album-art

00:00

TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN

Bạn Thân Mến,

Ai trong chúng ta cũng đều có những thành công và thất bại. Có những thành công của người này, vượt trội hơn người kia. Hay có những thất bại của người này, to lớn hơn người kia. Nhưng tại sao “thất bại là mẹ thành công”, lại là chủ đề khiến chúng ta phải “động não”.

Đứng trên góc độ định nghĩa thì Thành là thành tựu, đạt được, nên việc; và Công là công việc, việc làm. Vậy Thành Công có nghĩa là đạt được, hay làm xong việc một cách tốt đẹp.

Còn Thất Bại, Thất nghĩa là mất, thua, hỏng việc, và Bại có nghĩa là hư, hỏng. Như vậy, Thất Bại là hỏng hay không đạt được mục đích đã đề ra.

Qua định nghĩa của Thành Công và Thất Bại, chúng ta thấy, Thành Công là kết quả từ một mục đích nào đó đã được hoàn thành, và Thất Bại cũng là hậu quả mà chúng ta nhận được khi không thể hoàn thành được mục đích mà chúng ta đặt ra.

Nhưng tại sao các cụ ngày xưa lại cho rằng: “thất bại là mẹ thành công”?

Nếu đứng trên lý thuyết của nhân quả thì Thất Bại là nhân, và quả là Thành Công, thì hoàn toàn không hợp lý chút nào. Vì Thất bại là nhân xấu, làm sao cho ra quả tốt được. Như vậy, chẳng lẽ cha ông của chúng ta đã sai?

Nói đến thông minh, và làm sao để sống có nhiều an lạc hơn, ứng xử khéo hơn, thì chúng ta ngày nay còn thua xa các bậc tiền nhân. Không phải vì chúng ta ngày nay tụt hậu, mà vì, chúng ta đang được “Tây hóa”.

Thế giới ngày nay được phân chia làm hai phần khá rõ rệt, đó là, thế giới về vật chất và thế giới về tinh thần.

Nói về vật chất, nếu phương Tây chịu đứng thứ nhì, thì không có ai dám nhận đứng nhất. Những sự phát minh về khoa học, máy móc, kỹ thuật, y học phẫu thuật, v.v thì phương Đông chỉ có thể “lót dép” để theo học cũng không xong.

Bởi vì, tất cả những tư duy của phương tây đều hướng đến sự phát triển về vật chất. Quan niệm của họ nghiêng về duy vật. Họ quan niệm khi chết là hết, nên khi còn sống, họ muốn thỏa mãn được tất cả những khát khao về vất chất, mà họ có thể có được, để phục vụ cho họ. Chính vì thế, nên những tư duy nghiêng về tâm linh, hay về tinh thần, thì họ có đóng góp ít hơn phương Đông.

Ngược lại, phương Đông là nơi sản sinh ra rất nhiều nhà Hiền Triết, những tôn giáo lớn trên trái đất này. Với người phương Đông, vì quan niệm vật chất là phù du, chỉ có tâm An Lạc, Hạnh Phúc mới là quan trọng. Cho nên, thay vì dành phần lớn thời gian phát triển về vật chất, họ lại dùng phần lớn thời gian hướng về tâm linh, về tinh thần.

Chính vì vậy, nếu nói về kinh nghiệm tâm linh hay tinh thần, thì phương Tây lại phải “cầm giầy” chạy theo phương Đông.

Đó cũng chính là sự quân bình giữa phương Tây và phương Đông, ai cũng có thế mạnh của riêng mình.

Cho nên, khi chúng ta bị “Tây hóa” thì chúng ta cũng bắt đầu thói quen hướng những tư duy của chúng ta về vật chất. Vì vậy, sự phát triển về tâm linh hay tinh thần của chúng ta kém với cha ông của chúng ta cũng là lẽ thường tình.

Tuy ngày nay, chúng ta sống “hướng ngoại” về phương Tây, chúng ta có thể sống sung túc với sự phục vụ vật chất đến tận răng. Nhưng chúng ta là con người, chúng ta có cảm xúc/giác. Cho dù thân thể của chúng ta có được cung phụng đầy đủ thì cảm xúc/giác của chúng ta về tâm linh vẫn sinh hoạt giống nghìn xưa. Chúng ta vẫn có những hỷ, nộ, ái, ố, những buồn vui bất chợt.

Chính vì vậy, trở về để học hỏi những tinh hoa của cha ông chúng ta đã tích lũy bao đời, làm sao sống có được sự an lạc và hạnh phúc, là việc làm cần thiết.

Trở lại câu hỏi, tại sao Thất Bại là Mẹ Thành Công? Nếu chúng ta chịu khó quan sát kỹ, chúng ta thấy, trong qúa trình phát triển và thực hiện mục đích thì chữ “mẹ” ở đây, mới là yếu tố quyết định cái qủa kia là thành công hay không.

Chữ “mẹ” ở đây, không phải là nghĩa đen ám chỉ về người sinh thành ra chúng ta, mà “mẹ” ở đây, là nơi sản sinh ra những phương pháp, những cách ứng dụng để đem đến sự thành công. Cho nên, chữ “mẹ” trong câu này biến thất bại trở thành nhân.

Nếu thất bại là Nhân, và theo đúng thuyết nhân quả thì chúng ta phải ra qủa là thất bại chứ sao lại là thành công?

Nếu bạn chịu khó để ý, bạn đang nói về lý thuyết của Nhân Quả, và điều này hoàn toàn đúng, khi thuộc về tâm lý. Nhưng câu: “thất bại là mẹ thành công” đang nói về ứng dụng của thuyết nhân quả, chứ không nói về lý thuyết của  thuyết nhân quả. Và đây mới chính là chỗ tuyệt diệu nhất của các bậc tiền nhân của chúng ta, qua ứng dụng.

Thí dụ: chúng ta gieo hạt giống là trái chanh, theo lý thuyết thì chúng ta phải ra quả chanh, chứ không phải quả khác. Nhưng qua ứng dụng thì chúng ta có thể cắt thân cây chanh, và ghép vào cây tắc, trong khoảng một thời gian, chúng ta sẽ có những trái tắc mà không phải trái chanh.

Nếu chúng ta dựa trên lý thuyết thì chúng ta sẽ không thể nào giải thích được việc nhân này ra qủa kia. Nhưng nếu chúng ta dựa trên ứng dụng thuyết nhân quả thì chúng ta lại dễ dàng giải thích và chấp nhận sự thật.

Cái hay trong câu “thất bại là mẹ thành công” ở đây, qua cách ứng dụng, chúng ta không hề sợ cái nhân đó là gì. Cho dù, cái nhân đó có là thất bại, nhưng khi đem những thất bại đó lên để quan sát và nhìn sâu, rồi chỉnh sửa lại (mẹ) thì cái thất bại đó có thể ra hoa trái là thành công.

Hãy dùng thí dụ dưới đây để minh họa:

Có một chị muốn mở một tiệm phở để kinh doanh.

Người này rất tự tin với khả năng nấu nướng của mình, vì chị đã được những người trong gia đình và bạn bè khen chị nấu ăn ngon. Cho nên, chị nghĩ, khi chị mở tiệm phở, chị sẽ chính phục được khách hàng.

Chị đã dùng số tiền chị tiết kiệm bấy lâu, và ra mở tiệm phở. Tiếc rằng, chị lại không biết, muốn kinh doanh và làm chủ thì không phải chị chỉ biết nấu ăn ngon là đủ, mà còn phải có ít nhất 6 “chiếc nón” khác, mà người chủ cần phải có, bao gồm: hệ thống điều hành, quản trị, tài chánh, tiếp thị, huấn nghệ, nhân sự.

Cho nên, chỉ trong vòng một năm, chị đã phải đóng cửa.

Như vậy, nếu chúng ta nhìn từ ban đầu thì phải nói, chị chọn mục đích là thành công (nhân) nhưng vì trong qúa trình phát triển, chị lại thiếu 6 “chiếc nón” khác, nên cuối cùng, kết quả của chị nhận được là thất bại.

Trên thực tế, chúng ta thấy, chúng ta sử dụng về ứng dụng nhiều hơn là trên lý thuyết, nhưng chúng ta lại không hay để ý đến, nên hay dùng lý thuyết để nói về nhân quả, mà lại chẳng bao giờ nói đến “ứng dụng”.

Bây giờ, chúng ta lại dùng câu chuyện của chị, sau khi thất bại về, và chị bắt đầu quan sát và nhìn sâu vào sự thất bại của chị. Chị biết, chị thiếu 6 “chiếc nón” để đưa đến kết quả thành công. Chị không những đầu tư vào học hỏi. mà chị còn tiếp cận với những người cố vấn có kinh nghiệm để giúp cho chị.

Sau đó, chị lại ra mở cửa tiệm, với những kinh nghiệm tích lũy từ sự học hỏi của chị, cộng thêm sự cố vấn của những người có kinh nghiệm, lần này, chị lại rất thành công.

Sự thành công lần này, không phải phát xuất từ sự tự tin nấu ăn ngon của chị, mà bắt đầu từ sự thất bại, bắt đầu bằng sự chỉnh sửa lại những sai lầm mà lúc xưa, chị chưa biết.

Vậy câu: “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ có thể ứng dụng cho kinh doanh, hay có thể ứng dụng cho tất cả mọi lĩnh vực, trong đó, bao gồm luôn việc giải quyết về khổ đau?

Chắc chắn là bạn có thể ứng dụng câu: “Thất bại là mẹ thành công” trong việc giải quyết các vấn đề về khổ đau, cũng rất đơn giản.

Thí dụ, khi chúng ta dùng câu: “Thất bại là mẹ thành công” trong việc giải quyết những sự khổ đau trong qúa khứ mà chúng ta đã “trốn chạy” hay “đè nén”, bằng cách. chúng ta sử dụng phương pháp bốn bước, gồm:

  1. Xác định chúng ta đang có vấn đề
  2. Đi tìm nguyên nhân có vấn đề
  3. Cách thức giải quyết vấn đề
  4. Thời gian giải quyết vấn đề

Khi chúng ta thực hành bốn bước một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta đang lấy những thất bại trong cuộc đời làm “thực nghiệm” cho qúa trình phát triển, và qua qúa trình này, chúng ta dùng bốn bước để đưa đến kết quả thành công. Thành công ở đây, có nghĩa là chúng ta đã giải quyết vấn đề của chúng ta một cách tốt đẹp hay rốt ráo, mà không để lại hậu quả.

Nếu chúng ta để ý kỹ, chúng ta thấy cái hay của ông cha chúng ta là, đã dậy chúng ta những phương pháp ứng dụng thật tuyệt vời. Chỉ trong 6 chữ: “Thất bại là mẹ thành công”, mà trong đó bao hàm tất cả tinh hoa của sự chuyển hóa.

Qua 6 chữ này, chúng ta có thể thay nhân hay thay quả, và quan trọng nhất, đó chính là, dậy cho chúng ta quyền chủ động và ứng dụng quyền chủ động.

Khi chúng ta chủ động, có nghĩa là, chúng ta đang nắm vấn đề trong tầm tay của chúng ta, mà không phải là những vấn đề, vượt ngoài tầm tay của chúng ta, như khi chúng ta trong thế bị động.

Chính vì vậy, dù kết quả có ra sao, chúng ta vẫn là người thành công, vì người thành công là người luôn nắm được thế chủ động.

Trên thực tế, chúng ta thấy những người thành công đều rất tự tin vào chính họ. Muốn có được sự tự tin này, họ phải có những kinh nghiệm đã trải qua, và họ luôn nắm những vấn đề trong tầm tay của họ, hay họ luôn là người chủ động.

Ngày nào, bạn chưa biết nắm được sự chủ động, nắm được sự việc trong tầm tay của bạn, và bạn vẫn bị rơi vào thế bị động, thì cho dù mục đích của bạn có đẹp bao nhiêu, có vĩ đại bao nhiêu, cuối cùng, bạn cũng sẽ nhận được một kết quả là thất bại. Vì sao?

Đơn giản, là vì bạn luôn bị “xỏ mũi”, bạn luôn bị người khác dẫn bạn đi, mà bạn không thể kháng cự lại khi bạn trong thế bị động.

Cho nên, đừng bao giờ cho rằng, hễ chúng ta có mục đích tốt thì chúng ta sẽ ra kết quả tốt, mà trên thực tế, chúng ta thường bị “đứt đoạn” hay bỏ cuộc nửa chừng.

Ngược lại, cha ông của chúng ta, qua ứng dụng, lại dậy cho chúng ta một góc nhìn mới, đó là, không cần phải sợ cái nhân hay quả là gì, mà chỉ cần chú tâm vào qúa trình phát triển.

Chữ “mẹ” được sử dụng trong câu: “Thất bại là mẹ thành công” thật rất tuyệt vời. Ngoài ý nghĩa là chủ, là chính, là phần định đoạt, thì hình ảnh người mẹ cũng bao gồm những đức tính: công, dung, ngôn, hạnh. Đây là chìa khóa bí mật để đem đến thành công, nhất là trong thương trường.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept