Bạn Thân Mến,
An và Bất An là việc xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, cho dù bạn có muốn hay không.
Nhưng buồn thay, trong cuộc sống của chúng ta thì bất An lại đến với chúng ta qúa nhiều.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể có An trong cuộc sống dài hơn, đó là chủ đề chúng tôi muốn chia xẻ với bạn hôm nay.
Đời người của chúng ta, ngay từ lúc mới sinh ra cho tới ngày mãn phần, có ai trong chúng ta không muốn được sống có nhiều An hơn; có ai trong chúng ta lại muốn sống bất An đâu chứ. Nhưng vì trong cuộc sống, chúng ta đều có rất nhiều mục đích, cho nên, chúng ta đã quên đi mục đích quan trọng nhất đó là An.
Thật ra, nếu chúng ta sử dụng sự quan sát và nhìn sâu, cho dù, chúng ta có bao nhiêu mục đích, và khi chúng ta đạt được những mục đích đó thì cuối cùng chúng ta cũng chỉ đạt được là An.
Nhưng vì chúng ta đã bị những mục đích của chúng ta lôi kéo, khiến cho chúng ta bị cuốn hút vào đó; và từ đó, chúng ta đã tạo ra rất nhiều bất An trong cuộc sống.
Chúng tôi còn nhớ một câu chuyện của một người quen khi đi vượt biên, gặp nhau trên đảo.
Trước khi đi vượt biên, người quen đã đặt mục đích là đến được đất liền thì sẽ được an vui. Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, chín chết, một sống. Người quen của chúng tôi đã đạt được mục đích, đến đảo (đất liền).
Nhưng khi mục đích đến đảo đã đạt, người quen của chúng tôi lại rơi vào trạng thái sống không có mục đích, không biết tương lai sẽ ra sao, nên lại lo âu, phiền muộn.
Sau đó, người quen của chúng tôi lại đặt ra mục đích mới, làm sao để được các nước khác chấp nhận đi định cư thì mới có an vui. Trong khi chờ đợi đạt được mục đích mới thì lại tiếp tục sống trong phiền muộn, lo âu.
Đến khi được nước Mỹ chấp nhận cho đi định cư, và một thời gian sau gặp lại trên đất Mỹ, người quen của chúng tôi vẫn tiếp tục phiền muộn, bất an; vì cuộc sống mới nơi xứ người, có rất nhiều những khó khăn, nên lại đặt ra mục đích mới, phải học tiếng Anh cho tốt, rồi phải có việc làm thì mới có An Vui.
Một thời gian sau gặp lại, người quen lại than thở, cứ phải đi ở nhà thuê rất khó chịu, nên mục đích mới là phải làm một chủ căn nhà, mới có An Vui.
Từ khi quen nhau, lúc mới hai mươi mấy tuổi, bây giờ đã là U70, nhưng người quen của chúng tôi vẫn không có được sự An Vui, vì mục đích bây giờ lại lo cho con cháu. Dù rằng, trong đời của người quen của chúng tôi đã có rất nhiều mục đích đã đạt được. Nhưng cuối cùng, vẫn chưa thể An Vui.
Nếu một đời người, gần đến ngày nhắm mắt xuôi tay mà vẫn chưa thể đạt được An Vui, thì đến lúc nào người quen của chúng tôi mới sống được An Vui.
Không biết chúng ta sẽ có kiếp sau hay không, nếu có, mà chúng ta cũng cứ sống giống như kiếp này, thì cho dù, chúng ta có sống bao nhiêu kiếp, chúng ta cũng vẫn mãi sống trong sự phiền muộn, lo âu và bất An liên tục.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải đặt lại mục đích An cho chính mình, và luôn hướng tất cả tâm ý vào đó, rồi đem mục đích đó, ứng dụng mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Như vậy, không phải là việc làm thiết thực và có ích hơn sao?
Chúng ta hãy bắt đầu quan sát, khi chúng ta đặt mục đích là An, và trung thành đi theo mục đích đó thì chúng ta sẽ có được những lợi ích gì?
Trước khi chúng ta đặt An thành mục đích, chúng ta cũng nên tìm hiểu về định nghĩa An là gì?
An là một trạng thái tâm lý, diễn tả nguồn năng lượng không xáo trộn, trồi lên hay sụt xuống. Khi mà nguồn năng lượng có sự trồi sụt liên tục, bất thường, thì đó gọi là bất An.
Như vậy, mục đích của An có thể bao gồm tất cả mọi mục đích mà chúng ta có thể đạt được; vì bất cứ mục đích nào muốn đạt được, đều nương tựa nơi nguồn năng lượng của An trong quá trình phát triển.
Bạn không tin ư? Vậy chúng ta hãy thử tưởng tượng, bạn muốn mở một cửa tiệm để kinh doanh, và kiếm được nhiều tiền. Nếu như bạn biết được kết quả cửa tiệm của bạn sẽ phá sản và nợ nần, bạn sẽ bất An, vậy bạn có dám mở cửa tiệm không?
Chắc chắn là không, có phải không? Sở dĩ, bạn dám mở cửa tiệm kinh doanh, vì bạn chưa biết được kết quả cửa tiệm của bạn sau này sẽ như thế nào, và bạn hy vọng, bạn sẽ thành công và đạt được mục đích của bạn.
Vậy khi thành công rồi thì bạn được gì? Sự thỏa mãn và An, có phải không?
Rõ ràng, điều cuối cùng bạn đạt được cũng chỉ là An, nhưng trong qúa trình kinh doanh cửa tiệm của bạn thì bạn đã “hy sinh” biết bao nhiêu cái An trong hiện tại, để đạt được một cái An trong tương lai, mà cái An đó, cũng không thể kéo dài, vì khi đó, bạn lại lo sợ cơ sở kinh doanh của bạn sẽ không thể tồn tại, và bạn lại bất an tiếp.
Nếu cả cuộc đời của bạn, cứ hy sinh cái An bạn đang có, rồi đạt được mục đích có An; rồi lại lo sợ mất đi thành quả của mục đích, rồi bạn lại bất an; rồi bạn lại đặt ra mục đích khác, bạn lại hy sinh cái An hiện tại v.v, vậy cuộc đời của bạn, tại sao lại có quá nhiều đau khổ, cũng là chuyện tất nhiên, có phải không?
Cho nên, khi đặt mục đích là An, không có nghĩa là, chúng ta chỉ có một mục đích An là chính, mà chúng ta có thể có bao nhiêu mục đích khác, cũng không thành vấn đề, miễn là, mỗi mục đích đều dựa trên yếu tố An trong quá trình phát triển làm chuẩn.
Thí dụ như, mục đích An khi ứng dụng trong lựa chọn người yêu. Thay vì, chúng ta chú trọng đến hình tướng, cách ăn mặc hợp thời trang, cách sinh hoạt buồn tẻ hay vui nhộn, thì chúng ta chỉ cần hỏi chính chúng ta, người được chọn này có đem đến cho mình An hay không?
Nếu như giữa chúng ta và người được chọn kia, có những cá tính đối nghịch nhau, nhưng tư tưởng chênh lệch nhau, những góc độ nhìn khác nhau, thì cho dù, người kia có giầu có bao nhiêu, có hình dáng đẹp đến đâu, cũng sẽ làm cho chúng ta đau khổ trong tương lai, khi chúng ta về sống chung trong một mái nhà.
Đó chính là sự thật mà chúng ta phải đối diện và chấp nhận, và không nên có sự hy vọng hão huyền rằng: chúng ta có thể có được An từ sự nhường nhịn, sự hy sinh, hay chịu đựng.
Cho dù, chúng ta có được sự chịu đựng, nhẫn nhục, thì chúng ta cũng đau khổ và bất an. Chưa kể, những sự nhẫn nhục, chịu đựng đều có ngưỡng của sự giới hạn, và khi vượt ngưỡng thì sẽ tạo ra biết bao nhiêu hậu quả và sự khổ đau sẽ nhiều hơn.
Thế cho nên, khi bạn bắt đầu bằng mục đích An, bạn không nên hy vọng; vì mục đích của An là quan sát và chấp nhận sự việc như chính nó, mà không qua hy vọng hay ảo tưởng.
Bạn đừng hy vọng, bây giờ người đó khác tư tưởng với bạn, khác định nghĩa với bạn, nhưng khi về sống chung, bạn sẽ thay đổi người đó theo ý bạn, rồi bạn và người đó sẽ có an vui.
Người đó có thay đổi hay không và có an vui không thì chưa biết, nhưng nếu bạn đặt ngược lại, người đó muốn bạn phải thay đổi theo đúng như người đó muốn thì bạn có thật an vui không, hay bạn rất đau khổ.
Không ai trong chúng ta muốn sống là cái bóng của người khác cả. Cho nên, chúng ta cũng đừng biến ai thành cái bóng của mình. Nếu chúng ta không cẩn thận, thì khi chúng ta biến ai thành cái bóng, cái bóng đó, có ngày sẽ đè chết chúng ta.
Vì vậy, thay vì lấy hy vọng làm động lực, tại sao bạn lại không chọn An làm động lực. Nếu như bạn đã biết sự thật người đó sẽ đem đến bất An cho bạn, và bạn chấp nhận sự thật đó, mà không hy vọng, thì cuộc đời bạn sẽ có nhiều an vui hơn có phải không?
Cuộc đời của chúng tôi cũng như bạn, cũng từng hy vọng và thất vọng. Cũng từng chìm sâu trong bất An và đau khổ. Nhưng khi chúng tôi biết áp dụng đặt lại mục đích rõ ràng, lấy An làm chuẩn, thì cuộc đời của chúng tôi có nhiều An Vui hơn.
Chúng tôi vẫn có nhiều mục đích trong đời, nhưng mỗi mục đích trong qúa trình phát triển, chúng tôi luôn dùng mục đích An làm chuẩn. Nếu trong qúa trình phát triển mà chúng tôi không chuyển hóa được bất An thành An, thì chúng tôi sẽ dừng mục đích đó lại, và chuyển qua mục đích khác.
Vì sao?
Vì chúng tôi nhận thức được rằng, nếu trong quá trình phát triển mục đích đã là bất an thì cái kết quả sẽ là bất an, không thể nào khác. Nếu như bạn có kinh nghiệm trong qúa trình phát triển, bạn sẽ nhận thấy, quá trình sẽ quyết định cái quả là gì, chứ không phải từ cái Nhân hay mục đích là gì.
Đời sống của chúng ta có vô vàn mục đích để chọn, nhưng mục đích chỉ là sự hy vọng chứ chưa phải là kết quả. Kết quả mà chúng ta có được là do có quá trình phát triển tiếp theo.
Nếu không có quá trình này, dù cho, cái nhân hay mục đích kia có đẹp bao nhiêu, cũng vô dụng. Vì sao? Vì giống như bạn đem một hạt giống tốt, bỏ vào trong một cái chai, không đất, không nước, không không khí, thì cái nhân đó bạn để cả trăm năm, nó vẫn là nhân mà không bao giờ có quả.
Nhưng phần đông chúng ta, khi thực hiện mục đích qua quá trình phát triển, chúng ta lại đặt vào sự hy vọng, thay vì là An. Cho nên, trong quá trình, chúng ta đã gặp rất nhiều bất an đến từ hy vọng.
Nếu chúng ta may mắn thành công, và sự thành công đó, đòi hỏi chúng ta phải trải qua biết bao gian nan trong qúa trình phát triển, thì khi đạt được, chúng ta càng muốn giữ gìn thành quả đó, lâu dài hơn. Thay vì, chúng ta đạt được cái An khi đã đạt được mục đích, thì chúng ta lại đạt được sự lo âu vì sợ thành quả bị mất trong tương lai.
Rõ ràng, trong quá trình, chúng ta đã có bất an, nên cái thành quả mà chúng ta đạt được cũng chỉ là bất an, chứ đâu thể là An kéo dài như chúng ta mong muốn.
Các nhà tỷ phú ngày nay, tuy họ là người giầu nhất hành tinh, thì sao? Điều cuối cùng bây giờ họ vẫn đang khao khát đi tìm, đó chính là An.
Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, lúc nào cũng đau đáu lo sợ có một ngày đế chế Amazon sẽ sụp đổ trong tương lai. Mark Zuckerberg, ông chủ của facebook, đang đau đầu với hệ thống bảo mật về những thông tin của cá nhân đang bị rò rỉ, và bị kiện tụng.
Trong những lần phỏng vấn họ, cả hai vẫn đang khao khát đi tìm cái An cho chính mình và gia đình mình.
Đặc biệt, tỷ phú Steve Jobs, là cha đẻ của Apple mà ít ai trong chúng ta xa lạ, đã qua đời vào năm 2011, vì căn bệnh ung thư tuyến tụy, khi ông mới 56 tuổi. Trước khi qua đời, ông có để lại một lá tâm thư với nội dung như sau:
“Tôi đạt đến đỉnh cao của sự thành công trong thế giới kinh doanh. Trong mắt của người khác, cuộc sống của tôi là một mẫu mực của sự thành công.
Tuy nhiên, ngoài công việc, tôi có rất ít niềm vui. Cuối cùng, sự giầu có, chỉ là một thực tế của cuộc sống mà tôi phải làm quen với nó.
Tại thời điểm này, nằm trên giường bệnh và nhớ lại toàn bộ cuộc sống của tôi, tôi nhận ra rằng, tất cả các công nhận và sự giầu có, mà tôi mất rất nhiều nhiều năm tháng tuổi trẻ để có niềm tự hào đó, đã dần và trở nên vô nghĩa, khi đối mặt với cái chết sắp xảy ra.
Bạn có thể thuê ai đó làm người lái xe cho bạn, kiếm tiền cho bạn, nhưng bạn không thể có một người nào đó phải chịu bệnh tật cho bạn.
Vật chất bị mất có thể được tìm thấy. Nhưng có một điều mà không bao giờ có thể được tìm thấy khi nó bị mất – “Cuộc Đời Bạn”.
Cho dù, giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đang ở có huy hoàng tới mức nào, với sự tàn phá của thời gian, chúng ta sẽ phải đối mặt với những ngày đi xuống trầm trọng.
Hãy trân trọng tình yêu cho gia đình bạn, tình yêu dành cho người bạn đời của bạn, tình yêu cho bạn bè…
Hãy đối xử tốt với bản thân. Hãy trân trọng những người khác.
Khi chúng ta già đi, cũng là lúc chúng ta trở nên khôn ngoan hơn với cuộc đời, từ đó mà dễ dàng nhận ra:
Một chiếc đồng hồ mệnh giá 300 USD hay 30 USD, thì suy cho cùng, kim giờ kim phút cũng chỉ cùng một thời gian.
Một chiếc túi xách mệnh giá 300 USD hay 30 USD, thì suy cho cùng, số tiền bên trong đều có cùng giá trị như nhau.
Một chiếc xe ô tô mệnh giá 150.000 USD hay 30.000 USD, thì suy cho cùng, con đường, khoảng cách và địa điểm cuối cùng chúng ta đi đều giống nhau.
Một chai rượu vang mệnh giá 300 USD hay 10 USD, thì suy cho cùng, say rượu vẫn chỉ là đau đầu và nôn mửa.
Một ngôi nhà rộng 300 hay 3000 mét vuông, thì suy cho cùng, nỗi cô đơn có thế nào vẫn cứ tồn tại.
Một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc thực sự không đến từ vật chất.
Cho dù bạn chọn ghế hạng nhất hay hạng phổ thông thì khi máy bay hạ cánh, bạn cũng phải bước xuống.
Vì vậy, tôi hy vọng bạn nhận ra, khi nào bạn còn có bạn bè, người thân bên cạnh để cùng trò chuyện, nói cười, vui vẻ đàn hát với nhau, tám đủ thứ trên trời dưới biển… thì lúc ấy là lúc bạn có hạnh phúc thực sự”.
Ai dám bảo, cuộc đời của Steve Jobs không có mục đích. Ai dám bảo, cuộc đời ông không thành công, không có danh vọng hay tiền bạc.
Nhưng lời tâm sự cuối cùng của ông, đó chính là cái An Vui hạnh phúc mà chúng ta đang có, mà ông, cũng như chúng ta đã không biết lựa chọn trong qúa trình phát triển. Để rồi, khi một sự cố xẩy ra cho Steve Jobs, khi ông không còn sống được lâu hơn để thay đổi, thì những nhận thức sâu sắc này, chỉ còn lại trong ông là một sự hối tiếc, vì đã quá muộn khi không thể hoàn thành.
Chúng ta đang còn sống đây, chúng ta có nhận thức và biết chọn lựa lại cho đúng không? Hay chúng ta cũng sẽ như Steve Jobs, khi đến cuối đời, chỉ còn để lại một sự hối tiếc, không thể hoàn thành.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể áp dụng mục đích An trong đời sống hàng ngày?
Muốn áp dụng mục đích An, chúng ta phải có một vài điều phải tuân theo, chúng ta tạm gọi là kỷ luật (kỷ = chính mình, luật=những điều phải tuân theo) như sau:
Bất cứ khi nào, dù ở trong hoàn cảnh hay môi trường nào, khi bạn cảm thấy khó chịu=bất an thì bạn phải hỏi lại mục đích của bạn sống có phải là An không?
Nếu bạn xác định rõ ràng mục đích của bạn là An, như vậy, khi bạn bất an, có nghĩa là bạn đang đi ngược lại mục đích của bạn. Cho nên, bạn phải đi tìm nguyên nhân gây ra bất an cho bạn để giải quyết.
Khi đi tìm nguyên nhân, bạn không nên hỏi: Làm Sao để giải quyết sự bất an?, mà bạn phải hỏi: Tại Sao bạn bất an?, và câu hỏi Tại Sao này, được hỏi lập đi lập lại, cho đến khi bạn tìm ra được gốc rễ gây ra bất an.
Trong qúa trình hỏi Tại Sao nhiều lần, bạn sẽ dùng hai chữ Tại Sao đặt trước, rồi kèm theo với nội dung của câu trả lời trước đó là gì.
Sau khi, bạn đã tìm được gốc rễ gây ra cho bạn bất An, bạn mới bắt đầu dựa vào gốc rễ của vấn đề gây ra cho bạn bất An, và hỏi Làm Sao bạn giải quyết vấn đề này.
Trong qúa trình tìm ra các giải pháp, chắc chắn, bạn sẽ rơi vào một việc khá khó xử, đó là, bạn có rất nhiều giải pháp để giải quyết sự bất An của bạn, và bạn không biết phải chọn giải pháp nào cho thích hợp hay tốt nhất.
Vì vậy, bạn cần thực hành thêm 3 bước như sau:
So sánh: với phương pháp này, bạn đem những giải pháp để so sánh với nhau xem cách giải quyết có ưu và khuyết điểm gì.
Phân Tích: sau khi bạn phân loại ưu và khuyết, bạn bắt đầu phân tích về hậu quả và kết quả của từng giải pháp, cũng như phân tích lợi và hại của từng giải pháp.
Sắp xếp theo thứ tự quan trọng: Khi bạn đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu, cách thức giải quyết theo ưu, khuyết, hậu quả, kết quả, lợi và hại xong, bạn phải sắp xếp lại thứ tự, cái nào tốt nhất, có lợi nhiều, hại ít lên trước, sau đó, cứ tuần tự cho đến giải pháp cuối cùng.
Khi đã sắp xếp xong thì bạn chọn thời gian để ứng dụng những giải pháp nhanh nhất có thể.
Khi hoàn tất những phương pháp này thì bạn sẽ chuyển hóa được trạng thái bạn đang bất An, thành An.
Dĩ nhiên, nếu bạn chưa quen, bạn sẽ thấy, bạn tốn rất nhiều thời gian, và phiền phức; vì chúng ta hay có thói quen lười biếng. Nhưng nếu bạn thật sự muốn cuộc đời của bạn có An kép dài, bạn cần phải thực tập trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào, trong khoảng từ 1 tháng đến ba tháng, thì phương pháp đó sẽ trở thành một thói quen.
Khi đã trở thành thói quen rồi, bạn sẽ có “phản xạ tự nhiên”, mà không cần phải để ý vào trình tự hay cách thức vận hành như lúc đầu.
Có một vấn đề mà chúng tôi nên lưu ý bạn, đó là bạn nên xem lại định nghĩa An của bạn như thế nào? Vì bạn định nghĩa ra sao, thì bạn sẽ dựa trên định nghĩa đó để tư duy, và từ sự tư duy đó, bạn mới hành xử.
Phần đông chúng ta hay có sự nhầm lẫn giữa cái An tạm thời là cái An kéo dài. Thông thường, khi giải quyết một vấn đề, nếu chúng ta chỉ đi tìm phương pháp, mà không tìm gốc rễ trước, thì phương pháp giải quyết của chúng ta sẽ chỉ có An tạm thời, nghĩa là, An trong một giai đoạn ngắn, rồi sau đó, chúng ta có vô số hậu quả từ phương pháp giải quyết đó, khiến chúng ta rơi vào sự bất an lâu dài.
Cho nên, muốn đạt được cái An lâu dài, chúng ta phải tìm được nguyên nhân của sự bất an, và quan trọng nhất là phải tìm được gốc rễ. Nếu không, chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn, thì khi gốc rễ phát triển, chúng ta lại tiếp tục rơi vào sự bất an như thường.
Chúng tôi không phải sinh ra được thiên phú đặc biệt gì. Chúng tôi cũng không phải là cao tăng đắc đạo có thể đạt đến An Tịnh Vĩnh Viễn. Chúng tôi cũng không phải là những diễn giả, đi thuyết phục bạn, hãy tin theo phương pháp của chúng tôi.
Chúng tôi cũng chỉ là người bình thường như bạn. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn đối diện với An và bất An liên tục. Chỉ có điều may mắn, chúng tôi vì muốn có An kéo dài, nên tự học cách giải quyết, và chia xẻ lại với bạn.
Nếu bạn thấy những chia xẻ của chúng tôi thích hợp với bạn thì bạn lấy đó để tham khảo, và tự hoạch định lại, sao cho thích hợp cho bạn là được.
Còn nếu như, không thích hợp với bạn thì bạn cứ sống như những gì đang xẩy ra với bạn là đủ.