Bạn Thân Mến,
Bạn đừng thấy, chủ đề hôm nay của chúng tôi có những chữ như: lập pháp và hành pháp, thì bạn nghĩ, chúng tôi sẽ chia xẻ với bạn về chủ đề liên quan đến chính trị nhé.
Không đâu, chúng tôi chỉ là những người rất bình thường. Chúng tôi thích sống với sự quan sát và nhìn sâu vào trong cuộc sống, thích học và hành qua thực nghiệm, và trải nghiệm, để kéo dài cái An trong cuộc sống của chúng tôi, hơn là làm chuyện quốc gia đại sự.
Ông bà xưa có dậy rằng: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, chúng tôi thấy, nội việc “tề gia” mỗi ngày, chúng tôi đều phải: vừa học, vừa hành, vừa chỉnh sửa liên tục, còn chưa xong, thì làm sao có đủ hùng tâm tráng trí, mà trị quốc hay bình thiên hạ được.
Cho nên, tuy chủ đề là lập pháp và hành pháp, nhưng câu chuyện của chúng tôi muốn chia xẻ với bạn hôm nay, liên quan đến một người quen, khi anh đến thăm nơi sinh hoạt về tâm linh của chúng tôi, và bốn chữ lập pháp và hành pháp từ đây mà có.
Anh tự giới thiệu, anh là một trong năm đại đệ tử của một vị cao tăng, rất nổi tiếng, của Phật giáo. Trong năm người, vì anh có trí nhớ tốt, nên thường được đi theo vị cao tăng thuyết pháp, ghi nhớ lại, và sau đó, viết và ấn bản thành kinh sách.
Thế nên, khi nói về kinh điển của Phật giáo, thì kinh điển nào anh cũng làu thông, và ghi nhớ rất rõ ràng. Những người quen biết anh, đặt cho anh một biệt danh là “tàng kinh các”, nghĩa là, nơi lưu giữ những kinh điển của Phật giáo, hay có thể gọi là, thư viện kinh điển của Phật giáo.
Ngày anh gặp chúng tôi, thì anh đã sử dụng ngay “sở trường” của anh để thuyết cho chúng tôi nghe về tính vô thường, vô ngã của đạo Phật. Chúng tôi vẫn im lặng ngồi nghe anh, thao thao bất tuyệt, trong hai tiếng đồng hồ.
Cuối cùng, anh hỏi chúng tôi, có hiểu được sự mầu nhiệm của ý kinh, không thể nghĩ bàn của đức Phật, không?
Lúc đó, chúng tôi mới lên tiếng, trả lời anh:
Thưa anh, anh thì đang “lập pháp”, còn chúng tôi thì đang “hành pháp”, cho nên, chúng tôi không hiểu gì cả.
Anh nghe câu trả lời “trật bàn đạp” của chúng tôi, anh không vui mấy, vì không vô đúng chủ đề của anh muốn, là phải thán phục sự làu thông kinh điển của anh. Cho nên, anh quyết định “bắt bẻ” chúng tôi đến cùng. Anh nhìn chúng tôi một lúc, rồi nói:
“Chúng ta đang nói về kinh điển của một bậc Y Vương, thị hiện xuống cõi trần, để cứu độ muôn loài, mà sao bạn lại lái qua đề tài chính trị.”
-Thưa anh, chúng tôi đâu có đổi chủ đề, chúng tôi cũng đang nói về chủ đề tôn giáo đấy chứ. Chúng tôi đáp.
“Sao, đề tài về tôn giáo ư, tôi thì chỉ thấy liên quan đến chính trị, nếu không thì lôi lập pháp và hành pháp vào làm gì.” Anh nói.
– Thưa anh, không phải trong đạo Phật, khi nói về vô thường hay vô ngã thì đó gọi là pháp sao. Anh thì cứ lập đi lập lại những phương pháp của đức Phật, nhưng anh lại không chia xẻ về cách anh thực hành, cách anh trải nghiệm, cách anh thực nghiệm như thế nào.
Cho nên, chúng tôi mới gọi anh là “lập pháp”, nghĩa là, anh chỉ lập đi lập lại những kinh nghiệm, những trải nghiệm hay những phương pháp của người khác, mà không phải là của chính anh.
Còn chúng tôi, gọi chúng tôi là hành pháp, bởi vì, khi chúng tôi học được điều gì, hay phương pháp nào, thì chúng tôi sẽ bắt đầu thực hành ngay điều đó, qua sự kiểm nghiệm, thực nghiệm, và chứng nghiệm.
Sau đó, chúng tôi đúc kết lại thành những kinh nghiệm riêng cho chúng tôi dùng trong cuộc sống, và chia xẻ lại phương pháp này với những ai, khi họ cần đến, để ứng dụng trong cuộc sống của họ.
Khi hướng dẫn hay chia xẻ cho họ, chúng tôi luôn nhấn mạnh đến yếu tố, đừng tin vào phương pháp của chúng tôi, mà chỉ nên tin vào kết quả mà họ đạt được, khi đã trải qua sự kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm của chính họ.
Với chúng tôi, chân lý chỉ thật sự là chân lý, khi có mặt của sự kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm, giúp cho chúng tôi tiếp xúc được đúng với sự thật.
Cho nên, với chúng tôi, người nào mà có những trải nghiệm này, thì chúng tôi gọi người đó là người “hành pháp – thực hành các phương pháp”, còn người nào, mà chưa trải qua, nhưng lại hay nói về những phương pháp, thì chúng tôi gọi là người “lập pháp – lập đi lập lại những phương pháp nhưng chưa bao giờ thực hành”.
Anh nghe xong biến sắc một chút, rồi nói:
“Thật lòng mà nói, nếu bạn có thể làm được như vậy, thì ngay cả các bậc cao tăng cũng ít có vị làm được.”
Sau đó, anh kiếu từ ra về. Tiễn anh về xong, chúng tôi mới nghĩ, công việc mà chúng tôi đang học và đang hành thì đâu có gì là khó đâu. Ai cũng có thể làm được, sao các bậc cao tăng lại không làm được.
Với chúng tôi, dù là người thường, hay cao tăng, thì ai tu, nấy hưởng. Các vị cao tăng tu thì các vị đạt được sự giải thoát và có được sự An Lạc cho các vị, còn chúng tôi tu thì chúng tôi cũng đạt được sự giải thoát và bình an như các vị, cũng là việc rất bình thường.
Bởi vì, sự An Lạc và giải thoát đều có sẵn nơi mỗi người, không phải do bất cứ ai ban tặng, hay thần linh nào ban bố, mà chỉ khác nhau là trong phương pháp học và hành mà thôi.
Nếu như khi học mà học cho nghiêm túc, học cho đến nơi đến chốn, học không câu chấp, học hiểu ý quên lời. Nhất là đi tìm định nghĩa cho rõ ràng.
Sau đó, thì đem những điều học đó vào thực hành ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Trong quá trình thực hành, thì bắt đầu bằng cách, đem những điều học hỏi được để kiểm nghiệm lại, nghĩa là, kiểm nghiệm lại xem, từ lý thuyết đến thực hành có đúng không, hay có sự sai biệt nào không. Nếu có, thì sai biệt thế nào, và nếu không, thì có thể ứng dụng trên góc độ nào, và không thể ứng dụng trên góc độ nào.
Kế tiếp, là qua qúa trình thực nghiệm. Qúa trình thực nghiệm là quá trình đem những điều học, sau khi qua sự kiểm nghiệm, ứng dụng vào trong những môi trường và hoàn cảnh, hay cuộc sống, dưới sự quan sát và nhìn sâu của từng góc độ.
Trong qúa trình này, thì phải liên tục chỉnh sửa lại những điều thiếu sót, hay bổ sung thêm vào lý thuyết những điều chưa có, để tránh gây ra sự lầm lẫn, hay hiểu lầm.
Cuối cùng là chứng nghiệm. Qúa trình chứng nghiệm là qúa trình đem những kết quả của thực nghiệm, bổ sung hay sửa sai, đi so sánh lại với những kinh nghiệm của những người trải nghiệm khác, xem có những sự tương đồng hay dị biệt nào.
Nếu là tương đồng không có dị biệt, thì giữ lại để sử dụng, và khi sử dụng, thì biến thành thói quen, để có thể dễ dàng ứng phó, khi có những sự cố xẩy ra qúa nhanh, đến độ Ý Thức chưa kịp tìm ra cách giải quyết.
Nếu có dị biệt, thì dị biệt trên góc độ nào, và dị biệt đó có còn thích hợp, và đúng với môi trường hay hoàn cảnh trong hiện tại hay không? Nếu những dị biệt, mà không còn thích hợp thì loại những dị biệt đó ra, mà không cần quan tâm đến.
Thí dụ như, trong kinh điển nguyên thủy của Phật giáo, hoặc Ma Ha Bà La Đa thứ 12 do hòa thượng Thích Quảng Độ dịch, cho rằng:
“Đao Diệp Lâm Địa Ngục, là nơi đi đến của những người bỏ kinh Vệ Đà để chạy theo những đạo khác, và những người này gọi là kẻ mê tín dị đoan”
Tuy điều này, được ghi lại trong kinh điển có cả ngàn năm của Ấn Độ giáo, cũng như của Phật giáo, nhưng không có nghĩa là, kinh điển đã hợp lý.
Trong khi ngày nay, giáo dân của Thiên Chúa giáo đã có hơn cả tỷ người, mà những giáo dân của Thiên Chúa giáo, không hề biết, hay tin, vào kinh Vệ Đà, vậy họ đều bị đọa vào địa ngục “Đao Diệp Lâm” sao?
Như vậy, cho dù, đó là điểm khác biệt so với quá trình chứng nghiệm, nhưng dị biệt này không còn thích hợp, và cũng không đúng với sự thật, nên dù, có viết trong kinh điển ngàn năm, chúng tôi vẫn loại bỏ như thường.
Với chúng tôi, không phải, cứ có trong kinh điển ngàn năm là có giá trị, mà phương pháp chỉ có giá trị khi đem ứng dụng, hay khi thực hành, phải đem đến sự giải thoát hay đạt được An kéo dài. Nếu không thì cũng không ích lợi gì.
Còn với những dị biệt, mà sau khi qua kiểm nghiệm, và thực nghiệm lại, thấy hợp lý, hay đúng hơn, thì chúng tôi lại tiếp tục sửa sai, rồi thực hành lại, cho đến khi ra kết quả, mà không phải là hậu quả.
Khi đã chứng thực được, qua cách ứng dụng trên những góc độ khác nhau, mà đều đưa những kết quả giống nhau, thì mới tổng hợp lại, và lập thành một phương pháp để ứng dụng, cũng như, chia xẻ phương pháp này với những người khác, khi họ cần đến sự giúp đỡ.
Đây chính là chỗ khác biệt giữa người “lập pháp” và “hành pháp”. Trong khi, người lập pháp thì chỉ thích lập đi lập lại những phương pháp mỗi ngày, nhưng không thực hành phương pháp đó.
Còn người “hành pháp” thì không lập đi lập lại những phương pháp đó, mỗi ngày, mà họ chỉ sử dụng những phương pháp đó, trong qúa trình thứ ba là chứng nghiệm, để so sánh và rút ra những sự tương đồng hay dị biệt qua qúa trình trải nghiệm của họ.
Về niềm tin, thì người “lập pháp” có thể tin vào những kinh nghiệm của những người đã trải nghiệm qua, mà không cần qua qúa trình kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm của bản thân.
Nhưng với người “hành pháp” thì những phương pháp của những người trải nghiệm khác, chỉ là những thông tin, và cần qua qúa trình kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm của bản thân, khi tiếp xúc được với sự thật.
Với những người “hành pháp”, họ chỉ tin, khi họ tiếp xúc được với sự thật, và họ chỉ tin vào sự thật, chứ họ không tin vào những thông tin, hay kinh nghiệm của người khác. Tại sao?
Vì, kinh nghiệm của mỗi cá thể trước khi tiếp xúc với sự thật đều khác nhau, cho nên, không thể lấy kinh nghiệm của người đã trải nghiệm, làm kinh nghiệm chuẩn, dùng chung cho tất cả mọi người được.
Hãy lấy một thí dụ làm minh họa.
Huế là một địa danh có những thắng cảnh đẹp, có một người đang sinh sống ở miền Bắc, và người đó đi từ Bắc vào Huế (từ trên đi xuống, theo địa lý). Sau khi đến Huế về, người đó đem kinh nghiệm của anh, vẽ thành lộ trình để hướng dẫn cho những ai, muốn thưởng thức cảnh đẹp của Huế, có thể đến Huế để thưởng thức.
Dĩ nhiên, nếu bạn là người đang sống ở miền Bắc thì bạn có thể ứng dụng theo lộ trình này. Nhưng nếu bạn đang sinh sống trong miền Nam, mà bạn ứng dụng lộ trình này, thì bạn không thể nào đến được Huế, mà bạn lại có thể đến Thái Lan không chừng.
Thái Lan thì chắc chắn không phải là Huế rồi, và đó là sự thật. Nhưng vì bạn qúa tin tưởng vào kinh nghiệm của người ở miền Bắc, Bạn tin rằng. người đó đúng là người trải nghiệm, không phải là người giả mạo. Nhưng bạn lại quên mất một điều vô cùng quan trọng, đó là bạn đang ở đâu.
Không sai, người trải nghiệm ở miền Bắc chỉ dẫn rất cặn kẽ, rất rõ ràng, nhưng những sự trải nghiệm đó, chỉ có giá trị khi bạn biết rất rõ ràng, là bạn đang ở miền Bắc, chứ không phải bạn đang ở miền Nam.
Nếu bạn thật sự đang ở miền Nam, mà lại tin theo sự hướng dẫn đó, và kiên trì đi theo lộ trình đó, thì bạn sẽ chẳng bao giờ đến đúng được địa danh mà bạn muốn đến.
Tệ hại hơn là, khi bạn đến được Thái Lan, mà bạn lại cứ khăng khăng khẳng định, đó là Huế, vì bạn đã đi, và làm đúng với lộ trình mà người trải nghiệm kia đã chia xẻ lại, và bạn đã tin là đúng.
Trong khi, Huế đích thực, thì càng xa bạn hơn, vì bạn đã đi chệch hướng, lộn đường.
Còn một người có kinh nghiệm về địa lý , thì họ biết, họ đang ở đâu, và Huế đang ở đâu, so với chỗ của họ. Tuy họ chưa đến Huế, chưa biết phong cảnh của Huế đẹp như thế nào? Nhưng có một điều, họ biết chắc chắn, là họ không thể dựa vào lộ trình của người trải nghiệm ở miền bắc để đi theo.
Họ phải đi theo lộ trình do chính họ tìm ra (từ dưới đi lên, theo địa lý), và họ chỉ sử dụng sự trải nghiệm của người miền Bắc, khi cần phải xác định địa điểm họ đến, có giống như người trải nghiệm đã tả về phong cảnh của Huế hay không?
Khi họ đã tiếp xúc và đến được Huế, đúng như những gì mà người từng trải ở miền Bắc đã diễn tả, thì họ mới tin là họ đã tìm đúng địa danh, mà không có sự tưởng tượng hay phỏng đoán nào cả.
Câu chuyện này, ai nghe xong cũng biết được, ai đi đúng hướng, ai đi chệch đường. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang là người ở miền nam, nhưng vẫn đang kiên trì đi theo lộ trình do người miền bắc hướng dẫn.
Chúng ta càng đi, thì chúng ta càng xa rời sự thật, nếu chúng ta chỉ thích “lập pháp” hơn là “hành pháp”.