân và Tâm, luôn là điều kiện (duyên) của nhau, nên gọi là tương duyên, có sự tương tác, và tương tức, nên khi Thân bị tác động thì ảnh hưởng tới Tâm, và khi Tâm bị tác động thì ảnh hưởng tới Thân (cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không).

Hệ thống của Thân và Tâm là hệ thống vòng tròn, có hai chiều. Nên không có cao hay thấp, cũng không có trọng hay khinh, không có trước hay sau, mà tùy thuộc vào môi trường và hoàn cảnh, tác động vào Thân trước hay Tâm trước.

Thí dụ: Khi cơ thể bị đói nên thiếu năng lượng mới tác động lên Thân Thể Thức (chủ Thể). Thân Thể Thức liền tương tác với Ngã Thức (đối tượng). Ngã Thức liền ra lệnh cho Ý Thức đi tìm các giảp pháp giúp Thân Thể Thức.

Ý Thức sau khi phân tích xong thì đưa trở về cho Ngã Thức trong kho Tiềm Thức. Ngã Thức (chủ Thể) sử dụng những giải pháp của Ý Thức và ra lệnh cho Thân Thể Thức (đối tượng) đến quán ăn, mua thực phẩm ăn, để giải quyết cái đói của cơ thể.

Trên thực tế, khi cơ thể chúng ta bị đói, chúng ta tự động đi đến quán ăn, và mua thức ăn, đó là chuyện bình thường. Nhưng trong quá trình quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy giữa Thân và Tâm/Ngã Thức, liên tục thay đổi ngôi vị, từ chủ thể qua đối tượng, rồi lại từ đối tượng biến thành chủ thể.

Nếu chúng ta không hiểu được sự biến thiên trong qúa trình và nhìn nông theo Trí, khi cho rằng Thân là chủ thể, và Tâm là đối tượng, nên Tâm bị Thân chi phối điều khiển, rồi cho Thân là nguyên nhân gây ra Tâm bị đau khổ, là thiếu chính xác. Vì ban đầu, Thân là chủ thể, nhưng qua quá trình tương tác giữa Thân Thể Thức và Ngã Thức thì Thân lại là đối tượng chứ không phải là chủ thể.

Qua thí dụ này, chúng ta cũng nhận thức được rõ ràng, có sự khác biệt giữa Thân Thể Thức, và Ý Thức của Ngã Thức. Sự khác biệt là, Thân Thể Thức chỉ có khả năng điều khiển các cơ quan trong thân thể hoạt động một cách điều hòa, chứ không biết phân tích, so sánh, tính toán, quan sát, phỏng đoán hay tưởng tượng như Ý Thức, để đi mua thức ăn.

Cho nên, Thân Thể Thức phải thông qua Ngã Thức để sử dụng Ý Thức.Vì phải thông qua Ngã Thức, cho nên, ban đầu, Thân Thể Thức là chủ thể, và Ngã Thức là đối tượng. Nhưng Thân Thể Thức lại biến thành đối tượng, khi Ngã Thức qua Ý Thức có những giải pháp cho Thân Thể Thức hoạt động (chủ Thể).

Nếu trong Ngã Thức, không có mặt của sự ham muốn nào khác, thì Ngã Thức sẽ ra lệnh cho Thân Thể Thức đi mua thức ăn để giải quyết yêu cầu của Thân Thể Thức.

Nhưng nếu Ngã Thức (chủ thể) có ham muốn coi phim, thì Ngã Thức sẽ không đưa ra giải pháp đi mua thức ăn cho Thân Thể Thức (đối tượng), và tiếp tục “ép” Thân Thể Thức phải mở mắt ra cho Ngã Thức coi phim. Thân thể Thức (chủ thể), khi bị Ngã Thức ép thì ra lệnh cho các cơ mắt, võng mô, đang mệt mỏi, ngưng hoạt động, khiến cho sự ham muốn coi phim của Ngã Thức, bị gián đoạn (đối tượng) v.v.

Với các tôn giáo, nếu học thuyết coi Thân là chủ thể gây ra đau khổ cho Tâm thì họ dựa vào trường hợp một khi cho rằng, vì Thân đói, đòi ăn, nên Ngã Thức đã phải chiều theo Thân. Vì vậy, muốn Tâm không chiều theo Thân thì ép Thân không còn sự đòi hỏi. Như vậy, Tâm sẽ trong sáng, thanh tịnh.

Đây là một nhận thức hết sức lệch lạc, vì họ không hiểu được hệ thống vòng tròn, hai chiều, giữa Thân và Tâm. Họ lầm lẫn thành hệ thống đường thẳng một chiều, từ Thân đến Tâm và không có chiều ngược lại.

Còn một số các học thuyết chủ trương về Tâm như trường hợp thứ hai, thì cho rằng Tâm/ Ngã Thức luôn là chủ thể, cho nên, chỉ cần giải quyết những vấn đề đang xẩy ra của chủ thể thì sẽ có được sự giải thoát mà không cần quan tâm đến đối tượng là Thân. 

Nhận thức này cũng không chính xác, và lệch lạc, vì khi họ dựa trên hiện tượng, Ngã Thức muốn coi phim và ép Thân Thể Thức phải làm theo, cho nên, Tâm/ Ngã Thức luôn là chủ thể. Nhưng sự thật, chúng ta thấy, Ngã Thức không phải lúc nào cũng là chủ thể mà Ngã Thức còn là đối tượng nữa.

Tóm lại, khi chúng ta quan sát và nhìn sâu vào 12 nhân duyên, qua sự ứng dụng tinh thần Thân Tâm Nhất Như, chúng ta có thể thiết lập ra được hai phần, về Thân và Tâm/Ngã Thức, rất rõ ràng. Chúng ta nhận thức được sự tương duyên, tương tác, tương tức, giữa Thân và Tâm qua hệ thống vòng tròn hai chiều. Thân và Tâm, vừa là chủ thể/ Nhân và cũng là đối tượng/ Quả, không lệch lạc.

Bây giờ, chúng ta sẽ dựa vào sự quan sát và nhìn sâu vào 12 nhân duyên theo tinh thần Thân Tâm Nhất Như với thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả để xem có những sự khác biệt nào?

“Nhân quá khứ: Gồm Vô minh và Hành, gọi là nhân khổ”

Ngay câu đầu tiên, chúng ta thấy, đã có vấn đề, khi cho rằng nhân khổ.

Thí dụ: chúng ta có nhân là hạt cam, thì sẽ có quả là trái cam. Vậy nếu nói đúng, thì phải gọi là Nhân vô minh và hành, mới tạo ra kết quả là khổ. Chứ không thể gọi đó là nhân khổ được. Ở đây, chúng ta thấy có sự nhầm lẫn giữa cứu cánh, thành phương tiện.

Vấn đề thứ hai, giả dụ như chúng ta cho vô minh và hành là nhân khổ đi, thì có chắc vô minh và hành sẽ đem đến khổ không? Chưa chắc, bởi vì theo tinh thần Thân Tâm Nhất Như, giữa nhân quả theo lý thuyết, và nhân quả theo ứng dụng lại hoàn toàn khác nhau, vì còn có sự tham gia của Quá Trình phát triển từ Nhân đến Quả.

Thí dụ như, cha ông chúng ta ngày xưa, tin rằng: trời tròn đất vuông, đó là những nhận thức hoàn toàn sai lầm, không đúng với sự thật. Hay nói theo đạo Phật, đó là vô minh. Nhưng từ vô minh đó, ông cha chúng ta lại còn hành động bằng cách, tạo ra bánh chưng, hình vuông, tượng trưng cho đất, và bánh dầy, hình tròn, tượng trưng cho trời.

Và từ ngàn xưa cho đến nay, sự vô minh và hành động đó, đâu có đem đến cho cha ông chúng ta ngày xưa, cũng chúng ta ngày nay, đau khổ đâu, mà ngược lại, chúng ta còn rất vui sướng. Nếu vào dịp tết, mà nhà nào không có bánh chưng, bánh dầy thì họ còn đau khổ là đằng khác.

