TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN
TẢI MP3 – TÂM TỪ
Chiều nay, chỉ có mình Nhật Minh đến thăm ông chú. Sau khi lễ phép chào ông chú, Nhật Minh ngồi xuống đối diện, rồi nói:
Thưa chú, kể từ ngày gặp chú, cháu càng ngày càng hiểu về cháu nhiều hơn. Sau những buổi nói chuyện với chú về, cháu đã quyết định, dừng lại tất cả việc sử dụng kinh nghiệm của người khác, và bắt đầu bằng sự trải nghiệm của chính mình.
Trong qúa trình tự trải nghiệm này, cháu cảm nhận được rất nhiều điều mới lạ. Chiều nay, cháu muốn đem những điều trải nghiệm mới lạ này để chia xẻ cùng chú, không biết có được không?
Dĩ nhiên là được. Tôi xin ngồi lặng yên để lắng nghe sự trải nghiệm của bạn. Ông chú nói.
Thưa chú, khi nói đến Thiền, từ xưa cho nay, từ sách vở cho đến người thực tập, đều nhấn mạnh đến 3 từ: Giới, Định, Tuệ.
Nhiều người định nghĩa rằng: Giới là Giới luật, Định là ngừng sự suy nghĩ, và Tuệ là ánh sáng; và họ đã dùng những định nghĩa này để đi tìm về Bản Thể.
Cháu cũng là một trong những người như họ. Cháu cũng đã dùng những định nghĩa đó, và đã trải qua gần 10 năm, nhưng cháu vẫn cứ loay hoay, vướng mắc.
May nhờ nói chuyện với chú, cháu mới nhận ra, khi chúng ta không biết được chính xác định nghĩa của một điều gì đó thì chúng ta sẽ dễ dàng tạo ra sự nhận thức sai lầm. Chính sự nhận thức sai lầm này, mới gây ra sự vướng mắc, ràng buộc, và tạo ra sự khổ đau cho con người.
Thế nên, cháu đã tự hỏi lại chính mình, Giới là gì? Định là gì? và Tuệ là gì? và dùng sự quan sát, phân tích và nhìn sâu để nhìn vào định nghĩa của Giới, Định, và Tuệ.
Khi quan sát và nhìn sâu vào Giới, cháu nhận ra, Giới không chỉ có nghĩa là giới hạn, hay khoanh vùng hẹp lại, mà Giới còn có nghĩa là Những Điều Kiện Cần Có và Sự Chấp Nhận để đạt được một điều gì đó.
Cũng như Định, có nghĩa là duy trì, không xao động, không thay đổi, chứ không phải là ngừng lại sự suy nghĩ. Ngừng lại sự suy nghĩ chỉ là ứng dụng của Định chứ không phải định nghĩa của Định.
Và định nghĩa của Tuệ, cũng không phải là ánh sáng mà là khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, và quan trọng nhất là Nhìn Sâu. Cũng từ sự quan sát nhìn sâu này, cháu cũng phát giác ra một sự sai lầm lớn nhất của cháu từ trước tới nay, đó là cháu nghĩ Trí cũng là Tuệ.
Cháu đồng ý rằng, muốn giải quyết bất cứ mọi vấn đề nào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng phải có đầy đủ Giới, Định, Tuệ. Đó là 3 yếu tố cốt lõi không thể thiếu được. Chỉ cần thiếu một trong ba thì sẽ rơi vào bế tắc và vướng mắc.
Nhưng nếu chúng ta sắp xếp sai lệch cách vận hành, thay vì được kết qủa thì chúng ta lại phải gánh hậu quả. Chính vì vậy, mà cuộc sống của chúng ta mang nhiều dấu ấn của khổ đau hơn An Lạc.
Bản thân cháu, khi mới bắt đầu thực tập Thiền đã bị hướng dẫn lệch lạc về định nghĩa, sai về thứ tự, về cách vận hành. Thí dụ như:
Các diễn giả dậy rằng, nếu muốn thực hành Thiền thành công, việc đầu tiên, người thực tập, cần phải giữ Giới một cách nghiêm chỉnh. Nghĩa là phải đặt ra những kỷ luật và ép mình vào khuôn khổ.
