TẢI MP3 – ÁNH TUYẾT
TẢI MP3 – HỒNG TRẦN
Bạn Thân Mến,
Mỗi một ngày, không ít thì nhiều, chúng ta đều sử dụng đến sự ám thị, mà ngay cả chính chúng ta cũng không biết, hay không để ý đến. Vậy ám thí là gì? và công dụng của ám thị như thế nào, chính là chủ đề hôm nay chúng tôi muốn mời bạn cùng quan sát và nhìn sâu.
Theo định nghĩa, Ám Thị là dùng phương pháp gián tiếp, hàm súc để biểu đạt ý tứ; hay theo tâm lý học là dùng ngôn ngữ, khiến cho Ý Thức không còn biết suy xét mà tiếp nhận ý kiến, hoặc làm việc gì từ một ai đó.
Thí dụ, khi chúng tôi còn nhỏ, chưa hề biết ma là gì, nên chúng tôi không hề sợ ma. Có những lần, người hàng xóm họ đem những câu chuyện về ma và kể cho chúng tôi nghe.
Hình ảnh của những con ma được họ “vẽ” trong tiềm thức của chúng tôi bắt đầu có mặt, và bắt đầu được đưa vào trong kho của Ngã Thức. Ma thì luôn được “đánh đồng” với những gì u ám, đen tối, nên màn đêm trở thành thế giới sinh hoạt của ma.
Thế là từ ngày có những hình ảnh ma trong tiềm thức, và Ngã Thức, thì chúng tôi bắt đầu sợ ma. Không những chúng tôi sợ ma, mà chúng tôi còn sợ cả bóng đêm.
Vì thế, cứ mỗi đêm đi ngủ, thì chúng tôi tìm mọi cách để nằm ngủ chung với các chị em, và thường hay chọn nằm chính giữa.
Hình ảnh những con ma này, đeo bám chúng tôi “dai dẳng”, cho đến khi, chúng tôi rơi vào thế, không còn sự lựa chọn, phải nằm trên những ngôi mộ để ngủ thì mới chấm dứt.
Sau này, khi có dịp nghiên cứu về lĩnh vực ám thị thì chúng tôi mới biết, thì ra chúng tôi đã bị người hàng xóm ám thị chúng tôi mà chúng tôi chẳng hề hay biết gì cả.
Người hàng xóm của chúng tôi không phải là người xấu, muốn đi hại chúng tôi, nhưng vì người hàng xóm đó, không biết ám thị là gì, nên đã vô tình sử dụng ám thị trên chúng tôi mà không hề hay biết.
Ngày nay, nếu nói đến Google thì không ai trong chúng ta xa lạ cả. Google ban đầu chỉ là tên gọi cho một công ty, nhưng nay, Google đã có riêng cho mình một định nghĩa là công cụ tìm kiếm thông tin về ai đó hoặc điều gì đó trên internet.
Có nhiều người ở Việt Nam lại còn ví von cho rằng, “muốn biết gì thì cứ lên hỏi bác Google thì biết”. Nói như vậy, để thấy, Google đã trở thành một thư viện mở, mà khi chúng ta muốn biết gì thì cứ lên thư viện đó để kiếm tìm.
Thư viện của Google, nếu đem so với tất cả các thư viện khác, thì không có thư viện nào có thể sánh được. Vì trên Google, chúng ta có thể có rất nhiều thông tin, thật có, giả có, trên mọi góc độ, mà chúng ta muốn tham khảo hay kiểm chứng.
Cái hay của Google ở chỗ đó, và cái dở của Google cũng ở chỗ đó. Nếu chúng ta là người thích quan sát và nhìn sâu nhiều góc độ, thì Google đúng là một công cụ hữu ích, giúp cho chúng ta có nhiều thông tin để có thể kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm.
Nhưng cái dở của Google là, những thông tin thật giả lẫn lộn với nhau, mà không hề có sự sắp xếp, đâu là tốt, là đúng, đâu là sai, là xấu, lại khiến cuộc đời của chúng ta thêm đau khổ. Vì sao?
Vì những thông tin đó, sẽ tạo ra những kiến chấp khi chúng ta sử dụng Google bằng Trí, nghĩa là, khi chúng ta nhìn nông, chúng ta không đi kiểm nghiệm, thực nghiệm, mà lại tin ngay vào những thông tin đó, và coi đó là sự thật.
Sở dĩ, chúng tôi phải dài dòng một chút về Google, vì trong Google có một chức năng gọi là “Auto-Suggest” tạm dịch là gợi ý tự động hay đúng hơn là ám thị, có nghĩa là, khi bạn bắt đầu đánh chữ bạn muốn tìm, thì Google sẽ gợi ý cho bạn thêm những chủ đề khác.
Có đôi khi, thay vì chúng ta chú tâm vào việc tìm đúng chủ đề chúng ta muốn tìm, thì chúng ta lại theo những sự gợi ý hay ám thị của Google, và phiêu lưu và trong chủ đề gợi ý, mà quên mất đi chủ đề mà chúng ta đang muốn kiếm tìm.
Cho nên, khi chúng ta sử dụng Google để tìm kiếm các thông tin, thì chúng ta nên cẩn thận, và phải rất ý thức vào những chủ đề, mà chúng ta muốn kiếm tìm, nếu không, chúng ta sẽ bị Google “ám thị” chúng ta, và có thể dẫn chúng ta xa rời mục đích của chúng ta, lúc nào không biết.
Một người quen của bạn có những đau khổ trong cuộc đời, và có những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết, để giải quyết những cảm xúc tiêu cực.
Khi tiếp xúc với bạn, bạn gợi ý, và hướng dẫn cho người đó giải quyết những khổ đau của người đó, và người đó làm theo sự gợi ý của bạn, thì bạn đang sử dụng ám thị với người quen của bạn.
Trong cuộc sống hôm nay của chúng ta, chúng ta đã và đang sử dựng ám thị, và bị ám thị bởi người khác, một cách trực tiếp hay gián tiếp, mỗi ngày. Nếu chúng ta không cẩn thận, hay bị người khác ám thị, thì chúng ta sẽ trở thành con rối lúc nào không hay.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể tránh trở thành con rối của người khác, hay do tự chính những nguồn năng lượng tiêu cực, khi sử dụng Ý Thức để dẫn chúng ta đến những nhận thức sai lầm.
Muốn làm được điều này thì chúng ta cần phải hiểu rõ về sự vận hành của các thức. Trong chín thức có ba thức liên quan đến ám thị và cách thức sử dụng ám thị, gồm: Ý Thức, Ngã Thức và Tiềm Thức.
Chức năng của Ý Thức là khả năng: quan sát, phân tích, so sánh, nhận dạng, tổng hợp, phỏng đoán, tưởng tượng theo chiều nông và sâu.
Chức năng của Tiềm Thức là bộ nhớ lâu dài, là kho chứa những thông tin, dữ liệu, có khả năng nối kết các thông tin và dữ liệu lại với nhau.
Chức năng của Ngã Thức là nơi dung chứa những cảm xúc giác, đạo đức, niềm tin, v.v.
Như vậy, khi chúng ta có một ý niệm khởi sinh từ Ngã Thức, thì Ngã Thức sẽ sử dụng Ý Thức để phân tích, so sánh ý niệm đó.
Muốn phân tích và so sánh thì Ý Thức phải dùng đến kho dữ liệu của Tiềm Thức để lấy những thông tin, hay dữ liệu cần thiết cho việc so sánh, quan sát, phân tích theo chiều nông hay sâu. Chiều nông hay sâu sẽ do Ngã Thức muốn chọn chiều nào.
Nếu Ngã Thức muốn đốt giai đoạn, mà nhìn theo chiều nông, thì Ý Thức sẽ sử dụng thêm chức năng phỏng đoán hay tưởng tượng vào để đưa ra kết quả.
Nếu Ngã thức muốn theo chiều sâu thì Ý Thức sẽ ứng dụng sự kiểm nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm để tìm ra kết quả.
Như vậy, nếu muốn ám thị một người, hay tự ám thị chính chúng ta, thì chúng ta phải tìm cách ngăn chặn sự có mặt của Ý Thức.
Nếu chúng ta không thể ngăn chặn được Ý Thức, thì Ý thức với khả năng phân tích, so sánh, v.v. sẽ không để cho những gợi ý hay những ý kiến của người khác tác động, trừ khi, lúc đó, Ngã Thức đã chấp nhận hay tin tưởng người kia, thì Ngã Thức mới ra lệnh cho Ý Thức vắng mặt, và để cho Ý Thức của người kia có mặt, để phân tích hay so sánh dùm cho chúng ta.
Nếu như Ngã Thức của chúng ta không chấp nhận hay không tin người kia thì Ngã thức sẽ ra lệnh cho Ý Thức tìm mọi cách để chống trả lại những sự gợi ý hay ám thị của người khác.
Thí dụ, chúng ta tin là nếu trong ba ngày tết mà chúng ta quét nhà, thì chúng ta sẽ quét hết tiền bạc của chúng ta trong một năm ra bên ngoài, và cả năm chúng ta sẽ gặp khó khăn về tài chính, hay mất mát về tiền bạc.