Qua thí dụ này, chúng ta thấy, cái quan trọng không phải là nhân nào, sẽ ra quả đó, mà là qua qúa trình phát triển từ nhân thành quả, đã có sự thay đổi. Câu chuyện về vô minh và hành về bánh chưng, bánh dầy là một minh chứng rõ ràng nhất. Không phải cứ nhân xấu sẽ ra quả xấu, mà còn phải tùy thuộc vào quá trình phát triển có thay đổi không? Cũng như, không phải cứ có vô minh và hành, là thành nhân khổ đâu. Mà có khi là nhân sướng nữa.

Câu tiếp theo, “Do Vô minh khuấy động, trong tâm phát khởi buồn thương giận ghét… Từ sanh tâm khởi ý thiện hoặc ác, đưa đến miệng và thân theo đó tạo nghiệp. Đây là Hành, động cơ chính để tái sinh.”

Rõ ràng, ở đây, học thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả, đang “cưỡng ép” thuyết nhân quả để giải thích tại sao có hiện tượng tái sinh với một sự khẳng định vô minh là yếu tố khởi đầu, nhưng vì không biết vô minh từ đâu phát sinh, cho nên, đã ép vô minh và hành là nhân của qúa khứ.

Trong khi, qua tinh thần Thân Tâm Nhất Như, chúng ta biết, vô minh bắt nguồn từ sự quan sát theo chiều nông, qua việc sử dụng sự phỏng đoán và tưởng tượng, tạo ra kết quả không đúng sự thật. Như vậy, vô minh và hành, không phải chỉ có trong qúa khứ, mà ngay trong hiện tại, cũng có vô minh và hành, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng Trí.

Câu tiếp theo: “Như vậy, vì có vô minh nên có hành động tạo tác, vì có Hoặc nên mới có Nghiệp, mới trở lại lục đạo luân hồi. Chúng sinh bị nghiệp lực lôi dẫn để thọ sanh, khác với các bậc Bồ Tát, cũng lăn lộn vào các cõi, nhưng do nguyện lực. Các Ngài cũng làm tất cả, để độ người; nhưng không thấy có người làm, việc làm và đối tượng làm nên không thuộc về Hành nghiệp.”

Qua đoạn này, chúng ta lại thấy sự cưỡng ép càng mãnh liệt hơn khi dẫn chứng từ vô minh sinh hành, rồi từ hành tạo ta Nghiệp, và chính Nghiệp lực thúc đẩy mới có tái sinh, luân hồi và lục đạo.

Trong phần nhìn sâu vào Thân Thể Thức, chúng ta đã quan sát, và thấy rằng, không có nghiệp lực của kiếp trước tác động lên kiếp sau. Ngã Thức của kiếp sau hoàn toàn mới và được hình thành từ thô sơ, đến “cao cấp” theo thời gian phát triển của thân; và sự phát triển của Ngã Thức của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào định nghĩa mà cá nhân đó diễn dịch như thế nào.

Thí dụ, Khi thai nhi trong tuần mười hai mới biết mút tay, hay gọi đây là nơi Ngã Thức bắt đầu có mặt, thì trong qúa trình thai kỳ, sự phát triển của Ngã Thức mới của thai nhi đều do Ngã Thức từ người mẹ cung cấp chứ không phải là nghiệp lực từ kiếp trước.

Sự Thật, bắt đầu từ những ham muốn, cảm xúc/giác của người mẹ, mà Ngã Thức của Thai Nhi mới bắt đầu gia tăng ý muốn (cái muốn ban đầu của Thân Thể Thức chỉ là sự sống còn của Thân Thể) và cảm xúc giác.

Thí dụ như: người mẹ muốn sau này đứa con (Ngã Thức) sẽ là đứa con ngoan, học giỏi, giầu sang, sống có hạnh phúc, an lạc,v.v.

Thai nhi khi nhận được những ý muốn và các nguồn cảm xúc/giác từ người mẹ, cứ tiếp tục phát triển. Qúa trình này gọi là Thai giáo (hướng dẫn, giáo dục, ngay khi còn là thai nhi).

Sau khi đứa bé được sinh ra đời, Ngã Thức về sự ham muốn và cảm xúc/giác vẫn còn ở dạng thô sơ. Đứa bé chẳng hề biết xấu hổ khi đi tiểu tiện hay đại tiện ra tã; hay cũng chẳng có sự giận hờn, buồn bực, khi nghe những lời nói không hay, từ người khác. Vì lúc đó, Ý Thức của đứa bé chưa được phát triển nên chưa học được định nghĩa của các cảm xúc/giác, nên Ngã Thức của đứa bé không có những nguồn năng lượng này. Đây gọi là trạng thái vô cảm.

Cho nên, đứa bé ngoài khả năng khóc khi đói ăn, hay bị hâm thì chỉ có ngủ, và cười, khi có những điều kiện ấm áp và thoải mái.

Khi đứa bé phát triển đến 6 tháng tuổi thì mới có những biểu hiện hơi tinh tế hơn về ý muốn và cảm xúc/giác như, hất tay mẹ khi không thích thức ăn, hay gào khóc giận dữ, khi mẹ không bồng ẵm.

Lúc này, chúng ta có thể thấy, tuy Ý Thức của Ngã Thức đã có mặt từ tháng thứ bẩy nhưng lại không phát triển nhiều, cho đến khi đứa bé khoảng gần một tuổi thì Ý Thức mới bắt đầu phát triển, qua việc học nhận dạng, và học về định nghĩa của các vật xung quanh như: cái này gọi là cái bàn, cái kia gọi là cái ghế v.v.

Sau đó, khi đến tuổi đi học thì đứa bé mới bắt đầu phát triển mạnh về Ý Thức hay kiến thức qua việc học những định nghĩa về mọi sự, mọi vật.

Những định nghĩa này, giúp cho khả năng phân tích, so sánh, quan sát của Ý Thức sẽ dễ dàng hơn, và tinh vi hơn. Chính vì vậy, khi chúng ta có những trình độ kiến thức khác nhau thì sự phân tích, so sánh, v.v. thường cũng khác nhau về độ nông hay sâu.

Tiếc thay, trong quá trình học hỏi, vì ham chơi, nên chúng ta không chịu bỏ thêm thời gian để tìm hiểu đúng định nghĩa; cho nên, chúng ta đã thường dùng sự phỏng đoán, hay tưởng tượng để diễn dịch định nghĩa.

Vì vậy, khi Ngã Thức sử dụng Ý Thức để phân tích nhưng Ý Thức lại dựa trên sự phỏng đoán và tưởng tượng về định nghĩa. Cho nên, khi phân tích và đưa ra kết quả cho Ngã Thức (vốn đã không đúng với sự thật) thì Ngã Thức tin vào những sự phân tích đó và đặt thành tiêu chuẩn cho sự chọn lựa sau này.

Thí dụ: nếu chúng ta hỏi định nghĩa của yêu là gì? thì mỗi người chúng ta lại có cách diễn dịch định nghĩa yêu khác nhau.

Có người định nghĩa, “Tình yêu anh ơi cút bắt trò chơi”. Nếu Ngã Thức của chúng ta tin định nghĩa tình yêu là vậy thì kết quả của tình yêu này có được chung thủy, hạnh phúc lâu dài không? Hay “Yêu là chết trong lòng một ít”. Vậy kết quả như thế nào thì không cần chúng ta phải giải thích, có phải không?

Cho nên, có thể nói, những nhận thức sai lầm, hay vô minh của chúng ta, bắt nguồn từ những định nghĩa được diễn dịch trong Ngã Thức thường thiếu chính xác và không đúng sự thật.

Và những định nghĩa này, lại do chính chúng ta học trong hiện tại chứ chẳng mắc mớ gì đến nghiệp lực của kiếp trước cả. Và vô minh, hành cũng ở ngay kiếp này, chứ không phải ở qúa khứ.

Cho nên, thuyết luân hồi trong lục đạo và tái sanh ở đây, trở nên dư thừa, hay nói chính xác hơn, chính là sản phẩm từ sự phỏng đoán và tưởng tượng.

Vì sao, chúng ta có thể gọi đó là những sảm phẩm vọng tưởng? Vì qua câu kế tiếp, “các bậc Bồ Tát, cũng lăn lộn vào các cõi, nhưng do nguyện lực. Các Ngài cũng làm tất cả, để độ người; nhưng không thấy có người làm, việc làm và đối tượng làm, nên không thuộc về Hành nghiệp.”

Điều này lại càng khập khiễng hơn, khi cho rằng, các bậc bồ tát làm tất cả để độ người, do nguyện lực. Vậy chúng sanh bị cuốn trong luân hồi lục đạo, còn bồ tát thì không; khác biệt chỉ vì, chúng sanh có ham muốn nên tạo ra hành nghiệp, còn bồ tát thay vào đó là nguyện lực cũng có nghĩa là ham muốn, hay nói đúng hơn, là dùng một từ ngữ đẹp hơn, thay thế cho chữ ham muốn thì lại không bị nghiệp báo, hành nghiệp?

Rõ ràng, trong Chín Thức, khi quan sát Ý Thức, trong đó, chúng ta có phần Trí và Tuệ.  Sở dĩ, chúng sanh có sự đau khổ nhiều hơn là vì họ dùng Trí theo dạng nhìn nông. Còn Bồ Tát thì dùng Tuệ theo dạng nhìn sâu. Cho nên, tuy cũng là ham muốn, nhưng qua sự nhìn sâu và nông thì có kết Quả là Bồ Tát, và hậu quả là chúng sanh.

Chúng sanh chỉ cần nhìn sâu thì thành Bồ Tát, và Bồ Tát chỉ cần nhìn nông là thành chúng sanh. Phật và chúng sanh cũng vậy. Rất đơn giản, rất rõ ràng, chẳng mắc mớ gì đến Nghiệp Báo từ kiếp trước cả.

Còn đến đoạn “Quả hiện tại: Gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ, gọi là Quả khổ.

Đối với Thức, chúng ta cần hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, đó là Thần Thức hay Hương Ấm. Khi thân trước mất đi, thần thức theo nghiệp dẫn để thọ thân sau. Nếu nghiệp không còn, thì thức cũng diệt, nên nói Hành duyên Thức. Nghĩa thứ hai, hiểu theo duy thức học, là Ý thức và Tàng thức. Vì chúng sanh vô minh, quên tánh giác, tạo nghiệp thiện ác mới phát sinh thức. Nếu giác ngộ, nhớ lại tự tánh thanh tịnh bản lai của mình, thì thức không phải bị diệt, mà ngay đó chuyển thành Trí.”

Trong đoạn này, chúng ta càng thấy, sự gượng ép một cách thô bạo, khi cho rằng: “Thức là Thần Thức hay Hương Ấm. Khi thân trước mất đi, thần thức theo nghiệp dẫn để thọ thân sau. Nếu nghiệp không còn thì thức cũng diệt”.

Trong khi, định nghĩa của Thức, đơn giản chỉ là nhận ra, biết ra, phân biệt ra, nhưng qua sự diễn dịch gượng ép để giải thích sự tái sinh đã biến thành thần thức. Và cái thần thức này theo nghiệp để thọ thân sau.

Đứng trên căn bản sự vận hành của Thức, theo Duy Thức học, Thức phải có trước, rồi mới tới nghiệp là hành động theo sau. Khi Thức không khởi thì không có Nghiệp hay hành động. Điều này, các nhà Tâm Lý học hiện đại cũng công nhận rằng: có tư tưởng, rồi mới đưa đến hành động.

Thí dụ: Ngã Thức muốn ăn xoài, rồi ra lệnh cho Thân Thể Thức hoạt động thì mới có hành động dùng tay lấy xoài. Và thân Thể Thức điều khiển miệng ăn xoài.

Nếu khi ăn xoài, mà thân thể bị dị ứng ngứa, khiến cho Ngã Thức có cảm giác khó chịu, thì tạm gọi là đúng, vì nghiệp/ hành động ăn xoài, mới tạo ra sự khó chịu của Ngã Thức. Nhưng hành động ăn xoài, không thuộc về Ngã Thức, mà thuộc về Thân Thể Thức. Và theo qúa trình sinh tử của thân thể, khi thân thể chết, không còn hành động ăn xoài, thì làm sao có cái nghiệp nào để kéo thần thức đi đầu thai.

Và nếu như hành động ăn xoài không gây ra dị ứng trên thân, nên không có cảm giác ngứa nơi Ngã Thức, trong khi, vẫn có ý muốn ăn của Ngã Thức, và cũng có hành động ăn của Thân Thể Thức, nhưng kết quả lại là sự thỏa mãn của Ngã Thức. Vậy thì làm sao giải thích trường hợp này.

Chữ Nghiệp, nên hiểu theo nghĩa đen là hành động, hơn là hiểu theo nghĩa bóng của Áo Nghĩa Thư, cho rằng, nghiệp là động lực đưa đến sự tái sanh. Vì khi Nghiệp là động lực thì động lực này từ đâu ra? Và câu trả lời chắc chắn sẽ từ vô minh ra. Vì Vô minh duyên hành, và hành là động lực, chính vì động lực từ vô minh, nên sinh ra thức, thức cũng là vô minh, v.v.

Trong khi, theo tinh thần Thân Tâm Nhất Như, khi loại bỏ sự tái sinh và luân hồi, chúng ta thấy rất rõ, Hành hay động lực thuộc về Thân Thể Thức, còn động lực trong Tâm/Ngã Thức lại nằm nơi Ái là sự Ham Muốn.

Cũng theo đoạn văn trên, có đoạn: “nghiệp dẫn thức đi thọ thân sau”. Có nghĩa là, cái thân trước đã chấm dứt, và phải mượn thân mới, như mượn xác hoàn hồn. Và cái hồn ở đây, chính là Ngã Thức của kiếp trước. Và động lực của Ngã Thức là Ái mới chính là phần có thể tạo ra sự tái sanh, chứ không liên quan gì đến vô minh hay hành cả.

Đến đoạn thứ hai, “Thức hiểu theo duy thức học, là Ý thức và Tàng thức. Vì chúng sanh vô minh, quên tánh giác, tạo nghiệp thiện ác mới phát sinh thức. Nếu giác ngộ, nhớ lại tự tánh thanh tịnh bản lai của mình, thì thức không phải bị diệt, mà ngay đó chuyển thành Trí.”

Rõ ràng ở đây có sự nhầm lẫn tai hại khi cho rằng Thức là Ý Thức và Tàng Thức, và hai thức này qua việc tạo thiện, ác mới tạo ra thức. Thật ra, tạo ra thiện ác là từ Ngã Thức, vì trong Ngã Thức có chức năng của Đạo Đức, được chia làm ba phần, gồm: Thiện, Ác, và Trung Tính, chứ không liên quan gì đến Ý Thức và Tiềm Thức. Hơn nữa, ở đây đề cập đến tánh giác, vậy tánh giác là tánh gì?

Nếu chúng ta dựa theo Chín Thức, chúng ta biết tánh giác là Tuệ Giác là sự quan sát, phân tích theo chiều sâu, và vô minh là Trí giác là nhìn nông, cộng thêm phỏng đoán và tưởng tượng.

Vì vậy, nếu nói đúng hơn, Thức phải chuyển thành Tuệ chứ không thể thành Trí, khi Giác Ngộ.

Và một người muốn Giác Ngộ thì phải dùng Tuệ nơi Ý Thức, nếu không thì Tuệ và tánh Giác ở đâu ra?

Đến đoạn: “Lục Nhập là sáu căn duyên với sáu trần. Khi đã ra đời, sáu căn tiếp xúc với sáu trần phát sinh sáu thức. Các căn càng trưởng thành càng dính mắc với trần cảnh, tác động qua lại tạo nên Xúc. Xúc là sáu căn tiếp xúc với sáu trần.

Khi có tiếp xúc giao thoa giữa căn và trần, cảm thọ phát sinh, nên xúc duyên Thọ. Thọ gồm ba loại: Khổ, lạc và trung tính. Cần phân biệt cảm thọ vui (lạc thọ) của phàm phu, với niềm vui của các bậc đã giác ngộ. Lạc thọ hình thành do căn dính mắc theo trần, khi hình thành rồi trở lại chi phối thân và tâm.”

