TẢI MP3 – MỸ LINH
TẢI MP3 – TÂM TỪ
TẢI MP3 – TÂM QUANG ĐẠO
Bạn Thân Mến,
Chủ đề hôm nay chúng tôi muốn chia xẻ với bạn, làm sao có thể sử dụng phòng ăn hay bếp của bạn, để thắp sáng Từ Bi và Tuệ Giác đang có sẵn trong bạn, được phát huy một cách rực rỡ nhất.
Từ, Bi và Tuệ, Giác là bốn chất liệu vô cùng quan trọng trong việc đem đến sự Bình An, Hạnh Phúc, Vui Tươi trong cuộc sống của con người.
Định nghĩa của Từ là đem niềm vui đến cho người khác; Bi là lấy ra, hay làm vơi đi, niềm đau nỗi khổ cho người khác. Tuệ là khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp theo chiều sâu; và Giác là nhận ra, biết ra.
Bốn chữ Từ, Bi, Tuệ, Giác thường được sử dụng trong kinh điển của Phật Giáo. Nhưng thật ra, đó không phải là “bản quyền – copyright” của Phật giáo, mà đó là Bản Tính sẵn có nơi mỗi con người.
Nhưng vì chúng ta không hiểu được giá trị và định nghĩa đúng đắn của 4 từ trên; cho nên, chúng ta không biết cách ứng dụng làm sao để đem đến sự Bình An, Hạnh Phúc cho mình và cho người.
Chính vì vậy, bài viết này, chúng tôi muốn chia xẻ với bạn một góc nhìn mới. Một góc nhìn, mà bạn đã có sẵn, nhưng không biết làm sao để phát huy hết giá trị đích thực của Từ, Bi và Tuệ, Giác đang có trong bạn.
Hãy tưởng tượng, khi người thân của bạn bị cảm cúm, bạn vào bếp, và nấu cho người thân của bạn một chén cháo, ăn để giải cảm, có phải bạn đang thực hiện lòng từ bi không?
Chắc chắn rồi. Vì sao? Vì bạn đang tìm cách làm vơi bớt đi sự đau đớn mà người thân của bạn đang gánh chịu, và bạn cũng đang mong muốn chén cháo giảm cảm của bạn, sẽ giúp cho người thân của bạn sớm hồi phục, mạnh khỏe và vui tươi.
Lấy đi niềm đau ra khỏi người thân, đó là lòng Bi, và đem lại sự vui, mạnh khỏe, cho người thân, đó chính là lòng Từ.
Như vậy, bạn đâu cần phải đi làm biết bao việc thiện, bạn phải tu tập khổ nhọc, bạn phải ăn chay trường, mới có thể phát huy hay phát triển được lòng Từ Bi đâu.
Mà chỉ cần, khi bạn chú tâm, để ý vào làm một việc gì cho một ai đó, mà việc làm của bạn, có khả năng lấy ra, hay làm vơi đi sự khổ đau cho người khác thì lòng Bi trong bạn đang được thắp sáng. Và khi bạn, cũng để hết tâm ý, quan sát tỉ mỉ, để đem đến niềm vui và sự an lạc cho người khác, thì bạn đang thể hiện lòng Từ.
Như vậy, lòng Từ Bi không phải là một điều gì “xa tầm với”, ở tận cõi nào, mà nằm ngay trong chính bạn.
Chỉ cần bạn hiểu rõ được định nghĩa một cách đúng đắn, thì bạn không cần mong cầu, hay phải lặn lội đi khắp mọi nơi, để tìm cầu lòng Từ Bi, mà bạn có thể thực hiện ngay với những người thân, đang sống chung quanh bạn.
Bạn hãy thực tập thể hiện lòng Từ Bi mỗi ngày trong cuộc sống, và biến thành thói quen, thì đời sống của bạn sẽ luôn có hạnh phúc và bình An. Vì sao?
Vì Từ và Bi chính là hai trong bốn chất liệu quan trọng để tạo ra Bình An và Hạnh phúc. Không có lòng Từ Bi thì cuộc sống của bạn sẽ chìm trong đau khổ và vô vị.
Tương tự như Từ Bi, Tuệ và Giác cũng là hai chất liệu quan trọng khác. Nhưng Tuệ và Giác nếu đem so với Từ Bi, thì Tuệ và Giác quan trọng hơn, bởi vì, nếu không có Tuệ và Giác, thì lòng Từ Bi khó có thể thể hiện được sự tinh tế nhất.
Thí dụ: Khi người thân của bạn bị cảm, và bạn đi nấu cháo giải cảm cho người thân của bạn. Tại sao bạn lại làm vậy? Vì bạn muốn người thân của bạn sớm được khỏe mạnh.
Nhưng nếu trong suốt qúa trình bạn nấu cháo, mà bạn lại bận, suy tư, lo âu về những chuyện khác, hay bạn cảm thấy bực dọc, khó chịu, hay bạn cảm thấy phiền toái, thì những nguồn năng lượng tiêu cực đó sẽ được “thẩm thấu” vào chén cháo mà bạn đang nấu.
Và khi người thân của bạn ăn phải chén cháo với nguồn năng lượng tiêu cực đó, thay vì, họ sẽ sẽ hưởng được lòng Từ Bi của bạn, thì họ sẽ nhận được những “độc dược” từ những tư duy tiêu cực của bạn.
Chính vì vậy, sự có mặt của Tuệ (khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp theo chiều sâu) và Giác (nhận ra, biết ra) sẽ giúp cho Lòng Từ Bi ban đầu của bạn, được duy trì và “gởi gấm” vào trong chén cháo một cách dồi dào và trọn vẹn.
Phương pháp nấu ăn có Tuệ Giác là phương pháp quan sát tâm ý của bạn trong qúa trình nấu ăn, để nhận ra những trạng thái tâm lý của bạn trong lúc đang nấu ăn là trạng thái gì.
Nếu trạng thái tâm lý đang nấu ăn là lòng Thương, lòng Từ, Lòng Bi, Bình An, Vui Vẻ thì bạn hãy tiếp tục tập trung vào lòng yêu thương, hay lòng Từ Bi đó, bằng cách, gia tăng sự suy nghĩ đến những việc đẹp, tốt, đáng yêu mà người thân đã làm cho bạn, mà không để bất cứ ý niệm tiêu cực như: lo âu, phiền toại, buồn bực, sợ hãi v.v. nào chen vào.
Nếu chẳng may, bạn không có thể duy trì lòng thương, lòng Từ hay lòng Bi, mà trong lòng bạn bắt đầu “nổi sóng”, thì bạn nên dừng lại việc nấu ăn, hay bạn đã nấu xong, thì bạn cũng đừng cho người thân của bạn ăn.
Bởi vì, Bạn đã nhận ra (Giác) thức ăn bạn nấu với nguồn năng lượng tiêu cực sẽ trở thành “độc dược” đối với người thân của bạn.
Thay vì, người thân của bạn sẽ sớm hồi phục, khỏe mạnh và sống vui tươi, thì bịnh của họ sẽ trở nên nặng hơn khi tinh thần của họ đã thấm những độc tố: buồn phiền, lo âu, phiền toái từ bạn, và cuối cùng, họ sẽ đem những phiền não, khổ đau của họ, trao tặng lại bạn.
Như vậy, nhờ có Tuệ, giúp cho bạn có thể tập trung sâu hơn để nghĩ về những điều tốt đẹp, và duy trì sự tốt đẹp đó, trong suốt qúa trình nấu; và Giác, giúp cho bạn nhìn sâu hơn để hiểu được tại sao người thân của bạn, sau khi ăn những thức ăn của bạn nấu xong, lại trở nên dễ, cáu gắt, bực bội, bất mãn, khổ đau hay trở nên vui tươi, mạnh khỏe yêu đời.
Con người của chúng ta cần ăn để sống, nhưng nếu những thực phẩm mà chúng ta ăn, đều được “tẩm” bằng những chất liệu độc hại như: lo âu, phiền não, căng thẳng, phiền muộn, bực tức, thù hận, ganh ghét v.v. thì chẳng trách sao, cuộc đời của chúng ta luôn chìm trong khổ đau, và bịnh tật.
Hãy biến nhà bếp của bạn thành nơi để thắp sáng lòng Từ Bi và Tuệ Giác của bạn. Bạn hãy bắt đầu bằng việc thực tập thành những thói quen như:
- Nhất định không nấu ăn khi lòng bạn đang lo âu phiền não, buồn bực hay có những suy nghĩ tiêu cực
- Không nghe bất cứ loại nhạc, âm thanh nào để bạn có được sự tập trung cao nhất
- Bạn chỉ nấu ăn khi bạn có được sự Bình An, Vui Vẻ, Yêu Thương, Hạnh Phúc
- Khi nấu ăn, bạn luôn nghĩ đến những điều tốt lành, và gởi tình yêu thương của bạn qua thực phẩm, món ăn, thay vì dùng lời nói
Chỉ cần bạn duy trì liên tục thực tập trong vòng 30 ngày, bạn sẽ tập thành những thói quen tốt. Chính những thói quen tốt này, sẽ giúp bạn thắp sáng lòng Từ Bi và phát huy Tuệ Giác của bạn, để đem đến sự Bình An và Hạnh Phúc cho bạn, và cho tất cả những người thân yêu của bạn.
Tiện đây, chúng ta cũng nên quan sát và nhìn sâu vào Từ, Bi, Tuệ, Giác khi ứng dụng ngoài đời sẽ như thế nào.
Hãy lấy câu chuyện sau đây làm minh họa.
Trong một ngôi làng nhỏ trong rừng sâu, có khoảng vài trăm người đang sinh sống, và họ chỉ có duy nhất một người bác sĩ để chữa trị bịnh cho họ những khi trái nắng trở trời.
Một hôm, ông y Sĩ đi chữa bịnh về, và đi ngang qua một khu rừng, ông nhìn thấy một con hổ đang bị thương, nằm ngất, bên bìa rừng.
Vì là Y sĩ, ông thấy con hổ bị thương nên khởi lòng “Từ Bi” muốn cứu con hổ đó. Sau khi, xem xét vết thương và băng bó lại cái chân bị gẫy của con hổ, ông mới dùng thuốc giải mê để đánh thức con hổ dậy.
Khi con hổ thức dậy, nhìn thấy ông, vì con hổ đã đói mấy ngày, nên đã tấn công ông, và cắn xé thịt của ông để thỏa mãn cơn đói của nó.
Hành động của vị bác sĩ này có phải là “từ bi” không và có đúng không?
Chắc chắn, đây không phải là lòng từ bi, mà đó là lòng thương xót hay lân mẫn. Phần lớn chúng ta hay lầm lẫn khi cho rằng lòng từ bi là lòng thương xót.
Trong khi, định nghĩa của lòng Từ bi là đem niềm vui đến cho người (từ), và lấy ra, hay làm vơi đi niềm đau nỗi khổ cho người (bi), thì định nghĩa của lòng thương xót là động lòng thương và xót xa cho hoàn cảnh của người hay vật.
Rõ ràng, hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta không cẩn thận, mà diễn dịch lòng từ bi là lòng thương xót, hay lòng yêu thương, thì chúng ta sẽ có thể bị rơi vào giống như trường hợp của vị bác sĩ kia. Chúng ta sẽ trở thành “mồi ngon” cho người hay cho vật.
Vậy nếu như vị bác sĩ kia muốn ứng dụng lòng “từ bi” vào việc cứu con hổ kia có được không?
Được và không được. Được khi ông băng bó vết thương cho con hổ (bi), rồi đánh thức con hổ dậy, và làm mồi cho con hổ ăn (từ). Nhưng không được vì cả mấy trăm sinh mạng trong làng, đang chờ ông chăm sóc và cứu chữa khi bị bịnh, họ có thể chết nếu không có ông.
Cho nên, chỉ có lòng từ bi không là không đủ. Muốn thực hiện được lòng từ bi thì phải luôn có thêm Tuệ Giác gắn liền vào, nếu không, khi chúng ta thực hiện lòng từ bi mà không có Tuệ Giác, thì chúng ta, không những không giúp được người, mà chúng ta còn lại làm hại người và hại chính mình.
Vậy làm sao chúng ta có thể kết hợp giữa từ bi và tuệ giác cho câu chuyện của ông bác sĩ nêu trên.
Nếu ông bác sĩ muốn cứu con hổ với lòng từ bi và tuệ giác thì ít nhất ông cũng có vài cách để thực hiện:
Việc đầu tiên khi ông khởi lòng thương xót, muốn cứu con hổ, thì ông phải sử dụng tuệ giác để ý thức được rằng, nếu ông không cẩn thận, và làm cho con hổ bị mê lâu hơn, mà lỡ, khi ông đang chữa trị, băng bó vết thương cho con hổ, mà nó thức dậy, cắn giết ông, thì những người dân làng của ông sẽ gặp rất nhiều đau khổ vì bịnh tật, và cả làng của ông có thể bị tiêu diệt, nếu chẳng may bị đại dịch khi không có ông ở đó.
Ông phải ý thức được rằng, ông sống không phải chỉ cho riêng ông, mà ông sống vì những trách nhiệm mà người dân trong làng đang trông cậy vào ông.
Cho dù, ông có vì lòng “từ bi” mà làm mồi cho con hổ, thì sau khi con hổ đánh chén no bụng xong, nó cũng chẳng lấy làm hối hận, khi vừa ăn thịt “ân nhân” của nó; và ngày mai, khi nó đói bụng, thì nó vẫn đi tìm những con vật khác hay người nào đó, để thỏa mãn cơn đói của nó.
Đó chính là bản năng của động vật, và con hổ đang sống đúng bản năng của nó. Trong bản năng đó, sự sống còn của nó mới là yếu tố quan trọng nhất.
Cho nên, những cảm giác tốt như: yêu thương, hiểu biết, hay đạo đức như thiện ác, không hề có trong phần lớn các động vật. Vì vậy, khi áp dụng lòng từ bi hay thương xót với động vật thì phải nên rất cẩn thận, nhất là những loại động vật hoang dã, chưa được huấn luyện thuần tánh như gia súc trong nhà.
Chính vì vậy, khi đã quyết định thực hiện lòng “từ bi” thì ông phải sử dụng tuệ giác trước, để so sánh, phân tích lợi và hại. Sau đó, ông mới sắp xếp xem giải pháp nào là tốt nhất, rồi mới thể hiện lòng từ bi.
Sau đây là một vài trường hợp mà ông Y sĩ có thể ứng dụng:
Trường hợp một: ông dùng thuốc tiếp tục gây mê cho con hổ, sau đó, mới dùng dây trói hai chân con hổ lại, băng bó vết thương, rồi trở về làng, nhờ những người khác đóng cũi để nhốt con hổ lại, và mang nó về làng. Sau đó, nuôi con hổ trong cũi để nó không đi ăn thịt những con thú khác hay con người.
Như vậy, qua sự có mặt của Tuệ Giác thì ông vừa giữ được thân mạng của ông an toàn để ông có thể giúp cho dân làng khi có bịnh tật, và ông cũng cứu được con hổ, và cũng ngăn ngừa con hổ, sẽ không thể đi giết hại những động vật khác hay con người. Ông vừa sử dụng Tuệ giác và lòng “từ bi” cùng một lúc, vừa đem lợi đến cho con người và con hổ.
Dĩ nhiên, có nhiều bạn sẽ thắc mắc, nếu giải quyết như ông thì đó có phải là Tuệ Giác không? Vì, tuy ông có thể đạt được lợi cho người, cho con hổ và các động vật khác, nhưng ông sẽ lấy thịt đâu để nuôi con hổ mỗi ngày.
Có nghĩa là, ông cũng phải giết những con vật khác để nuôi con hổ, vậy thì lòng “từ bi” của ông ở đâu, khi giết những con vật khác để nuôi con hổ.
Câu hỏi của bạn rất hay, nhưng nếu bạn để ý kỹ, bạn thấy đấy, chúng ta đang sống trong thế giới của tương đối chứ không phải là tuyệt đối. Trong thế giới của tương đối, cách ứng xử hay hành xử của chúng ta bao giờ cũng có giới hạn. Trong khi, trong thế giới của tuyệt đối thì không hề có giới hạn.
Khi chúng ta đang sống trong thế giới của tương đối, chúng ta luôn có chủ thể và đối tượng, và đối tượng ở đây chính là con người, hay vật.
Còn thế giới của tuyệt đối là thế giới dành riêng cho cá thể đó mà thôi. Dĩ nhiên, cũng có chủ thể và đối tượng. Nhưng đối tượng ở đây là những ý niệm, tư tưởng, cảm xúc/giác của cá thể, chứ không phải là người hay vật.
Cho nên, trong cách ứng xử hay giải quyết vấn đề hoàn toàn khác nhau, chứ không phải, cách giải quyết của tuyệt đối cao hơn tương đối, hay ngược lại.
Vì vậy, trong cách giải quyết của tương đối thì bạn chỉ có thể chọn giải pháp nào có lợi nhiều nhất, có hại ít nhất, chứ không thể nào chỉ có lợi mà không có hại như tuyệt đối được.
Cho nên, khi vị Y sĩ hành xử như trường hợp một, đã là cách tốt nhất, có lợi trên nhiều mặt, và cái hại là phải giết những sinh vật nhỏ để nuôi con hổ, là chuyện không thể đặng đừng.
Đó chính là những sự thật đang xẩy ra trong thế giới tương đối mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày, giữa các động vật khi sinh hoạt chung với nhau trên trái đất này.
Trường hợp hai: Ông có thể giết con hổ, vì ông ý thức được rằng, ngày nào còn có con hổ, chúa tể sơn lâm, thì ngày đó còn có biết bao nhiêu con vật yếu đuối khác phải làm bữa ăn cho con hổ, trong đó, có thể có cả ông và những người khác.
Nếu đứng trên góc độ tương đối thì hành động giết con hổ của ông đem đến những lợi ích cho những con vật yếu đuối, không đủ sức chống trả trước sức mạnh của con hổ, và ông cũng giúp cho những người, khi có việc đi qua khu rừng không còn nơm nớp lo sợ, làm mồi ngon cho chúa sơn lâm. Và cái hại duy nhất, đó là, ông phải diệt đi một sinh mạng của một động vật.
Như vậy, nếu đem trường hợp hai so với trường hợp một, thì trường hợp hai sẽ giải quyết được vấn đề là, ông không cần mỗi ngày phải giết một số con vật nhỏ, để cung cấp thực phẩm cho chúa sơn lâm, và ông vẫn bảo vệ được ông và con người. Ông cũng có thể bảo vệ cho nhiều động vật nhỏ, không phải chịu làm những bữa ăn cho con hổ.
Khi đặt trên so sánh và phân tích thì hành động trong trường hợp hai tốt hơn trường hợp một, vì ông chỉ giết một con hổ nhưng cứu được rất nhiều động vật khác kể cả con người.
Trường hợp ba: Ông đánh thuốc mê cho con hổ mê lâu hơn để ông có thể băng bó cái chân gẫy của con hổ. Sau khi, ông băng bó xong thì bỏ đi, mặc kệ con hổ, sau khi hết thuốc mê tỉnh dậy sẽ sinh hoạt ra sao?
Nếu đứng trên góc độ tương đối thì có phải ông đang “tiếp tay” cho con hổ, để nó mạnh khỏe, và tiếp tục sát hại những sinh vật yếu đuối hơn nó không?
Chắc chắn là vậy, vì khi con hổ còn sống, là nó sẽ sống theo bản năng của nó để sinh tồn. Ông Y sĩ có thể thấy thoải mái hơn, vì vừa thực hiện được lòng từ bi là cứu con khổ khi nó bị nạn, nhưng ông lại không có tuệ giác nhìn sâu để thấy được sự nguy hiểm của con hổ, đối với con người và vật yếu đuối như thế nào?
Tuy việc làm giúp băng bó vết thương cho con hổ mang đầy tích chất nhân văn, nhưng ông lại quên mất là, đối tượng của ông đang giúp là đối tượng nào? Nếu ông không sử dụng tuệ giác để nhìn sâu, phân tích và so sánh thì có đôi khi, ông không giết trăm họ, nhưng trăm họ cũng vì ông mà chết.
Câu chuyện của Mikhail Kalashnikov, người phát minh ra AK-47, cho quân đội Liên Xô là một câu chuyện như trường hợp ba.
Khi cuộc chiến tranh chống lại phát xít Đức bùng nổ, Liên Xô đã bị ám ảnh bởi việc thiết kế một khẩu súng trường tự động ưu việt. Thiết kế AK-47 của Kalashnikov là điều mà thế giới đang mong đợi.
Năm 1947, phát minh của Mikhail, đã đưa ông trở thành người ưu tú ở Liên Xô, và ông đã giành được nhiều giải thưởng. Mặc dù vậy, Kalashnikov vẫn cảm thấy tội lỗi vì sự tàn phá mà phát minh của ông đem đến cho nhân loại. Vũ khí AK-47 của ông sáng chế ra, chính là nguyên nhân gây ra cái chết cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Súng AK-47 đã giết nhiều người hơn bất kỳ loại súng nào khác. Nó đã trở thành loại vũ khí, mà những người theo đạo thánh chiến lựa chọn. Tất cả đều đạt được sự vô pháp, giết người hàng loạt, buôn người, và các hoạt động tội phạm khác, đều nhờ vào phát minh của Kalashnikov.
Sau đó, ông bị dằn vặt vì tội lỗi, và đã viết bức thư đau buồn, gởi cho người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga như sau:
“Nỗi đau trong tâm hồn tôi không thể chịu đựng được. Tôi tiếp tục tự hỏi mình câu hỏi nan giải tương tự: Nếu khẩu súng Ak-47 của tôi cướp đi sinh mạng của mọi người, điều đó có nghĩa là tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ.
Tôi càng sống lâu, câu hỏi này càng thấm sâu vào não của tôi và tôi càng tự hỏi, tại sao Chúa lại cho phép con người, có những ham muốn xấu xa như ghen tỵ, tham lam, và hung hãn”.
Cho nên, khi ứng dụng trong thế giới tương đối, lòng từ bi không dễ dàng sử dụng, nếu như bạn không có mặt của tuệ giác theo sau.
Nếu bạn không cẩn thận tìm hiểu định nghĩa hai chữ từ bi cho rõ ràng, hay bạn lại diễn dịch định nghĩa từ bi theo một nghĩa khác, và thêm vào đó, bạn lại không sử dụng Tuệ Giác mà là Trí giác, thì cơ hội bạn giống như Mikhail rất là cao.
Vậy, nếu đứng trên góc độ của tuyệt đối thì lòng từ bi và tuệ giác sẽ ứng xử ra sao. Dĩ nhiên, chúng tôi có thể chia xẻ với bạn, nhưng cũng chẳng có ích gì, vì đó là sự trải nghiệm của chúng tôi, mà không phải là sự trải nghiệm của chính bạn. Nếu bạn muốn biết chính xác câu trả lời thì bạn cần phải tự trải nghiệm.
Đừng tin bất cứ một ai, mà hãy tin vào chính kết qủa mà bạn trải nghiệm một cách nghiêm túc bao gồm: kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm.
Từ Bi và Tuệ Giác
Vốn không thể tách rời
Nếu không…sẽ rối bời
Tạo ra muôn đau khổ