Bạn Thân Mến,
Hai chữ cầu nguyện thì chẳng có gì là xa lạ với chúng ta, vì ít nhất trong đời, ai trong chúng ta cũng đã từng cầu nguyện.
Nếu bạn để ý, bạn thấy hai chữ cầu nguyện luôn đi chung với nhau và thành một từ ghép. Ý nghĩa của từ ghép này như thế nào thì chắc bạn đã hiểu, và câu chuyện hôm nay là một câu chuyện mà chúng tôi vô tình nghe được sự chia xẻ từ chính người ca sĩ đó.
Câu chuyện bắt đầu, khi người ca sĩ này có đam mê ca hát nhưng gia đình lại muốn anh phải hoàn thành việc học vấn trước. Với niềm đam mê ca hát, anh đã ngồi xuống nói chuyện với mẹ của anh, hãy cho anh thỏa mãn đam mê của anh trong vài năm, nếu không thể phát triển được trong nghành giải trí thì anh sẽ quay về đi học.
Vì thương con, nên cuối cùng mẹ anh cũng đồng ý, và anh bắt đầu rời quê lên thành phố để tìm cơ hội phát triển. Vì chỉ là đam mê, và được trời phú cho có giọng hát, nhưng chưa qua quá trình đào tạo, nên tiếng hát của anh cũng chưa được ai biết đến nhiều.
Cuộc sống nơi đô thị khá khó khăn, vì mưu sinh, nên ban ngày anh phải đi làm phục vụ, và chỉ có thể đi hát ban đêm tại những tụ điểm, hay hát cho những tiệc đám cưới.
Anh kể, khi đi hát tại các tụ điểm, công việc chính của anh là hát vào những khoảng trống, khi mà các ca sĩ chính chưa đến kịp, hay vì một lý do nào đó đến trễ hay vắng mặt.
Những lúc đứng trong cánh gà, anh thường hay cầu cho những người ca sĩ chính bị bể bánh xe, hay bị một sự cố nhỏ nào đó khiến họ bị trễ, để anh được hát, được thỏa mãn đam mê của mình.
Cho đến một đêm, vì người ca sĩ chính đến trễ, nên anh được chọn để hát “lấp vào khoảng trống”. Không biết vì chọn đúng bài hát, hay vì người khán thính giả có sự đồng cảm, mà sau khi nghe anh hát xong thì người khán thính giả đó bước lên sân khấu, và tặng cho anh $50,000. Người khán thính giả đó nói rằng, giọng ca của anh rất hay và muốn anh hát thêm một bài nữa.
Cầm trong tay $50,000 đồng, anh vô cùng cảm động, và tính sẽ hát tiếp một bài nữa theo yêu cầu của vị khán thính giả đã tặng tiền cho anh.
Đúng lúc anh chuẩn bị hát, thì ông bầu sô ra hiệu cho anh ngừng, vì người ca sĩ chính đã đến, và anh phải nhường lại sân khấu. Anh nghẹn ngào xin lỗi vị khán thính giả, và yêu cầu vị khán thính giả đó, lên lấy lại số tiền thưởng cho anh.
Đêm hôm đó, ngoài trời đổ mưa, anh không biết lúc đó là trời mưa vì trời thương xót cho anh, hay là những giọt nước mắt xót xa trong lòng anh. Và đây, cũng là lần đầu tiên, anh mới xác định được mục đích của anh rõ ràng.
Anh muốn anh trở thành một ca sĩ nổi tiếng chứ không phải chỉ là người đi hát vì đam mê. Khi đã xác định được mục đích, anh mới cầu xin tổ nghiệp phù hộ độ trì cho anh trở thành một ca sĩ nổi tiếng, và anh nguyện sau này, khi anh nổi tiếng, anh sẽ giúp đỡ những người có đam mê về ca hát như anh, không phải chịu những uất ức khi hát “lấp vào khoảng trống” như anh đêm đó.
Trải qua hơn mười năm, lời cầu xin của anh mới trở thành hiện thực. Anh trở thành ca sĩ nổi tiếng, và là ca sĩ chính cho những tụ điểm.
Mỗi lần anh đến tụ điểm, anh luôn yêu cầu bầu sô cho những người đam mê được hát trước, và anh sẵn sàng chờ đợi cho đến phiên anh. Nếu bầu sô không chịu thì anh cũng sẽ đi về, không hát.
Câu chuyện của anh chàng ca sĩ này, sỡ dĩ, chạm vào trái tim của chúng tôi, vì hai chữ cầu nguyện.
Cầu có nghĩa là mong muốn một điều gì đó sẽ xẩy ra đúng với ý mình mong muốn. Và Nguyện là khi đạt được điều cầu mong muốn rồi thì sẽ đi thực hiện việc giúp người khác đạt được đúng điều mình cầu được.
Vì có thời gian dài sinh hoạt trong tâm linh, nên hai chữ cầu nguyện với chúng tôi khá quen thuộc. Tất cả những người quen của chúng tôi, khi đến sinh hoạt với chúng tôi, đều hiểu rất rõ ràng về định nghĩa của hai chữ cầu nguyện này.
Bởi vì, chỉ có cầu mà không có nguyện thì chỉ là cầu suông vô ích, và nếu như không có cầu, không có mục đích, thì nguyện giúp được gì cho ai, khi cả chính mình cũng không biết rõ mục đích của mình là gì.
Cho nên, nếu đem tách riêng hai chữ cầu và nguyện thì cả hai đều không đạt được kết quả, nhưng khi đem cầu và nguyện gắn vào nhau, thì lại mang một định hướng hết sức rõ ràng.
Vì Cầu sẽ là mục đích mình muốn đạt đến, và Nguyện giúp đỡ người khác cũng đạt được như mục đích của mình. Cầu giúp cho Nguyện biết rõ phải làm gì, còn Nguyện giúp cho Cầu thêm động lực để thực hiện bằng được cái mình mong cầu.
Chúng ta ngày nay, hình như đã quen với cách sử dụng cầu nguyện như là cầu mong điều gì, mà không hề có động lực nào thúc đẩy. Cho nên, cầu nguyện theo lý lẽ bây giờ, giống như cầu cho có lệ, cầu để gọi là có cầu, mà không hề muốn những điều cầu đó thành sự thật.
Sự thật đã chứng minh rất rõ ràng, ngày nay, chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, nhưng những gì chúng ta cầu nguyện ít khi nào đạt được. Mà nếu có đạt được thì chúng ta cũng chẳng bao giờ thực hiện nguyện cả. Vì với chúng ta, cầu nguyện cũng đồng nghĩa với cầu.
Câu chuyện của người ca sĩ này đã chạm vào trái tim của chúng tôi, vì chúng tôi hiểu được, anh đã thật sự là người biết cầu nguyện.
Anh biết cầu xin tổ nghiệp cho anh trở thành ca sĩ nổi tiếng, và anh nguyện sẽ giúp đỡ bất cứ ai có đam mê ca hát muốn trở thành ca sĩ, và anh đã và đang tiếp tục thực hiện lời nguyện của mình.
Cho nên, khi nào bạn muốn cầu nguyện việc gì, bạn nên lưu ý, hai chữ cầu nguyện đi chung thì ý nghĩa khác với hai chữ cầu và nguyện khi để riêng từng chữ.
Nếu bạn muốn cầu mà không nguyện, thì đừng thêm chữ nguyện vào, và ngược lại. Trên thức tế, nếu bạn muốn đạt được điều bạn cầu thì bạn phải có nguyện đi chung.
Không có nguyện thì cầu của bạn sẽ không có đủ động lực để thúc đẩy điều bạn cầu thành hiện thực. Giá trị của cầu nguyện chỉ có thể đạt được, khi cầu và nguyện được ghép đôi với nhau.
Qua một thời gian dài sinh hoạt về tâm linh chúng tôi đã rút ra một vài điều về cầu nguyện như sau:
- Cầu: Có nghĩa là, khi chúng ta cầu việc gì, thì chỉ nên cầu Một Việc mà thôi, và khi cầu việc gì thì phải Bắt Tay Vào Làm, chứ không phải Ngồi Chờ “Ơn Trên” ban phát mà không làm gì hết.
Việc này, cũng giống như bạn đang đói thì bạn phải có hành động thực tiễn là bạn ăn, chứ không thể nào cầu cho bạn no, mà bạn no được.
- Khi chúng ta cầu một điều gì, chúng ta luôn luôn phải có một điều nguyện theo sau. Điều nguyện đó, như một lời hứa với lương tâm của chính mình, và mình phải thực hiện. Dĩ nhiên, chúng ta không phải nhất định thực hiện trong một khoảng thời gian quy định nào, mà tùy hoàn cảnh thích hợp để thực hiện.
- Khi chỉ có Nguyện mà không có Cầu, thì đó cũng chỉ là lời hứa suông, vì chưa có kết quả, thì làm gì có kinh nghiệm để hướng dẫn, giúp người.