Đây là một nhận thức cực kỳ sai lầm khi cho rằng sáu căn càng trưởng thành càng dính mắc với trần cảnh và khi hình thành rồi trở lại chi phối thân và tâm.

Khi quan sát năm căn là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân; và năm trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc; và năm thức là: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức,  thì cả năm căn và năm thức đều lệ thuộc vào Thân Thể Thức chứ không phải từ Ngã Thức.

Nếu Ngã Thức muốn sử dụng năm căn hay năm thức này, đều phải qua sự “cho phép” của Thân Thể Thức. Nếu như không có sự tương tác giữa Thân Thể Thức với Ngã Thức thì năm căn hay Thức này không thể hoạt động được.

Cho nên, khi cho rằng ngũ căn càng trưởng thành, càng dính mắc với trần cảnh, rồi trở lại chi phối thân và tâm là hoàn toàn thiếu chính xác. Chi Phối Thân và Tâm chính là Ái từ Ngã Thức, và Hành của Thân Thể Thức.

Thí dụ: mắt (căn) mở, thấy hoa hồng (trần), và qua Nhãn Thức biết là hoa hồng. Nếu như không có Ngã Thức muốn nhìn hoa hồng, và không có tương tác với Thân Thể Thức, thì cho dù, có trần là hoa hồng, nhưng mắt (căn) không mở, nên không có Nhãn Thức thì căn mắt và Nhãn Thức làm sao chi phối Thân và Tâm? Và nếu Thân thể Thức có mở mắt (căn), nhìn hoa hồng (trần), và nhận dạng ra hoa hồng (Nhãn Thức), mà lúc đó, Ngã Thức đang muốn ăn thì dù có căn, có trần, có nhận dạng, cũng không ảnh hưởng hay chi phối gì đến Thân và Tâm cả.

Cái sai lầm của các nhà Duy Thức, khi cho rằng, Tám Thức đều hoạt động độc lập, có những chức năng gần giống nhau, và chỉ có sự tương tác với nhau. Nhưng sự thật, chỉ có Ngã Thức, và Thân Thể Thức, mới là chủ nhân ông. Ngã Thức làm chủ về Tâm Lý, và Thân Thể Thức làm chủ về Sinh Vật Lý. Còn lại các thức khác chỉ là công cụ cho hai thức này sử dụng.

Nếu đem từng phần trong bài viết này để quan sát sự khác biệt giữa Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả và tinh thần Thân Thân Nhất Như thì rất dài, và có thể, phải nói đến cả mươi ngày, hay phải viết năm ba cuốn sách.

Cho nên, chúng ta sẽ dừng lại ở đây. Với những phần cơ bản mà tôi đã chia xẻ với hai bạn, thì hai bạn có thể dựa trên đó để kiểm nghiệm và thực nghiệm qua chính bản thân mình.

Hai bạn nên nhớ, chỉ khi hai bạn có sự trải nghiệm của chính hai bạn và có thể tiếp xúc đúng với sự thật thì những nhận thức của bạn mới có giá trị. Nếu không, đó chỉ là mớ kiến thức suông, không có bất cứ giá trị nào, cho dù, đó là những trải nghiệm của người khác khi họ tiếp xúc với sự thật.

Cháu rất đồng ý với chú, đây qủa thật là một đề tài rất lớn, không thể nào chỉ trong một buổi chiều mà cháu và anh Nhật Minh có thể hiểu sâu sắc được.

Nếu lúc đầu, khi đọc cho chú nghe, cháu còn mù mịt, thì bây giờ, cháu đã hiểu được trọn vẹn những phần căn bản mà chú đã chia xẻ.

Chúng cháu sẽ rất nghiêm túc trong việc kiểm nghiệm và thực nghiệm đề tài này. Khi nào chúng ta có đủ duyên, chúng cháu sẽ chia xẻ với chú. Diệu Hiền nói.

Người bảo vệ công viên đi qua, thấy ba chú cháu vẫn còn đang ngồi nên nhắc nhở công viên sắp đóng cửa.

Cả ba chú cháu cùng đứng dậy, mỉm cười, chào nhau, hẹn gặp chiều mai.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept