TẢI MP3 – MỸ LINH
TẢI MP3- DIỆU LIÊN
Bạn Thân Mến,
Là cha mẹ, khi nghe đến hai chữ như “sợ con” thì không ít bạn sẽ cho là chúng tôi qúa “hèn nhát”, vì theo quan niệm phổ thông, thì làm cha mẹ, chúng ta có “quyền” “khống chế” và “điều khiển” con của chúng ta theo ý chúng ta muốn, mà con cái của chúng ta không thể không làm theo.
Khi những đứa con của bạn còn trẻ thơ thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, là bạn có “quyền”, vì khi đó, những đứa con của bạn vẫn còn đang chịu “lệ thuộc” vào cơm ăn áo mặc do bạn cung cấp.
Nhưng khi những đứa con của bạn bước vào tuổi thiếu niên, nếu bạn không biết trao “quyền” lại cho những đứa con của bạn, và không chấp nhận đóng vai trò “cố vấn”, thì cuộc đời của bạn sẽ gắn liền với đau khổ vì con.
Là một người thích tiếp xúc với sự thật, chúng tôi không để cho những cảm giác như: mất mặt, xấu hổ, che lấp đi sự thật, đó là, làm cha mẹ mà lại “sợ con” thay vì “sợ cha” như thuở nhỏ.
Đơn giản, bởi vì khi chúng ta là con, chúng ta không sợ cha của chúng ta sẽ lầm đường lạc lối. Chúng ta biết, dù ít hay nhiều gì, thì cha của chúng ta cũng có kinh nghiệm sống, ông biết phải làm sao để có thể sống tốt và có an lạc hạnh phúc hơn.
Dĩ nhiên, ở đây, chúng tôi đang nói đến đa số những người cha tốt, những người cha có tinh thần trách nhiệm, chứ không hề đề cập đến những người cha vô trách nhiệm, sống ích kỷ, hành hạ vợ con, vẫn đang có mặt trên cuộc đời.
Nhưng với con của chúng ta thì lại khác, bởi vì, nó chưa có đủ kinh nghiệm sống, nó chưa từng trải, nó lại có bầu nhiệt huyết, và háo thắng, thì khi nó ra đời, chắc chắn nó sẽ bị đời quật cho tơi tả.
Chúng ta trước khi làm cha me, chúng ta cũng có tuổi trẻ, chúng ta cũng có những suy nghĩ giống như con cái của chúng ta, và chúng ta cũng đã “thấm đòn” với những sự háo thắng, hay nông nỗi trong tư duy và ứng xử.
Chính vì, chúng ta đã trải qua, nên khi chúng ta thấy con của chúng ta có những suy nghĩ, có những cách ứng xử tương tự như chúng ta, thì chúng ta biết, con cái của chúng ta, sẽ gặp rất nhiều khổ đau, nếu tiếp tục đi trên con đường đó.
Biết con mình sẽ vấp ngã, nhưng lại không thể cản ngăn con mình, cho nên, chúng ta lại càng “lạm quyền”, thay vì chia xẻ, khuyên răn, thì chúng ta lại “cưỡng ép” hay “bắt buộc”, và cuộcc “chiến” giữa cha mẹ và con cái đã bắt đầu.
Khi đã bắt đầu có sự xung đột giữa con cái của chúng ta và chúng ta, thì cũng là lúc, Ngã Thức của chúng ta khơi mào bằng nỗi sợ. Chúng ta bắt đầu sợ, vì chúng ta không biết được kết quả, con cái của chúng ta sẽ đi về đâu? Nó sẽ ra sao, và sau này, nó sẽ khổ đau hay hạnh phúc.
Và chắc chắc, nỗi lo sợ của chúng ta sẽ gia tang, nếu chúng ta lại sử dụng Trí, chúng ta quan sát, phân tích theo dạng nông. Nhưng khổ hơn là, khi Trí lại cộng thêm tưởng tượng ,và phỏng đoán, thì nỗi khổ vì con, không còn là lo sợ nữa, mà lại nâng cấp lên thành sợ hãi.
Khi sự sợ hãi có mặt thì cơ thể của chúng ta chững lại, cứng lại, chúng ta rơi vào thế bị động, và chúng ta tiếp tục bị con cái của chúng ta “dắt” chúng ta đi trên những con đường đầy chông gai, đau buốt.
Cho nên, làm cha mẹ mà sợ con là chuyện “thiên kinh địa nghĩa” chẳng có gì gọi là hèn nhát hay xấu hổ, hay mất mặt cả.
Chúng tôi còn nhớ, khi đứa con gái thứ hai của chúng tôi rơi vào tuổi thiếu niên (teenager). Đây có thể nói, là lứa tuổi, mà làm đau đầu những nhà tâm lý nhất; vì với họ, đây là tuổi của “nổi loạn”, tuổi của chống đối, tuổi “coi trời bằng vung”.
Với những gia đình, mà cha mẹ và con cái có thể san bằng khoảng cách gia cấp, giữa con cái và cha mẹ, thì còn đỡ một chút. Nhưng nếu gia đình, mà cha mẹ đã “lạm quyền” khi con cái còn ấu thơ, thì những phản ứng của con cái với cha mẹ sẽ thật là “khốc liệt”.
Đứa con gái thứ hai của chúng tôi tuy không rơi vào trường hợp chúng tôi “lạm quyền”, nhưng nó lại có tính giống chúng tôi, là thích tự mình học trải nghiệm, hơn là học từ kinh nghiệm chia xẻ của chúng tôi. Cho nên, khi chia xẻ và khuyên răn nó, chúng tôi cũng gặp những sự chống đối.
Để giải quyết sự chống đồi này, chúng tôi chấp nhận cho con của chúng tôi tự trải nghiệm khi con của chúng tôi vừa tròn 18 tuổi, và luôn mở rộng vòng tay, chào đón nó trở về, sau khi trải nghiệm.
Trong những ngày tháng con bé trải nghiệm, nếu bạn hỏi chúng tôi có sợ không, câu trả lời chắc chắn là sợ. Nhưng nỗi lo sợ của chúng tôi, không phải sợ là con của chúng tôi sẽ học hư, hay trở thành người xấu, mà chúng tôi chỉ sợ, con bé nghĩ không thông, thấy xấu hổ, mất mặt, sau khi trải nghiệm, nên không dám về nhà.
Và để giải quyết nỗi lo sợ này, thay vì, ngồi chờ đợi trong thế bị động, “cắt đứt dây chuông” như lan và điệp, thì chúng tôi chủ động liên lạc với cháu thường hằng.
Chính vì thiết lập được “cầu nối” với con của chúng tôi, cho nên, nỗi lo sợ của chúng tôi không còn tồn tại, mà ở đó, chúng tôi lại trở thành nhà “cố vấn” cho con của chúng tôi khi nó gặp những rắc rối, trong quá trình tự trải nghiệm của nó.
Có một lần, nó muốn trải nghiệm về uống rượu, nên quán bar nào nó cũng đến, mỗi đêm. Khi chúng tôi liên lạc với con của chúng tôi, chúng tôi chỉ nói với cháu một câu như sau:
Trải nghiệm để học hỏi và tiếp xúc với sự thật là một việc nên làm, nhưng trước khi thực nghiệm, thì phải nên biết mình là ai. Nếu mình là rượu thì càng để lâu càng thơm ngon, nhưng nếu mình là sữa, thì càng để lâu càng chua, và sinh hôi thối.
Câu nói nhắc nhở này, đã thay đổi con của chúng tôi, và nó quyết định không trải nghiệm về rượu nữa. Cho đến tận bây giờ, tuy năm nào vợ chồng nó cũng đi dự hội tiệc bia tại Đức, tổ chức mỗi năm một lần, vào tháng 10, nhưng nó chẳng bao giờ uống một giọt bia nào.
Có những lúc, khi mẹ con ngồi tâm sự, nó nói, cho đến bây giờ, câu nói đó vẫn còn như in trong đầu, nhờ câu nói đó ma nó biết nó là ai, và không cần phải trải nghiệm qua những việc không cần thiết.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về người hàng xóm sống cạnh nhà của chúng tôi. Chị có cô con gái 17 tuổi, vừa xinh đẹp, học hành cũng khá. Nhưng cô bé này, chỉ có một tội, là thích cặp bồ.
Lúc đó, chị lo sợ con của chị sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, nên chị tìm mọi cách để nhốt cô con gái của chị trong nhà.
Chị càng “lạm quyền” làm cha mẹ bao nhiêu thì sự phản kháng của cô bé càng mạnh bấy nhiêu.Để cấm con gái của chị đi chơi khuya, ngoài khóa chặt các cửa, ngay cả cửa sổ phòng của cô bé, chị cũng đóng những cây chắn lại, để cho cô bé không thể leo ra ngoài, đi chơi, vào ban đêm.
Dĩ nhiên, cô bé đâu có chịu thua mẹ, chỉ chờ chị đi ngủ, là cô bé gọi cho bạn trai, đem đồ đến tháo những cây chắn xuống, và đi chơi đến hai ba giờ sáng mới về.
Xui cho cô bé là, có một tối, chị giật mình thức giấc, nên chị mới phát giác ra, những cây chắn ngang nơi cửa sổ của cô bé, đã nằm gọn dưới đất. Khi vào phòng cô bé, chị mới hỡi ôi, con của chị, không có mặt trong phòng.
Thế là chị lo sốt vó, chị ngồi trên chiếc ghế sofa, mà giống như, chị như đang ngồi trên đống lửa. Ngồi một mình trong bóng đêm, nước mắt chị rơi lã chã. Đến hơn 2 giờ sáng thì cô bé mới về nhà.
Như thường lệ, cô bé leo cửa sổ vào, và leo lên giường nằm, mà không biết, bên ngoài phòng khách, mẹ của cô đang ngồi đợi cô. Cô bé yên trí là mẹ của mình không biết, nên nhắm mắt ngủ.
Đột nhiên, phòng của cô bé đèn sáng lên, và khuôn mặt mẹ của cô bé đầy nước mắt. Mở mắt ra nhìn thấy mẹ, cô bé đã đoán ra được, việc cô trốn đi chơi đã bị “lộ tẩy”. Cô bé lộ một chút hoảng sợ, nhưng khi chị đến, nắm cổ áo cô bé lôi cô bé ngồi dậy, thì cô bé bắt đầu hết hoảng sợ, và bắt đầu phản kháng lại.
Cuộc “khẩu chiến” của hai mẹ con, không những làm mọi người trong nhà thức dậy, mà ngay cả chúng tôi ở sát vách nhà chị (duplex), cũng thức giấc luôn.
Khi cơn giận của chị đã lên đến cao trào, chị đã thốt lên những lời như sau:
“Thứ của mày thì chỉ có đi làm gái đứng đường, chứ có làm được gì, mau hãy cút khỏi nhà tao”.
Sau đó, chị gom một mớ đồ của cô con gái vào chiếc vali, và chị đẩy con chị ra khỏi nhà, và đóng cửa lại.
Nằm ở trên giường trong nhà, khi nghe chị nói với con của chị xong, chúng tôi mới bước xuống giường, và ra mở cửa xem sao. Khi thấy cô bé đi ra, chúng tôi đã kéo tay cô bé lại, dẫn vào nhà của chúng tôi, và sắp xếp cho cô bé ngủ chung phòng với mấy đứa con của chúng tôi.
Sáng hôm sau, khi chị phát giác ra, con gái của chị đang sống tạm trong nhà chúng tôi, thì chị mới tạm yên tâm, nhưng vẫn tỏ thái độ như “bất cần”.
Lúc đó, chúng tôi phải “bắt cầu” cho chị đi xuống khi chúng tôi nói với chị:
“Chị đã đuổi nó đi, thì em nhận nó là con nuôi, và em nuôi nó. Chuyện của nó sống thế nào là trách nhiệm của em, chị không cần bận tâm đến”.
Sống gần với chúng tôi một khoảng thời gian khá dài, chị biết, khi chúng tôi đã nói thì chúng tôi sẽ làm đến nơi đến chốn. Cho nên, khuôn mặt của chị thư giản hơn nhiều.
Sau ba bốn ngày, đợi cho chị bình tâm, chúng tôi mới sang nhà của chị để nói chuyện. Chị rất hối hận, vì lúc đó chị qúa nóng giận, nên không thể kiềm chế được, vì thế, chị đã đuổi con của chị ra khỏi nhà giữa đêm khuya.
Chị xin lỗi chúng tôi, vì chuyện gia đình của chị đã lôi kéo gia đình của chúng tôi vào cuộc, và chị xin chúng tôi cho con của chị về lại nhà.
Chuyện trả lại con cho chị là chuyện tất nhiên, nhưng trong câu chuyện của chị nói với chúng tôi, chúng tôi chỉ thấy, chị nhận ra sự lo sợ con gái của chị học hư, và muốn răn đe cô bé, nên chị mới đuổi con chị ra khỏi nhà, giữa đêm khuya, nhưng chị lại không nhận ra, trong lúc chị nóng giận, chính chị, lại là người đang “vẽ đường cho hươu chạy”.
Con của chị có hư trong tương lai hay không thì chưa biết, nhưng chính chị lại đang “ám thị” hay đang “cố vấn” cho con chị, làm gái đứng đường.
Với một cô gái, vừa có nhan sắc xinh xắn, bị mẹ đuổi ra khỏi nhà trong đêm, trong tay không một đồng bạc, vậy thì cô bé sẽ đi đâu và làm sao để sống.
Cô bé chỉ vì tuổi trẻ ham chơi, chứ chắc gì, cô bé đã có ý nghĩ đi làm gái đứng đường để mưu sinh. Vậy mà, vì sự lo sợ con gái của mình học hư, chị lại “vẽ đường cho hươu chạy”.
Thật lòng, thì chị chỉ muốn răn đe cô bé, nhưng chị không ý thức được rằng, chị đang “mở rộng” con đường cho con gái của chị, thành gái đứng đường.
Rồi đến khi, vì hoàn cảnh để sinh tồn, cô bé phải làm gái đứng đường như chị “gợi ý”, thì chị lại “tự hào” về kinh nghiệm sống của chị rất dồi dào, đến độ nói đâu trúng đó.
Nhưng chị không biết rằng chị mới là người “đầu nêu” cho con chị thực hiện cũng như chị “tiếp tay” tạo duyên cho con của chị trở thành gái đứng đường.
Một câu chuyện với người quen khác của chúng tôi, về sự lo sợ của người mẹ với đứa con.
Chị mở ví ra, và lấy một xấp tiền năm đồng, để bỏ vào bao lì xì. Thấy chị ngồi xếp tiền bỏ vào bao, chúng tôi cũng hơi lạ, vì chỉ mới là tháng bẩy, đã đến tết đâu, mà chị lại chuẩn bị xa đến thế. Nên chúng tôi mới hỏi chị:
Còn lâu mới tới tết, sao chị lại chuẩn bị tiền lì xì sớm thế.
– Chị trả lời: Không phải tiền lì xì dành cho tết đâu chị, mà đây là tiền em chuẩn bị để khi đi đường, khi thấy người vô gia cư (homeless) thì em cho.
Nếu chúng tôi chỉ dừng lại ở đây, thì hành động của chị rất là đẹp, đầy tính nhân văn. Nhưng vì đã sinh hoạt chung với chị một thời gian dài, chúng tôi biết, đằng sau việc làm đó của chị, chắc còn một “ẩn ý” gì nữa, nên chúng tôi lại hỏi tiếp:
Tại sao chị lại phải cho tiền những người vô gia cư?
Tại vì, em sợ, mai lỡ con của em có chuyện gì, mà trở thành người vô gia cư, thì con của em, cũng gặp được những người như em, cho tiền con em. Hơn nữa, em cũng đang thực tập phương pháp “bố thí ba la mật”.
Nghe xong câu trả lời của chị, chúng tôi ngạc nhiên vô cùng, không hiểu tại sao, chị lại có ý nghĩ “kỳ lạ” này. Cho nên, chúng tôi mới chia xẻ lại với chị.
Này chị, chị thương con và lo cho con là đúng, nhưng tại sao chị lại mong cho con của chị sau này, trở thành người vô gia cư, trong khi, con của chị bây giờ đang có công ăn việc làm đàng hoàng, cháu vẫn đang cố gắng làm việc để tiếp tục thăng tiến.
Tương lai con của chị như thế nào thì chưa biết, nhưng nếu chị cứ tiếp tục “ám thị” chị, là sau này, con của chị sẽ trở thành người vô gia cư; và nếu chị cứ tiếp tục làm việc này, và biến trở thành thói quen, thì chị đang tạo ra một nguồn năng lượng tiêu cực, gởi ra ngoài không gian, và nguồn năng lượng này, sẽ ảnh hưởng đến con của chị có thể là trực tiếp hay gián tiếp.
Giúp đỡ người hoạn nạn là việc làm tốt, nhưng khi giúp người mà có điều kiện thì chỉ có hại mà không có lợi. Chị giúp đỡ người vô gia cư thì hoàn toàn đúng, nhưng khi chị kèm theo vào, lỡ như mai sau con của chị là người vô gia cư để chờ người khác giúp, là điều mà chị nên chỉnh lại.
Hơn nữa 5 chữ “bố thí ba la mật” không phải có ý nghĩa như vậy. Đức phật khi nói về bố thí ba la mật, Ngài đã dậy rằng: khi chúng ta hiến tặng hay cho (bố thí) người nào đó, dù là về vật chất hay tinh thần, thì chúng ta nên hiến tặng hay cho với tâm không điều kiện.
Khi mà tâm của chúng ta đã có điều kiện, thì cho dù, điều kiện đó là, tích tụ công đức, hay làm phước, thì sự hiến tặng, hay cho đó, cũng trở thành vô nghĩa, không còn giá trị.
Ông bà ta cũng dậy rằng “thi ân bất cầu báo” có nghĩa là, khi hiến tặng hay cho ai vật gì, hay điều gì, thì chẳng cần phải có sự báo đáp, hay trả lại. Hay nói gọn hơn là, cho, hay hiến tặng không điều kiện.
Qua ba câu chuyện kể trên, chúng ta thấy, cả ba bà mẹ đều lo và sợ cho con, nhưng mỗi người lại có cách hành xử khác nhau.
Lo và sợ cho con là việc làm chính đáng của bất cứ bậc cha mẹ nào có trách nhiệm. Đó không phải là việc làm hổ thẹn, hay xấu hổ, khi chúng ta là những bậc cha mẹ, nói mình “sợ con”. Bởi vì đó là sự thật.
Luân lý và đạo đức được đặt ra cho con người, không phải giúp chúng ta dựa vào đó để ngụy biện, sống xa rời sự thật, hay không sống đúng với sự thật, mà luân lý và đạo đức được lập ra, để giúp chúng ta sống hoàn thiện, và sống đúng với sự thật hơn.
Ngày nào chúng ta là những bậc cha mẹ, còn cảm thấy xấu hổ, hay mất mặt, khi nghe người khác nói chúng ta “sợ con”, thì ngày đó chúng ta đang sống xa rời sự thật.
Vậy khi chúng ta “sợ con” thì chúng ta nên ứng xử như thế nào cho có lợi nhất?
Có vài điều mà chúng ta có thể suy ngẫm và lựa chọn để ứng dụng như sau:
Thứ nhất: Trao quyền. Trao quyền là biết nhường lại quyền quyết định cho con của mình, khi nó đủ khả năng phân tích, so sánh lợi hại cho mỗi việc làm, và có khả năng giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, để có thể kéo dài được an trong cuộc sống.
Muốn làm được điều này thì ngay khi đứa con của chúng ta bắt đầu phát triển ý thức (từ 5 đến 7 tuổi), chúng ta phải tập cho con của chúng ta áp dụng phương pháp bốn bước để giải quyết vấn đề.
Khi con của chúng ta thực tập giải quyết vấn đề, chúng ta không nên dùng quyền làm cha mẹ để bắt ép con của mình phải làm theo ý mình, mà chỉ nên đóng vai trò cố vấn, đặt ra những câu hỏi, hướng về sự thật, để cho con của chúng ta học và quen với cách đặt câu hỏi sao cho đúng trọng tâm.
Khi con trẻ đã biết ứng dụng, và biến trở thành thói quen tốt rồi, thì tiếp tục giúp con kiện toàn những góc độ nhìn và cách ứng xử. Đến khi con có thể tự lập thì trao quyền quyết định cuộc đời của con mình cho nó.
Thứ hai: Làm gương. Có thể nói, trong tất cả các phương pháp dậy con thì phương pháp làm gương là tốt nhất. Không những vừa dậy cho con, mà ngay cả bản thân chúng ta cũng phải liên tục học hỏi và sửa sai để hoàn thiện.
Chính vì, đặt mục đích làm gương cho con, mà chúng ta tạo ra cho chúng ta một kỷ luật vững chãi, giúp cho chúng ta, khi gặp những vấn đề, không trốn chạy, hay tìm cách đè nén chúng, mà đi giải quyết chúng một cách triệt để.
Nếu con của chúng ta nhìn thấy cha mẹ nó hành xử như thế, để đem lại sự an lạc và hạnh phúc, khi chung sống với nhau, thì nó cũng sẽ học cách giải quyết vấn đề, khi nó gặp, một cách triệt để. Nó Biết phân tích rõ ràng, đâu là lợi, và đâu là hại, nó biết làm sao giải quyết khổ đau của nó, khi nó phải gặp phải vấn đề.
Thứ ba: Chủ động. Nắm lấy quyền chủ động là việc làm vô cùng quan trọng khi làm cha mẹ. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng, mình làm cha mẹ thì mình luôn nắm quyền chủ động, vì con cái của mình, vẫn còn đang lệ thuộc vào mình.
Nhưng sự thật thì không phải vậy; ngay cả khi, con cái của chúng ta đang lệ thuộc vào chúng ta, thì chúng ta, nhiều lúc cũng rơi vào thế bị động như thường.
Nếu chúng ta không biết dùng sự quan sát và nhìn sâu, thì chúng ta, nhiều khi đang ở trong thế bị động, mà lại tưởng rằng, chúng ta đang nắm thế chủ động.
Thí dụ, đứa con nhỏ của bạn bị dị ứng khi ăn kem, và bạn dẫn con của bạn đi chợ. Đứa bé vừa nhìn thấy cây kem thì nằng nặc đòi mua, mà nó quên là nó bị dị ứng. Bạn biết con của bạn dị ứng nên bạn không mua. Nhưng con của bạn bắt đầu sử dụng vũ khí duy nhất của nó là, gào khóc thét lên. Những người đi chợ nhìn bạn với ánh mắt tò mò soi mói, và bạn cảm thấy xấu hổ, khi con của bạn cứ gào thét to.
Cuối cùng, vì muốn tránh những ánh mắt soi mói của người khác, bạn đã mua cây kem cho con của bạn ăn, và nó bị dị ứng nổi ngứa cả ngày.
Ban đầu, rõ ràng, bạn ở thế chủ động, vì bạn biết, con của bạn bị dị ứng với kem, nên bạn đã không mua. Nhưng vì sự xấu hổ, mất mặt, hay muốn tránh những ánh mắt soi mói, khó chịu của người khác, mà bạn đã từ chủ động biến thành thụ động.
Nghĩa là, đứa con của bạn ban đầu đang ở thế bị động, nay con của bạn, biến thành thế chủ động, để đạt được ý muốn ăn kem của nó.
Cho nên, khi nói về chủ động và bị động thì rất dài, vì giữa chủ động và bị động, đôi khi, chỉ khác nhau trong vài giây. Nếu chúng ta không cẩn thận, không sử dụng sự quan sát và nhìn sâu liên tục, chúng ta sẽ rơi vào thế bị động liên tục trong một ngày.
Dĩ nhiên, chúng ta có muôn ngàn cách để giải quyết, và mỗi người trong chúng ta, ai cũng có quyền, chọn cách nào tốt nhất và thích hợp nhất với mình.
Nhưng, cho dù chúng ta chọn cách nào, thì chúng ta cũng phải có những chuẩn, để dựa vào những chuẩn đó, mà kiện toàn hay sửa sai. Vậy cái chuẩn đó là gì?
Đó là An kéo dài, chứ không phải An ngắn hạn.
Nếu phương pháp ứng dụng nào, mà không đem đến cho chúng ta An kéo dài, hay khi ứng dụng, mà sinh ra nhiều hậu quả, thì chúng ta biết, chúng ta phải bắt đầu chỉnh sửa lại.
Nếu chúng ta không chịu chỉnh sửa ngay, mà cứ thoái thác, trốn chạy, thì chúng ta đang bắt đầu nhận chìm cuộc đời của chúng ta, và những người thân của chúng ta, trong khổ đau, phiền muộn.
Chúng tôi thì rất tự hào khi nói rằng, chúng tôi đang rất “sợ con”, còn bạn thì sao? Bạn có “sợ con” không? và bạn có tự hào về việc bạn “sợ con” không? Hay bạn đang xấu hổ và mất mặt vì bạn đang “sợ con”.