album-art

00:00

TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT – DIỄN NGÂM: HƯƠNG CHIỀU

Bạn thân mến,

Nói đến Thiền của Việt Nam thì những ai nghiên cứu về Thiền, đều không thể nào không biết đến bài thiền kệ nổi tiếng của thiền sư Mãn Giác,  Nhất Chi Mai.

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Tạm dịch)

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Tóc bạc già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước 
một nhành mai.

Trong chữ Hán 梅 (mai) là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là một loại cây ăn trái có hoa màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ.

Riêng tại Việt Nam, mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi ở động Hương Tích.

Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng viết: “Thấp thoáng rừng mơ – cô hái mơ”

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái;

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh…”.

Mơ mọc thành rừng. Rừng mai  đây chính là rừng mơ chớ không phải là rừng mai vàng như nhiều người lầm tưởng.

Vì điều kiện thổ nhưỡng, hoàng mai tức là cây mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch,  chỉ có từ Quảng Trị trở vào.

Lãnh thổ Việt Nam vào thế kỷ XI chỉ mới đến chân đèo Ngang, cho nên, vào thời điểm này, nước Việt Nam chưa có hoàng mai, mà chỉ có hoa mơ, và hoa mơ trong thơ xưa, vẫn gọi là hoa mai.

Vậy mai trong lời thơ của Thiền sư Mãn Giác chính là cây mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, tạm dịch là, “Ngoài sân đêm trước một cành mơ”.

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Tóc bạc già đến rồi.

Trăm hoa với mình, mình với trăm hoa, nào có khác gì nhau giữa dòng sinh diệt, vẫn tương duyên, tương tức trong nhịp điệu vô thường của vạn pháp diệt sinh.

Nhưng giữa dòng sinh diệt vô thường ấy, lại biểu hiện một sự nhiệm mầu: 

Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một nhành mai.

 “Không cần nói mà ngộ”.  Ngộ được gì? Ngộ được sự thật về tính vô thường của vạn pháp.

Thiền kệ thật giản dị, không triết lý dài dòng, không văn chương hoa mỹ, không suy luận mênh mang, không lang bang ngộ nhận, mà tiếp nhận sự thật một cách trực tiếp. Chấp nhận định luật của tự nhiên, vô ngôn mà phá chấp.

Có một vị Thiền sư đã tu nhiều năm, nhưng chẳng thấu đạt được chân lý. Một đêm nọ, vị Thiền sư gánh nước về tu viện; vừa đi vừa ngắm ánh trăng rọi xuống mặt nước trong thùng. Bỗng nhiên, đòn gánh gãy đôi, giây thùng đứt và thùng nước rơi xuống. Nước đổ ào ra, bóng trăng tan biến – không còn nước, không còn trăng.

 Vị Thiền sư hoắc nhiên đốn ngộ:

“Bằng cách này hay cách khác, tôi đã cố giữ đôi thùng nước, Mong rằng chiếc đòn gánh dòn yếu kia sẽ không gãy.
Bất chợt, giây đứt thùng văng, Không còn nước trong thùng, không còn trăng trong nước;
Tay tôi rỗng không, chẳng có vật gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng có vật gì”.

Tâm vẫn tự trụ tâm, cảnh vẫn tự trụ cảnh. Nếu Tâm không bị lay động bởi cảnh, thì cảnh vẫn là cảnh, nào há động được Tâm.

Vậy thì còn cần tìm đến ĐỊNH để làm gì? Trong khi, bản thể của Tâm đã là Định, không hề bị chuyển lay. 

Thiền kệ thì như thế, còn bạn “cảm” ra sao?

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept