Bạn Thân Mến,
Tu học và tu hành là bốn chữ mà chúng ta nghe rất nhiều lần trong cuộc đời, nhưng tu học là gì và tu hành là gì? Chính là chủ đề của hôm nay, mà chúng tôi muốn mời bạn, hãy cùng chúng tôi quan sát và nhìn sâu.
Theo định nghĩa, Tu có nghĩa là: sửa, sửa chữa, trau giồi; Học là: nhận sự dậy dỗ của người khác; và Hành có nghĩa là: làm, việc làm, trải qua, di chuyển, v.v.
Như vậy, Tu Học có nghĩa là, nhận sự dậy dỗ của người khác để trau giồi, hay sửa chữa lại những cái chưa hay, chưa đúng của mình; và Tu Hành là sửa chữa lại những việc làm, nhưng hành động đã trải qua, mà chưa được đúng, hay chưa được đẹp.
Nếu chúng ta tách riêng bốn chữ tu học và tu hành ra, thì chúng ta còn lại ba chữ là: tu, học và hành.
Học thì ai trong chúng ta cũng phải học. Nếu nói rộng nghĩa hơn, thì không phải chúng ta chỉ học bằng sự dậy dỗ của người khác, mà đôi khi, chúng ta cũng chẳng cần ai dậy dỗ, chúng ta cũng học được qua sự quan sát và nhìn sâu.
Chẳng hạn, khi chúng ta nhìn một chiếc lá vàng rơi vào mùa thu, qua sự quan sát và nhìn sâu, chúng ta cũng có thể học được tính vô thường của vạn pháp. Chiếc lá không hề có ý định dậy dỗ chúng ta. Chiếc lá chỉ đang làm đúng bổn phận,
theo đúng quy luật của tự nhiên.
Nhưng qua chiếc lá vàng rơi, dưới sự quan sát và nhìn sâu, chúng ta lại học được bài học về tính vô thường, để khi, chúng ta có những niềm đau nỗi khổ, chúng ta có thể dùng bài học vô thường này, để giải quyết những khổ đau, và đạt được An.
Nếu chúng ta chỉ “cắm đầu” vào học không thôi, mà khi chúng ta có khổ đau, lại không ứng dụng được bài học đó, thì giá trị của bài học đó, chỉ là con số không, tròn trĩnh.
Cho nên, cái quan trọng không phải là chúng ta học được gì, hay học có thâm sâu không, mà quan trọng là, khi chúng ta ứng dụng qua hành, có đem đến đúng như kết quả chúng ta muốn hay không?
Nếu như, qua phần thực hành, mà không đem đến cho chúng ta kết quả nhưng lại đem đến cho chúng ta những hậu quả, thì chúng ta phải “tỉnh táo” để chỉnh sửa lại cái học của chúng ta.
Nói đến học thì có nhiều cách học. Phần đông chúng ta, thường dựa vào định nghĩa của chữ học, là phải có người dậy dỗ chúng ta, thì chúng ta mới gọi đó là học.
Cho nên, chúng ta nghĩ, muốn học thì phải đến trường, đến lớp, có thầy, có cô có bằng cấp để dậy dỗ cho chúng ta. Khi vào trường để học, thì chúng ta lại lệ thuộc vào sự phân chia thứ tự trước sau, để đánh giá trình độ học của một người.
Thí dụ, với trẻ năm sáu tuổi, thì bắt đầu từ lớp mẫu giáo, rồi lên lớp một, lớp hai, tiểu học, trung học, rồi đại học.
Người có bằng đại học thì trình độ học của họ cao hơn người trung học, và người có trình độ trung học thì cao hơn tiểu học v.v.
Từ đó, đưa chúng ta đến suy luận và tin rằng, nếu muốn giỏi thì phải học, mà muốn học thì phải có lớp, có trường. Nếu nơi nào, không có trường, có lớp, thì nơi đó, chúng ta sẽ không có gì để học.
Quan niệm này, đã khiến cho biết bao sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường, rơi vào thế “lao đao”, khi tiếp xúc với những công việc trong trường đời.
Vì trong trường đời, thì học không phải chỉ thu gọn trong lớp, có thầy, có cô có bằng cấp dậy dỗ, mà trong trường đời, thì không có lớp, và ai cũng có thể là thầy cô, mà không cần bằng cấp.
Không những, chỉ có con người, mà ngay cả động vật, thực vật, hay những sự vận hành tự nhiên của trời đất, cũng trở thành thầy cô để dậy cho chúng ta những bài học, đáng giá nghìn vàng.
Không ít những nhà tiến sĩ (cấp cao nhất trong hệ thống giáo dục), khi ra trường đời, mới “bé cái lầm” rằng, thì ra, còn có muôn ngàn điều ở trường đời, mà họ vẫn còn chưa học được trong trường học.
Như vậy, không phải cứ tốt nghiệp trong trường học thì sẽ có đủ mọi kiến thức và cách ứng xử trong trường đời. Sự thật là, trường đời mới là trường mà con người phải học suốt cả một đời, mà vẫn không thể tốt nghiệp.
Cho nên, trong trường đời, đòi hỏi người học phải có sự
quan sát và nhìn sâu, để tiếp cận được với sự thật, nếu không, sẽ gây ra khổ đau cho người và cho mình, chứ không như trường học, là học để mở mang kiến thức.
Với một người nông dân, việc các nhà khoa học, du hành đến sao hỏa, hay sao kim, cũng chẳng có gì là quan trọng. Bởi vì, đối với người nông dân, bài học quan trọng nhất với họ, đó chính là đồng ruộng: lúa, đất, nước, phân.
Thiếu những bài học này, thì khổ đau sẽ có mặt ngay trong gia đình của họ. Con cái họ sẽ đói ăn, và tài chánh gia đình của họ sẽ trở nên “giật gấu vá vai”.
Có nhiều bạn sẽ cho rằng, nếu không có trường học thì làm sao có những kỹ sư để chế ra những máy móc, hay phân bón, để làm ra lúa gạo nhanh hơn.
Đồng ý với bạn là, với những máy móc và phân bón vô cơ mới, sẽ giúp cho quá trình phát triển của cây lúa nhanh hơn, và khi cầy cấy, hay thu hoạch, thì đỡ tốn công hơn. Nhưng sự thật cũng đã chúng minh rằng, chính những phân bón mới, giúp cây lúa trổ nhanh hơn, lại tạo ra những gen (gene) đột biến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Các nhà khoa học có tự trọng, khi nghiên cứu qua lâm sàng đã đưa ra những chứng minh về sự tai hại khi tạo ra gen (gene) đột biến, và tiếng nói cảnh tỉnh của họ đã có không ít người hưởng ứng.
Những người tiêu thụ trong thời đại mới (new age), họ đòi hỏi những thực phẩm cung cấp cho họ, phải được trồng theo phương pháp hữu cơ (organic), và giá cả của thực phẩm hữu cơ thì cao gần gấp đôi so với giá do máy móc và những phát minh đột biến tạo ra, nhưng họ vẫn vui lòng tiêu thụ.
Như vậy, với nhà khoa học thì họ thích nghiên cứu học hỏi về không gian vũ trụ, nhưng ngược lại, người nông dân lại thích học về: lúa, đất, nước, phân.
Vậy thì cái học nào cao hơn cái học nào? Vốn dĩ, chẳng có sự học nào cao hơn sự học nào cả, mà là, sự học đó có giá trị hay không, mới là quan trọng. Nếu điều học đó, mà không thể đem ứng dụng được, thì điều học đó, trở nên vô dụng.
Bắt một khoa học gia xuống làm ruộng thì không khác gì, chúng ta đang bắt bỏ tù họ vậy, hay ngược lại, bắt bác nông dân lên điều khiển chiếc tầu vũ trụ thì lại khiến bác chết, không toàn thây.
Cho nên, trước khi học, chúng ta cần phải xác định rõ ràng chúng ta học gì, và chúng ta phải học như thế nào cho đúng cách.
Nếu không, chúng ta chỉ phí thời gian vào hý luận, mà khi gặp sự cố, thì chúng ta lại chẳng ứng dụng được gì cho việc chúng ta giải quyết vấn đề, hay sự cố, một cách chuẩn không cần chỉnh.
Sự thật đã chứng minh rất rõ ràng, cái chúng ta cần học thì vô hạn, nhưng sức học của chúng ta thì lại hữu hạn, chúng ta không thể đem cái hữu hạn để “đuổi theo” cái vô hạn được.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự lựa chọn trong cái vô hạn kia, xem cái học nào có thể giúp cho chúng ta giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của chúng ta một cách toàn vẹn, không để lại những di chứng về sau.
Nếu chúng ta không cẩn thận lựa chọn, chúng ta không có mục đích rõ ràng, thì chúng ta sẽ học miên man, học lang bang, học trường kỳ, rồi cuối cùng, chúng ta chỉ ôm một mớ kiến thức vụn vặt, không đâu vào đâu cả.
Chúng ta vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, mà còn tạo ra biết bao cảm xúc/giác tiêu cực, khi không thể sử dụng mớ kiến thức đó vào đâu cho hợp lý.
Cho nên, khi học, chúng ta nên đặt cho chúng ta những câu
hỏi chính xác như:
- Chúng ta học để làm gì?
- Có đúng với mục đích của chúng ta không?
- Có giúp cho chúng ta giải quyết vấn đề của chúng ta một cách trọn vẹn không?
- Có đem đến an vui và hạnh phúc cho người và cho chúng ta không?
- Có giúp cho chúng ta tiếp xúc được với sự thật không v.v.
Dĩ nhiên, chúng ta có thể đặt ra muôn ngàn câu hỏi, nhưng chỉ cần chúng ta hỏi chúng ta những câu hỏi như trên, cũng đủ giúp cho chúng ta xác định được, chúng ta nên học gì, và học ra làm sao cho có kết quả.
Khi đã lựa chọn xong những gì chúng ta muốn học, thì chúng ta đừng tin ngay vào những trải nghiệm, hay kinh nghiệm của những người đi trước, hay tiền nhân, mà chúng ta chỉ xem đó như là những thông tin, và bắt đầu từ những thông tin đó, chúng ta đi kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm, qua sự quan sát nhìn sâu vào bản thân của chúng ta, hay qua đối tượng, hay những hiện tượng.
Sau khi chúng ta đã trải qua những quá trình đó, và quá trình đó giúp chúng ta tiếp cận được với đúng sự thật, thì lúc đó chúng ta mới tin. Chúng ta chỉ nên tin vào kết quả, chứ không tin vào sự trải nghiệm hay kinh nghiệm của bất cứ một ai.
Nếu chúng ta làm được như vậy, thì những gì chúng ta học mới có giá trị, mới có chiều sâu, mới có sự tinh tế. Chính nhờ sự tinh tế và có chiều sâu này, mới giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề của chúng ta một cách trọn vẹn.
Như vậy, khi thêm chữ tu vào trước chữ học, thành tu học, thì chúng ta mới biết, chúng ta cần sửa, hay sửa chữa cái gì trong qúa trình chúng ta học.
Nếu không thì chữ tu đặt vào đầu câu, cũng trở nên vô nghĩa, vì chính cái chúng ta học, chúng ta còn không hiểu chúng ta đang học gì, thì chúng ta làm sao biết chỗ nào sai đâu mà tu với sửa. Vậy nên, khi chúng ta sử dụng hai từ tu học chúng ta phải rất cẩn thận.
Ngày xưa, ở miền nam Việt Nam, những người kỹ sư cơ khí, muốn nâng cao trình độ về kỹ thuật máy móc, thì thường đi tu học tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật như Mỹ, Anh hay Đức, v.v.
Có nghĩa là, họ đã học và biết về máy móc và kỹ thuật rồi, nhưng với những phát minh, hay những sự bổ sung trong kỹ thuật sửa chữa mới, họ chưa được cập nhật, cho nên, họ cần phải đến các quốc gia tiên tiến, học tiếp, để sửa chữa hay trau giồi thêm những kinh nghiệm trong ứng dụng.
Nhưng ngày nay, hai chữ tu học thường được gắn liền với tôn giáo. Mỗi tháng, ít nhất chúng tôi cũng nhận được hai ba lá thư gởi về, kêu gọi chúng tôi, ghi danh đi tham dự khóa tu, hay tu học, được tổ chức khắp mọi nơi, không những trong nước Mỹ, mà có khi, tới tận cả trời Âu.
Tu học về vật chất thì còn đỡ, vì chúng ta còn có vật để sờ, để mó, để chạm. Nhưng tu học về tâm linh, thuộc về vô hình, vô ảnh. Chúng ta không thể sờ hay mó vào được, mà chỉ nương tựa vào nhận thức và niềm tin của chúng ta.
Nếu như, những nhận thức hay niềm tin của chúng ta không may bị lệch lạc, mê mờ, thì chắc chắn, con đường tu học của chúng ta sẽ dần dần dẫn về ngõ cụt.
Cho nên, trước khi chúng ta muốn Tu thì chúng ta phải biết rất rõ mục đích của chúng ta học để làm gì. Chúng ta đã nắm rõ được những gì chúng ta học chưa? Nhận thức của chúng ta đã rõ ràng chưa?, và sự rõ ràng đó, chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào để đáng giá.
Đó chính là những nét căn bản của việc học. Sau đó, chúng ta mới dựa trên những căn bản đó, để tiếp tục trau giồi hay tu sửa lại những chỗ chưa đúng hay chưa chính xác.
Trong qúa trình tu sửa việc học này, chúng ta không phải chỉ dùng sư tư duy không mà thôi, mà chúng ta phải đem những điều chúng ta đang tu học ứng dụng trong thực hành. Chúng ta phải thực hành không những trên một góc độ, mà chúng ta còn phải thực hành trên nhiều góc độ.
Như vậy, bắt đầu từ học đến tu, rồi từ tu qua hành, và từ hành tiếp tục tu, rồi từ tu lại bắt đầu học. Qúa trình này gọi là quá trình tu học và tu hành.
Nếu muốn dễ hiểu hơn thì chúng ta sẽ đặt lại theo thứ tự
như sau: học, tu, hành, tu, học, v.v. Trong qúa trình tu hành và tu học này, chúng ta phải cần đến thêm ba yếu tố hỗ trợ khác, bao gồm: kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm.
Thiếu ba yếu tố này, thì chúng ta sẽ dễ phiêu lưu trong thế giới của suy luận, phỏng đoán, và tưởng tượng.
Khi mà chúng ta để nhận thức, hay niềm tin của chúng ta “dính” đến phỏng đoán hay tưởng tượng, thì nhận thức hay niềm tin của chúng ta sẽ không còn gần với sự thật, mà chúng ta đang bắt đầu rời xa sự thật.
Cho nên, trong qúa trình học hay hành thì chúng ta cũng phải luôn sử dụng ba yếu tố này. Được như vậy, thì việc chúng ta tu học hay tu hành mới có kết quả.
Còn nếu không, thì chúng ta chỉ phí thời gian cho cái học vô bổ, không những đã không giúp ích gì cho chúng ta trong việc tiếp cận sự thật, mà cái học đó, đôi khi lại trở thành một rào cản, một “nhà tù”, nhốt chúng ta vào trong những cuộc tranh luận, hay tranh cãi, gây nên sự thù hận, oán ghét, lẫn nhau.
Tệ hại hơn là, chúng ta tiếp tục “nâng cấp” sự tự tôn của chúng ta lên tận mây xanh, và xem như đó là một thành quả mà chúng ta đáng tự hào. Nhưng khi, có những vấn đề của chúng ta cần phải giải quyết tận gốc rễ, thì chúng ta lại trốn chạy, hay đè nén vấn đề đó xuống.
Tu học hay tu hành là một việc vô cùng cần thiết cho tất cả những ai muốn thăng tiến, muốn đạt được thành công hơn thất bại, dù trong cuộc đời hay đời sống tâm linh. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận trong việc tu học và tu hành thì chúng ta sẽ tạo ra những kiến chấp (chấp vào những kiến thức mà mình học được), những nhận thức sai lầm, sẽ gây ra khổ đau cho người và cho mình.
Có một người quen, anh rất tự hào về kiến thức mà anh học được trong kinh điển của đạo Phật, và anh thường cho rằng anh đã hiểu đúng với những gì đức Phật dậy, vì anh đã đi tu học với biết bao vị cao tăng. Cho nên, mỗi khi gặp anh, anh luôn dậy chúng tôi làm sao phát triển lòng từ bi và trí tuệ.
Theo lời anh “học lại” thì các vị cao tăng đã dậy:
“Từ bi là thương cao thượng bất vụ lợi, thương tất cả mọi loài không vì bản ngã của mình.
Còn trí tuệ được phân ra làm hai loại: Trí thế gian và trí xuất thế gian. Trí thế gian là thấy biết đúng tinh thần nhân quả, và Trí xuất thế gian là người biết rõ mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ, là cái nhân đưa tới đau khổ, thì tránh không làm, không nói, và không nghĩ.
Như vậy, từ bi và trí tuệ đi đôi và gắn liền với nhau, vì từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chẩy, nhờ suối từ bi cho nên cây trí tuệ trổ hoa.”
Khi nghe lời anh dậy cho chúng tôi, chúng tôi mới hỏi anh, thương cao thượng là gì, và thương bất vụ lợi ra sao, thì anh lại không giải thích được.
Nếu nói từ bi là thương cao thượng thì thương thế nào mới là thương cao thượng, và thương thế nào mới là không cao thượng. Quả thật, chúng tôi nghe xong, cũng không thể nào hiểu được, mà nếu chúng tôi không hiểu được thì làm sao chúng tôi hành.
Nếu chúng tôi không thể hành, thì có phải, những gì chúng tôi học, chỉ là một mớ kiến thức vô bổ, vì khi chúng tôi muốn phát khởi lòng từ bi, thì chúng tôi biết dựa vào đâu để thực hành.
Còn câu: “từ bi và trí tuệ đi đôi và gắn liền với nhau, vì từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chảy, nhờ suối từ bi cho nên cây trí tuệ trổ hoa.” Có nghĩa là gì?
Nếu chúng tôi không biết được lòng từ bi, thì chúng tôi không thể có trí tuệ, đúng không? Bởi vì, từ bi là gốc rễ, nên mới có thể sinh ra hoa trái là trí tuệ. Nếu không có lòng từ bi thì sẽ không có trí tuệ.
Trong khi, qua thực nghiệm, kiểm nghiệm, và chứng nghiệm thì tuệ giác mới là gốc rễ để sinh ra hoa trái là từ bi. Nếu không có Tuệ Giác thì từ bi có thể sẽ dẫn đến khổ đau như thường.
Dĩ nhiên, ở đây chúng tôi không đem ra xét nét sự tu học hay tu hành của anh là đúng hay sai, mà chúng tôi chỉ muốn chia xẻ lại với bạn, khi chúng ta học một điều gì, thì chúng ta phải đem điều chúng ta học và thực hành ngay với sự kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm trên bản thân của chúng ta.
Chỉ khi, trải qua ba yếu tố đó, và kết quả ra đúng với định nghĩa đó, thì chúng ta mới tin vào định nghĩa đó, chứ không nên đi học thì nhiều, nhưng hành lại chẳng bao nhiêu. Đến khi có chuyện cần giải quyết thì chúng ta lại không hề sử dụng đến những gì chúng ta đã học.