Chẳng hạn như: mỗi ngày phải dành ra một tiếng để ngồi Thiền, và khi ngồi Thiền, phải giữ lưng cho thẳng; có nơi, phải ngồi theo thế kiết già hoặc bán già; có nơi, cho phép ngồi trên gối hay ghế v.v.
Trong khoảng thời gian ngồi thiền một tiếng đó, nếu có tê chân, mỏi vai, đau lưng, cũng ráng chịu, và không nên động đậy. Bởi vì, theo nhận thức của họ, đó là phương pháp điều Thân trước khi điều Tâm. Họ quan niệm rằng, khi chúng ta có thể làm chủ được Thân, thì chúng ta sẽ có thể làm chủ được Tâm, vì Thân với Tâm là một.
Trong qúa trình giữ Giới bằng cách ngồi Thiền bắt buộc đó, người thực tập bắt đầu một qúa trình gọi là Định. Và cái Giới trong Định là phải tìm mọi cách để giữ cho Tâm Không Suy Nghĩ Gì Cả.
Nếu chẳng may, trong lúc đang tìm cách duy trì Tâm không suy nghĩ mà có một ý niệm nào đó phát sinh, người thực tập phải tìm cách đè nén nó xuống, hay tìm cách diệt nó đi.
Nếu không đủ khả năng để diệt, hay đè nén nó thì dùng hình thức “trốn chạy” như: chú tâm vào một việc khác: nghe tiếng chim, tiếng suối, tiếng nhạc êm dịu, v.v. Và họ, cho đó là cách làm hợp lý.
Rõ ràng, mục đích của việc thực tập Thiền là đi giải quyết các vấn đề Một Cách Rốt Ráo, dù vấn đề đó là vấn đề gì. Vấn đề đó có thể liên quan đến cảm tình, cảm giác, cảm thọ, cảm thân, hay đi tìm về Bản Thể, v.v.
Vậy tại sao, khi ý niệm hay cảm giác nẩy sinh trên bề mặt của ý thức, chúng ta lại không trực tiếp đi giải quyết mà lại tìm cách đè nén, tìm cách tiêu diệt; và khi không thể thì lại trốn chạy qua cách chú tâm vào việc khác.
Điều này, khi nghĩ kỹ lại, cháu thấy nó mâu thuẫn và nghịch lý qúa, phải không chú? Nhưng cũng tức cười, cháu đã tin, và đã làm theo trong một thời gian khá dài.
Không ít người, trong đó cũng có cháu, đã lý luận rằng: khi chúng ta chú tâm vào nghe tiếng chim hót hay nhạc êm dịu, v.v thì ý niệm, hay cảm giác phiền não, hay khổ đau kia sẽ không có mặt; và nếu nó không có mặt thì chúng ta đâu có khổ đau.
Từ lý luận đó, chúng ta tin rằng, nếu chúng ta cứ tiếp tục đánh lừa chính chúng ta, bằng cách trụ càng lâu trong cái mà chúng ta đang thích hướng về đó sẽ giải quyết được sự khổ đau, phiền não đến tận gốc rễ.
Hoặc trong qúa trình Thiền Định, chúng ta đặt ra một cái Giới Không Tưởng, đó là Giữ Cho Tâm Không Suy Nghĩ. Và chúng ta tin rằng, nếu làm như vậy, chúng ta sẽ chấm dứt được sự phiền não, khổ đau. Bởi vì, Tâm Chúng Ta Không Suy Nghĩ Gì Hết. Có nghĩa là, chúng ta không có khổ đau.
Sự thật đã chúng minh rất rõ ràng, cho dù, chúng ta có cố gắng giữ cho Tâm Chúng Ta Không Suy Nghĩ, hay chúng ta đè nén chúng, hay chúng ta trốn chạy theo cách chú Tâm vào một điểm khác và cố trụ trong đó càng lâu càng tốt, cuối cùng, chúng ta cũng phải trực tiếp đối diện và đương đầu với phiền não và khổ đau đang xẩy ra.
Vì sao? vì trong thực tế, sự khổ đau không phải chỉ nẩy sinh từ trong nội tâm của chúng ta, mà còn đến trùng trùng từ ngoại cảnh.
Nếu sự khổ đau đến từ trong nội tâm của chúng ta thì cách đổi hướng, hay đánh lừa suy nghĩ, có thể áp dụng. Nhưng nếu đến từ ngoại cảnh thì cách ứng dụng này gần như không có hiệu quả. Và sự thật cũng rất rõ ràng, chúng ta bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh liên tục. Không nói đâu xa, bản thân cháu chính là nạn nhân trong cách lý luận, và thực hành này.
Qua quan sát, cháu nhận thấy, khi một cảm giác phiền não hay khổ đau mới trồi lên trên bề mặt của ý thức thì sự tàn phá của nó nhẹ hơn; nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục dùng sai phương pháp, chúng ta cứ tiếp tục đè nén nó, việc làm đó, giống như, chúng ta đang ép lò xo vậy, khi nó bật dậy thì sức tàn phá của nó mạnh gấp trăm lần.
Thật tuyệt vời! Vậy còn Tuệ, định nghĩa theo cách cũ là gì, và làm sao dùng Tuệ? Ông chú hỏi.
Nếu lúc trước, mà chú hỏi câu này, cháu sẽ trả lời, nếu có thể duy trì được Cái Tâm Không Suy Nghĩ, hay chú tâm vào hơi thở thì ánh sáng của tuệ sẽ phát sinh. Khi có ánh sáng của Tuệ thì sẽ giải quyết được phiền não khổ đau.
Nhưng bây giờ thì cháu sẽ trả lời khác.
Định nghĩa của Tuệ cũng không phải là ánh sáng, mà là khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp và quan trọng nhất là Nhìn Sâu. Như lần trước chú đã nhắc nhở, chúng ta đã có sự nhầm lẫn khi xem phương tiện là cứu cánh.
Qua quan sát, cháu cũng thấy đúng như vậy. Rõ ràng, sự An Lạc chỉ có thể có, khi chúng ta biết sử dụng khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, nhìn sâu, để tìm ra cách giải quyết vấn đề liên quan đến khổ đau.
Khi vấn đề đó được giải quyết thì sự khổ đau biến mất và chúng ta có được sự An Lạc. Nếu như chúng ta cũng quan sát, phân tích, tổng hợp nhưng với cái nhìn Nông (Trí) thì sự khổ đau có thể biến mất trong một giai đoạn ngắn, rồi sau đó trở lại, và có thể sẽ mạnh mẽ hơn khiến chúng ta khổ đau dài hơn.
Hay nói một cách rõ ràng hơn, cách giải quyết của Trí là cách giải quyết mang tính tạm thời và thường mang đến hậu quả.
Ngược lại, với cách giải quyết của Tuệ, qua sự quan sát và nhìn sâu, có thể tìm được nguyên nhân đích thực gây ra sự khổ đau, và khi chấm dứt ngay tại cái nhân đó thì An sẽ có mặt.
Hay có thể nói rằng, cách giải quyết của Tuệ là cách giải quyết mang tính cách rốt ráo, và thường đem đến Kết Quả.
Qua sự trải nghiệm mới này của cháu, thì cháu lại dùng Định trước Giới, nghĩa là, khi có một ý niệm bắt đầu xuất hiện trên bề mặt của ý thức, thì trước tiên, cháu Xác Định ý niệm đó đang có mặt trên ý thức là gì, sau đó, cháu dùng Giới để tìm ra những điều kiện gì cần có để giải quyết ý niệm đó.
Chính nhờ đặt ra những điều kiện, cho nên. khi sử dụng Tuệ, cháu mới nương theo những điều kiện đó để quan sát, phân tích, tổng hợp, nhìn sâu, vào trong ý niệm.
Thí dụ, Cháu đang ngồi một mình, và cháu có cảm giác Chán. Thay vì, tìm cách trốn tránh như: tìm cách đè nén cảm giác Chán. Cháu bắt đầu xác ĐỊNH sự có mặt của cảm giác Chán, và bắt đầu đi tìm những điều kiện cần có (Giới) để giải quyết cái Chán.
