Bạn Thân Mến,
Làm sao để chuyển những cảm xúc xấu thành tốt là một câu hỏi làm “điên đầu” biết bao nhiêu diễn giả. Không biết bao nhiêu cách thức đã được tìm ra, nhưng mỗi cách thức hình như vẫn “thiêu thiếu” một điều gì đó, mà vẫn chưa hoàn chỉnh được.
Chủ đề hôm nay, chúng tôi muốn chia xẻ với bạn một cách thức mà chúng tôi đã ứng dụng trên bản thân. Có thể nó sẽ chỉ thích hợp với chúng tôi, mà không thích hợp với bạn; nhưng biết đâu, qua cách thức của chúng tôi, bạn sẽ có vài khái niệm, và tìm ra “thuốc giải độc” cho những cảm xúc xấu đang khống chế Ngã Thức của bạn.
Nếu bạn chưa đọc qua bài “chín thức” thì bạn sẽ hơi khó hiểu về sự vận hành của các thức. Vì trong bài Chín Thức, chúng tôi đã phân chia các chức năng của các thức cũng như sự tương tác giữa các thức khá rõ ràng.
Cho nên, nếu bạn muốn hiểu được những sự ứng dụng này, bạn nên tìm đọc hay nghe về bài chín thức trước đã. Bài này, chúng tôi viết để chia xẻ cho những bạn nào đã nghe hay đọc bài chín thức rồi.
Trong chín thức, chúng ta đã nói về chức năng của Tiềm Thức, ngoài là thức khởi đầu cho sự sống của con người thì Tiềm Thức còn có những chức năng như sau:
- Kho chứa tất cả các thông tin, dữ liệu từ 5 giác quan, Ý Thức, Thân Thể Thức, và Ngã Thức
- Duy trì bộ nhớ lâu dài, và nối kết các thông tin dữ liệu, có khả năng sáng tạo
- Đòi hỏi những thông tin, dữ liệu, hoặc vấn đề chưa được giải quyết triệt để, để tạo sự hoàn chỉnh
- Cung cấp thông tin liên tục cho Ngã Thức
- Ngôn ngữ Chính: Hình Ảnh
- Chính vì, không có các chức năng như phân tích, tính toán, tổng hợp, v.v của Ý thức, nên Tiềm Thức không có thể phủ định, không có thiện ác, không có đúng sai, cũng như không có qúa khứ và tương lai. Thời gian hoạt động mạnh nhất của Tiềm thức là khi Ngã Thức và Ý Thức không hoạt động.
- Không có cảm xúc/giác
Trong phần ứng dụng này, chúng ta sẽ sử dụng các chức năng của Tiềm Thức như: sự liên kết và không có thể phủ định, để chuyển hóa những “hạt giống xấu” tạo ra những “cảm giác xấu” nơi Ngã Thức.
Sau đây là phương pháp mà chúng ta có thể áp dụng:
Dùng chữ “Nhưng” và “Và” để thay đổi cảm giác.
Thí dụ, bạn đang tức giận con của bạn vì không nghe lời bạn, bạn có thể dùng chữ “Nhưng” một mình để thay đổi, hay bạn có thể dùng thêm chữ “và” để ghép thêm vào những nguồn năng lượng khác. Phương pháp này chúng tôi đặt tên là “Di Hoa Tiếp Mộc” nghĩa là dời hoa ghép cây.
Muốn thực tập phương pháp này, việc đầu tiên bạn cần làm là “mời” cơn giận của bạn lên, nghĩa là bạn xác định bạn đang có cơn giận với con của bạn.
Khi cơn giận của bạn đã có mặt, bạn mới bắt đầu nói với bạn như sau:
“Mặc dù tôi biết là tôi đang giận con tôi vì nó không nghe lời tôi, nhưng tôi là người có tình yêu thương vô điều kiện, và có hiểu biết, cho nên, bất cứ khi nào tôi nổi giận thì nguồn năng lượng này sẽ khích hoạt nguồn năng lượng yêu thương vô điều kiện và nguồn năng lượng hiểu biết, giúp tôi sống có hạnh phúc và an lạc hơn.”
Trong thí dụ này, chúng ta có những chữ cần chú ý, đó là 5 chữ “Đang” “Mặc Dù” “Nhưng” và “Và”.
Chữ “Đang” luôn phải được sử dụng trong câu, vì chữ “đang” xác định sự việc đang xẩy ra trong hiện tại mà không phải là qúa khứ hay tương lai.
Trong Tiềm Thức, vốn không có quá khứ hay tương lai, mà chỉ có trong hiện tại, cho nên, nếu chúng ta không có từ “đang” thì Tiềm Thức của chúng ta sẽ rơi vào thế “lưỡng lự”.
Vậy, tại sao chúng ta lại phải sử dụng thêm hai chữ “Mặc Dù”?
Phần lớn, các diễn giả khi đưa ra các phương pháp chuyển hóa tiêu cực thành tích cực, đều mắc phải một lỗi lớn, đó là, khi chúng ta đang có cảm xúc tiêu cực, mà đem những suy nghĩ tích cực, hay ám thị tích cực, để thay đổi cảm xúc tiêu cực là không thể. Vì sao?
Vì khi Ngã Thức của chúng ta bị cảm xúc tiêu cực khống chế thì lúc đó Ý Thức của chúng ta cũng bị điều khiển bởi nguồn năng lượng tiêu cực này.
Cho nên, những suy nghĩ lúc đó từ Ý Thức cũng chỉ hướng tới tiêu cực, mà không thể là tích cực được.
Thông thường, khi dùng những tư tưởng tích cực hay ám thị những điều tích cực, sẽ khó được thực hiện, vì nguồn năng lượng tích cực mới này còn qúa yếu nếu đem so với những nguồn năng lượng tiêu cực, luôn có sẵn trong Ngã Thức của chúng ta.
Vì thế, nguồn năng lượng mới này, khó mà có thể tồn tại. Nguy hiểm hơn, nếu chúng ta cứ ám thị và suy nghĩ tích cực (khi không có cảm giác xấu khống chế), trong một thời gian, mà không có kết quả, thì những nguồn năng lượng tích cực này lại biến thành nguồn năng lượng xấu là: thất vọng, chán nản, v.v.
Đó cũng là lý do, có rất nhiều phương pháp, mới nghe thì hay, nhưng khi ứng dụng thì như con dao hai lưỡi. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta cũng bị “đứt tay” như chơi.
Cho nên, hai chữ “mặc dù” phải được sử dụng ở đây, để xác định là cơn giận đó đang có mặt, và đang chiếm hữu Ngã Thức. Nếu chúng ta dùng tư tưởng tích cực lúc này là điều không thể. Vì Ngã Thức của chúng ta không chấp nhận là chúng ta đang giận, mà lại nghĩ là mình đang vui được.
Thế nên, dùng hai chữ “mặc dù” ở đầu câu, là để “thỏa mãn” và được sự đồng ý của cơn giận trong Ngã Thức, cho phép được tiếp cận cơn giận.
Ngoài công dụng “thỏa mãn” và được sự chấp nhận của cơn giận trong Ngã Thức, thì hai chữ “mặc dù” lại có một ý nghĩa khác rất hay, đó là, không chấp nhận cơn giận, dù cơn giận đó đang có mặt. Hai chữ mặc dù này, có thể gọi là “quân du kích” của tư tưởng tích cực, đang được “gài vào” cảm giác giận, để mở cửa cho những tư tưởng tích cực được sử dụng sau chữ “Nhưng” có thể “chiếm được địa bàn” và “khống chế thời cuộc”.
Tiếp theo, chính là “đoàn quân chủ lực” của tích cực được chuẩn bị thay thế cho cảm giác giận qua “pháo đài” của chữ “Nhưng”.
Phần đông, các phương pháp chuyển hóa tiêu cực thành tích cực, đều cho chữ “Nhưng” là chữ tối kỵ, không nên dùng, nhất là trong khoa tiếp thị. Vì khi sử dụng chữ “Nhưng” sẽ biến vế đầu, đang tốt thành ra xấu.
Thí dụ: bạn là người tốt luôn yêu thương, có hiểu biết, và giúp đỡ mọi người, nhưng bạn hay cằn nhằn, nóng tính.
Hay: sản phẩm của chúng tôi rất ưu việt có thể làm cho nhà bạn đẹp sang hơn, có giá trị hơn nhưng khá đắt tiền.
Nếu bạn quan sát hai thí dụ này, bạn sẽ cảm thấy, sau khi có chữ “nhưng” đi kèm theo trong câu, chắc chắc, cảm giác của bạn sẽ không ở những câu đầu, mà lại ở những câu sau chữ “nhưng”, có phải không?
Và các phương pháp đã hoàn toàn đúng trong việc đặt chữ “nhưng” vào trong những câu này.
Điều mà chúng tôi cảm thấy lạ nhất, đó là, nếu có thể chuyển từ tốt thành xấu như hai thí dụ trên, thì tại sao chúng ta lại không hoán đổi vị trí từ xấu thành tốt chứ.
Cho nên, khi ứng dụng phương pháp hoán chuyển này, chúng tôi thấy hiệu quả khá nhanh, vì chúng tôi không cần phải đi tạo ra nguồn năng lượng mới để “áp chế” nguồn năng lượng cũ; mà chúng tôi sử dụng chính nguồn năng lượng cũ, bằng cách “ghép” vào thân của những nguồn năng lượng cũ với những nguồn năng lượng mới.
Như vậy, mỗi khi nguồn năng lượng hay gốc của giận nổi lên thì chúng tôi lại có những hoa trái là sự yêu thương, hiểu biết, hạnh phúc, và an lạc.
Sau đó, chúng tôi tạo thành thói quen trong tiềm thức bằng cách, mỗi lần chúng tôi giận, chúng tôi lại lập lại những điều trên, cho đến khi trở thành thói quen.
Khi đã trở thành thói quen rồi, thì lúc đó, dù có giận đi chăng nữa, cơn giận cũng không thể nở ra hoa trái của giận được, và dần dần tự động chuyển hóa thành nguồn năng lượng của yêu thương, có hiểu biết hay hạnh phúc, an lạc.
Khi trong ngã thức đã có mặt mạnh mẽ của yêu thương và hiểu biết, an lạc và hạnh phúc thì chúng ta lại sử dụng Ý Thức để mời các cảm xúc khác lên để chuyển hóa, vẫn dùng chung một phương pháp.
Dĩ nhiên, trong 4 chữ chúng ta dùng, gồm: ”Mặc Dù”, “Nhưng”, và “Và” thì ba chữ “mặc dù” và “nhưng” đóng vai trò chuyển hóa, còn chữ “và” để chúng ta “tiếp lực” cho những vế sau chữ “nhưng” được vững mạnh hơn và chắc chắn hơn.
Như chúng tôi đã chia xẻ với bạn ở phần trên, đây là phương pháp chúng tôi ứng dụng. Thí dụ mà chúng tôi dung, chỉ là câu mẫu cho bạn tham khảo. Với Tuệ giác của bạn, bạn sẽ biết dùng câu nào thích hợp nhất cho bạn.
Sau đây là vài mẫu câu bạn có thể áp dụng cho những lĩnh vực khác:
“Mặc dù tôi biết là tôi đang giận ông chủ của tôi, nhưng tôi là người có tinh thần trách nhiệm cao, bất cứ việc khó khăn nào trong công ty khi giao cho tôi, tôi đều hoàn thành xuất sắc trước thời hạn, và những cách giải quyết vấn đề của tôi luôn độc đáo, đem đến rất nhiều lợi nhuận cho công ty, và ông chủ luôn biết ơn, và thăng thưởng tôi vào những chức vụ quan trọng trong công ty”.
“Mặc dù tôi biết là tôi đang giận người bạn của tôi, nhưng tôi là người có tính dĩ hòa vi quý, tôi luôn quan tâm đến mục đích sống của tôi là AN, Cứ mỗi lần tôi giận thì sẽ khích hoạt mục đích An của tôi, và tôi sẽ sử dụng sự quan sát và nhìn sâu để tìm ra sự thật”.
“Mặc dù tôi biết là tôi đang buồn vì tài chánh của tôi bị túng thiếu, nhưng tôi là người có sự quan sát và nhìn sâu vào sự việc, nên tôi có thể dùng sự quan sát này để giải quyết những vấn đề cho các công ty, và tôi trở thành một người cố vấn tài năng, là người quan trọng mà các công ty luôn chào đón với mức lương hậu hĩ, và tôi giải quyết vấn đề tài chánh của tôi một cách dễ dàng”.
Phương pháp thì tôi đã chia xẻ với bạn, còn bạn có thực tập hay không thì do chính bạn lựa chọn.