album-art

00:00

TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

Bạn Thân Mến,

Nếu chủ đề lần trước chúng tôi chia xẻ với bạn về những chữ “đang”, “mặc dù”, “Nhưng” và “Và” để ứng dụng trong việc chuyển đổi từ cảm xúc xấu thành tốt, thì chủ đề lần này chúng tôi sẽ chia xẻ với bạn về 5 chữ “Đồng Ý, Vấn Đề và Nhưng” trong việc ứng xử trong giao tiếp để tránh gây ra sự bất hòa, mà vẫn đạt được mục đích mà chúng ta muốn người kia chấp nhận thông tin của chúng ta, mà không có sự phản đối.

Dĩ nhiên, bạn có thể dùng phương pháp này để giải quyết những cảm xúc/giác của bạn. Việc bạn ứng dụng như thế nào thì tùy theo bạn muốn sử dụng Tuệ Giác của bạn ra sao, chúng tôi không có ý kiến, vì ai trong chúng ta cũng có quyền lựa chọn, và khi lựa chọn điều gì thì chúng ta cũng nên chịu trách nhiệm với những gì chúng ta đã lựa chọn.

Nếu bạn thấy phương pháp của chúng tôi không đúng với bạn, và bạn có những cách hay hơn, chúng tôi cũng mong bạn hãy chia xẻ cho chúng tôi được học hỏi.

Đời người thì qúa ngắn ngủi, mà kiến thức thì vô cùng. Không ai trong chúng ta có thể tự cho mình là biết tất cả. Chúng ta chỉ có thể giúp được nhau, bằng cách, mỗi người học một ít, rồi thực hành cho có kết quả, rồi đem kết quả đó, chia xẻ lại với người khác.

Như vậy, chúng ta giúp nhau khỏi phải học từ đầu. Vừa đỡ tốn thời gian, mà lại có thể tiếp xúc được với đúng sự thật. Nếu chúng ta chỉ học mà không có hành thì những cái học đó trở thành vô ích, vì chúng ta chẳng đóng góp được gì cho mọi người.

Giá trị cuộc sống của con người được đánh giá trên sự đóng góp vào tư tưởng chung của nhân loại. Và trong tất cả tư tưởng vĩ đại của nhân loại hôm nay, đều nhấn mạnh đến những chữ như: An Vui, Hạnh Phúc. Đó chính là mong cầu khao khát nhất của đời người, ngay từ lúc họ mới sinh ra cho đến ngày nhắm mắt.

Cho nên, những chia xẻ của chúng tôi với bạn không phải là để “phô trương kiến thức” mà là những sự trải nghiệm của chúng tôi giúp cho bạn có những góc nhìn mới.

Khẳng định là, những gì chúng tôi trải nghiệm, chỉ đúng với chúng tôi, chứ không đúng với bạn. Những điều này chỉ đúng với bạn, khi bạn trải nghiệm qua và đó là kết quả của chính bạn.

Còn nếu bạn chưa trải qua, mà bạn cho là không đúng, và không thích hợp với bạn, đó cũng là quyền tự do của bạn. Trên thực tế, từ lý thuyết đến thực hành, thì không phải chỉ cách nhau có một dặm, mà đến cả ngàn dặm. Vì sao?

Vì trên lý thuyết, không bao giờ có diễn tả đến những tác động của môi trường, hoàn cảnh, góc độ nhìn, định nghĩa của mỗi người khác nhau,v.v. Cho nên, khi học xong lý thuyết, mà đem qua thực hành, là cả một vấn đề, vì những điều kiện mà lý thuyết không có, lại là những điều kiện quyết định cho lý thuyết kia, là ảo hay thực.

Vì vậy, chúng tôi sẽ không đề cập đến lý thuyết nhiều trong những sự chia xẻ của chúng tôi, vì chúng tôi cảm thấy không cần thiết. Nếu bạn chỉ thích về lý thuyết, chắc chắn những gì chúng tôi chia xẻ với bạn qua ứng dụng sẽ không như ý bạn muốn.

Trở về chủ đề 5 chữ “Vấn đề, Đồng Ý và Nhưng”, làm sao chúng ta có thể sử dụng 5 chữ này một cách diệu dụng, hay có thể nói là thuyết phục người khác một cách khôn khéo nhất.

Đúng ra, phương pháp này, chúng tôi áp dụng trong nghành tiếp thị, nhưng càng sử dụng, chúng tôi thấy, có thể áp dụng trong tất cả mọi môi trường, hoàn cảnh và con người.

Công thức trong cách dùng này, bắt đầu bằng hai chữ “Đồng Ý”, sau đó, đến chữ “Vấn Đề”, và cuối cùng là chữ “Nhưng”.

Thí dụ: Tôi đồng ý với anh vấn đề mà anh vừa đề cập đến, rất hay về lý thuyết, nhưng trên thực tế, chúng ta nên ứng dụng trong đời sống hàng ngày sẽ hay hơn.

Trong câu thí dụ này, chúng ta dùng hai từ đồng ý trước, tại sao?

Đơn giản, vì ai trong chúng ta, khi đã tin vào điều gì thì chúng ta sẽ “trung thành” với niềm tin đó. Cho nên, khi nói ra một điều gì, chúng ta luôn tin rằng, người kia sẽ tin giống chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta nói ra mà bị phản đối, hay không chấp nhận, thì Ngã Thức của chúng ta sẽ lập tức phản ứng bằng những nguồn năng lượng tiêu cực như: bực tức, nóng giận, v.v.

Chính vì vậy, việc đầu tiên chúng ta phải làm là, đồng ý với góc độ nhìn của họ trước khi chúng ta đưa ra góc độ nhìn của chúng ta. Khi chúng ta nói đồng ý với họ, có nghĩa là, chúng ta đã biết cách “né tránh” khơi dậy những nguồn năng lượng tiêu cực trong họ.

Chúng ta đã biết, khi mà nguồn năng lượng tiêu cực đã chiếm cứ Ngã Thức thì nguồn năng lượng đó sẽ khống chế Ý Thức, và ra lệnh cho Ý Thức dùng sự phân tích để “phản pháo” lại chúng ta.

Có đôi khi, trong Ý Thức, khi phân tích, so sánh thấy được những phản ứng của những nguồn năng lượng tiêu cực đang chiếm cứ Ngã Thức là sai. Nhưng Ý Thức vẫn không thể không làm theo những gì mà nguồn năng lượng tiêu cực đó đang điều khiển.

Những trường hợp này, chúng ta gọi là ngụy biện, hay cãi chày cãi cối, nghĩa là, dù Ý Thức qua phân tích, biết chúng ta làm sai, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận là chúng ta sai.

Vì vậy, hai chữ “Đồng Ý” được dùng ngay đầu câu là việc cần thiết và vô cùng quan trọng, vì hai chữ này, được dùng như cách “điểm huyệt” Ngã Thức của đối phương, trước khi chúng ta đưa ra những ý kiến hay quan điểm của chúng ta.

Có một điểm lợi nữa là, khi chúng ta đã đồng ý với người ta trước, thì phần lớn, khi chúng ta đưa ra ý kiến của chúng ta, người kia vì “đáp lễ”, nên dễ thường “đồng ý” ngược lại.

Dĩ nhiên, đây chỉ là tương đối, có khi được, khi không, cho nên, phần này, chúng ta gọi là “extra” có nghĩa là thêm vào, hay phụ vào, chứ không phải là phần chính. Cũng có nghĩa là, không có cũng không thành vấn đề.

Tiếp đến là hai chữ “Vấn Đề”. Hai chữ ở đây mang tính cách bao gồm tất cả những chủ đề.

Thí dụ, nếu đề tài họ đang nói về tình yêu thì chúng ta thay chữ “vấn đề” bằng “tình yêu”: Tôi đồng ý với quan điểm về “tình yêu” của anh gần như hoàn toàn, nhưng nếu chúng ta nhìn trên góc độ này, và hành xử trên góc độ này thì tình yêu sẽ đẹp hơn.

Sau chữ “Vấn Đề”, chúng ta mới bắt đầu dùng chữ “Nhưng” để đưa ra những góc nhìn, nhân sinh quan, hay những cảm nhận của chúng ta.

Áp dụng phương pháp này, sẽ giúp cho chúng ta luôn nắm được thế chủ động trong bất cứ một cuộc nói chuyện nào, mà vẫn không khiến “cho ai đó” mất mặt.

Chúng ta không những học cách tôn trọng đối tượng, mà chúng ta còn học được cách làm chủ cảm xúc của chúng ta. Chúng ta sẽ không bị “dắt mũi” trong thế bị động và “nổi xung thiên” khi đối tượng của chúng ta đang trong thế chủ động.

Dĩ nhiên, bạn có thể ứng dụng tùy theo môi trường và hoàn cảnh, cũng như Tuệ Giác của bạn nhanh nhậy như thế nào. Sau đây là vài câu mẫu để bạn tham khảo:

Tôi đồng ý với anh về những đề nghị “hợp tác” mà anh vừa đề ra, có nhiều điểm chúng ta có thể phát triển, nhưng nếu chúng ta thêm vào những điều khoản sau đây thì không những đôi bên chúng ta đều có lợi, mà sự hợp tác của chúng ta, còn có thể phát triển lâu dài. Tôi nghĩ anh sẽ “đồng ý” với tôi như tôi đã “đồng ý” với anh.

Trong câu này, chúng ta có thể dùng hai chữ “đồng ý” nhiều lần, để “nhắc nhở” người kia nên “đáp lễ” lại cho chúng ta.

Tôi đồng ý với chị về vấn đề kinh doanh tiệm phở thì chúng ta nên có sự tự tin về khả năng nấu nướng, chiều khách, và tìm được những nhân công có lòng với cửa tiệm, nhưng nếu chúng ta có thêm những kiến thức và kinh nghiệm về điều hành, quản lý, nhân sự, tiếp thị, kế toán. hỗ trợ thì cửa tiệm kinh doanh của chị sẽ được phát triển lâu dài và bền vững.

Tôi đồng ý với ông là sản phẩm của chúng tôi so với các cửa hàng khác có mắc hơn, nhưng vấn đề ở đây không phải là giá cả, mà vấn đề ở đây là ông sẽ có những lợi ích gì khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi, nếu đem so với các cửa hàng khác.

Trong khi, ông chỉ tiết kiệm được một số tiền nhỏ vì họ bớt thời gian bảo hành xuống 6 tháng, còn của chúng tôi lại đến 2 năm.

Hãy tưởng tượng, lỡ khi ông sử dụng qua sáu tháng vì sản phẩm bị hư thì ông phải tốn tiền sửa, hay mua cái mới. Đó cũng là chuyện nhỏ.

Chuyện lớn là, ông sẽ rất bực bội và khó chịu; mà ai trong chúng ta, cũng muốn sống an vui, nếu đem so giá cả chênh lệch với sự an tâm, khi mua sản phẩm của chúng tôi, với bảo hành 2 năm, thì sự an tâm của ông mới là cái giá mà công ty chúng tôi muốn hướng đến.

Những câu kế tiếp, chúng tôi xin dành lại cho bạn, và nếu khi bạn áp dụng có kết quả, xin hãy chia xẻ lại với chúng tôi để chúng tôi có thể học hỏi.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept