album-art

00:00

TẢI MP3 – HOÀNG DUNG

TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

 

Chiều nay, cả ba, Diệu Hiền, Hoàng Trang, và Nhật Minh cùng đến thăm ông chú. Diệu Hiền cũng như mọi khi, xà xuống ngồi bên cạnh ông chú, còn Hoàng Trang và Nhật Minh ngồi đối diện.

Vừa ngồi xuống Diệu Hiền đã lên tiếng:

Chú ơi, chiều qua, cháu có nghe chú chia xẻ về sự ảnh hưởng của định nghĩa với mỗi cá thể. Chiều nay, chú có thể chia xẻ góc độ quan sát và nhìn sâu của chú về định nghĩa không chú.

Ông chú quay sang nhìn Diệu Hiền, rồi nói:

Bạn có mang theo giấy và bút không?

Dạ có. Cháu lúc nào cũng có cuốn sổ nhỏ mang theo, chú cần giấy bút để làm gì?

Bạn hãy xé ra 3 tờ giấy, rồi chia ra cho mỗi người một tờ, sau đó, các bạn viết định nghĩa, tình yêu là gì? Ông chú nói.

Hoàng Trang cười thích thú, nói:

Vậy để xem hôm nay, hai anh chị “định yêu” như thế nào nhé.

Diệu Hiền lườm yêu Hoàng Trang, cười nói:

Thì yêu.. yêu… yêu…

Mọi người cùng cười trước sự vui đùa của hai cô gái…

Trong khi, chờ đợi ba người bạn viết định nghĩa, ông chú hướng mắt về những đóa hoa đang nở bên đường.

Đợi ba người viết xong, ông chú nói:

Này bạn Diệu Hiền, bạn hãy chia xẻ cho mọi người biết, định nghĩa về tình yêu của bạn như thế nào, được không?

Định nghĩa về yêu của cháu là sự cảm thông, nhẫn nhịn và tha thứ.

Còn bạn Nhật Minh, ông chú hỏi.

Dạ, theo cháu, yêu là phải có hiểu biết, cảm thông, và tha thứ.

Vậy còn bạn Hoàng Trang thì sao?

Dạ, với cháu, yêu là quan tâm, chăm sóc, chia xẻ, và thủy chung.

Qua ba định nghĩa của ba bạn, các bạn nghĩ như thế nào?

Thật không tưởng tượng được chú ạ. Từ xưa tới giờ, cháu cứ nghĩ, ai cũng định nghĩa tình yêu như cháu hết. Diệu Hiền nói.

Cháu cũng nghĩ như bạn Diệu Hiền, định nghĩa tình yêu sẽ giống như cháu nghĩ. Nếu không có sự kiểm nghiệm của chú chiều nay thì cháu cũng không biết được tình yêu lại có nhiều định nghĩa đến như vậy. Hoàng Trang tiếp lời.

Vậy thưa chú, theo như chú thì định nghĩa đúng của tình yêu là gì? Nhật Minh hỏi.

Vốn dĩ, định nghĩa của tình yêu không có đúng hay sai, vì ai trong chúng ta cũng có quyền diễn dịch định nghĩa tình yêu theo Ngã Thức của mình muốn. Nhưng nếu bắt buộc phải dùng đến đúng hay sai thì chúng ta phải dựa vào cái quả từ định nghĩa của tình yêu mang lại, là khổ đau hay an lạc để quyết định.

Giả dụ như, nếu chúng ta muốn cái kết quả là hạnh phúc, an lạc mà chúng ta lại có cái hậu quả là khổ đau, buồn phiền, oán giận, thì cái hậu quả đó, chúng ta tạm gọi là sai, còn nếu ra đúng kết quả thì là đúng.

Đó là đứng trên góc độ đúng hay sai, theo lý thuyết. Nhưng nếu đứng trên góc độ ứng dụng thì lại khác, vì có thêm một yếu tố nữa quyết định. Đó chính là sự Chấp Nhận.

Thí dụ: khi chúng ta yêu và có hậu quả là sự khổ đau và phiền muộn, và chúng ta biết chấp nhận, đó không phải lỗi do người kia, mà lỗi do chính mình, đã diễn dịch định nghĩa tình yêu khác với định nghĩa của người kia, và chính mình là người chọn người kia, thì lúc đó, chúng ta mới có thể chuyển hóa sự khổ đau phiền muộn kia thành hạnh phúc và an lạc được.

Nhưng thưa chú, tại sao lại phải nhận lỗi về mình mà không phải là lỗi của cả hai, chứ chú? Hoàng Trang hỏi.

Này bạn, khi bạn yêu một người, có bao giờ bạn đi hỏi định nghĩa tình yêu của họ là gì không? Nếu bạn không hỏi, rồi bạn tự phỏng đoán, và tưởng tượng định nghĩa tình yêu của họ giống bạn, nên bạn yêu người đó. Rồi khi bạn có thời gian sinh hoạt với người đó nhiều hơn, bạn phát hiện ra, định nghĩa tình yêu của họ không giống như bạn phỏng đoán. Cho nên, bạn cảm thấy khó chịu, bất an, và bực tức.

Như vậy, nếu đứng trên góc độ về lỗi thì bạn có lỗi hay không có lỗi?

Thưa chú, dĩ nhiên là cháu có lỗi rồi, vì cháu đã không hỏi họ và dùng phỏng đoán của cháu, nên đó là lỗi của cháu, không có gì phải bàn cãi.

Vậy khi bạn có lỗi thì bạn làm gì để hết lỗi?

Dạ, cháu phải chấp nhận cháu có lỗi, và đi sửa sai cái lỗi đó để lần sau không tái phạm. Nhưng, thưa chú, theo cháu thì người kia cũng có lỗi giống như cháu, họ cũng phỏng đoán thôi.

Bạn hình như không để ý đến câu hỏi của tôi, có phải không? Tôi đang hỏi bạn là bạn có lỗi hay không? Chứ tôi không hỏi người kia có lỗi hay không?

Và bạn cũng đồng ý với tôi, bạn chấp nhận bạn có lỗi, và bạn cũng đồng ý rằng, chỉ khi bạn chấp nhận bạn có lỗi, bạn mới chịu sửa sai cái lỗi đó để không tái phạm lần sau.

Đó mới là vấn đề chính mà bạn cần phải làm để giải quyết sự khổ đau, phiền não của chính bạn, có đúng vậy không?

Dạ, thưa chú đúng.

Vậy tôi hỏi thêm bạn, nếu bạn biết người kia có lỗi thì có lợi ích gì cho bạ, trong việc bạn chấp nhận, đó là lỗi của bạn không?

Rõ ràng là không, đúng không, trừ khi, bạn muốn viện lý do là: người kia cũng có lỗi mà lỗi của họ nhiều hơn, nên tôi nhẹ hơn; vì vậy, tuy tôi có lỗi nhưng không cần sửa mà người kia mới là người phải sửa. Hay, tuy rằng lỗi của tôi nhiều hơn người kia một chút nhưng họ phải sửa thì tôi mới sửa, như vậy mới công bằng.

Bạn là một chuyên gia về Tâm Lý, chắc bạn cũng biết, đây chính là những lý lẽ ngụy biện của Ngã Thức để không chấp nhận đó là lỗi của mình.

Khi chúng ta không chấp nhận và còn đi tìm bất cứ một lý do để biện minh lỗi nhiều hay ít thuộc về ai thì không bao giờ chúng ta có thể sửa sai được.

Hai bạn Diệu Hiền và Hoàng Trang là các chuyên gia về Tâm Lý, chắc hai bạn đã nghe qua câu chuyện này.

Có một người đang sống yên lành trong nhà. Có một người đến gõ cửa. Người chủ nhà không biết người gõ cửa là ai, nhưng đã mở cửa cho người đó vào. Ai ngờ, người gõ cửa là tên cướp. Khi vào trong nhà đã đánh người chủ nhà một trận và cướp hết tiền bạc và nữ trang. Câu hỏi được đặt ra, nếu chỉ có một người có lỗi thì ai là người có lỗi, chủ nhà hay tên cướp?

Thật ngạc nhiên, khi tôi đem câu chuyện này hỏi cả trăm người thì có đến 98 người cho rằng, lỗi là tên cướp. Vì họ cho rằng, người chủ nhà không có lỗi gì cả mà tên cướp mới là kẻ có lỗi.

Ở đây, chúng ta không đặt trọng tâm vào ai đúng, ai sai, mà trọng tâm là, chúng ta sẽ học được bài học gì từ câu chuyện này.

Nếu bạn là người chủ nhà, và bạn tin là bạn không có lỗi, thì bạn lại tiếp tục mở cửa cho những người lạ khác, và vẫn không hỏi người đó là ai, thì bạn sẽ bị cướp, bị đánh đập, bị mất tiền bạc, suốt đời.

Nếu bạn là người chủ nhà, và bạn chấp nhận đây chính là những lỗi do sự bất cẩn của bạn. Bạn phải hỏi và tìm hiểu thật kỹ càng người kia, và khi đã biết rõ về họ rồi thì bạn mới mở cửa. Như vậy, bạn sẽ tránh gặp phải những tên cướp trong tương lai.

Tình yêu của mỗi người chúng ta cũng như câu chuyện trên, chúng ta như người chủ nhà đang sống yên ổn trong căn nhà của mình. Đột nhiên, có người đến gõ cửa trái tim của chúng ta, chúng ta mở cửa con tim ra đón họ vào mà không hỏi định nghĩa tình yêu của họ là gì. Rồi khi họ vào trong tim của chúng ta, họ tàn phá, hành hạ, cướp bóc, làm cho chúng ta đau khổ.

Nếu chúng ta cứ khăng khăng cho rằng, chúng ta chỉ là nạn nhân như người chủ nhà, và người mà chúng ta yêu là kẻ cướp, và chỉ có kẻ cướp có lỗi còn chúng ta thì không, thì suốt cuộc đời này chúng ta sẽ luôn bị cướp, luôn bị tàn phá, luôn bị khổ đau.

Còn nếu như chúng ta, hay người chủ nhà, biết chấp nhận đó là lỗi của mình, biết hỏi định nghĩa tình yêu trước khi yêu, biết tìm hiểu cặn kẽ người gõ cửa trước khi mở cửa, và khi sai, chịu sửa sai, thì chúng ta sẽ có được sự an lành và hạnh phúc, tránh những tai họa về sau.

Rõ ràng, khi chúng ta đã biết chấp nhận lỗi của mình rồi thì chuyện kẻ cướp có lỗi hay không đâu còn quan trọng. Kẻ cướp có lỗi thì sẽ bị xã hội trừng phạt, người yêu của chúng ta có lỗi thì sự khổ đau và phiền não của họ chính là sự trừng phạt của họ.

Cho nên lôi họ vào, và cho họ là nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta là không chính xác. Nguyên nhân gây ra sự khổ đau của chúng ta trong tình yêu là sự phỏng đoán rằng: người kia cũng có chung định nghĩa tình yêu giống mình.

Ai trong chúng ta cũng có quyền chọn lựa. Khi chúng ta không kỹ lưỡng trong việc chọn lựa thì chúng ta phải chịu trách nhiệm với sự chọn lựa của mình.

Tình yêu ngày nay đã trở thành một trong những vấn nạn nghiêm trọng, vì đã gây ra sự khổ đau, phẫn hận vô cùng to lớn cho con người. Nguyên nhân gây ra sự khổ đau, hận thù của con người, bắt đầu từ định nghĩa về yêu của mỗi người được diễn dịch theo ý của mỗi cá nhân.

Khi hai người yêu nhau, họ đều nghĩ (phỏng đoán) rằng, người kia có cùng định nghĩa với mình. Nên khi gặp nhau, họ có thể nói, anh yêu em, em yêu anh, nhưng chưa bao giờ, họ lại đi hỏi, định nghĩa tình yêu của người kia là gì?

Chú phân tích thật vô cùng chí lý và cháu rất tâm đắc với câu chuyện về người chủ nhà, vậy tình yêu có khác với tình thương không chú. Hoàng Trang hỏi.

Khác chứ, vậy ba bạn, hãy viết xuống, định nghĩa tình thương là gì?

Cả ba người bạn trẻ cắm cúi viết câu trả lời, trong khi ông chú lại hướng mắt về những đóa hoa.

Lần này thì Hoàng Trang lên tiếng trước.

Thưa chú, tình thương là sự quan tâm, chia xẻ và giúp đỡ người khác.

Còn bạn Nhật Minh, thì sao?

Dạ, tình thương là sự cho đi, nhưng không cần nhận lại.

Còn cháu, tình thương là cảm thông sâu sắc, làm vơi đi nỗi khổ của người khác. Diệu Hiền nói.

Này ba bạn trẻ, trong ngôn ngữ của tiếng Việt, ngoài tình yêu, chúng ta còn có thêm danh từ, là tình thương. Không ít người trong chúng ta đã có sự lầm lẫn giữa yêu là thương và thương là yêu.

Theo Tâm Lý học, định nghĩa tình yêu là tần số rung động của một nguồn năng lượng từ một chủ thể khi tiếp xúc với một đối tượng.

Nhưng trong Tâm Lý học của phương Tây lại không có định nghĩa cho tình thương. Vì vậy, chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ Việt để tìm hiểu về tình thương và tình yêu khác nhau như thế nào?

Chú ơi, Trước khi chú phân tích về sự khác biệt giữa yêu thương, cháu có thắc mắc, vậy định nghĩa về tình yêu và tình thương của chú như thế nào? Diệu Hiền hỏi.

Theo tôi, tình yêu là đem hạnh phúc và an vui hiến tặng cho một người, và tình thương là đem hạnh phúc và an vui hiến tặng cho nhiều người.

A, định nghĩa của chú về tình yêu và tình thương nghe hay, và hợp lý quá há, chú có thể chia xẻ lý do, tại sao, chú lại có định nghĩa về tình yêu và tình thương như vậy không? Hoàng Trang hỏi.

Vì hai định nghĩa này được dựa trên góc độ Cho và Nhận trong tâm lý của con người.

Cháu vẫn chưa hiểu lắm, xin chú giải thích thêm. Hoàng Trang, nói.

Này bạn trẻ, đứng trên góc độ tâm lý của con người, Cho và Nhận là hai điều kiện luôn luôn phải có sự quân bình. Khi cán cân Cho và Nhận bị thiên lệch về một phía thì nơi đó sẽ sinh ra sự xung đột.

Thí dụ: Định nghĩa của tôi, Tình Yêu là đem hạnh phúc và an vui hiến tặng cho một người. Dĩ nhiên, đây chỉ là sự diễn dịch về tình yêu, vì ai trong chúng ta cũng có quyền này. Nhưng sự diễn dịch này dựa trên một sự xác định rất rõ ràng cho mục đích của tôi là phải sống có hạnh phúc và an vui trong cuộc đời.

Bởi vì, nếu tôi không sống có hạnh phúc, an vui, mà chỉ là khổ đau, oán trách, thì tôi chỉ có khổ đau, oán trách để hiến tặng cho người đó, và cuối cùng, khi người đó Nhận, họ cũng chỉ có thể Cho lại tôi những sự khổ đau, oán trách mà thôi.

Cho nên, khi dựa trên sự Cho và Nhận, tôi đã diễn dịch định nghĩa của tôi như một lời nhắc nhở, cũng như xác định mình phải sống ra sao, và mình muốn gì, để khi yêu một người, mình hiến tặng cho họ thì khi họ Nhận, họ sẽ Cho lại mình những gì.

Tình thương cũng như vậy, nhưng tình thương thì khác với tình yêu trong qúa trình Cho và Nhận.

Trong tình yêu, sự Cho và Nhận rất dễ xẩy ra sự mất cân bằng, vì chỉ có hai người. Nếu một bên, chỉ có Cho ra mà không Nhận lại, hay một bên chỉ biết Nhận vào mà lại không Cho ra, thì cán cân Cho và Nhận bị lệch ngay lập tức.

Nhưng trong tình thương, vì chúng ta cho nhiều người và chỉ cần, một trong những người đó, Nhận và Cho lại chúng ta, thì cán cân Cho và Nhận gần như ở trạng thái quân bình. Chính vì, luôn ở trong trạng thái gần quân bình, không bị lệch, nên tình thương thường có thể kéo dài, và bền bỉ hơn. Ngược lại, tình yêu vì dễ rơi vào chênh lệch, nên thường tạo ra sự xung đột và dễ dàng tan vỡ.

Thí dụ: bạn có một đồng và đem cho một người, khi người đó nhận xong, không nói với bạn tiếng cám ơn nào. Một lần thì không sao nhưng nếu xẩy ra nhiều lần thì cán cân cho và nhận trong bạn sẽ bị chênh lệch về một phía, và khi bị chênh lệch thì bạn sẽ so đo, tính toán, sẽ sinh ra bực tức.

Và để giải quyết sự bực tức của bạn thì bạn không cho nữa. Khi bạn dừng cho thì bạn tạo cho người nhận cảm giác thiếu thốn, vì họ đã quen nhận. Khi bị thiếu thốn thì họ sinh ra tức tối, bực bội, và họ lại đem sự bực bội, tức tối, cho ngược lại bạn.

Nếu chúng ta quan sát kỹ trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều thấy, những sự đổ vỡ này xẩy ra mỗi ngày trước mắt chúng ta. Chúng ta cũng đã nghe rất nhiều than phiền về sự Cho và Nhận không đều giữa hai phía. Và những sự khổ đau, oán thù, trách móc, giận hờn, liên tục được gia tăng giữa các cặp đang yêu nhau. Và khốn khổ hơn, khi họ đã kết hôn thì sự xung đột lại càng trở nên mãnh liệt và tàn khốc hơn.

Cũng với một đồng, nhưng bạn lại đổi ra thành 10 xu, và cho 10 người. Chỉ cần một trong những người nhận nói tiếng cám ơn (cho lại bạn), thì cán cân Cho và Nhận của bạn đã quân bình.

Vì thế, nhiều người cho rằng: tình thương là sự rộng lượng, và tình yêu là sự ích kỷ là vậy. Vì tình thương thì cho nhiều người, và tình yêu thì chỉ cho một người.

Giời ạ, thì ra định nghĩa lại quan trọng đến như vậy, nhất là khi diễn dịch lại thật là nguy hiểm, nếu như chúng ta không biết ứng dụng cái cân Cho và Nhận.

Chú không có đăng ký bản quyền về định nghĩa tình yêu và tình thương của chú phải không? Vậy định nghĩa của tình thương và tình yêu của chú, bây giờ thành của cháu nghe chú.

Nghe Diệu Hiền nói đùa, mọi người cùng cười vang.

Chú ơi, định nghĩa tình yêu và tình thương thì như vậy, còn việc ứng dụng thì sao chú. Hoàng Trang hỏi.

Như lúc nẫy, tôi có gợi ý về có nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn không phân biệt được tình yêu và tình thương, nên hay thường lẫn lộn. Cho nên, chúng ta cũng nên nói sơ vài nét về điều này trước khi nói đến ứng dụng.

Có một cô gái, rất đau khổ, vì cô luôn yêu hai người cùng một lúc. Cô không biết chọn ai? vì cả hai, mỗi người đều có những nét riêng mà cô ưa thích, và tình trạng này đã kéo dài hơn ba năm.

Rõ ràng, ở đây, nếu chúng ta dựa trên định nghĩa ở trên về tình yêu và tình thương, chúng ta có thể nói, cô gái này chỉ có tình thương (từ hai người trở lên) chứ không có tình yêu (chỉ có một người). Nhưng vì sự diễn dịch định nghĩa của cô, có thể là, yêu hết những ai yêu mình, hay yêu là sự dự trữ, đến khi cần, có thể sử dụng, v.v.

Cho nên, cô không thể nào giải quyết được vấn đề đau khổ này, trừ khi, cô phải thay đổi lại định nghĩa của cô.

Trở lại về sự ứng dụng tình yêu và tình thương trong cuộc sống.

Dĩ nhiên, đây là một đề tài rộng, nên chúng ta sẽ chỉ quan sát về tình yêu và tình thương khi đã kết hôn.

Khi tình yêu của đôi lứa đã chín mùi và cả hai đã quyết định về sống chung một mái nhà thì sự kết hôn là chuyện sớm muộn.

Đứng trên góc độ về tâm lý, khi cả hai đã đồng ý kết hôn thì cũng là lúc cả hai định nghĩa về Yêu và Thương giữa hai người được lộ ra rõ nhất. Vì sao?

Vì họ nghĩ rằng, đã chiếm hữu được nhau rồi, nên họ sẽ không cần “mầu mè” mà họ sẽ sống đúng theo định nghĩa về tình yêu và tình thương của họ.

Thí dụ: người vợ định nghĩa tình yêu là chăm sóc, tận tụy, chiều chuộng, nâng niu; và định nghĩa tình yêu của người chồng là, chu toàn tài chánh cho gia đình.

Vì hai định nghĩa về tình yêu khác nhau, cho nên, người chồng, vì định nghĩa của mình sẽ dồn tất cả thời gian để kiếm tiền đem về cho vợ. Người vợ, lúc đầu có thể vui, vì định nghĩa chăm sóc của cô là, có nhiều tiền đem về nhà.

Nhưng chỉ trong một thời gian thì ngoài sự chăm sóc ra, người vợ lại còn có sự chiều chuộng, và nâng niu, chưa được thỏa mãn; và người chồng thì qúa bận rộn kiếm tiền, nên không có thể nâng niu, chiều chuộng người vợ như hồi đang yêu.

Với người chồng, tình yêu là phải kiếm nhiều tiền, chu toàn tài chánh cho gia đình; và ngày nào, người chồng còn kiếm được nhiều tiền đưa về cho vợ, là đang yêu vợ.

Người chồng thì cứ tận tụy kiếm tiền, người vợ thì càng ngày càng thiếu sự nâng niu, chiều chuộng của chồng, đồng nghĩa với việc, chồng không còn yêu mình nữa, nên đem tất cả số tiền người chồng cực khổ kiếm về, tiêu xài một cách hoang phí.

Người chồng khi thấy vợ tiêu xài phí phạm khiến tài chánh của gia đình rơi vào chỗ thiếu hụt; lại càng cố gắng và dành nhiều thời gian hơn để kiếm tiền. Người vợ, khi người chồng kiếm ra tiền, lại tiêu xài hoang phí.

Khi khả năng kiếm tiền của người chồng đã đến ngưỡng không thể vượt, và tài chánh gia đình bị túng thiếu thì sự xung đột giữa người chồng và người vợ bùng nổ, và cuối cùng đi đến ly hôn.

Sau khi ly hôn, người vợ buồn phiền oán trách người chồng đã không còn yêu mình nữa; còn người chồng, buồn phiền người vợ, vì đã khiến cho người chồng cưu mang thêm nợ nần.

Đây chính là hậu quả mà hai định nghĩa về yêu khác nhau giữa người vợ và người chồng, mà chúng ta có thể nhìn thấy; và cũng còn có biết bao nhiêu những hoàn cảnh tương tự khác đang xẩy ra mỗi ngày.

Như vậy, nếu muốn ứng dụng tình yêu và tình thương vào cặp đôi này, thì sau khi kết hôn, cả hai người cùng phải ngồi xuống và nói cho nhau nghe về định nghĩa tình yêu của mình là gì?

Dĩ nhiên, cả hai phải biết rằng, mỗi người, ai cũng đều có quyền được định nghĩa tình yêu theo ý mình, và quyền đó luôn luôn phải được tôn trọng. Không ai có quyền lấy định nghĩa của mình mà bắt ép người kia phải tuân theo đúng 100% như định nghĩa của mình.

Đúng ra, việc này nên làm lúc mới quen nhau mới chính xác. Bởi vì lúc đó, chúng ta có toàn quyền để lựa người nào có cùng định nghĩa giống như mình.

Còn ở đây, tuy hơi trễ, nhưng vẫn có thể dùng cách tìm hiểu định nghĩa tình yêu của nhau để đem đến hạnh phúc cho nhau.

Sau khi, cả hai đã trình bầy định nghĩa của mình thì hai vợ chồng mới cùng nhau đi tìm một định nghĩa về tình yêu chung cho hai người.

Định nghĩa chung này, phải có sự đồng thuận, vui vẻ, tự nguyện, chấp nhận, bằng cách, cả hai cùng chịu thay đổi định nghĩa cũ của mình. Nếu như vẫn còn thắc mắc, ấm ức, chưa vừa lòng thì vẫn phải tiếp tục “đàm phán”; cho đến khi, cả hai không còn bất cứ sự khác biệt nào. Sau đó, cả hai sẽ dựa vào định nghĩa mới này để thể hiện tình yêu trong đời sống hàng ngày.

Nếu cả hai thật sự yêu nhau với định nghĩa mới này thì tình yêu của họ sẽ bền vững. Cách thức này, không những giúp cho hai vợ chồng luôn yêu nhau, vì cùng nhìn về một hướng, mà còn giúp cho người chồng hay người vợ, sống chung thủy hơn, vì họ biết, muốn tìm được một người sống chung, có cùng định nghĩa về tình yêu, không phải là chuyện dễ dàng.

Đó là trong trường hợp khi hai người yêu nhau chưa có con. Nhưng khi có con thì sự ứng dụng về tình yêu và tình thương lại có sự thay đổi mà cả hai vợ chồng lại phải có thêm sự hiểu biết, điều chỉnh. Nếu không cẩn thận sẽ gây ra những hậu quả kéo dài sự đau khổ có khi đến suốt đời.

Khi chưa có con, vì chỉ có hai người, nên ở đó, tình thương chưa trở thành một vấn đề. Nhưng khi có thêm một đứa con thì thông thường người vợ sẽ đổi từ tình yêu chồng, thành tình thương chồng và con (có hai người, thay vì một người).

Vì đứa con còn nhỏ, cần sự chăm sóc của người vợ hơn người chồng, nên người vợ sẽ hơi lơ là tình thương của mình cho chồng. Nếu là người chồng có sự hiểu biết và cũng chuyển từ tình yêu vợ, qua thương vợ, thương con, thì không thành vấn đề.

Nhưng có những trường hợp, vì người chồng qúa yêu người vợ, lại không có sự hiểu biết để biến đổi tình yêu thành tình thương. Thế nên, khi thấy con của mình “chiếm mất vợ” của mình, và thấy vợ của mình lại lo cho con hơn mình, nên đã có những suy nghĩ nông cạn, cho rằng, vợ mình đã không còn yêu mình nữa mà lại yêu con mình.

Đứa con vô tình lại trở thành “tình địch” của người chồng. Từ đó, người chồng sinh ra ác cảm hay có thể nặng hơn, thù ghét đứa con. Mặc dù, đó là con ruột của người chồng và hoàn toàn vô tội.

Có nhiều trường hợp, người vợ vì không hiểu được định nghĩa tình yêu và tình thương nên đem tình yêu chồng chuyển qua yêu con, khiến cho người chồng giống như bị người vợ phụ tình, đi với kẻ khác.

Việc làm này của người vợ, khiến cho người chồng căm ghét đứa con nhiều khi đến cuối đời cũng không buông bỏ và tha thứ. Hành động này của người chồng, khiến cho gia đình tan nát và sống trong đau khổ suốt đời.

Cho nên, nếu hai người sau khi kết hôn, nên ngồi xuống và phải tìm ra được định nghĩa chung cho cả hai chữ: Yêu Thương. Và hai vợ chồng cũng phải hiểu, khi nào thì nên yêu, và lúc nào thì nên thương.

Rồi khi có con và làm cha mẹ thì phải hiểu rõ ràng về định nghĩa Yêu và Thương như thế nào là đúng cách.

Khi làm cha hay mẹ, mà trong đám con, người vợ hay người chồng chỉ cần yêu một đứa con nào đó, thì người vợ hay chồng đang gieo sầu cho tất cả các đứa con khác. Là cha mẹ, người vợ hay chồng phải luôn ý thức rằng, tất cả các đứa con, luôn cần tình thương từ cha mẹ, chứ không cần tình yêu từ cha hay mẹ.

Vì vậy, khi có hai người, thì vợ yêu chồng, và chồng yêu vợ. Nhưng khi đã có con, thì tình yêu của cả hai vợ chồng nên chuyển thành tình thương, và không nên yêu đứa con nào cả, nếu muốn có một gia đình hòa thuận, ấm êm. Vợ chồng, con cái, anh, chị, em thương nhau, giúp đỡ nhau.

Thì ra, định nghĩa tình yêu và thương lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến đời sống con người như vậy.

Cháu đồng ý với chú, chúng ta cứ nói yêu thương nhau, nhưng thật ra, chúng ta chưa biết yêu và thương như thế nào là đúng cách; yêu thương như thế nào để đem đến sự an vui và hạnh phúc cho mình và cho người.

Bài học về định nghĩa yêu thương này thật vô cùng quý giá với bản thân cháu. Cho dù, là một chuyên gia về Tâm Lý, nhưng cháu chưa bao giờ để ý đến định nghĩa của yêu thương, và sự ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, gây ra biết bao sự khổ đau, thù hận, oán ghét, không những cho cá nhân và cho cả tập thể, khi chúng ta diễn dịch định nghĩa yêu thương, không đúng cách. Cũng như, chúng ta không biết cách ứng dụng yêu và thương như thế nào mới là có lợi nhất.

Cháu rất tâm đắc với phương pháp, khi hai vợ chồng cùng ngồi xuống để cùng nhau đi tìm định nghĩa chung của Yêu và Thương, với nhận thức tôn trọng lẫn nhau mà không lấn quyền nhau.

Đây quả thật là một phương pháp rất văn minh, không những chỉ áp dụng cho định nghĩa của Yêu Thương mà còn có thể áp dụng cho tất cả những định nghĩa khác nữa.

Không phải, chỉ dành riêng cho vợ chồng, mà còn có thể áp dụng giữa bạn bè, cha mẹ, con cái, chủ thợ. Khi mà mỗi người chúng ta, ai cũng có quyền diễn dịch định nghĩa theo ý mình.

Nếu mỗi người chúng ta khi có sự bất đồng về một quan điểm nào đó, chỉ cần tìm hiểu định nghĩa của người kia và tôn trọng quyền diễn dịch của họ, không áp đặt định nghĩa của mình lên họ, thì thế gian này sẽ tránh được biết bao khổ đau, phiền não.

Qua bài học này, cháu biết, cháu sẽ giúp cho bịnh nhân của cháu rất nhiều. Cháu thật sự vô cùng biết ơn chú. Hoàng Trang nói liền một hơi.

Này… này, lúc nẫy tôi đã lấy bản quyền về định nghĩa của Yêu Thương từ chú rồi nhé. Nếu bạn muốn sử dụng, bạn phải trả tiền bản quyền suốt đời đấy bạn.

Nghe Diệu Hiền đùa, cả bốn chú cháu cùng vang, vui vẻ khiến những người đi ngang, nhìn họ với ánh mắt tò mò.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept