album-art

00:00

TẢI MP3 – MỸ LINH

Chiều nay, Nhật Minh bận đi họp, nên chỉ có Diệu Hiền đến thăm ông chú.

Không như Nhật Minh, thường hay đợi ông chú mời, chàng mới ngồi xuống. Ngược lại, Diệu Hiền thì khác. Khi vừa bước chân đến chỗ ông chú ngồi, Diệu Hiền đã xà xuống, ngồi bên cạnh, nắm tay ông chú.

Đối với Diệu Hiền, tuy chỉ mới gặp ông chú có một lần, nhưng trong lòng Diệu Hiền, ông chú luôn tạo cho Diệu Hiền cảm giác như một người cha mà Diệu Hiền luôn tôn kính.

Ông chú khẽ quay đầu sang hướng Diệu Hiền, mỉm cười, rồi nói:

Chiều nay, bạn trẻ lại có thắc mắc gì nữa sao?

Diệu Hiền nghe ông chú hỏi, cười to vui vẻ, rồi nói:

Dạ, thưa chú, chú như đi guốc trong bụng cháu. Đúng vậy, thưa chú, cháu lại có thắc mắc ạ. Nhưng lần này thì cháu không thắc mắc về kinh điển của Phật giáo, mà là thắc mắc về nghành Tâm Lý của cháu.

Thưa chú, theo kinh nghiệm của cháu, trong mỗi con người của chúng ta, ai cũng đều có hai cái cân:

  • Đúng-Sai
  • Khổ Đau-An Lạc

Cân Đúng-Sai thuộc về Ý Thức, giúp cho chúng ta có thể phân tích được: cái nào đúng, cái nào sai, cái nào hay, cái nào dở, cái nào thiện, cái nào ác v.v.

Còn Cân Khổ Đau-An Lạc lại thuộc về Ngã Thức, liên quan trực tiếp đến cảm xúc hay cảm giác, giúp cho chúng ta biết được những trạng thái của cảm xúc/giác như: buồn, vui, chán nản, hăng hái, v.v.

Theo quan sát của cháu, thông thường, chúng ta thường hay có thói quen sử dụng cái cân Đúng-Sai trong cuộc sống hơn là sử dụng cái cân Khổ Đau-An Lạc; thế nên, chúng ta đã tạo ra biết bao, tranh chấp, cãi vã, khổ đau, và phiền muộn, trong cuộc đời.

Thưa chú, như vậy, nếu có một người muốn sống có nhiều an vui, hạnh phúc hơn, thì người đó sẽ phải sử dụng cân Đúng-Sai, hay Khổ Đau-An Lạc như thế nào mới đúng cách?

Này người bạn trẻ, nếu chúng ta muốn biết được một việc đó đúng hay sai, chúng ta phải dựa trên một hay nhiều tiêu chuẩn. Nếu những chuẩn này, không cần chỉnh, thì chúng ta gọi là Đúng. Và khi, một hay nhiều tiêu chuẩn cần phải chỉnh thì đó không còn là chuẩn nữa, và chúng ta gọi là Sai.

Một tiêu chuẩn Sai, nghĩa là, tiêu chuẩn đó, dựa trên những định nghĩa được diễn giải theo sự “uốn nắn” cho thích hợp với Ngã Thức mà không dựa trên sự thật.

Cho nên, khi muốn biết được về một việc gì đó, hay một người nào đó đúng hay sai thì chúng ta cần phải biết quan sát sự vận hành của các Thức ra sao. Và khi chúng ta có thể hiểu rõ được sự vận hành đó ra sao thì chúng ta mới có thể tiếp xúc được với sự thật.

Khi chúng ta đã nhận thức được đúng sự thật thì đó mới chính là những tiêu chuẩn không cần chỉnh, hay Đúng. Còn nếu chuẩn nào cần chỉnh, là Sai, thì chúng ta biết, chúng ta chưa tiếp cận hay biết đúng sự thật.

Như bạn đã trình bầy, có thể nói, có rất ít người trong chúng ta biết được rằng, chúng ta thật sự có hai cái cân: Đúng-Sai và Khổ Đau-An Lạc. Tôi cũng rất đồng ý với bạn, cân Đúng-Sai thuộc về Ý Thức, và cân Khổ Đau-An Lạc thuộc về Cảm Xúc/Giác.

Này bạn trẻ, trước khi chúng ta quan sát về sự ứng dụng của hai cái cân, chúng ta cũng nên quan sát một chút về định nghĩa của bốn chữ: Cảm Xúc và Cảm Giác khác nhau như thế nào.

Theo tự điển Hán Việt, Cảm Xúc là do sự tiếp xúc hay va chạm (Xúc) với vật thể bên ngoài, mà phát sinh ra một nguồn năng lượng (Cảm). Còn Cảm Giác là qua sự khích hoạt của một nguồn năng lượng (Cảm) mà nhận ra nguồn năng lượng đó là gì (Giác = nhận ra, biết ra).

Bây giờ, chúng ta dựa vào định nghĩa của Cảm Xúc và Cảm Giác, cộng thêm sự quan sát và nhìn sâu vào sự vận hành của các Thức, để kiểm chứng xem định nghĩa đó có chuẩn không cần chỉnh, hay chuẩn mà cần phải chỉnh nhé.

Để cho dễ hiểu hơn, chúng ta hãy dùng thí dụ, khi mắt của chúng ta tiếp xúc với những đóa hoa trong bồn hoa, để minh họa.

Trên căn bản, khi mắt chúng ta tiếp xúc với những đóa hoa, trong bồn hoa, có hai trường hợp sẽ xẩy ra:

    • Ngã Thức của chúng ta không muốn biết những hoa đó là hoa gì, hay lúc đó, Ý thức của chúng ta đang bận rộn phân tích một vấn đề gì đó thì tuy mắt của chúng ta có tiếp xúc với những đóa hoa, nhưng Nhãn Thức của chúng ta vẫn không hoạt động. Thế nên, chúng ta cũng không nhận biết được, những loại hoa đó là loại hoa gì; hay có nhiều khi, chúng ta không biết những đóa hoa đó có mặt, nếu như lúc đó, Ý Thức đang hoạt động cho những vấn đề khác không liên quan đến những đóa hoa.

 

  • Nếu như Ngã Thức của chúng ta muốn biết những hoa đó là hoa gì thì Ngã Thức của chúng ta sẽ khích hoạt Nhãn Thức của chúng ta. Khi Nhãn Thức được khích hoạt thì Nhãn Thức sẽ hoạt động bằng cách nhận dạng các loại hoa đó là hoa gì. Dĩ nhiên, Nhãn Thức chỉ có thể hoạt động khi Ý Thức vắng mặt. Và nếu Ngã Thức của chúng ta muốn dừng lại ở đó thì Nhãn Thức của chúng ta sẽ dừng hoạt động, và gởi những dữ liệu đó về kho Tiềm thức để lưu giữ.

Tương tự như thế, nếu Ngã Thức của chúng ta lại muốn biết các mùi hương của những đóa hoa đó như thế nào thì Ngã Thức của chúng ta sẽ ra lệnh cho Tỷ Thức của chúng ta hoạt động. Tỷ Thức của chúng ta sẽ giúp cho Ngã Thức của chúng ta phân biệt được mùi hương của mỗi đóa hoa khác nhau ra sao, qua việc dùng mũi để ngửi.

Cũng như Nhãn Thức, Tỷ Thức của chúng ta sẽ không hoạt động, nếu như lúc đó, Ý Thức của chúng ta đang hoạt động để giải quyết cho những vấn đề khác không liên quan đến những đóa hoa. Dĩ nhiên, nếu như Ý Thức vắng mặt, và Ngã Thức của chúng ta muốn dừng lại thì Tỷ Thức của chúng ta, sẽ gởi những dữ liệu đó về kho Tiềm Thức để lưu giữ.

Hay, Ngã Thức của chúng ta lại muốn nếm thử vị của những đóa hoa đó ra sao thì Thiệt Thức của chúng ta sẽ hoạt động, và giúp Ngã Thức của chúng ta biết được, mùi vị của mỗi loại hoa đó. Và khi Ngã Thức của chúng ta muốn dừng lại thì Thiệt Thức của chúng ta cũng sẽ gởi những dữ liệu đó về kho Tiềm Thức để lưu giữ.

Trong trường hợp, Ngã Thức của chúng ta lại muốn hiểu biết sâu sắc hơn về mỗi loại hoa thì Ngã Thức của chúng ta sẽ ra lệnh cho Ý thức hoạt động.

Ý Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức sẽ khích hoạt các Thức hoạt động để thu thập các dữ liệu từ các Thức như: dữ liệu từ phân loại hoa (Nhãn Thức), mùi hương (Tỷ Thức), và vị (Thiệt Thức), hay sờ mó (Thân Thức), kết hợp cùng kho dữ liệu của Tiềm Thức để nhận dạng, phân định, so sánh, những đóa hoa đó với nhau, hay với những đóa hoa khác mà Ngã Thức đã biết trước đó, một cách sâu sắc, tỉ mỉ, và chính xác hơn.

Nếu đem so Ý Thức và các thức khác như: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức thì năm thức này chỉ có khả năng nhận biết những gì liên quan đến các cơ quan phụ thuộc vào thức đó, mà không thể biết được những phần khác không liên quan đến giác quan đó.

Chẳng hạn như, Nhãn Thức, chỉ có thể nhận ra những vật, hay người nào đó khi tiếp xúc qua mắt, nhưng lại không thể biết được, người đó, hay vật đó, thơm hay hôi. Muốn biết được thơm hay hôi thì Ngã Thức của chúng ta phải sử dụng đến phần mũi, để ngửi, và dùng Tỷ Thức để phân biệt được người đó, hay vật đó, thơm hay hôi.

Ngược lại, Ý Thức có thể kết hợp các dữ liệu của các thức lại với nhau, rồi dùng chức năng phân tích, tổng hợp, so sánh, v.v để có thể nhận ra, và hiểu được, vật, hay người đó, một cách chi ly, tỉ mỉ, và chính xác hơn các Thức hoạt động lệ thuộc như: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân Thức, v.v.

Ngoài ra, Ý Thức, đôi khi, không cần sử dụng đến ngũ quan và ngũ Thức để lấy thông tin và dữ liệu, mà Ý Thức còn có thể sử dụng những thông tin hay dữ liệu đã được lưu giữ trong Tiềm Thức để giải quyết những vấn đề “nội bộ” từ Tiềm Thức, hay Ngã Thức đã nẩy sinh.  Khả năng đặc biệt này của Ý Thức thì không có trong ngũ Thức.

Trở lại thí dụ về những đóa hoa, qua sự quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy, Ý Thức của chúng ta khi càng có nhiều thông tin, dữ liệu từ năm Thức và Tiềm Thức bao nhiêu thì độ phân tích, so sánh, tổng hợp, càng sâu và càng chi tiết hơn bấy nhiêu.

Nếu chẳng may, có một người bị khiếm thị thì Nhãn Thức của người đó không thể cung cấp những dữ liệu về những đóa hoa đó, nên sự phân tích của Ý Thức sẽ kém phần sâu sắc và chính xác.

Lúc đó, nếu Ngã Thức của người khiếm thị muốn biết nhiều hơn về những đóa hoa, thì Ngã Thức của người đó sẽ sử dụng Thân Thức để dùng tay sờ mó, hay gia tăng sự nhậy cảm của Tỷ Thức, hay Thiệt Thức để bổ khuyết cho phần thiếu dữ liệu của Nhãn Thức.

Nếu như, người khiếm khuyết về mắt bị mù từ nhỏ, và Ngã Thức của người đó chưa có các dữ liệu, thông tin về các loại hoa, nhưng Ngã Thức của người đó lại quá khao khát muốn biết kết quả, thì Ý thức của người đó sẽ dùng thêm sự phỏng đoán hay tưởng tượng để đưa ra kết quả.

Vì sự phỏng đoán hay tưởng tượng này không dựa trên những dữ liệu, hay thông tin chính xác, nên Kết Quả từ Ý Thức đưa ra có thể trở thành Hậu Quả, hay ngược lại.

Dĩ nhiên, không phải chỉ có người khiếm khuyết các giác quan thì Ý Thức của người đó mới sử dụng đến phỏng đoán hay tưởng tượng. Mà ngay cả chúng ta, tuy vẫn đầy đủ các giác quan, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng sử dụng sự phỏng đoán hay tưởng tượng này khá nhiều.

Sự phỏng đoán hay tưởng tượng này, khi được gởi về kho Tiềm Thức, và qua sự sắp xếp và liên kết của Tiềm Thức sẽ lưu giữ trong kho dữ liệu của Ngã Thức, và từ đó, tác động vào năng lượng niềm tin.

Khi niềm tin được tác động, lưu giữ, và lập đi lập lại nhiều lần biến thành thói quen thì những tư duy, hay suy nghĩ sau này của Ngã Thức sẽ dựa vào niềm tin đó để giải quyết các vấn đề liên quan đến Ngã Thức.

Như vậy, qua sự quan sát về định nghĩa của Xúc, chúng ta có thể hiểu được, sự vận hành của Tám Thức như thế nào qua sự tiếp xúc với hoa.

Vậy, còn định nghĩa của Cảm sẽ vận hành ra sao?

Sau khi Ý Thức phân tích, so sánh, tổng hợp xong thì sẽ gởi những dữ liệu vào kho Tiềm Thức để lưu giữ. Tiềm thức sau khi nhận được những dữ liệu thì bắt đầu sắp xếp và nối kết các dữ liệu và thông tin.

Trong qúa trình kết nối những dữ liệu, nếu trong kho Ngã Thức có những dữ liệu chọn sẵn như: thích hoa này, ghét hoa kia, hay ưa mùi hương này, ghét mùi hương kia thì khi Tiềm thức sắp xếp vào kho Ngã Thức những dữ liệu này sẽ khích hoạt nguồn năng lượng yêu hay ghét trên Ngã Thức.

Nếu Ngã Thức của chúng ta, lúc đó, nghiêng về Yêu loại hoa này thì Ngã Thức của chúng ta sẽ ra lệnh cho Thân Thể Thức của chúng ta, qua việc sử dụng tay, hái đóa hoa đó để ngửi hay để cầm, và nguồn năng lượng Yêu (Cảm) có thể chỉ hoạt động một mình hay kết hợp với một, hay các nguồn năng lượng khác của Thiện, rồi khích hoạt thêm những cảm giác khác như: vui vẻ, thích thú,v.v. theo sau.

Nếu như Ngã Thức của chúng ta, nghiêng về nguồn năng lượng Ghét thì Ngã Thức sẽ ra lệnh cho Thân Thể Thức của chúng ta di chuyển tránh xa vùng hoa mà Ngã Thức không ưa, hoặc kết hợp thêm với những nguồn năng lượng khác của Ác, và khích hoạt các cảm giác khác như: chán nản, ruồng bỏ, chối bỏ, v.v, theo sau.

Như vậy, qua sự quan sát và nhìn sâu này, chúng ta thấy, nếu chúng ta bắt đầu sự tiếp xúc với hoa bằng mắt, hay tiếp xúc với hoa bằng mũi, v.v, rồi sau đó, qua sự khích hoạt từ sự sắp xếp của Tiềm Thức, và sự kết hợp với sự chọn lựa của Ngã Thức, mới phát sinh ra nguồn năng lượng (Cảm) là yêu hay ghét.

Chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu trong qúa trình sắp xếp của Tiềm Thức mà trong đó Ngã Thức lại không có những dữ liệu đã chọn lựa, như: yêu hay ghét, thì sao? Thì lúc đó, Ngã Thức của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái, gọi là Vô Cảm. Có nghĩa là, không có sự khích hoạt nguồn năng lượng (Cảm) nào cả.

Nhưng chẳng may, nếu như trong qúa khứ, Ngã Thức của chúng ta đã từng kết hợp sự Ghét với sự giận dữ, thù hận, ganh tỵ v.v., liên quan đến một người nào đó, hay đóa hoa nào đó, và sự kết hợp các nguồn năng lượng “không tên” này đã biến thành một thói quen, thì khi đó, nguồn năng lượng kết hợp “không tên” này sẽ bùng dậy, khống chế Ngã Thức, và điều khiển Thân Thể Thức đi tàn phá, hay hủy diệt cả một bồn hoa, mà không hề có sự tham gia của Ý Thức.

Như vậy, qua sự quan sát và nhìn sâu vào quá trình hoạt động của Chín Thức, chúng ta có thể thấy rằng, cho dù, chúng ta tiếp xúc với một vật, hay một người, từ năm Thức, hay sự tiếp xúc “nội bộ” giữa Ý Thức, Ngã Thức và Tiềm Thức, thì Xúc có thể có Cảm, và có thể không có Cảm.

Có Cảm hay không, thì lệ thuộc vào kho của Ngã Thức có chứa hay chọn lựa trước hay không? Nếu có sự lựa chọn thì có Cảm, có sự khích động năng lượng, và khi không có sự lựa chọn thì không có Cảm, không có nguồn năng lượng khích hoạt, cho dù đã có sự tiếp xúc trước đó.

Đó là sự vận hành của Xúc qua các Thức, vậy, còn sự vận hành của Giác thì thế nào?

Để phân tích được sự khác biệt giữa Xúc và Giác, chúng ta phải dựa vào sự khác biệt giữa kho dữ liệu của Ngã Thức có những dữ liệu hay chọn lựa như thế nào.

Nếu sự tiếp xúc, kết hợp với dữ liệu mới, và sự chọn lựa của Ngã Thức chỉ là nguồn năng lượng đã được Ý Thức phân tích, phân loại, tính toán lợi hại, v.v, trước đó, thì nguồn năng lượng được khích hoạt đó, gọi là: Cảm Xúc Giác (qua sự tiếp xúc (Xúc), khơi nguồn năng lượng (Cảm), và nhận diện được nguồn năng lượng đó (Giác)). Hay gọi tắt là Cảm Giác.

Đó cũng chính là lý do, tại sao cường độ của Cảm Giác như các nhà Tâm Lý học vẫn khẳng định là không mãnh liệt khi so với Cảm Xúc. Bởi vì, những nguồn năng lượng (Cảm) này đã được phân loại và tính toán lợi hại qua Ý Thức. Cho nên, Cảm Giác thường nằm trong tầm kiểm soát của Ngã Thức của chúng ta, vì vậy, ít khi bùng nổ một cách mãnh liệt.

Ngược lại, khi sự tiếp xúc, kết hợp với dữ liệu và sự chọn lựa của Ngã Thức đã bị tác động bởi một nguồn năng lượng kết hợp “không tên”, và nguồn năng lượng đó đã được lập đi lập lại nhiều lần, trở thành một thói quen, thì khi tiếp xúc với vật nào đó, hay người nào đó, nguồn năng lượng “không tên”, vì không đi qua Ý Thức (phân tích lợi hại); lại tác động trực tiếp lên trên Ngã Thức, nên sự tiếp xúc với nguồn năng lượng “không tên” đó trở nên mãnh liệt hơn, và sự tác động của nguồn năng lượng “không tên” với sự tiếp xúc đó, gọi là: Cảm Xúc (không có Giác để nhận ra nguồn năng lượng đó là gì).

Cảm xúc này, gọi là cảm xúc nội tại, nghĩa là, nguồn cảm xúc bên trong của Ngã Thức do kết hợp nhiều nguồn năng lượng lại với nhau; khác với cảm xúc ngoại tại là nguồn năng lượng tiếp xúc với các đối tượng qua năm giác quan .

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy, nguồn năng lượng của Cảm Giác chỉ là nguồn năng lượng đơn lẻ, nên khi tác động, thường không mạnh mẽ. Quan trọng hơn, vì nguồn năng lượng đó, đã được Ý Thức, phân dạng, cũng như phân tích lợi hại. Nên lúc đó, Ngã Thức, có thể vì lợi ích của mình, để chọn lựa cách ứng xử, hay kiềm chế.

Trong khi, với Cảm Xúc nội tại, Ngã Thức hoàn toàn bị “tê liệt”. Vì sao? vì nguồn năng lượng khích hoạt đã trở thành một thói quen, nên khi bị khích hoạt thì sự khích hoạt đó đã bắt đầu từ Tiềm Thức, chứ không phải tại Ngã Thức như Cảm Giác, nên Ngã Thức, hầu như không còn có nhiều cơ hội, để sử dụng đến khả năng phân tích lợi hại của Ý Thức để ứng phó.

Chính vì vậy, khi có Cảm Xúc nội tại nẩy sinh, thường chúng ta hay gọi là hành động theo cảm tính, hay quán tính là vậy.

Và thông thường, khi Cảm Xúc nội tại của chúng ta “trào dâng”, hay cường độ của Cảm Xúc nội tại dâng cao. Chúng ta thường có những hành động lệch lạc, thiếu kiểm soát (vì không có Ý Thức tham gia), tạo ra những lỗi lầm, khổ đau, và thường tạo ra Hậu Quả nhiều hơn là Kết Quả.

Giời ạ, Nghe chú chia xẻ về sự vận hành của Chín Thức, đối với Cảm Xúc và Cảm Giác, mà cháu như người mù, được thuốc tiên, sáng mắt ra vậy.

Chú có biết không? Khi cháu học về Cảm Xúc và Cảm Giác, thì chương trình học, dậy định nghĩa của Cảm Xúc và Cảm Giác như vầy nè chú.

“Cảm xúc là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người.

Còn Cảm Giác là một trạng thái tình cảm, được tạo ra từ một cảm xúc, tuy nhiên, nó xẩy ra một cách có ý thức hơn, và người ta có thể chọn duy trì tâm trạng này trong một thời gian dài; khác với cảm xúc là sự duy trì trong một thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là, một cảm giác đi từ một thứ gì đó, bản năng hơn, vì nó là cảm xúc, và để nó được tạo ra, phải có một lý do gây ra bởi một ý nghĩ, làm cho người đó nuôi dưỡng nó, và trở thành một cái gì đó lâu dài.

Cảm giác xảy ra khi chúng ta bắt đầu hòa nhập cảm xúc, nghĩ về nó, để cho nó ngấm vào. Cảm giác thường được thúc đẩy bởi sự pha trộn của cảm xúc, và kéo dài hơn cảm xúc.”

Đây, không phải là định nghĩa của Cảm Xúc hay Cảm Giác, mà đây là sự diễn dịch của Cảm Xúc và Cảm Giác. Hèn chi, khi cháu học, cháu vẫn cứ mãi mơ hồ và khó phân biệt được, đâu là Cảm Giác và đâu là Cảm Xúc, đúng nghĩa.

Quả thật đây là những chuẩn cần phải chỉnh chú ạ. Những chuẩn này, vô cùng mâu thuẫn, và thiếu độ chính xác, rõ ràng.

Này người bạn trẻ, tôi thì không chuyên về nghành Tâm Lý, nên không biết điều đó là chuẩn không cần chỉnh hay không? Nhưng nếu dựa trên sự định nghĩa, và sự quan sát nhìn sâu vào sự vận hành của Chín Thức thì định nghĩa của tự điển Hán-Việt tiếp cận với sự thật đúng hơn. Còn định nghĩa theo các nhà Tâm Lý phương Tây thì dựa trên sự phỏng đoán của Trí (Ý Thức) nhiều hơn.

Nếu chúng ta dựa theo tiêu chuẩn, và định nghĩa của cân Đúng-Sai thì nghành Tâm Lý học của Phương Tây tuy chuẩn nhưng cần Chỉnh.

Chẳng hạn như, “Cảm xúc là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người.”

Trong câu này, phần định nghĩa khá chuẩn, nhưng cho rằng, “Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người.” thì nên chỉnh lại là: Cảm Giác sẽ chính xác hơn.

Vì chính nhờ sự nhận biết ra từ Giác mà Ngã Thức của chúng ta mới có thể nhìn sâu hơn, sáng tạo hơn, có chọn lựa hơn. Chứ không thể nào, sự phát triển của Ngã Thức lại dựa trên sự tác động của một thói quen mà không hề có sự phân tích, tính toán, so sánh của Ý Thức.

Kiến thức của con người ngày nay, sở dĩ có chiều sâu hơn, và con người hôm nay, tiến bộ hơn, chính là nhờ sự phân tích, so sánh, tổng hợp từ Ý Thức, chứ không phải từ Vô Thức.

Trong khi, qua quan sát, chúng ta biết, Cảm Xúc bắt đầu từ Tiềm Thức mà không phải từ Ngã Thức, hay có thể nói, Cảm Xúc của chúng ta bắt nguồn từ Vô Ý Thức. Cho nên, Cảm Xúc của chúng ta, không thể nào là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người được.

Nếu cần chỉnh, thì đây là điều chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại. Nhưng nếu các nhà Tâm Lý học đã khẳng định như vậy cũng không sao. Cái quan trọng nhất là, khi ứng dụng, chúng ta có muốn giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo hay không? Nếu như, chưa hay không có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để thì chúng ta cần chỉnh lại.

Còn nếu như mục đích của chúng ta, chỉ nhắm đến giải quyết giai đoạn, hay tạm thời thì cách diễn dịch này cũng chuẩn không cần chỉnh.

Trở lại câu hỏi của Bạn, làm sao chúng ta có thể ứng dụng cái cân Đúng-Sai hay cân Khổ Đau-An Lạc đúng cách nhất để đem đến sự hạnh phúc và An Lạc cho con người?

Cũng đơn giản thôi, cân Đúng-Sai, muốn sử dụng một cách chính xác thì chúng ta chỉ nên sử dụng cân Đúng-Sai cho chính chúng ta mà không sử dụng cân Đúng-Sai đối với người khác.

À cháu hiểu ra rồi. Có phải ý chú là, Đúng hay Sai có được là do Ý Thức của người nào đó qua qúa trình phân tích dựa trên những thông tin, dữ liệu, thu được từ kiến thức, hay từ sự tiếp xúc, học hỏi, kinh nghiệm tích lũy,v.v., kết hợp với sự chọn lựa của Ngã Thức. Và quan trọng nhất là, từ sự diễn dịch định nghĩa được “uốn nắn” để thỏa mãn cho Ngã Thức, tạo thành.

Cho nên, khi thiết lập ra tiêu chuẩn của người đó thì tiêu chuẩn đó không đúng với sự thật; mà có thể từ sự phỏng đoán từ Ý Thức, hay tưởng tượng. Vì vậy, những tiêu chuẩn đó thường lệch lạc, không chính xác.

Nhưng vì Ngã Thức của người đó Tin vào sự phỏng đoán, và cho đó là sự thật; thế nên, Ngã Thức của người đó sẽ kiên trì bảo vệ những tiêu chuẩn lệch lạc đó.

Trong khi, trên thực tế, mỗi một người trong chúng ta, ai cũng có quyền diễn dịch định nghĩa cho thích hợp với kinh nghiệm sống mà Ngã Thức của chúng ta đã tích lũy.

Vì thế, Ngã Thức của chúng ta sẽ không chấp nhận những chuẩn mực mà người khác đưa ra; từ đó, mới tạo ra sự tranh cãi, va chạm, gây ra đổ vỡ, đau thương trong cuộc sống.

Nếu mỗi người chúng ta, chỉ cần để ý và nhận thức đúng đắn được rằng, mỗi người chúng ta, ai cũng có quyền diễn dịch định nghĩa theo ý mình và nương tựa trên định nghĩa đó để tư duy hay suy nghĩ.

Và chúng ta, chỉ nên sử dụng Ý thức, phân biệt đúng sai để chỉnh lại chính mình, mà không đem sự đúng hay sai, dù có lợi hay hại của mình làm tiêu chuẩn chung hay định nghĩa chung, áp đặt, hay bắt buộc mọi người phải tuân theo, thì chúng ta sẽ sống có hạnh phúc và An Lạc hơn, có phải không, thưa chú?

Đúng vậy, hầu hết chúng ta, đều đã quen sử dụng cái cân Đúng-Sai để áp đạt thành một tiêu chuẩn chung cho người khác, mà chúng ta không biết được rằng, Cái Cân Đúng-Sai của chúng ta chỉ có giá trị riêng đối với chúng ta mà không phải cho tất cả mọi người.

Nếu chúng ta biết tôn trọng cái quyền diễn dịch này thì chúng ta sẽ không đem những niềm tin, định nghĩa, hay lý lẽ, có lợi cho chúng ta để áp đặt lên trên người khác, và bắt họ phải thay đổi định nghĩa, hay lý lẽ, theo cách của chúng ta.

Khi chúng ta có thể làm được như vậy thì chúng ta sẽ sống có sự hài hòa, yên ổn, an lạc và hạnh phúc hơn.

Nói tóm lại, cái cân Đúng-Sai chỉ nên sử dụng cho chính mình để giúp cho Ngã Thức của mình có thể hoàn thiện mình hơn, chứ không nên áp dụng đối với người khác, dù cho người đó có là ai.

Chúng ta nên tôn trọng những sự diễn dịch của họ, mà không nên phán xét theo tiêu chuẩn Đúng hay Sai mà Ngã Thức của chúng ta đã chọn.

Chúng ta chỉ có thể dùng cái cân Đúng-Sai của chúng ta với người khác, khi nào có sự yêu cầu của người đó. Và chúng ta cũng phải luôn Ý Thức rằng, cái cân Đúng-Sai của chúng ta, đối với ngưới khác, chỉ là những Ý Kiến, chứ không phải là Tiêu Chuẩn mà người đó phải tuân theo hay phải làm theo.

Có nghĩa là, chúng ta phải luôn tôn trọng quyền lựa chọn, và diễn dịch của người kia, và chúng ta không có quyền, lên án, hay chỉ trích sự diễn dịch của người khác.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta, ai cũng có quyền chọn lựa theo những gì mình muốn diễn dịch, miễn là chúng ta phải chịu trách nhiệm trước những sự chọn lựa đó. 

Sự thật là, cho dù, chúng ta có không muốn chịu trách nhiệm đi nữa thì môi trường, hoàn cảnh, xã hội, và nhất là lương tâm của chúng ta cũng sẽ bắt chúng ta phải gánh trách nhiệm đó, như thường.

Tóm lại, cách dùng chính xác cho cân Đúng-Sai, đơn giản là, chỉ dùng cân Đúng Sai cho chính mình, và không nên sử dụng cân Đúng-Sai đối với người khác.

Vậy thưa chú còn cân Khổ Đau-An Lạc thì dùng như thế nào?

Qua sự quan sát và nhìn sâu vào các Thức, chúng ta thấy, Cảm Xúc và Cảm Giác đều phát xuất từ Ngã Thức mà không có ở các Thức khác như: Ý Thức, Thân Thể Thức, và Tiềm Thức.

Riêng Cảm Xúc, thì có sự kết hợp đặc biệt với Thân Thể Thức trong quá trình tích lũy kinh nghiệm sống còn. Cho nên, Ngã Thức đã có sự kết hợp, giữa một nguồn năng lượng này với những nguồn năng lượng khác, mà không qua sự phân tích cũng như tính toán của Ý Thức.

Nếu những nguồn năng lượng kết hợp “không tên” này chưa biến thành một thói quen thì khi nguồn năng lượng “không tên” này được phát động từ kho của Ngã Thức và xuất hiện, thì Ngã Thức có thể sử dụng Ý Thức để phân tích lợi hại và đưa ra những giải pháp để ứng phó hay kiềm chế.

Nhưng nếu những nguồn năng lượng “không tên” này đã qua Ngã Thức nhiều lần, mà Ngã Thức vẫn không sử dụng Ý Thức để nhận dạng, phân tích, hay so sánh lợi hại thì sự lập đi, lập lại nhiều lần này sẽ biến thành một thói quen.

Chức năng của Tiềm Thức là, khi một việc gì đó được lập đi, lập lại nhiều lần, biến thành một thói quen thì sẽ không đưa vấn đề này lên trên Ý Thức nữa. Mà sẽ sắp xếp những thói quen này theo sự chọn lựa, sắp xếp của Ngã Thức.

Thế nên, khi Tiềm Thức nhận được những dữ liệu mới đến từ Năm Thức, Thân Thể Thức, hay Ý Thức thì Tiềm Thức sẽ tự động khích hoạt những nguồn năng lượng “không tên” này, mà không cần đưa lên trên Ý Thức hay Ngã Thức để so sánh, phân tích, hay chọn lựa. Việc này, khiến cho Ngã Thức rơi vào trạng thái “tê liệt”, “mất tự chủ”, và chỉ hành xử dựa trên sự tác động của những nguồn năng lượng “không tên” này. 

Ngã Thức chỉ có thể làm chủ được Cảm Xúc khi nguồn năng lượng “không tên” đã “đuối sức”, “tự chấm dứt”, hay khi không còn có sự tác động của tiếp xúc. Lúc đó, Ngã Thức mới có thể sử dụng Ý Thức để phân tích lợi hại, rồi mới sinh ra cảm giác hối hận, hay hối lỗi thì cũng đã muộn màng.

Như vậy, qua sự quan sát và nhìn sâu, chúng ta có thể nói, đầu cân của Cảm Xúc tiêu cực thì đại diện cho sự Khổ Đau, và đầu cân Cảm Giác tích cực thì đại diện cho An Lạc.

Dĩ nhiên, khi chúng ta gán cho, đầu cân của Cảm Xúc tiêu cực đại diện cho Khổ Đau, và đầu cân Cảm Giác tích cực đại diện cho An Lạc, thì chúng ta phải hiểu, đó là chúng ta đang đứng trên góc độ tương đối để diễn đạt chứ không phải tuyệt đối.

Vì trên căn bản, Cảm Xúc không phải chỉ có tiêu cực không thôi, mà có khi, Cảm Xúc cũng có phần tích cực. Cũng tương tự như Cảm Giác.

Cho nên, để tránh hiểu lầm, chúng ta phải nên thêm vào những phần sau của Cảm Giác hay Cảm Xúc như: tiêu cực hay tích cực, mà không nên lược giải nó. Chính sự lược giải này, khiến cho chúng ta dễ rơi vào sự hiểu lầm, không rõ nét. Cũng chính nhờ sự  đính kèm theo tiêu cực hay tích cực, chúng ta mới có thể phân ra được, Cảm Xúc hay Cảm Giác nào có lợi để tiếp tục phát triển, và phần nào có hại để bỏ đi.

Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng, trong Ngã Thức, không phải chỉ có phần Ác, mà còn có phần Thiện, và phần Trung Tính (Không Thiện Không Ác) nữa.

Nếu sự tiếp xúc được kết hợp với những nguồn năng lượng Thiện hay Trung Tính đã thành một thói quen thì dù có chịu sự tác động từ Tiềm Thức, Ngã Thức của chúng ta cũng có thể sẽ hưởng được sự An Lạc và hạnh phúc; thay vì, khổ đau và phiền muộn.

Điều này cũng tương tự như Cảm Giác. Tất cả đều phụ thuộc vào trong kho của Ngã Thức, đã có gì, và chọn lựa những gì.

Theo các nghiên cứu của các chuyên gia Tâm Lý, họ đã công nhận và khẳng định rằng: thông thường, mỗi ngày, chúng ta chỉ sử dụng có 5% Ý Thức, còn lại 95% chúng ta sẽ sử dụng Tiềm Thức.

Nếu như chúng ta, có nhiều cảm xúc tiêu cực, kết hợp với những nguồn năng lượng “không tên” thì cuộc sống của chúng ta sẽ chìm sâu trong khổ đau và phiền muộn.

Nếu như chúng ta, có nhiều Cảm Giác tích cực hơn thì chúng ta sẽ ít gây ra những lỗi lầm hơn; và nhờ sự biết kiềm hãm, giữ lại, không hành động một cách hồ đồ, không kiểm soát thì chúng ta sẽ sống, có An lạc và hạnh phúc hơn.

Có một điều khá thú vị, đó là, cho dù, chúng ta có sử dụng cái cân Đúng-Sai với mọi người thì cái cân cuối cùng chúng ta vẫn phải sử dụng, đó là: cái cân Khổ Đau–An Lạc. Ngược lại, khi chúng ta sử dụng cái cân Khổ Đau-An Lạc thì có khi chúng ta lại không sử dụng đến cái cân Đúng-Sai.

Chú ơi, phần này cháu không hiểu rõ lắm, chú có thể cho cháu một thí dụ để minh họa không?

Này người bạn trẻ, thí dụ như khi bạn tranh cãi với Nhật Minh về một vấn đề gì đó, mà cả hai đều có những định nghĩa khác nhau. Cho dù, bạn có đúng hay không, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Dạ, nếu cháu Đúng, cháu sẽ có cảm giác vui vẻ, nhất là khi anh Nhật Minh đồng ý là anh ấy sai. Còn nếu như anh ấy không chấp nhận định nghĩa của cháu, mà cháu không thể thuyết phục được anh ấy, cháu sẽ có cảm giác buồn bực và giận hờn.

Này người bạn trẻ, nếu bạn quan sát và nhìn sâu vào câu trả lời của bạn, bạn đã có câu trả lời rồi đó.

À, đúng rồi, sao cháu lại ngu ngốc thế nhỉ. Rõ ràng, ban đầu, cháu dùng cân Đúng-Sai, và sau đó, cháu lại dùng cân Khổ Đau-An Lạc.

Thay vì, cháu sử dụng cái cân Đúng-Sai trước, thì cháu nên sử dụng cái cân Khổ Đau-An Lạc trước. Như vậy, cháu có thể cân, đo, đong, đếm, xem lời nói và hành động nào của cháu sẽ gây ra Khổ Đau hay An Lạc.

Và nếu cháu muốn An Lạc, cháu sẽ chọn lựa cách ứng xử như: chấp nhận, và tôn trọng những góc độ nhìn của người khác, cháu không cần dùng đến cân Đúng-Sai mà vẫn đạt được kết quả là An Lạc.

Đúng vậy, Cho nên, nếu một người muốn sống có An Lạc, hạnh phúc nhiều hơn thì chỉ nên sử dụng cái cân Khổ Đau-An Lạc làm thước đo trong cuộc sống.

Khi Ngã Thức của chúng ta tiếp xúc với mọi sự, mọi vật, hay mọi người thì chúng ta chỉ cần quan sát nhìn sâu, cân đo, đong, đếm, cẩn thận cách ứng xử của chúng ta trên cân Khổ Đau-An Lạc.

Chúng ta chỉ nên sử dụng cái Cân Đúng Sai cho riêng bản thân mình để giúp mình hoàn thiện trở nên tốt hơn, và sống có hài hòa, yên ổn hơn.

Rất cảm ơn chú, bài học chiều nay đã khai mở cho cháu những góc độ nhìn chính xác và đúng đắn hơn.

Vang vọng từ xa, một ban nhạc, trong công viên, đang hòa tấu nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ông chú nhìn Diệu Hiền mỉm cười. Cả hai chú cháu cùng im lặng, ngồi lắng nghe, thưởng thức.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept