album-art

00:00

TẢI MP3 – TRẦN THIỆN TÍCH
TẢI MP3 – DIỆU LIÊN
TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

Bạn Thân Mến,

Nói đến hai chữ mê và tỉnh là một đề tài khó, vì thế nào mới gọi là mê? và thế nào lại gọi là tỉnh?

Một chàng trai đi trên đường, thấy một cô gái đẹp, liền mê mẫn theo sau, nhưng khi cô gái mở miệng trả lời, thì chàng trai mới hỡi ôi, vì rất là vô duyên. Chàng trai liền “tỉnh giấc” và dừng chân lại không theo nữa.

Mới vài phút trước thì anh chàng vì sắc đẹp quyến rũ của cô gái mê hoặc, vậy mà chỉ vài phút sau, khi nghe cô gái trả lời thì lại tỉnh táo dừng chân.

Trong cuộc đời của chúng ta, không ít lần, chúng ta cũng rơi vào như trường hợp của chàng trai này, chúng ta mê và tỉnh trong phút chốc. Sự đắp đổi giữa tỉnh và mê có đôi khi khiến chúng ta rơi vào trạng thái dở khóc dở cười.

Nhưng có những mê và tỉnh trong cuộc đời của chúng ta lại qúa dài, dài đến độ, chúng ta tưởng tượng ra có thể kéo từ kiếp trước đến kiếp sau, và chúng ta không biết bao giờ mới tỉnh.

Vậy thì mê là gì? và tỉnh là gì?

Mê có nghĩa là say, mờ mịt tâm trí, hết biết gì. Nếu chúng ta để ý, chúng ta thấy có chữ “hết biết” trong mê, có nghĩa là, chúng ta không có kinh nghiệm trải qua, nên thường dùng sự phỏng đóan hay tưởng tượng ra kết quả.

Còn Tỉnh nghĩa là hết hoảng sợ, sáng suốt, không u tối sai lầm như trước, hay kiểm điểm, suy xét, v.v.

Như vậy qua định nghĩa, chúng ta thấy mê và tỉnh, diễn tả hai trạng thái đối chọi nhau, hễ có cái này thì không có cái kia, mà có cái kia thì không có cái này.

Đây là một điều khá lý thú trong ứng dụng, vì nếu chúng ta biết lựa chọn đúng, chúng ta sẽ không cần phải lo tiêu diệt cái kia, mà cái kia cũng khó mà hiện hữu. Chúng ta đang biến nhị nguyên thành nhất nguyên.

Câu chuyện bắt đầu khi chúng tôi quyết định đi học Oriental Medicine (Y học Phương Đông) tại một trường đại học tại Nam California.

Xin nói rõ, trường Oriental Medicine là trường do người Đại Hàn làm chủ, và chỉ có những học sinh Á Châu theo học, trong đó, trường phân chia lớp học theo ngôn ngữ, và các giảng sư cũng là người cùng chủng tộc.

Ngay sau vài bài học đầu tiên thì nhóm sinh viên Việt, ngoại trừ ba người chúng tôi đã chống đối lại với vị giảng sư, vì cho rằng, vị giảng sư không có nhiều kinh nghiệm về học thuyết Âm Dương, trong khi, họ đã có kinh nghiệm nhiều năm học tại Việt Nam.

Theo học thuyết Âm Dương, thì Dương là ở trên và Âm là ở dưới.  Cho nên, khi học luận về cái đầu và cái chân của con người, đâu là Âm và đâu là Dương, lại trở thành một đề tài xung đột.

Theo nhóm sinh viên Việt, họ cho rằng, vị trí cái đầu ở trên nên thuộc về Dương, còn vị trí cái chân ở dưới là Âm; trong khi, vị giảng sư lại cho rằng, cái đầu là Âm, và cái chân là Dương.

Cả hai bên đều đưa ra những sách vở và những lý lẽ để biện minh cho những điều họ tin. Khổ nỗi, sách nào, nếu đứng trên góc độ đó thì đều đưa ra những lý luận trên góc độ đó, mà lại không đề cập đến những góc độ khác.

Cho nên, không bên nào có thể thuyết phục được bên nào, cuối cùng, để phản đối giảng sư, nhóm sinh viên Việt quyết định bãi học và biểu tình bắt ép nhà trường phải thay giáo sư khác. Lúc đó, trong lớp học chỉ còn lại ba chúng tôi.

Mỗi khi chúng tôi vào lớp, thì nhóm sinh viên Việt biểu tình lườm nguýt, và tự động coi chúng tôi như “kẻ thù”, vì không theo nhóm của họ.

Với kinh nghiệm nghiên cứu về học thuyết Âm Dương, chúng tôi phân biệt được rất rõ ràng, khi nói đến Âm hay Dương thì Âm hay Dương phải đối với cái gì, chứ không thể chỉ nói đó là Âm hay Dương? Hay nói chính xác hơn, về định nghĩa thì nhóm sinh viên Việt Đúng, nhưng về ứng dụng và lý thuyết thì vị giảng sư lại đúng.

Ông đúng vì theo quan niệm của ông, khi trị bịnh, chúng ta không phải chỉ trị bịnh trên thân không mà thôi, mà còn phải lệ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh và vùng miền.

Cho nên, khi luận về Âm Dương thì phải dựa trên “tam hợp thể hay tam tài” Thiên Địa Nhân. Vì trời ở trên cao nên trời là Dương, đất ở dưới thấp nên đất là Âm, và con người ở giữa trời đất, nên đầu đội trời thì đầu là Âm, nghĩa là đầu ở dưới Trời, và chân đạp đất thì chân là Dương, vì chân ở trên mặt đất.

Cách giải thích này, không những vừa đúng với định nghĩa Dương trên, Âm dưới, mà trên thực tế, trong ứng dụng, khi trị bịnh thì phải dựa theo môi trường, hoàn cảnh, vùng miền khác nhau mà chữa trị.

Cho nên, chúng tôi đồng ý với cách giải thích của vị giảng sư, vì cách của ông vừa thỏa mãn được định nghĩa và ứng dụng. Ngược lại, nhóm sinh viên Việt chỉ có thể đúng với lý thuyết, nhưng khi ứng dụng lại cần phải chỉnh.

Sau vài tuần, vị sợ “mất lòng” nhóm sinh viên Việt, nên hai người khác cũng không vào lớp mà đi biểu tình chung với các người khác.

Cho nên, cuối cùng trong tiết học, chỉ còn lại chúng tôi và vị giảng sư, chỉ một thầy một trò, nhưng cả hai chúng tôi lại rất hạnh phúc, vì chúng tôi có thể chia xẻ mọi đề tài mà chúng tôi muốn.

Tuy sau này, vì những nghiên cứu khác, chúng tôi không còn theo học với ông, nhưng giữa ông với chúng tôi có một mối giao tình đặc biệt. Không phải chỉ có tình thầy trò, mà mỗi khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đều chia xẻ những góc độ nhìn khác nhau về cả Y học và khoa học.

Ngoài bằng tiến sĩ về Y học phương Đông, vị giảng sư cũng có bằng tiến sĩ về điện tử, và có 15 bằng sáng chế các loại máy và thuốc.

Vài trong những thuốc đặc trị của ông là viêm da và Trĩ. Ai đã từng bị đau về Trĩ thì mới biết được giá trị thuốc của ông. Dù cho cơn đau Trĩ có đau như thế nào, chỉ cần bôi thuốc của ông vào, chỉ trong vòng một phút là cơn đau dịu lại bình thường, và trong 3 ngày là dứt hẳn.

Tiếc thay, sau ngày ông mất, chúng tôi vì muốn đem những nghiên cứu của ông để giúp người, quảng bá rộng rãi, nhưng con gái của ông, lại quyết định, dừng sản xuất và đem tâm huyết nghiên cứu bao nhiêu năm của ông để lên bàn thờ để cúng.

Nếu là bạn thì việc không theo nhóm sinh viên Việt biểu tình chống lại vị giảng sư của chúng tôi có phải đó là mê, hay tỉnh?, hay như trường hợp của cô con gái của vị giảng sư kia, đem bao tâm huyết mà cha mình nghiên cứu để giúp người, đặt lên bàn thờ cúng mà không tạo ra sản phẩm là tỉnh, hay mê?

Rõ ràng, khi đứng trên nhị nguyên thì mê với người này, có thể tỉnh với người kia, hay tỉnh với người này thì lại mê với người kia.

Vậy làm sao chúng ta có thể biết được khi nào chúng ta đang mê hay chúng ta đang tỉnh?

Muốn biết chúng ta mê hay tỉnh thì chúng ta chỉ có thể dựa vào một điều duy nhất, đó là, tiếp xúc được với sự thật.

Vậy làm sao chúng ta biết đó đúng là sự thật?

Bạn đang đi trên đường và chứng kiến từ đầu hai chiếc xe đụng vào nhau. Khi chúng tôi đến bên bạn, và hỏi bạn, chuyện gì đã xẩy ra, và bạn trả lời như sau:

Đèn bên anh A đã đỏ, nhưng anh cố vượt qua, và đụng vào chị B đang chạy khi đèn xanh.

Nếu bạn dừng lại ở đây thì bạn đang nói sự thật, vì đó là những gì đã xẩy ra như nó đã là. Nhưng nếu bạn lại tiếp tục như sau:

Anh A là người có lỗi, vì lái xe quá ẩu, xứng đáng bị trừng phạt và bị bồi thường, v.v. thì bạn đang nói không đúng sự thật.

Vì sao? Vì bạn không biết được có phải vì anh lái ẩu hay không? Hay tại con anh đang gặp nguy hiểm cháy nhà, nên anh phải chạy gấp về cứu con anh.

Rõ ràng, bạn hoàn toàn không biết lý do tại sao anh A lại chạy vượt đèn đỏ, nhưng bạn lại dựa trên sự phỏng đoán, và tưởng tượng của bạn, hay bạn lại “suy bụng ta ra bụng người”, nên bạn đã đưa ra một kết luận “rất chắc nịch” rằng, anh A chạy ẩu nên đáng bị trừng phạt.

Như vậy, nếu một người nào đó từ xa đến, chưa biết chuyện gì xẩy ra gây ùn tắc giao thông hỏi bạn, mà bạn lại trả lời:

Đèn bên anh A đã đỏ nhưng anh cố vượt qua và đụng vào chị B đang chạy khi đèn xanh. Anh A là người có lỗi, vì lái xe quá ẩu, xứng đáng bị trừng phạt và bị bồi thường, v.v, và người đó tin vào những điều bạn nói, đó là sự thật, thì sự thật đó có đúng không?

Chắc chắn là không, vì sự thật, bạn chỉ chứng kiến hai chiếc xe đụng nhau, chứ bạn đâu có biết rõ sự thật tại sao anh A lại vượt đèn đỏ.

Người mới đến nghe lời bạn và tin đó là sự thật đã là tai hại rồi, nhưng nguy hiểm nhất là, chính bạn cũng tin vào những phỏng đoán và tưởng tượng của bạn, và cho đó là sự thật.

Như vậy, nếu bạn muốn biết đúng sự thật cho câu bạn đính kèm vào, thì bạn phải đến hỏi anh A, lý do tại sao anh lại vượt đèn đỏ. Khi biết được lý do từ chính anh A thì bạn mới có thể đính kèm lý do đó vào sau sự thật ban đầu bạn chứng kiến.

Nếu bạn không có điều kiện để biết được lý do tại sao thì bạn chỉ cần dừng lại đúng những gì bạn chứng kiến đang xẩy ra như là, mà không thêm và không bớt, bất cứ một chi tiết nào, dù chi tiết đó có lợi hay có hại cho bạn hay cho người khác.

Khi bạn làm được như vậy thì gọi là bạn đang tiếp xúc đúng với sự thật, nếu bạn thêm thắt vào điều gì mà bạn chưa biết, hay dùng sự phỏng đoán, hay tưởng tượng, rồi đưa ra kết quả thì bạn đang rời xa sự thật.

Cho dù, sau này, sự thật có xẩy ra giống như phỏng đoán hay tưởng tượng của bạn, thì bạn cũng đã không thực sự tiếp xúc đúng với sự thật lúc ban đầu.

Trong đạo Phật, khi chúng ta không nhìn đúng với sự thật thì gọi là vô minh, nghĩa là không sáng suốt, mê mờ.

Khi chúng ta bị mê mờ thì chúng ta sẽ gây ra những nhận thức sai lầm, không đúng với sự thật, và đó chính là nguyên nhân gây ra sự khổ đau cho mình và cho người.

Còn người có thể tiếp xúc được với sự thật như đang là thì gọi là người Tĩnh Thức hay người Thể Nghiệm, và nếu người này vẫn tiếp tục duy trì được sự tiếp xúc với sự thật, và đem ứng dụng trong giao tiếp với mọi người thì người đó gọi là người Tỉnh Thức hay người Dụng Nghiệm.

Như vậy, mê nếu diễn rộng ra, có nghĩa là, khi chúng ta tiếp xúc với điều gì, vật gì, hay người nào, chúng ta hay có thói quen thêm thắt vào sau sự thật với sự phỏng đoán hay tưởng tượng ra kết quả, hay dựa trên những niềm tin chưa được kiểm chứng hay trải nghiệm của chúng ta.

Cho nên, khi tiếp xúc không đúng với sự thật thì chúng ta hay rơi vào sự bẽ bàng. Khi rơi vào bẽ bàng thì Ngã Thức của chúng ta vì sợ “mất mặt”, nên sẽ ra lệnh cho Ý Thức đi tìm những lý do để ngụy biện cho sự bẽ bàng vì tin sai sự thật.

Chỉ cần, chúng ta làm được một lần, thì chúng ta sẽ làm lại lần thứ hai, khi chúng ta lại rơi vào thế bẽ bàng. Cuối cùng, khi chúng ta cứ lập đi lập lại hành động này, thì hành động đó biến thành thói quen.

Khi đã biến thành thói quen, thì lúc đó, chúng ta muốn thay đổi thói quen đó, cũng không hề dễ dàng chút nào.

Câu chuyện Tam Đại con Gà mà chúng tôi nghe từ thưở nhỏ đã nói lên cho sự bẽ bàng và biện luận ra sao của Ngã Thức khi tiếp xúc với sự thật.

Ngày xưa, có anh học trò học hành không ra gì nhưng đi đâu cũng lên mặt ta đây, văn hay chữ tốt. Có một nhà khá giả tưởng anh ta hay chữ thật, nên mới đón anh về để dậy cho con trẻ trong nhà.

Một hôm, khi dậy đến chữ “kê” là gà, anh thấy mặt chữ có qúa nhiều nét rắc rối, mà anh thì lại không biết là chữ gì, trong khi những đứa trẻ lại hỏi anh quá gấp, nên anh cuống quýt, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”.

Anh cũng khôn, khi nhắc những đứa trẻ đọc nhỏ, vì nhỡ có sai thì cũng đỡ xấu hổ. Nhân trong nhà có bàn thờ ông thổ công, anh mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương, để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không.

Thổ công cho ba đài được cả ba.

Được vậy, anh lấy làm đắc ý, tư tin.

Hôm sau, anh bệ vệ ngồi trên giường và ra lệnh cho lũ trẻ đọc cho to. Những đứa trẻ vâng lời anh, gân cổ lên gào:
“Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì”.

Người cha đang làm vườn, nghe tiếng đọc to của lũ trẻ, ngạc nhiên chạy vào, giở sách ra xem, rồi hỏi anh:

Chết thật! Chữ “kê” là gà, sao anh lại dậy “dủ dỉ” là con “dù dì”?

Bấy giờ anh mới biết, và thầm trách ông thổ công: “Rõ thật, mình đã dốt, nhưng ông thổ công của nhà này càng dốt hơn mình”, nhưng nhanh trí, anh vội nói gỡ:

Tôi biết là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tôi đang dậy cho các cháu biết đến tận tam đại con gà kia.                                 

Người cha càng không hiểu, hỏi:

Tam đại con gà, nghĩa là làm sao?

Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là mẹ con công, con công là ông con gà!

Như vậy, không phải là tam đại nhà con gà thì là gì nữa.

Mặc dù, đó chỉ là câu chuyện cổ tích vui, nhưng trong thực tế, chúng tôi cũng đã gặp biết bao nhiêu người như anh chàng này, và cũng chứng kiến họ sống trong sự đau khổ như thế nào khi sống xa sự thật.

Và câu chuyện vừa mới xẩy ra với người thân của chúng tôi thì ai đang mê, đang tỉnh.

Nếu bạn đã đọc qua bài Tâm Dược, bạn đã biết sơ qua về người thân của chúng tôi, khi bác sĩ về não bộ và thần kinh đã khẳng định, người thân của chúng tôi đang bị bịnh suy khờ người già và đang trong qúa trình thoái hóa.

Trong bài Tâm Dược, chúng tôi cũng chia xẻ với bạn về góc nhìn rất chủ quan của chúng tôi về bịnh suy khờ người già, nhưng sự kiện xẩy ra sáng nay, lại dậy cho chúng tôi những bài học mới.

Trên căn bản, khi chăm sóc cho người bịnh lớn tuổi suy khờ thì mặc tã gần như là điều kiện cần phải có. Ngoài hai cái tã bên trong thì bên ngoài cũng phải có cái quần.

Cả tháng nay, khi sáng thức dậy chúng tôi luôn thấy người thân của chúng tôi cởi quần ra, mà chỉ còn mặc tả. Vì thấy tã bị ướt, nên chúng tôi chỉ đưa người thân đi tắm cho sạch sẽ, và thay tả mới, nhưng không hề để ý đến việc tại sao người thân của chúng tôi lại cứ cởi quần ra và để một bên.

Sáng nay, sau khi tắm và thay tã xong, chúng tôi mới bắt đầu thắc mắc, và hỏi người thân của chúng tôi, tại sao lại cởi quần ra?

Người thân của chúng tôi mới đáp:

Vì chỉ mới ướt cái tã, mà cái quần còn khô, nên mới cởi cái quần ra.

Câu trả lời của người thân của chúng tôi, khiến cả nhà cười lăn ra, nhất là mấy đứa con của chúng tôi, vì chúng tin vào những gì bác sĩ đã khẳng định là, “càng lúc càng trở nên giống trẻ thơ, không còn ý thức”.

Nhưng sự thật thì lý lẽ của người thân suy khờ người già của chúng tôi hoàn toàn hợp lý, và ai trong chúng ta, khi có ý thức, cũng đều hành động như vậy. Nghĩa là, nếu chỉ ướt cái tã, mà chưa ướt cái quần, thì phải cởi cái quần ra, chứ sao lại để ướt cái quần. Trừ khi, lúc đó, chúng ta vì mặt mũi, vì sợ xấu hổ, nên mới không dám cởi mà thôi.

Qua hành động của người thân của chúng tôi, chúng tôi học được những bài học rất đáng suy ngẫm như sau:

Nếu chúng tôi dùng Trí để nhìn về hành động của người thân của chúng tôi, mà không thắc mắc hỏi và tìm nguyên do, thì qua việc làm đó, chúng tôi sẽ cảm thấy xấu hổ, không những cho người thân của chúng tôi, mà cả chúng tôi nữa.

Từ sự xấu hổ này, chúng tôi sẽ liên tưởng đến những điều khẳng định của bác sĩ và phỏng đoán tình trạng bịnh của người thân của chúng tôi càng lúc càng tệ hại hơn xưa, đến độ, không còn biết xấu hổ, chỉ mặc tã, không mặc quần.

Nhưng trên thực tế, rõ ràng, người thân của chúng tôi đang dần có lại ý thức, khi đã biết dùng những chức năng so sánh, phân tích của ý thức để đưa ra một hành động rất hợp lý.

Nếu với những người bịnh bình thường khác thì hành động cởi quần ra có thể mang nhiều ý nghĩa khác. Nhưng với người bị bịnh suy khờ người già, người đang mất dần đi ý thức, lại có thể sử dụng ý thức một cách linh hoạt thì đó không phải là việc bình thường.

Rõ ràng, khi chúng tôi sử dụng Trí cộng thêm sự tưởng tượng thì chúng tôi đã không nhìn đúng với sự thật, từ đó, tạo ra những cảm giác, xấu hổ, mất mặt, bực tức,v.v, trong khi, người thân của chúng tôi khi trải nghiệm, đối diện với sự thật và hành động trên sự thật, thì hành động đó, chỉ chú trọng đến vấn đề, tã đang bị ướt và quần đang khô, để giải quyết. Chứ không hề có mặt của Ngã Thức tham gia vào để có những cảm xúc/giác khác.

Vậy thì, người thân của chúng tôi đang mê hay đang tỉnh? Mê vì không biết xấu hổ khi chỉ nằm mặc tả mà không mặc quần, hay Tỉnh vì đã biết dùng ý thức để phân tích so sánh và cởi cái quần khô ra khi cái tã bị ướt.

Và chúng ta là những người đi chăm sóc cho người bịnh, chúng ta có nên đi tìm hiểu nguyên do cho rõ ràng trước khi đưa ra nhận định, hay chúng ta dùng sự phỏng đoán và niềm tin chưa kiểm chứng để đưa ra nhận định.

Cho nên, tỉnh tỉnh, mê mê, lấy gì để đo, đâu mê, đâu tỉnh. Nếu không dựa trên sự tiếp xúc với sự thật thì cái mà chúng ta tin là tỉnh đó, biết đâu lại là mê chăng?, và cái mà chúng ta cho là mê đó, khi tiếp xúc với sự thật, thì mê kia lại là tỉnh chăng?

Tỉnh mê mê tỉnh, mê là tỉnh

Mê tỉnh tỉnh mê, tỉnh là mê

Mê trong sự thật, mê là tỉnh

Tỉnh trong phỏng đoán, tỉnh là mê

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept