TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN – VINH ĐOÀN
TẢI NHẠC MP3 – CA SĨ VINH ĐOÀN
Chiều nay, cả ba, Diệu Hiền, Hoàng Trang và Nhật Minh cùng đến thăm ông chú.
Diệu Hiền vừa gặp ông chú đã tíu tít cười nói:
Chú ơi, chúng ta đã chia xẻ rất nhiều về tôn giáo và tâm lý, chiều nay, chúng cháu muốn nghe chú chia xẻ về âm nhạc được không chú.
Xin chiều lòng các bạn, vậy bạn muốn chúng ta sẽ chia xẻ về tác giả nào. Ông chú nói.
Trịnh Công Sơn đi chú. Chúng cháu rất mê nhạc của chú Trịnh, nhưng đôi khi nghe xong vẫn chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của mỗi bài hát, hay là chú chia xẻ với chúng cháu về bài Đóa Hoa Vô Thường nghe chú.
Trịnh Công Sơn có thể nói là một nhạc sĩ lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Cuộc đời của ông đã để lại rất nhiều những tác phẩm có giá trị vượt không gian và thời gian.
Không ai có thể phủ nhận tài hoa của ông khi ông sử dụng những từ ngữ “siêu việt” trong những bài nhạc của ông. Nhưng cách ứng xử của ông, cũng có rất nhiều người không mấy hài lòng, nhất là đứng trên góc độ về chính trị.
Ở đây, chúng ta sẽ không đánh giá về cách ứng xử của Trịnh Công Sơn là Đúng hay Sai. Vì Đúng hay Sai, không phải dùng để đánh giá người khác, mà dùng để hoàn chỉnh lại chính mình.
Cho nên, chúng ta chỉ nên quan sát Nhạc của Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn của Tuệ Giác.
Nói đến nhạc của Trịnh Công Sơn là phải nói đến tính vô thường của vạn pháp. Nếu chúng ta lấy đi tính vô thường trong nhạc Trịnh, thì nhạc của Trịnh Công Sơn cũng không còn những nét đẹp như hiện tại.
Trong hầu hết các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, chúng ta luôn gặp những cặp đối đãi dính liền với nhau. Ông vừa đưa ra điều vui trong câu trước, thì ngay trong câu sau, đã dính liền với nỗi buồn.
Cái hay trong nhạc Trịnh về nỗi buồn, không phải là một sự oán hờn, tránh móc, hay thù hận, mà nỗi buồn đi theo, để nhấn mạnh đến tính vô thường luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta trong từng mỗi phút giây.
Chúng ta vì đã qúa quen sử dụng Tiềm Thức, nên chúng ta không Ý Thức được sự vô thường đang xẩy ra chung quanh chúng ta; cho nên, chúng ta hay quá ỷ y rằng, cuộc sống hay tình cảm của chúng ta rất bền bỉ và lâu dài.
Có thể nói, nhạc Trịnh như một tiếng chuông “cảnh tỉnh”, giúp chúng ta sử dụng Ý Thức nhiều hơn để nhận diện được thực tại đang xẩy ra trong vô thường.
Cái hay của nhạc Trịnh chính là, khi Ý Thức được sự vô thường, thay vì sợ hãi, thì Trịnh Công Sơn lại chia xẻ cho chúng ta một góc nhìn mới. Góc độ đẹp của vô Thường.
Đóa Hoa Vô Thường là một bài nhạc rất lạ của Trịnh Công Sơn. Trong vài trăm bài nhạc của ông, có những bài nhạc ông diễn tả về Bản Thể, có những bài nhạc ông diễn tả về Ứng Dụng, nhưng hiếm có bài nào, ông lại diễn tả cả một qúa trình đi từ Bản Ngã đến Bản Thể, và đi từ Bản Thể về lại Bản Ngã, như bài Đóa Hoa Vô Thường này.
Ngay phần mở đầu, chúng ta đã thấy “bóng dáng của mười bức tranh chăn trâu” qua việc xác định mục đích của một người đi từ Bản Ngã đến Bản Thể.
Trong bốn câu đầu tiên, nếu chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, thì đó có thể diễn tả trạng thái của một người con trai đi tìm một người con gái đẹp, nhưng người con gái này, không phải đẹp về hình tướng, mà đẹp về tinh thần.
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Theo định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của, “Mình hạc xương mai”, có nghĩa là, người có xương nhỏ ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự, hay sự duyên dáng của người phụ nữ.
Trong ngôn ngữ học của phương Đông, Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý, thanh tịnh, thần tiên thoát tục hay còn gọi là Tiên Hạc.
Chim Hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ còn gọi là đại điểu, hay nhất phẩm điểu, có tính cách của một người quân tử, là con chim của vũ trụ, của tầng cao, báo hiệu sự chuyển mùa, đại diện cho thế lực thiên nhiên từ trời xanh.
Hạc loại linh vật được cho là bất tử của loài chim, là loài chim có phẩm chất cao quý, mạnh mẽ, đối đầu với khó khăn, mang lại nhiều may mắn.
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Câu kế tiếp, Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục khẳng định cái đẹp như hoa khôi – đứng đầu các loại hoa.
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Trong câu này, nếu hiểu theo nghĩa đen, thì sẽ thấy vô cùng khó hiểu, vì nếu hai câu đầu đang xác định về cái đẹp rất rõ ràng, thì qua “câu nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối”, lại diễn tả về cái gì đó không được đẹp mấy. Vậy thì ý nghĩa của câu này, nếu phải hiểu, thì nên hiểu là, trong một tâm hồn yếu đuối luôn khổ đau, khi có thể nở được nụ cười, thì nụ cười đó cũng là một nét đẹp, mặc dù, nét đẹp đó rất mong manh, dễ biến mất.
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Trong câu này Trịnh Công Sơn cũng lại đưa về hình ảnh đẹp.
Nếu tóm lại, trong bốn câu trên, chúng ta thấy ông đang diễn tả về những nét đẹp đang có mặt trong cuộc đời.
Nếu hiểu theo nghĩa đi tìm người yêu, thì đây chính là mẫu người yêu lý tưởng mà ông đi tìm, người yêu này, không phải là người yêu có những nét kiều diễm về hình tướng, mà người yêu của ông, lại có những nét đẹp về tinh thần. Nét đẹp công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ, tuy cuộc đời có đầy những khó khăn khổ cực, nhưng vẫn dịu dàng, chịu đựng, hy sinh, với một tâm hồn bao dung, độ lượng.
Nhưng nếu đứng trên góc độ về nghĩa bóng, thì nhạc phẩm Đóa Hoa Vô Thường lại đang diễn tả về qúa trình trải nghiệm của ông/hành giả đi từ Bản Ngã đến Bản Thể.
Trong bốn câu trên, chúng ta thấy “bóng dáng” của bức tranh thứ nhất: Tìm Trâu, đang được ông dựng lại qua ngôn ngữ mới.
Hình ảnh “Mình Hạc xương mai, hoa khôi, nụ cười, một hồn giấy mới” là biểu hiện của sự An và Lạc khi đối diện được với sự thật mà ông mong muốn đạt được.
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Về nghĩa đen, trong câu này, diễn tả một sự quyết tâm của một người khi đã xác định được mẫu người yêu lý tưởng, thay vì, chỉ lưu lại trong Tiềm Thức thì lại bắt đầu thực hiện ý định đi tìm của mình. Hai chữ “nhủ lòng” như một sự nhắc nhở, không được quên mục đích mình muốn đi tìm.
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Và hành động đi tìm này, không dừng lại, dù là ngày hay đêm.
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Ngay cả những nơi chốn khó tìm, hay cả những sự việc tưởng chừng như hoang tưởng: “ngậm hạt sương bay–hạt sương đã bay, làm sao ngậm được”, nhưng vẫn đi tìm.
Tìm lại trên sông những dấu hài
Dù tìm nơi xa xăm, hay hoang tưởng vẫn không thể gặp, nên ông lại quyết định trở về, tìm lại những nơi quanh mình, xem có gặp được không.
Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Và sự quyết tâm đi tìm này, không hề buông bỏ, vẫn tiếp tục đi tìm từ gần đến xa. Trong câu này, hai chữ “rộn ràng” diễn tả cảm giác như, sắp tìm ra được người yêu lý tưởng của mình trong một thời gian rất gần.
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Câu này, cũng diễn tả sự đi tìm chưa hề dừng lại dù ngày hay đêm. Sương hồng là những giọt sương buổi sang; bạc mệnh có nghĩa là sắp chấm dứt số mệnh của buổi chiều, hay sắp tối.
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Có thể nói, cùng một ý nghĩa diễn tả về cuộc đi tìm của ông từ sáng đến tối, nhưng qua ngôn ngữ của ông, ông đã dùng đến ba hình ảnh khác nhau như: Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi, Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh, Trăng tàn nguyệt tận. Mỗi câu đều có những nét đẹp riêng, nhưng vẫn mang một ý nghĩa chung: từ sáng đến tối.
Trong câu này, ông vẫn tiếp tục khẳng định mục đích đi tìm của ông rất rõ ràng, không lùi bước, không hề tuyệt vọng.
Về nghĩa bóng, trong bẩy câu trên, chúng ta thấy được bóng dáng của bức tranh thứ hai và ba: Thấy Dấu, qua bốn câu trước, và Thấy Trâu, trong ba câu sau.
Trong qúa trình Thấy Dấu, chúng ta thấy, ông đã diễn tả những dấu mà ông đi tìm qua, những chữ như: nhủ lòng, tìm đêm, tìm ngày, tìm chim, tìm lại trên sông v.v.
Trong qúa trình Thấy Trâu, ông dùng những từ như: rộn ràng, chưa từng tuyệt vọng. Nếu diễn rộng hơn, chúng ta có thể thấy trong 11 câu khởi đầu thì bốn câu đầu tiên là ông xác định ông có vấn đề là những khổ đau, và ông muốn đi giải quyết những khổ đau đó.
Ông biết đằng sau những khổ đau đó là sự An Lạc và Hạnh Phúc, và ông quyết tâm đi giải quyết vấn đề. Bẩy câu sau, diễn tả ông đi tìm những nguyên nhân tạo ra vấn đề. Ông luôn vui vẻ (rộn ràng) tin tưởng (chưa từng tuyệt vọng) khi ông tìm ra được gốc rễ của vấn đề và giải quyết, ông sẽ có được sự An Lạc, Hạnh Phúc. Và câu kế tiếp ông đã dẫn chứng rất rõ ràng.
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Tới đây, bài nhạc không còn có thể giảng giải theo nghĩa đen được, mà phải dựa hoàn toàn vào nghĩa thực của bài nhạc là diễn ta về quá trình trải nghiệm của một người đi từ Bản Ngã về Bản Thể, và qúa trình đi từ Bản Thể về lại Bản Ngã.
Trong hai câu này, Trịnh Công Sơn đang giới thiệu về phương pháp mà ông ứng dụng trong sự trải nghiệm, đó là: Vô Thường.
Qua sự quan sát và nhìn sâu vào vô thường, ông đã tiếp xúc được với Bản Thể. Hình ảnh “sấm bay rền vang” diễn tả một sự chấn động tận tâm can, làm thay đổi tất cả những nhận thức sai lầm của ông hay hành giả. Khi những nhận thức sai lầm không còn tồn tại, ông tiếp xúc được với Bản Thể.
Cái hay trong ngôn từ của ông là dùng chữ Bỗng. Ý nghĩa của chữ bỗng là một điều gì đó chợt xẩy ra mà không có dự liệu trước.
Vậy ông đã không dự liệu được điều gì? Điều mà ông không dự liệu được, đó là, khi có sự quan sát và nhìn sâu, chúng ta có thể tiếp xúc được với sự thật ngay tức thì, mà không cần phải tích lũy, học hỏi, hay chờ đợi cả ngàn kiếp.
Trong Thiền tông, trạng thái này gọi là Đốn Ngộ – Hiểu ra, nhận ra ngay tức thì; hay Trực Ngộ – Hiểu ra, nhận ra trực tiếp mà không qua sự suy luận.
Ba chữ “Chân Cội Nguồn” được sử dụng rất hay. Cội nguồn tức là nguồn từ gốc, và Chân là Chân Thật. Hay nói rộng hơn là Bản Thể vốn Chân Thật Như Vậy.
Nếu luận theo 10 bức tranh chăn trâu thì đây là bức tranh thứ tư: Được Trâu
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Có thể nói, hay nhất trong câu này là “đêm gội mưa trong”. Đêm trong Phật học thường ví với vô minh. Khi vô minh được tắm gội sạch sẽ, không còn những vướng bận thì vô minh trở thành Minh, có nghĩa là trong sáng. Chỉ với bốn chữ, ông có thể diễn tả cả một qúa trình của ông/hành giả đi từ vô minh đến minh, một cách thần kỳ.
Chữ Em ở đây, không phải là một đối tượng, mà chính là Ngã Thức của ông/hành giả, sau những năm tháng sống trong tăm tối mê mờ đã gội rửa sạch những nhận thức sai lầm gây ra khổ đau qua sự quan sát và nhìn sâu vào vô thường.
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Khi những nhận thức sai lầm gây ra khổ đau không còn tồn tại trong Tâm Thức thì Tâm Thức/Ngã Thức này chính là Tâm Phật. Bốn bề nghĩa là tứ phương đều thơm hương thanh tịnh, giải thoát, không còn bị ràng buộc.
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
“Vườn mưa tạnh” diễn tả Ngã Thức không còn những khổ đau. Thiền sư Nhất Hạnh, trong bài Sám Nguyện có câu: “Vườn Tâm gieo hạt giống xấu, Tham Sân Tự Ái dẫy đầy” là nói về Ngã Thức đang chất chứa những nhận thức sai lầm gây ra khổ đau. Hai chữ “mưa tạnh” có nghĩa là những giọt nước mắt khổ đau đã ngừng rơi hay chấm dứt (tạnh).
Chính vì những sự khổ đau đã tận diệt, nên có những tiếng nhạc hân hoan, An Lạc. Đây là hình ảnh của bức tranh thứ năm: Chăn Trâu, khi đang Trụ trong An của Bản Thể và có sự vui vẻ (Lạc)
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Trăng trong đạo Phật được ví như Chân lý. Chân lý của đạo Phật là giải thoát khỏi những tri kiến sai lầm gây ra sự khổ đau. Nguyên nhân gây ra những nhận thức sai lầm chính là vì chúng ta đã lầm lẫn “vô thường” chính là “thường”.
Chính vì vậy, chúng ta luôn ham muốn và chiếm hữu, từ đó mới gây ra khổ đau. Nếu chúng ta luôn Ý Thức được vô thường thì chúng ta sẽ không còn ham muốn và chiếm hữu nữa. Như vậy, chúng ta có được sự giải thoát.
Hoa Quỳnh là một loại hoa nở vào ban đêm, và sẽ tàn vào buổi sáng. Trong khoảng 4-6 tiếng, hoa quỳnh sẽ “phô diễn” cả một qúa trình sinh diệt, từ nụ bắt đầu nở cánh hoa, và cuối cùng, lại khép lại những cánh hoa, khi tàn. Có thể nói, dùng hoa quỳnh để biểu tượng cho vô thường là hình ảnh đẹp và vô cùng sinh động.
Về 10 bức tranh Chăn Trâu thì đây là bức thứ sáu: Cỡi Trâu Về Nhà.
Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân
Trong 6 câu này, chúng ta thấy ông dùng hai chữ rất hay, đó là: “tôi” và “người”. Nếu chúng ta đã có kinh nghiệm về 10 bức tranh Chăn Trâu, chúng ta biết, ông đang diễn tả về bức tranh thứ bẩy: Quên Trâu Còn Người.
Trong qúa trình đi từ Bản Thể về lại Bản Ngã, ông đã có được sự An Lạc Tuyệt Đối của mình, hay An Riêng, thì đây là quá trình ông đang muốn thiết lập được cái An Chung giữa cá thể và tập thể.
Từ câu “Có em … cho tới trước sân”, ông diễn tả về trạng thái An Lạc Tuyệt đối hay An Riêng của ông như thế nào. Nhưng hay nhất là hai chữ “đắp bồi”, có nghĩa là, trong cái An Riêng của ông, ông đang cộng thêm cái An Chung của mọi người vào.
Mùa đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành
Trong bốn câu này, chúng ta thấy ông đang diễn tả về “người” hay tập thể sinh hoạt như thế nào. Những khổ đau của họ khi đang đánh mất đi sự An Lạc Thường Hằng vốn có sẵn trong mỗi một con người. Có những lúc khi tiếp xúc với tập thể, ông không thể thiết lập được cái An Chung, mà ở đó, chỉ có cái An Riêng của chính mình.
Sự độc đáo trong cách diễn đạt của ông, chính là hai chữ “chút tình”, có nghĩa là, cái tình không nhiều lắm này, chỉ muốn được sống chung với mọi người để hưởng An Chung, nhưng xem ra, cũng chẳng thể nào. Hai chữ “viên thành” ở đây, nên hiểu theo nghĩa ngược lại, có nghĩa là, không phải là sự thành đạt một cách đầy đủ, tròn đầy, mà phải hiểu là sự mong muốn sống chung với mọi người bình an đã không thể thực hiện được, và đã bị kết thúc ngay từ khi trong trứng nước (mới chớm)
Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái – ân
Bốn câu này, diễn tả trạng thái khi ông thiết lập được cái An Chung cho cá nhân ông và tập thể. Hai chữ Ái Ân ở đây, không nên hiểu theo nghĩa của vợ chồng, mà nên hiểu là có sự yêu thương (ái) và những ân tình (ân) được thiết lập giữa người với người.
Hình ảnh mùa xuân nói đến sự sự hạnh phúc, ấm êm, an vui đang có trong mọi người (mái nhà). Mọi người cư xử với nhau và trao cho nhau những yêu thương và hiểu biết. Đây là bóng dáng của bức tranh thứ tám: Người Trâu Đều Quên.
Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình
Trong sáu câu này, chúng ta lại được chứng kiến qúa trình phát triển giữa An Riêng và An Chung, giữa cá nhân ông với tập thể, không phải lúc nào cũng có thể được thiết lập. Trong 6 câu này, hai chữ Sen Hồng biểu hiện cho sự An Lạc của ông, vẫn luôn khao khát được hòa chung vào trong An Chung với mọi người.
Nhưng trên thực tế, ông không thể đạt được. “Sen Buồn một mình”, có nghĩa là, nhiều lúc ông buồn, nhưng nỗi buồn này, không phải buồn vì ông không thiết lập được An Chung, mà ông buồn, vì tập thể vẫn còn đang quay cuồng sống trong những đau khổ, mà không nhận diện được cái An đang Thường hằng trong mỗi người. Cho nên, con người đã phải gánh chịu những hậu quả từ những sự khổ đau đó.
Một từ ngữ rất hay để diễn tả cho sự gánh chịu khổ đau đó là chữ “đền”. Có nghĩa là bồi thường lại, hay trả lại. Nhưng mọi người trả lại cái gì? Trả lại cái An Chung giữa người và người (trọn mối tình) đã không còn nữa, mà chỉ còn lại là những khổ đau, và bất an.
Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa Thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà
Trong tám câu này, ông diễn tả cả một quá trình đầy cố gắng để thiết lập An chung giữa ông với mọi người, nhưng cuối cùng thì ông vẫn không thể. Cho dù, lòng ông đầy từ bi, thương xót cho người đời, nhưng ông cũng đành phải chấp nhận hiện thực là đã vượt qúa tầm tay của ông, và ông cũng đành phải trở về sống trong cái An Riêng Tuyệt Đối của ông. Đây chính là hình ảnh của bức tranh thứ chín: Trở Về Nguồn Cội.
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia
Trong tám câu này, chúng ta lại có dịp để nhìn suốt tâm tư của ông, hay nói đúng hơn, lòng từ bi của ông lại bị rung động khi tiếp xúc với mọi người đang quay cuồng sống trong đau khổ.
Hình ảnh của “phù du, thoáng qua, hồn ta”, gợi nhớ trong ông những khi thiết lập được cái An Chung với người. Nhưng cái An Chung đó rất bạc mệnh, chỉ có thể tồn tại được trong một khoảng thời gian rất ngắn như tên gọi Phù Du (là tên một loài côn trùng nhỏ, có cánh, chỉ sống được vài giờ đồng hồ).
Có thể nói, ông đã tận hết sức của mình, bằng tất cả những gì ông có thể, từ thơ văn cho đến âm nhạc, hội họa, để cảnh tỉnh mọi người. Nhưng, những tiếng chuông cảnh tỉnh đó, vốn “vô cảm” với con người. Trong khi, những tiếng chuông đó có thể vang vọng lay chuyển cả trời đất.
Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa
Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu
Trong tám câu này, chúng ta thấy được những tâm trạng xao động của ông, và ông đang đánh mất đi cái An Riêng Tuyệt đối của chính mình. Nguyên do là vì, ông qúa thương người, muốn họ có thể sống được An Vui, nhưng ông không thể làm được. Ông đã không còn sống trong Bản Thể của chính ông để có được An Lạc, và ông lại bắt đầu mê mờ vì hai chữ “yêu thương”.
Hai chữ này đã lôi kéo ông, mà trong bài “Một Cõi Đi Về”, ông đã gọi sự yêu thương là con tinh, có nghĩa là, một loại chúng sanh có tánh linh, rất qủy quyệt, và có sự biến hóa.
Tình yêu thương, khi sử dụng mà không có sự hiểu biết, thì chính sự yêu thương cũng có thể gây ra sự khổ đau như thường.
Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường
Nếu tám câu trên diễn tả trạng thái mê mờ vì hai chữ yêu thương con người, và muốn giúp họ, thì tám câu này, lại diễn tả hình ảnh ông trở về sống trong sự An Lạc Tuyệt đối của ông. Ông chấp nhận hiện thực, và không còn mong đợi. Ông chấp nhận, dù rằng, người đời đang sống trong đau khổ đó, nhưng khi họ có dịp tiếp xúc với vô thường, họ sẽ Ý Thức ra, và quay về sống với An Thường Hằng họ đang có.
Trong các câu: “một sớm kia rất hồng, hay rụng mát trong bình minh”, nhấn mạnh đến sự hy vọng của ông với mọi người. Ông hy vọng, họ sẽ Ý Thức được sự vô thường đang hiện hữu, và thay đổi cách sống hay ứng xử để đạt được cái An cho mình.
Trong toàn bộ bài nhạc này, chúng ta thấy, thiếu bức tranh thứ mười: Thỏng Tay Vào Chợ, nơi ông có thể thiết lập được cái An Chung và sống trong cái An chung với mọi người. Có lẽ, đó là điều ông hối tiếc nhất.
Chúng ta thấy trong hai câu cuối ông đã khẳng định, “từ đó ta là đêm” diễn tả một tâm tư u hoài của ông với con người.
Trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn, chúng ta có thể thấy sự “thất bại” của ông trong việc thiết lập cái An Chung với mọi người.
Trong khá nhiều nhạc phẩm như bài Phôi Pha có đoạn:
“Thôi về đi, đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi từ vườn xưa bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa”
Trong câu đầu, ông đã xác định, dù ông đã cố gắng bao nhiêu, có yêu thương bao nhiêu, có từ bi bao nhiêu để giúp con người, thì con người, họ vẫn sống quay cuồng trong khổ đau của họ, mà ông không thể nào làm thay đổi được họ, hay thiết lập được cái An Chung với họ.
“Thôi về đi” diễn tả một trạng thái đành phải chấp nhận, và cuối cùng, ông đành phải trở về để sống với cái An Riêng của mình, qua câu “tựa hồn những năm xưa”.
Hay trong nhạc phẩm “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng” có đoạn:
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
………………………………..
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm.
Những câu này, như tự an ủi chính mình, khi ông không thể thiết lập được cái An Chung, những khát khao mong mỏi giúp người, nhưng không thực hiện được, cuối cùng, ông cũng phải Chấp Nhận.
Chấp nhận sự thật chỉ còn cái An Riêng của ông, theo cùng ông, mà không thể nào có cái An Chung với mọi người. Nỗi u hoài tiếc nuối đó, được cô đọng trong câu “có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm”.
Có thể nói, nhạc của Trịnh Công Sơn là nhạc phát xuất từ tấm lòng yêu thương nhân hậu, muốn đem cái An của mình đang có để hiến tặng cho cuộc đời.
Cái khao khát lớn nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh là muốn thiết lập được cái An Chung, cái An mà mọi người có thể yêu thương nhau, trao cho nhau những hiểu biết và những ân tình nên gìn giữ.
Trong âm nhạc của ông, mỗi từ, mỗi chữ, đều mang một nguồn năng lượng chữa lành những vết thương. Dù vết thương đó được gây ra bởi con người, chiến tranh, hay những nhận thức sai lầm.
Chính vì vậy, khi nghe nhạc Trịnh, cho dù, vết thương của chúng ta có đau đến đâu, chúng ta cũng đều cảm nhận được một sự xoa dịu, một sự cảm thông, đồng cảm.
Chính những nguồn năng lượng này giúp cho những vết thương của chúng ta, tuy vẫn còn đau, nhưng không đau một cách dữ dội, tàn phá, mà những cơn đau này bắt đầu lắng dịu, nhẹ nhàng hơn.
Cháu hoàn toàn đồng ý với chú. Cứ mỗi lần cháu có niềm đau nào, khi nghe nhạc Trịnh, cháu đều có cảm nhận được sự lắng dịu, nhẹ nhàng.
Tiếc thay, ngôn từ trong nhạc Trịnh thì lại vô cùng khó hiểu, nên ít ai có thể hiểu được những tâm tư mà ông muốn gởi gấm cho mọi người. Diệu hiền nói.
Tôi thì lại tiếc cho Trịnh Công Sơn không giống như bạn. Ông chú nói.
Vậy, chú tiếc gì vậy chú?
Từ ngày có luật bản quyền, thì nhạc Trịnh đã không còn được nhiều ca sĩ hát nữa, cũng đồng nghĩa với việc, tấm lòng muốn đem những nguồn năng lượng chữa lành giúp mọi người của Trịnh Công Sơn sẽ dần chìm vào quên lãng. Trong khi, ông đã sống cả một đời đầy yêu thương nhân hậu và muốn hiến tặng những chất liệu qúy giá này cho con người, nhưng cuối cùng, cũng là không.
Có lẽ, ông đã nhận ra điều đó, nên trong hai câu kết của bài Đóa Hoa Vô Thường ông đã viết:
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa Vô Thường.
Phải chăng, ông đã nhìn thấy với những nhận thức lệch lạc (từ đó ta là đêm) sau khi ông mất đi, cũng là dấu chấm hết cho tấm lòng yêu thương con người của ông, và đó cũng là định luật của vô thường chăng?
Tiếng nhạc “Đóa Hoa Vô Thường” phát ra từ chiếc điện thoại của Hoàng Trang vang lên. Cả bốn chú cháu cùng ngồi im lặng thưởng thức.