Bạn thân mến,
Bốn chữ “góc nhìn” và “cảm nhận” thì chúng ta thường thấy nhan nhãn mỗi ngày trên các trang sách, báo, hay tin tức, nhưng góc nhìn là gì, và cảm nhận là gì, chính là chủ đề mà chúng tôi muốn chia xẻ với bạn hôm nay.
Thế nào là “Góc Nhìn”?
Khi bạn cầm một ly café Starbucks đi trên phố. Một người đi từ phía ngược lại, ánh mắt bỗng toát lên sự đố kỵ, ganh ghét. Khi hình ảnh của bạn tiếp xúc với ánh mắt đố kỵ, ganh ghét đó, ý thức của người đó sẽ diễn dịch như sau:
Ồ! Con người hôm nay sao mà sống ảo quá, cứ tưởng là cầm một ly café Starbucks thì cho là mình sang lắm. Không biết có biết thưởng thức café hay không, hay chỉ làm mầu, muốn cho thiên hạ biết mình đang uống café Starbucks, chứ có biết café là cái quái gì.
Sau đó, bạn tiếp tục đi về phía trước, gặp được một người bạn thương gia mà bạn đã hẹn. Anh ta trông thấy bạn cầm ly café Starbucks, tỏ vẻ rất khinh thường, nhưng cũng không nói gì.
Nhưng trong Ý thức của thương gia đó sẽ diễn dịch như sau:
Ồ! Người này kể ra cũng tiết kiệm lắm, thời thế bây giờ, mà vẫn còn uống café Starbucks ư! Người ta sớm đã đổi sang uống café cao cấp từ lâu lắm rồi, vậy mà vẫn còn uống loại café đại chúng này, thì ra địa vị cũng không quyết định được “cái gu” ẩm thực.
Cùng cầm một ly café Starbucks, nhưng qua hai đối tượng khác nhau, và qua hai ánh mắt khác nhau, mà ý thức của mỗi người lại có thể diễn dịch ra những góc độ nhìn khác nhau, dựa trên những quan điểm về kinh nghiệm, hay hoàn cảnh của đối tượng, đang hướng về góc nào.
Hướng về một góc nào đó, theo ngôn ngữ phổ thông thì chúng ta gọi đó là góc nhìn.
Đối với người thứ nhất, anh ta đố kỵ. Vì anh ta cho rằng người bình thường uống café Starbucks trông rất giả tạo, là mầu, khoe khoang.
Đối với người thứ hai, anh ta khinh thường. Vì anh ta cảm thấy những người có quyền lực, mà vẫn uống café Starbucks thì thật là tầm thường.
Vậy còn góc độ nhìn thật sự của tôi là gì? Rất đơn giản, vì “tôi thích uống thì tôi uống”.
Cái chữ “thích” của tôi, đối với người thứ nhất, được diễn dịch thành giả tạo, nhưng đối với người thứ hai, thì lại được diễn dịch thành tầm thường.
Vì vậy, chúng ta đừng nên tùy tiện dùng góc nhìn của mình để phán đoán cuộc sống của người khác, đặc biệt là với cái nhìn đầu tiên. Vì sao?
Vì nếu góc nhìn của bạn:
- Xa quá thì thành “xem thường”,
- Gần quá thì thành “phóng đại”, và
- Hẹp quá thì sẽ thành “hẹp hòi”.
Đáng tiếc là, người có tầm nhìn hạn hẹp, thì rất khó thoát ra khỏi góc nhìn giới hạn của mình, họ sẽ không đứng từ lập trường hay góc nhìn của người khác để nhìn nhận vấn đề, đặc biệt là, họ không có một nhận định rõ ràng về đúng – sai, và hay phát ngôn bừa bãi.
Vậy còn “Cảm Nhận” thì thế nào?
Cảm nhận là sự diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc, nhận xét , đánh giá của cá nhân, về cái hay, cái đẹp của một sự việc, vật, hay một ai đó.
Thí dụ như: Một số người hay thích nói kiểu: Con người của tôi hơi “thẳng tính”, có gì nói nấy, mọi người đừng để bụng.
Khi nói ra câu này, không phải người đó đang nói về tính tình thật của người đó, mà người đó, đang nói về sự “vô trách nhiệm” của người đó, rằng, “tôi nói thật, mà bạn không thích nghe, đó là lỗi của bạn, vì lòng dạ của bạn hẹp hòi”.
Thật ra, nếu bạn là người có sự quan tâm, để ý tới cảm xúc của người khác, bạn sẽ biết cách “lựa lời mà nói”, chứ bạn không thể vin vào cái cớ là bạn thẳng tính, và bắt người khác, khi nghe bạn nói, phải chấp nhận những “vết thương” do bạn gây ra, mà bạn lại không muốn gánh chịu.
Hay khi con cái của bạn học hành kém, bạn sẽ nói: “Mẹ nói thật, sao con vô dụng thế hả con, hết thuốc chữa rồi con ạ!”
Bạn sẽ nói như vậy ư?
Xin Đừng! mà bạn nên nói:
“Lần này, làm bài không tốt cũng không sao, lần sau con hãy cố gắng, xem lại lần trước mình sai ở đâu rồi sửa, chỉ cần tiến bộ, kết quả sẽ khả quan hơn.”
Vì sao bạn lại nói như vậy?
Bởi vì, bạn nhìn trên góc độ con của bạn, bạn đang để ý tới cảm xúc của con bạn, và bạn đồng cảm với con của bạn.
Bạn bè lâu ngày không gặp, cũng chẳng phải bạn bè thân thiết gì, câu đầu tiên bạn thốt ra khi gặp lại họ là: “Ôi trời ơi! Lâu ngày không gặp, sao bây giờ trông mày phát tướng ra, xấu thế!”
Ranh giới giữa đùa vui và nghiêm túc trong câu nói này, quả thực rất mong manh, trong khi, họ thậm chí còn không phải là bạn thân của bạn, dù có là bạn thân, thì bạn cũng nên lựa chọn những từ ngữ tế nhị hơn.
Bạn cho rằng, đó là thẳng thắn, là nói ra để họ biết mình đang trong trạng thái nào, có gì, nếu muốn thay đổi thì còn kịp. Trong khi, chính bạn còn không buồn để ý đến người đối diện, xem họ cảm nhận ra sao, khi nghe câu nói đó của bạn, trước mặt bàng quan thiên hạ.
Bạn cho rằng đó là chân thành, là thẳng thắn góp ý?
Không, đó chính là tầm nhìn hạn hẹp đó bạn ạ!
“Tính… thẳng thì ai ai cũng biết rồi đó”, khi nói ra những câu như thế này, là bạn đang tự tay vứt bỏ đi hai chữ “Tôn Nghiêm”, và tự tay nói “Không” với cảm nhận của người khác.
Giáo sư Tâm lý học tại Trường Đại học London, Tomas Chamorro-Premuzic và Nhà tâm lý học Michael J. Sandel, trong một bài báo trên tạp chí “Harvard Business Review” đã chia xẻ 5 bước chính để phát triển cảm xúc của một người như sau:
Bước 1: Nhìn Nhận Rõ Bản Thân
Thực sự hiểu rõ bản thân là có thể nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết điểm mạnh và điểm yếu này so với người khác như thế nào.
Bước 2: Quan Tâm
Từ quan tâm bản thân của mình đến quan tâm người khác, bắt đầu bằng việc đánh giá cao, và công nhận điểm mạnh, điểm yếu và giá trị của các thành viên khác trong nhóm.
Bước 3. Hỗ Tương Hợp Tác
Trở thành một tương tác qua lại có lợi. Tích cực chia xẻ những kinh nghiệm và kiến thức với nhau, điều này sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho bạn.
Bước 4. Kiểm soát cảm xúc của bản thân
Nếu bạn quá nhạy cảm, dễ xúc động và hay nóng giận, thì bạn hãy suy ngẫm về điều gì khiến bạn tức giận hoặc thất vọng, đồng thời quan sát xu hướng tiêu cực của bản thân khi gặp thất bại.
Không phải chỉ cần biết bạn sẽ có những cảm xúc gì trong các tình huống thực tế, mà quan trọng hơn là phải biết rõ điều gì đã gây ra những cảm xúc đó.
Bước 5. Khiêm tốn
Những người có kỹ năng lãnh đạo thường không quan tâm nhiều đến chức danh của mình vì họ luôn luôn khiêm tốn.
Khả năng duy trì sự cân bằng giữa tự tin và khiêm tốn, không thiên vị, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình là những năng lực rất đáng quý.
Như vậy, qua góc nhìn khác nhau đưa đến những cảm xúc/ giác khác nhau.
Với những góc độ nhìn” hạn hẹp” sẽ đưa chúng ta đến những cảm xúc/ giác cực đoan tiêu cực, và sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trầm luân trong đau khổ.
Với những góc độ nhìn “phóng đại” sẽ đưa chúng ta đến sự sống ảo, không thật, xa rời sự thật. Những cảm xúc/giác trồi sụt bất thường bay bổng, sẽ khiến cho cuộc đời của chúng ta luôn chất chứa đầy những phong ba bão táp, ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh.
Với những góc độ “nhìn xa qúa thành xem thường”, thì chỉ nâng cao thêm những cảm xúc/giác của sự tự kiêu, tự mãn, những nguồn cảm xúc mãnh liệt, sẽ giam hãm tâm tư của chúng ta trong sự kiêu ngạo khôn lường, để rồi, giống như, khi cơn sóng cao qua đi, và rơi xuống, thì sự chìm sâu trong đáy biển tối đen, không biết bao giờ mới có thể trồi lên trên được.
Cho nên, trước khi bạn muốn diễn đạt hay trình bày góc độ nhìn của bạn với bất cứ một ai, hay ngay cả với chính bạn, thì bạn nên để ý đến cảm xúc, hay cảm giác, hay cảm nhận của đối tượng, hay chính bạn, trước khi bạn trình bày hay diễn đạt ý của bạn.
Nếu sự diễn đạt về góc độ nhìn có thể đem đến cảm giác về hạnh phúc và an lạc cho người, và cho mình, thì bạn nên làm, còn nếu như, đem đến cảm giác khổ đau hay phiền muộn cho người, thì bạn nên thay đổi lại góc độ nhìn.
Bạn đừng qúa quan tâm đến góc độ nhìn ra sao, mà bạn nên quan tâm nhiều đến cảm nhận ra sao, vì chúng ta sống với sự cảm nhận nhiều hơn góc độ nhìn. Bạn nhé!