Bạn Thân Mến,
Nói đến hai chữ bạn bè, chẳng có ai trong chúng ta không hiểu cả, bởi vì, chúng ta đã sử dụng hai từ bạn bè qúa nhiều lần. Nhưng, thế nào là Bạn? và thế nào là Bè? thì sẽ khiến bạn phải “động não” đấy.
Câu chuyện chúng tôi muốn chia xẻ với bạn hôm nay là câu chuyện liên quan đến hai chữ “bạn bè”, khi chúng tôi nhận được email từ một người quen.
Chào anh,
Như anh đã biết, để hình thành trọn vẹn kiếp nhân sinh của mình, chúng ta đều phải trải qua: hỷ, nộ , ái , ố. Nên những cái hay ai cũng trải nghiệm trong đời mình, và thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng anh hãy cho em sự góp ý chân thành, và câu hỏi em đặt ra thì em nghĩ cũng có rất nhiều người vướng phải, như sau:
Biết rằng” Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nhưng cuộc sống người làm Nail (nhất là những người mới sang) thời gian và công việc đều có giới hạn, và cuộc sống của người làm Nail, chỉ giới hạn mỗi ngày sáng đi tối về, và cuối tuần thì tất bật với nấu ăn, dọn dẹp…. Thì cách nào để tìm cho mình được người bạn tốt. Vì em thấy, cuộc sống ở đây không có nhiều tình cảm như ở Việt Nam.
Có thể, câu hỏi này sẽ làm phật lòng nhiều người, nhưng là câu nói thật. Vì em thấy họ, chỉ nói bằng miệng chứ cách họ làm thì ngược lại.
Thí dụ:
- Người A có bằng Nail, biết người B mới sang. Khi gặp nhau trong tiệm thì cứ mở miệng: em mới sang, ráng làm đi… Nhưng khi thấy khách chọn người B nhiều, thì chọt sau lưng chủ: nó không có bằng….. Đủ thứ …
Người B thì luôn tin tưởng quý người A như người ơn, mà không hề hay biết, mình bị đâm sau lưng. Mãi đến khi có người C kể cho biết thì người B bị hụt hẫng tình cảm.
- Chị chủ trước khi nhận vô làm, biết người ta không có bằng, nhưng vì mùa thuế nên cần thợ. Sau đó, hứa cho vay tiền để lo bằng. Người thợ bỏ học để đi làm, vì sợ mất khách cho chủ.
Sau đó, chủ nhận nhiều thợ có bằng thì nói xa nói gần là: ngại state board đến. Rồi việc lo bằng thì mượn cớ là, người thợ hỏi chỗ khác làm…. Bao nhiêu vấn đề khác nữa, mà người thợ thì luôn nghĩ: mình sống thật. Chia xẻ vui buồn, và chăm sóc tiệm tốt như tình cảm của người bạn.
Vậy cách nào nhận biết là nguoi bạn tốt và kẻ xấu để không phí thời gian với họ đối với nghề Nail này???
Cám ơn Anh
P/s: vấn đề cá nhân, thay mặt bạn em hỏi dùm, không ám chỉ ai. Mong chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng tình cảm con người với con người, ngày càng tốt đẹp hơn.
Chào chị T,
Đọc xong những câu hỏi của chị, tôi muốn trả lời cho chị ngay, nhưng vì công việc khá bận rộn, nên chưa có thời gian rảnh rỗi. Mong chị thông cảm cho.
Nếu tôi nhớ không lầm, trước đây tôi đã chia xẻ một bài thơ về “Bạn và Bè”, Không biết chị đã đọc chưa, nên tiện đây tôi xin trích lại.
BẠN VÀ BÈ…
Ngày xưa, khi quen biết ai, tôi vẫn quen gọi họ là bạn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, thì những người mà tôi gọi là bạn này, lại “đâm sau lưng” tôi. Tôi hoang mang, mơ hồ, khổ đau và thu mình vào trong lớp vỏ cô đơn. Cho đến khi, tôi trở lại với chính mình, và bắt đầu học quan sát và nhìn sâu, tôi mới biết được, đâu là Bạn đâu là Bè.
Bạn là người đồng cam cộng khổ
Chia xẻ buồn vui
Nâng đỡ nhau trong hoạn nạn
Chia xẻ lúc hân hoan
Ngưòi có thể thổ lộ tâm cang
Giúp cho mình hướng thiện
Bè là hội ngộ phút giây
Cùng là cây, kết thành một khối
Nhưng, sẽ vội chia xa
Khi gặp phong ba bão táp
Bè sẽ chẳng hỏi đáp
Khi mình có gian nan
Bè sẽ đến khi sang
Nghoảnh mặt đi, khi nghèo nàn túng thiếu
Đối với Bạn thì lấy chân tình ra cư xử
Đối với Bè thì lấy lễ nghĩa ra trao
Mất đi bạn thì mất cả trăng sao vũ trụ
Mất đi Bè thì cứ An trú thản nhiên
Gặp nhau muôn sự tùy duyên
Mất Bè thì cứ an nhiên, mỉm cười
Và từ đó, tôi đã thoát khỏi lớp vỏ cô đơn và biết mỉm cười và chia xẻ.
Nếu chị đọc kỹ bài thơ này, chị sẽ thấy, cách phân biệt và ứng xử với Bạn và Bè khác nhau. Cho nên, khi chúng ta lầm lẫn trong sự phân biệt thì chúng ta phải “chịu trách nhiệm” với sự lựa chọn của mình.
Nếu tôi là chị, tôi thấy tôi có 3 lỗi lớn mà tôi cần phải học hỏi và hoàn thiện bản thân mình.
1- Nhận Thức
Mỗi một cá nhân đều có những sự nhận thức khác nhau về những hoàn cảnh môi trường, sự việc v.v. Sự nhận thức khác biệt này, nương trên định nghĩa, kinh nghiệm tích lũy, môi trường và hoàn cảnh.
Sự nhận thức sẽ trở nên sai lầm khi có sự tham gia của bản ngã “cái tôi”. Chính vì có “cái tôi”, nên chúng ta không thể nhận thức “sự thật đúng như là nó.” Vì vậy, chúng ta thường “tưởng tượng” ra kết qủa, và cuối cùng khi tiếp xúc với cái kết qủa thật, chúng ta thường thất vọng, khổ đau.
Trong câu thí dụ của chị, rõ ràng nhận thức của chị có “vấn đề”. Đó là chị, không có khả năng phân biệt giữa Bạn và Bè.
Khi chị không phân biệt được giữa bạn và bè, dẫn đến tình trạng chị “ứng xử” không đúng cách. Sự ứng xử đó, lại được chị “tô hồng thêm” kết quả là, “khi chị tốt với họ thì họ sẽ tốt lại với chị”.
Vì vậy, khi tiếp xúc với kết quả thật “họ không tốt với chị như chị nghĩ” thì chị bực tức, than van, và trách móc họ. Nếu tôi là chị, tôi sẽ không “than phiền” về họ, mà tôi sẽ “trách” chính bản thân tôi đã không học hỏi và ứng xử đúng cách. Chính tôi mới là “tác nhân” gây ra cho tôi “đau khổ”, và chỉ có chính tôi mới có thể sửa đổi và tha thứ cho những lỗi lầm của mình.
2- Lựa Chọn
Ai trong chúng ta cũng có quyền lựa chọn. Chúng ta có toàn quyền quyết định lựa chọn của mình. Như vậy, chúng ta phải có trách nhiệm về sự lựa chọn này. Chúng ta không thể đòi quyền lựa chọn, được quyền chọn lựa, nhưng lại không muốn gánh trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Rõ ràng, trong câu chuyện thí dụ của chị, chị đã chọn lựa, tin vào những gì người chủ hứa, chị chọn lựa giúp cho người chủ đó trong lúc khó khăn. Chị quyết định nghỉ học để giúp cho họ. Họ đâu có cầm dao hay cầm súng ép chị phải giúp cho họ, có phải thế không? Họ cũng đâu có dùng bất cứ phương tiện nguy hiểm nào để bắt ép chị.
Chị đã tự quyết định lựa chọn giúp họ thì chị cũng phải gánh lấy hậu quả mà họ đã đối xử “tệ bạc” với chị, Vì đó mới thật là họ.
Hơn nữa, nếu nhìn sâu hơn, chúng ta thấy, khi chúng ta “giúp người có điều kiện”, dù là điều kiện đó như thế nào thì luôn luôn sự giúp đỡ đó sẽ có “biến chứng” về sau.
Trong tình yêu, tình thương hay tình người… khi đã có điều kiện thì sẽ tạo ra phản ứng trái chiều. Chỉ có tình thương, yêu không điều kiện mới có thể “thảnh thơi” mà hành xử.
3- Giải Quyết Vấn Đề
Chúng ta không thể giải quyết vấn đề, nếu vấn đề đó không thuộc về chúng ta. Khổ thay, nếu chúng ta cứ tiếp tục than trách, buồn phiền vì họ, mà họ lại chẳng bao giờ thấy, hay thay đổi, thì có khác gì chúng ta giao số mạng, hạnh phúc của chúng ta vào tay họ.
Chúng ta mất đi “chủ quyền” để tự mình giải quyết sự khổ đau của mình, và lại hoàn toàn lệ thuộc vào sự “thứ tha” hay “nhận lỗi” của họ.
Trên đời này, có mấy ai có đủ can đảm để nhận lỗi với người khác. Cho nên, có thể nói, chúng ta đang tự “giết chính mình”. Hay có thể nói, chúng ta đang tự “đào huyệt” chôn chính mình.
Đời người, mà chúng ta vấp phải 3 lỗi lầm lớn này thì qủa thật rất khổ đau, không lối thoát.
Cách hay nhất để lấy lại “chủ quyền” về mình, đó là: “nhìn sâu” để thấy rõ được lỗi lầm của mình để tự mình giải quyết. Nếu không thì suốt đời này, cho dù, chúng ta có gặp Bạn hay Bè, chúng ta cũng mãi mãi là người đau khổ.
Những gì tôi chia xẻ với chị đêm nay, chỉ là những gì tôi đang học và hành trong cuộc sống. Có thể cách giải quyết của tôi sẽ không giống như cách giải quyết hay mong muốn của chị. Nhưng vì chị hỏi đến, thì bổn phận của tôi là trả lời theo nhân sinh quan của tôi. Nếu có gì “va chạm” đến tự ái của chị, mong chị hãy bỏ qua cho.
Còn việc làm sao phân biệt bạn bè tốt hay xấu trong nghành Nail, thì tôi chịu, vì một người xấu hay tốt thì tùy theo nhận thức và đánh giá của mỗi người.
Với nhân sinh quan của tôi, vốn chẳng có ai là người xấu cả. Vì với ai, cũng là thầy dậy cho tôi cách ứng xử như thế nào là đúng nhất, là đẹp nhất. Không có người học trò nào, lại cho rằng, người thầy dậy cho mình là người xấu cả.
Chính vì nhân sinh quan này, nên gặp ai, tôi cũng chỉ thấy là người tốt, những người thầy luôn dậy tôi những bài học quý giá trong cuộc đời.
Nếu chị muốn thực tập nhân sinh quan như tôi thì đây là vài nét căn bản để chị nghiền ngẫm.
Trước tiên, chị phải hỏi lại chính chị, định nghĩa về Bạn là gì? và Bè là gì? Sau đó, chị “kiểm tra” lại nhận thức của chị về hai chữ “Bạn và Bè” thế nào. Chị “kiểm tra” lại cách hành xử của chị về Bạn với Bè thế nào?
Chị hãy hỏi lại chính bản thân của chị, xem chị giúp họ là giúp có điều kiện hay không có điều kiện. Nếu có điều kiện thì điều kiện đó là gì, và không có điều kiện thì không điều kiện gì.
Thương yêu mà không có sự hiểu biết đúng sự thật thì còn làm khổ nhau nhiều hơn là không thương yêu giúp đỡ nhau.
Chị phải tự hỏi chính chị, và chị phải trả lời thật thà với chính chị. Vì chỉ khi chị thật thà với chính chị, chị mới có cơ hội hiểu được chính chị một cách sâu sắc hơn.
Chị đừng quên, dù cho chị có những người bạn tốt nhất thì họ cũng chỉ đóng một vai trò “hỗ trợ” cho chị, chứ không thể thay thế quyết định cho chị được.
Thật ra, những gì chị chia xẻ, không phải chỉ xẩy ra trong nghành Nail, mà nó có mặt trong tất cả mọi nghành nghề. Nó đang có “mặt trên từng cây số” của xã hội.
Nếu chị không học nhìn sâu để hiểu được chính chị, chị không học cách ứng xử đúng đắn, thì chị làm nghành nghề nào, chị cũng sẽ vẫn bị đau khổ triền miên.
Chị nên nhớ: Cuộc sống luôn trao tặng cho chị những “món quà” là phiền não và thử thách. Và lạ thay… trong những phiền phức và thử thách đó, luôn hàm chứa những phương án giải quyết thích hợp nhất.
Công việc duy nhất của chị là “bình tỉnh và sáng suốt” để lựa chọn ra phương án nào thích hợp nhất cho chị.
Nếu chị không làm “tròn” công việc lựa chọn này, thì chị phải chịu trách nhiệm với chính mình, mà không phải một ai khác.
Mong chị hãy bình tâm suy nghĩ lại.