album-art

00:00

TẢI MP3 – ÁNH TUYẾT

Bạn Thân Mến,

Ai trong chúng ta, cũng có cái muốn và cái cần trong cuộc sống, nhưng làm sao để đạt được cái muốn, lại là một đề tài khiến chúng ta phải động não. Vì sao?

Vì sức người thì giới hạn mà cái muốn thì lại vô cùng. Đem cái giới hạn của con người, để đuổi theo cái vô hạn của ham muốn, thì quả thật là việc làm vô cùng mệt mỏi, và gần như vô vọng, hay hoang tưởng. Cho dù, chúng ta có cả ngàn kiếp đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không thể nào đạt được đến cái vô hạn của muốn cả.

Lá điện thư này, gởi đến cho chúng tôi liên quan đến những thắc mắc về hai chữ muốn và cần như sau:

Chào anh/chị,

Những ngày gần đây, em có tham gia khóa học về luật hấp dẫn (law of attraction), trong đó, diễn giả đã đề cập đến hai chữ muốn và cần.

Theo diễn giả, con người của chúng ta, đều không biết ứng dụng hai chữ muốn và cần đúng cách. Trong một thí dụ về muốn và cần, diễn giả đã đưa ra một câu hỏi là, khi chúng ta đói thì chúng ta sẽ nói thế nào? Chúng ta muốn ăn hay chúng ta cần ăn.

Theo ông, chắc chắn, chúng ta sẽ nói chúng ta cần ăn vì cần là điều kiện bắt buộc phải thực hiện, nếu không chúng ta sẽ chết vì thiếu dinh dưỡng.

Còn cái muốn thì chỉ có 50%, nghĩa là, có cũng được và không có cũng được. Cho nên, nếu chúng ta muốn có tài chánh dồi dào, giầu có, thì chúng ta phải biết dùng đúng ngôn ngữ, đó là, chúng ta phải nói: “chúng ta cần tiền”, chứ không nên nói “chúng ta muốn tiền”.

Theo như diễn giả trình bày, khi sử dụng chữ cần sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Nguồn năng lượng đó, không qua ý thức của chúng ta, mà đi vào trong tiềm thức của chúng ta.

Sau đó, tiềm thức của chúng ta sẽ lắng nghe những cái mong muốn của chúng ta, và sẽ gửi cái thông điệp đó đến vũ trụ, đến với siêu nhiên, để vũ trụ và siêu nhiên chuyển hóa lại, hay tiến hành cái điều mà chúng ta mong muốn, rồi gửi điều đó đến cho chúng ta.

Cũng theo như diễn giả, thì đây chính là những điều bí mật để thu hút tiền bạc, vật chất, tài chính cho mình.

Sau đó, diễn giả trình bầy điều bí mật thứ hai, liên quan đến Phật giáo, và cho rằng, trong đạo Phật, vốn không có cái tôi, cho nên, nếu chúng ta cần tiền, thì chúng ta cần phải loại bỏ chữ tôi và chữ cần, mà chỉ còn lại là có tiền, thí dụ như: “tôi cần có tiền” thành “có tiền”, là đủ.

Trong khi, em đọc bài “Hậu Quả Và Kết Quả” trong Mỗi Ngày Một Chuyện, thì em thấy cách anh chị nói về hai chữ Muốn và Cần lại hoàn toàn khác biệt.

Em thật sự rất hoang mang, không biết đâu mới là đúng sự thật. Chính vì vậy, em mới mạo muội, viết đôi dòng gởi đến anh/chị, mong anh chị có thể nhín chút thời gian quý báu để giải đáp dùm cho em. Em thật sự rất mang ơn anh chị.

Cuối thư, em chúc anh chị có một ngày luôn an bình và hạnh phúc.

Thân kính,

H.S

Chào bạn H.S,

Nói đến luật hấp dẫn thì chúng tôi cũng có nghiên cứu khá sâu, nhưng chưa kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm về lĩnh vực tài chính, hay làm ra nhiều tiền của, nên chúng tôi không có thể chia xẻ với bạn là làm như thế nào mới đạt được kết quả.

Nhưng vì chủ đề của bạn có liên quan đến hai chữ muốn và cần, mà chúng tôi đã có trải nghiệm qua, cho nên, chúng tôi chỉ hồi âm lại cho bạn, vấn đề liên quan đến hai chữ này mà thôi.

Nói đến hai chữ “cần” và “muốn” thì rất khó, bởi vì, mỗi chúng ta đều có sự diễn dịch về định nghĩa khác nhau. Có đôi khi, chúng ta diễn dịch hai chữ đó lộn nghĩa với nhau. Thay vì, đó là định nghĩa của cần thì chúng ta lại diễn dịch là của muốn, và ngược lại.

Trong bài Chín Thức, chúng tôi đã phân chia chức năng của mỗi thức khá chi tiết. Cho nên, nếu bạn muốn hiểu đúng định nghĩa của muốn và cần thì bạn nên đọc kỹ lại bài viết đó.

Trong Tâm Lý học, định nghĩa của Cần là nguồn năng lượng diễn đạt cho trạng thái điều kiện phải có, để thực hiện một điều gì đó; và định nghĩa của Muốn cũng là nguồn năng lượng, diễn đạt cho trạng thái khao khát không có không được.

Thí dụ, bạn đi mua sắm và thấy chiếc áo đẹp, bạn muốn chiếc áo đó thì bạn cần phải có đủ tiền để mua chiếc áo đó. Cho nên, cần chỉ xuất hiện khi có mặt của muốn, nếu không có mặt của muốn, thì cần khó mà có thể tự mình vận hành độc lập được.

Trong thí dụ mà diễn giả đưa ra, khi bạn đói bụng thì bạn muốn ăn, hay cần ăn, và diễn giả cho rằng, bạn phải cần ăn, vì đó là điều kiện bắt buộc, nếu không, bạn sẽ chết.

Nhưng nếu bạn quan sát và nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy, trước khi bạn có ý niệm cần ăn, thì bạn đã có cái ý muốn sống khởi động trước đó rồi, nếu như bạn không muốn sống, thì bạn đâu cần ăn để làm gì, có phải không?

Có lẽ, diễn giả khi đưa ra thí dụ này, chỉ nhìn trên góc độ là chúng ta đang muốn sống, nên chúng ta phải cần ăn để sống, nhưng nếu đã bàn đến bí mật của vũ trụ, thì những lý luận của diễn giả, chỉ mới trình bầy được một nửa về bí mật của vũ trụ, còn một nửa kia, thì chưa thấy trình bầy đến.

Có một điều mà hình như diễn giả đã có sự diễn dịch lầm lẫn giữa định nghĩa của chữ Muốn và chữ Thích.

Định nghĩa của chữ Thích là nguồn năng lượng diễn tả trạng thái có cũng được, và không có cũng được.

Thí dụ, bạn đi mua sắm trong một cửa hàng, bạn thấy chiếc áo khá xinh xắn, và bạn thích chiếc áo đó. Sau khi đi dạo một hồi, bạn đi về nhà, và mấy ngày sau, bạn quên hoàn toàn chiếc áo mà bạn thích. Vì đối với bạn, có chiếc áo đó cũng tốt, mà không có chiếc áo đó cũng không sao.

Ngược lại, nếu là bạn muốn chiếc áo đó, bạn sẽ làm đủ mọi cách để bạn có được chiếc áo đó. Nếu như bạn có đủ tiền, bạn sẽ mua ngay chiếc áo đó, mà không cần phải suy nghĩ.

Nếu bạn không có đủ tiền, lúc đó, bạn mới khích hoạt đến cái cần, là những điều kiện nào, giúp cho bạn có tiền để mua chiếc áo đó như: nhịn ăn sáng, nhịn ăn trưa, đập heo tiền tiết kiệm, hay vòi vĩnh người khác mua cho.

Tệ hại hơn, khi sự muốn của bạn dâng trào, mà bạn lại không có tiền, thì bạn cũng có thể ăn cắp chiếc áo đó, mặc dù, ý thức của bạn đã phân tích cho bạn, những hậu quả mà bạn sẽ phải gánh chịu, khi bạn ăn cắp và bị bắt.

Nhưng với sự tác động mạnh mẽ của muốn với tham thì nguồn năng lượng tham muốn này, sẽ khống chế Ngã Thức của bạn, và sử dụng Ý thức để phân tích những thủ thuật ăn cắp tinh vi hơn, hay đưa ra những phỏng đoán như: không ai thấy, không bị bắt, v.v., chứ không bao giờ chọn sự phân tích là bạn bị bắt, và sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc đời sau này của bạn.

Rõ ràng, khi bạn thích, thì ở đó không có sự khích hoạt đến yếu tố cần. Nhưng khi bắt đầu bạn khởi ý niệm muốn, thì lúc đó, cần mới trở nên là điều kiện phải có, để đạt được cái muốn.

Điều này thì không có gì mới lạ cả, vì ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm hay trải qua, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và nhìn sâu một chút, thì chúng ta sẽ thấy được điều này rất rõ ràng, mà không cần phải có người dậy dỗ chúng ta mới biết cần và muốn như thế nào.

Chỉ có điều, chúng ta ít sử dụng đến sự quan sát và nhìn sâu, cho nên, chúng ta đã diễn dịch lầm lẫn giữa thích, muốn và cần. Nhất là muốn và cần, cái nào là nhân và cái nào là quả.

Lầm lẫn trong việc nhận qủa làm nhân, và lầm nhân làm qủa, thì chẳng bao giờ chúng ta đạt được những gì chúng ta muốn.

Như vậy, nếu bạn bị eo hẹp về tài chánh, mà muốn có dư dả thì bạn phải muốn chứ bạn không thể cần được. Bạn có thấy ai nói tôi cần dư dả đâu, mà chỉ nói, tôi muốn dư dả thôi. Vì sao?

Vì khi bạn muốn dư dả thì bạn mới cần phải tiết kiệm, làm việc siêng năng, v.v., đó là những điều kiện để hoàn thành cái muốn dư dả, có phải vậy không?

Còn trong đoạn; “… khi sử dụng chữ cần sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Nguồn năng lượng đó, không qua ý thức của chúng ta, mà đi vào trong tiềm thức của chúng ta.

Sau đó, tiềm thức của chúng ta sẽ lắng nghe những cái mong muốn của chúng ta, và sẽ gửi cái thông điệp đó đến vũ trụ,

đến với siêu nhiên, để vũ trụ và siêu nhiên chuyển hóa lại, hay tiến hành cái điều mà chúng ta mong muốn, rồi gửi điều đó đến cho chúng ta.”

Ở đây hình như diễn giả chưa có nhiều kinh nghiệm về các chức năng của các thức nhất là Tiềm Thức, Ý Thức và Ngã Thức. Cho nên, diễn giả đã diễn dịch không chính xác được sự vận hành của vũ trụ.

Trong chín thức thì ngôn ngữ của Ý Thức là lời nói và chữ viết, Tiềm Thức là hình ảnh, và chỉ có Thân Thể Thức và Ngã Thức mới có ngôn ngữ là năng lượng, tương đồng với ngôn ngữ của vũ trụ.

Cho nên, nếu muốn tương thông với vũ trụ thì chỉ có Ngã Thức và Thân Thể Thức mới có cùng ngôn ngữ với vũ trụ. Nhưng vì Thân Thể Thức tạo ra năng lượng để duy trì sự sống cho con người, nên ít khi nào Thân Thể Thức gởi trực tiếp nguồn năng lượng, hay tương tác với vũ trụ, mà thường sẽ tương tác với nguồn năng lượng của Ngã Thức, rồi Ngã Thức mới trực tiếp tương tác với vũ trụ.

Thí dụ, thân thể của bạn đang bị đói nên các bộ phận trong cơ thể mới tác động đến Thân Thể Thức. Thân Thể Thức lúc đó, mới tương tác với Ngã Thức là thân thể cần thức ăn.

Nếu bạn đang sống trong môi trường, mà bạn có những quán ăn, hay có thực phẩm dự trữ, thì Ngã Thức của bạn sẽ ra lệnh cho Ý Thức đi phân tích, so sánh, bạn nên làm gì để giải quyết cơn đói.

Sau khi Ý Thức phân tích là bạn phải đi vo gạo, nấu cơm, làm thịt, làm cá, v.v. thì Ý Thức mới gởi các phương pháp giải quyết về kho Ngã Thức trong Tiềm Thức. Ngã Thức sau khi nhận được những cách thức của Ý Thức, thì mới bắt đầu đưa ra lựa chọn xem Ngã Thức đang muốn gì.

Nếu lúc đó Ngã Thức đang mê coi phim thì Ngã Thức sẽ không cung cấp những dữ liệu phân tích của Ý Thức cho Thân Thể Thức đi giải quyết cái đói, mà sẽ ép Thân Thể Thức tiếp tục ngồi mở mắt ra cho Ngã Thức coi phim.

Thân Thể Thức khi có sự phản hồi từ Ngã Thức, là đói thì mặc đói, cứ ngồi coi phim, thì Thân Thể Thức mới tác động đến não bộ và các cơ quan hoạt động theo chỉ thị của Ngã Thức.

Khi các cơ quan của Thân Thể Thức đã hoạt động qúa tải, thì các cơ quan báo về Thân Thể Thức, và Thân Thể Thức ra lệnh cho các cơ quan ngừng hoạt động.

Lúc đó, Ngã Thức không có mắt mở ra để coi phim, hay vì cái đói, gây ra mờ cả mắt, không xem được phim, thì lúc đó, Ngã Thức mới đưa ra phương pháp đi giải quyết cái đói của thân thể.

Thân Thể Thức sau khi nhận được những cách giải quyết từ Ý Thức xuyên qua Ngã Thức, mới bắt đầu tác động lên não bộ, và hệ thống thần kinh, để điều khiển tay, chân, hay thân thể, đi thực hiện nấu ăn, và ăn thức ăn, sau khi nấu, để giải quyết cái đói của thân thể.

Hay trong phân tích của Ý Thức, thay vì, đi nấu ăn thì có thể ra quán ăn, hay đặt thức ăn mang đến nhà ,v.v. tùy theo tình hình tài chánh lúc đó như thế nào, thì Ngã Thức sẽ lựa chọn giải pháp, rồi gởi lại cho Thân Thể Thức.

Nhưng nếu chẳng may, bạn lại sống trong hoàn cảnh mà không có gì để ăn, và bạn cũng không có thực phẩm dự trữ, thì lúc đó, Ngã Thức của bạn không có điều kiện để giải quyết cái đói của cơ thể. Cho nên, lúc đó Ngã Thức mới gởi nguồn năng lượng đó ra ngoài vũ trụ.

Nghĩa là, Ngã Thức chỉ gởi ra ngoài vũ trụ khi Ngã Thức không có những điều kiện, để thực hiện được cái muốn của Ngã Thức, thì Ngã Thức mới gởi ra cầu xin nơi vũ trụ, chứ nếu Ngã Thức có những điều kiện có thể thực hiện được cái muốn, thì Ngã Thức sẽ tự đi giải quyết mà không cần đến sự tương tác với vũ trụ.

Thí dụ, khi bạn bị cảm cúm và bạn biết, khi bạn uống vài viên thuốc trị cảm cúm, mà bạn hết cảm cúm, thì bạn chẳng phải đi vái tứ phương làm gì, vì bạn có thể tự giải quyết được.

Bạn chỉ van vái tứ phương khi việc xẩy ra cho bạn đã nằm ngoài “tầm với” của bạn, thì bạn mới đi cầu xin nơi những nguồn năng lượng khác hỗ trợ cho bạn.

Trong đoạn văn trên, khi diễn giả cho rằng: “khi chúng ta tạo ra nguồn năng lượng tích cực của cái cần thì sẽ không đi qua Ý Thức mà đi vào tiềm thức rồi tiềm thức mới gởi năng lượng ra ngoài vũ trụ” thì sự diễn dịch này thiếu chính xác.

Vì ngôn ngữ của Tiềm Thức là bằng hình ảnh, và sự hoạt động của Tiềm Thức là nối kết các dữ liệu thu thập, tạo ra những giấc mơ. Cho nên, Tiềm Thức không thể nào có thể tương tác với vũ trụ được.

Điều này, cũng giống như hai người Việt và Mỹ, khi nói chuyện với nhau qua điện thoại, mà người Mỹ thì không biết tiếng Việt, và người Việt thì không biết tiếng Mỹ.

Theo như bạn, hai người Việt và Mỹ này, qua cuộc nói chuyện bằng điện thoại (tần số sóng), họ có thể hiểu được nhau không?

Không cần chúng tôi trả lời thì bạn cũng có câu trả lời chính xác là: Không rồi, phải không?

Điều này cũng giống như Tiềm Thức của bạn và vũ trụ vậy, giống như hai người sử dụng hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, và không thể hiểu được nhau, cho nên, giữa tiềm thức và vũ trụ sẽ không thể tương tác được.

Đứng trên căn bản của các thức thì Tiềm Thức là thức khởi sinh ra sự sống của con người, và là nơi lưu giữ nhân tướng bản thể của con người. Nhưng khi con người bắt đầu hình thành Ngã Thức, thì Ngã Thức mới là thức để liên lạc với vũ trụ, chứ không phải Tiềm Thức.

Chính vì Ngã Thức là “trạm thông tin”, nơi tiếp nhận và phát ra nguồn năng lượng, cho nên, khi Ngã Thức của bạn dựa trên niềm tin là cái gì, thì nguồn năng lượng khi gởi ra vũ trụ sẽ là cái đó.

Thí dụ, bạn nói bạn tin là bạn là người giầu hơn cả Bill Gates, nhưng trên thực tế, bạn vẫn phải đi xin ăn từng ngày. Vậy, cho dù bạn có gởi bao nhiêu tín hiệu ra ngoài vũ trụ, bạn vẫn nghèo, vì sao?

Đơn giản, khi bạn nói bạn tin bạn giầu hơn Bill Gates là bạn đang dùng Ý Thức để phân tích và so sánh, bạn có nhiều tiền hơn Bill Gates. Dĩ nhiên, trong so sánh cộng thêm sự tưởng tượng, sau số một (1), bạn có thể thêm mấy chục con số không (0) vào thì rất dễ dàng.

Nhưng trên thực tế, bạn đang đi làm với lương là $250 cho một ngày, nếu bạn muốn thêm một con số không đằng sau thành $2,500 cho một ngày thì không dễ một chút nào cả.

Thế nên, khi bạn dùng Ý Thức để phân tích, và tưởng tưởng, thì bạn tha hồ thêm bao nhiêu con số không cũng không thành vấn đề, vì ngôn ngữ của Ý Thức, là ngôn ngữ của chữ, số, lời nói, nhưng bạn sẽ không thể gởi ra cho vũ trụ được, vì không đồng một ngôn ngữ.

Nếu muốn gởi ra vũ trụ thì Ý Thức sau khi phân tích xong, phải gởi về trung tâm phát nhận sóng là Ngã Thức. Nhưng có một điều là, khi tiếp nhận những dữ liệu từ Ý Thức thì Ngã Thức sẽ “duyệt” bản tin từ Ý Thức.

Khi những sự phân tích từ Ý Thức này, đi ngược lại với niềm tin của Ngã Thức như: Tôi nghèo không đủ ăn, tôi không có khả năng, tôi tự ty, v.v. thì những dữ liệu, hay phân tích từ Ý thức, dù có hay, có đúng bao nhiêu, cũng sẽ bị “bộ lọc” của niềm tin lược giản, từ đó, tạo ra sự nghi ngờ.

Khi sự nghi ngờ có mặt. thì đó là “Bản tin” mà Ngã Thức phát ra ngoài vũ trụ. Khi vũ trụ tiếp nhận làm sóng từ sự nghi ngờ, thì cũng hồi đáp lại bạn bằng nguồn năng lượng nghi ngờ.

Thế là kết qủa mà bạn nhận được là sự nghi ngờ, đúng như Ngã Thức của bạn mong muốn. Đó cũng là lý do tại sao,

các phương pháp như sự xác quyết, xác nhận (affirmation) với những từ ngữ tích cực như: tôi là người tự tin, tôi là người tài năng, tôi là người có lòng yêu thương, tôi luôn sống tích cực giúp đỡ mọi người, v.v, được lập đi lập lại mỗi ngày, vẫn không có tác dụng, hay đưa đến sự thay đổi. Vì sao?

Bởi vì,  những sự lập lại đó là dùng ngôn ngữ của Ý Thức mà không phải là của Ngã Thức. Trong khi, Ngã Thức của bạn lại tin rằng bạn không có tự tin, bạn không có lòng yêu thương, hay bạn không giầu có.

Vì vậy, khi bạn càng lập đi lập lại các điều trên, thì bạn càng khích động sự phản kháng từ niềm tin lại những điều mà cũng chính từ Ngã Thức bạn mong muốn.

Trong Ngã Thức của con người, có một chức năng đạo đức, được phân chia làm ba phần, gồm cặp đối đãi: Thiện-Ác và phần thứ ba là trung tính – không thiện và không ác.

Bình thường, trong cuộc sống của chúng ta, thì hay rơi vào trạng thái trung tính, hơn là thiên về hai cực Thiện và Ác.

Thí dụ, Sáng dậy, sau khi làm vệ sinh, và ăn sáng xong, bạn đi làm. Khi bạn ra đề máy xe để đi làm, mà chiếc xe không có vấn đề gì, thì bạn vẫn ở trong trạng thái của trung tính, nghĩa là không vui và cũng không buồn.

Nhưng nếu chẳng may, sáng nào đó, bạn ra đề máy xe mà máy xe không nổ, thì lúc đó ngã thức của bạn mới bắt đầu khởi sinh ra sự lo âu.

Khi trong ngã thức của bạn có sự lo âu thì ngã thức của bạn mới bắt đầu sử dụng Ý Thức để tìm ra những giải pháp giúp giải quyết sự lo âu đang có mặt.

Khi Ý Thức nhận lệnh từ Ngã Thức thì mới bắt đầu sử dụng kho tiềm thức để lấy các dữ liệu, hay những kinh nghiệm đã có trong qúa khứ để phân tích và so sánh.

Chẳng hạn như, trong qúa khứ, xe bạn đã bị như vậy, và bạn đã gọi cho người thợ máy bạn quen, đến sửa cho bạn; hay bạn gọi xe kéo đến chỗ sửa xe quen thuộc; hay bạn gọi xe taxi, uber để đi làm v.v. sẽ lần lượt được Ý Thức sử dụng để phân tích, xem cách nào hay và tốt nhất; hay có thể dựa trên những cách thức đó tìm ra những cách giải quyết khác.

Sau khi, làm xong phận sự phân tích thì Ý Thức mới gởi về kho của Ngã Thức trong tiềm thức, để cho Ngã Thức sẽ lựa chọn giải pháp nào thích hợp, để giải quyết nguồn năng lượng lo âu đang có mặt.

Khi sự lo âu được giải quyết thì trạng thái trong Ngã Thức sẽ có được an, và sau an, thì lại trở lại trạng thái trung tính – không vui không buồn.

Điều này, được lập đi lập lại liên tục từ ngày này qua ngày khác, hay còn gọi đó là quá trình vận hành của tâm thức hay Ngã Thức.

Nếu có thể phân chia, thì phần đông chúng ta, sống trong sự trung tính – không vui không buồn lên đến 80%, khi không có những sự cố xẩy ra như: giận hờn, bực tức, hay vui sướng v.v. tác động đến Ngã Thức.

Tuy nhiên, với cuộc sống hiện tại thì chúng ta sống qúa hối hả, và có những mong muốn liên tục xẩy ra, cho nên, chúng ta thường rơi vào trạng thái của hai cực.

Dù là thiên về tiêu cực hay tích cực (đa số chúng ta thiên về tiêu cực nhiều hơn), thì chúng ta đã tạo ra sự mất quân bình, hay có sự thiên lệch.

Khi đã có sự thiên lệch, dù về phía nào. thì ở đó đã có sự xáo trộn. Và khi có xáo trộn, có nghĩa là, chúng ta đã tạo ra sự bất an.

Sự bất an mà cứ liên tục xẩy ra trong cuộc sống thì chúng ta gọi đó là khổ, là những cảm giác hay cảm xúc khó chịu.

Khi chúng ta có những cảm xúc/giác khó chịu trong Ngã Thức thì nguồn năng lượng này cũng tác động đến Thân Thể Thức tạo ra những sự xáo trộn các vùng năng lượng trên các cơ quan.

Các nhà tâm lý ngày nay, trong khoa tâm thần, đã cho rằng: một bệnh về thể chất được gây ra hoặc trở nên trầm trọng hơn, phần lớn đều do sự xung đột nội tâm hoặc căng thẳng đến từ yếu tố tinh thần.

Như vậy, chúng ta thấy, Thân Thể Thức, Ngã Thức, và vũ trụ, có cùng chung một ngôn ngữ, nên có thể sinh hoạt hay tương thông với nhau, còn Ý Thức và Tiềm Thức không phải là ngôn ngữ của vũ trụ, cho nên, không thể nào có sự tương thông với nhau được.

Ở đây không biết bạn có diễn tả đúng ngôn ngữ của diễn giả hay không khi bạn viết: “Sau đó, tiềm thức của chúng ta sẽ

lắng nghe những cái mong muốn của chúng ta, và sẽ gửi cái thông điệp đó đến vũ trụ”. Trong khi diễn giả lại cho rằng, chúng ta phải đổi muốn thành cần mới đúng ngôn ngữ của vũ trụ, xem ra có vẻ rất mâu thuẫn.

Mâu thuẫn là, nếu đã là cần thì Tiềm Thức của chúng ta phải gởi cái “cần” đi, chớ sao, lại gởi cái “mong muốn” của chúng ta đi. Như vậy, có phải chăng, chúng ta đã gởi sai tín hiệu đến vũ trụ? Cho nên, cái kết qủa của chúng ta nhận lại được từ vũ trụ, cũng sẽ là kết quả mà chúng ta không mong muốn, hay không phải cái chúng ta đang cần.

Gởi tín hiệu ra ngoài vũ trụ, hay tạo ra sự tương tác năng lượng giữa Ngã Thức và vũ trụ, thì có qúa nhiều thông tin, và mỗi người, lại có những cách diễn giải khác nhau, và đôi khi chống đối lại nhau. Nhưng thực tế thì như thế nào.

Có một câu chuyện liên quan đến người quen của chúng tôi về việc gởi “tín hiệu” đến vũ trụ như sau:

Có một cuối tuần rảnh rang, nên người quen của chúng tôi mới rủ chúng tôi, đi đến hãng bán xe, để xem chiếc Lexus. Sau khi đi dạo một vòng, người quen của chúng tôi đã tỏ ra rất thích chiếc xe mầu vàng, nhưng vì hoàn cảnh tài chánh và điểm tín dụng không tốt, nên anh không thể mua chiếc xe đó.

Mười năm sau, đứa con của người quen của chúng tôi có cho người bạn mượn một số tiền để làm ăn. Người bạn của người quen, vì làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lại, nên đã đem chiếc xe dư, trả thay tiền nợ.

Người con lúc đó, nhà đủ xe dùng, nên đem chiếc xe mà người bạn trả nợ, tặng lại cho cha của mình. Lạ thay, đó lại là chiếc xe Lexus mầu vàng, đúng y như chiếc xe mà mười năm trước, người quen của chúng tôi rất thích.

Hôm đó, chúng tôi gặp anh tại chỗ sửa xe, và thấy anh lái chiếc xe Lexus mầu vàng, nên chúng tôi mới ghẹo anh:
“cuối cùng thì anh cũng đạt được cái xe mà mười năm trước anh thích rồi nhỉ.”

Anh nhăn nhó trả lời: đạt gì chứ anh, cái xe này nhận được như của nợ vậy đó, vừa mới sửa cái hộp số hết mấy ngàn, bây giờ lại phải thay đến giàn nhún cũng tốn gần cả ngàn bạc nữa. Biết vậy, ngày xưa tôi đừng thích còn hơn, chứ thích, mà đến không đúng lúc, thì chỉ chuốc thêm khổ chứ ích lợi gì đâu anh”.

Qua câu chuyện của anh, chúng ta có thể thấy được sự khác nhau giữa thích, muốn và cần như thế nào.

Bởi vì, mười năm trước, anh chỉ thích mà không muốn, cho nên, anh không có những động lực mạnh của muốn thúc đẩy anh tìm mọi cách (cần) để mua chiếc xe đó như: mượn người khác đứng tên, bỏ tiền đặt cọc nhiều hơn, đi các hãng xe khác, mà họ có những chương trình đặc biệt cho người bị điểm tín dụng kém, v.v, mà anh chỉ đem sự thích của anh, lập đi lập lại mỗi khi có dịp nói về xe.

Sự thích của anh, nếu nói theo luật hấp dẫn là được Ngã Thức gởi ra vũ trụ, mà không có thời gian cố định là thời điểm nào. Cho nên, đến mãi mười năm sau thì cái thích của anh mới được vũ trụ biến thành hiện thực.

Và hiện thực khi đạt được chiếc xe không đúng thời điểm, không những đã không làm cho anh vui vẻ, hạnh phúc, mà lại là sự khổ đau và phiền não.

Bởi vậy, khi áp dụng luật hấp dẫn chúng ta cần phải rất cẩn thận, chúng ta phải hiểu được rất rõ ràng sự vận hành của các thức, chức năng của các thức, và nhất là ngôn ngữ của các thức. Nếu không, chúng ta không những, không đạt được kết qủa, mà chúng ta sẽ nhận được nhiều hậu quả như câu chuyện tiếp theo như sau:

Một người quen khác cũng chúng tôi cũng rất hứng thứ với luật hấp dẫn và anh muốn có thêm tài chánh nên đã đem điều ham muốn này, gởi ra ngoài vũ trụ.

Anh mong muốn trong vài tháng tới, anh có thêm $20,000. Một tháng sau, những công ty về thẻ tín dụng của anh tự động nâng cấp giá trị tín dụng của anh lên đúng $20,000 như anh muốn.

Cầm những thẻ tín dụng trong tay, anh xài vô tội vạ, giống như tiền từ trên trời rơi xuống vậy. Đến cuối tháng, thì những hóa đơn của thẻ tín dụng gởi về, bắt anh phải trả nợ số tiền mà anh đã xài qua thẻ tín dụng.

Anh không thể trả được hết nguyên số nợ, nên chỉ có thể trả góp giới hạn, và anh phải kép dài đến 8 năm sau, mới có thể trả dứt được $20,000, mà vũ trụ đã gởi cho anh.

Sau này, mỗi khi nghe ai nói đến luật hấp dẫn là anh né tránh, và coi đó như một sự lầm lẫn lớn nhất trong đời anh của anh. Bởi vì đối với anh, khi anh học chưa đến nơi đến chốn mà anh đã sử dụng nó một cách bừa bãi, cẩu thả gây ra biết bao hậu qủa mà anh phải gánh chịu, trong một thời gian khá dài.

Đứng trên luật hấp dẫn thì tiền nào cũng là tiền … nghĩa là, tiền nợ cũng là tiền, chứ không phải chỉ có tiền dư dả mới là tiền. Cho nên, khi bạn gởi nguồn năng lượng ra ngoài vũ trụ thì bạn cần phải chính xác và rõ ràng, nếu không thì bạn sẽ như người quen của chúng tôi, thay vì có tiền dư dả, thì lại trở thành tiền nợ.

Còn về phần bí mật thứ hai khi diễn giả cho rằng: “… trong đạo phật, vốn không có cái tôi, cho nên, nếu chúng ta cần tiền, thì chúng ta cần phải loại bỏ chữ tôi và chữ cần, mà chỉ còn lại là “có tiền”, thí dụ như: “tôi cần có tiền” thành “có tiền”, là đủ.”

Chúng tôi thì chưa bao giờ thấy trong đạo Phật đề cập đến luật hấp dẫn, nên không thể diễn giải theo tinh thần của đạo Phật được. Nhưng nếu diễn giả cho rằng, khi muốn gởi năng lượng ra vũ trụ phải bỏ đi cái tôi và cái cần, thì xem ra không hợp lý cho lắm.

Thí dụ, bạn có một trạm phát thanh và phát sóng ra ngoài, thì những làn sóng đó, phải được phát ra từ đâu, chứ không thể nào, không có trạm phát thanh, mà bạn có thể phát sóng được.

Địa điểm ở đâu, hay dụng cụ phát thanh tạo ra tần số sóng đó, cũng giống như thân thể, hay cái tôi của bạn. Mặc dù, trạm phát thanh hay dụng cụ phát sóng không phải là sóng, nhưng nếu không có trạm phát thanh, và dụng cụ thì không thể có sóng.

Nếu trạm phát thanh và dụng cụ phát sóng, muốn nhận lại sóng, thì cũng phải từ trạm phát thanh và dụng cụ đó nhận sóng, chứ không thể nào, không có trạm phát thanh và dụng cụ, mà bạn có thể nhận được sóng cả.

Cho nên, khi đem đạo Phật vào trong luật hấp dẫn và dùng thuyết vô ngã để giải thích sự tương tác với vũ trụ, hình như diễn giả đang “gượng ép” hai điều không giống nhau vào trong cùng một khuôn mẫu.

Học thuyết vô ngã của đạo Phật dùng để đối trị tâm chấp trước của Ngã Thức, vì cho thân này là tự có, liên quan đến góc độ của tâm lý, chứ không liên quan gì đến sự vận hành của vật chất, theo góc độ của vật lý. Cho nên, ở đây, có một sự nhầm lẫn giữa hai góc độ nhìn, vì thế cách ứng dụng trở nên không đúng cách và không hợp lý.

Thí dụ, bạn đang cần có tiền, mà bạn lại chỉ dùng 2 chữ: “có tiền”, thì bạn không thể “có tiền” được. Vì sao?

Vì hai chữ “có tiền” thuộc về ngôn ngữ của Ý Thức, nơi có sự phân tích, so sánh, mới tạo ra sự phân biệt có-không. Trong khi, ngôn ngữ của vũ trụ là năng lượng, thì ngôn ngữ của Ý Thức lại là lời nói, và chữ viết, cho nên, chẳng hề có sự tương tác nào.

Nếu bạn thật sự cần có tiền, thì chữ cần mới là ngôn ngữ của Ngã Thức, và chỉ có Ngã Thức mới có thể tương tác với vũ trụ. Nếu như ngã thức chỉ gởi ra ngoài vũ trụ “tôi cần” thì vũ trụ chẳng biết bạn cần cái gì để đáp ứng. Thế nên, Ngã Thức mới phải giải thích thêm cho rõ nghĩa cái cần là cần gì.

Chẳng hạn như: cần có tiền, cần có người yêu, hay cần có sức khỏe v.v. Mỗi một cái cần khác nhau sẽ tạo ra những tần số rung động khác nhau. Chính vì, có những tần số rung động khác nhau, nên mới tạo ra những sự giao hưởng trong vụ trụ tương ứng với nhau, và tạo ra những hiện tượng khác nhau, đáp ứng với sự giao hưởng.

Cho nên, nếu bạn bỏ chữ cần, thì bạn bỏ đi sự giao tiếp với vũ trụ, cho dù, bạn có gào khản cổ “có tiền” “có tiền” thì vũ trụ vẫn trơ trơ ra với bạn, vì vũ trụ chẳng hiểu gì cả. Đơn giản chỉ là thế.

Thật ra, nếu muốn dùng đạo Phật để diễn giải luật hấp dẫn thì phải dùng đến “Ái, Thủ, Hữu” trong 12 nhân duyên mới biết được sức mạnh của cái muốn tới đâu.

Trong 12 nhân duyên, sự tái sinh của con người bắt nguồn từ chữ Ái, nghĩa là ham muốn chứ không hề có chữ cần.

Đứng trên góc độ của Ngã Thức, Cần tuy là nguồn năng lượng, nhưng là nguồn năng lượng của sự hỗ trợ, chứ không phải là nguồn năng lượng của tác ý, hay rõ hơn là nguồn năng lượng của ham muốn.

Chỉ khi có sự tác động của ham muốn, thì nguồn năng cần mới được tác động, để hoàn thành cái muốn của Ngã Thức trong điều kiện có thể làm được. Khi không có thể làm được, thì lúc đó, Ngã Thức mới sử dụng đến cái cần của vũ trụ để thay thế cho cái cần của Ngã Thức.

Do đó, không có việc nguồn năng lượng của cần có thể gởi ra ngoài vũ trụ được, mà chỉ có nguồn năng lượng tác động hay nguồn năng lượng của muốn, mới đòi hỏi cái cần của vũ trụ cung ứng.

Thế nên, khi diễn giả cho rằng, thay thế chữ muốn bằng chữ cần, mới là dùng đúng ngôn ngữ của vũ trụ, thì đây chính là chuẩn những cần chỉnh.

Để cho dễ hiểu hơn, chúng ta có thể dùng dụng cụ định vị (Global Positioning System) trong xe hơi, để hiểu rõ hơn về sự tương tác với vũ trụ.

Trên xa lộ cao tốc, có cả chục ngàn chiếc xe, mỗi chiếc đều gởi tín hiệu đến vệ tinh (satellite), và sau đó, vệ tinh mới hướng dẫn mỗi một xe, đi về đúng hướng mà người lái xe muốn. 

Tuy có cả chục ngàn chiếc xe gởi tín hiệu cùng một lúc, nhưng vệ tinh vẫn hướng dẫn chính xác mỗi chiếc xe, mà không có lẫn lộn, đó là vì, mỗi chiếc xe đều có một định vị, và những tần số sóng khác nhau. Chính vì có chiếc xe làm định vị, và nơi đến khác nhau (tần số sóng), nên vệ tinh mới có thể thực hiện được.

Điều này, cũng giống như chúng ta, khi gởi những cái muốn ra ngoài vũ trụ, và cần vũ trụ đáp ứng lại những yêu cầu của chúng ta, nghĩa là, chúng ta phải có cái tôi với Ngã Thức, giống như chiếc xe có định vị và tần số sóng. Sau đó, Ngã Thức muốn gì, thì cũng giống như, nơi nào mà chúng ta muốn lái xe đến, để vệ tinh hướng dẫn cho chúng ta.

Nếu mỗi chiếc xe không có cái định vị riêng thì không thể nào vệ tinh có thể phân biệt được để mà đáp ứng. Cho nên, nếu diễn giả cho rằng, khi chúng ta cần có tiền, thì bỏ đi chữ tôi, và cần, mà chỉ nói có tiền, thì cũng giống như chiếc xe không có hệ thống định vị, và người lái xe, cũng chẳng muốn lái xe đến vị trí nào, thì cho dù, người đó có nói cả triệu lần vị trí đó, người đó cũng không thể nào đến được vị trí đó, trong khi, người đó lại vừa không biết đường đi mà lại cũng không muốn đi.

Như chúng tôi đã trình bầy, tuy là chúng tôi có nghiên cứu về luật hấp dẫn và áp dụng vào những kinh nghiệm khác, ngoài tài chính, nên chúng tôi chưa kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm.

Vì vậy, những gì chúng tôi chia xẻ với bạn chỉ là những thông tin, những góc độ nhìn có hợp lý hay không, chứ đó không phải là sự thật.

Nếu bạn muốn biết đúng sự thật thì bạn phải kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm trên chính bản thân của bạn. Bạn chỉ nên tin vào kết qủa, do chính những gì bạn đã trải qua, như vậy, mới là đúng với bạn nhất.

Luật hấp dẫn thì rõ ràng có trong vũ trụ, nhưng bạn có biết được sự tương tác với luật này hay không, thì còn tùy thuộc về sự hiểu biết của bạn, về sự vận hành của các thức như thế nào.

Chúng tôi không phải là những diễn giả, và cũng không muốn là diễn giả, cho nên, chúng tôi không tìm cách thuyết phục bạn tin vào những gì chúng tôi trình bầy, mà chúng tôi chỉ chia xẻ lại với bạn, những góc nhìn mà chúng tôi đã trải nghiệm qua, để bạn có chút tài liệu tham khảo.

Đời sống của chúng ta, ai cũng có cái muốn và cái cần cả. Nhưng nếu chúng ta có sự lẫn lần hay diễn dịch định nghĩa của muốn và cần không chính xác, thì những cái muốn hay cần của chúng ta sẽ khó mà có thể đạt được.

Mong thay, những sự chia xẻ này của chúng tôi có thể giúp cho bạn một góc nhìn mới, giúp bạn đạt được những gì bạn mong muốn.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept