Bạn thân mến,
Người xưa thường nói: “Gái thời Tứ Đức Tam Tòng – Trai thời phải giữ Ngũ Thường Tam Cang. Trong bài Công, Dung, Ngôn, Hạnh, các diễn giả đã bàn về phần Tứ Đức – Tam Tòng. Cho nên, trong bài này, tôi sẽ chia xẻ với các bạn về Tam Cang – Ngũ thường.
Vậy thì Tam Cang là gì và Ngũ Thường là gì?
Tam Cang theo định nghĩa của Hán tự:
- Tam là ba (三).
- Cang là giềng mối (纲).
Giềng chính là sợi dây ở mép lưới đánh cá, nhờ nó mà lưới chắc chắn hơn và các mối dây cũng được liên kết chặt chẽ hơn. Giềng mối chính là mối chính liên kết với các mối khác, hiểu theo nghĩa bóng là mối quan hệ chủ đạo, dựa vào nó mà điều chỉnh các mối quan hệ khác.
Như vậy, nếu hiểu đơn giản, Tam Cang là ba mối quan hệ chính trong xã hội, gồm:
Quân thần cang (君为臣纲): Quan hệ vua – tôi
Phụ tử cang (父为子纲): Quan hệ cha – con
Phu phụ cang (夫为妻纲): Quan hệ vợ – chồng
Còn Ngũ Thường theo định nghĩa của Hán tự:
Ngũ (五) là năm. Thường (常) là thường có, thường xuất hiện trong cuộc sống của con người.
Như vậy, Ngũ Thường chính là năm điều thường xuất hiện trong cuộc sống của con người, nó hình thành nên đạo đức, mà mỗi người nên có, bao gồm:
Nhân (仁):Là người, học cách làm người. Để làm người tốt thì phải có cái tâm, cái tâm biết yêu thương muôn loài muôn người. Trước khi muốn thành tài thì phải thành người.
Lễ (礼): Là lễ độ, lễ phép. Lễ răn dạy con người ta phải cư xử cho phải phép, tôn trọng và hòa nhã với mọi người.
Nghĩa (义): Là chính nghĩa, tình nghĩa, sự công tâm. Chữ nghĩa trong ngũ thường dạy con người phải cư xử sao cho công bằng, theo lẽ phải, theo tình và lý.
Trí (智): Là trí tuệ. Trí thể hiện sự sáng suốt, minh bạch. Người có trí là người giữ được sự sáng suốt, biết cách nhìn nhận, phân biệt đúng sai, phải trái, thiện ác.
Tín (信): Là sự tin tưởng, tín nhiệm, niềm tin. Tín trong ngũ thường dạy con người ta làm người phải biết giữ chữ tín.
Như vậy:
Tam Cang là nói về ba mối quan hệ trọng yếu trong xã hội, gồm:
vua – tôi ( Quân – Thần), cha – con (Phụ – Tử), vợ – chồng (Phu – Phụ).
Ngũ thường là nói về năm đạo đức mà một người thường có, và nên có: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Như vậy, muốn thực hiện được những điều này, chúng ta chỉ cần quay về nơi “TÂM” của chúng ta.
Nhắc đến “TÂM”, thì ai trong chúng ta cũng biết, mọi hành động của chúng ta đều xuất phát từ tâm ra. Cho nên:
* Tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng với đạo lý và lẽ phải.
* Tâm bất thiện thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều bất chánh.
Chữ “TÂM” thường được dùng để hướng suy nghĩ của chúng ta đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành.
- Tâm bất chánh thì mang lại cho cuộc sống của chúng ta nhiều đau khổ.
- Tâm gian dối thì cuộc sống sẽ bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống sẽ hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống sẽ không an lạc.
Vậy thì bạn hãy:
- Đặt Tâm của mình lên ngực để yêu thương.
- Đặt Tâm lên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt Tâm lên mắt để thấy được nỗi khổ của tha nhân.
- Đặt Tâm lên chân để đem may mắn đến với người cùng khổ.
- Đặt Tâm lên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt Tâm lên tai để nghe lời góp ý của người khác.
- Đặt Tâm lên vai để chịu trách nhiệm với chính mình.
Tam Cang – Ngũ Thường, dù là một học thuyết lỗi lạc của đức Khổng Tử đã để lại cho thế gian, nhưng học thuyết đó, vẫn không vượt ra khỏi chữ “TÂM”.
Nào, mời bạn hãy bắt đầu cho sự “Tâm, Tẩm, Tầm, Tâm”.
Chủng Niệm