album-art

TẢI MP3 – QUẢNG BẢO TÂM
TẢI MP3 – HƯƠNG CHIỀU – VIÊN NGUYỆT

Bạn Thân Mến,

Ngày nay, khi nói đến bốn chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh thì không ít người trong chúng ta cho rằng nó cổ lỗ sĩ, nó không hợp thời, và nó thuộc về chế độ phong kiến, “đàn áp” người phụ nữ phải tuân theo, trong khi, nam giới thì lại không cần.

Cho nên, những người phụ nữ ngày nay với tư tưởng tự do bình đẳng, xem đó như là một điều tệ hại, cổ hũ, cần phải xóa bỏ.

Thật ra bốn chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh có phải là “tệ hại” đến như thế không, và có cần phải “tiêu diệt” không thì chúng ta hãy bắt đầu dùng sự quan sát và nhìn sâu vào để hiểu.

Đứng trên góc độ định nghĩa:

Công có nghĩa là chung, cùng chung, ngay thẳng, không có riêng tư, rõ ràng; hay khi diễn rộng ra được hiểu là: nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan (ngày xưa), hay công việc, việc làm (ngày nay).

Dung nghĩa là dáng dấp, hình tướng, hay là vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, duyên dáng.

Ngôn nghĩa là lời nói, hay là lời nói nhã nhặn, nhỏ nhẹ, dễ nghe; nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng phép tắc.

Hạnh nghĩa là nết na, hay lòng nhân hậu, thủy chung son sắt, giầu tình yêu thương.

Chúng tôi còn nhớ cách đây hơn 30 năm, khi tham dự một khóa học về huấn luyện nhân viên. Lúc đó, vị tiến sĩ về tâm lý đã “khoe” về những khám phá của ông, trong cách chính phục khách hàng để tăng lợi nhuận cho công ty.

Trong suốt bốn tiếng đồng hồ, ông thao thao bất tuyệt giảng về bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”.

Lúc mới đầu nghe, chúng tôi nghĩ “khám phá” của ông chắc có gì vĩ đại lắm, nhưng khi ông đi vào chi tiết của một người bán hàng, muốn chinh phục được người khách một cách thành công, thì phải có bốn yếu tố sau đây:

Về công việc: phải luôn ý thức được việc của mình cần phải làm là gì, phải hiểu rất rõ ràng những mặt hàng mà người tiêu dùng sẽ mua, và luôn trau dồi kiến thức chuyên môn để có thể thuyết phục khách hàng.

Về Dung mạo: phải luôn cười tươi tắn, không cáu gắt, mặt lạnh như tiền.

Về lời nói: phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, không to tiếng cãi vã với khách hàng.

Về phong cách: luôn kiên nhẫn, nhẫn nại.

Quả thật, sau khóa huấn luyện, công ty đó thu được lợi nhuận cuối năm gần gấp đôi, nếu so với các năm trước.

Trải qua hơn ba mươi năm, bốn “đặc tính” này, hầu như đã trở thành bốn đặt tính “bắt buộc” cho những ai trong nghành phục vụ, phải có, nếu muốn thành công.

Trong khi, vị tiến sĩ năm xưa, giờ đã khuất núi; không biết khi giã từ cuộc đời, ông vẫn tin rằng, ông chính là người đã khám phá ra bốn “đặc tính” này hay không.

Nhưng chúng tôi biết, bốn điều này thì đã có cả nghìn năm, mà ngày xưa, các chị và em gái của chúng tôi đều phải học và thực hành. Còn chúng tôi là con trai, nên được miễn.

Lúc đó, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm, vì không phải thực tập như: khi rót một ly nước mời khách, cũng không để cho có bọt nổi lên,v.v. Nhưng sau này, khi ra đời, và bị đời “quật” cho tơi tả, thì chúng tôi mới biết được giá trị của bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh” là gì. Và tại sao ông cha chúng ta lại phải dậy rất kỹ cho người con gái.

Dù xưa hay nay, khi nói đến người phụ nữ thì luôn luôn gợi đến hình ảnh của một điều gì đó, dịu dàng, mềm mại.

Trong thuyết Âm Dương, người phụ nữ thuộc về Âm, mang tính nuôi nấng, sinh trưởng, nhu hòa, mềm mỏng như nước, an tĩnh mà khoan thai, không nóng nẩy, không dong dài.

Cho nên ngày xưa, ông cha chúng ta đã gọi những người vợ của mình là “nội tướng”, nghĩa là “ông tướng ở bên trong”.

Nói về tướng hay binh pháp, thì tướng tiên phương đánh trận không quan trọng bằng tướng giữ thành (nội tướng). Vì sao?

Vì dù có đánh thắng được bao nhiêu thành, mà không có tướng giữ được thành, thì có đánh được bao nhiêu thành cũng như không. Không những vừa tốn công, vùa tốn sức, mà chẳng được gì.

Cho nên, trong binh pháp những ông quan Văn (nội tướng) thường quan trọng hơn ông quan võ (tiên phương), vì ông quan văn biết cách giáo dục người dân, thiết lập luật pháp, và ổn định lòng dân để có thể đủ sức giữ thành.

Hai chữ “nội tướng” được ông cha chúng ta đặt lên vai người phụ nữ, không phải là gánh nặng hay “áp bức” người phụ nữ, như chúng ta ngày nay đã hiểu lầm, mà đó là biểu tượng của sự tôn kính, kính phục, mà những đàn ông thuộc tướng tiên phương không thể làm được.