Mặc dù, chúng ta đã có rất nhiều những chúng minh rằng, chẳng có chứng cứ nào cho việc quét nhà trong ba ngày tết, sẽ ảnh hưởng đến tài chính của chúng ta cả.
Nhưng đó là niềm tin nơi ngã thức đã dựa trên đó, nên tuy có những chứng minh theo khoa học, nhưng Ngã Thức của chúng ta sẽ ra lệnh cho Ý Thức của chúng ta, đi tìm những lý lẽ, để củng cố cho niềm tin của Ngã Thức thêm vững chắc, và Ngã Thức không chịu thay đổi.
Như vậy, nếu muốn thay đổi sự lựa chọn từ Ngã Thức thì chúng ta có thể sử dụng ám thị để thay đổi niềm tin nơi Ngã Thức.
Muốn thực hiện được sự ám thị có hiệu quả cao thì người thực hành ám thị phải biết cách đánh lừa Ý Thức của người bị ám thị.
Với những người có kinh nghiệm về ám thị, thì họ sẽ lựa chọn vào lúc ban đêm. Vì sao? Vì lúc đó, Ý Thức và Ngã Thức đã tạm ngưng hoạt động thì mới dùng những lời ám thị, đưa vào trong tiềm thức, và lợi dụng chức năng nối kết của tiềm thức để thay đổi niềm tin.
Thí dụ, nếu chúng ta có đứa con thích quậy phá, và không nghe lời, và chúng ta muốn thay đổi đứa con đó thành đưa trẻ ngoan và dễ bảo, thì chúng ta phải đợi khi đứa con đó ngủ, và bắt đầu ám thị những gì chúng ta muốn đứa con sẽ trở thành.
Chẳng hạn như: “Con là đứa con ngoan, hiếu thảo, có đạo đức, và biết thương người. Mỗi ngày, lòng thương yêu của con sẽ phát triển và hoàn thiện hơn.”
Ngôn ngữ sử dụng trong cách ám thị phải dùng, đó là, những ngôn ngữ không theo dạng phủ định, gồm những chữ như: không, đừng, dừng, phải v.v, mà nên lựa chọn những từ ngữ đúng như chúng ta mong muốn, mang chiều hướng tích cực hơn tiêu cực.
Tiếc thay, phần đông những người thực hành phương pháp ám thị, vì thiếu kinh nghiệm, nên hay dùng sai cách. Vì vậy, nên thường không ra kết qủa, mà lại ra hậu quả, đơn giản là, họ không hiểu được sự vận hành của các thức một cách rõ ràng.
Thay vì, dùng những ngôn ngữ như thí dụ trên, thì chúng ta lại ám thị như sau:
“Con là đứa con quậy phá và không nghe lời, mẹ muốn con từ nay sẽ không quậy phá nữa, và phải biết nghe lời. Khi mẹ nói thì con phải làm theo, nếu không con là đứa trẻ hư.”
Nếu đứa con “được” người mẹ ám thị với những lời này, thì đứa con sẽ trở nên càng quậy phá, càng không nghe lời, không những chống đối lại người mẹ, mà còn trở thành đứa con hư như bà mẹ đã ám thị. Vì sao?
Đơn giản, vì trong tiềm thức vốn không có so sánh, hay phân tích, nên trong đó, không có thể phủ định, bắt đầu bằng những chữ như: không, đừng, phải, dừng v.v.
Cho nên, khi bà mẹ ám thị đứa con, mà dùng những từ như: không đừng, phải, v.v, trước những từ ngữ tiêu cực, thì Tiềm Thức sẽ chọn những từ ngữ tiêu cực, và tiếp tục phát triển thành thói quen trên đó.
Bạn thấy đứa con nhỏ của bạn đang đưa bàn tay nhỏ bé của nó vào ngọn lửa nóng, và bạn quát lên:
“Đừng đưa tay vào lửa”.
Khi bạn chưa kịp phản ứng để giúp con của bạn, thì đứa con của bạn, đã đưa tay vào lửa rồi, vì Tiềm Thức của con bạn, không biết gì về “đừng” cả, mà chỉ biết lấy hành động theo sau chữ “đừng” để khích động.
Cho nên, Tiềm Thức con của bạn sẽ diễn giải câu mệnh lệnh của bạn như sau: “đưa tay vào lửa”. Thế là, đứa con trẻ của bạn, đưa tay vào lửa, là chuyện tất nhiên.
Nếu bạn không biết về sự vận hành của các thức, và bạn cũng không biết về sự hoạt động của ám thị, thì bạn sẽ cáu, giận, tức, tại sao con của bạn lại “ngu” như vậy, vì bạn đã bảo nó “đừng”, mà nó cứ tiếp tục làm.
Bạn có biết không, khi một người cha hay người mẹ mắng đứa con là đồ ngu, đồ vô dụng, hay quân phá hoại, không biết nghe lời, thì chính người cha hay người mẹ đang trực tiếp ám thị đứa con của mình, và “bắt” nó trở thành người ngu hay người vô dụng.
Khi đứa con của bạn đã trở thành người ngu, hay vô dụng, như lời ám thị của bạn, thì bạn trách móc, ghét bỏ đứa con, mà bạn lại không biết rằng, bạn mới chính là tác nhân gây ra hậu quả mà đứa con phải gánh chịu, chứ không phải tự đứa con tạo ra.
Thật đáng buồn thay, chúng ta ám thị con của chúng ta mỗi ngày, bằng những ý niệm tiêu cực, sai trái, mà ngay cả chúng ta cũng không biết; và khi chúng ta không biết, hay không thể giải thích được, thì chúng ta lại có thói quen đổ lỗi cho người, hay tin vào những lời ngụy biện, để chứng minh rằng, đó không phải lỗi của chúng ta.
Trong Văn hóa Việt, có một đức tính mà chúng ta hay sử dụng đó là sự khiên tốn, thí dụ:
Một người khác thấy con của bạn giỏi và khen con bạn, cách đáp trả của bạn thông thường sẽ là:
Ôi, cái thằng con của tôi nó có làm được gì đâu, tối ngày cứ cắm đầu vào học, chẳng biết cái gì cả. Hay, nó thì có giỏi gì, ngoài chuyện học ra, thì việc gì làm cũng hư hỏng, lười biếng vô cùng, v.v.
Hay, ôi nó làm sao mà so với thằng B con của ông A, thằng B mới là giỏi, cái gì cũng làm được, chứ con của tôi, có đi xách dép cho thằng B cũng không xứng.
Chúng ta cứ nghĩ, khi chúng ta đang “hạ bệ” con của chúng ta xuống, là chúng ta đang thể hiện sự khiêm tốn, nhưng chúng ta không biết rằng, chúng ta đang ám thị xấu cho con của chúng ta, chúng ta đang gieo và tưới tẩm những hạt giống xấu đó tiếp tục phát triển.
Khi những sự ám thị xấu đó được chúng ta lập đi lập lại nhiều lần, thì nó trở thành thói quen, và đứa con của chúng ta sẽ bị những thói quen đó khống chế, và hành xử trên thói quen đó, thì chúng ta trách móc, giận hờn, tức giận đứa con của chúng ta, vì nó làm cho chúng ta xấu hổ, mất mặt.
Nhưng “thủ phạm” làm cho chúng ta “mất mặt” không phải là đứa con của chúng ta, mà chính là chúng ta đã ám thị nó mỗi ngày.
Định nghĩa của khiêm tốn là nhún nhường, hạ mình xuống, có nghĩa là dậy chúng ta cách để “khống chế” sự tự tôn của chúng ta, chứ không phải để chúng ta đi hạ bệ người khác, và lý luận rằng chúng ta đang thực hành khiêm tốn. Trong khi, hạ mình xuống thì chỉ liên quan đến mình mà thôi.
Thí dụ, nếu người ta khen chúng ta giỏi, thì chúng ta có quyền dùng sự khiêm tốn, để “dằn” sự tự tôn của chúng ta xuống. Chúng ta có thể đáp lại như:
Ai trong chúng ta mà không giỏi, tôi thì chỉ biết hơn một chút về vấn đề đó, vì tôi có hứng thú và thích nghiên cứu về nó, còn bạn thì chưa có nhiều thời gian đầu tư vào đó thôi.
Chứ không phải chúng ta trả lời là: tôi thì chẳng có gì, cái mà anh cho tôi giỏi đó, chỉ là may mắn tôi học được từ thầy của tôi, chứ tôi chẳng có khả năng để làm được như anh nghĩ đâu.
Qua hai câu trả lời trên, chúng ta thấy, câu trả lời một, đáp ứng đúng theo định nghĩa là “hạ mình xuống” nhưng không có nghĩa là không công nhận kết quả.
Còn câu thứ hai, đó không phải là sự khiêm tốn, mà đó là sự tự ty, chúng ta tự ty vì không tin vào khả năng của chúng ta có. Tiếc thay, chúng ta lại hay diễn giải định nghĩa của sự khiêm tốn thành sự tự ty.
Như vậy, ám thị không phải là “trò đùa” mà chúng ta có thể bỏ qua, vì ám thị không có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của chúng ta cả, mà thật ra ám thị có ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc sống của chúng ta. Vì sao?
Vì chúng ta không những bị ám thị bởi người khác, mà chính những nguồn năng lượng tiêu cực “không tên” của chúng ta, cũng luôn sử dụng sự ám thị trên Ngã Thức mỗi khi chúng có mặt.
Có một câu chuyện của người quen của chúng tôi khá lý thú như thế này:
Anh là một kỹ sư khá giỏi trong công ty, cứ mỗi lần trong công ty có thăng chức thì tên của anh luôn có trong danh sách, nhưng cứ mỗi lần phỏng vấn thì anh lại bị trượt. Anh không phục vì anh biết những người được thăng chức không giỏi bằng anh.
Anh nhiều lần tâm sự với chúng tôi, anh rất buồn, nhưng không hiểu tại sao, anh cứ bị trượt mãi. Cho đến một lần, anh mời chúng tôi đến nhà anh dùng bữa tối, vì cũng khá thân, nên vợ của anh cũng không còn giữ ý tứ như với những người khách khác.
Khi anh đi lấy đá bỏ vào ly nước ngọt, vì bất cẩn, anh để những viên đá rơi xuống sàn nhà. Vợ của anh hơi to giọng nói:
Anh thật là vô dụng cả một việc nhỏ như lấy đá, cũng không làm xong, hèn gì công ty anh không cho anh thăng chức cũng phải.
Chúng tôi ngồi yên nghe chị vợ cằn nhằn anh, mới biết được nguyên nhân tại sao anh cứ bị trượt những kỳ thăng chức. Vì anh đã bị vợ anh ám thị.
Để kiểm nghiệm việc đó, chúng tôi mới kéo anh ra ngoài sân để ngồi tâm sự. Chúng tôi hỏi anh về câu: anh “vô dụng” được vợ anh sử dụng bao giờ. Anh cho biết gần như mỗi tuần, chỉ cần anh làm cái gì không vừa ý với vợ của anh, thì anh trở thành người vô dụng.
Sau đó, chúng tôi mới lấy hẹn với vợ của anh để gặp riêng chị. Chúng tôi chia xẻ với chị về ám thị và sức ảnh hưởng của sự ám thị. Chị nghe xong, rất hối hận, và đề nghị chúng tôi hướng dẫn cho chị thay đổi cách ám thị.
Sau hai tháng thực hành cách ám thị mới, may sao, công ty của anh lại có một người cấp cao nghỉ hưu, nên anh lại có trong danh sách được đề cử. Lần này thì anh được thăng chức.
Hai vợ chồng anh mới quyết định tổ chức một bữa ăn để cám ơn chúng tôi. Sau khi ăn uống xong, chúng tôi mới hỏi anh tại sao lần này, anh lại được thăng chức? Anh trả lời:
Anh không biết tại sao, nhưng lần này, so với những lần trước thì anh tự tin hơn. Chính vì sự tự tin này đã giúp anh được thăng chức. Dĩ nhiên, chúng tôi không dừng lại ở đó, mà tiếp tục đặt câu hỏi với anh.
Vậy so với những lần phỏng vấn trước có khác nhau không?
Anh trả lời: Không có khác, chỉ khác là anh không thấy anh vô dụng, nên anh tự tin hơn thế thôi.
Có thể anh không biết sự tự tin của anh từ đâu đến, nhưng chị vợ và chúng tôi biết, sự tự tin của anh từ đâu đến, và đến từ ai.
Hướng mắt về vợ của anh, chúng tôi thấy vợ anh mỉm cười trên khuôn mặt rạng rỡ vui mừng của chị. Chị chấp hai tay trước mặt khẽ cúi đầu khi chạm ánh mắt của chúng tôi, và chúng tôi cũng đáp lễ lại chị những hành động tương tự.
Câu chuyện thứ hai, xẩy ra với một chị làm thợ nail trong tiệm của một người quen của chúng tôi.
Không biết lúc xưa, khi ở Việt Nam chị sống ở đâu, nhưng mỗi khi chị bực tức ai, thì chị hay dùng từ “đao to búa lớn”: “đập chết cha nó đi”, giống như kiểu nói đệm thêm mắm dặm muối, cho câu nói thêm mặn mà, mạnh mẽ.
“Đập chết cha ai” thì chưa biết, nhưng có một ngày, hai cha con chị cãi nhau, trong tay chị đang cầm cái chầy giã tỏi, và chị cầm cái chầy, đập vào đầu ông cha thật.
Ông cha bị một cú đập qúa mạng của chị, lăn quay ra xỉu. Mẹ của chị sợ hãi, nên gọi xe cứu thương đưa chồng vô nhà thương.
Cũng may cho chị, khi bị cảnh sát thẩm vấn thì mẹ của chị đã khai man là cha của chị bị vấp té đập đầu vào cái chầy.
Nếu không thì chắc cuộc đời của chị cũng rất rắc rối với chính quyền.
Cái may thứ hai cho chị là, cha của chị chỉ bị khâu hai ba mũi, nhưng không bị nức xương sọ. Khi rước ông cha về, chị vô cùng ăn năn, hối lỗi, chị vô cùng đau khổ, và không tha thứ cho lỗi của chị, vì dám đánh cha mình, dù ông đã nói tha lỗi cho chị.
Khi chị ngồi kể lại câu chuyện với chúng tôi, chị khóc và nói rằng, không biết chị bị “ma xui qủy khiến” gì mà chị lại có một hành động cực kỳ ngu xuẩn như vậy.
Chị thì không biết nguyên do, nhưng chúng tôi biết, chị đã tự ám thị chị những khi bực tức, và khi nguồn năng lượng không tên trỗi dậy, cộng với sự tức giận, và ám thị của chị, thì tiềm thức của chị đã khích động hành động đập cha của chị, mà không hề có Ý Thức của chị tham gia.
Nếu cần bàn rộng về sức ảnh hưởng của ám thị thì thật vô cùng, và sự ám thị ngày nay đã được sử dụng một cách cực kỳ tinh vi, đến độ ngay cả chính quyền cũng phải e sợ.
Theo thống kê thì chúng ta “bị tiếp nhận” những mẫu quảng cáo hay tiếp thị đến hơn 3,500 lần, mỗi ngày. Trong những mẫu quảng cáo hay tiếp thị, ngoài một số tữ ngữ khích thích sự ham muốn, thì thường, tiếp thị hay quảng cáo sẽ sử dụng những hình ảnh khiến chúng ta “nhập tâm” lúc nào không hay biết.
Thí dụ, khi bạn xem một quảng cáo của Coca-Cola cho thấy những người đang vui vẻ uống cạn ly Coke với đá lạnh, thì những hình ảnh đó, được tiềm thức của bạn diễn dịch thành uống Coke là những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống.
Hay khi bạn xem quảng của Advil, cho bạn biết rằng, thuốc advil sẽ loại bỏ đi nỗi đau, thì tiềm thức của bạn sẽ diễn dịch khi dùng advil sẽ loại bỏ đi nỗi đau để làm những gì bạn yêu thích.
Cho nên, khi bạn muốn có những khoảng khắc hạnh phúc thì bạn sẽ tự động chọn dùng coke với đá lạnh. Hay khi bạn yêu thích điều gì đó, thì điều yêu thích đó sẽ làm bạn đau và bạn sẽ sử dụng Advil.
Trong bài “Một Vốn Bốn Lời” có đoạn nghiên cứu của ODI (Overseas Development Institute) như sau:
“Theo nghiên cứu của Robert Wood Johnson Foundation, 99% quảng cáo từ McDonald’s cho đến Burger King, nhắm đến trẻ em.
Dù các nhà quảng cáo ngày nay, dưới áp lực của xã hội, cũng đã tung ra những quảng cáo “lành mạnh hơn”, nhưng điều quan trọng, không phải là nội dung quảng cáo, mà là những hình ảnh này càng khiến trẻ nhỏ, đặc biệt, những em vốn đã thừa cân, hay béo phì, càng nhớ lâu những cái tên như McDonald’s, Burger King, KFC… và vòi vĩnh cha mẹ dẫn đến những địa điểm này.
Quả thực, theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, 45% trẻ em tiếp xúc với những quảng cáo này, tiêu thụ nhiều thức ăn hơn so với những em không xem.
Thậm chí, 5 năm sau, khi được tiếp xúc với chương trình khuyến mãi của các loại thực phẩm không lành mạnh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trẻ em tiếp tục mua ít trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt hơn, song lại gia tăng lượng tiêu thụ về thức ăn nhanh, thức ăn chiên xào và thức uống ngọt.”
Rõ ràng, những hình thức ám thị trong quảng cáo ngày nay, nhất là qua sự tiếp tay của điện ảnh thì sự ám thị càng một tinh vi hơn, và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mạnh mẽ hơn.
Nếu đem so với cách dùng ngôn ngữ của ngày xưa, thì phương pháp dùng hình ảnh của ngày nay, lợi hại hơn nhiều. Vì sao? Đơn giản, vì ngôn ngữ của tiềm thức là ngôn ngữ của hình ảnh.
Hay nói một cách rõ ràng hơn, là các nhà quảng cáo đang dùng hình ảnh “trực tiếp nói chuyện” với Tiềm thức của chúng ta, và họ đã vượt qua được “rào cản” Ý Thức của chúng ta.
Cho nên, những gì chúng ta tiếp xúc hôm nay sẽ ám thị chúng ta ngay khi chúng ta đang “mở mắt”, mà không cần phải chờ đến khi chúng ta gần rơi vào trạng thái ngủ mới ám thị.
Những khám phá mới của các nhà tâm lý cho rằng, cứ trong một giây thì tiềm thức của chúng ta tiếp nhận khoảng 11 triệu thông tin, trong khi, Ý Thức của chúng ta chỉ có thể nhận dạng và xử lý được có 40 thông tin.
Hay có thể nói, chỉ trong một giây, chúng ta có thể bị ám thị đến cả triệu lần, tùy theo thông tin đó là gì.
Như vậy, làm sao chúng ta có thể “chống chọi” lại các sự ám thị luôn đang vây quanh chúng ta mỗi ngày?
Câu trả lời là rất khó, vì chúng ta không thể lúc nào
cũng dùng đến Ý Thức để nhận dạng và phân loại xem, cái nào là tốt, là đúng, hay cái nào là xấu, là sai.
Như vậy, có nghĩa là chúng ta sẽ bó tay sao? Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không bó tay, vì chúng ta đang sống trong thế giới của tương đối.
Nghĩa là, nếu ám thị của người khác dùng để khống chế, hay thay đổi nhận thức của chúng ta, bằng cách dùng hình ảnh để tác động, thì khi chúng ta có cảm xúc/giác bị khích động, chúng ta sẽ chú ý đến cảm xúc/ giác, và giải quyết cảm xúc/giác đó một cách trực tiếp.
Hay chúng ta cũng có thể sử dụng tự kỷ ám thị, nghĩa là, chúng ta lựa chọn những hình ảnh đẹp, và liên tục ám thị chúng ta về những hình ảnh đó.
Với kinh nghiệm của những người làm chủ được cảm xúc/giác thì sự ám thị không ảnh hưởng nhiều đến họ. Tại sao?
Bởi vì những hình ảnh bị ám thị, muốn được thực hiện bằng hành động, thì phải đi qua vùng cảm xúc/giác. Nếu không có sự khích hoạt của vùng cảm xúc/giác thì sẽ không có hành động theo sau.
Cho nên, khi tiềm thức sắp xếp hay nối kết những hình ảnh trong giấc mơ, sẽ khích hoạt lên những vùng cảm xúc/giác, và vì quen giải quyết những cảm xúc/giác một cách rốt ráo,
nên khi những hình ảnh có khích hoạt thì những thói quen giải quyết vấn đề của Ngã Thức được khích hoạt, và tự động giải quyết, mà không cần đến sự có mặt của Ý Thức.
Ngược lại, với những người chưa có kinh nghiệm làm chủ cảm xúc/giác, thì họ không thiết lập được hệ thống tự động giải quyết vấn đề rốt ráo.
Cho nên, họ chỉ còn lại một cách duy nhất, đó là, sử dụng sự tự kỷ ám thị, hay tự mình ám thị mình, bằng những hình ảnh mà mình lựa chọn.
Phần đông chúng ta, khi dùng phương pháp tự kỷ ám thị, thường không biết dùng hình ảnh để ám thị, mà hay dùng ngôn ngữ để ám thị. Cho nên, thường chúng ta không đủ kiên nhẫn để chờ đợi kết quả, mà hay bỏ cuộc nửa chừng.
Dĩ nhiên, dùng ngôn ngữ để ám thị cũng có hiệu quả, nhưng thời gian sẽ lâu hơn và còn tùy thuộc vào cách dùng ngôn ngữ của chúng ta.
Thí dụ: Nếu chúng ta muốn ám thị chúng ta có hạnh phúc, mà chúng ta không kèm theo một hình ảnh, để diễn tả hạnh phúc là gì, thì Tiềm Thức của chúng ta sẽ không thể hiểu và thi hành được.
Việc này, cũng giống như chúng ta không biết tiếng Mỹ, nhưng muốn bán một ổ bánh mì cho người Mỹ. Nếu chúng ta cứ chào: “mua bánh mì đi”, thì người khách Mỹ sẽ không hiểu chúng ta nói gì, và người khách đó, cũng chẳng biết họ sẽ làm gì, vì họ không hiểu chúng ta nói gì.
Nhưng nếu chúng ta nói bánh mì, và đưa ra hình ảnh bánh mì, thì người khách Mỹ kia sẽ hiểu ngay ra là, chúng ta đang muốn họ mua bánh mì.
Cho nên, khi chúng ta muốn tự ám thị mình cho có hiệu quả, thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là, chọn lựa những hình ảnh, nhất là những hình ảnh liên quan đến cảm xúc/giác, rồi dựa vào hình ảnh đó, mới thêm vào phần diễn dịch, thì Tiềm Thức của chúng ta mới biết là chúng ta muốn gì.
Thí dụ, chúng ta cầm một tấm hình chụp của chúng ta đang vui vẻ với con của chúng ta, rồi chúng ta nhìn vào hình ảnh đó, và diễn dịch thêm vào những gì chúng ta muốn.
Chẳng hạn như, tôi muốn cảm giác hạnh phúc và vui vẻ như khi đang ôm con của tôi, và tôi cũng muốn có sự hạnh phúc và vui vẻ này khi tiếp xúc với mọi người.
Việc thêm vào sau khi có hình ảnh và diễn dịch “dùm” cho Tiềm Thức thì Tiềm Thức lúc đó sẽ dựa vào sự diễn dịch đó để khích hoạt hay thi hành.
Nếu mỗi một ngày, trước khi đi ngủ chúng ta đem những hình ảnh mà chúng ta đã lựa chọn diễn tả về cảm xúc/giác, và để chung vào một cuốn album, rồi lật xem từng hình, và diễn dịch thêm vào sau những hình ảnh cảm xúc/giác này, thì chúng ta có thể thay thế được những sự diễn dịch của tiềm thức dưới dạng vô Ý Thức thành có Ý Thức.
Dĩ nhiên, bất cứ sự thực hành nào cũng có những khó khăn của nó lúc ban đầu, nhưng nếu chúng ta chỉ cần kiên trì thực tập liên tục trong vòng 30 đến 60 ngày, thì chúng ta sẽ biến thành thói quen và lúc đó tiềm thức của chúng ta sẽ đưa đến những hành động theo sự diễn dịch có Ý Thức chủ đạo.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì chúng ta đừng nên đi lên trên internet để kiếm những hình ảnh diễn tả về cảm xúc/giác của chúng ta, mà chúng ta nên dùng những hình ảnh của những người thân, như vậy, sẽ khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn, và cảm xúc/giác mạnh hơn.
Điểm lợi khi dùng hình ảnh của những người thân so với những người xa lạ là, chúng ta đang tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc/giác với những người thân của chúng ta, và phát triển những cảm xúc/giác đó.
Nếu như, khi chúng ta có những xung đột với người thân thì những cảm xúc/giác của người thân cũng được khơi dậy, có thể giúp cho Ngã Thức của chúng ta không bị những nguồn năng lượng không tên khống chế.
Dĩ nhiên, nếu chúng ta không có những hình ảnh của người thân thì việc dùng hình ảnh của người xa lạ cũng tốt. Chỉ khác là, những vùng cảm xúc/giác sẽ không thể lớn mạnh, nên đôi khi, chúng ta có xung đột với người thân, thì chúng ta không có hình ảnh của người thân trong đó, nên không thể khơi nguồn được sự yêu thương hay vui vẻ hạnh phúc.
Thí dụ, một người mẹ nhìn hình một em bé của ai đó đang cười, và hình ảnh đứa con của mình cười, thì cảm xúc/giác của người mẹ như thế nào, chắc chúng ta không cần phải giải thích có phải không?
Hay như trường hợp, gặp một cô gái vui vẻ, và hình ảnh người yêu đang vui vẻ, chắc chắc cảm xúc/giác sẽ hoàn toàn khác nhau.
Cho nên, khi ứng dụng phương pháp ám thị, bạn cần phải thông minh, tùy nghi mà ứng dụng. Bởi vì, khi đã thành một phương pháp thì luôn có những giới hạn.
Nguyên do của sự giới hạn, là vì, mỗi người chúng ta có sự diễn dịch định nghĩa khác nhau, và niềm tin khác nhau. Cho nên, không có phương pháp nào hoàn hảo cả.
Nếu có chăng, thì sự hoàn hảo chỉ có thể xuất hiện duy nhất trong bạn, khi bạn đã thỏa mãn được những gì đúng như bạn muốn.
Bạn muốn tự bạn ám thị theo Ý thức của bạn, hay bạn muốn bị ám thị của người khác khống chế qua sự diễn dịch của tiềm thức theo vô Ý Thức, thì bạn có toàn quyền lựa chọn.
Bạn chọn như thế nào thì cuộc đời của bạn sẽ như thế đấy, và bạn chỉ cần nhớ, bạn phải gánh chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của bạn, là được.