TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT
TẢI MP3 – DIỆU LIÊN
Bạn Thân Mến,
Trong những ngày qua, chúng tôi có nhận một số điện thư của một số độc giả, sau khi đọc qua những tập Mỗi Ngày Một Chuyện, có những thắc mắc gởi về. Chủ đề hôm nay chúng tôi muốn chia xẻ với bạn về những câu hỏi qua điện thư như sau:
Chào Anh,
Không biết vì nhân duyên nào đó đẩy đưa, mà em được đọc những tập Mỗi Ngày Một Chuyện của anh và chị chia xẻ. Càng đọc thì em lại thấy sao quen quen, mà cũng rất xa lạ.
Quen vì nó gần gủi như hình với bóng, nó thật như những gì đang xẩy ra trong cuộc sống hiện tại, nhưng cũng rất xa lạ, vì những gì anh chị chia xẻ, thì hoàn toàn mới lạ, hoàn toàn khác với những gì em đã học trước đây.
Em cảm thấy rất phân vân, không biết đâu mới là sự thật. Chẳng hạn như, khi em học về tỉnh thức thì có 6 giai đoạn như:
- Lập trình
- Giác ngộ ban đầu
- Tỉnh thức – sáng suốt
- Gỡ nghiệp
- Sụp đổ
- An Lạc và thấm nhuần An Lạc
Nhưng trong Mỗi Ngày Một Chuyện, em chưa thấy anh hay chị chia xẻ về từng giai đoạn, nên em không biết đâu mới là đúng để thực hành.
Nếu anh hay chị có chút thời gian, xin vui lòng chỉ dẫn cho em, để em có thể hiểu rõ, và thực hành trong đời sống hàng ngày.
Rất cám ơn anh chị đã chia xẻ những kinh nghiệm quý báu của anh chị, và xin chúc anh chị một ngày an lành.
Thân Kính
K.
Chào Bạn K,
Rất cám ơn bạn đã bỏ thời gian để đọc những chia xẻ của chúng tôi. Qua thư của bạn, chúng tôi cũng xin hồi đáp lại bạn một số kinh nghiệm của chúng tôi trong qúa trình tĩnh thức và tỉnh thức.
Chúng tôi thì chưa nghe qua về 6 bước tỉnh thức này, nên không biết nội dung như thế nào. Nếu đứng trên góc độ của kiến thức thì sự phân chia đó cũng rất chuẩn.
Bởi vì, nếu muốn hướng dẫn cho người khác, thì chúng ta phải có phương pháp, nghĩa là, phải phân chia ra từng phần một thì người thực tập mới biết để làm theo.
Nhưng đứng trên góc độ của nhận thức hay trải nghiệm của một cá thể, đi từ bản ngã về bản thể, thì có thể sẽ tạo ra vấn đề. Vấn đề gì đây? Vấn đề là, chúng ta sẽ chấp vào những bước, sẽ thỏa mãn với những tầng lớp, hay phương pháp mà chúng ta đặt ra.
Thí dụ, trong phương pháp của bạn có 6 bước, thì bước đầu tiên là lập trình, bước thứ hai là giác ngộ ban đầu, v.v.
Chúng tôi không biết diễn giả dùng từ “lập trình” ở đây là gì, có thể, đó là những niềm tin mà chúng ta đã tích lũy bấy lâu, mà chưa được kiểm chứng. Chính những niềm tin này là chỗ dựa của Ngã Thức để hành xử trong cuộc đời.
Vì niềm tin chưa được kiểm chứng, đa phần đều là những sản phẩm từ sự phỏng đoán hay tưởng tượng của Ý Thức. Cho nên, niềm tin của chúng ta mới không nhìn đúng với sự thật. Vì vậy, khi chúng ta dựa trên niềm tin đó, chúng ta hay rơi vào những quyết định sai lầm, và từ đó tạo ra những khổ đau trong cuộc sống.
Nếu chúng ta khi tiếp nhận những sự khổ đau, và biết cách đi giải quyết những sự khổ đau đó, một cách rốt ráo, thì chúng ta sẽ có được sự bình an. Sự bình an này có thể dài bao nhiêu, thì tùy thuộc vào mỗi chúng ta có đặt bình an là mục đích sống của chúng ta hay không?
Nếu chúng ta không đặt an làm mục đích sống của chúng ta, thì sau khi chúng ta giải quyết được một vấn đề xong, và có an, thì khi vấn đề khác đến, mà chúng ta lại trốn chạy, hay đè nén, thì cho dù, chúng ta có giải quyết vấn đề kia một cách rốt ráo, cũng không đem đến cho chúng ta được an lâu dài như chúng ta nghĩ.
Sự thật, trong cuộc sống của chúng ta, có muôn ngàn vấn đề mà chúng ta phải đương đầu liên tục, chứ không phải chúng ta chỉ có một vấn đề.
Dĩ nhiên, nếu chúng ta chỉ có một vấn đề để giải quyết, thì khi giải quyết vấn đề đó một cách triệt để, chúng ta sẽ có an liên tục hay an tuyệt đối là chuyện đương nhiên.
Vì vậy, nên diễn giả mới cho rằng, có bước giác ngộ ban đầu. Có nghĩa là, khi chúng ta chấp nhận chúng ta có vấn đề, thì chúng ta mới bắt đầu đặt những câu hỏi để tìm lại chính mình.
Có thể, đối với diễn giả, khi đang sống quay cuồng trong đau khổ, nhưng đột nhiên, chúng ta dừng lại, và sau đó, đặt câu hỏi cho chính chúng ta, khiến chúng ta phải suy nghĩ đến những nhận thức sai lầm của chúng ta.
Chúng tôi thật không hiểu rõ định nghĩa của bốn chữ “Giác Ngộ ban đầu” ở đây là gì, nếu dựa trên qúa trình, thì chúng tôi tạm diễn dịch là qúa trình nhận dạng.
Quá trình nhận dạng là quá trình qua sự trải nghiệm của khổ đau, mới phát hiện ra sự khổ đau đang có mặt, và đang tàn phá cuộc đời của chúng ta, và chúng ta không muốn điều đó xẩy ra cho chúng ta nữa, nên chúng ta muốn đi tìm ra phương pháp để giải thoát.
Chính vì, có quyết tâm đi tìm con đường giải thoát, cho nên, chúng ta, thay vì, cứ quay cuồng theo khổ đau, thì chúng ta dừng lại, và bắt đầu tập quan sát và nhìn sâu vào vấn đề. Chính vì có quan sát và nhìn sâu, nên chúng ta có thể biết được nguyên nhân tạo ra vấn đề.
Bốn chữ “tỉnh thức – sáng suốt” của diễn giả ở đây, có thể đang muốn diễn đạt cách tìm ra gốc rễ của vấn đề, và sau đó, đi giải quyết vấn đề qua hai chữ “gỡ nghiệp”.
Chúng tôi thật sự cũng không hiểu được định nghĩa chữ “nghiệp” của diễn giả là gì, nên không thể diễn giải được.
Sau khi đã “gỡ nghiệp” rồi, thì đến “sụp đổ”. Chúng tôi cũng không biết sẽ “sụp đổ” cái gì. Có thể là, sự sụp đổ những nhận thức sai lầm trong qúa khứ, mà chúng ta đã tin theo, mà không qua kiểm chứng.
Nhưng vì, nay qua quá trình kiểm chứng, thực chứng, thì chúng ta biết được niềm tin đó hoàn toàn sai sự thật. Cho nên, niềm tin đó sụp đổ, và được thay thế bằng một niềm tin mới chăng?
Dĩ nhiên, khi chúng ta đã giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, và trong Ngã Thức của chúng ta không còn bất cứ một sự lo âu, phiền não, hay khổ đau nào, thì chúng ta có được an và sau an là lạc.
Còn việc, “thấm nhuần An Lạc” thì chúng tôi cũng không hiểu định nghĩa hai chữ “thấm nhuần” là gì, nên không biết diễn giả đang muốn diễn đạt vào phần nào.
Nếu đứng trên góc độ đi từ bản ngã về bản thể thì 6 bước mà bạn học, cũng có thể gọi là những phương pháp để giúp cho bạn nhận ra được lộ trình của bạn đang đi. Đó gọi là cái lợi, nhưng cái hại là, nếu bạn dựa vào lộ trình này mà tu tập hay để nâng cấp trình độ, thì bạn sẽ không có khả năng để tiếp cận với bản thể.
Một cá nhân thật sự muốn đi từ bản ngã đến bản thể, thì phải tự trải nghiệm, chứ không thể nương tựa trên bất cứ phương pháp nào. Đây là sự khác biệt đầu tiên giữa kiến thức và nhận thức.
Đứng trên góc độ của kiến thức, thì chúng ta phải phân chia thành từng giai đoạn, bởi vì, giai đoạn này là nền tảng căn bản cho giai đoạn kia.