Tuệ khi tiếp nhận câu hỏi của Giới như: mình cần có những điều kiện nào để giải quyết triệt để nỗi Chán này? Và bắt đầu nương theo câu hỏi từ Giới, bằng sự quan sát, hay phân tích, hay nhìn sâu v.v.
Đôi khi Tuệ chỉ dùng một phần trong khả năng, cũng có khi, lại kết hợp với nhiều khả năng, tùy thuộc vào sự nặng hay nhẹ của Chán.
Nếu Tuệ lựa chọn bằng sự quan sát, thì Tuệ sẽ chú tâm theo dõi xem Chán sẽ ảnh hưởng như thế nào, và ảnh hưởng đến phần nào trong cơ thể v.v. Hễ Chán đi tới đâu thì sự quan sát dõi theo đến đó.
Nếu đó là cơn Chán nhẹ thì dưới sự quan sát của Tuệ, cơn Chán sẽ tự tan biến, và không bao giờ trở lại. Nếu cơn Chán nặng hơn, mà sự quan sát không thể giải quyết được thì sự quan sát bắt đầu kết hợp với sự Nhìn Sâu. Khi Nhìn Sâu có mặt thì lập tức đặt câu hỏi Tại sao.
Thí dụ:
Tại sao bạn Chán?
Tôi Chán vì Tôi không có việc gì làm.
Tại sao Bạn không có gì làm?
Tôi không có gì làm, vì tôi không biết làm gì cả.
Tại sao Bạn không biết làm gì cả?
Vì tôi sống không có mục đích.
Vậy mục đích của bạn là gì?
Mục đích của tôi là sống An vui.
Vậy việc làm gì sẽ khiến bạn vui?
Đi nhậu nhẹt với bạn bè.
Nếu như khi đi nhậu nhẹt, chẳng may có cuộc ẩu đả khiến cho bạn bị tàn tật, bạn có vui không?
Không, không những không vui mà còn đau khổ nữa.
Tại sao bạn đau khổ?
Vì tôi đang lành lặn mà lại trở nên tàn tật.
Vậy, nếu cho bạn lựa chọn giữa lành lặn và tàn tật thì bạn chọn cái nào?
Dĩ nhiên là lành lặn.
Tại sao bạn lại không chọn tàn tật?
Vì khi tôi bị tàn tật, tôi sẽ tự ty mặc cảm, mà khi tôi tự ty mặc cảm thì tôi rất đau khổ.
Như vậy, nguyên nhân gây ra đau khổ cho bạn là từ sự tự ty, mà sự tự ty có trong bạn là từ sự tàn tật, và sự tàn tật thì bắt nguồn từ sự đi nhậu nhẹt. Nếu bạn không muốn sau này bạn khổ dài dài thì bạn sẽ làm sao?
Thì tôi sẽ không bao giờ đi nhậu nhẹt nữa.
Bạn có chắc không? Biết đâu sau này bạn đổi ý thì sao?
Tôi chắc chắn.
Bạn dựa trên điều gì để bạn chắc chắn?
Tôi dựa vào quyền lợi của tôi. Nếu chỉ vì một bữa nhậu nhẹt, và nếu chẳng may tai nạn xẩy ra khiến tôi bị tàn tật cả đời thì chả dại gì mà tôi đi nhậu cả.
Ngoài nhậu nhẹt ra, bạn thích làm gì nữa?
Tôi thích đọc sách.
Đọc sách có lợi gì cho bạn?
Cho tôi, mở mang kiến thức.
Vậy kiến thức nào, bạn đang thiếu mà bạn cần mở mang?
Kinh nghiệm sống…
Thưa chú, nếu cứ tiếp tục, thì không biết đến bao giờ dừng. Nhưng Cháu có thể khẳng định một điều, khi cảm giác Chán bị “cuốn” vào trong nhìn sâu bằng những câu hỏi Tại Sao thì Chán không còn là một ý niệm xấu cần phải loại trừ hay loại bỏ.
Mà cảm giác Chán đã được chuyển hóa thành một công cụ sắc bén, giúp cho cháu có thể nhìn sâu hơn vào chính mình, có thể xác định được mục đích của mình là gì. Có thể nhìn sâu để nhìn ra những hậu qủa, hệ lụy từ một việc mà mình vẫn xem như là sở thích, nhưng không biết rằng, sở thích đó lợi hại như thế nào.
Trong những khả năng của Tuệ, thì khả năng Nhìn Sâu với sự bắt đầu bằng câu hỏi Tại Sao, thật là lợi hại. Hầu như tất cả những sự khổ đau trên cuộc đời này, nếu biết Nhìn Sâu thì đều có thể giải quyết một cách triệt để mà không cần phải dùng đến sự cố gắng đè nén hay tiêu diệt.
Này người bạn trẻ, đúng vậy.
Khi chúng ta biết ứng dụng Nhìn Sâu và biết cách đặt câu hỏi Tại Sao một cách sâu sắc, thì khả năng này của Tuệ sẽ giúp chúng ta giải quyết tất cả những sự khổ đau của một kiếp người.
Nếu bạn nhìn sâu và kỹ hơn, bạn sẽ thấy, hễ là con người, dù là trẻ sơ sinh cho đến ông bà cụ sắp mãn phần, không ai trong chúng ta không đi tìm sự An Vui cả. An Vui có thể nói, đó là mục đích lâu dài nhất, không hề bị đứt đoạn của một đời người.
Dĩ nhiên, trong đời người, chúng ta có nhiều mục đích cần phải thực hiện. Nhưng cho dù mục đích đó có là gì đi chăng nữa; cho dù, chúng ta có hoàn thành bao nhiêu mục đích đi chăng nữa; thì ngay sau khi chúng ta chấp nhận đã hoàn thành mục đích đó, nếu chúng ta tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra cái cảm giác lúc đó cũng chỉ là sự thỏa mãn, An Vui.
Cho nên, cách hay nhất là chúng ta nên xác định lại mục đích của chúng ta cho rõ ràng; sau đó, chúng ta sẽ dùng Giới để duy trì mục đích đó, và sử dụng Tuệ để đi giải quyết vấn đề.
Thí dụ, An Vui là sự khao khát của con người bất kể tuổi tác. Cho dù, chúng ta có làm gì thì điều chúng ta đạt được khi thành công cũng là An Vui.
Cho nên, mục đích mà chúng ta nên xác Định chính là An Vui. Khi chúng ta có một vấn đề cần giải quyết thì chúng ta dùng Giới để xác định lại mục đích của chúng ta là gì, và vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, có thay đổi mục đích của chúng ta không? Nếu có thay đổi, chúng ta dùng giới để duy trì thời gian giải quyết vấn đề. Sau đó, dùng Tuệ đặt những câu hỏi Tại Sao để tìm ra nguyên nhân tạo ra vấn đề, kế tiếp là giải quyết vấn đề bằng những câu hỏi Làm sao, và cuối cùng, chọn thời gian thích hợp để giải quyết vấn đề.
Nếu chúng ta làm được như vậy và thực tập thành một thói quen thì chúng ta sẽ có nhiều An Lạc hơn trong cuộc sống.
Hay quá chú ơi, chú đã rút gọn lại thành một phương pháp đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hành hơn nhiều. Cám ơn Chú rất nhiều.
Tôi cũng cám ơn bạn rất nhiều.
Sao chú lại cám ơn cháu, cháu đâu có làm gì đâu?
Bạn thật khiêm tốn.
Này người bạn trẻ, bạn có biết không, chính nhờ sự nhìn sâu của bạn, mà bạn đã đưa định nghĩa của Giới, Định, Tuệ về đúng với ý nghĩa của nó.
Đây có thể được coi là một nền tảng vững chắc cho những ai muốn tự mình chuyển hóa khổ đau thành An Lạc.
Dĩ nhiên, trong quá trình đi tới Bản Thể của mỗi người, chúng ta đều có quyền lựa chọn phương tiện nào thích hợp nhất với mình, nhưng đừng bao giờ lầm tưởng: phương tiện là cứu cánh.
Tất nhiên, phương pháp Định, Giới, Tuệ của bạn có thể ứng dụng trong hành trình đi từ Bản Ngã tới Bản Thể, và sẽ giúp cho người đi tìm tới Bản Thể tránh được nhiều sai lầm trong nhận thức.
Nhưng nếu trong qúa trình đi từ Bản Thể về Bản Ngã thì sự ứng dụng sẽ vô cùng. Bạn có thể biến Định, Giới, Tuệ, thành Tuệ, Định, Giới, hay Tuệ, Giới, Định, hay Giới, Tuệ, Định v.v. tùy theo môi trường hoàn cảnh.
Tôi tin rằng, với khả năng của bạn, bạn sẽ biết cách ứng dụng này trong một tương lai rất gần.
Chú có thể cho cháu một thí dụ về cách dùng Tuệ, Định, Giới không?
Thí dụ, bạn đang đi trên đường và bạn chứng khiến một cảnh đụng xe giữa ngã tư đường do một người cố vượt đèn đỏ đụng vào một người đang chạy đèn xanh.
Nếu bạn bắt đầu dùng sự quan sát, phân tích, bạn có thể biết được nguyên nhân gây ra tai nạn phát xuất từ sự bất an đến từ một người, hoặc cả hai người. Và từ sự bất an của một người hay cả hai đã gây ra một hậu quả, tạo ra thương tật và đau khổ cho người. Nếu bạn dừng lại ở đây, và không tiếp tục quan sát và nhìn sâu thì bạn đang dùng Trí.
Nếu bạn tiếp tục nhìn sâu nữa, bạn sẽ thay thế người đang bị thương tích kia là bạn. Bạn sẽ cảm được nỗi đau mà bạn phải trải qua và chịu đựng nỗi đau trong tương lai nếu là thương tật vĩnh viễn.
Dĩ nhiên, trên thực tế, cơ thể bạn không trải qua sự đớn đau, thương tật. Nhưng qua sự quan sát và nhìn sâu, bạn đang trải nghiệm sự đớn đau từ cơ thể bạn.
Chính vì có sự trải nghiệm sự đớn đau trong thân xác bạn, và bạn không muốn điều đó xẩy ra. Cho nên, bạn quyết ĐỊNH đặt ra một kỷ luật (Giới) mà bạn phải tuân theo, đó là, bạn chỉ lái xe trong trạng thái bạn An. Nếu khi bạn có bất an thì bạn sẽ dừng việc lái xe lại. Vì sao? Vì nếu không giữ Giới, thì bạn sẽ là người gánh lấy sự khổ đau do sự bất An gây ra.
Cho nên, một người khi sử dụng đến Tuệ, họ luôn luôn kết hợp giữa Giới và Định một cách chặt chẽ. Vì vậy, tại sao họ có thể kéo dài được trạng thái An.
Ngược Lại, vì Trí tuy cũng có sự quan sát, phân tích nhưng thiếu sự nhìn sâu để đặt mình vào. Vì vậy, không dùng Định và Giới. Cho nên, tuy thấy người ta bị thương tật trong tai nạn, nhưng lại không biết ứng dụng điều đó cho mình.
Hoặc đôi khi, còn cười mỉa mai cho rằng, người kia lái xe quá kém mới gây ra tai nạn, chứ mình lái xe cừ hơn sức mấy mà có chuyện đó xẩy ra.
Thực tế, trên đời này, chưa ai lái xe mà chưa từng xẩy ra tai nạn cả. Có chăng, nó Chưa Xẩy Ra cho mình, chứ không phải Không Xẩy Ra. Diễn dịch định nghĩa “Chưa Xẩy Ra” thành “Không Xẩy Ra” đó là một sự mê lầm lớn. Và ai trong chúng ta có nhận thức mê lầm này, chúng ta phải trả giá cho sự mê lầm đó thôi.
Thật vô cùng thú vị. Cháu cám ơn chú. Giờ thì cháu biết cháu sẽ làm gì. Nhật Minh nói.
Xa xa vọng về, tiếng của những đứa trẻ đang nô đùa, tiếng cười dòn tan, rộn rã. Chàng thanh niên đứng dậy, kiếu từ, và hẹn gặp lại ông chú chiều mai.