TẢI MP3 – QUẢNG BẢO TÂM
TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN
Chiều nay, chàng thanh niên đến gặp ông chú, chàng không đi một mình. Đi với chàng là một cô gái khá xinh xắn. Gặp ông chú, chàng thanh niên lễ phép cúi chào, rồi nói:
Xin phép chú, chiều nay cháu xin được dẫn theo người bạn gái của cháu, đến xin gặp chú. Cháu xin được giới thiệu với chú, đây là Diệu Hiền.
Diệu Hiền mỉm cười, cúi đầu chào ông chú, rồi nói:
Cháu rất hân hạnh được gặp chú.
Thưa chú, cháu đã được nghe anh Nhật Minh nói rất nhiều về những chia xẻ của chú. Cháu rất ngưỡng mộ chú, và đã năn nỉ anh Nhật Minh nhiều lần, xin được đến gặp chú, nhưng mãi đến chiều nay, anh Nhật Minh mới đồng ý.
Cháu không biết, việc làm đường đột của hai cháu có làm chú phiền lòng hay không? Nếu có, cháu thành thật xin lỗi chú.
Sở dĩ, cháu phải mạo muội đến xin gặp chú, vì cháu có một vấn đề, mà cháu đã thắc mắc bấy lâu nay, nhưng vẫn chưa giải đáp được. Không biết chú có vui lòng giúp cháu không?
Ông chú nhìn Diệu Hiền mỉm cười, nói:
Bạn thật khách sáo. Tôi chẳng có gì phiền lòng cả. Rất vui khi được gặp hai bạn. Nào, mời hai bạn cùng ngồi xuống, nghỉ chân đã.
Diệu Hiền và Nhật Minh nghe ông chú mời, cùng ngồi xuống thảm cỏ xanh êm ái, mặt đối diện với ông chú.
Ông chú lên tiếng. Thật ra, kinh nghiệm sống của tôi cũng có giới hạn. Thế nên, vấn đề mà bạn thắc mắc, chưa chắc tôi đã có kinh nghiệm để chia xẻ lại với bạn. Này bạn, nếu như thắc mắc của bạn vượt quá kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ không thể chia xẻ gì với bạn cả. Mong bạn thứ lỗi cho.
Cháu biết chú khiêm tốn thôi, chứ vấn đề của cháu đối với chú chỉ là “chuyện nhỏ”.
Này bạn, tôi thích đôi chân của tôi đi trên mặt đất hơn trên mây, bạn nhé. Ông chú nói.
Diệu Hiền cười to. Cháu nói thật đấy chú. Cháu không thích tâng bốc, hay nâng “tầng” ai đâu. Sỡ dĩ, cháu nói vậy, là vì, anh Nhật Minh là người rất ít khi ngưỡng mộ một ai. Chỉ riêng với chú, anh Nhật Minh luôn miệng đề cập đến chú trong những khi chúng cháu chia xẻ. Cho nên, cháu mới dám nói, vấn đề thắc mắc của cháu chỉ là chuyện nhỏ đối với chú đó mà.
Vậy sao bạn Diệu Hiền không nhờ bạn Nhật Minh giúp bạn giải đáp thắc mắc của bạn?
Dạ, cháu cũng đã nhờ, nhưng anh Nhật Minh bảo, chú sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn nên sẽ giúp cháu dễ hiểu hơn.
Vậy vấn đề Bạn Thắc mắc là gì?
Dạ, thưa chú, Tứ Diệu Đế.
Thưa chú, trong tất cả kinh điển của Phật Giáo thì cháu tâm đắc nhất với Tứ Diệu Đế. Bởi vì, Tứ Diệu Đế liên quan đến chuyên nghành của cháu là Tâm Lý học.
Tuy là bác sĩ về tâm lý đã nhiều năm, nhưng cháu vẫn cảm thấy, nghành Tâm Lý học của phương Tây có rất nhiều vấn đề, nhất là trong phương pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất, đó là: các bác sĩ tâm lý, sau một thời gian giúp bịnh nhân chữa trị tâm lý thì chính họ lại trở thành bịnh nhân tâm lý do những bịnh nhân của họ tạo ra, và luôn cần sự hỗ trợ, chữa trị, từ một bác sĩ tâm lý khác.
Đây đúng là chuyện khôi hài. Ai nghĩ sao, cháu không biết, nhưng với cháu, đó là điều không thể chấp nhận được.
Cháu biết, trong đạo Phật có Phương Pháp Tứ Diệu Đế, và cháu cũng biết, phương pháp Tứ Diệu Đế rất tuyệt vời. Nhưng vì kinh nghiệm và kiến thức của cháu còn nông cạn. Cho nên, khi ứng dụng phương pháp Tứ Diệu Đế vào chữa trị cho bịnh nhân, cháu cũng chưa đạt được hiệu quả như cháu mong muốn.
Vì vậy, cháu mới xin anh Nhật Minh giúp cháu đến gặp chú, mong chú có thể giúp cháu.
Đúng như bạn nói, Tứ Diệu Đế quả thật là một phương pháp tuyệt vời trong việc giúp cá thể giải quyết tất cả mọi vấn đề một cách rốt ráo để đạt được trạng thái An Lâu Dài. Nhưng muốn hiểu và áp dụng đúng cách của Tứ Diệu Đế, thì cho đến nay, cũng ít ai chia xẻ một cách đúng đắn về phương pháp này. Vậy theo như kinh nghiệm và hiểu biết của bạn, Tứ Diệu Đế là gì?
Thưa chú, theo kinh nghiệm của cháu, Tứ Diệu Đế là Bốn Sự Thật vi diệu, bao gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Theo Định Nghĩa:
- Khổ Đế là thực trạng đau khổ của con người hay bản chất của khổ đau
- Tập Đế là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng của đau khổ
- Diệt đế là sự chấm dứt hay kết thúc của khổ đau
- Đạo đế là con đường, hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt sự khổ đau
Đúng trên góc độ sắp xếp theo thứ tự thì:
- Khổ Đế là Đế thứ Nhất
- Tập Đế là Đế thứ Hai
- Diệt Đế là Đế thứ Ba
- Đạo Đế là Đế thứ Tư
Đây là thắc mắc đầu tiên của cháu về cách thức sắp xếp thứ tự của Tứ Diệu Đế; theo cháu, có vẻ như, cách sắp xếp này không ổn, chú ạ.
Thí dụ như, nếu không tìm ra được con đường hay phương pháp giải quyết khổ đau (Đạo Đế) thì làm sao chúng ta có thể chấm dứt, hay kết thúc được sự khổ đau (Diệt Đế).
Nhưng ở đây, lại là sự sắp xếp thứ tự trong kinh điển đã có mấy ngàn năm. Nếu thật sự không ổn thì phải có nhiều người lên tiếng, hay chỉnh sửa lại. Sự thật, cho đến nay, cháu vẫn chưa thấy có ai.
Chính vì vậy, cháu rất hoang mang, nên khi cháu ứng dụng phương pháp Tứ Diệu Đế vào chữa bịnh thì cháu luôn bị bế tắc ở đâu đó. Không biết, có phải sự sắp xếp đó có một “ẩn ý” gì sâu xa mà cháu chưa hiểu được không, mong chú có thể giải thích dùm cháu.
Dĩ nhiên, tôi có thể chia xẻ với bạn về những “ẩn ý” này, nhưng bạn có thể cho tôi hỏi, nếu như cho bạn sắp xếp lại thì bạn sẽ sắp xếp thứ tự như thế nào?
Cháu sẽ sắp xếp theo thứ tự: Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế và cuối cùng là Diệt Đế.
Tại sao bạn lại sắp xếp thứ tự như thế? Ông chú hỏi.
Theo Cháu, nếu xếp theo lối cũ có 2 điều không đúng với trình tự và lý luận:
- Nếu đã có sự chấm dứt khổ đau rồi thì tìm ra phương pháp giải quyết để làm gì. Thế nên, chúng ta không cần đến Đạo Đế nữa, mà chỉ cần Tam Đế là đủ. Như vậy sẽ hợp lý hơn.
- Còn nếu như, muốn chấm dứt khổ đau thì phải có phương pháp trước, rồi khi áp dụng các phương pháp để giải quyết các vấn đề xong, mới đem đến kết quả là chấm dứt khổ đau. Cho nên, Đạo Đế phải xếp thứ Ba trước Diệt Đế, như vậy, mới hợp lý và tránh gây ra hiểu lầm.
Rất hợp lý, và tôi cũng đồng ý với cách sắp xếp của bạn. Bây giờ, chúng ta hãy cùng quan sát cách sắp xếp theo lối cũ, xem các tiền nhân của chúng ta có ẩn ý gì?
Trước hết, chúng ta hãy quan sát trong kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm) đã giảng giải về Tứ Diệu Đế ra sao?
1) Khổ Đế (Dukkha): Khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc mới lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không ai phủ nhận điều này. Con người của chúng ta luôn có xu hướng muốn vượt thoát khổ đau, và tìm kiếm an lạc, hạnh phúc. Nhưng vì họ không hiểu rõ được bản chất của khổ đau, nên họ đã không tìm ra được lối thoát thực sự; đôi khi ngược lại, họ càng tìm kiếm hạnh phúc, an lạc nhiều bao nhiêu thì họ lại càng tạo ra thêm khổ đau, phiền não, nhiều bấy nhiêu.
Theo Khổ Đế, Khổ có thể chia ra làm 3 phương diện như sau:
- a) Về Phương Diện Sinh Lý: Khổ là một cảm giác khó chịu, bức bối, đau đớn, v.v có được từ Thân.
Thí dụ như: da bị trầy xướt vì té ngã, hay một hạt cát bay vào trong mắt; tạo ra cảm giác khó chịu và đau đớn trên thân thể, thì những sự đau đớn, hay khó chịu này gọi là sự đau đớn, hay khó chịu, về thể xác. Đúng như câu Lão Tử đã nói: Có thân mới có khổ (Ngô hữu đại hoạn do ngô hữu thân).
- b) Về Phương Diện Tâm Lý: Khổ nẩy sinh do không được toại ý, không vừa lòng. Hay những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời. Hay người mình thương muốn gần mà không được; người mình ghét mà cứ gặp gỡ hoài; Những ước mơ không được toại ý, lòng luôn khát khao mong đợi, bức bách v.v, tạo nên sự bi quan, chán chường, phiền muộn, lo âu. Đây là những nỗi khổ thuộc về tâm lý.
- c) Khổ Là Sự Chấp Thủ Năm Uẩn: Cái khổ thứ ba, bao gồm hai cái khổ trên, gọi là: “Chấp thủ năm uẩn là khổ”.
Theo ý kinh, năm uẩn là năm yếu tố nương tựa vào nhau để tạo ra con người, bao gồm: thân thể vật lý, và cấu trúc tâm lý như: hình tướng, cảm giác, niệm tưởng, hành và thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Khi chúng ta bám víu vào 5 yếu tố trên, và có nhận thức sai lầm rằng: 5 uẩn đó là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi thì sự khổ đau sẽ có mặt. Ý niệm về “thân thể của tôi”, “tình cảm của tôi”, “tư tưởng của tôi”, “tâm tư của tôi”, “nhận thức của tôi”, v.v, hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ; từ đó, mọi khổ đau phát sinh. Mọi khổ đau, lo âu, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng, đều gắn liền với ý niệm về “cái tôi” ấy.
Tóm lại, cái khổ về mặt hiện tượng là cảm giác khổ về thân, sự bức bối của hoàn cảnh, sự không toại nguyện của tâm lý. Về mặt bản chất, khổ đau là do sự chấp thủ, ngã hóa từ năm uẩn mà ra.
2) Tập Đế (Samudaya): Tập là tích tập, tụ tập các phiền não lại tạo thành năng lực đưa đến khổ đau; đây là nguyên nhân, là nguồn gốc của các khổ. Khi nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng, chúng ta mới có thể đi vào con đường, đoạn diệt khổ đau (Đạo đế).
Cuộc đời là khổ hay không? Chọn lựa câu trả lời nào, tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, cảm thọ, và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của khổ có nguồn gốc sâu xa từ trong tâm tưởng, hay sự lựa chọn của con người.
Theo Phật giáo, các nguyên nhân chính của đau khổ, không phải phát sinh chính từ vật chất, hay hoàn cảnh xã hội, mà gốc rễ chính là từ tâm thức của mỗi cá thể.
Chẳng hạn như, một trong nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập đến là sự tham ái; vì có sự tham ái mà sinh ra chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái. Rồi từ sự chấp thủ này, sinh ra sự khao khát, mong muốn. Và khi sự khao khát, mong muốn, không được thỏa mãn, hay toại nguyện thì sẽ nẩy sinh ra sự khổ đau.
Và nếu chúng ta cứ tiếp tục nhìn sâu hơn thì chúng ta thấy, chấp thủ cũng chưa phải là nguyên nhân hay gốc rễ chính của sự tham ái, mà sự tham ái này lại bắt đầu bằng vô minh.
Vô Minh tức là không sáng suốt, si mê, không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh khởi, đều vô thường và chuyển biến, không có cái chủ thể, cái bền vững độc lập ở trong chúng.
Chính vì, chúng ta không nhận thức được rõ ràng, nên chúng ta sinh ra tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Từ đó, mới lầm tưởng rằng, “cái tôi” là quan trọng nhất, là cái có thật cần phải bám víu, củng cố, và cần phải thỏa mãn nhu cầu của nó, bằng bất cứ giá nào. Chính vì vậy, mà tạo những nỗi thống khổ của cuộc đời.
Tóm lại, cuộc đời của chúng ta khổ hay không đều bắt nguồn từ những nhận thức của chúng ta như thế nào.
Nếu nhận thức của chúng ta bị cuốn hút vào sự tham lam do vô minh thì tâm thức của chúng ta sẽ sinh ra chấp thủ. Khi tâm thức của chúng ta bắt đầu chấp thủ thì chúng ta bắt đầu sản sinh ra khổ đau.
Nếu như nhận thức của chúng ta không khởi đầu bằng sự chấp ngã, dục vọng, vị kỷ hay phiền não; và không bị những yếu tố này khuấy động, chi phối, hay ngự trị trong tâm thức của chúng ta thì cuộc đời của chúng ta sẽ sống có an lạc, hạnh phúc.
3) Diệt Đế (Nirodha): Diệt là chấm dứt, là dập tắt. Diệt Đế là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ, và sự chấm dứt khổ đau; cũng có nghĩa là hạnh phúc, an lạc. Diệt Đế đồng nghĩa với Niết Bàn (Nirvana).
Đạo Phật xác nhận rằng: cuộc đời này, có đầy dẫy những đau khổ, đó là sự thật. Nhưng đạo Phật cũng xác định rằng: có một sự thật khác nữa, đó là An Lạc. Theo đạo Phật, ai trong chúng ta, cũng có thể đạt được sự thật về An Lạc.Vậy theo đạo Phật, An Lạc là gì?
Trong giáo lý của đạo Phật, An Lạc được phân chia thành hai phần: An Lạc Tương Đối và An Lạc Tuyệt Đối.
- An Lạc Tương Đối: An Lạc Tương Đối là sự An Vui có được, khi chúng ta đã làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ, những nỗi lo âu, sợ hãi, bất an, đã giảm hẳn; và thân tâm trở nên thanh thản, đầu óc tỉnh táo; giúp chúng ta nhìn mọi vấn đề trở nên đơn giản, và rộng rãi hơn.
- An Lạc Tuyệt Đối: An Lạc Tuyệt đối cũng là sự An Vui, dựa trên sự ứng dụng tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, để đạt đến sự tuyệt đối, và tối thượng là Niết Bàn. Diệt Đế chính là Niết Bàn. Niết Bàn là sự Thanh Tịnh, hay là sự An Lạc Tuyệt Đối.
4) Đạo đế (Magga): Đạo là con đường, là phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, hay An Lạc Tuyệt Đối-Niết Bàn.
Như vậy, nếu chúng ta dựa trên sự diễn giải của kinh Chuyển Pháp Luân, chúng ta có thể hiểu, Tứ Diệu Đế trong kinh điển của Phật giáo, được trình bầy dưới dạng của người Thể Nghiệm, bao gồm Tam Đế: Khổ Đế, Tập Đế và Diệt Đế, ứng dụng trong sự thực tập để đạt được trạng thái An Lạc của một cá thể; và Đạo Đế, được trình bầy dưới dạng Dụng Nghiệm, làm sao ứng dụng sự An Lạc của cá thể đó trong đời sống hằng ngày.
Hay nói khác hơn, ở đây, Tứ Diệu Đế bao gồm luôn cả hai phạm trù: Thể Nghiệm và Dụng Nghiệm vào chung một phương pháp.
Đó chính là phần “ẩn ý” của tiền nhân mà bạn thắc mắc.
Rất đồng ý với bạn, khi nói về ứng dụng thì Tứ Diệu Đế theo lối cũ đã thiếu một phần, đó là, trước Diệt Đế phải thêm phần Đạo Đế. Nếu không có Đạo Đế thì không thể có Diệt Đế được.
Hơn nữa, Đạo Đế của người Thể Nghiệm thì khác với Đạo Đế của người Dụng Nghiệm. Cho nên, không thể dùng Đạo Đế của Dụng Nghiệm để thay thế cho Thể Nghiệm được. Và nếu khiên cưỡng, bắt buộc phải thay thế thì Đạo Đế vẫn phải xếp trên Diệt Đế, chứ không thể xếp theo lối cũ.
Cám ơn chú, bây giờ thì cháu đã hiểu được Tứ Diệu Đế một cách rõ ràng hơn. Nhưng cháu vẫn còn chút thắc mắc, phần Đạo Đế đứng trước Diệt Đế sẽ ứng dụng như thế nào?
Đạo Đế là phương pháp giải quyết vấn đề, nếu đem so với phương pháp của phương Tây, cũng không khác mấy. Chẳng hạn, đối với phương pháp giải quyết vấn đề của phương Tây, họ chú trọng vào câu hỏi “Làm Sao – How”, hơn là chú trọng vào câu hỏi “Tại Sao – Why” như phương pháp của Tứ Diệu Đế.
Hay nói một cách rõ ràng hơn, theo phương pháp của phương Tây, họ thiếu phần Tập Đế (câu hỏi tại sao). Chính vì không hỏi Tại Sao, nên phương pháp giải quyết vấn đề của phương Tây chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết được phần gốc. Cho dù, họ có thể giải quyết được vấn đề thì họ cũng chỉ đạt được trạng thái An tạm thời ngắn hạn, và khi phần ngọn đó lại phát sinh, nẩy nở thì lại tạo ra sự bất an kế tiếp.
Còn Tứ Diệu Đế theo lối cũ, có phần Tập Đế, tức là sử dụng câu hỏi tại sao, rất nhiều lần, cho đến khi tìm ra gốc rễ. Cho nên, khi kết hợp với Đạo Đế là phương pháp giải quyết thì sẽ đạt được trạng thái An kéo dài.
Rõ ràng, khi gốc rễ gây ra vấn đề đã bị đứt đoạn thì phần ngọn không thể nẩy nở phát sinh. Tiếc thay, phương pháp trong Tứ Diệu Đế lại thiếu phần Đạo Đế (câu hỏi làm sao). Vì vậy, khiến cho nhiều người, khi ứng dụng, dễ rơi vào bế tắc, không biết nên dùng cách nào cho có hiệu quả.
Ồ, thì ra là thế. Cháu bây giờ mới hiểu rõ được nguyên nhân tại sao, nhiều bịnh nhân của cháu, sau khi được cố vấn những cách giải quyết vấn đề, thì họ chỉ được một thời gian ngắn có được An Vui. Nhưng sau đó, những vấn đề đó lại tiếp tục phát sinh.
Có nhiều người, có một vấn đề, khi trong quá trình trị liệu thì dứt hẳn, nhưng khi trở lại môi trường sống của họ thì họ lại có vấn đề như ban đầu.
Thưa chú, vậy chú có thể chia xẻ với cháu, làm sao ứng dụng Tứ Diệu Đế vào cách trị liệu trong tâm lý không?
Được chứ. Nếu chuyên nghành của bạn về Tâm Lý thì chúng ta sẽ không sử dụng ngôn ngữ của Tứ Diệu Đế, mà chúng ta có thể chuyển hẳn qua những ngôn ngữ của khoa Tâm Lý như:
Bốn Bước Để Giải Quyết một vấn đề, như sau:
Bước 1: Xác Định Mình Có Vấn Đề
Bước 2: Nguyên Nhân Tạo Ra Vấn Đề
Bước 3: Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề
Bước 4: Thời Gian Giải Quyết Vấn Đề
Dĩ nhiên, hai chữ “vấn đề” dùng ở đây, bao gồm tất cả những nguồn cảm xúc/giác như: phiền muộn, tức giận, ganh ghét, thù hận, đau khổ, hạnh phúc, vui vẻ v.v.
Hay quá! Chú có thể giảng giải chi tiết từng bước một cho cháu không?
Được chứ, Này người bạn trẻ, phần đông chúng ta vẫn có một thói quen là “coi thường” vấn đề. Khi có một vấn đề, đa phần chúng ta thường chọn cách “coi như không có vấn đề”, hoặc “vấn đề đó nhỏ, không cần phải giải quyết”, v.v.
Dù cho chúng ta chọn cách nào thì đó cũng chỉ là những lý lẽ “ngụy biện” của “bản ngã” để trốn tránh, không muốn đương đầu với vấn đề.
Trong Tâm Lý học của phương Tây, hay Duy Thức học của phương Đông thì Tâm Thức của một cá thể được chia ra làm ba Thức, gồm: Ý Thức, Ngã Thức, và Tàng/Tiềm Thức hay Căn Bản Thức (Duy Thức học).
Trong Duy Thức học, ngoài 3 Thức trên, còn có thêm 5 Thức khác, bao gồm: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức, gộp chung gọi là Tám Tâm Vương hay Tám Thức.
Ở đây, chúng ta dùng phương pháp của phương Tây, nên chỉ bàn về cách dùng ba Thức mà thôi.
Về công dụng, thì chức năng của ba Thức được phân chia như sau:
Chức năng của Ý Thức:
- Phân tích, nhận diện, tính toán, tổng hợp, so sánh, phỏng đoán, tưởng tượng
- Ngôn ngữ chính: lời nói, chữ
- Trí nhớ: tạm thời
- Về sự vận hành hay hoạt động của Ý thức, thì Ý thức có thể nhận thông tin, và dữ liệu từ ba chiều. Chiều thứ nhất: đến từ năm giác quan: Mắt Mũi, Tai, Lưỡi và Thân. Chiều thứ hai: từ tư tưởng và cảm giác bên trong Bản Ngã, và chiều thứ ba: từ Tiềm Thức.
Sau khi nhận được những thông tin, dữ liệu, hay vấn đề từ ba chiều thì Ý Thức sẽ tùy theo những đòi hỏi của những thông tin, rồi tiến hành những quá trình như phân tích, tổng hợp, tính toán, nhận dạng, v.v. qua việc sử dụng hầu hết các dữ liệu từ kho dữ liệu của Tiềm Thức.
Nếu trong qúa trình đang tìm ra phương pháp đang tiếp diễn thì Ý Thức sẽ sử dụng bộ nhớ ngắn hạn của Ý Thức để ghi nhớ. Khi đã giải quyết xong các thông tin, hay vấn đề thì Ý Thức sẽ đem toàn bộ thông tin hay vấn đề đó gởi vào bộ nhớ lâu dài của Tiềm Thức.
Chức năng của Tiềm/Tàng Thức:
Tàng thức, hay Tiềm Thức, hay Căn Bản Thức là Thức ở ẩn sâu bên trong, với chức năng quan trọng nhất là: Khởi đầu và kết hợp với Thân Thể Thức để duy trì mạng sống của cá thể.
Gần như, 95% trong ngày, con người của chúng ta sử dụng Tiềm Thức, và chỉ có 5% là sử dụng Ý Thức. Thế nên, Ý Thức chỉ hoạt động trong giai đoạn ngắn trong ngày, như khi cần phải phân tích hay tính toán một dữ liệu, hay thông tin gì đó, mà Ngã Thức, Thân Thể Thức, hay Tiềm Thức đòi hỏi. Nếu không có sự đòi hỏi của các Thức, thì Ý Thức luôn vắng mặt, đặc biệt nhất khi chúng ta ngủ. Ngược lại, Tiềm Thức thì hoạt động liên tục trong 24 giờ, không ngừng nghỉ. Khi Tiềm Thức và Thân Thể Thức của một cá thể ngừng nghỉ, thì cũng là lúc cá thể đó chia tay cuộc đời.
Ngoài chức năng quan trọng nêu trên, Tàng Thức/Tiềm Thức còn có rất nhiều chức năng khác như:
- Kho chứa tất cả các thông tin, dữ liệu từ 5 giác quan, Ý Thức, Ngã Thức và Thân Thể Thức
- Duy trì bộ nhớ lâu dài và nối kết các thông tin dữ liệu, có khả năng sáng tạo
- Đòi hỏi những thông tin, dữ liệu, hoặc vấn đề chưa được giải quyết triệt để, để tạo sự hoàn chỉnh
- Cung cấp thông tin liên tục cho Ngã Thức.
- Ngôn ngữ Chính: Hình Ảnh.
- Chính vì không có các chức năng như phân tích, tính toán, tổng hợp, v.v của Ý thức, nên Tiềm Thức không có thể phủ định, cũng như, không có qúa khứ và tương lai.
Thời gian hoạt động mạnh nhất của Tiềm thức, là khi Ngã Thức và Ý Thức ngưng hoạt động.
Thí dụ: Khi cá thể ngủ, thì Ý Thức và Ngã Thức đều tạm ngừng hoạt động, và chỉ có Tiềm Thức hoạt động. Những giấc mơ đến với cá thể, chính là qúa trình sắp xếp, kết nối các thông tin, và dữ liệu thu thập trong ngày. Khi Ý thức hay Ngã Thức hoạt động thì Tiềm Thức lại ẩn vào trong, và nhường quyền hoạt động lại cho Ý Thức hay Ngã Thức.
Chức năng của Ngã Thức: hay Thức về cái tôi, hay Bản Ngã, là thức được ẩn sâu bên trong.
Chức năng quan trọng nhất của Ngã Thức, đó là:
- Thành trì trú ngụ và phát sinh cảm xúc/giác
- Đạo đức
- Danh dự
- Niềm tin qua kinh nghiệm tích lũy v.v.
Khi Cảm Xúc/Giác, hay Đạo Đức, hay Niềm Tin, v.v của cá thể, bị tác động từ những dữ liệu của 5 giác quan gởi về kho Tiềm Thức, hay từ Thân Thể Thức, hay do những vấn đề tích tụ dưới kho Tiềm Thức chưa được giải quyết một cách triệt để, trồi lên trên Ý Thức đòi giải quyết, thì Cảm Xúc/Giác tiêu cực bị tác động mạnh, gây ra khổ đau, phiền muộn cho cá thể. Lập tức, Ngã Thức sẽ khích hoạt cơ chế tự bảo vệ, và sử dụng Ý Thức để phân tích, tổng hợp, tính toán, các cách thức chống trả, hay trốn chạy.
Trong Ngã Thức, vì có chức năng Đạo Đức, nên trong Ngã Thức được chia làm ba phần, gồm các cặp đối lập như: Thiện-Ác; Tích Cực-Tiêu Cực, v.v., và phần thứ ba, Trung Tính – không Thiện, không Ác… Vì có sự đối lập của chức năng Đạo Đức trong Ngã Thức, nên cá thể khó có thể duy trì được sự quân bình liên tục. Vì vậy, hay tạo ra sự xáo trộn (bất An) trong Ngã Thức.
Thật ra, Ý Thức và Tiềm Thức của một cá thể, được phân chia, nhằm giúp cho chúng ta hiểu được các chức năng, và hoạt động của mỗi thức khác nhau như thế nào. Nhưng trên thực tế, Ngã Thức mới chính là chủ nhân ông của các thức; còn Ý thức và Tiềm Thức, chỉ là công cụ cho Ngã Thức sử dụng. Cho nên, trong Ý Thức và Tiềm Thức đều không có cảm xúc như: vui sướng, buồn phiền, khổ đau, an lạc. Tất cả những cảm xúc/giác đó đều nằm gọn trong Ngã Thức.
Nếu Ngã thức của cá thể nghiêng về phần thiện, tích cực nhiều hơn thì cá thể đó sống hạnh phúc, an lạc nhiều hơn. Nếu ngược lại, thì đau khổ nhiều hơn.
Dĩ nhiên, đề tài liên quan đến Ý Thức, Tiềm Thức, và Ngã Thức là một đề tài lớn, chúng ta cần phải có rất nhiều thời gian mới có thể hiểu sâu sắc, và biết ứng dụng về ba Thức một cách linh hoạt và chính xác được.
Nhưng ở đây, chúng ta chỉ cần nắm những chức năng căn bản của ba Thức nêu trên, thì chúng ta đã có thể ứng dụng cho Phương Pháp Bốn Bước Giải Quyết Một Vấn Đề một cách triệt để.
Nào, chúng ta hãy trở lại Bước 1: Xác Định Mình Có Vấn Đề.
Tại sao lại phải xác định mình có vấn đề?
Đơn giản, là vì, khi chúng ta không xác định chúng ta có vấn đề thì làm gì chúng ta có vấn đề để giải quyết. Vấn đề chỉ trở thành vấn đề, khi vấn đề đó, tác động lên vùng cảm xúc/giác. Và vùng cảm xúc/giác bị tác động nhiều nhất là vùng cảm xúc/giác tiêu cực.
Khi vùng cảm xúc/giác tiêu cực bị khích hoạt thì những cảm xúc/giác tiêu cực như: giận dữ, bực tức, khó chịu, chán nản, thù ghét, v.v, sẽ đại diện cho Ngã Thức và sai sử Ý Thức tìm cách chống trả để làm dịu đi những cảm xúc/giác tiêu cực đó.
Ý Thức khi nhận lệnh từ những cảm xúc/giác tiêu cực sẽ sử dụng kho dữ liệu từ Tiềm Thức, để phân tích, tính toán, so sánh những kinh nghiệm, hay kiến thức trong qúa khứ, để tìm ra cách thức, hay phương pháp chống trả làm sao có thể thỏa mãn cho những cảm xúc/ giác tiêu cực.
Nếu trong qúa trình chống trả, mà những phương pháp, hay cách thức của Ý Thức bị thua kém đối thủ, hay bị đối thủ tấn công ngược lại (trong trường hợp có chủ thể và đối tượng), thì cảm xúc/giác lại tiếp tục thúc đẩy Ý Thức tiếp tục tìm ra những giải pháp khác.
Nếu như Ý Thức đã sử dụng hết những kinh nghiệm, hay kiến thức có được trong Tiềm thức rồi mà vẫn không thể tìm ra cách thức chống trả, và bỏ cuộc, thì Ngã Thức bị đuối lý.
Khi bị đuối lý, Ngã Thức sẽ rơi vào trong hai trạng thái: một là chấp nhận thua cuộc, hai là không chấp nhận thua cuộc.
Khi Ngã thức chấp nhận thua cuộc, cộng thêm với những cảm xúc/giác tiêu cực liên tục đang có, và việc thua cuộc xẩy ra rất nhiều lần thì khích hoạt cảm giác tự ty mặc cảm.
Nếu như Ngã thức không chấp nhận thua cuộc thì sẽ gia tăng cảm xúc/giác tiêu cực với đối thủ, bắt đầu từ nhẹ đến nặng như: ganh, ghét, thù, hận, v.v bắt đầu được nâng cấp.
Tất cả những hậu quả, dù là chấp nhận hay không của Ngã Thức đều được đưa trở lại trong kho dữ liệu của Tiềm Thức để gìn giữ trong phần kinh nghiệm, và hình thành cá tính của cá nhân.
Ngã thức sẽ sử dụng những kinh nghiệm hay cá tính chọn lọc này để tiếp tục sinh hoạt với chính mình, hay đối với người khác.
Như vậy, qua sự quan sát nhìn sâu vào căn bản của ba Thức, chúng ta thấy rằng: đứng trên góc độ có chủ thể và đối tượng thì sự hoạt động của cả ba Thức, đều dựa trên những cảm xúc/giác của cá thể để đưa ra cách ứng xử, phản ứng với đối tượng như thế nào.
Nhưng nếu đứng trên góc độ của cá nhân, khi có chủ thể là chính mình, và đối tượng là các cảm xúc/giác của mình thì sự vận hành của ba Thức sẽ khác. Vì sao?
Vì có đối tượng là các cảm xúc/giác của chính mình mà không phải từ người khác, nên đứng trên góc độ của cá nhân thì đa phần lại từ Ngã Thức, Thân Thể Thức, và Tiềm Thức của người đó, chứ không phải từ một người nào đó tạo tác.
Như chúng ta đã biết, một trong những chức năng của Tiềm Thức là sắp xếp, và liên kết các thông tin và dữ liệu.
Trong quá trình thu thập, sắp xếp, và liên kết các thông tin dữ liệu trong một ngày, bao gồm: từ năm giác quan, Ý Thức và Ngã Thức, thì Tiềm Thức có thể sẽ đem những vấn đề mà cá nhân đã cố gắng đè nén, trốn tránh, không chịu giải quyết một cách triệt để, lên trên Ý Thức, và sử dụng khả năng phân tích, tổng hợp của Ý Thức để giải quyết.
Vì đã là những vấn đề không được giải quyết, có nghĩa là, trong qúa khứ, Ý Thức của cá nhân đó đã tận dụng hết khả năng nhưng vẫn không giải quyết được; nên Ngã Thức mới phải dùng đến khả năng đè nén, trốn chạy để không phải suy nghĩ đến nữa.
Nay, Tiềm Thức lại cũng đem những vấn đề đó lên, cộng thêm những vấn đề mới, và đòi Ngã Thức phải giải quyết, khiến cho cảm xúc/giác tiêu cực của Ngã Thức luôn bị khích hoạt, và khiến cho Ngã Thức luôn rơi vào trong trạng thái bất An, đau khổ.
Khi con người của chúng ta cô đơn, đó là lúc mà Ý và Ngã Thức của chúng ta ít hoạt động nhất; đó cũng chính là cơ hội cho Tiềm Thức hoạt động. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, có liên quan đến sự sống còn của cá thể, thì cho dù, ngay cả khi Ý và Ngã Thức đang hoạt động, Tiềm Thức cũng sẽ lấn quyền Ý và Ngã Thức, và đòi hỏi Ý và Ngã Thức phải giải quyết các vấn đề do Tiềm Thức đòi hỏi một cách nhanh nhất, hay cho đến khi nào có giải đáp thích đáng.
Đa phần, Tiềm Thức ít khi sử dụng quyền này, và thường nhượng bộ Ý và Ngã Thức, cho đến khi, cá thể đó rơi vào trạng thái cô đơn thì Tiềm Thức mới bắt đầu hoạt động.
Thế nên, khi con người cô đơn thì những vấn đề chưa được giải quyết, hay giải quyết chỉ mang tính cách tạm thời sẽ liên tục xuất hiện trên bề mặt của Ý Thức, và bắt Ý Thức phải hoạt động để tìm ra giải pháp.
Chính vì thiếu hiểu biết, nên chúng ta thường “coi” cô đơn như là một “kẻ thù” luôn “gieo rắc” những khổ đau cho chúng ta; mà chúng ta không biết được, công dụng đặc biệt của cô đơn, chính là đang cho chúng ta những cơ hội để sửa sai, chấn chỉnh, hay đi tìm ra gốc rễ của vấn đề và đi giải quyết vấn đề một cách triệt để.
Cuộc đời của chúng ta đã không biết bao nhiêu lần, Ngã Thức của chúng ta đã lựa chọn trốn chạy, hay tự đánh lừa bản thân mình rằng: mình không có vấn đề.
Ngã Thức của chúng ta đã không biết bao nhiêu lần dùng sự đè nén, hay chồng chất những vấn đề khác lên trên nhau để ngụy biện, hay tự đánh lừa chính mình rằng: mình không có vấn đề.
Nhưng với sự hoạt động độc lập, không chịu sự khống chế của Ngã Thức, thì Tiềm Thức của chúng ta cũng sẽ lại lôi các vấn đề đó trở lại, nếu như, trong những thông tin hay dữ liệu thu thập trong ngày có liên quan đến các vấn đề mà chúng ta đã tìm cách đè nén, hay đã trốn chạy, hay chưa giải quyết.
Nếu chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn về các chức năng của ba Thức, chúng ta thấy rằng, cho dù, Ngã Thức của chúng ta có là chủ nhân ông, có khả năng tự chọn, có khả năng đè nén, trốn chạy, thì Ngã thức của chúng ta vẫn không có thể khống chế được sự hoạt động độc lập của Tiềm Thức.
Ngã Thức của chúng ta có thể khống chế 100% Ý Thức, nhưng Ngã Thức của chúng ta lại không có thể khống chế 100% Tiềm Thức hay Thân Thể Thức. Hay nói đúng hơn, Ngã Thức của chúng ta chỉ có thể lợi dụng các chức năng của Tiềm Thức để phục vụ cho Ngã Thức mà Thôi.
Thí dụ: Ngã thức muốn tạo cho mình một thói quen tốt, đi ngủ đúng giờ. Ngã thức có thể ra lệnh cho Ý Thức phân tích lợi hại của việc đi ngủ đúng giờ ra sao, thiết lập sự giới hạn, kỷ luật thế nào. Sau đó, Ý Thức đưa lập trình này vào trong Tiềm Thức. Tiềm Thức sẽ ghi nhớ cách chọn lựa này, và chờ sự quyết định, sắp xếp thứ tự quan trọng do Ngã Thức quy định. Khi Ngã Thức đã quyết định xong thì đưa trở ngược lại kho Tiềm Thức.
Sau khi nhận được dữ liệu từ Ngã Thức, Tiềm Thức sẽ theo qui định riêng của mình để tạo thành một thói quen.
Tiến trình tạo thành một thói quen theo Tiềm Thức là, bất cứ một việc gì muốn trở thành một thói quen phải trải qua một qúa trình lập đi lập lại liên tục, ít nhất trong 21 ngày, và lâu nhất trong 3 tháng.
Sau khi trở thành một thói quen rồi, Tiềm Thức mới sắp xếp lại thứ tự theo yêu cầu của Ngã Thức. Nếu việc của Ngã Thức yêu cầu chỉ ở trong gia đoạn đang cấu thành thói quen, Tiềm Thức sẽ không tuân theo, hay chịu bất cứ một sự khống chế, hay đe dọa nào từ Ngã Thức để thỏa mãn theo mong muốn của Ngã Thức.
Đó chính là lý do tại sao, có những lúc Ngã Thức muốn việc đó xẩy ra liền, hay trong một giai đoạn ngắn thì Tiềm Thức lại luôn từ chối; vì việc đó, chưa đủ thời gian lập đi lập lại liên tục để trở thành một thói quen.
Từ đó, dẫn đến việc Ngã Thức mất niềm Tin, trở nên bi quan, tiêu cực, phát sinh tự ty mặc cảm v.v.
Cho nên, việc trốn chạy hay đè nén một vấn đề, theo thói quen thông thường của chúng ta, không phải là cách tối ưu để giải quyết vấn đề. Bởi vì, chúng ta không thể trốn chạy vấn đề.
Vì sao? Vì trước hay sau gì, chúng ta cũng phải đương đầu với vấn đề, và đi giải quyết nó. Sự thật là, hễ chúng ta càng trốn chạy, hay đè nén vấn đề càng sâu chừng nào, thì khi Tiềm Thức liên kết vấn đề cũ với những vấn đề khác, vấn đề cũ và mới này sẽ trở nên nặng nề và càng khó giải quyết hơn.
Thế nên, xác định mình có vấn đề là việc làm vô cùng cần thiết. Bởi vì, khi đó, chúng ta đã chấp nhận chúng ta sẽ đương đầu để giải quyết vấn đề. Khi Ngã Thức của chúng ta đã chấp Nhận đi giải quyết vấn đề thì Ngã Thức chúng ta mới không sử dụng những khả năng như: đè nén, hay tự đánh lừa mình. Và nhờ đó, Ngã Thức của chúng ta sẽ cho chính mình những cơ hội sử dụng khả năng của Ý Thức, nhìn sâu hơn.
Chính vì, nhờ khả năng nhìn sâu hơn nên chúng ta mới có thể tiếp cận đúng với sự thật của vấn đề hơn. Và khi tiếp xúc được với sự thật, hay gốc rễ của vấn đề một cách chính xác, rõ ràng, thì lúc đó, Ngã Thức của chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề đó một cách triệt để.
Cách thức hay nhất khi áp dụng bước thứ nhất: Xác Định Mình Có Vấn Đề, đó là, nên tìm một nơi chốn chỉ có một mình, hay cô đơn thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với sự thật của vấn đề đúng hơn.
Cháu cám ơn chú nhiều lắm. Tuy cháu đã từng học về ba Thức theo khoa Tâm Lý học phương Tây, nhưng cháu vẫn cảm thấy bất ổn, nhất là trong cách họ phân tích các chức năng của ba Thức, vô cùng lộn xộn, lệch lạc, không được rõ ràng và chi tiết như chú đã trình bầy.
Bây giờ, cháu đã hiểu, tại sao những bịnh nhân của cháu muốn có một thân hình cân đối, lại cứ tiếp tục béo phì. Hoặc họ có thể đạt được trong một thời gian ngắn, rồi sau đó, họ lại béo phì trở lại. Nguyên nhân phát sinh là do Tiềm Thức chưa biến thành thói quen, và cách Ngã Thức sắp xếp thứ tự quan trọng bị thay đổi liên tục. Chính vì vậy, mà tại sao kết quả không được lâu bền như mong muốn.
Vậy, còn Bước thứ 2: Nguyên Nhân Tạo Ra Vấn Đề thì sao hả chú?
Ai trong chúng ta cũng biết, cho dù chúng ta đang sinh hoạt trong bất cứ một lĩnh vực nào, khi có một vấn đề phát sinh, nếu chúng ta không biết được nguyên nhân tạo ra vấn đề thì chúng ta không thể tìm ra cách thức giải quyết vấn đề.
Thông thường, khi chúng ta Chấp Nhận chúng ta có vấn đề thì ai trong chúng ta cũng sẽ đi tìm nguyên nhân. Nhưng tìm nguyên nhân như thế nào thì lại là một vấn đề.
Theo cách thức phổ thông, khi chúng ta đi giải quyết một vấn đề, chúng ta sẽ đặt vấn đề bằng câu hỏi, thí dụ như:
Tháng này tôi không đủ tiền trả tiền nhà, vậy tôi phải Làm Sao để giải quyết được việc này?
Vì câu hỏi của chúng ta là Làm Sao? Cho nên, cách thức giải quyết của Ý thức của chúng ta sẽ hướng đến cách phân tích, tổng hợp, những cách thức giải quyết liên quan đến làm sao như: gọi điện thoại mượn tiền bạn; lấy tiền từ thẻ tín dụng; về nhà xin tiền bố mẹ, anh, chị, em; gọi điện thoại xin khất trả tiền nhà, v.v.
Với những cách thức này, giả sử như, chúng ta thành công thì coi như vấn đề đó được giải quyết, và chúng ta tạm có An; vì sự lo âu không có tiền trả tiền nhà đã được giải quyết.
Nhưng sự thật, vấn đề thiếu tiền để trả tiền nhà có được giải quyết một cách triệt để chưa? Chắc chắn là chưa. Vì sao?
Vì sự thật, chúng ta đang tạo ra thêm những vấn đề mới: chúng ta sẽ làm gì có tiền, để trả lại số tiền, mà chúng ta đã vay mượn. Nếu chúng ta cứ “chai mặt” ra, và quỵt nợ thì chúng ta sẽ tạo ra vô số các hậu quả khác như: mất uy tín, không ai tin tưởng, không ai muốn chơi với mình, và khi gặp khó khăn trong tương lai sẽ không có ai giúp đỡ, v.v.
Còn nếu như chúng ta có lòng tự trọng, muốn đi kiếm tiền ra để trả nợ thì chúng ta sẽ làm gì để kiếm ra tiền? Nếu không có tiền để trả nợ thì lương tâm của chúng ta sẽ cắn rứt bao lâu? Hoặc người cho mượn, vì nguyên nhân nào đó phát sinh mà họ cần chúng ta phải trả lại số tiền đó cho họ, để họ giải quyết vấn đề của họ, mà chúng ta lại không có tiền để trả thì lương tâm của chúng ta sẽ như thế nào?
Nếu như chúng ta không giải quyết được, và tình trạng thiếu trả tiền nhà lại kéo dài qua tháng sau, thì sao? Có thể nói, chúng ta đang tạo ra một chuỗi những phiền toái, lo âu; cái này chưa dứt thì cái kia đã khởi đầu.
Và nếu như, Ngã Thức của chúng ta bị cuốn hút vào trong những hậu quả tác động liên tục như thế thì sự tự ty mặc cảm của chúng ta sẽ bị khích hoạt liên tục. Khi đã được khích hoạt liên tục và biến thành thói quen, thì lúc đó, hình thành cá tính của chúng ta. Và khi đã biến thành cá tính tự ty mặc cảm rồi thì muốn thay đổi lại cũng cực kỳ là khó khăn.
Tệ hại hơn, khi chúng ta đã hình thành cá tính tự ty rồi, và khi chúng ta làm được một việc nhỏ nhoi nào đó, chúng ta lại tự phóng đại và tôn sùng nó lên cao để rồi cá tính tự tôn được hình thành nhằm khỏa lấp đi gốc rễ của sự tự ty.
Khi đã có mặt của tự tôn thì Ngã Thức sẽ vận dụng tối đa Ý Thức để ngụy biện, hay bào chữa cho tính tự tôn này. Và cơ hội để nhìn ra sự thật, hay tiếp cận với sự thật sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong khoa Tâm Lý học, chữa trị cho bịnh tự ty thì dễ gấp trăm lần so với bịnh tự tôn.
Đây lại là một đề tài khác, nếu chúng ta có duyên, chúng ta sẽ quan sát vào chi tiết sâu hơn.
Trở lại vấn đề ở đây, đó là, cách thức mà chúng ta đặt câu hỏi cho vấn đề của mình. Đây chính là Then Chốt, là Tinh Hoa, hay Gốc Rễ của Bốn Bước Giải Quyết vấn đề. Nếu trong phần này, chúng ta không nắm được tinh hoa của Bước thứ Hai này, thì cả Ba Bước kia, cũng sẽ thành vô dụng. Vì sao? Vì chúng ta sẽ không đạt được Kết Quả như chúng ta mong muốn. Điều này, cũng đúng với phương pháp của Tứ Diệu Đế.
Phương pháp Tứ Diệu Đế, hay phương pháp Bốn Bước thì khác với phương pháp của phương Tây, đó là: chú trọng vào câu hỏi Tại Sao? Dĩ nhiên, trong phương pháp ứng dụng của phương Tây, cũng có lúc họ hỏi Tại Sao? Nhưng khi họ hỏi Tại Sao thì họ chỉ hỏi có một lần. Ngược lại, phương pháp của Tứ Diệu Đế, hay Bốn Bước, lại hỏi Tại Sao rất nhiều lần.
Công thức là: Câu hỏi Tại Sao tiếp theo sẽ lấy câu trả lời trước, rồi cộng thêm chữ Tại Sao vào đầu câu. Cách thức này, có thể ứng dụng cho tất cả các câu hỏi Tại Sao, cho đến khi tìm ra nguyên nhân gốc.
Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể lấy thí dụ sau đây để minh họa:
- Tại sao bạn lại thiếu tiền trả tiền nhà tháng này?
- Vì tôi thấy có một cái ví Gucci đẹp qúa, nên đã dùng tiền, trả tiền nhà để mua ví.
- Tại sao bạn lại phải mua ví Gucci, trong khi, bạn có thể mua các loại ví rẻ tiền khác, mà bạn không phải dùng đến tiền trả tiền nhà?
- Bởi vì tôi không muốn bạn bè của tôi coi thường tôi.
- Tại sao bạn bè của bạn lại coi thường bạn?
- Bởi vì tôi không giầu có như họ, tôi không đẹp bằng họ, tôi thua thiệt họ đủ điều, nên tôi muốn chứng minh với họ, cái gì họ có, tôi cũng có.
- Tại sao bạn lại muốn chứng minh với họ, trong khi bạn không giầu có như họ?
- Vì tôi tự ty mặc cảm.
Qua thí dụ trên, chúng ta thấy, cũng cùng một vấn đề, nhưng cách thức đặt câu hỏi khác nhau thì cho ra kết qủa khác nhau.
Với cách thức đặt câu hỏi của Bước thứ Hai, chúng ta có thể tìm ra được gốc rễ gây ra sự thiếu tiền trả tiền nhà, bắt nguồn từ sự tự ty mặc cảm, chứ không phải bắt đầu bằng việc thích chiếc ví Gucci.
Nếu như, chúng ta không áp dụng phương pháp hỏi Tại Sao nhiều lần, và chỉ một lần; và cho đó chính là nguồn gốc gây ra sự thiếu tiền thì nguồn gốc đó chưa đúng sự thật.
Và nếu như chúng ta lại lầm lẫn, khi cho rằng, vì mua cái ví Gucci là sự thật, và chúng ta đi tìm cách giải quyết, bằng cách thuyết phục bản ngã của chúng ta sẽ không chọn ví Gucci nữa; vì ví đó, gây ra cho chúng ta phiền não, lo âu. Vậy thì, có thể tháng sau, chúng ta cũng sẵn sàng phạm vào cái lỗi thiếu tiền trả tiền nhà tiếp theo.
Vì sao? Vì chúng ta có thể chọn mua cái ví Chanel chẳng hạn. Nguyên do, chúng ta sẽ chọn cái ví Chanel là vì, những người bạn mà chúng ta có cảm giác tự ty đã đổi sang dùng Chanel, thay vì Gucci.
Như vậy, khi chúng ta không tìm ra gốc rễ thực sự của vấn đề, và chỉ đi giải quyết phần ngọn, thì cho dù, Ngã Thức của chúng ta có răn đe, biết lỗi, không muốn tái phạm, hay đặt cho mình những giới hạn, hay kỷ luật hay đến bao nhiêu, thì điều đó cũng trở nên vô dụng. Bởi vì, khi gốc rễ được khích hoạt thì sự nẩy nở của nhánh cành trên ngọn vẫn tiếp tục phát sinh.
Các nhà Thực Vật học kinh nghiệm đều cho rằng, khi càng cắt tỉa những cành nhánh bao nhiêu thì sự tăng trưởng và sinh sôi của cành nhánh đó càng mạnh bấy nhiêu. Tương tự như cách giải quyết vấn đề, Bước thứ Hai. Nếu chúng ta không chấm dứt từ gốc rễ của vấn đề mà chỉ giải quyết bằng cách cắt tỉa phần ngọn, thì vấn đề đó, càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, và khó chuyển hóa hơn.
Chính vì vậy, hỏi Tại Sao nhiều lần, giúp cho chúng ta có dịp nhìn sâu hơn, và hiểu chúng ta sâu sắc hơn. Khi chúng ta có thể hiểu chúng ta sâu sắc hơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được sự thật rõ ràng. Vì vậy, chúng ta sẽ ít phạm lỗi hơn, và có nhiều cơ hội làm chủ được chính mình. Cho nên, cuộc sống của chúng ta sống có ý nghĩa và An Lạc hơn.
Nếu như chúng ta đem so sánh cách đặt câu hỏi của Tập Đế (Tại Sao), và cách đặt câu hỏi theo Đạo Đế (Làm Sao) của phương Tây, thì chúng ta thấy, cách giải quyết bằng Làm Sao, luôn sẽ tạo ra những hậu quả kế tiếp, cũng như phát sinh ra những vấn đề kế tiếp, khiến đời sống của chúng ta luôn vây quanh bởi những vấn đề.
Ngược lại, khi chúng ta hỏi Tại Sao, chúng ta có cơ hội tìm ra được gốc rễ của vấn đề., Cho nên khi chúng ta áp dụng phương pháp Bước thứ Ba để tìm giải pháp, chúng ta sẽ chú trọng vào gốc rễ, thay vì phần ngọn.
Khi gốc rễ đã được chúng ta giải quyết thì chúng ta sẽ không còn tái phạm những sai lầm. Hay có thể nói, chúng ta không những giải quyết được vấn đề chúng ta đang có một cách triệt để, mà chúng ta còn có thêm một lợi ích khác, tránh không tạo ra những lỗi lầm tương tự, từ vấn đề chúng ta gặp phải. Nhờ vậy, chúng ta sống sẽ có hạnh phúc, và an lạc hơn.
Thật là một phương pháp qúa tuyệt vời, và cũng vô cùng đơn giản, nếu như chúng ta có sự hiểu biết và biết cách ứng dụng đúng đắn, phải không chú?
Cháu sẽ nghiêm túc nghiên cứu về Bước thứ Hai này. Cháu biết, khi thực hành đúng những điều như chú trình bầy sẽ giúp ích cho bản thân cháu và các bịnh nhân của cháu rất nhiều.
Vậy, còn Bước thứ Ba: Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề sẽ ứng dụng như thế nào, thưa chú? Diệu Hiền hỏi.
Như lúc đầu tôi đã chia xẻ với bạn, nếu trong phương pháp của phương Tây thiếu Bước thứ Hai là Tập Đế, thì trong Bước thứ Ba này, phương pháp của Tứ Diệu Đế lại không đề cập đến phương pháp này.
Bước thứ Ba là bước sẽ sử dụng câu hỏi Làm Sao để có thể giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất.
Nếu bạn để ý chữ tôi dùng, bạn có thấy, tôi nhấn mạnh đến hai chữ “Tối Ưu” không? Theo bạn, tại sao tôi lại dùng thêm hai chữ “Tối Ưu”?
Thưa chú, sở dĩ chú dùng thêm hai chữ Tối Ưu, vì, trong quá trình tìm những con đường hay phương pháp giải quyết thì chúng ta có rất nhiều cách hay nhiều con đường. Và trong những cách hay con đường đó, chúng ta phải sàng lọc để chọn ra những giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Cho nên, ý nghĩa của hai chữ Tối Ưu là như vậy, có phải không, thưa chú?
Đúng vậy, bạn rất thông minh. Nhưng ngoài ý nghĩa đó ra, hai chữ Tối Ưu, còn có một ý nghĩa khác, bạn có nhận ra không?
Diệu Hiền im lặng suy nghĩ một lúc, mỉm cười, nói:
Thưa chú, đó chính là cách sắp xếp thứ tự quan trọng của các giải pháp. Bởi vì, nếu không biết sắp xếp thứ tự thì chúng ta sẽ không phân biệt được giải pháp nào là tốt nhất hay thích hợp nhất.
Đúng vậy, đây chính là những vấn đề mà nhiều người trong chúng ta khi ứng dụng Bước thứ Ba, luôn vấp phải trong việc lựa chọn cách giải quyết nào sẽ là tối ưu.
Bạn có biết không? Cái khuyết điểm của một nhân cho ra nhiều quả này, hay, có một vấn đề mà có quá nhiều cách giải quyết, lại khiến cho chúng ta bị rơi vào sự mơ hồ, và hoang mang, vì không biết lựa chọn cách nào.
Hãy lấy thí dụ trước đây làm minh họa:
Khi chúng ta có một vấn đề: thiếu tiền trả tiền nhà, và chúng ta hỏi: Làm Sao để có tiền để trả tiền nhà? Chúng ta cũng đã có ít nhất từ ba đến năm giải pháp khác nhau như:
- Gọi điện thoại mượn tiền bạn
- Lấy tiền từ thẻ tín dụng
- Về nhà xin tiền bố mẹ, anh, chị, em
- Gọi điện thoại xin khất trả tiền nhà
- Bán đồ đạc dư dùng v.v.
Vậy làm sao chúng ta có thể biết giải pháp nào sẽ là giải pháp tối ưu hay tốt nhất?
Muốn biết giải pháp nào tối ưu, hay tốt nhất thì chúng ta lại phải Biết ứng dụng một số những quá trình như sau:
Đầu tiên là quá trình So Sánh. Trong quá trình so sánh này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách, phân chia thành hai phần, gọi là ưu và khuyết điểm của mỗi đáp án, hay giải pháp.
Sau đó, chúng ta sẽ liệt kê ra tất cả các ưu và khuyết điểm của mỗi giải pháp. Hoàn tất việc này xong thì đến tiến trình thứ hai là Phân Tích.
Trong quá trình phân tích này, chúng ta sẽ phải phân tích lợi và hại, hậu quả hay kết quả của từng ưu và khuyết điểm theo nhiều góc độ khác nhau, và liệt kê tất cả các góc độ đó xuống.
Sau khi có đầy đủ những thông tin và dữ liệu từ hai quá trình So Sánh và Phân Tích rồi, chúng ta mới sử dụng đến tiến trình thứ ba, Sắp Xếp Thứ Tự các giải pháp, hay đáp án.
Cách Sắp Xếp Thứ Tự Quan Trọng của các giải pháp hay đáp án như sau:
Giải pháp hay đáp án nào có lợi nhiều nhất, và có hại ít nhất được xếp đứng đầu, và cứ thế tuần tự sắp xếp cho đến hết các giải pháp hay đáp án.
Chính nhờ sự So Sánh, Phân Tích, và Sắp Xếp Thứ Tự Quan Trọng này sẽ giúp chúng ta có thể nắm rõ được từng ưu và khuyết điểm, cũng như lợi và hại, hậu quả hay kết quả trên nhiều góc độ.
Sau đó, qua sự sắp xếp sẽ giúp cho chúng ta biết, phải sử dụng giải pháp nào trước, giải pháp nào sau. Nếu trong qúa trình ứng dụng các giải pháp mà có xẩy ra các sự cố, thì ít nhất, chúng ta cũng biết những hậu quả, hay kết quả nào mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
Con người của chúng ta, chỉ phát sinh sự lo âu hay sợ hãi khi chúng ta không biết được kết quả. Nếu như chúng ta đã biết trước, hay lường trước được những hậu quả hay kết quả sẽ phát sinh thì chúng ta sẽ không còn sự lo âu hay sợ hãi nữa. Chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, và có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn để tránh gây ra nhiều lỗi lầm, hay khổ đau trong cuộc sống hiện tại, hoặc sau này.
Thật rất tuyệt vời, rất rõ ràng và đầy đủ mọi chi tiết.
Cháu thiết nghĩ, với “công thức” đơn giản này, nếu ai trong chúng ta cũng sử dụng để giải quyết vấn đề thì cơ hội để giải quyết vấn đề tận gốc rễ không phải chỉ dành cho các chuyên gia, mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được.
Vậy thưa chú, còn Bước thứ Tư tại sao lại phải là xác định thời gian?
Này bạn, mục đích của Bước thứ Tư là, giúp cho chúng ta đạt đến cái An nhanh nhất có thể. Nếu chúng ta không có Bước thứ Tư này, chúng ta sẽ không chịu tiến hành đi giải quyết vấn đề. Nếu như chúng ta không tiến hành đi giải quyết vần đề, thì cho dù, chúng ta đã sử dụng đúng cách cả Ba Bước trên, cũng bằng không.
Sự Thật là, khi chúng ta càng cố kéo thời gian giải quyết vấn đề dài bao nhiêu thì chúng ta càng kéo dài sự bất An trong chúng ta nhiều bấy nhiêu.
Thêm vào đó, nếu chúng ta kéo dài qúa lâu thì chúng ta sẽ sinh ra sự do dự, hay lưỡng lự, khi đưa ra quyết định. Khi sự do dự hay lưỡng lự có mặt thì lập tức ảnh hưởng đến niềm tin của chúng ta vào phương pháp. Khi niềm tin vào phương pháp của chúng ta bị lung lay thì chúng ta sẽ lại tiếp tục trì hoãn. Và thế là, sự bất An trong chúng ta lại tăng dần.
Chính vì vậy, Chúng ta cần phải xác định rõ ràng thời gian nào là thích hợp nhất để ứng dụng. Nếu không có sự xác định này thì tất cả những gì chúng ta đã làm trong Ba Bước sẽ không còn giá trị. Và vấn đề của chúng ta sẽ không được giải quyết.
Khi những vấn đề liên tục không được giải quyết, và chồng chất lên nhau thì cuộc đời của chúng ta sẽ chìm trong đau khổ lâu dài.
Cháu xin cảm ơn chú rất nhiều. Nếu không có duyên gặp được chú hôm nay, cháu sẽ vẫn mãi mơ hồ về Tứ Diệu Đế, và cháu cũng không thể nào hiểu được sâu sắc sự tương tác và ứng dụng của ba Thức như thế nào.
Phương pháp Bốn Bước của chú chia xẻ, thật rất chi ly, tỉ mỉ, và vô cùng hợp lý.
Với Phương pháp Bốn Bước này, cháu chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho cháu và các bịnh nhân của cháu có thể đạt được kết quả tốt nhất trong việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống một cách triệt để.
Nắng vàng vừa tắt, một vài người với nét mặt đăm chiêu, cúi đầu, bước đi vội vã.
Ba chú cháu nhìn nhau, cùng mỉm cười.