Thí dụ, bạn muốn giải được phương trình bậc hai thì bạn phải có căn bản về bốn phép tính: cộng trừ, nhân, chia. Nếu bạn không có căn bản, và không thật sự hiểu rõ về bốn phép tính trên, thì bạn không thể nào học được cách giải phương trình bậc hai.
Cho nên, khi đứng trên góc độ về kiến thức, sự phân chia giai đoạn, hay những phương pháp từ cơ bản đến cao cấp, là việc làm rất cần thiết. Bởi vì, nếu không có sự phân chia này, chúng ta sẽ bị choáng ngợp trước một rừng kiến thức trộn lộn vào nhau.
Nhưng đứng trên góc độ về nhận thức, thì sự phân chia giai đoạn, hay nâng cấp trình độ, lại hoàn toàn không thể áp dụng.
Thí dụ, khi bạn nhìn con chó và chúng tôi hỏi bạn, bạn đang nhìn con gì đó? Bạn chỉ có thể trả lời là bạn đang nhìn con chó, chứ bạn không thể trả lời là, tôi đang nhìn con gì đó, mà có tai giống con chó, vì tôi chỉ mới học để nhận dạng được đó là tai con chó.
Trong nhận thức thì rất đơn giản và rõ ràng, một là bạn nhận ra sự thật, hai là bạn không nhận ra sự thật, chứ không có giai đoạn trung trung ở chính giữa, là tôi nhìn được một nửa sự thật, hay hai phần ba sự thật.
Cho nên, trong nhận thức, nhất là nhận thức về sự thật của một cá thể, đi từ bản ngã đến bản thể, người đó không thể nương tựa trên bất cứ phương pháp nào, hay của bất cứ một người trải nghiệm nào, mà cá thể đó, phải tự chính mình đi kiểm nghiệm và thực nghiệm trên chính bản thân mình.
Chúng ta, chỉ nên dùng những phương pháp hay kinh nghiệm, trải nghiệm của người khác để chứng nghiệm khi chúng ta đã tiếp xúc được với sự thật.
Mỗi Ngày Một Chuyện không phải là những chia xẻ về quá trình đi từ bản ngã về bản thể, vì chúng tôi biết được rằng, mỗi cá nhân đều có những kinh nghiệm, và cách diễn dịch định nghĩa riêng.
Cho nên, chỉ có chính người đó, mới tìm ra phương pháp thích hợp nhất cho người đó. Ngoài người đó ra, không ai có thể có phương pháp nào đúng nhất cho người đó.
Dĩ nhiên, chúng ta có quyền tham khảo những kinh nghiệm hay trải nghiệm của người khác, nhưng đó, chỉ là những thông tin, mà không phải niềm tin, hay sự thật, mà chúng ta đặt vào.
Phần lớn ngày nay, khi chúng ta học một điều gì từ ai đó, thì chúng ta hay sử dụng những phương pháp được phân chia theo kiến thức, mà không phải là nhận thức.
Cho nên, chúng ta phí rất nhiều thời gian để trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi một giai đoạn chúng ta trải qua, chúng ta đặt cho nó một giá trị, và chúng ta tự hào về những giá trị mà chúng ta đã trải qua.
Chúng ta không biết được rằng, khi chúng ta chấp vào những giai đoạn chúng ta đã trải qua, thì chúng ta đang tạo ra những rào cản, không cho chúng ta tiếp xúc với sự thật.
Không ít những người trong chúng ta, thay vì, đi tiếp tới sự thật, thì chúng ta dừng lại nơi những thành quả đó, và phóng tưởng đó chính là sự thật.
Chúng ta càng học nhiều bao nhiêu thì ý thức của chúng ta càng phân tích rộng bấy nhiêu, và Ngã Thức của chúng ta càng trở nên tinh vi bấy nhiêu.
Khi Ngã Thức trở nên tinh vi bao nhiêu thì Ngã Thức của chúng ta sẽ tiếp tục củng cố thành trì của Ngã Thức thêm kiên cố bấy nhiêu.
Cho nên, khi ngã thức của chúng ta đã xây vững thành trì, thì cuộc đời của chúng ta sẽ bị giam cầm trong thành trì đó suốt đời, khó mà thoát ra được.
Trong Mỗi Ngày Một Chuyện, sở dĩ, chúng tôi không đưa ra những phương pháp hướng dẫn bạn đi từ bản ngã về bản thể, có vài lý do, như sau:
- Mỗi người trong chúng ta, nếu muốn đi đến bản thể của mình, thì phải tự đi bằng chính đôi chân của mình, mà không thể sử dụng đôi chân của người khác.
