TẢI MP3 – DIỆU LIÊN
TẢI MP3 – JOYCE NGUYỄN – THANH KIM
Chiều nay, Diệu Hiền không đi cùng với Nhật Minh, vì Nhật Minh bận đi họp. Đi với Diệu Hiền là Hoàng Trang, người bạn thân, cùng nghành về Tâm Lý.
Như một thói quen, vừa gặp ông chú, Diệu Hiền kéo tay Hoàng Trang ngồi xuống, rồi xà xuống, ngồi bên cạnh ông chú, nói:
Chú ơi, hôm nay cháu dẫn người bạn thân Hoàng Trang, cũng là bác sĩ tâm lý, đến để nghe chú chia xẻ về Chín Thức mà những lần trước chú đã nói qua.
Hoàng Trang, cúi đầu chào ông chú, nói:
Cháu rất hân hạnh được gặp chú.
Ông chú nhìn Hoàng Trang, mỉm cười, nói:
Tôi cũng rất hân hạnh được gặp bạn.
Đợi ông chú và Hoàng Trang chào hỏi xong, Diệu Hiền lên tiếng:
Thưa chú, nói đến nghành Tâm Lý học, thì không thể không nhắc đến nhà Phân Tâm học nổi tiếng, Sigmund Freud, là cha đẻ của thuyết phân tâm. Những công trình nghiên cứu của ông, đã ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều ngành khoa học như: Tâm Lý học, Xã Hội học, Nhân Chủng học, Văn học, và thậm chí, đến cả nghệ thuật.
Theo học thuyết của Freud, ông tin rằng: hành vi và tính cách được tạo thành từ sự tương tác liên tục, và độc nhất giữa những nguồn sức mạnh tâm lý, vận hành ở 3 cấp độ nhận thức khác nhau: Tiền Ý Thức, Ý Thức Và Vô Thức.
Theo định nghĩa của ông:
“Tiền Ý Thức, là Thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn có thể được đưa đến vùng Ý Thức.
Còn Ý Thức, là Thức bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn, mà ta nhận thức được một cách rõ ràng, vào bất kỳ thời điểm nào. Ta có thể nghĩ đến, và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí.
Ý Thức còn bao gồm cả ký ức, không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng Ý Thức, nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng, vào bất kỳ thời điểm nào, và giúp ta nhận thức nó rõ ràng.
Và Vô Thức là một “kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn, và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức. Hầu hết các nội dung của vùng vô thức, đều khá khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột.
Theo Freud, tâm trí vô thức, không ngừng ảnh hưởng lên hành vi, và trải nghiệm của con người, thậm chí, con người còn không biết đến sự tồn tại của nguồn sức mạnh này. Vô thức có thể bao gồm cả những cảm xúc bị đè nén, những ký ức, thói quen, suy nghĩ, khao khát, và phản ứng ẩn giấu kỹ càng.”
Theo như chú, có sự khác biệt nào giữa Tiền Ý Thức, Ý Thức, và Vô Thức của Freud, với Chín Thức mà chú hay quan sát về sự vận hành không, thưa chú? Diệu Hiền hỏi.
Có lẽ, từ trước đến nay, tôi hay nói về Chín Thức, nhưng chưa trình bầy trọn vẹn những chức năng của từng Thức, và sự ứng dụng của từng Thức như thế nào? Cho nên, chiều nay, tôi sẽ chia xẻ với hai bạn những nét căn bản mà hai bạn cần hiểu và biết về sự vận hành của các Thức ra sao.
Trong kinh điển của đạo Phật, có một môn học gọi là Duy Thức học (Duy = chỉ có, Thức= Nhận ra), có nghĩa là, ngoài biểu tượng của Thức ra thì không có gì khác. Mục đích của môn học này, cũng như khoa Phân Tâm học của Freud, là đi tìm hiểu và phân tích về Thức hay Tâm.
Thiền sư Nhất Hạnh, sau này, không gọi là Duy Thức học, mà Ngài gọi là Duy Biểu học, có nghĩa là, chỉ có sự biểu hiện ra bên ngoài mà thôi.
Dù là tên gọi có khác nhau, nhưng cả hai, đều nhấn mạnh đến 8 Tâm Vương, 51 Tâm Sở, 11 Sắc Pháp, 24 Tâm Bát Tương Ưng Hành Pháp, Và 6 Vô Vi Pháp. Tổng cộng thành 100 Thức.
Có thể nói, nếu cần mổ xẻ về Tâm hay Thức của con người thì chưa có học thuyết nào có thể đào sâu vào từng vùng của Thức hay Tâm như Duy Thức học.
Theo sự trải nghiệm của tôi, chúng ta chỉ cần quan sát và nhìn sâu vào trong Tám Tâm Vương, hay Tám Thức, và nắm vững được nền tảng căn bản về các chức năng của Tám Thức, cũng như sự vận hành, tương tác giữa Tám Thức là đủ.
Vậy Tám Thức đó là Thức nào?
Tám Thức đó, bao gồm: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức, Ngã Thức, và Tiềm Thức hay Căn Bản Thức.
Theo định nghĩa, Thức là nhận ra, biết ra. Cho nên, mỗi Thức sẽ có những chức năng nhận ra, biết ra, khác nhau.
Về Nhãn Thức, Nhãn tức là mắt, Nhãn Thức là sự nhận ra, biết ra, qua việc sử dụng cơ quan là Mắt. Trong Tâm Lý học, hay Sinh Vật học thì gọi Mắt là Giác Quan, có nghĩa là, qua cơ quan này có thể nhận ra, hiểu ra (Giác). Cho nên, khi chúng ta dùng từ Giác Quan theo hiện đại thì đồng nghĩa với Nhãn Thức theo Duy Thức học.
Tương Tự như vậy, với bốn thức khác: Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức. Ngày nay, chúng ta quen gọi là Ngũ Giác Quan hay 5 Giác Quan.
Về chức năng, Nhãn Thức chỉ có khả năng phân biệt về mầu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng…), hình dạng (cao, thấp, vuông, tròn…), trạng thái (đi, đứng, nằm, ngồi…),v.v. qua mắt.
Về giới hạn, ngoài những hình ảnh qua sự tiếp xúc với mắt, Nhãn Thức không thể qua mắt để biết được âm thanh, mùi hương, mùi vị, hay sờ chạm như thế nào.
Về ứng dụng, Nhãn Thức luôn luôn chịu sự điều khiển từ Ngã Thức, Thân Thể Thức và Ý Thức.
Tương tự như vậy, với bốn thức khác. Về chức năng và giới hạn:
Nhĩ Thức, chỉ có khả năng phân biệt âm điệu, cường độ, âm sắc qua Tai, nhưng không thể phân biệt được hình ảnh hay mùi vị v.v.
Tỷ Thức, chỉ có khả năng biết được mùi đó là, thơm, hôi hay mùi trung tính (không thơm – không hôi) qua Mũi, nhưng không thể dùng Mũi để phân biệt âm thanh hay hình ảnh, v.v.
Thiệt Thức, chỉ có khả năng nếm được 6 vị như: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi, qua Lưỡi nhưng không thể nếm được hình ảnh hay âm thanh v.v.
Thân Thức, chỉ có khả năng phân biệt được: mềm mại, thô nhám, nóng, lạnh, nặng, nhẹ, v.v, khi thân thể tiếp xúc với mọi vật. Nhưng không thể dùng thân thể để phân biệt mùi hay vị, v.v.
Về ứng dụng, cả năm Thức đều luôn luôn chịu sự điều khiển từ Ngã Thức, Thân Thể Thức, và Ý Thức.
Thí dụ, khi Ngã Thức muốn thấy một hình ảnh nào đó thì sẽ tác động lên Thân Thể Thức. Thân Thể Thức sẽ tác động lên não bộ và hệ thống thần kinh. Não bộ nhận lệnh từ Thân Thể Thức mới điều khiển mắt hướng về vật đó, và Nhãn Thức mới nương nhờ nơi Mắt để phân biệt và nhận dạng.
Sau khi đã nhận dạng hình ảnh theo ý muốn của Ngã Thức xong thì tùy theo tình trạng lúc đó Ngã Thức muốn gì. Nếu Ngã Thức không muốn nhìn hình ảnh đó nữa thì Nhãn Thức sẽ gởi tất cả những dữ liệu về hình ảnh và phân biệt về kho Tiềm Thức để lưu giữ.
Bốn Thức khác như: Nhĩ, Tỷ, Thiệt, và Thân, cũng đều có sự vận hành giống như Nhãn Thức, và chịu sự chỉ huy trực tiếp từ: Ngã Thức, Thân Thể Thức, hay Ý Thức.
Năm Thức này, vì khả năng phân biệt ở dạng thô sơ, nên không có sự phân tích sâu rộng như Ý Thức, cũng không có khả năng ghi nhớ và lưu giữ như Tiềm Thức, cũng không có khả năng phát sinh ra cảm xúc/ giác như Ngã Thức.
Cho nên, có thể nói, sự vận hành của năm thức này, cũng không quan trọng lắm. Cho dù, có bị khiếm khuyết một vài thức thì cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng giác ngộ của con người.
Thí dụ, một người dù bị mù, khiếm thị, nên cũng khiếm khuyết về Nhãn Thức., nhưng không hề ảnh hưởng đến khả năng giác ngộ của người này. Tương tự với bốn thức kia.
Ba Thức sau đây, mới là cốt lõi, quyết định con người sống trong sự khổ đau hay an vui.
Thức thứ sáu: Ý Thức.
Về chức năng, Ý thức có khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, phỏng đoán, và tưởng tượng theo chiều nông và chiều sâu.
Khi Ý Thức sử dụng theo chiều nông, Ý Thức có một tên gọi riêng là Trí, bao gồm: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, phỏng đoán và tưởng tượng.
Khi Ý Thức được sử dụng theo chiều sâu, Ý Thức có một tên gọi riêng là Tuệ, bao gồm: khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, so sánh, nhưng không có sự phỏng đoán, và tưởng tượng.
Về ngôn ngữ: là lời nói, và chữ.
Về bộ nhớ: ngắn hạn
Về Cảm Xúc Giác: không có cảm xúc/giác
Về giới hạn: Ý Thức không hề có sự giới hạn như năm Thức mà Ý Thức có thể tương tác với tất cả các Thức, trong đó bao gồm cả năm Thức, Ngã Thức, Thân Thể Thức, và Tiềm Thức.
Với khả năng phân tích, tổng hợp, quan sát và phỏng đoán, Ý Thức có thể kết hợp với năm Thức, và Tiềm Thức để tìm hiểu, phân tích, nhận dạng, so sánh, theo ý muốn của Ngã Thức.
Thí dụ: Khi Ngã thức muốn ngắm hoa hồng trong bồn hoa, Ngã Thức liền ra lệnh cho Thân Thể Thức. Thân Thể Thức ra lệnh cho não bộ, hệ thống thần kinh, và cơ quan mắt, để mở mắt ra, và Thân Thể Thức cũng kết hợp với Nhãn Thức để nhận diện đường đi, sau đó, tác động đến đôi chân để di chuyển.
Khi đôi chân di chuyển đến bồn hoa, và dừng lại theo ý muốn của Ngã Thức, thì Nhãn Thức, lúc đó, qua mắt, hướng về những đóa hoa hồng, mà không phải các hoa khác.
Nếu đến đây, Ngã Thức không muốn biết thêm về hoa hồng nữa thì Nhãn Thức sẽ gởi những dữ liệu như: mắt nhìn đường đi thế nào, hoa hồng thế nào.v.v., và Thân Thể Thức sẽ gởi những dữ liệu như cơ bắp hoạt động thế nào, bước đi thế nào, và dừng lại thế nào, v.v. về kho Tiềm Thức để lưu giữ.
Nếu Ngã Thức, sau khi ngắm hoa hồng, nhưng lại muốn biết về mùi thơm như thế nào thì Ngã Thức ra lệnh cho Thân Thể Thức hoạt động. Thân Thể Thức sẽ tác động đến Mũi và Tỷ Thức để phân biệt mùi hoa hồng là thơm hay hôi, hay không thơm, không hôi.
Nếu như Ngã Thức không thỏa mãn, muốn biết sự khác biệt giữa hoa hồng với các hoa khác như thế nào thì Ngã Thức mới ra lệnh cho Ý Thức hoạt động.
Ý Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức mới dùng đến khả năng quan sát và phân tích, v.v. Khi sử dụng đến khả năng quan sát và phân tích thì Ý Thức tác động đến Thân Thể Thức điều khiển mắt và Nhãn Thức, nhìn chăm chú vào từng loại hoa để phân biệt về hình dáng, mầu sắc, và đưa những dữ liệu đó về kho Tiềm Thức. Ý Thức cũng khích hoạt Thân Thể Thức kết hợp với Tỷ Thức hoạt động để ngửi từng mùi hoa. Khích hoạt Thiệt Thức để nếm vị của các loại hoa, và khích hoạt Thân Thức, dùng tay để sờ mó các loại hoa. Hoặc có thể sử dụng thêm Nhĩ Thức để nghe âm độ của các loại hoa, qua tác động của gió.
Sau khi có đủ những dữ liệu của sáu Thức gởi về kho Tiềm Thức để lưu giữ, Ý Thức mới dùng những dữ liệu được lưu giữ trong Tiềm Thức qua sự tiếp xúc mới nhất của sáu Thức, cũng như, những dữ liệu của các loại hoa khác đã được lưu giữ trong quá khứ để phân tích, tổng, hợp, so sánh, v.v.
Nếu như Ngã Thức lúc đó nẩy sinh cảm giác nóng nảy, không muốn chờ đợi lâu, Ý Thức sẽ sử dụng Trí, để phân tích phiến diện, qua loa, rồi dùng sự phỏng đoán, tưởng tượng, không kiểm chứng để đưa ra kết quả.
Vì bộ nhớ của Ý Thức thuộc về ngắn hạn, cho nên, Ý Thức sẽ gởi tất cả sự phân tích và kết quả về kho Tiềm Thức để lưu giữ.
Kho Tiềm Thức sau khi nhận sự phân tích, và kết quả từ Ý Thức, liền sắp xếp và liên kết các dữ liệu lại với nhau. Vì đây là những dữ liệu liên quan đến Ngã Thức, nên những dữ liệu này được sắp xếp vào kho của Ngã Thức.
Ngã Thức khi nhận được kết quả phân tích này, lúc đó, sẽ khởi sinh các cảm giác khác nhau như: ưa hoa này, ghét hoa kia, hay tin hoa này là may mắn, hoa kia là xui xẻo, hay thích mùi hoa này, ghét mùi hoa kia v.v.
Những cảm giác hay cảm xúc đó, được duy trì trong Ngã Thức, cho đến khi, Ngã Thức lại khởi một ý muốn khác. Khi Ngã Thức phát khởi ý muốn khác thì những sự yêu, ghét hoa này, hay hoa kia, thích mùi hoa này, hay hoa kia sẽ được đưa về kho của Ngã Thức trong Tiềm Thức để lưu giữ, và chúng ta quen gọi đó là kinh nghiệm của cá nhân.
Khi trả những cảm xúc/giác về kho Tiềm Thức thì Ngã Thức cũng sắp xếp những thứ tự ưu tiên của các cảm xúc/giác theo ý Ngã Thức muốn.
Còn nếu như, Ngã Thức không phải là một người bình thường, mà lại là một nhà nghiên cứu về thực vật thì Ngã Thức sẽ sử dụng Tuệ để quan sát, phân tích và nhìn sâu.
Nếu như trong kho dữ liệu của Tiềm Thức không có đầy đủ các thông tin hay dữ liệu về hoa thì người đó sẽ đi tham khảo sách vở, hay tìm kiếm trên internet tất cả những thông tin, và dữ liệu liên quan đến các loại hoa mà Ngã Thức muốn biết.
Quá trình này, gọi là nâng cao trình độ kiến thức, học hỏi, hay nghiên cứu. Sau khi có đầy đủ các thông tin và dữ liệu thì mới bắt đầu phân tích kỹ lưỡng, qua kiểm chứng, thực chứng, xem có đúng với sự thật chưa. Nếu chưa đúng với sự thật, Ý Thức (Tuệ) lại tiếp tục, tìm kiếm, kiểm chứng, thực chứng, cho đến khi tiếp xúc được với sự thật. Khi đã có đủ dữ liệu, và đúng sự thật rồi thì mới đưa ra kết quả.
Khi Ngã Thức nhận được kết quả thì sinh ra cảm giác thỏa mãn, tự tin, tự hào, và vui vẻ.
Trên căn bản, nếu đem so sánh ba thức: Ý Thức, Ngã Thức và Tiềm Thức thì Ý Thức được phát triển rất chậm vào khoảng tháng thứ sáu hay bẩy của bào thai và tiếp tục được nâng cao và trau dồi, qua quá trình học tập và nghiên cứu khi hình thành con người hoàn chỉnh.
Thức Thứ Bẩy: Ngã Thức hay Bản Ngã, hay Cái Tôi
Về chức năng Ngã Thức là thành trì trú ngụ và phát sinh Cảm Xúc/Giác, nơi khởi đầu phát sinh ra ý niệm, tư tưởng, nơi sản xuất ra khổ đau và An Lạc, nơi duy trì đạo đức, danh dự, và niềm tin qua kinh nghiệm tích lũy, v.v.
Đặc biệt, về chức năng Đạo Đức trong Ngã Thức được chia làm ba phần riêng biệt, gồm cặp đối lập: Thiện-Ác, Tích Cực-Tiêu Cực, v.v, và phần thứ ba, thuộc về Trung Tính, không Thiện, không Ác.
Trong tất cả Chín Thức, về Tâm Lý, Ngã Thức là chủ nhân ông của Ý Thức. Ngã Thức có thể sử dụng 5 thức qua sự tương tác với Thân Thể Thức để phục vụ cho sự ham muốn của Ngã Thức. Riêng với hai thức: Thân Thể Thức và Tiềm Thức, Ngã Thức không thể sai sử, hay điều khiển, nhưng lại biết lợi dụng, hay sử dụng những chức năng của Thân Thể Thức và Tiềm Thức để phục vụ cho những gì Ngã Thức muốn.
Về ngôn ngữ: năng lượng.
Về bộ nhớ: sử dụng bộ nhớ lâu dài của Tiềm Thức
Về Cảm Xúc Giác: là trung tâm phát khởi ra cảm xúc/giác
Về khả năng phân tích: chỉ có khả năng khởi niệm và sử dụng Ý Thức để phân tích, suy nghĩ.
Về Quyền chọn lựa: Chỉ Ngã Thức, Thân Thể Thức, và Ý Thức có quyền chọn lựa, còn sáu thức khác thì không.
Về giới hạn, Ngã Thức không hề có sự giới hạn như năm thức, Ngược lại Ngã Thức có thể sai sử Ý Thức, và lợi dụng Tiềm Thức, và Thân Thể Thức (cùng 5 thức) để duy trì, nuôi dưỡng những ham muốn, những kinh nghiệm tích lũy có lợi cho Ngã Thức.
Nếu đem so với Ý Thức và Tiềm Thức thì Ngã Thức bắt đầu phát triển vào tháng thứ ba, hay thứ tư, khi bào thai đã bắt đầu có hình tướng và tiếp tục phát triển đến cuối đời.
Thức Thứ Tám: Tiềm Thức/ Tàng Thức hay Căn Bản Thức.
Theo Duy Thức học, Thức thứ Tám được gọi là Căn Bản Thức, bởi vì, đây là Thức xuất hiện đầu tiên khi tinh trùng của người cha kết hợp với trứng của người mẹ tạo thành hợp tử đầu tiên.
Các nhà khoa học ngày nay, vẫn không thể giải thích được lý do tại sao, từ một hợp tử đầu tiên, tự nó lại sinh ra gấp đôi, rồi lại tiếp tục giản phân, gia tăng theo cấp số nhân, cho đến khi tạo ra hình tướng của hài nhi và thành một con người hoàn chỉnh sau khi sinh.
Theo Duy Thức học, chính là nhờ sự có mặt của Thức Căn Bản hay Tàng/Tiềm Thức đã giúp cho hợp tử phát triển theo một lập trình, thuộc về Nhân Tướng Bản Thể.
Đứng trên góc độ của Bản Thể, thì Bản Thể hay Nguyên Thể là nơi dung chứa tất cả các hạt nguyên tử, hạt hạ nguyên tử, năng lượng, và sự co giãn của khoảng Không.
Chính vì, có sự co giãn của khoảng Không, nên tạo ra sự lệch chuyển của những nguồn năng lượng; và các hạt nguyên tử va chạm vào với nhau, nên đã tạo ra sự khác biệt của các Tướng khác nhau, trong đó, bao gồm cả những động vật hữu tình, vô tình, tinh tú, hay vũ Trụ.
Tuy sự cấu tạo hình tướng khác nhau, qua sự khoanh vùng co giãn của khoảng Không, nhưng trong Nguyên Thể, các hạt Nguyên Tử, hay hạt hạ Nguyên Tử, vẫn có sự cấu tạo giống nhau. Vì vậy, Căn Bản Thức hay Tiềm Thức của con người hay con thú, là hữu tình hay vô tình, đều có chung một Nguyên Thể hay Bản Thể.
Đứng trên góc độ về con người thì chúng ta nằm trong Nhân Tướng Bản Thể. Căn bản Thức chính là nguồn năng lượng của Nhân Tướng Bản Thể được lập trình theo sự kết nối, va chạm của các hạt nguyên tử lại với nhau trong khoảng Không co giãn.
Chính vì vậy, khi hợp tử được thành hình thì nguồn năng lượng của Căn Bản Thức được khởi sinh và bắt đầu hoạt động theo lập trình tướng người.
Vì là nguồn năng lượng đầu tiên tạo ra con người, cho nên, Căn Bản Thức cũng là nơi khởi đầu mạng sống của con người, và sau đó, chuyển qua Thân Thể Thức.
Vì Căn Bản Thức là nơi khởi đầu của sự sống (tổng thể), và chuyển qua Thân Thể Thức (biệt thể) để duy trì sự sống của cá thể, nơi mà Ngã Thức nương nơi Thân Thể để sinh hoạt.
Cho nên, ngoài chức năng khởi đầu tạo ra sự sống, kết hợp chặt chẽ với Thân Thể Thức để duy trì sự sinh hoạt của thân mạng, Căn Bản Thức còn những chức năng như sau:
- Kho chứa tất cả các thông tin, dữ liệu từ 5 giác quan, Ý Thức, Thân Thể Thức, và Ngã Thức
- Duy trì bộ nhớ lâu dài, và nối kết các thông tin dữ liệu, có khả năng sáng tạo
- Đòi hỏi những thông tin, dữ liệu, hoặc vấn đề chưa được giải quyết triệt để, để tạo sự hoàn chỉnh
- Cung cấp thông tin liên tục cho Ngã Thức
- Ngôn ngữ Chính: Hình Ảnh
- Chính vì, không có các chức năng như phân tích, tính toán, tổng hợp, v.v của Ý thức, nên Tiềm Thức không có thể phủ định, không có thiện ác, không có đúng sai, cũng như không có qúa khứ và tương lai. Thời gian hoạt động mạnh nhất của Tiềm thức là khi Ngã Thức và Ý Thức không hoạt động.
- Không có cảm xúc/giác
Vì vậy, ngoài tên gọi là Căn Bản Thức, còn có những tên gọi khác như Tiềm/ Tàng Thức (vì là thức ở ẩn bên trong).
Ngoài Tám Thức theo Duy Thức học, thì còn có một Thức vô cùng đặc biệt, đó là: Thức thứ Chín, Thân Thể Thức. Thức này, hoàn toàn không có trong Duy Thức học, nhưng trong 12 nhân Duyên chúng ta sẽ thấy được “bóng dáng” của Thức này.
Thân Thể Thức là Thức liên quan đến quá trình cấu tạo và sinh diệt thuộc về thân thể của con người, trong đó, bao gồm: tất cả các bộ phận lớn như: lục phủ, ngũ tạng, não, hay đến những phần nhỏ như, giao tử, DNA, RNA, tế bào v.v. có chức năng tạo ra sự sinh diệt của các tế bào, và duy trì sự sinh hoạt hài hòa của thân mạng.
Theo Cơ Thể học, Thân Thể Thức của một cá thể, còn được gọi là xung động nội môi (homeostatic impulse). Nhiệm vụ của Thân Thể Thức là, giữ cho thân nhiệt của cá thể đó luôn ở 98,6 độ F (37 độ C). Đồng thời, giúp cho cơ thể của cá thể đó có thể thở đều đặn, và giữ cho tim của cá thể đó đập ở một nhịp độ nhất định, v.v.
Ngoài ra, Thân Thể Thức còn thông qua hệ thống thần kinh tự trị (autonomic nervous system) của cá thể để điều khiển và duy trì sự cân bằng giữa hàng trăm, ngàn chất hóa học trong hàng tỷ tế bào của cá thể được hoạt động hài hòa, hoàn hảo, trong hầu hết thời gian.
Thân Thể Thức có sự liên kết chặt chẽ với tất cả các Thức, bao gồm: Ngã Thức, Ý Thức, Tiềm Thức và 5 Thức. Ngoài ra, còn có các là chức năng khác như:
- Kho chứa tất cả các thông tin, dữ liệu của hợp tử, DNA, RNA, tế bào, v.v.
- Quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, phỏng đoán
- Tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ thức ăn, chuyển hóa các chất dinh dưỡng đó thành năng lượng, và thực hiện các chức năng chuyên biệt.
- Duy trì bộ nhớ lâu dài, và nối kết các thông tin dữ liệu, có khả năng sáng tạo
- Tương tác thông tin và dữ liệu liên tục cho Ngã Thức.
- Là chủ nhân của 5 thức
- Ngôn ngữ chính: năng lượng
Chính vì, có các chức năng như phân tích, tính toán, tổng hợp, v.v như Ý thức, nên qua sự điều khiển của Thân Thể Thức, não bộ có khả năng tự sản xuất và tăng giảm các chất khích thích tố để tạo nên sự hài hòa hoạt động giữa các tế bào, cơ, mô, hệ thần kinh, v.v. cũng như, tế bào máu có thể phân biệt để tiêu diệt các loại vi trùng, hay vi khuẩn, hay sự xáo trộn các mô, cơ, qua những nhận thức sai lầm của các tế bào, mô, cơ, tạo ra tế bào ung thư,v.v.
Thân thể Thức cũng như Tiềm Thức có sự hoạt động không ngừng nghỉ, và khác với Tiềm Thức là kho dữ liệu tổng thể, trong khi, Thân Thể Thức là kho dữ liệu biệt thể chỉ liên quan đến các phần trong cơ thể.
Thí dụ, khi Ngã Thức muốn nhìn một hình ảnh thì tác động lên Thân Thể Thức. Thân thể Thức mới tác động lên não bộ, và não bộ mới điều khiển hệ thần kinh, và các cơ mắt mở ra, rồi mới kết hợp với Nhãn Thức để phân biệt hình ảnh.
Nếu không có Nhãn Thức, chúng ta không biết hình ảnh đó là gì, vì Thân Thể Thức là Thức chỉ lưu giữ những thông tin và dữ liệu liên quan đến sự sinh hoạt của thân thể (biệt thể).
Cho nên, nếu Ngã Thức muốn biết hình ảnh bên ngoài,thì Thân Thể Thức phải kết hợp với Nhãn Thức (với 4 thức khác cũng vậy). Ngược lại, Tiềm Thức thì lưu giữ tất cả mọi thông tin và dữ liệu, trong đó, bao gồm luôn thông tin và dữ liệu từ Thân Thể Thức (tổng thể).
Thân Thể Thức, không có cảm xúc/giác, nhưng lại có sự tương tác, tương tức trực tiếp với cảm xúc/giác và ý muốn từ Ngã Thức.
Tuy nhiên, Thân Thể thức cũng như Tiềm Thức, không chịu sự điều khiển từ Ngã Thức, mà đôi khi, còn bắt Ngã Thức phải khuất phục Thân Thể Thức. Vì thế, Ngã Thức chỉ có thể sử dụng Thân Thể Thức như một “công cụ” hay “một nơi cư trú” để thỏa mãn những gì Ngã Thức muốn qua thân thể.
Thí dụ: Ngã Thức muốn thức khuya để coi phim, nhưng nếu Thân Thể Thức nhận được những tín hiệu từ các bộ phận đã hoạt động qúa mệt mỏi thì Thân Thể Thức sẽ phân tích và đưa ra sự lựa chọn, rồi chuyển về Ngã Thức.
Ngã Thức có quyền không theo sự lựa chọn của Thân Thức, và tiếp tục gia tăng “áp lực” bắt Thân Thể Thức phục vụ cho ý muốn của mình. Thân Thể Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức sẽ ra lệnh cho các cơ của mắt, căng lên, để giúp cho mắt có thể mở. Tuy mắt mở, nhưng Nhãn Thức lại không nhận diện được những hình ảnh trong phim một cách rõ ràng, vì các cơ mắt và hệ thống thần kinh của mắt đã mệt mỏi nên cung cấp các hình ảnh không còn chân thật.
Các cơ mắt, khi đã quá ngưỡng chịu đựng thì Thân Thể Thức bất chấp là Ngã Thức muốn coi phim cũng tự động ra lệnh cho mắt nhắm lại, cũng như, ra lệnh cho các bộ phận mệt mỏi khác, dừng hoạt động. Khi cơ thể dừng hoạt động, thì Ngã Thức dù có muốn coi phim cũng phải chấp nhận dừng lại ý muốn của mình.
Thân Thể Thức là Thức thuộc về Y học, chúng ta sẽ có dịp quan sát sâu hơn, khi có những chủ đề liên quan đến Y học và cơ thể của con người.
Không thể tưởng tượng nổi thì ra ngàn năm trước, những nhà Tâm Lý học phương Đông đã có sự phân tích rất rõ ràng, đầy đủ chi tiết như vậy há chú. Hoàng Trang lên tiếng.
Đúng vậy, nếu các nhà Tâm Lý học phương Tây cho rằng, nghành Tâm Lý là nghành chẻ sợi tóc ra làm tư, thì các nhà Tâm Lý học phương Đông đã chia sợi tóc thành mười sáu.
Diệu Hiền nghe ông chú chia xẻ, cười thật to, nói:
Giời ạ, thế này thì chỉ có chết tụi cháu thôi chú ơi.
Cả ba chú cháu cùng cùng to với câu nói đùa của Diệu Hiền, sau đó, ông chú nói tiếp:
Bây giờ, chúng ta có thể dựa vào các chức năng căn bản của Chín Thức để quan sát sự khác biệt giữa học Thuyết của Freud và Chín Thức như thế nào?
Theo định nghĩa của Freud, “Tiền Ý Thức, là Thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn, có thể được đưa đến vùng Ý Thức.”
Điều này Đúng, vì cùng đồng nghĩa với chức năng của Tiềm Thức, nơi lưu giữ tất cả các dữ liệu, và trong qúa trình sắp xếp, liên kết các dữ liệu đã lôi những vấn đề, mà cá thể đã đè nén, trốn chạy không chịu giải quyết, hay giải quyết mang tính cách tạm thời, lên trên Ý Thức đòi giải quyết.
Còn câu, “Ý Thức, bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn, mà ta nhận thức được một cách rõ ràng, vào bất kỳ thời điểm nào”
Nếu đứng trên góc độ diễn giải này của Freud, chúng ta thấy, có rất nhiều điều rất mơ hồ, lẫn lộn, giữa chức năng của Ý Thức, Ngã Thức và Tiềm Thức.
Với khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, so sánh, phỏng đoán, nhìn sâu và nhìn nông thì Ý Thức, bao gồm tất cả sự suy nghĩ là đúng. Bởi vì, thông thường, khi chúng ta suy nghĩ về một việc gì đó, có nghĩa là, chúng ta đang sử dụng khả năng phân tích, so sánh, nhận dạng, quan sát, của Ý Thức.
Nhưng khi Freud cho rằng, bao gồm luôn cả ký ức, cảm giác và mong muốn, lại trở thành vấn đề. Trên thực tế, Ý Thức của chúng ta có bộ nhớ ngắn hạn, nên không thể lưu giữ ký ức (ghi lại một cái gì đó lâu dài) của chúng ta lại được.
Thí dụ như, khi chúng ta đang suy nghĩ về một vấn đề nào đó, tự nhiên có một người đến quấy rầy, hỏi lung tung những chuyện gì đâu. Đến khi người đó đi rồi, chúng ta cũng quên luôn lúc trước chúng ta đang suy nghĩ gì, hay đang phân tích cái gì.
Nguyên do, là vì, bộ nhớ của Ý Thức ngắn hạn, và trong thời gian chúng ta đang sử dụng bộ nhớ ngắn hạn của Ý Thức, nên chúng ta không đưa những sự phân tích về kho lưu giữ lâu dài của Tiềm Thức để lưu giữ. Chính vì vậy, khi Ý Thức của chúng ta đổi qua chủ đề khác qúa lâu, nên khi trở lại chủ đề cũ, chúng ta không còn nhớ được bao nhiêu, hoặc chúng ta chẳng còn nhớ gì cả.
Hay, chúng ta đột nhiên gặp mặt một người nào đó. Nhưng lúc đó Ý Thức của chúng ta không thể nhớ ra tên người đó là gì. Chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ cũng không ra. Rồi lúc đó, Ý Thức của chúng ta lại dùng suy nghĩ cho chuyện khác. Trong khi, chúng ta đang suy nghĩ những vấn đề liên quan đến chuyện khác, thì tự nhiên, trong Ý thức chúng ta lại hiện lên tên của người đó.
Rõ ràng, bộ nhớ của Ý Thức rất ngắn hạn, nên khi Ý Thức lục lọi trong bộ nhớ, tìm không ra tên, nên Ý Thức mới chuyển mệnh lệnh của Ngã Thức xuống Tiềm Thức, nơi lưu giữ lâu dài những dữ liệu, tiếp tục tìm kiếm. Khi Tiềm thức kiếm ra tên người đó thì lộ trên mặt Ý Thức, trong khi Ý thức vẫn đang suy nghĩ, hay phân tích một việc khác.
Còn phần cảm giác và mong muốn ở đây, không thể nào thuộc về Ý Thức được, mà phải thuộc về Ngã Thức. Bởi vì, cảm giác và mong muốn phải là cảm giác và mong muốn của ai. Như cảm giác của tôi, mong muốn của tôi. Nghĩa là, phải thuộc về Bản Ngã, về cái tôi mới chính xác.
Vấn đề của Freud ở đây, có lẽ là ông phân chia Tâm Thức con người ra làm ba cái Thức khác nhau, cho nên, mỗi một Thức, ông lại cho nó có đầy đủ các chức năng. Trên thực tế, chúng ta chỉ có một Tâm đó là Ngã Thức, và có nhiều Thức khác, có những chức năng khác để phục vụ cho cái tôi, hay Ngã Thức, hay Bản Ngã muốn như thế nào.
Qua câu kế tiếp: “mà ta nhận thức được một cách rõ ràng, vào bất kỳ thời điểm nào. Ta có thể nghĩ đến, và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí. Ngoài ra, Ý thức còn bao gồm cả ký ức, không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng Ý Thức, nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng, vào bất kỳ thời điểm nào, và giúp ta nhận thức nó rõ ràng.”
Dĩ nhiên, khi Ý Thức muốn phân tích một điều gì thì đều có thể sử dụng kho dữ liệu của Tiềm Thức để tìm những dữ liệu trong bất cứ khoảng thời gian nào. Nhưng ở đây lại kèm theo câu “trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí”, vậy lý trí ở đâu, và chức năng của lý trí là gì?
Sau đó Freud lại còn khẳng định: “không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng Ý Thức, nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng, vào bất kỳ thời điểm nào”. Vậy nếu ký ức không phải lúc nào cũng nằm trong Ý Thức, thì lúc đó, ký ức ở đâu, mà có thể triệu hồi dễ dàng vào bất cứ thời điểm nào?
Nếu chúng ta dựa trên những chức năng của Chín Thức, chúng ta sẽ có câu trả lời rất rõ ràng, và không mơ hồ và lẫn lộn như Freud.
Rõ ràng, khi chúng ta hiểu chức năng của Ý Thức và Tiềm Thức, chúng ta có thể biết, ký ức đang nằm trong kho dữ liệu của Tiềm Thức, và bất cứ khi nào Ngã Thức muốn nhớ lại ký ức thì chỉ cần ra lệnh cho Ý Thức, sử dụng kho dữ liệu của Tiềm Thức và đưa ký ức đó lên trên mặt của Ý Thức.
Đó chính là lý do, tại sao chúng ta có thể triệu hồi ký ức đó dễ dàng và vào bất cứ thời điểm nào.
Thí dụ: Ngã Thức của chúng ta muốn nhớ về ký ức tuổi thơ lúc 10 tuổi thì Ngã Thức của chúng ta ra lệnh cho Ý Thức đi tìm ký ức đó. Ý Thức khi nhận lệnh của Ngã Thức sẽ xuống kho dữ liệu của Tiềm thứ, để lôi dữ liệu ký ức năm 10 tuổi lên trên màn ảnh của Ý Thức và Ngã Thức có thể thấy lại những hình ảnh của tuổi lên 10.
Nếu như Ngã Thức muốn nhìn lại hình ảnh tuổi 15 thì cũng lập lại như vậy và hình ảnh tuổi 15 sẽ xuất hiện.
Vậy còn Vô Thức thì sao?
Vô Thức là một ‘kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn, và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức. Hầu hết các nội dung của vùng vô thức, đều khá khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột.
Trong phần này, chúng ta cũng thấy, Freud lại rơi vào những lẫn lộn giữa các chức năng của Ba Thức.
Freud đã đúng khi cho rằng: vô Thức là một ‘kho tàng” các cảm xúc, ham muốn, hầu hết các nội dung của vùng vô thức đều khá khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột.
Đây đúng là những chức năng của Ngã Thức. Và danh từ chính xác để dùng là Ngã Thức thay vì Vô Thức.
Ngã Thức là sự nhận ra cái tôi, trong đó bao gồm: những cảm xúc, mong muốn, cảm giác đau đớn và khó chịu của tôi, rất rõ ràng. Vì vậy, khi dùng từ vô thức ở đây, dễ gây ra hiểu lầm. Vì Vô Thức có nghĩa là thức đó không thể xác định. Vậy làm sao có chủ thể không chấp nhận những cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột. Thế thì, chủ thể này là ai?
Như lúc trước tôi có đề cập, có lẽ Freud đã phân chia Ba Thức thành ba Thức riêng biệt của một cá thể, cho nên, Freud đã gắn ghép vào mỗi Thức những chức năng gần giống nhau, và thường chống đối lại nhau.
Vì vậy, trong phần vô thức này, Freud, lại tiếp tục gắn cho Ngã Thức những phần như: “suy nghĩ” thuộc về Ý Thức; “Ký ức không nằm trong vùng kiểm soát Ý thức”, thuộc về Tiềm Thức, vào trong vô thức.
Thì ra là vậy, lúc xưa khi học đến những phần này, cháu rất là mơ hồ, và cũng có những câu hỏi như chú, nhưng không làm sao giải thích được, cho đến tận bây giờ. Nếu các giảng viên, mà giảng dậy rõ ràng như chú chia xẻ, thì chắc, cháu sẽ giỏi hơn rất nhiều. Hoàng Trang nói.
Diệu Hiền đợi Hoàng Trang nói dứt, lên tiếng:
Vậy chú ơi, theo học thuyết của Freud, có đưa ra hiện tượng lỡ lời. Nghĩa là, trong lúc đang nói chuyện với ai đó, thay vì, gọi đúng tên họ thì lại gọi tên người khác. Theo Thuyết của Freud thì những câu chữ phát ra khi người ta lỡ lời sẽ giúp tiết lộ những suy nghĩ và cảm xúc ẩn giấu trong vô thức của họ.
Chú quan sát như thế nào về vấn đề này?
Trong cuộc sống của con người, chúng ta ít sử dụng Ý Thức mà thường sử dụng những thói quen.
Như chúng ta đã biết, chức năng của Ý Thức là khả năng quan sát, phân tích, v.v. như vậy, mỗi khi chúng ta sử dụng đến Ý Thức (Trí) thì tốn rất nhiều thời gian. Nếu chúng ta sử dụng Tuệ thì thời gian sẽ còn dài hơn, vì phải qua quá trình kiểm chứng và thực chứng.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề tốn thời gian này, chúng ta thường biến những hành động giống nhau mỗi ngày, được lập đi lập lại, thành một thói quen. Khi đã thành một thói quen, chúng ta không cần sử dụng đến Ý Thức nữa mà vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
Hiện tượng lỡ lời của Freud là hiện tượng xẩy ra từ Tiềm Thức, nơi sắp xếp và lưu trữ các dữ liệu, bao gồm các thói quen.
Vì chức năng của Tiềm Thức không có sự phân tích, nhận dạng như Ý Thức. Cho nên, nếu chủ đề của chúng ta đang nói đã trở nên qúa quen thuộc, và đối tượng A là người mà chúng ta đã nói chuyện qúa nhiều lần và biến thành thói quen, thì lúc đó, Tiềm Thức của chúng ta sẽ không nhận ra, người đối diện với chúng ta là B, và cứ tiếp tục sử dụng tên A như thói quen.
Đó gọi là sự vận hành của Tiềm Thức. Như vậy, qua sự vận hành của Tiềm Thức theo thói quen, nghĩa là, không có mặt của Ý Thức nên không nhận dạng được sự khác biệt giữa A và B, vì thế vẫn tiếp tục sử dụng tên của A thay vì B.
Vì vậy, qua hiện tượng lỡ lời này, chúng ta không thể biết được suy nghĩ của người nói lỡ lời, vì người đó, không có suy nghĩ (Ý Thức) mà chỉ là “Xả” những liên kết dữ liệu trong kho Tiềm Thức ra ngoài. Điều này, học thuyết của Freud cần chỉnh lại.
Nhưng ở đây, Freud lại hợp lý khi cho rằng, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc của người nói lỡ lời. Vì cảm xúc là những nguồn năng lượng “không tên” kết hợp những nguồn năng lượng khác nhau của Ngã Thức.
Như vậy, qua cảm xúc, có thể hiểu được Ngã Thức của người đó đang có nguồn năng lượng nào và những nguồn năng lượng này đang liên quan đến những vấn đề gì.
Tại sao khi qua sự chia xẻ của chú, cháu lại hiểu rất chi tiết và rõ ràng, còn khi cháu học, cứ đoán mò vậy chú? Diệu Hiền hỏi.
Đơn giản, vì bạn thiếu sự nhìn sâu.
Diệu Hiền và Hoàng Trang cùng cười thật lớn. Sau đó, Hoàng Trang lên tiếng:
Vậy, chú có thể chia xẻ với hai cháu về những giấc mơ, mà theo Freud, đó là: “sự tác động lẫn nhau phức tạp của những ước muốn bị cấm đoán và những áp lực khác” là sao, vậy chú.
Nói đến giấc mơ là nói đến chức năng sắp xếp, và liên kết các thông tin và dữ liệu mà Tiềm Thức thu nhận được trong một ngày.
Vì Tiềm Thức là Thức tạo ra sự sống, và kết hợp với Thân Thể Thức để duy trì sự sống cho chúng ta. Cho nên, Tiềm Thức luôn hoạt động hai mươi bốn giờ, không ngừng nghỉ.
Ngược lại, Ý Thức chỉ hoạt động khi Ngã Thức muốn phân tích những vấn đề gì xẩy ra có ảnh hưởng đến Ngã Thức mà thôi. Nếu không có những vấn đề mới mà chỉ là những vấn đề quen thuộc thì Ngã Thức sẽ sử dụng Tiềm Thức qua các thói quen.
Thông thường, chúng ta sử dụng 95% những việc liên quan đến cuộc sống của chúng ta qua thói quen được lưu giữ trong Tiềm Thức.
Còn lại 5% cho Ngã Thức và Ý Thức. Khi Ngã Thức không sử dụng Ý Thức, và cũng không có cảm giác, hay ý muốn thì chúng ta rơi vào trạng thái rỗng, hay trống không, hay gọi là không suy nghĩ.
Nếu như trong một ngày, mà Ngã Thức của chúng ta luôn có sự trào dâng cảm xúc/giác, thì lúc đó, Ý Thức sẽ được sử dụng tối đa.
Và khi Ý Thức liên tục bị sử dụng tối đa để giải quyết những cảm xúc/giác dâng trào của Ngã Thức thì chúng ta rơi vào trạng thái “quá tải” của Ý Thức (cứ liên tục đi tìm các giải pháp cho Ngã Thức), trạng thái này, chúng ta gọi là điên.
Trong một sinh hoạt bình thường, như khi chúng ta ngủ, Ý Thức và Ngã Thức của chúng ta đều vắng mặt.
Thí dụ, khi chúng ta ngủ, chúng ta chảy nước dãi thì Ngã Thức cũng không có cảm giác hổ thẹn, hay xấu hổ, và Ý Thức cũng chẳng có phân tích nguyên do tại sao. Vì cả Ý Thức và Ngã Thức, đều cùng vắng mặt.
Đây chính là lúc mà sự hoạt động của Tiềm Thức được lộ rõ trên bề mặt của Ý Thức. Những giấc mơ mà chúng ta có được khi ngủ là sự vận hành của Tiềm Thức qua việc sắp xếp và liên kết các dữ liệu lại với nhau.
Chẳng hạn, một sáng, chúng ta đi ngang một quán chè, và họ bán một món chè mà người yêu cũ của chúng ta rất thích. Tuy chúng ta không vào mua chè, nhưng qua Thân Thể Thức, Nhãn Thức và Ý Thức, chúng ta nhận ra, đó là, món chè mà người yêu cũ chúng ta thích.
Tuy chỉ nhìn thoáng qua, và Ngã Thức lại muốn Ý Thức phải tập trung vào việc khác. Hình ảnh chén chè đó, được Ý Thức, Thân Thể Thức và Nhãn Thức, đưa về kho Tiềm Thức lưu giữ. Khi Tiềm Thức sắp xếp và liên kết thì sẽ đem chén chè đó liên kết với những gì liên quan đến phần của người yêu cũ.
Nếu như khi chia tay với người yêu cũ, chúng ta đã có những sự oán thù, trách móc,v.v, thì khi chén chè được liên kết vào phần của người yêu cũ sẽ khích hoạt lại những vấn đề mà chúng ta và người yêu cũ đã có trước đây nhưng chưa được giải quyết. Những vấn đề đó, nay chịu thêm sự oán hận sau khi chia tay tác động, tạo ra cách thức giải quyết những vấn đề cũ trở nên khốc liệt hơn.
Nếu chẳng may, hình ảnh chén chè lại liên kết đến việc ăn chè bị trúng độc chết thì trong qúa trình sắp xếp, liên kết, của Tiền Thức, chúng ta có thể mơ thấy, người yêu cũ của chúng ta sẽ đầu độc chúng ta bằng chén chè để trả thù. Trong khi chờ chúng ta chết thì người yêu cũ của chúng ta cười rất thỏa mãn. Đây gọi là ác mộng, mà đôi khi, chúng ta hay trải qua.
Hình ảnh đang nằm chờ chết trong giấc mơ, khích hoạt cảm giác sợ chết của Ngã Thức một cách mãnh liệt, khiến cho Ngã Thức phải thức giấc, và ra lệnh cho Thân Thể Thức hoạt động bằng việc mở mắt ra.
Hay, khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh chén chè của người yêu cũ, nhưng chúng ta lại đang cãi nhau với người yêu mới. Vì hình ảnh chén chè và việc việc cãi nhau cùng đang xẩy ra và cùng liên quan đến người yêu.
Cho nên, qua sắp xếp và liên kết của Tiềm Thức, chúng ta có một giấc mơ, mà trong đó, cả hai người yêu cũ và mới xẩy ra xung đột tranh giành và xé chúng ta ra làm đôi. Dù rằng, trên thực tế, người yêu mới chưa bao giờ gặp hay quen biết người yêu cũ.
Hình ảnh hai người yêu, cũ và mới cùng tranh giành và xé thân chúng ta làm đôi, tác động mãnh liệt lên cảm giác sợ chết, khiến cho Ngã Thức phải thức giấc.
Đó là một vài hiện tượng xẩy ra về sự sắp xếp và liên kết các dữ liệu của Tiềm Thức mà chúng ta có thói quen gọi đó là những giấc mơ.
Có những giấc mơ mà chúng ta thấy người trong qua khứ có thể sinh hoạt ngay trong hiện tại. Nguyên do là, từ những dữ liệu cũ và mới đang được Tiềm Thức sắp xếp và liên kết.
Nhưng tại sao cũ và mới có thể kết hợp “như thật” trong giấc mơ? Vì Tiềm Thức không có khả năng phân biệt như Ý Thức, nên trong Tiềm Thức không có cũ và mới, không có quá khứ hay tương lai, mà chỉ có ngay lúc này hay trong hiện tại.
Như vậy, theo Freud, “giấc mơ là sự tác động lẫn nhau phức tạp của những ước muốn, bị cấm đoán và những áp lực khác.” Chỉ hợp lý, khi cho đó “là sự tác động lẫn nhau phức tạp”, đồng nghĩa với sự sắp xếp và liên kết các dữ liệu của Tiềm Thức, tùy theo những dữ liệu đơn lẻ đó có liên kết với những dữ liệu khác hay không mà tạo nên sự phức tạp hay không?
Nhưng lại không hợp lý khi cho rằng, đó là “những ước muốn, bị cấm đoán và những áp lực khác”.
Rõ ràng, trong thí dụ trên, chúng ta đâu thấy, những ước muốn bị cấm đoán hay bị bất cứ áp lực nào khác với chúng ta đâu. Ngã Thức của chúng ta đâu có muốn nhớ lại người yêu cũ, và chúng ta cũng chẳng bị cấm đoán hay bị áp lực nào khác bắt chúng ta phải quên đi, không được nghĩ đến người yêu cũ. Nếu có, làm sao chúng ta vừa nhìn thấy chén chè đã nghĩ ngay đến người yêu cũ.
Còn câu, “hay những ước muốn vô Thức đã trải qua sự biến dạng, thông qua các quá trình ngưng tụ và dịch chuyển” thì lại hợp lý, khi những ý muốn của Ngã Thức luôn thay đổi tùy theo sự tiếp xúc của năm thức, khởi ý niệm, hay trong quá trình sắp xếp và liên kết các dữ kiện của Tiềm Thức tác động đến những nguồn cảm xúc, khiến cho Ngã Thức có khi bị tê liệt, không còn có thể sử dụng Ý Thức để phân tích lợi hại, cũng như quan sát hay nhìn sâu để có thể tiếp cận được với sự thật.
Như vậy, qua sự quan sát và nhìn sâu giữa học thuyết của Freud và Chín Thức, chúng ta có thể rút ra được vài điểm khác biệt:
Học thuyết của Feud cho rằng: chúng ta có ba thức hoạt động độc lập và đối nghịch nhau. Cho nên, trong mỗi thức đều có một số các chức năng gần giống nhau. Từ đó, tạo nên sự xung đột và tạo ra những hành vi khác nhau tùy theo hoàn cảnh.
Trong khi, Chín Thức lại phân chia rạch ròi chức năng và sự giới hạn của mỗi Thức. Tuy có 9 Thức nhưng chỉ có hai Thức làm chủ là, Ngã Thức và Thân Thể Thức, còn 7 Thức khác chỉ để phục vụ cho Ngã Thức với những chức năng giới hạn của mình.
Học thuyết của Feud cho rằng: giấc mơ của con người có được là từ những ước muốn của vô thức đã trải qua sự biến dạng, thông qua các quá trình ngưng tụ và dịch chuyển.
Trong khi, qua sự vận hành của Chín Thức, giấc mơ là quá trình sắp xếp và liên kết của Tiềm Thức, chứ không phải từ vô Thức, hay đúng hơn là Ngã Thức. Theo Chín Thức, những ước muốn của Ngã Thức có thể bắt nguồn từ 5 Thức, cũng có thể bắt nguồn từ Thân Thể Thức, Tiềm Thức, hay bắt nguồn từ Ngã Thức, tùy theo tình trạng của Ngã Thức lúc đó đang trong hoàn cảnh nào.
Nếu Ngã Thức đang trong hoàn cảnh bị những nguồn năng lượng “không tên” tác động mạnh mẽ lên Ngã Thức, khiến cho Ngã Thức bị tê liệt, thì hành vi hay hành động xẩy ra không còn tùy thuộc vào ý muốn của Ngã Thức nữa.
Chú ơi, có thể dùng một thí dụ minh họa để cho chúng cháu dễ hiểu hơn không? Diệu hiền nói.
Thí dụ, có một người vô lý đến gây lộn và muốn đánh nhau với chúng ta.
Trong trường hợp 1: Nếu Ngã Thức của chúng ta muốn “dĩ hòa vi quý” sẽ ra lệnh cho Ý Thức dùng sự quan sát môi trường hoàn cảnh xung quanh; phân tích lợi và hại khi gây lộn và đánh nhau với người kia như thế nào; phân tích cách hành xử và lời nói thế nào để tránh gây ra gây lộn và đánh nhau; hay khi người kia đánh sẽ đối phó như thế nào, v.v.
Khi có đủ những dữ liệu từ Ý Thức gởi về cho Tiềm Thức lưu giữ và chuyển qua kho của Ngã Thức, lúc đó, Ngã Thức mới đưa ra quyết định lựa chọn cách thức nào có lợi nhất cho Ngã Thức, rồi ra lệnh cho các thức khác hỗ trợ để đạt được ước muốn của mình.
Freud gọi đây là qúa trình ước muốn vô thức bị ngưng tụ qua sự biến dạng. Có nghĩa là ước muốn “dĩ hòa vi quý” của Ngã Thức vẫn đạt được mục đích (ngưng tụ) nhờ có nhiều phương án (biến dạng) do Ý Thức đã phân tích để Ngã Thức chọn lựa.
Trong trường hợp 2: Nếu Ngã Thức của chúng ta đang ở trong cảm xúc bực bội, tức giận vì vừa bị ông chủ la rầy mà chúng ta không thể trút giận vào ông ta. Và nếu như, hình ảnh, lời nói, hành động của người đến gây chuyện chỉ cần tương tự với ông chủ, thì qua sự tiếp xúc của 5 Thức gởi về Tiềm Thức và chuyển qua kho Ngã Thức, những hình ảnh, lời nói này sẽ khích hoạt nguồn năng lượng cảm xúc gia tăng, khống chế Ngã Thức, khiến cho Ngã Thức bị tê liệt không thể sử dụng Ý Thức để phân tích lợi hại, cũng như, không còn duy trì được ý muốn ban đầu “dĩ hòa vi quý” như bình thường.
Nên, chúng ta sẽ xả nguồn năng lực cảm xúc bực bội, tức giận lên trên người gây sự vô cớ một cách tàn nhẫn, không thương tiếc. Cho đến khi có sự can thiệp của người khác, hay cảnh sát, hay đối phương bỏ chạy, khuất khỏi tầm của năm thức.
Khi cảm xúc trào dâng đã được trút, xả, và yếu dần thì Ngã Thức của chúng ta mới thoát khỏi sự kiềm chế của nguồn năng lượng cảm xúc; từ đó, mới có thể sử dụng Ý Thức để phân tích lợi hại về hậu quả mà chúng ta vừa gây ra. Đồng thời tạo ra cảm giác hối hận khi không duy trì được ý muốn “dĩ hòa vi quý”.
Freud gọi đây là qúa trình ước muốn vô thức bị biến chuyển qua sự biến dạng. Có nghĩa là Ý muốn “dĩ hòa vi quý” đã không còn được duy trì và bị sự biến chuyển của cảm xúc khống chế nên đã trút xả nguồn cảm xúc bực bội, tức giận từ ông chủ qua người gây chuyện (biến dạng).
Quả thật, đây là những sự việc xẩy ra trong chúng ta mỗi một ngày, chỉ cần quan sát và nhìn sâu, chúng ta đều có thể nhận thấy rất dễ dàng. Nhưng qua cách diễn giải của Freud thì lại cực kỳ khó hiểu chú nhỉ. Hoàng Trang nói.
Ông chú nhìn Hoàng Trang và Diệu Hiền, nói:
Nếu không nhờ có sự diễn giải khó hiểu của Freud thì hai bạn ngồi đây sẽ phải đổi nghề. Lúc đó, tôi lại có hai đối thủ phải cạnh tranh.
Cả ba chú cháu cùng cười to khi đèn đường trong công viên đã tỏ.