TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN
TẢI MP3 – QUẢNG BẢO TÂM
TẢI MP3 – QUẢNG BẢO TÂM (HUẾ)
Bạn Thân Mến,
Ai trong chúng ta cũng không xa lạ gì với câu ca dao này: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Nhưng hỏi ra sao, và học ra sao lại là những vấn đề.
Nếu chúng ta không cẩn thận trong việc đặt đúng câu hỏi thì không những chúng ta không thể đạt được kết quả, mà lắm khi, còn tạo ra rất nhiều hậu quả.
Có một người vừa mới chia tay người yêu, và trong lòng đầy những muộn phiền, oán trách. Nếu người này muốn giải quyết được những muộn phiền này, thì người đó phải biết cách đặt đúng câu hỏi để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Nếu không, thì người đó sẽ chỉ làm tăng thêm sự oán trách, và có thể dẫn đến sự thù hận dai dẳng cả cuộc đời.
Thay vì, người đó hỏi Tại Sao tôi buồn, thì người đó hỏi làm sao tôi giải quyết sự buồn phiền này.
Chúng ta hãy dùng thí dụ để minh họa.
Làm sao tôi có thể quên đi được nỗi buồn này?
Khi Ý Thức của chúng ta nhận được câu hỏi này thì ít nhất chúng ta cũng có ba đến năm câu trả lời:
- Mượn rượu giải sầu
- Dùng chất khích thích để không suy nghĩ
- Đi bôi nhọ, nói xấu người đó cho họ đau khổ
Qua những câu trả lời này, chúng ta sẽ thấy gì?
Rõ ràng, không có cách giải quyết nào mang đến cho chúng ta được cái chúng ta muốn là quên được. Cho dù, chúng ta có làm cả ba cách giải quyết cùng một lúc thì cũng bằng không. Ngược lại, chúng ta càng dùng chung nhiều cách thức thì chúng ta càng tạo ra nhiều hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu sau này.
Nếu mượn rượu giải sầu, mà nếu sầu kia không giải được, thì chúng ta dần trở thành con sâu rượu, chúng ta bị nghiện rượu, và cuối cùng, chúng ta làm cho gan của chúng ta bị sơ cứng. Chúng ta không phải chỉ khổ về Tâm, mà chúng ta còn khổ về thân nữa.
Tệ hại hơn, nếu chúng ta dùng những chất khích thích để “phê” đi Ý Thức, thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta sẽ thành con nghiện. Khi đã thành con nghiện thì sự đòi hỏi về thuốc càng lúc càng gia tăng, vì cơ thể của chúng ta đã quen với những “đô” trước đó. Cho dù, chúng ta có núi vàng cũng không thể cung phụng cho những cơn nghiện này, huống chi, tài chính của mỗi cá nhân thường có giới hạn.
Cuối cùng, vì không đủ tài chính cung phụng cho cơn nghiện, chúng ta sẽ đi ăn trộm, hay ăn cướp, để cung phụng cho cơn nghiện, và cuối cùng, cuộc đời của chúng ta sẽ gắn liền với những song sắt trong nhà tù.
Đó là chưa kể, khi sử dụng qúa nhiều chất khích thích thì hệ thống thần kinh và các cơ quan nội tạng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, khiến cho những suy nghĩ của chúng ta sẽ mông lung, không thực tế; hay sự xáo trộn của các tế bào và cơ quan tạo ra những chứng bịnh nan y.
Nếu như đi bôi nhọ, nói xấu người kia, cho họ khổ, thì có chắc gì là họ khổ không? Hay đôi khi, người kia còn coi thường, và càng giúp họ khẳng định lý do họ bỏ chúng ta là chính xác. Không những họ không đau khổ, mà còn vui mừng vì họ vừa thoát được “món nợ”, khi phải dính với chúng ta cả đời.
Đi bôi nhọ và nói xấu người kia, không những làm hạ phẩm giá con người của mình, mà còn tiếp tục khích thích những nguồn năng lượng tiêu cực trong Ngã Thức trở nên mạnh mẽ hơn. Khi những nguồn năng lượng này kết hợp với nhau thành nguồn năng lượng “không tên” thì những nguồn năng lượng này sẽ làm tê liệt Ngã Thức, và lúc đó, càng muốn quên lại thành càng nhớ.
Tai hại nhất là, khi nguồn năng lượng “không tên” này có mặt, thì luôn sử dụng những ý niệm tàn ác, độc hại, không những gây ra nguy hiểm đến tính mạng cho người và cho mình.
Qua thí dụ nêu trên, chúng ta thấy được sự nguy hiểm, khi chúng ta không biết đặt câu hỏi một cách chính xác, hay rõ ràng.
Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi như thế nào mới đúng cách?
Muốn tìm ra nguyên nhân giải quyết một vấn đề thì chỉ có câu hỏi Tại Sao mới giúp chúng ta tìm ra được gốc rễ. Nếu chúng ta chưa, hay ít sử dụng câu hỏi Tại Sao, thì chúng ta cũng nên suy nghĩ lại.
Hãy dùng câu hỏi trong thí dụ nêu trên làm minh họa.
Tại sao tôi buồn?
Tôi buồn vì tôi mới bị người yêu bỏ
Tại sao người yêu lại bỏ?
Vì người đó nói không hợp với tôi
Tại sao lại không hợp?
Vì tôi hay nổi giận khi người kia không làm theo ý tôi
Tại sao lại nổi giận khi người kia không làm theo ý?
Vì nếu không làm theo ý tôi thì tôi sẽ trở nên yếu đuối trong mắt người đó
Vậy thì yếu đuối trên lĩnh vực nào?
Trên lĩnh vực tài chính vì tôi không làm ra nhiều tiền
Tại sao lại không làm ra nhiều tiền?
Vì tôi không có tài năng
Tại sao không có tài năng?
Vì tôi lười biếng.
Nếu chúng ta dừng lại ở đây, thì chúng ta thấy gốc rễ từ nỗi buồn, không phải vì chia tay người yêu, mà bắt nguồn từ sự lười biếng.
Khi biết được gốc rễ rồi, thì mới hỏi Làm Sao giải quyết được sự lười biếng này, và đi giải quyết.
Như vậy, qua cách đặt câu hỏi Tại Sao, chúng ta không những có thể tìm ra được nguyên nhân gây ra nỗi buồn, mà chúng ta còn hiểu được chúng ta một cách sâu sắc hơn.
Qua câu hỏi tại sao, chúng ta thấy hoàn toàn không liên quan gì đến việc người yêu bỏ chúng ta mà chúng ta buồn, nguyên nhân chính là sự lười biếng của chúng ta khiến cho chúng ta không chịu học hỏi, nên không có khả năng tạo ra tài chính, rồi sinh ra tự ty, và muốn che dấu sự tự ty, nên hay nổi giận với người yêu, khiến người đó không chịu được nữa, mới chia tay.
Như vậy, người yêu chia tay không phải là tác nhân chính, mà sự lười biếng mới là tác nhân chính. Cho nên, hình ảnh người yêu không cần phải quên cũng tự động không xuất hiện; vì đó không phải là đối tượng tạo ra nỗi buồn, mà nỗi buồn là hậu quả của sự lười biếng.
Qua hai thí dụ trên, chúng ta thấy được sự khác biệt trong cách đặt câu hỏi như thế nào để giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta đặt sai câu hỏi, thì đó chính là lỗi của chúng ta, chứ không phải của ai khác.
Nhân tiện đây chúng ta cũng nên tìm hiểu hai chữ hiểu và biết khác nhau như thế nào? Nếu bạn để ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy, ở đây, ông cha chúng ta đã rất tinh tế khi diễn tả về những trải nghiệm của các cụ. Trong câu này, chúng ta không thấy ông cha chúng ta dùng từ “muốn hiểu” mà lại dùng là “muốn biết”. Vậy hiểu là gì, và biết là gì?
Phần đông chúng ta hay lầm lẫn giữa hai chữ này. Chữ Hiểu có nghĩa là, khi chúng ta nghe một điều gì mà chưa có kinh nghiệm trải qua thì gọi là hiểu. Còn chữ Biết là chúng ta đã nghe qua và cũng đã trải qua, chúng ta có kinh nghiệm về việc đó rồi thì gọi là biết.
Như vậy, khi ông cha chúng ta dùng từ “muốn biết” có nghĩa là khuyên chúng ta phải trải qua, phải thực hành và phải có kinh nghiệm (biết) đặt câu hỏi cho đúng cách thì mới giải quyết được vấn đề, chứ không phải chỉ nghe, hiểu, rồi không làm gì hết với cái hiểu của mình.
Nếu như chúng ta chưa thực hành được, hay chưa có kinh nghiệm thì phải đi tìm những người có kinh nghiệm, họ đã trải qua rồi, hỏi họ, và nhờ họ dùng kinh nghiệm của họ để giúp cho mình, chứ đừng nên đi tìm người không có kinh nghiệm đã trải qua, hay chỉ mới nghe, hiểu, rồi đưa ra lời khuyên mà tin theo và làm theo.
Đó chính là ý nghĩa của câu “muốn biết thì hỏi”.
Vậy còn “muốn giỏi thì học” có ý nghĩa gì?
Đơn giản, ai trong chúng ta cũng có thể nghĩ ra là chúng ta muốn giỏi thì chúng ta phải học hỏi nhiều. Nhưng học nhiều cũng chưa chắc là giỏi, vì trong học có cả ngàn cách học.
Có cách học thuộc lòng, có cách học suy luận, có cách học trải nghiệm.v.v. vậy cách học nào mới giúp cho chúng ta giỏi?
Muốn học giỏi thì chúng ta cần phải có phương pháp.
Chúng tôi còn nhớ thời khi đi học đại học. Ngày khai giảng, vị giảng sư cho chúng tôi biết loại sách giáo khoa nào chúng tôi cần.
Với những ngày đầu, hầu như tất cả các sách giáo khoa sẽ là phần giới thiệu. Hơn nữa, vị giảng sư vì muốn làm quen với học sinh, nên cũng không quá đi sâu vào chi tiết, cho nên, đa số những ngày đầu này với sinh viên là sướng nhất, vì ít phải học bài.
Nhưng với chúng tôi thì lại hoàn toàn khác. Chúng tôi lại rất “bận rộn” trong việc đọc trước một chương (chapter). Chúng tôi bắt đầu đọc lướt qua xem có thể hiểu được bao nhiêu, và những chỗ không hiểu thì ghi lại những câu hỏi.
Đến khi vào lớp và khi giảng sư giảng bài, trong khi, các bạn khác chăm chú nghe và ghi chép, thì chúng tôi vì đã có kinh nghiệm đọc qua, nên chỉ chú trọng vào những câu hỏi mà chúng tôi ghi lại, và hỏi vị giảng sư. Nhờ vậy, chúng tôi luôn hiểu được bài một cách trọn vẹn nhất.
Phương pháp mà chúng tôi áp dụng vô cùng đơn giản. Nghĩa là, khi có được sách giáo khoa thì chúng tôi bỏ chút thời gian ra đọc ngay chương đầu. Vì không bị thời gian “thúc hối” nên Ý Thức của chúng tôi có thể thoải mái phân tích và đào sâu vào vấn đề.
Nếu vấn đề đó chúng tôi đã có kinh nghiệm thì không phí thời gian vào đó, ngược lại, chúng tôi sẽ chú trọng vào những vấn đề chưa hiểu được, và chọn ra những câu hỏi chính xác để tìm ra đáp an cho câu hỏi. Sau đó thì ghi lại những câu hỏi đó trong một cuốn sổ.
Chính vì nhờ có sự chuẩn bị trước, nên tất cả những chủ đề được giảng sư giảng, chúng tôi như được “ôn lại” trong khi các bạn khác thì mới học. Cho nên, chúng tôi hiểu rõ hơn, và những phần chưa hiểu rõ, chúng tôi cũng đã có sẵn những câu hỏi chọn lọc để hỏi vào chi tiết.
Nhiều giảng sư cũng rất ngạc nhiên và cho rằng chúng tôi thông minh, vì thường đặt những câu hỏi khó cho họ, nhưng họ lại rất hứng thú vì chủ đề của họ có đứa học trò biết “thưởng thức”, nên thường, họ có những “cảm tình” đặc biệt với chúng tôi. Nhưng bạn biết, chúng tôi chẳng có thông minh gì cả, mà chỉ biết dùng phương pháp học đúng đắn mà thôi.
Sau khi đặt những câu hỏi và được giảng giải xong thì chúng tôi ghi lại những lời giảng giải đó dưới phần các câu hỏi.
Đến kỳ thi giữa khóa hay cuối mùa thì chỉ cần đọc lại những câu trả lời đã được giảng sư giải thích mà không cần phải đọc lại cả một cuốn sách dầy, với cả lô chữ với thời gian thúc bách.
Y như rằng, hầu như hơn 90% những đề thi thường “lọt” vào trong những cuốn sổ mà chúng tôi ghi lại.
Với phương pháp học này, chúng tôi chỉ tốn thời gian lúc ban đầu đọc lướt qua chương đầu, và sau đó, đặt ra những câu hỏi. Và khi các bạn bắt đầu học chương đầu thì chúng tôi lại đọc lướt chương hai và đặt câu hỏi.
Chính nhờ cách học có phương pháp này, giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian ôn thi, chủ động trong việc học, và quan trọng nhất là, chúng tôi sử dụng Ý Thức để đào sâu và hiểu trọn vẹn được những gì chúng tôi đang học một cách rõ ràng.
Dĩ nhiên, mỗi người trong chúng ta ai cũng có cách học riêng. Nhưng muốn giỏi thì sự học hỏi của chúng ta phải hướng về chiều sâu và cần có sự kiểm nghiệm và thực nghiệm để hiểu đúng sự thật.
Nếu không, chúng ta sẽ không thể ứng dụng những gì chúng ta học được một cách tinh tế nhất.