- Chỉ khi, đi bằng chính đôi chân của chúng ta, chúng ta mới biết đích chúng ta muốn tới là gì, và chỉ như thế, chúng ta mới kiên trì để đi đến cùng, mà không bỏ cuộc nửa chừng.
- Đã có quá nhiều diễn giả chia xẻ kinh nghiệm, hay trải nghiệm, trên qúa trình đi từ bản ngã về bản thể, cho nên nếu có thêm phần chia xẻ của chúng tôi hay không thì cũng không cần thiết.
- Trong khi, qúa trình ứng dụng của dụng nghiệm (đi từ bản thể về lại bản ngã) thì lại có rất ít diễn giả chia xẻ.
Cho nên, Mỗi Ngày Một Chuyện chỉ tập trung chia xẻ với bạn, những gì chúng tôi đang học và hành trong đời sống hàng ngày, để kéo dài An, hơn là, chia xẻ những phương pháp giúp bạn tiếp xúc với bản thể của bạn.
Đi tìm về bản thể của chính mình, là một hành trình dài hay ngắn, tùy theo kinh nghiệm tích lũy của mỗi người. Nói đến việc đi từ bản ngã tới bản thể, thì Thiền là một trong những phương pháp khá độc đáo.
Đây là câu chuyện đã xẩy ra với chúng tôi khoảng hơn ba mươi năm về trước, khi có một bậc thức giả đến để tham vấn về Thiền.
Khi vị thức giả đến gặp chúng tôi hỏi “Tâm là gì?” chúng tôi nói: Xin ngài đặt câu hỏi, rồi tự trả lời. Sau đó, chúng tôi xin góp ý.
Thức giả: Tâm?
Thức giả trả lời: Âm
Góp ý: Trầm
Thức giả: Tâm?
Thức giả trả lời: Lâm
Góp ý: Lầm
Thức giả: Tâm?
Thức giả trả lời: Câm
Góp ý: Cầm
Một người khách khác ngồi ngoài, nghe đối thoại bổng thốt:
HÂM
Nếu chúng tôi dừng lại câu chuyện ở đây, thì sẽ khiến cho rất nhiều bạn sẽ “điên đầu” để hiểu cuộc đối thoại của chúng tôi với vị thức giả kia là gì.
Nhưng nếu bạn đọc tiếp những lời giải thích của chúng tôi thì bạn sẽ thấy, cũng không có gì là “bí hiểm” lắm.
Ngày xưa, những người khao khát học đạo, đến gặp thiền sư, chỉ mong duy nhất có một điều, đó là, được thiền sư điểm đạo.
Khi họ đến, họ mang theo những kiến thức, những tư tưởng, suy nghĩ, so sánh của riêng mình, và cho đó là đúng nhất.
Nên trong sách thiền, gọi họ là thức giả, nghĩa là, những người chỉ biết lý thuyết, mà không bao giờ biết thực hành. Trái với thức giả, là Tuệ giả, người giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành.
Câu chuyện bắt đầu khi vị thức giả hỏi tâm là gì, và ông thao thao bất tuyệt, chứng minh hết sách này đến sách kia, để chứng minh là ông biết thế nào là Tâm. Ông dùng âm thanh để diễn tả nên có chữ “Âm”.
Sau khi, nghe xong vị thức giả trình bầy, chúng tôi mới góp ý bằng chữ “Trầm”, có nghĩa là, hôn trầm = u mê.
Vị thức giả, sau khi nghe, và biết mình chưa chuẩn, nên tiếp tục lý luận.
Nếu không thể dùng âm để giải được tâm thì người tu đạo phải lên rừng (Lâm) để tu tập. Vì thế gian này, ô trọc qúa, không xứng đáng để ở lại, tìm tâm.
Nghe xong, chúng tôi mới góp ý, bằng chữ “Lầm”, vì Tâm vốn ở khắp mọi nơi, chứ chẳng phải cứ lên rừng ở, mới có Tâm, còn ở giữa chợ thì không có Tâm.
Sau khi nghe chúng tôi góp ý, vị thức giả cũng hỏi Tâm là gì? nhưng không dùng kiến thức để lý luận so đo nữa, ông Câm = im lặng, và nhìn sâu vào trong tâm thức của mình, và nhận diện được Tâm ở khắp nơi.
Trạng thái im lặng và nhìn sâu vào nội tâm của người thức giả này, đã tự mình trả lời được câu hỏi tâm là gì, nên chúng tôi mới góp ý bằng chữ “Cầm”.
Chữ “Cầm” ở đây, có nghĩa là, chúng tôi đã trao cho người thức giả chiếc chià khoá, để mở ra cánh cửa Tâm. Trong Thiền học, gọi đó là “trao truyền tâm ấn”.
Có một người khách khác, mà người này không bao giờ khát khao tìm đạo, nên khi chứng kiến hành động đối đáp của vị thức giả với chúng tôi, thì cho là Hâm = khùng.
Chúng tôi ghi lại bài thơ này để diễn tả về các trạng thái tâm lý của ba nhân vật thức giả, chúng tôi và người khách khác.
Cùng một vấn đề, mà 3 người suy nghĩ khác nhau, và đều đưa ra ba trạng thái kết quả khác nhau.
Tuy cả ba đều là Tâm, nhưng Tâm bất tận không cùng. Khi tâm ở người thì là tâm người. Khi Tâm ở thú thì thành tâm thú, và khi ở hoa thì thành tâm hoa.
Nên mới có câu: “một là tất cả – tất cả là một” là vậy. Người thức giả thì phân chia tâm ra có cao, có thấp, có tử, có sinh, rồi đắm chìm trong so đo, mà bó tâm lại cho riêng mình. Nên khi thấy mất đi thì tiếc, lấy được thì mừng.
Ngược lại, người thực nghiệm và dụng nghiệm vì bìết tâm ở khắp mọi nơi, nên sống hay chết, mất hay được, cũng là chuyện tự nhiên, như hoa và rác.
Phân rác không vì mình có mùi hôi mà coi thường mình, ngược lại, vẫn toàn tâm toàn ý, biến thành những chất dinh dưỡng để nuôi hoa.
Hoa cũng không vì mình có hương sắc mà dám coi thường phân rác, vì hoa biết, ngày mai kia, mình cũng sẽ là phân rác, để tiếp tục cống hiến dinh dưỡng cho những bông hoa kế tiếp.
Thiền là thế. Không phải dùng kiến thức để tranh luận, so đo để nhận ra thực tại, mà dùng sự nhìn sâu để biết được mình.
Nhưng với ngày nay, Thiền lại khác. Có muôn ngàn cách trình bầy, hướng dẫn. Mục đích cuối cùng thì cũng giống nhau, nghĩa là tiếp cận được với bản thể.
Cho nên, nếu bạn cần một lời góp ý, thì chúng tôi chỉ xin góp ý với bạn là, bạn hãy tự mình thắp đuốc mà đi. Vậy bạn sẽ thắp đuốc như thế nào?
Có vài điều bạn có thể suy ngẫm:
- Hãy tìm hiểu kỹ càng về định nghĩa của bạn, nhất là những định nghĩa liên quan đến cảm xúc/giác
- Hãy xác định lại mục đích sống của bạn có phải là an lạc và hạnh phúc không, và nếu bạn có mục đích an thì mục đích đó là dài hạn hay ngắn hạn?
- Dù bạn lựa chọn phương pháp nào để đi theo, thì bạn phải đem điều bạn học, áp dụng vào trong thực hành, chứ đừng có học, hay ôm đồm cả đống phương pháp, mà bạn không thực hành gì cả.
- Khi học bất cứ một phương pháp nào thì bạn chỉ xem những bài học đó là những thông tin, và bạn cần phải đi kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm.
- Sau khi, trải qua ba qúa trình trên, mà kết quả ra đúng với những bài học mà bạn học, thì lúc đó bạn mới tin. Bạn chỉ nên tin vào kết quả, qua sự kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm trên bản thân của bạn.
- Sau đó, bạn phải thực tập liên tục phương pháp mà bạn đã trải nghiệm để trở thành một thói quen, và bạn sẽ sử dụng thói quen này, trong sự sinh hoạt của bạn với những người chung quanh bạn.
Nếu bạn có thể làm được những điều nêu trên, thì bạn có thể tiếp xúc với bản thể, hay sự thật, cũng không có gì là khó khăn lắm.
Đuốc thì đã có trong tay của bạn, mồi lửa thì cũng có sẵn trong tay của bạn, bạn có muốn thắp đuốc cho bạn đi hay không thì chỉ có bạn mới biết, bạn thật sự cần hay không cần ánh sáng mà thôi.
Mong thay, với sự thực hành nghiêm túc của bạn, bạn sẽ sớm tiếp xúc được với bản thể của bạn.
Thật mong lắm thay.