album-art

00:00

TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

Bạn Thân Mến,

Qua ca dao, tục ngữ, ông cha của chúng ta đã dậy rằng: “Có Bịnh thì Vái Tứ Phương”, vậy, Vái là gì? và Vái như thế nào mới đạt được kết quả? Đó là chủ đề mà chúng tôi muốn chia xẻ với bạn khi chăm sóc cho người thân của chúng tôi.

Theo định nghĩa, Vái có nghĩa là, xá, chắp tay trước trán hay ngực và cúi đầu, cầu khẩn, van xin với người khuất mày khuất mặt, khác với Lậy là quỳ gối và mọp đầu xuống.

Phần đông chúng ta khi “Vái” thường sử dụng ý nghĩa của sự cầu khẩn, hơn là chú trọng đến nghĩa thứ hai, van xin người khuất mày khuất mặt.

Riêng chúng tôi, lại hay sử dụng chữ “vái” theo nghĩa thứ hai, là tạo ra cầu nối để tiếp nhận nguồn năng lượng mà cha ông chúng ta đã tích lũy.

Nếu bạn đã đọc qua bài chín thức, bạn sẽ thấy ngôn ngữ của Ngã Thức thuộc về năng lượng được biểu hiện qua các tần số sóng.

Nếu đem so với ngày xưa, thì tần số sóng là một điều gì đó, không thể thấy được, mà người xưa, chỉ có thể cảm được. Nhưng với sự tiến bộ và khoa học ngày nay, người ta có thể đo được các tần số sóng, người ta có thể chụp hình được những tần số sóng.

Nói về tần số sóng với con người hôm nay thì không thể nói “cảm” không là đủ, mà có thể còn chứng minh được qua hình ảnh hay những biểu đồ.

Ngày xưa, người nào có khả năng nghe được âm thanh, lời nói ở ngàn dặm thì người đó được gọi là thiên lý nhĩ, người nào có thể nhìn xa, thấy được mọi cảnh tượng ở ngàn dặm thì người đó được gọi là thiên lý nhãn (thiên có nghĩa là một ngàn và lý là dặm).

Ai mà có khả năng nhìn xa ngàn dặm, hay nghe xa ngàn dặm, thì không phải “dạng vừa”, mà được phong thần, và khả năng nhìn xa nghe xa này được gọi là thần thông.

Trong những truyện về phong thần, cả thiên đình chỉ có hai vị thần được phong tặng danh hiệu: Thiên Lý Nhĩ và Thiên Lý Nhãn, mà ngay cả Ngọc Hoàng Đại Đế, người nắm quyền tối cao trên thiên đình, cũng không có được khả năng này. Nếu Ngọc Hoàng muốn biết chuyện gì xẩy ra từ ngàn dặm thì Ngọc Hoàng cũng phải nhờ, hay sai hai vị thần này làm cho.

Nhưng ngày nay, phần lớn chúng ta, ai cũng có thiên lý nhãn và thiên lý nhĩ cả. Chỉ cần, chún ta cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh, là chúng ta, không những chỉ biết được chuyện từ ngàn dặm, mà chúng ta còn có thể biết đến chuyện, lên đến cả chục ngàn dặm, cũng là chuyện bình thường.

Nếu đem so với thiên đình ngày xưa, chỉ có hai vị thần có khả năng nghe xa và nhìn xa, thì ngày nay, chúng ta có cả mấy tỷ vị thần, còn cao siêu hơn hai vị thần xưa, vì chúng ta có khả năng nghe và nhìn xa hơn hai vị ít nhất cũng gấp 10 lần.

Vậy, khi bạn cần chiếc điện thoại trên tay, bạn đang là hai vị thần, thiên lý nhãn và thiên lý nhĩ, bạn có thấy bạn có thần thông không?, và bạn có thấy thần thông có cao siêu không?

Chắc chắn là chả có gì mà cao siêu cả, mà đôi khi bạn còn cảm thấy phiền, khi có những việc, bạn đang cần riêng tư, mà lại đang dùng đến thiên lý nhãn (video call).

Cho nên, không phải cứ có thần thông là tốt đâu, mà có thần thông thì cũng có những cái bất tiện lắm đấy.

Vì vậy, nếu có ai đó, khoe với bạn họ có thần thông này hay nọ, thì bạn cũng đừng có ngạc nhiên hay tán phục. Vì bạn cũng có thần thông đấy, không những chỉ là một vị thần, mà bạn còn là cả hai, nghe xa, nhìn rộng cả nghìn dặm, với chiếc điện thoại đang cầm trên tay.

Nói đến điện thoại, thì không ai chúng ta lại không biết đến sóng, vì không có sóng là chúng ta sẽ mất đi “thần thông” ngay.

Như vậy, chức năng của điện thoại chỉ là một công cụ có khả năng thu và tiếp nhận được sóng, và qua song đó, mới thể hiện được thiên lý nhĩ (nói chuyện qua điện thoại) hay thiên lý nhãn (nói chuyên qua ghi hình).

Cơ thể của chúng ta cũng như chiếc điện thoại, là công cụ để tiếp nhận sóng và phát sóng. Hệ thống thần kinh và não bộ, cũng như các tế bào của chúng ta, vừa là trạm tiếp nhận tần số sóng, và cũng là trạm phát sóng từ trong cơ thể ra bên ngoài.

Có thể nói, cơ thể chúng ta giống như một đài phát thanh, nơi có thể vừa nhận sóng và phát sóng.

Khi bạn mở radio trong khi lái xe, thí dụ, đài FM100 quen thuộc, nếu bạn qua vùng phủ sóng, tuy bạn vẫn dùng đài FM100, nhưng bạn lại nhận được những sóng mới, những tiếng nói mới, những chương trình mới.

Không ai trong chúng ta xa lạ điều này, và hai chữ “phủ sóng” với chúng ta, cũng không cần phải giải thích nhiều, vì ai cũng biết.

Y học ngày nay, với những máy móc tối tân như EEG (ElectroEncephaloGraphy) hay chức năng chụp cộng hưởng từ  (fMRI – functional Magnetic Resonance Imaging), các bác sĩ và nhà khoa học thần kinh có thể đo lường những thay đổi trong não của chúng ta, mà không cần mổ não của chúng ta ra, như lúc xưa.

Trong tác phẩm bán chạy nhất, “Power vs Force” (Năng lượng tâm linh), bác sĩ David R.Hawkins đã chứng minh được mối liên hệ mật thiết giữa bệnh tật của con người và những suy giảm năng lượng trong cơ thể, đến từ những tư tưởng tiêu cực.

Để chứng minh điều này, bác sĩ David đã dùng phương pháp thực nghiệm khoa học để đo tất cả các tư tưởng, suy nghĩ, cảm nhận của một người; rồi từ đó, ông ghi nhận được tần số rung động về ý thức hệ của người đó.

Qua nghiên cứu của ông, những người thiếu thương yêu, hay có tư tưởng tiêu cực, oán giận, chỉ trích, hận thù người khác, hoặc sống ích kỷ, đều có tần số rung động thấp.

Theo bác sĩ David, khi những người đó trách móc, hận thù người khác, họ sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ; đồng thời, họ cũng tạo ra rất nhiều áp lực trên cơ thể, khiến tần số rung động của họ bị giảm. Vì vậy, họ có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh.

Sau hơn 20 năm dài thực nghiệm lâm sàng với hàng triệu tư liệu được ghi lại. Sau khi, thông qua các phân tích, thống kê tỉ mỉ, bác sĩ David đã phát hiện ra rằng:

Các tầng ý thức khác nhau của con người đều tương ứng với các chỉ số năng lượng nào đó. Từ đó, ông thống kê ra được những mức tần số năng lượng chủ yếu như sau:

Khai Ngộ, Chính Giác: 700 ~ 1000

Điềm Tĩnh, Thanh Thản: 600

Vui Vẻ, Thanh Tĩnh: 540

Tình Yêu Và Sự Tôn Kính: 500

Lý Tính, Thấu Hiểu: 400

Khoan Dung, Độ Lượng: 350

Hy Vọng, Lạc Quan: 310

Tin Cậy: 250

Can Đảm, Khẳng Định: 200

Tự Cao, Khinh Thường: 175

Ghét, Thù Hận: 150

Dục Vọng, Khao Khát: 125

Sợ Hãi, Lo Âu: 100

Điều này, có nghĩa là, khi bạn khởi sinh một ý niệm thì bạn bắt đầu tạo ra tần số sóng, và bạn có thể phát tần số sóng của bạn ra không gian. Nếu ai đó, có trạm thu nhận được tần số sóng của bạn, thì họ có thể “bắt” được tư tưởng của bạn là chuyện rất bình thường.

Người xưa có câu: Trên đầu ba thước có thần linh, dĩ nhiên, họ không có máy móc để đo hay chụp được những tần số sóng, nhưng họ vẫn có thể “cảm” được tần số sóng.

Định nghĩa của cảm là một nguồn năng lượng, mà có năng lượng là có tần số sóng, và tần số sóng của cảm có thể tương tác với các năng lượng hay tần số sóng ở ngoài cơ thể của chúng ta khi có chung một tần số rung động.

Giống như người chơi đàn guitar, khi họ đánh một dây đàn, tạo ra một tần số song, thì những dây đàn nào, lên cùng một tần số đều rung lên.

Như vậy, qua quan sát những hiện tượng về vật chất cũng như về tinh thần, chúng ta thấy, con người của chúng ta là trạm thu và phát ra những nguồn năng lượng với những tần số sóng qua tư tưởng, cảm giác, các cơ quan và tế bào.

Vì có thu, cho nên, chúng ta có thể tiếp xúc được với những nguồn năng lượng (tư tưởng, cảm giác,v.v) của các bậc tiền nhân, đồng thời, chúng ta cũng có thể phát ra những nguồn năng lượng (tư tưởng, cảm giác) cùng tần số với các bậc tiên tổ. Qúa trình thu hay phát này gọi là qúa trình tương tác hay tương tức (cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không).

Điều này có thể giải thích được lý do, tại sao các nhà ngoại cảm (cảm nhận được nguồn năng lượng từ bên ngoài) có thể tiếp xúc được những tần số sóng trong không gian của những người đã khuất. Đồng thời, cũng giải thích luôn được lý do tại sao có khi họ cảm được, cũng như có khi họ không cảm được.

Lý do họ cảm được, khi Ngã Thức của họ thật sự tạo ra được tần số sóng cùng chung với người họ muốn tươg tác, và họ không làm được, khi họ bị những “áp lực” như danh tiếng hay hoàn cảnh “ép buộc” khiến họ phải dùng đến phỏng đoán hay tưởng tượng ra kết quả, khi họ không thật sự có được tần số sóng giao thoa với người họ cần tương tác.

Chính vì vậy, khi chúng ta vái, có nghĩa là, chúng ta đang khởi ý niệm hướng về các vị tiên tổ của chúng ta, hay nói rõ hơn, chúng ta đang tạo ra tần số rung động cùng với tần số rung động của tổ tiên.

Khi chúng ta có cùng với tần số với tiên tổ, chúng ta có thể giao tiếp với các Ngài, một cách dễ dàng.

Vậy thì, chúng ta giao tiếp (vái) những gì với tiên tổ? Như những bài viết khác, chúng tôi đã chia xẻ với bạn về những tinh hoa, và cách sống làm sao kéo dài An của tổ tiên của chúng ta.  Chúng ta “vái” các Ngài chỉ dẫn cho chúng ta con đường để đạt được an và kéo dài an.

Tại sao chúng ta lại vái tiên tổ của chúng ta soi đường dẫn lối cho chúng ta An? Vì định nghĩa của An là không xáo trộn.

Theo Đông y, khi cơ thể của chúng ta bị bịnh, có nghĩa là, cơ thể của chúng ta đã mất đi sự quân bình giữa âm với dương, hay giữa lục phủ và ngũ tạng. Như vậy, khi chúng ta có An, chúng ta có thể thiết lập lại thế quân bình âm dương. Nhờ sự thiết lập được quân bình âm dương trong tâm, cho nên, sẽ ảnh hưởng tới thân.

Vì vậy, những bịnh từ thân, có thể nương tựa nơi nguồn năng lượng An của tâm, để tự điều chỉnh, từ đó, giúp cơ thể của chúng có thể sống khỏe mạnh hơn.

Những phương pháp sống lâu, và sống khỏe, không bịnh tật của người xưa luôn đặt trọng tâm vào chữ An. Khi Tâm đã an thì không có bịnh tật

Ngày nay, các bác sĩ Tây Y cũng công nhận sự bất an, căng thẳng, trầm cảm,v.v, là một trong những nguyên nhân chính gây ra những chứng bịnh nan y.

Câu chuyện về chứng bịnh rối loạn nghi bệnh (hypochondria) mà chúng tôi nhớ, có đọc trên vnexpress của tác giả Vương Linh, nói về chứng bịnh rối loạn nghi bệnh hay cách “định bịnh giả” như sau:

“Từ ngày ông hàng xóm mất vì ung thư vòm họng, bà A luôn có cảm giác mình có rất nhiều đờm. Bà nghĩ bà bị bệnh nặng sắp chết, nên bà bắt con cháu đưa đi hết nhà thương này tới nhà thương khác, dù bác sĩ nơi nào cũng khẳng định bà khỏe mạnh.

Trong 6 tháng, bà A đã đi khám tới hơn chục nơi. Qua các kết quả, đều cho thấy, bà có sức khỏe bình thường, họng và phổi không có vấn đề gì.

Nhưng bà A vẫn không yên tâm và luôn cảm giác họng đầy đờm, suốt ngày khạc nhổ. Người nhà sau nhiều lần đưa bà đi khám, đã quá mệt mỏi và nghĩ, bà chỉ giả vờ bệnh để con cháu quan tâm. Trong khi đó, bà A ngày càng lo lắng tới mất ăn mất ngủ.

Cuối cùng, trong một lần đến khám tại bệnh viện khác, bà được bác sĩ khuyên nên đi khám chuyên khoa thần kinh, vì bệnh không nằm trong họng của bà, mà nằm ở nơi “đầu” của bà.

Con cháu thuyết phục bà mãi, và lấy cớ bác sĩ chỉ định vào khoa thần kinh chụp chiếu, mới phát hiện bệnh chính xác, thì bà mới chịu đi. Qua chuẩn đoán, các bác sĩ tại đây mới xác định bà mắc chứng rối loạn nghi bệnh (hypochondria), nên luôn ám ảnh mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Một bệnh nhân tên B, đi khám bịnh vì đinh ninh có một chiếc xương cá rất to dính trong cổ họng.

Người nhà cho biết, mấy ngày trước, khi đang ăn tối, có món cá, anh B bỗng đứng dậy khạc nhổ, kêu đau vì bị hóc xương cá.

Người nhà đã làm đủ các mẹo để chữa hóc xương, nhưng anh vẫn không đỡ, kêu than, nên người nhà quyết định đưa anh đi bác sĩ nhờ khám dùm.

Khi tới bịnh viện, sau khi kiên nhẫn nghe anh kể về cách chữa bệnh và những mối lo của anh; để cho anh yên lòng, bác sĩ chỉ định anh đi soi họng. Sau khi soi họng xong, bác sĩ khẳng định, anh bị mắc xương cá, và hẹn anh, chiều quay lại để lấy xương cá ra.

Trong thời gian đó, bác sĩ đã nhờ một người đi tìm một chiếc xương cá thật, và khi anh tới, bác sĩ làm các thủ thuật như đang gắp xương cá ra, rồi nhanh tay đưa cho anh B xem chiếc xương cá mà bác sĩ đã dấu trong tay từ trước.

Khi nhìn thấy xương cá anh vô cùng mừng rỡ, và từ đó, khỏi hẳn cảm giác vướng vướng, đau đau ở họng.”

Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy, không phải chỉ có Đông y mà ngay cả Tây y cũng đều công nhận, An chính là chất liệu cần thiết để có thể chữa trị các loại bịnh, nhất là trong câu chuyện thứ hai. Nếu vị bác sĩ không tinh ý và “đánh lừa” anh, bằng cách tạo ra An cho anh, thì bác sĩ không thể chữa trị cho anh B hết bịnh được.

Nói đến chữ “Bịnh”, thì phần đông chúng ta ngày nay, đã đánh đồng chữ  “bịnh” là đau, ốm, hay sức khỏe kém hơn bình thường.

Nhưng thật ra, chữ bịnh theo Thân Thể Thức, là biểu hiển tình trạng của một cơ quan hay bộ phận nào đó trong cơ thể, đã hoạt động qúa độ, hay cách chức năng của bộ phận đó bị ảnh hưởng từ môi trường, hoàn cảnh, hay do vi trùng, vi khuẩn tấn công, nên không còn hoạt động đúng theo quy trình.

Thông thường, trước khi chúng ta bị bịnh, cơ thể của chúng ta luôn có sự báo động “đỏ” cho chúng ta biết, là cơ quan, bộ phận, hay cơ thể đã có sự hoạt động qúa tải hay lệch quy trình. Nhưng Ngã Thức của chúng ta, vì qúa ham mê theo đuổi một điều gì đó, nên thường không để ý đến.

Khi Thân Thể Thức đã báo động cho Ngã Thức rồi, mà Ngã Thức vẫn quyết định không nghe theo, thì Thân Thể Thức sẽ có hai trường hợp để hoạt động: một, quyết định ngưng hoạt động, hai, chấp nhận và điều khiển các cơ quan theo ý muốn của Ngã Thức.

Hãy lấy thí dụ sau đây làm minh họa.

Chị A mới mua một căn nhà, và nhà chị có một bồn hoa. Ngày cuối tuần, chị nghỉ làm, nên quyết định sẽ đi mua hoa về trồng trong bồn hoa của chị.

Vì quen làm việc văn phòng và ít hoạt động tay chân, cho nên, khi chị xới đất lên để trồng hoa trong một khoảng thời gian dài, tay của chị đã bắt đầu cảm thấy hơi bị ê.

Thay vì lắng nghe theo cơ thể của chị, báo cho chị biết, chị đã làm việc quá sức mà thói quen cơ bắp của chị có thể chịu đựng, và chị nên dừng lại, để cho cơ bắp phục hồi.

Nhưng vì Ngã Thức của chị lại muốn đem bồn hoa đẹp chị muốn trồng để khoe với bạn bè ngày mai, nên chị không nghe theo lời cơ thể của chị, và vẫn tiếp tục đào xới đất.

Vì cơ bắp tay của chị đã mệt mỏi, nay lại tiếp tục phải làm them việc, cho nên, các cơ bắp, bắt đầu gia tăng báo động, thay vì, ê thì nay thành đau.

Chị A vì cảm giác muốn khoe với bạn mạnh hơn, cho nên, tuy tay bị đau, chị vẫn tiếp tục công việc đào xới đất trồng hoa của chị. Khi các cơ bắp không thể chịu được nữa, thì gởi báo động “đỏ” đến chị, qua triệu chứng nhức, khiến cho chị vì đau qúa, không thể làm việc được nữa, nên chị phải ngừng.

Sau đó, chị phải bóp dầu cả tuần, mới hết đau nhức, và trong thời gian đó, làm ảnh hưởng đến công việc văn phòng của chị khá nhiều.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy, cơ thể của chúng ta luôn có sự báo động những sự bất thường đang xẩy ra trong cơ thể của chúng ta, theo dạng, từ nhẹ tới nặng, chứ không phải, tự dưng cơ thể chúng ta đau hay nhức một cách đột biến.

Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta phải loại trừ trường hợp khi thân thể bị va chạm mạnh, khiến các cơ quan bị thương tổn trầm trọng, thì cơ thể của chúng ta sẽ không báo động kịp cho Ngã Thức lựa chọn.

Như vậy, nếu Ngã Thức của chúng ta chịu lắng nghe những lời “báo cáo” của cơ thể, từ lúc nhẹ, đã lo chữa trị, thì chúng ta sẽ ít bị rơi vào những căn bịnh khó trị sau này.

Các bác sĩ Đông cũng như Tây y đều khuyến cáo chúng ta, nên đi khám bịnh định kỳ, để có thể phát hiện ra những triệu chứng bất thường của cơ thể, lúc mới khởi đầu, như vậy, sẽ dễ dàng chữa trị, hơn là để đến khi qúa nặng, đã làm tổn thương tới các cơ quan, thì sẽ khó trị, và chúng ta sẽ tốn kém về tài chánh nhiều hơn.

Nhưng phần đông với chúng ta, những lời khuyên này hình như vô cảm với chúng ta.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến sự thuần phục của Thân Thể Thức trước Ngã Thức.

Anh A có một thân hình khá mập mạp, anh đi cua gái và thường bị các cô chê là anh có bụng bia, nên ít cô muốn quen với anh. Họ chọc ghẹo anh, nếu anh có một thân hình sáu múi, thì họ sẽ về “nâng khăn sửa túi” cho anh.

Mặc dù anh biết là họ chọc ghẹo anh, nhưng sự chọc ghẹo đó, chạm đến tự ái của anh, nên anh quyết định sẽ đến phòng tập thể hình, để tập thành cơ bụng 6 múi.

Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên thể hình, anh bắt đầu bằng cách đẩy tạ. Ngày đầu tiên, cơ thể của anh rã rời, ê ẩm. Anh đã tính bỏ cuộc, nhưng nhớ lại lời chọc ghẹo của các cô gái, anh cố chịu đau và vẫn tiếp tục ngày thứ hai.

Tuy cơ bắp cũng có ê đau, nhưng anh vẫn cố chịu và kiên trì luyện tập. Trong vòng 2 tuần thì những ê đau của cơ bắp ban đầu không còn. Sau đó, anh tiếp tục thực tập với các dụng cụ khác, và trọng lượng đẩy tạ của anh cũng tăng theo từng ngày.

Chỉ trong vòng vài tháng, cái bụng bia của anh đã bắt đầu phẳng lại, và một thời gian sau, anh cũng tập được cơ bụng 6 múi như Ngã Thức của anh mong muốn.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy, Thân Thể Thức của anh cũng đã có những báo động đỏ cho anh nhưng vì Ngã Thức của anh vì tự ái nên đã kiên trì ra lệnh cho Thân thể Thức làm theo ý của Ngã Thức.

Thân thể thức đã cộng tác với Ngã Thức, và ra lệnh cho hệ thần kinh và các cơ bắp, các tế bào, ghi nhớ những lập trình mới, như: gia tăng sự đàn hồi của các cơ, luân chuyển máu đến các cơ nhanh hơn, tim và phổi cũng phối hợp chặt chẽ để lấy đủ dưỡng khí cho cơ thể, và tim cũng bơm mạnh hơn để thải các độc tố do các cơ bắp hoạt động mạnh thải ra ngoài qua tuyến mồ hôi và nước tiểu v.v.

Trường hợp thứ hai này, thường xẩy ra cho chúng ta, khi chúng ta không chịu nghe theo cơ thể, và cứ tiếp tục “lơ là” với những báo động của cơ thể.

Sau những báo động “đỏ” của cơ thể, mà Ngã Thức của chúng ta cứ “phớt lờ”, thì Thân Thể Thức sẽ coi như đó là một lập trình mới từ Ngã Thức muốn, và ra lệnh cho các cơ quan hoạt động theo lập trình mới này.

Lập trình của anh A là một lập trình mang tính cách khỏe mạnh, đó là những lập trình tốt, mà chúng ta có thể lựa chọn cho cơ thể của chúng ta.

Nhưng nếu lập trình mang tính cách làm hại đến các cơ quan như uống rượu, ăn nhiều chất béo phì,v,v, thì chúng ta nên cẩn thận trước khi đưa ra lập trình cho Thân Thể Thức điều khiển các cơ quan hoạt động, và biến thành thói quen.

Qua thí dụ này, chúng ta thấy, khi chúng ta nói, chúng ta bịnh, có nghĩa là, Ngã Thức của chúng ta đã không lắng nghe những sự báo động của cơ thể; và đã phớt lờ những báo động này. Chính vì sự “phớt lờ” này, chúng ta đã vô tình tạo ra một lập trình mới cho cơ thể của chúng ta.

Lập trình này, do Ngã Thức của chúng ta, vì không hiểu được sự vận hành của cơ thể, hay hiểu nhưng vì qu’a ham mê vào một điều gì đó, nên chúng ta đã đưa ra những lập trình đi ngược, hay sai, với sự vận hành của cơ thể.

Cho nên, Ngã Thức của chúng ta đã làm xáo trộn, và tạo ra sự bất an giữa các cơ quan, và các tế bào; từ đó, tạo ra những vùng năng lượng đối chọi nhau trong cơ thể, và trong Ngã Thức, chúng ta có cảm giác đau hay nhức.

Như vậy, nếu chúng ta muốn sống khỏe mạnh thì chúng ta cần phải để ý đến những ý muốn trong Ngã Thức của chúng ta trước những báo động của cơ thể của chúng ta.

Chúng ta phải xem xét lại, những ý muốn của Ngã Thức của chúng ta có làm cho cơ thể chúng ta mạnh khỏe lên, hay làm cho suy yếu đi.

Nếu chúng ta làm được điều này, thì sự khỏe mạnh của cơ thể của chúng ta có là chuyện tất nhiên.

Ơ trong câu ca dao “có bịnh thì vái tứ phương”, chúng ta đã quan sát và nhìn sâu vào hai chữ “vái” và “bịnh”, vậy còn hai chữ tứ phương nghĩa là gì?

Hai chữ tứ phương ở đây, có nghĩa là, bên ông nội, bên bà nội, bên ông ngoại, và bên bà ngoại, gồm bốn gia tộc, tổ tiên của hai bên nội và hai bên ngoại.

Mỗi gia tộc của ông, bà, nội, ngoại, đều có những tinh hoa mà con cháu có thể quay về để nương tựa các bậc tổ tiên, dẫn lối soi đường.

Như vậy, câu ca dao có “bịnh thì vái tứ phương” qua cách ứng dụng của chúng tôi theo nghĩa thứ hai, có nghĩa là, khi Ngã Thức của chúng tôi có những sự bất an hay vì đam mê theo điều gì đó, nên không chịu lắng nghe theo cơ thể, khiến chúng tôi bị bịnh, thì chúng tôi phải quay về quan sát và nhìn sâu vào trong Ngã Thức để thiết lập được An.

Sau đó, gởi nguồn năng lượng An của chúng tôi đến tổ tiên hai bên nội, ngoại để được tương tác với các Ngài, và nương nhờ các Ngài chỉ dậy, cũng như hỗ trợ cho chúng tôi có cái An lâu dài.

Điều này, cũng giống như, khi ông bà chúng ta còn sống, nếu chúng ta cần những lời khuyên hay học hỏi kinh nghiệm từ ông bà thì chúng ta dùng lời nói để bầy tỏ vậy.

Khi các cụ đã khuất thì chúng ta cũng làm y như vậy, chỉ khác, thay vì dùng lời nói, thì chúng ta dùng ý niệm hay lời nói trong lúc khấn. Ý niệm hay lời nói, đều là những nguồn năng lượng, lời nói thì qua tần số của âm thanh và ý niệm vái cầu là tần số của tâm thức.

Sau khi chúng ta đã có thể thiết lập được sự tương tác với ông bà của chúng ta, và chúng ta có được sự hỗ trợ An từ các vị rồi, chúng ta mới dùng An đó, để quan sát và nhìn sâu xem Ngã Thức của chúng ta đã lập trình những điều gì, tạo nên sự xáo trộn trong cơ thể; nhờ đó, chúng ta sẽ điều chỉnh lại lập trình.

Trong qúa trình điều chỉnh này, chúng ta sẽ kết hợp với các bác sĩ hay các chuyên gia, bằng cách, cung cấp những thông tin chính xác về những lập trình, để các bác sĩ có đầy đủ những thông tin, và đưa ra những chuẩn đoán chính xác.

Thí dụ như câu chuyện về người thân của chúng tôi, mới xẩy ra, liên quan đến thuốc tiểu đường như sau:

Không biết vì lý do gì, mà người thân của chúng tôi trong mấy tháng qua, với chỉ số lượng đường trong máu đều ổn định, bỗng tăng một cách đột biến, nên chúng tôi đã quyết định, đưa người thân của chúng tôi vào nhà thương.

Qua những khám nghiệm, các bác sĩ không biết nguyên nhân vì sao, mà các bác sĩ chỉ phát hiện được có một bịnh duy nhất là bị nhiễm trùng đường tiểu.

Cho nên, các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân gây ra đột biến đường là do bị nhiễm trùng đường tiểu. Chúng tôi không phải là bác sĩ, cũng không phải chuyên gia, nên không biết đánh giá đó có phải là nguyên nhân hay không?

Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là, người thân của chúng tôi, sau khi được truyền những liều insulin, thì đã trở lại bình thường.

Sau 5 ngày nằm viện, bác sĩ về tiểu đường quyết định, người thân của chúng tôi phải chích insulin để khống chế lượng đường trong máu. Theo toa thuốc của bác sĩ thì người thân của chúng tôi phải chích một mũi buổi sáng và một mũi buổi chiều.

Qua ba ngày chích insulin, và qua những con số mà chúng tôi ghi lại, chúng tôi phát giác ra, khi chích hai mũi sáng chiều, thì sức khỏe của người thân chúng tôi suy sụp hẳn. Thay vì, có thể di chuyển như lúc trước, thì nay lại nằm bẹp, mê mệt.

Cho nên, chúng tôi đã liên lạc với bác sĩ tiểu đường, và đưa ra đề nghị, chỉ nên chích một mũi vào buổi trưa, vì chỉ vào buổi trưa là lúc đường lên cao nhất, còn những lúc khác, thì lại xuống thấp bất thường, không đủ tiêu chuẩn chích insulin.

Bác sĩ, sau khi coi qua cuốn sổ ghi chép cẩn thận với những con số thay đổi qua mấy ngày, và ông cũng coi những tấm hình chúng tôi chụp lại những con số trên máy đo, thì ông đồng ý, chuyển từ chích hai mũi sáng chiều, thành chích một mũi vào buổi trưa.

Sau đó, ba ngày, qua chăm sóc và ăn uống theo phương pháp “Thuốc từ Tâm”, thì chỉ số đường trở về bình thường, và không cần phải chích insulin nữa.

Câu chuyện chúng tôi kể cho bạn, không phải là để chê hay chỉ trích các bác sĩ Tây y, vì chúng tôi hiểu, khi chúng ta không có đủ những thông tin chính xác, mà chỉ dựa trên suy luận và phỏng đoán, thì kết quả không ra đúng như sự thật là chuyện bình thường.

Chúng tôi biết, các bác sĩ, sở dĩ, đưa ra những chuẩn đoán thiếu chính xác, không phải vì họ dở hay không có khả năng, mà bởi vì, họ không trực tiếp chăm sóc cho người thân của chúng tôi, nên họ thiếu những thông tin chính xác để đưa ra những sự chuẩn đoán chính xác.

Cho nên, là người chăm sóc trực tiếp cho người thân của chúng tôi, chúng tôi phải có bổn phận cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác nhất cho các bác sĩ, để họ có đầy đủ dữ kiện khi đưa ra phương pháp chữa trị.

Quả nhiên, khi chúng tôi cung cấp đầy đủ các thông tin, các bác sĩ đã có sự điều chỉnh đúng lúc, đúng chỗ, và có thể khống chế được căn bịnh dễ dàng.

“Có bịnh thì vái tứ phương” không phải là chúng ta đi van xin cầu khẩn mọi nơi mọi chỗ. Vì đó, chỉ là chữa ngọn mà không phải chữa gốc.

Chữa tận gốc là chữa bằng cách trở về với chính chúng ta, thiết lập được An, rồi tương tác với các ông bà khuất mặt, để nương theo hướng dẫn, chỉ dậy, soi đường dẫn lối, hay nhờ ông bà của chúng ta tiếp lực hay hỗ trợ cho chúng ta có thể kéo dài được An.

Sau đó, chúng ta dùng nguồn năng lượng An để tìm ra những lập trình mà Ngã Thức đã “vô tình” tạo ra cho cơ thể để chỉnh sửa lại.

Rồi kết hợp với các bác sĩ (nếu có), bằng cách, cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác về những suy nghĩ, tư tưởng, lo sợ, v.v. của chúng ta, để các bác sĩ có thể hiểu rõ và có thể chuẩn bịnh đúng hơn.

Khi đã đi khám bác sĩ, chúng ta nên đặt trọn niềm tin vào phương pháp chữa trị, tuân thủ và hợp tác.

Đặt niềm tin trọn vẹn vào bác sĩ, không phải là, bác sĩ nói sao chúng ta nghe vậy, hay cho thuốc thế nào thì chúng ta cứ uống theo như thế, mà trong qúa trình dùng thuốc, chúng ta phải tự theo dõi những diễn biến trong cơ thể, rồi liên tục cung cấp những thông tin đang xẩy ra trong cơ thể của chúng ta cho bác sĩ biết, để các bác sĩ có đầy đủ những thông tin chính xác nhất.

Chỉ khi chúng ta làm được như vậy, chúng ta mới chữa được tận gốc, chứ không phải như thói quen thông thường của chúng ta, khi có bịnh, chữa chỗ này không được thì đi cầu khẩn chỗ khác, mà lại không biết được, chính Ngã Thức của chúng ta mới là tác nhân chính.

Cho nên, khi chúng ta có bịnh, đó không phải là một điều gì đó xấu, hay hại, mà bịnh cũng có những điều tốt giúp cho chúng ta thực tập có An, có sự tương tác với tổ tiên, có cơ hội nhìn sâu vào Ngã Thức để chuyển hóa những lập trình mà Ngã Thức của chúng ta đã vô tình tạo ra.

Nhờ có “vái” mà chúng ta có thể kết hợp giữa hữu hạn của y học với vô hạn của những nguồn năng lượng yêu thương, hiểu biết, an lạc, và hạnh phúc của tổ tiên.

Như vậy, ý nghĩa của “có bịnh thì vái tứ phương” đâu phải chỉ dùng trên góc độ về vật chất, về y học trị liệu, mà còn có thể ứng dụng trên góc độ của tâm linh nữa.

Khi chúng ta biết kết hợp cả hai lĩnh vực vật chất và tinh thần hay tâm linh thì chúng ta sẽ có sức mạnh gấp đôi, thay vì, chỉ sử dụng có một lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Tệ hại hơn, khi chúng ta lại phí thời gian để đi tranh luận xem lĩnh vực này đúng hay sai, hay lĩnh vực này chánh hay tà.

Ai đúng, ai sai, không quan trọng, quan trọng của phương pháp chữa bịnh, dù là Đông hay Tây y, là chúng ta có đạt được kết quả hay không. Nếu có kết quả, đúng như ý chúng ta muốn, và kết quả đó đem đến cho chúng ta an lạc, hạnh phúc thì đó mới là ý nghĩa của “có bịnh thì vái tứ phương”.

Cho nên:

Có bịnh thì nên vái tứ phương

Trở về… tương tác với tổ đường

Cầu xin… học hỏi tâm An Lạc

Nhìn sâu… Ngã Thức… rõ tai ương

Dõi theo… kết hợp cùng y sĩ

Thông tin, dữ liệu… phải… rõ… tường

Niềm tin đặt trọn và tuân thủ

Bịnh đâu còn chỗ… để tựa nương

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept