album-art

00:00

TẢI MP3 – MỴ HẰNG

Bạn thân mến,

Thực ra, trong tâm thức của tôi luôn có một “cái tôi” bất biến siêu hình nhìn ngó “cái tôi” hiện thực đang sống hằng ngày hằng giờ.

“Tôi ơi đừng tuyệt vọng” là một cách nói lạ, vì trong ngôn ngữ văn học nói chung, thơ từ nói riêng, chưa có ai tự kêu “tôi” như thế.

Đi tìm “cái tôi” bất biến.

Cũng như bao “cách nói” khác, người ta dễ dàng chấp nhận câu nói đó vì sức thuyết phục một cách linh mẫn trong ngôn ngữ riêng của mình.

Thật ra, trong tâm thức của tôi luôn có một “cái tôi” bất biến siêu hình nhìn ngó “cái tôi” hiện thực đang sống hằng ngày hằng giờ. Và khi tôi gọi “tôi” chính là cái tôi kia đang gọi cái tôi này, giống như một người đang gọi một người, ta đang gọi một kẻ khác.

Trong triết học Ấn Độ có một khái niệm về đại ngã, trong Phật học có một khái niệm về chân thân hay bản lai diện mục. Tiếng gọi tôi của tôi luôn là một cuộc hoài hương tha thiết đêm ngày hòng tìm lại cái tôi đại ngã, cái tôi chân thân, cái tôi bản lai diện mục đó giữa “cõi tạm” trần gian mà tôi đang sống.

Khi ngắm dòng sông chảy, như biểu tượng thời gian trôi đi, tôi cũng thấy: “Một lần bóng núi in bên sông dài một lần thấy bóng tôi”.

Tôi là người, không phải là núi, nhưng thấy núi lại thấy mình, đó là vì có một “cái tôi” khác của tôi mang bản thể núi – vững vàng hơn vô lượng lần cái thân thể vật chất mình đang có, nó như bất động trước dòng chảy của thời gian.

Nhưng nói “thấy được đời tôi” chỉ là một cách tự động viên mình, nhủ mình rằng “tôi ơi đừng tuyệt vọng” đó thôi. Nó chỉ mới là một sự lần ra manh mối đường về chứ chưa “về” thật sự. Nó vẫn còn là một giấc mơ xa vắng và tôi vẫn còn lận đận lắm trong cuộc hồi hương mờ mịt cuối ngõ cuối trời này.

Không tìm thấy được cái tôi đó, mỗi ngày tôi đều buồn bã cảm nhận “Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi. Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi” là vậy.

Cái tôi đó có khi hiện thân là một “Con mắt còn lại” nhìn cái tôi phù trầm này một cách thương cảm: “Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi. Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp. Con mắt còn lại là con mắt ai. Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài”.

Những tiếng “thở dài” như thế có giá trị như một sự thương cảm, một lời an ủi, một sự khuyến khích, động viên để tôi tiếp tục lên đường tìm về cố quận, dù dâu bể thời gian và cuộc đời có như bão tố điên cuồng phá hủy thân xác lau sậy mình.

Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn. Tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố. Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ”. Quả thật, với một người đang mong ngóng tìm về với một tiếng gọi nào đó dành cho riêng mình, thời gian đi theo “nó” chỉ là những “gót chân hờ” mà thôi.

Và tiếng gọi mong ngóng kia chính là một cái tôi trên cao đang ra sức dìu dắt, nâng đỡ cái tôi dưới thấp đi xuyên qua mịt mùng thân phận người.

Nói cách khác, cái tôi trên cao ấy là một tên gọi khác của cái gọi là Cội nguồn, nơi tôi luôn muốn lần về. Vì vậy, đang khi sống, dù là giữa hội hè, tôi vẫn luôn tự nhủ: “Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội. Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi. Tôi vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi nhỏ lại làm mưa tan giữa trời”. Những cái tôi là núi, là bóng cây, là mưa… đó cơ chừng là miên viễn, là “lời thiên thu gọi”, là những hóa thân thăng hoa cho cái tôi thể chất hình hài dễ và chóng tan rã giữa cõi tạm ta bà này.

Trong tiếng ru, chỉ có người này mới ru được người kia. Nhưng tôi, nhờ có hai cái tôi mà tôi đã ru được chính mình.

Còn bạn thì sao? Khi nào thì bạn có thể ru được chính mình?

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept