album-art

00:00

TẢI MP3 – TÂM TỪ
TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

Bạn Thân Mến,

Nếu trong bài cầu nguyện lần trước, chúng tôi chia xẻ với bạn về ý nghĩa của hai chữ cầu nguyện, thì chủ đề hôm nay, chúng tôi muốn chia xẻ với bạn về cách cầu nguyện như thế nào mới có kết quả.

Câu chuyện bắt đầu khi chúng tôi sinh hoạt về tâm linh với một số bạn có duyên. Trong những thân hữu này, có một cặp vợ chồng đã quyết định đem xá lợi tặng cho chúng tôi, vì anh chị cảm nhận được sự bình an của chúng tôi, mỗi khi anh chị tới sinh hoạt chung.

Anh chị nói với chúng tôi rằng, anh chị tin tưởng, với tâm bình an của chúng tôi, nếu cộng thêm với xá lợi, chúng tôi sẽ giúp ích được cho mọi người có được sự bình an lâu dài.

Nói thật, về kinh nghiệm làm sao kéo dài An thì chúng tôi còn có chút kinh nghiệm. Nhưng về xá lợi là gì và ứng dụng ra sao thì chúng tôi mù tịt.

Cho nên, chúng tôi nhất định từ chối, và anh chị đã phải mang xá lợi đến nhiều lần, chúng tôi mới chấp nhận. Chúng tôi nhận xá lợi không phải vì sự mầu nhiệm của xá lợi như những gì chúng tôi có đọc hay nghe qua, mà chúng tôi nhận vì tấm lòng chân thành của anh chị.

Trong hơn 100 viên xá lợi chúng tôi nhận lúc đó, có đầy đủ mầu sắc long lanh rất đẹp. Sau khi thiết lập một bàn thờ trang nghiêm, chúng tôi mới đặt những viên xá lợi lên bàn thờ.

Cũng như bao người khác, vì đây là lần đầu tiên nhận Xá Lợi, cho nên, chúng tôi cũng chưa hiểu được hết ý nghĩa và giá trị về Xá Lợi.

Vì thế, chúng tôi đã quyết định đi tìm hiểu bằng chính sự trải nghiệm của mình, mà không theo bất cứ những nghi thức, định nghĩa, hay giải thích về Xá Lợi từ bất cứ nguồn nào khác.

Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có như vậy, sự trải nghiệm mới mang tính chất khách quan, mà không hề có bất cứ một định kiến nào có trước.

Bước khởi đầu trải nghiệm của chúng tôi, bắt đầu bằng Tâm Bình An, sự Quan Sát và Nhìn Sâu. Trong tiến trình quan sát và nhìn sâu, chúng tôi cảm nhận được định nghĩa của Xá Lợi là:

Tinh hoa của một qúa trình tu hành nghiêm mật của các bậc  tĩnh thức, hiền giả, thiện tri thức, giác ngộ, sau khi viên tịch, đã dồn hết tuệ giác của các ngài lại kết tinh thành những hạt.

Giá trị của những Hạt Tuệ Giác (Xá Lợi) này, như một ngọn hải đăng, luôn soi đường dẫn lối cho chúng tôi, những con thuyền đang chìm trong bóng đêm tăm tối, có thể định hướng để quay về bờ bến An Toàn; và cũng là tấm gương phản chiếu, giúp cho chúng tôi có thể nhìn thấu tâm thức của mình, để kiểm tra, chỉnh sửa lại những hướng đi cho trúng đích, tránh lệch đường.

Qua sự trải nghiệm và cảm nhận trên, chúng tôi lại tiến thêm một bước nữa, đó là: kiểm chứng xem điều đó có đúng không? Bằng cách phân đôi Xá Lợi nguồn thành hai phần:

 Phần Xá Lợi thứ nhất: chúng tôi phát khởi tâm hướng về Từ Bi.

Phần Xá Lợi thứ hai: chúng tôi phát khởi tâm hướng về Tuệ Giác.

Sau một khoảng thời gian ngắn, phần Xá Lợi thứ nhất phát ra mùi trầm hương (Hương Từ), và phần Xá Lợi thứ hai, khi chụp hình, chúng tôi phát hiện ra những vùng ánh sáng.

Đặc biệt là, phần Xá Lợi thứ nhất, lại không có bất cứ ánh sáng nào, và ngược lại, phần Xá Lợi thứ hai, cũng không có bất cứ một chút mùi hương trầm nào. Dù rằng, cả 2 phần Xá Lợi lúc mới nhận, đều không có hương thơm, cũng không có ánh sáng.

Khi phát hiện ra điều này, chúng tôi có chia xẻ lại với thân hữu tặng xá lợi cho chúng tôi. Anh chị cũng rất ngạc nhiên, bởi vì, Xá Lợi cùng nguồn từ nhà anh chị, cũng không có hương thơm và ánh sáng.

Như vậy, qua sự trải nghiệm và kiểm chứng trên, chúng tôi rút ra được một bài học vô cùng qúy giá đó là:

Xá lợi là một tấm gương phản chiếu nội tâm của người đối diện. Khi chúng ta có được chiếc “gương Thần” này, chúng ta có thể nhìn rõ được nội tâm của chúng ta một cách rất rõ ràng.

Nhờ đó, chúng ta có thể tiếp xúc được với Sự Thật. Ai trong chúng ta cũng biết rằng, khi chúng ta không có khả năng tiếp xúc với Sự Thật, thì chúng ta sẽ sinh ra ảo tưởng, phỏng đoán, và từ đó dẫn đến những nhận thức mê lầm. Và Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, chính những nhận thức mê lầm này là những nguyên nhân gây ra phiền não, khổ đau, bịnh tật của chúng ta trong đời sống hàng ngày.

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục làm thực nghiệm thứ ba, qua việc tặng Xá Lợi cho những bệnh nhân, trong đó bao gồm: người bịnh ung thư Phổi và di căn, thời ký cuối, khi bác sĩ đã khẳng định chị chỉ có thể sống thêm được sáu tháng, nên cho về nhà, nằm chờ chết; gia đình bị tự kỷ; và một số người bịnh khác, theo phương pháp Cầu Nguyện của chúng tôi và cầu nguyện bình thường.

Với người bị ung thư Phổi và gia đình tự kỷ, khi nhận được Xá Lợi, họ đặt 100% niềm tin vào Xá Lợi, và thực hành theo hướng dẫn Cầu Nguyện.

Trong vòng 24 giờ, Xá Lợi của người bị ung thư Phổi, sinh ra hơn 10 viên Xá Lợi khác. Trong qúa trình tự chữa, chị tích cực cầu nguyện và duy trì trạng thái An nhiều nhất có thể trong một ngày. Trong vòng 3 tháng, chị khỏi hẳn ung thư, ngay cả, các bác sĩ đã “tuyên án tử” cho chị, cũng chỉ biết thốt lên hai chữ “kỳ tích”, mà không thể giải thích được tại sao.

Còn gia đình tự kỷ, sau một khoảng thời gian thực tập thì gia đình sinh hoạt như người bình thường.

Trong khi, với những người bịnh khác, chỉ cầu nguyện không thực hành, và niền tin dao động, thì kết qủa có khác nhau không được như ý muốn.

Qua thực nghiệm này, chúng tôi rút ra được những bài học như sau:

Bài Học 1: Cầu mà không nguyện cầu không đắc

Bài Học 2: Nếu muốn Xá Lợi sanh, thì khi Cầu, chúng ta phải thêm vào lời Nguyện: sau khi thực hành thành công chữa được bịnh từ Thân hay Tâm, chúng ta phải nguyện đem kinh nghiệm và Xá Lợi mới sinh ra, hay Xá Lợi của chúng ta có, để chia xẻ và giúp đỡ những người có căn bịnh giống như chúng ta. Và chỉ thực hiện duy nhất với căn bịnh đó mà thôi, chứ không nên hướng dẫn, hay chia xẻ những căn bịnh khác, mà chúng ta không có kinh nghiệm, hay chưa thực hành.

Bài Học 3: Niềm tin đóng vai trò vô cùng quan trọng đến việc đạt được kết quả. Phần lớn chúng ta, thường không biết cách đo lường niềm tin của chúng ta như thế nào.

Qua thực nghiệm này, chúng tôi rút ra được cách đo niềm tin của chúng ta khá chính xác. Đó là: Dựa vào kết qủa của chúng ta có, để biết lòng tin của chúng ta là bao nhiêu.

Nếu chúng ta ra kết qủa là “không có gì hết”, thì trong niềm tin của chúng ta đã có 100% nghi ngờ về kết qủa chúng ta mong muốn. Cho nên, điều mà chúng ta nhận được là: Kết Qủa của Nghi Ngờ (không có gì đúng với ý chúng ta), chứ không phải là chúng ta Không Có Kết Quả.

Thí dụ: Chúng tôi đang đau bụng, và muốn hết đau bụng; và chúng tôi nghĩ, chúng tôi tin Xá Lợi giúp tôi hết đau bụng, nhưng Không Biết Có Hết Hay Không?

Nếu chúng ta để ý kỹ, khi bạn thêm chữ “NHƯNG” vào, thì chữ “NHƯNG” đã thay đổi toàn bộ cái muốn bạn đầu của chúng ta, bằng cái muốn thứ hai. Và cái muốn thứ hai trở thành cái muốn thật sự của chúng ta. Kết Qủa đúng như chúng ta muốn, chúng ta Không Hết Đau Bụng là chuyện tất nhiên.

Hoặc, Tôi tin là Xá Lợi có thể giúp tôi, để tôi THỬ. Bạn có biết không, Thử là một dạng của nghi ngờ, không hơn và không kém; và đây là thói quen mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Cho nên, khi bạn Cầu với ý niệm Thử, hay Nghi Ngờ, thì cái Kết Quả bạn nhận được chính là Kết Quả của sự Nghi Ngờ chứ không phải là Không Có Kết Qủa.

Đây là một nhận thức lệch lạc, mà hầu hết chúng ta đều vấp phải, khi cho rằng, cái Nhân ban đầu là muốn hết bịnh, mà chúng ta lại “vô tình” cộng thêm quá nhiều nghi ngờ, nên cái Nhân muốn hết bịnh, đã đổi thành cái Nhân “không biết có kết quả không”. Vì vậy, nên khi nhận được đúng cái Quả “không hết bịnh”, thì chúng ta lại thất vọng, và cho rằng, phương pháp đó sai, hay cho rằng, chúng ta đã tin, nhưng không ra kết quả như ta muốn.

Tóm lại, công thức để đo niềm tin của chúng ta như sau:

Phần trăm nghi ngờ của chúng ta càng nhiều, thì kết qủa như chúng ta mong được càng thấp.

Kết quả mà chúng ta được bao nhiêu, thì niềm tin chính xác của chúng ta là bấy nhiêu.

Bài Học Thứ 4: Định nghĩa của Trí là: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, phỏng đoán và tưởng tượng dưới dạng Nông, và định nghĩa của Tuệ là: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp dưới dạng Sâu.

Thí dụ: Người vợ đang bận rửa chén nghe đứa con khóc, nói với người chồng:

Anh ơi, vào thay tã cho con đi, vì nó vừa mới tè xong, nếu để lâu con sẽ bị hâm.

Người chồng bỏ tờ báo xuống, trên đường đi vào phòng của con, trong đầu suy nghĩ: Quái! Sao bà xã mình biết thằng cu nó tè chứ, biết đâu nó không tè thì sao?

Khi đến bên con, người chồng mở tã ra. Đúng như người vợ nói, thằng cu tè thật. Sau khi thay tã cho con xong, thằng cu mỉm cười, rồi lại chìm vào giấc ngủ. Người chồng bước ra khỏi phòng, tiến về chỗ người vợ đang đứng rửa chén, hỏi:

Sao em biết là thằng cu nó tè?

Người vợ mỉm cười trả lời: Em không biết nữa, chắc là thiên tánh của người Mẹ.

Thật ra, người vợ đang sử dụng Tuệ Giác (nhờ sự Quan sát, Phân Tích, Tổng Hợp theo Chiều Sâu nên biết ra sự thật) mà không biết.

Nếu chúng ta dựa vào định nghĩa của Tuệ, thì người mẹ đó, qua tiếng khóc ọ ọe của đứa con đã biết ra được Sự Thật.

Bởi vì, trong qúa trình nuôi con, người mẹ đã sử dụng khả năng Quan Sát, Phân Tích, Tổng Hợp và Nhìn Sâu (Tuệ), để phân biệt những âm thanh của đứa con. Đó là ngôn ngữ của bé dùng để diễn đạt những trạng thái đang xẩy ra trên thân thể của bé, mà bé không thể dùng ngôn ngữ bình thường để diễn đạt được.

Chính nhờ sự Quan Sát và Nhìn Sâu, người mẹ biết được, nếu không thay tả kịp thời thì con mình sẽ bị hâm. Chính nhờ sự Phân Tích Tỉ Mỉ (Sâu), mà người mẹ biết âm thanh ọ ọe này là con đi tè, hay âm thanh ọ ọe kia là con đói bụng. Chính nhờ sự nhìn sâu, mà người mẹ biết được Sự Thật, mà không hề dùng đến bất cứ sự phỏng đoán nào về kết quả cả.

Ngược lại, người chồng sử dụng Trí Giác, thiếu sự Quan Sát, Nhìn Sâu, nên đã đưa ra sự phỏng đoán như “biết đâu nó không tè”. Trong khi, Sự Thật là đứa bé đã tè.

Rõ ràng, Tuệ Giác thì luôn có mặt với chúng ta, nhưng thông thường chúng ta không chọn lựa sử dụng.  Cũng như người mẹ kia, khi có con, vì có tình thương nên người mẹ đã chọn sử dụng Tuệ Giác một cách linh hoạt, mà không hề có ai dậy bảo người mẹ đó làm như thế nào mới đúng.

Nhưng cũng bất hạnh thay, khi đứa bé bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ, thì phần đông những bà mẹ, lại bỏ đi việc sử dụng Tuệ Giác và dần dần thay vào đó sử dụng Trí Giác.

Để cho dễ nhớ, chúng tôi có thể rút gọn những bài học lại như sau:

  1. Cầu mà không Nguyện, Cầu không Đắc.
  2. Xá Lợi chỉ Sanh khi chúng ta dùng Tuệ Giác của chúng ta để tương tác với Tuệ Giác của các bậc Tĩnh Thức. Chữ Sanh ở đây, là biểu hiện Tuệ Giác của chúng ta đang tiếp tục phát triển. Những viên Xá Lợi mới sanh, chỉ là ấn chứng cho sự phát triển tuệ giác của chúng ta, biểu hiện qua góc độ của vật chất.
  3. Chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu như khi chúng ta đối diện trước Xá Lợi, và sử dụng Trí Giác của chúng ta.

Đơn giản, khi chúng ta dùng Trí Giác thì chúng ta sẽ không thể tương tác với Tuệ Giác của các bậc Tĩnh Thức, nên Xá Lợi sẽ không Sanh, hoặc nếu có sanh thì cũng là những hạt dị tướng.

Cũng có nghĩa là, chúng ta đang tiếp cận Xá Lợi với sự lệch hướng. Và “Gương Xá Lợi” sẽ giúp cho chúng ta nhận ra điều này, và chúng ta phải điều chỉnh lại.

  1. Kết qủa của chúng ta như thế nào, thì lòng tin của chúng ta như thế đấy. Muốn biết chúng ta tin bao nhiêu thì lấy kết qủa ra thế nào, làm thước đo.
  2. Khác nhau giữa định nghĩa của Trí và Tuệ, là Tuệ Thì phát triển theo chiều Sâu còn Trí Phát triển theo chiều Rộng hay Nông.

Qua thực nghiệm về xá lợi, khi chụp hình, có những vùng ánh sáng, tùy theo tâm niệm của người cầu, chúng tôi bắt đầu thực nghiệm qua việc chụp lại những hình theo những lời cầu nguyện để biết được lời cầu nguyện có thể đạt được hay không?

Trải qua rất nhiều lần thực nghiệm, và qua nhiều cách thức cầu nguyện khác nhau, chúng tôi rút ra được những bài học như sau:

Bài Học 1: Khi lời cầu nguyện của chúng ta đủ thành khẩn thì bất kể là nơi nào mà chúng ta cầu nguyện, cũng đều có ánh sáng. Chúng tôi đã thực nghiệm nơi những đền thờ của tôn giáo, cũng như bàn thờ của gia tiên; khi tâm chúng tôi đủ thành khẩn thì tất cả mọi bàn thờ đều có ánh sáng qua hình chụp lại.

Khi chúng tôi khởi tâm niệm thử, chỉ làm với hình thức, hay làm qua loa cho có lệ, mà không đủ lòng thành, thì cũng cùng một địa điểm, cùng một không gian, lại không có ánh sáng.

Ánh sáng ở đây, không có gì là huyền bí để dẫn đến sự mê tín, như tin là có thần thông hay quyền lực gì cả, mà ánh sáng ở đây, chỉ là những hiện tượng chứng minh lòng của chúng tôi có đủ thành khẩn hay không?

Thông thường, chúng ta hay nghĩ rằng, khi chúng ta cầu nguyện điều gì thì chúng ta sẽ rất thành khẩn. Nhưng có thật là chúng ta có thành khẩn hay không, thì chính chúng ta cũng không thể khẳng định được.

Nhưng qua hình chụp lại khi cầu nguyện thì chúng ta có thể biết được sự thành khẩn của chúng ta như thế nào. Việc này cũng giống như các bác sĩ chụp hình cộng hưởng từ (fMRI) vậy. Qua hình ảnh họ có thể biết được những tần số sóng trong não của bịnh nhân như thế nào, thì qua hình chụp lại những lời cầu nguyện, chúng ta cũng có thể biết được chúng ta có thành khẩn hay không.

Việc chúng ta chụp lại hình có ánh sáng hay không, cũng chẳng có gì là to tát hay huyền bí gì cả. Bởi vì, chúng ta chỉ dùng những hình ảnh này để biết được tâm thức của chúng ta khi cầu nguyện như thế nào.

Nếu chúng ta chưa đủ thành khẩn thì chúng ta nên chỉnh sửa lại cho đúng, để chúng ta có thể tiếp cận, hay nhận được sự hỗ trợ từ các bậc tiền nhân, đơn giản, chỉ thế thôi.

Vậy như thế nào mới là thành khẩn và thành khẩn là gì?

Theo định nghĩa, Thành có nghĩa là thật lòng, hết lòng, một lòng, và Khẩn là khấn vái, van xin.

Như vậy, hai chữ thành khẩn, có nghĩa là, khi chúng ta xin một điều gì đó với ai, thì chúng ta phải một lòng, hay thật lòng hướng đến người đó, mà không chỉ làm lấy lệ, hay hình thức.

Đứng trên góc độ của tâm lý, khi chúng ta thành khẩn, có nghĩa là, chúng ta đang tập trung tất cả những nguồn năng lượng vào một điểm.

Vì vậy, nguồn năng lượng đó sẽ rất mạnh. Chính nhờ nguồn năng lượng mạnh này mà chúng ta mới có thể tương tác được với những tần số sóng Tuệ Giác thanh cao của các bậc tiền nhân, hay những người khuất mày khuất mặt. Những người, đã có những kinh nghiệm sống, hay những trải nghiệm sống, có hạnh phúc, an lạc lâu dài hơn.

Nếu chúng ta không đủ lòng thành, chỉ làm lấy lệ, hay hình thức, thì chúng ta sẽ không đủ nguồn năng lượng để tiếp cận với những nguồn năng lượng thanh cao của các vị. Cho nên, những lời cầu nguyện của chúng ta không được chứng, hay không được sự hỗ trợ từ các Ngài, cũng là chuyện tất nhiên.

Bài Học 2: Lời cầu nguyện thì nên chân thành và đơn giản như đang tâm sự, nhất là khi cầu nguyện với tổ tiên của chúng ta.

Nếu bạn để ý kỹ, khi đứa con nhỏ của bạn muốn mua một món đồ chơi nào, thì đứa bé đâu có cần phải dùng những từ ngữ văn hoa bóng bẩy gì để tán tụng bạn là người tốt bụng, mà đứa con của bạn sẽ nói với bạn những lời nói hết sức đơn giản và trực tiếp như sau:

“Mẹ/ Bố ơi, con muốn mua món đồ chơi này, mẹ/bố mua cho con nhe mẹ/bố, con yêu mẹ/bố nhiều lắm”.

Chỉ cần dùng bấy nhiêu chữ, trực tiếp vào vấn đề, của đứa con, nếu như bố mẹ không có vấn đề về tài chánh, hay cách thức giáo dục, thì đa số, các bà mẹ hay ông bố sẽ siêu lòng và thỏa mãn cho đứa con.

Tổ tiên của chúng ta khi khuất núi cũng là những bậc cha mẹ, nên khi chúng ta cầu nguyện, hay khấn xin các Ngài điều gì, chúng ta nên dùng đúng ngôn ngữ, như vậy, chúng ta mới có thể tương tác được với các vị.

Trong ngôn ngữ Việt, có chữ “ơi” rất tuyệt. Hễ một chữ nào, nếu được đính kèm thêm chữ “ơi” đằng sau, thì lại diễn tả được sự thiết tha, trìu mến, sâu đậm.

Người chồng nếu chỉ gọi vợ của anh là “mình”, thì nghe nhạt nhẽo không tha thiết, không yêu thương sâu đậm, nhưng nếu cộng thêm chữ “ơi” vào, thành “mình ơi”, thì người vợ sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào, yêu thương, tha thiết của người chồng ở trong đó.

Cho nên, khi cầu nguyện, trong lời cầu xin chúng ta cũng nên thêm chữ “ơi” vào sau người chúng ta muốn cầu. Chữ “ơi” ở phía sau giúp cho chúng ta bầy tỏ sự thiết tha, trìu mến, một lòng hướng về.

Thí dụ, ông nội ơi, hôm nay là ngày giỗ của ông nội, chúng cháu tề tụ về đây, làm mâm cỗ mời ông nội về ăn chung cùng chúng cháu…

Hay, tổ nghiệp ơi, xin tổ nghiệp soi đường dẫn lối cho con trên con đường nghệ thuật, con nguyện khi con có được thành công, con sẽ đem hết kinh nghiệm của con để chia xẻ, hướng dẫn cho những ai muốn tiến thân trên con đường nghệ thuật…

Dĩ nhiên sẽ có nhiều bạn sẽ không đồng ý với cách cầu nguyện này, vì những lời cầu như trên, có vẻ như “bình dân”, không văn vẻ, thiếu đi sự tôn trọng và không bầy tỏ được thành ý.

Chúng tôi cũng đồng ý với bạn là những lời nguyện trên rất bình thường và trực tiếp, không có một chút văn hoa tán tụng nào. Nhưng quan trọng nhất không phải là bình dân hay văn vẻ, mà là, có đúng ngôn ngữ của các vị muốn nghe hay không mà thôi.

Nếu chúng ta không dùng đúng loại ngôn ngữ mà người chúng ta đi cầu xin, muốn nghe, thì chúng ta sẽ “không có cửa” để các Ngài tiếp cận, hỗ trợ hay phù hộ cho chúng ta.

Cho nên, nếu ông bà của chúng ta, hay tổ của chúng ta, chỉ là những người ưa thích sử dụng ngôn ngữ “bình dân” trực tiếp, mà chúng ta lại cứ thích dùng những lời lẽ văn hoa, bóng bẩy, tán tụng các Ngài, chắc chắc, các Ngài cũng chẳng muốn “tiếp” chúng ta làm gì.

Đó có phải là một trong những nguyên nhân mà khi chúng ta cầu hoài, mà không thấy các Ngài chứng chăng? Chúng tôi vốn không biết.

Chúng tôi chỉ biết, cầu làm sao để có thể tiếp cận được với người chúng tôi muốn cầu, để các Ngài hỗ trợ cho chúng tôi và chúng tôi nguyện đem những kinh nghiệm này chia xẻ lại cho bạn.

Bạn có toàn quyền lựa chọn. Với chúng tôi, cách nào cũng tốt và đẹp cả, nhất là khi chúng ta cầu nguyện và đạt được kết quả. Bởi vì, kết quả mới chính là cứu cánh mà chúng ta muốn đạt đến, chứ không phải là phương tiện, chúng ta cầu cách nào?

Cầu Mà Không Nguyện… Cầu Không Đắc

Nguyện Hành Từng Khắc… Đắc Nhân Tâm

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept