Biết bố mẹ nghèo, khó có thể chu toàn cho mình học chương trình bác sĩ, Quân đã tự ghi danh làm những người bán hàng dạo để kiếm tiền dự trữ.
Trời muà hè, Arizona nắng như đổ lửa. Sáng nay vì quá vội, Quân đã quên mang theo chai nước giải khát hằng ngày.
Mặt Quân nhễ nhoại mồ hôi, và cổ thì khát đến khô và đắng. Vừa khát lại vừa đói, Quân mệt như muốn xỉu. Thò tay vào túi quần, chỉ còn vỏn vẹn có đồng 25 xu (quarter). Quân nghĩ, hay dùng 25 xu này, để mua một ly nước lạnh để giải khát và chống đói.
Quyết định xong, Quân bước đến một căn nhà cũ kỹ bên đường, đưa tay bấm chuông. Bước ra mở cửa là một phụ nữ tuổi trung niên.
Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhoại trên khuôn mặt Quân, người phụ nữ nói:
-Con có phải người Việt không?
-Dạ thưa Bác cháu là người Việt ạ.
Khổ thân con, sao trời nắng thế này, mà lại đi ngoài đường thế con. Hãy mau vào đây, ngồi cho mát tí đi con.
Theo chân người phụ nữ vào nhà, bà dẫn chân Quân đến ngồi trên chiếc sofa cũ kỹ, bạc mầu.
Con hãy ngồi đây nghỉ một chút, rồi Bác rót nước cho con uống giải khát nha. Người phụ nữ nói.
Vừa nói xong thì người phụ nữ đã nhanh chân bước vào nhà sau. Căn nhà khá nhỏ, nên mùi Bún Bò Huế từ phía sau, lan toả khắp cả căn nhà. Mùi Bún bò thơm ngon như khêu dậy cơn đói đang hoằng hành trong Quân tăng năng suất.
Bước ra từ phòng bếp, người phụ nữ bê trên tay một cái khay, với một tô bún bò Huế thật lớn, và một ly nước đá lạnh, với đôi đũa và chiếc muỗng, được xếp ngay ngắn trên mâm. Ngước nhìn người phụ nữ, Quân chạm ngay ánh mắt hiền từ, đầy yêu thương, khiến Quân như muốn rơi nước mắt.
-Này con, con hãy uống chút nước, rồi ăn tô bún bò này đi nhé. Bác còn bận một chút ở nhà sau.
Nói xong, người phụ nữ đặt chiếc khay xuống chiếc bàn trước mặt Quân, rồi chậm rãi bước vào nhà sau. Quân biết, thật ra bà chẳng có việc gì làm, vì Quân thấy bà chỉ ngồi yên trên chiếc ghế trong phòng ăn. Nhưng có lẽ, vì muốn cho Quân được ăn uống tự nhiên, nên bà mượn cớ ra đằng sau. Cách cư xử tế nhị của bà, càng khiến cho Quân thêm cảm động.
Quân vẫn ngồi yên bất động, không dám ăn và uống, bởi vì, Quân biết, mình chỉ đủ tiền để trả cho một ly nước lạnh mà thôi.
Như chợt nghĩ ra điều gì, người phụ nữ buớc ra phòng khách. Nhìn thấy Quân với tô bún bò trước mặt vẫn còn nguyên, Bà lên tiếng:
-Sao con không ăn đi, để nguội mất ngon con ạ.
Vẫn ánh mắt yêu thương và giọng nói nhẹ nhàng, bà khiến Quân không biết phải làm sao. Quân bối rối, móc trong túi ra đồng 25 xu, đặt trên mặt bàn, rồi ấp úng nói:
-Thưa Bác, cháu chỉ còn có 25 xu, đủ để xin mua một ly nước lạnh thôi. Cháu không có đủ tiền để trả cho Bác tô bún bò này ạ.
Vẫn nhìn Quân bằng ánh mắt yêu thương bà nói:
-Con à, Bác đâu có bán cho con đâu, Bác mời con mà. Con hãy ăn đi, đừng có ngại.
Nói xong, bà cầm đôi đũa lên, đặt vào tay Quân, rồi ép tay Quân nhúng vào tô bún. Trước cử chỉ chăm sóc ân cần của bà, Quân chợt thấy hình ảnh của mẹ mình ẩn hiện đâu đây.
Hai mươi năm sau…
“Bác sĩ Quân xin đến ngay phòng cấp cứu.”
Tiếng máy phóng thanh gọi trong bịnh viện đã gọi đến lần thứ hai. Quân rảo bước vào phòng bịnh. Đón nhận tập hồ sơ từ người y tá, Quân đọc qua tình trạng bịnh nhân.
Bà Nguyễn thị Hoa, bị té ngã đập đầu xuống đất, tạo nên máu bầm trong não.
Ồ thì ra bà ấy là người Việt Nam.
Nhìn thấy bà nằm thiếp trên giường, Quân chợt khẽ rung mình. Thì ra, đây chính là người phụ nữ ngày xưa đã từng mời Quân ăn tô bún bò Huế. Khuôn mặt hiền hậu ấy, tuy nay, đã có thêm nhiều nếp nhăn, nhưng khuôn mặt ấy, vẫn in sâu trong tâm trí Quân, không hề quên lãng.
Hai bác sĩ phụ chẩn cũng đã có mặt. Cả hai đều rất lo lắng vì cục máu bầm, nằm kế cạnh khu vực hệ thống điều khiển tay chân, nếu mổ không khéo, thì có thể dẫn đến bịnh nhân bị tê liệt suốt đời.
Sau những bàn luận, cuối cùng, Quân nhất định sẽ thực hiện ca mổ nguy hiểm này cho bà Hoa.
Bốn tiếng đồng hồ trôi qua, cuối cùng thì Quân cũng đã thành công trong ca phẫu thuật.
Ba ngày sau, bà Hoa đã khá tỉnh táo trên giường dưỡng sức, thì Quân bước vào phòng, nhìn bà rồi nói:
-Bác có nhận ra con không?
Bà Hoa như cố vận hết tâm trí của mình để nhớ xem đã gặp người bác sĩ vừa cứu mình là ai không, nhưng hình như, bà chẳng có chút thông tin nào. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của bà, Quân lên tiếng:
-Bác có còn nhớ hai mươi năm trước, bác đã từng cho con ăn bún bò Huế không?
Tuy được Quân nhắc nhở, nhưng hình như bà Hoa cũng chẳng nhớ được rõ ràng. Quân chợt hiểu, thì ra, lúc ấy, khi bà Hoa thi ân cho Quân, bà chẳng mong cầu được đền đáp, nên bà chẳng nhớ gì đến Quân. Ngược lại, Quân là người thọ ân, nên ánh mắt và khuôn mặt hiền từ của bà như in sâu vào trong ký ức.
Một tháng sau ngày bà Hoa xuất viện. Ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, bà Hoa bắt đầu đâm lo.
Không biết sao lại xui đến thế. Đang yên đang lành thì bị té ngã, đến vỡ cả đầu khiến cho phải mổ. Khổ thay, bảo hiểm của bà vừa mới hết hạn tháng qua. Thế là số tiền dành dụm của bà bấy lâu nay sẽ không cách mà bay hết.
Nghĩ đến đó, lòng bà buồn vời vợi, nhưng cũng đành chịu thôi, vì bà cũng chẳng còn có cách nào.
Sáng nay, bà nhận được hai lá thư, trong đó, có tấm thiệp của bác sĩ Quân gởi lời vấn an và chúc sức khỏe bà. Đọc những giòng chữ được viết nắn nót từ tay bác sĩ Quân, lòng Bà cảm thấy vui và ấm áp. Lá thư thứ hai, từ bịnh viện. Bà biết, đây chính là hóa đơn viện phí.
Tim bà chợt đập nhanh hơn. Không biết, số tiền sẽ là bao nhiêu, và không biết số tiền dành dụm của mình có đủ để chi trả, hay lại thiếu không chừng. Nếu thiếu thì biết vay mượn ai? và nếu có vay mượn được, thì làm sao mà trả nợ. Càng nghĩ, bà càng buồn. Hai tay của bà đã lấm tấm mồ hôi và lạnh. Mở chiếc phong bì ra, bà run run mở tờ hoá đơn chậm rãi đọc.
“Thưa bà, đây là thông báo từ bịnh viện của chúng tôi. Đính kèm theo đây là hóa đơn cho viện phí. Xin cám ơn bà đã trả đầy đủ, và xin chúc bà có sức khỏe tốt.”
Có thật thế không? ai đã trả tiền cho bà? Bà lật ngay sang trang bên. Chiếc mộc đỏ “PAID IN FULL” bên cạnh có chữ ký của bác sĩ Quân.
Nước mắt nhạt nhòe trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Có lẽ, suốt đời bà, bà cũng không ngờ, chỉ với tấm lòng yêu thương và một tô bún bò ngày đó, mà ngày nay, bà nhân được sự trả ơn to lớn thế này.
Ngoài trời, mây vẫn trắng, trời vẫn xanh. Bà Hoa như cảm thấy cuộc đời tươi đẹp hơn, và nơi bịnh viện kia, lòng Quân cũng cảm thấy nhẹ nhõm, vui vẻ lạ thường.
Bạn thân mến,
Hạt táo tuy nhỏ nhưng khi được chăm bón cẩn thận, kỹ càng, thì lại hiến tặng cho đời những quả ngọt, thơm ngon.
Còn chúng tôi và bạn thì sao? Chúng ta có làm được như hạt táo không? Chúng ta sẽ làm gì để hiến tặng cho cuộc đời đang xáo trộn hôm nay?
Hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhất bạn nhé. Và nhớ, hãy làm bằng chất liệu yêu thương.