Chính vì trọng trách quá lớn này, nên khi còn nhỏ, những người con gái đã phải được trui rèn tứ đức: “công, dung, ngôn, hạnh” để biến thành một thói quen.

Chỉ khi đã biến thành thói quen, thì người con gái, sau khi có chồng và có con, mới có thể đóng trọn vai “nội tướng” một cách “thảnh thơi” và xuất sắc.

Không ai trong chúng ta xa lạ với câu chuyện về Mạnh Mẫu, một người mẹ, qua thói quen “công, dung, ngôn. hạnh” đã đào tạo ra nhà hiền triết lỗi lạc của Trung Quốc.

Mạnh Tử mồ côi cha, và chịu sự giáo dục nghiêm túc của mẹ là Chương Thị, sau này, được gọi là Mạnh Mẫu. Bà nổi tiếng với câu chuyện: 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất.

Chuyện kể rằng, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hàng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đấy nô đùa, ông thường diễn lại những cảnh nhìn thấy ở bãi tha ma.

Mạnh Mẫu nhận thấy, đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất, nhưng tình hình không khả quan cho lắm.

Ông lại học cách cân, đo, đong, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình. Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường; Mạnh Tử sống gần đây, nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ; lúc bấy giờ, Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.

Có một lần, nhà hàng xóm mổ lợn, Mạnh Tử thấy vậy hỏi bà: mổ lợn để làm gì?, bà lỡ miệng nói đùa: “Để cho con ăn”. Sau đó, bà đi mua thịt lợn về cho con ăn, vì bà nghĩ, nếu mình nói dối con, chẳng khác nào dạy con nói dối.

Một câu chuyện nổi tiếng khác về Mạnh Mẫu dạy con, đó là, khi bà đang dệt vải, thấy con trốn học đi về. Bà kêu Mạnh Tử đến gần, rồi cầm dao chặt đứt tấm vải và mắng:

“Con đi học mà bỏ học, chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy”.

Thấm thía lời mẹ dậy, ông chăm học, dần trở thành học sinh giỏi nhất lớp, và trở thành bậc đại hiền triết sau này.

Trong văn thơ của Việt Nam, nhà thơ Tú Xương đã ca ngợi người vợ của mình qua bài thơ “Thương Vợ” như sau:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không

Qua miêu tả của ông, chúng ta có thể thấy ngay được nét đẹp tuyệt vời của bà Tú, một người phụ nữ đảm đang, chu toàn, công, dung, ngôn, hạnh của mình.

Trong 8 câu thơ của ông, chúng ta thấy nhà thơ Tú Xương không những biết ơn vợ, mà ông còn cảm thấy tủi thẹn, khi không thể đem đến no ấm cho người “nội tướng” của mình.

Cuộc đời của bà Tú là cuộc đời tảo tần, chỉ vì chồng, vì con. Bà chưa hề trách móc gì ông; dù văn tài của ông xuất chúng, nhưng vì tính khí ngang tàng của ông đã khiến ông thi trượt bao lần.

Bà Tú chưa một lần oán trách ông; bà vẫn dành dụm, chắt chiu từng đồng để ông có lộ phí đi thi. Nhưng cuối cùng, ông vẫn quay về nhà, và bà vẫn tiếp tục tảo tần buôn bán, nuôi chồng, nuôi con.

Vì sao chúng ta có thể biết bà không trách mắng hay buồn phiền gì ông?

Qua hai câu cuối, chính ông cũng đã “bực” dùm cho bà, tại sao có một người chồng “vô dụng” như ông, mà vẫn cư xử qúa đẹp với ông. Đến nỗi, chính ông cũng cảm thấy được sự bất công của ông dành cho vợ.

Nhưng chắc chắn bà Tú đã không nghĩ như ông, vì bà Tú đã có thói quen của công, dung, ngôn, hạnh, nên bà đã không cảm thấy đó là bất công, mà với bà, đó là trách nhiệm của một “nội tướng” nên làm.

Nếu Bà Tú như ngày nay, cứ cằn nhằn, trách móc, oán hờn, dằn vặt, thì chắc chắn ông Tú Xương sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, và ông cũng sẽ không “bực mình” dùm bà, khi thốt lên hai câu cuối:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không

Như vậy, chúng ta thấy, công, dung, ngôn, hạnh là bốn đức tính vô cùng cần thiết trong cách ứng xử giữa người với người.

Dù cho xưa hay nay thì cũng đều có giá trị để nâng cao phẩm chất của con người. Không những chỉ có người phụ nữ phải học, mà hễ ai là con người, cũng phải học và hành “công, dung, ngôn, hạnh”.

Chúng ta không những chỉ thực hành trong gia đình, xã hội, chính trị, mà ngay cả trong kinh tế, cũng đều đem đến những sự thành công.

Điều mà các phụ nữ ngày nay muốn loại bỏ, đó không phải là Tứ Đức “công, dung, ngôn, hạnh” mà phải là Tam Tòng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nghĩa là, ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con.

Tam Tòng này, đúng là chỉ thích hợp với người xưa chứ không thích hợp với ngày nay, và cần phải loại bỏ.

Có lẽ, vì Tam Tòng luôn được đặt chung với Tứ Đức, nên các phụ nữ ngày nay đã hiểu lầm chăng? Và họ đã loại bỏ luôn cả “Tứ Đức – Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Trong khi, bốn đức này làm cho nhân phẩm của con người được đẹp hơn, mà hễ là con người, dù ở thời xưa hay nay cũng đều cần phải có.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept