Chiều nay, Nhật Minh bận đi họp, nên chỉ có Diệu Hiền và Hoàng Trang đến thăm ông chú. Vừa đến chỗ ông chú ngồi, cả hai, Diệu Hiền và Hoàng Trang đã tự động phân ra ngồi hai bên cạnh ông chú. Hoàng Trang lên tiếng:
Chú ơi, ai trong chúng ta cũng cần có tự tin, vì khi có tự tin, chúng ta mới có thể làm được những điều chúng ta mong muốn.
Nhà Tâm Lý học, Albert Bandura, đã xác định tính tự tin vào năng lực bản thân là niềm tin của một người trong khả năng thành công trong những tình huống cụ thể hoặc hoàn thành một nhiệm vụ. Cảm giác tự tin vào năng lực bản thân của một người đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các mục tiêu, nhiệm vụ hay thách thức.
Vậy theo như sự quan sát và nhìn sâu của chú thì có phương pháp nào giúp cho chúng ta có thể đạt được tự tin không chú?
Trước khi chúng ta nói đến những phương pháp về Tự Tin thì chúng ta cũng nên tìm hiểu về định nghĩa hai chữ Tự Tin là gì?
Tự là chính mình, Tin là nguồn năng lượng có trong Ngã Thức, diễn tả một trạng thái chấp nhận một điều gì, hay vật gì, hay người nào đó. Như vậy, Tự Tin có nghĩa là chính mình chấp nhận một điều gì, vật gì, hay người nào đó qua sự quan sát, phân tích, so sánh, v.v. từ Ý Thức.
Phần đông chúng ta hay “đánh đồng” hai chữ “tự tin” là để đánh giá về khả năng của chúng ta, hơn là hiểu đúng với định nghĩa.
Nếu cần phải đặt lại danh từ cho hai chữ “tự tin” mà chúng ta “đánh đồng”, thì chúng ta nên gọi là Khả Tin, nghĩa là lòng tin vào khả năng của mình; và trả lại định nghĩa cho hai chữ Tự Tin, khi chúng ta lại “đánh đồng” bằng hai chữ niềm tin. Như vậy mới đúng nghĩa.
Nhưng vì tôn trọng quyền diễn dịch của mọi người, chúng ta vẫn sử dụng hai chữ tự tin tức là khả năng, và niềm tin thay cho định nghĩa của tự tin.
Theo định nghĩa phổ thông, thì tự tin là khả năng của một cá thể, và niềm tin, có nghĩa là, sự chấp nhận một điều gì hay vật, người nào, theo ý chúng ta muốn. Hay ngắn gọn thì tự tin là ngọn, và niềm tin là gốc.
Nếu chúng ta là người có kinh nghiệm, chúng ta biết, muốn phát triển ngọn thì chúng ta nên bắt đầu từ gốc. Bởi vì, nếu gốc mà tróc rễ thì ngọn cũng không còn.
Vậy làm sao chúng ta có thể phát triển được niềm tin? Nếu muốn phát triển được niềm tin, chúng ta phải sử dụng đến sự vận hành của các thức để hiểu được niềm tin được tạo ra như thế nào, và tại sao Ngã Thức của chúng ta lại hay sử dụng niềm tin.
Trong chín thức, chúng ta đã phân chia rạch ròi những chức năng khác nhau của các thức. Trong đó, Ngã Thức làm chủ Ý Thức, và sử dụng Ý Thức để quan sát, phân tích, tổng hợp, nhìn nông hay sâu. Trong Ý Thức, vì có qúa trình quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, nên chúng ta có sự chọn lọc.
Nhưng trong Ngã Thức, chúng ta chỉ có sự Lựa Chọn. Có nghĩa là, Ngã Thức của chúng ta chỉ có thể lựa những kết quả do Ý Thức phân tích, rồi chọn trong những kết quả đó cái nào tốt nhất, có lợi nhất cho Ngã Thức của chúng ta, và tin vào điều đó để ứng xử trong cuộc đời.
Chính vì vậy, niềm tin mà chúng ta có được bắt đầu từ Ý Thức, là nguồn cung cấp những dữ liệu cho Ngã Thức lựa chọn. Như vậy, nếu muốn chỉnh lại niềm tin có đúng với sự thật hay không thì chúng ta phải quan sát về Ý Thức.
Trong chín thức, chúng ta biết, chức năng của Ý Thức có phần nhìn nông và nhìn sâu. Khi nhìn nông thì chúng ta không biết được kết quả, nên phải dùng sự phỏng đoán hay tưởng tượng, và khi nhìn sâu, chúng ta cần sự kiểm chứng và thực chứng.
Thí dụ, nếu tôi hỏi bạn có biết ăn Igwava không? Nếu bạn không biết tiếng Xhosa thì có ba trường hợp sẽ xẩy ra.
Trường hợp một: bạn không biết định nghĩa chữ Igwava là gì, nên bạn không thể khởi được ý niệm về trái đó là gì, nên bạn sẽ không có hành động, ăn ra làm sao?
Trường hợp hai: tuy bạn không biết định nghĩa của Igwava là gì, nhưng bạn lại sử dụng sự phỏng đoán và tưởng tượng ra Igwava là trái vả hay trái vải (vì có âm cuối là wava).
Nếu như qua sự phỏng đoán và tưởng tượng của Ý Thức đưa ra kết quả, rồi đưa về kho của Ngã Thức, và Ngã Thức sau khi lựa chọn và tin vào điều đó. Đến sau này, có người nói với bạn, định nghĩa của Igwava là trái ổi thì bạn có thể vì tự ái, hay vì sự tự tôn, mà quyết định cãi đến cùng, vì đó là niềm tin của bạn, và bạn tin là bạn đã tin đúng.
Trường hợp ba: với một người có sự quan sát và nhìn sâu, họ không làm như trường hợp hai, mà họ sẽ đi tra cứu, tìm tòi, cho đến khi, họ biết đúng được định nghĩa Igwava là gì thì họ mới tin.
Với họ, tất cả cái gì khi qua sự quan sát, phân tích, so sánh, v.v của Ý Thức, đó chỉ là những thông tin và dữ liệu cần phải kiểm chứng và thực nghiệm, cho tới khi có kết quả rõ ràng. Họ chỉ tin vào kết quả qua sự kiểm nghiệm, chứ họ không tin vào thông tin và dữ liệu hay sự phỏng đoán hay tưởng tượng.
Sự khác biệt giữa trường hợp thứ hai và thứ ba, trong phần chín thức, chúng ta đã phân trường hợp thứ hai là Trí, và trường hợp thứ ba là Tuệ.
Như vậy, trong Ý Thức có hai phần cho Ngã Thức của chúng ta lựa chọn. Chúng ta có thể sử dụng Trí hay sử dụng Tuệ tùy theo Ý muốn của Ngã Thức của mỗi cá thể.
Tiếc thay, đa số chúng ta lại thích sử dụng Trí hơn Tuệ; cho nên, Ngã Thức của chúng ta thường rơi vào những niềm tin trên sự phỏng đoán hay tưởng tượng, mà không đúng sự thật.
Sự khổ đau hay những hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu là chuyện tất nhiên. Vì khi tiếp xúc với sự thật, chúng ta không thể dùng được niềm tin của chúng ta nữa, hay cái gốc của chúng ta đã tróc gốc thì sự thiếu tự tin nơi bản thân cũng là chuyện không cần nghĩ bàn.
Như vậy, muốn đạt được sự tự tin (khả năng) ở phần ngọn thì chúng ta phải đi xuống gốc là niềm tin (tự tin). Xuống đến gốc của niềm tin, thì chúng ta lại phải tìm nơi Ý Thức. Khi nhìn sâu vào Ý Thức, chúng ta mới phát hiện ra nguyên nhân chính, đó chính là định nghĩa.
Hãy lấy thí dụ về hai chữ Tự Do khi chúng ta nhìn dưới dạng nông về định nghĩa như thế nào?
Tự Do theo định nghĩa có nghĩa là mình (tự) có thể nghĩ theo ý mình (do).
Phần lớn chúng ta đều hiểu gần đúng hai chữ Tự Do như định nghĩa trên, nhưng lại thay chữ “nghĩ” bằng chữ “làm”. Cho nên, đã gây ra sự hiểu lầm trong sự phân tích và cách ứng dụng. Từ đó, mới gây ra rất nhiều tranh cãi và không ai chịu chấp nhận ai.
Nếu chúng ta chịu khó quan sát kỹ và nhìn sâu, chúng ta thấy, trong định nghĩa của Tự Do nhấn mạnh đến chữ Ý. Chữ Ý ở đây phải hiểu là chỉ liên quan đến tư tưởng mà không hề nói đến hành động.
Nếu đứng trên góc độ ứng dụng về Tự Do, theo định nghĩa diễn dịch chung của chúng ta là: “mình muốn làm gì thì làm”, và nếu không muốn gây ra sự hiểu lầm, chúng ta phải thêm vào bốn chữ sau Tự Do, đó là: Tư Tưởng và Hành Động.
Tự Do Tư Tưởng là mình có quyền nghĩ theo ý mình, có quyền phỏng đoán, tưởng tượng theo ý mình, mà không ai có quyền can thiệp hay bắt buộc chúng ta phải thay đổi.
Đừng nói là người nào đó có đủ uy quyền như: người đang ở cõi trời hay cõi người, có thể khống chế, hay đưa ra quy định nào để áp đặt Tự Do trong tư tưởng của chúng ta, mà ngay cả Ngã Thức của chúng ta, nơi trực tiếp xẩy ra các hoạt động của khởi niệm, cảm xúc/giác, cũng không đủ khả năng để khống chế được sự hoạt động tự do tư tưởng của chúng ta (thuộc về Ý Thức qua tác động của nguồn năng lượng).
Thí dụ, chúng ta có một tư tưởng tiêu cực về một vấn đề nào đó, nếu chúng ta quan sát kỹ, chúng ta thấy, tư tưởng tiêu cực đó luôn sử dụng quyền tự do để diễn dịch những hiện tượng, tình trạng, hay định nghĩa theo cách tiêu cực mà tư tưởng đó chọn lựa.
Cho dù, Ngã Thức là chủ nhân của Ý Thức, nhưng Ngã Thức của chúng ta cũng khó có thể làm được gì với những tư tưởng tiêu cực đang sử dụng quyền tự do suy diễn này.
Cho nên, ngoài sự chịu đựng, chờ đợi cho những tư tưởng tiêu cực không còn sử dụng đến quyền tư do ra (do nguồn năng lượng tiêu cực khống chế Ngã Thức và sử dụng Ý Thức để phân tích, so sánh,v.v.), thì Ngã Thức cũng đành bó tay, chịu trận.
Phần đông, qua lâm sàng, các nhà tâm lý khi gặp những bịnh nhân có tư tưởng tiêu cực thì các nhà tâm lý trị liệu thường hay tìm mọi cách để thay đổi trạng thái hay góc độ nhìn của bịnh nhân, từ những tư tưởng tiêu cực sang tích cực.
Đứng trên góc độ về phương pháp thì đây là cách thức chuẩn không cần chỉnh. Vì sao? Vì muốn chữa tiêu cực thì dùng sự đối lập của tiêu cực là tích cực, là đúng cách.
Nhưng vấn đề ở đây là, các nhà tâm lý đã không để ý đến Tự Do và Quyền Tự Do (Ý Thức không bị giới hạn, trong quan sát, phân tích, v.v.) mà tư tưởng tiêu cực đang sử dụng.
Cho nên, tuy phương pháp là chuẩn nhưng đứng trên góc độ của kết quả thì cần chỉnh. Vì các nhà tâm lý đã không biết ứng dụng làm sao để chấm dứt quyền tự do mà tư tưởng tiêu cực đang sử dụng, nên kết quả thường không mấy khả quan.
Ở đây, chúng ta sẽ không đào sâu vào phương pháp làm sao chấm dứt quyền tự do tiêu cực của các nhà tâm lý, mà chúng ta chỉ quan sát và nhìn sâu để nhận dạng được Tự Do Tư Tưởng hoạt động như thế nào, và qua sự quan sát đó, chúng ta có thể hiểu được đúng sự thật về Tự Do Tư Tưởng.
Có nghĩa là, đứng trên góc độ của Tư Tưởng thì chúng ta có quyền tự do tuyệt đối. Không ai có thể ngăn cấm hay bắt buộc, áp chế chúng ta được.
Thí dụ, trong Tự Do Tư Tưởng, chúng ta có toàn quyền muốn hại ai thì hại, muốn tiêu diệt ai thì tiêu diệt, mà không có thần thánh, chính quyền, hay luật pháp nào dù thuộc về Tư Bản chủ nghĩa, hay Xã Hội chủ nghĩa, có thể trừng phạt, bắt bớ, hay giam cầm chúng ta.
Chúng ta có toàn quyền tự do làm nổ tung trái đất, vỡ toang vũ trụ, tiêu diệt thần thánh, cũng không có ai có thể ngăn cấm hay tước đoạt đi Quyền Tự Do Tư Tưởng Tuyệt Đối này của chúng ta. Đó chính là sự thật.
Cho nên, trong định nghĩa Tự Do là mình muốn nghĩ gì theo Ý mình là hoàn toàn chính xác, khi chúng ta thêm vào hai chữ Tư Tưởng theo sau. Hay nói đúng hơn phải là Tự Do trong Tư Tưởng mới rõ nghĩa.
Nhưng khi ứng dụng Tự Do và Quyền Tự Do trong Hành Động thì lại hoàn toàn khác.
Khác ở chỗ nào vậy chú? Diệu Hiền hỏi.
Này bạn trẻ, ai trong chúng ta cũng biết, hành động bao giờ cũng phải đến sau sự tư duy, hay cảm xúc/giác. Nếu không có sự tư duy hay cảm xúc/giác khởi đầu thì chúng ta không thể hành động.
Trong hành động, luôn bao gồm hai trường hợp: một là trực tiếp, và hai là gián tiếp. Hành động trực tiếp là hành động có sự tham gia của sự tư duy và cảm giác.
Còn hành động gián tiếp thì có sự tham gia của cảm xúc với những nguồn năng lượng “không tên”. Cho nên, có những khi, chúng ta cứ hành động một cách “tự nhiên” theo thói quen của Tiềm Thức mà không hề có sự tham gia của cảm giác hay suy nghĩ.
Qua quan sát, chúng ta thấy, Tự Do Hành Động có thể bắt đầu từ Tự Do Tư Tưởng trực tiếp, hay Tự Do Tư Tưởng gián tiếp, tùy theo môi trường, hoàn cảnh, tình trạng v.v.
Nếu như Ngã Thức của chúng ta có sự tư duy hay cảm giác tích cực thì chúng ta sẽ có những hành động tích cực. Nếu như chúng ta có những tư duy, hay cảm xúc tiêu cực thì chúng ta có những hành động tiêu cực.
Đó là đứng trên góc độ về nhân quả, khi tư tưởng hay cảm xúc/giác là Nhân và hành động là Quả.
Nhưng nếu đứng trên góc độ về: kinh tế, xã hội, chính trị, thì Tư Tưởng Hành Động, tuy được bắt đầu bằng quyền tự do trong tư tưởng, nhưng Tự Do trong Hành Động lại phải phụ thuộc vào môi trường, và hoàn cảnh chung quanh và có hai trường hợp sẽ xẩy ra.
Trường hợp một: Nếu Tự Do Hành Động của một cá thể nào đó, mà hành động đó chỉ ảnh hưởng đến cá thể đó, hay riêng cho cá thể đó thì Tự Do Hành Động của cá thể đó là tuyệt đối.
Trường hợp hai: Nhưng nếu như, Tự Do Hành Động của cá thể đó lại liên quan đến tập thể thì Tự Do Hành Động của cá thể đó sẽ bị giới hạn, từ tuyệt đối biến thành tương đối, và cá thể đó phải tuân theo quyền tự do chung của tập thể đã quy định.
Quyền tự do chung của tập thể là quyền tự do mà những cá thể, khi đã chịu chấp nhận sống chung, hay sinh hoạt chung, đòi hỏi mỗi cá nhân phải hy sinh một số quyền tự do tư tưởng (tuyệt đối) của cá nhân, và phải chấp nhận hành động theo quy định về tự do chung (tương đối) để tạo ra an ninh, hay an toàn chung cho tập thể.
Nếu cá nhân đó không tuân theo những quy định do tập thể quy định thì cá nhân đó có thể bị tập thể khống chế hay bắt buộc.
Thí dụ, nếu đứng trên góc độ Tự Do về Tư Tưởng thì cá nhân nào đó, có thể coi hại người là niềm vui, và có thể hại bất cứ một ai mà người đó không thích trong tư tưởng, mà không hề bị sự trừng phạt, bắt bớ, hay giam cầm từ bất cứ ai.
Nhưng nếu cá nhân đó đem tự do trong tư tưởng của mình, và áp dụng Tự Do trong Hành Động liên quan đến tập thể, và gây thiệt hại cho tập thể thì cá nhân đó sẽ bị tập thể khống chế, trừng phạt, bắt bớ, giam cầm, hay tiêu diệt.
Vì sao? Vì Quyền Tự Do Hành Động của cá nhân đó đã vi phạm vào quyền tự do chung, vi phạm vào an ninh, hay an toàn chung của tập thể.
Đây chính là vấn đề mà chúng ta gây ra tranh cãi nhiều nhất. Bởi vì, chúng ta đã có sự hiểu lầm giữa Tự Do trong Tư Tưởng và Tự Do trong Hành Động.
Ở các nước có nền Dân Chủ cao, luật pháp được đặt ra để bảo vệ sự an ninh, an toàn, và quyền lợi của mỗi cá thể theo đa số. Luật pháp sẽ dựa trên đa số để quy định ra những quyền tự do hành động cho tập thể và bắt buộc mỗi cá thể trong tập thể đó phải tuân theo.
Vì chỉ dựa trên đa số, cho nên, tự do trong hành động của mỗi cá thể trong tập thể sẽ luôn có sự chống đối hay không hài lòng của thiểu số về những quy định do luật pháp của đa số đặt ra.
Với những người thuộc phe thiểu số, họ hay lý luận rằng, họ có quyền tự do hành động theo những gì họ muốn để biện minh cho những việc họ làm trái, hay sai, với những quy định về quyền tự do hành động chung của tập thể đã quy định.
Họ cho rằng, những quy định đó vi phạm vào quyền tự do hành động của họ và họ cảm thấy bất công, cho nên, họ phải tranh đấu để được quyền tự do hành động.
Nhưng thật ra, họ đã lầm lẫn giữa Tự Do và Quyền Tự Do giữa Tư Tưởng và Hành Động.
Nếu họ thêm vào bốn chữ sau Tự Do là, Tư Tưởng hay Hành Động, thì họ sẽ không rơi vào sự mơ hồ hay biện minh cho cái quyền tự do mà họ có thể sử dụng.
Thí dụ, họ có thể đạt được quyền tự do trong hành động một cách tuyệt đối khi họ chọn lựa sống một mình, không sinh hoạt hay va chạm gì đến tập thể. Lúc đó, họ có toàn quyền tự do hành động theo đúng ý họ muốn mà tập thể không thể áp đặt hay trừng phạt họ.
Vấn đề rắc rối ở đây là, họ lại không muốn sống một mình, họ muốn sống chung với mọi người nhưng họ lại muốn có cái quyền tự do hành động tuyệt đối theo ý họ. Và họ bắt mọi người phải chiều theo ý muốn của họ. Nếu không, họ coi như quyền tự do hành động của họ bị xâm phạm, bị cấm đoán.
Trong khi, họ không bao giờ nghĩ, nếu như, người ta thuộc đa số lại phải chiều họ, thì họ thuộc về thiểu số, họ có chịu chiều người ta không? Nếu họ đòi có quyền tự do hành động tuyệt đối, thì những người khác, cũng có quyền tự do hành động tuyệt đối, tại sao người khác lại phải nhường quyền đó cho họ?
Rõ ràng, chúng ta đang sống trong thế giới của nhị nguyên, thế giới của đúng sai, thế giới của tương đối, thế giới của đa số và thiểu số, chứ không phải chúng ta đang sống trong thế giới của nhất nguyên, của tuyệt đối. Cho nên, nếu chúng ta cứ đòi hỏi tất cả các sự việc phải xẩy ra theo tuyệt đối thì đó chỉ là ảo tưởng, không thật, và mãi mãi không bao giờ xẩy ra.
Hãy lấy thí dụ về quyền Tự Do Ngôn Luận, đứng trên góc độ về chính trị, phần lớn chúng ta vẫn hay có sự hiểu lầm và gây ra biết bao tranh cãi.
Theo định nghĩa, quyền tự do ngôn luận là quyền của mỗi một công dân, có quyền nói nên những ý kiến đóng góp cho chính quyền, khi chính quyền đó có những luật lệ gây ra ảnh hưởng đến quyền lợi, an ninh, hay an toàn của tập thể chung; và quyền tự do ngôn luận là quyền tự do thuộc về hành động chứ không phải là quyền tự do thuộc về tư tưởng.
Khi đã nói đến chính quyền, đến tập thể chung, có nghĩa là, quyền tự do đó sẽ chỉ là tương đối chứ không phải tuyệt đối (muốn nói, hay muốn làm gì thì làm), và phải theo sự lựa chọn của đa số chứ không phải là thiểu số.
Thế nên, khi những phản đối hay ý kiến đòi hỏi của nhóm thiểu số đưa ra mà không được chính quyền thay đổi, hay thi hành, thì những người thuộc về thiểu số sinh ra bất mãn và cảm thấy quyền tự do ngôn luận bị vi phạm, khống chế, hay bị kiềm kẹp. Thế là, họ đứng lên kêu gọi biểu tình, gây loạn lạc, chiến tranh, gây ra tang thương, đau khổ cho những người khác.
Để tránh những tình trạng bất ổn, và bảo đảm an ninh, an toàn cho đa số, chính quyền phải bắt giam hay trừng phạt những người thiểu số này. Khi bị bắt giam, những người thiểu số này lại cho rằng, chính quyền đó đã vi phạm vào quyền tự do ngôn luận hay tự do hành động của họ. Đây chính là chuẩn nhưng cần chỉnh. Vì sao?
Vì Quyền Tự Do Ngôn Luận, không phải là quyền tự do tuyệt đối theo tư tưởng của cá nhân, mà là quyền tự do hành động tương đối theo tập thể.
Nếu tập thể muốn thay đổi thì đa số trong tập thể phải lên tiếng. Và chỉ khi đa số trong tập thể muốn thay đổi thì chính quyền mới thay đổi. Còn nếu như đa số vẫn chấp nhận và chỉ có thiểu số muốn thay đổi thì chính quyền sẽ không vì quyền tự do ngôn luận của thiểu số mà thay đổi, rồi sau đó, bắt đa số phải chấp nhận. Đây chính là cách sinh hoạt của thế giới tương đối, hay thể chế dân chủ.
Chúng ta, ai cũng có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể lựa chọn sống trong thế giới tương đối hay tuyệt đối. Nhưng chúng ta chỉ có quyền, chọn một trong hai, chứ không thể nào chọn cả hai cùng một lúc được.
Tệ hại hơn, không ít người trong chúng ta lại diễn dịch quyền tự do ngôn luận, vốn chỉ dành trong lĩnh vực chính trị, lấn qua xã hội và kinh tế v.v.
Chúng ta cho rằng, chúng ta có quyền tự do tuyệt đối, muốn nói gì thì nói, chúng ta có thể nói về bất cứ ai, và nói bất cứ đề tài nào, về người nào đó, ngay cả đặt điều, hay nói không đúng sự thật, mà không cần phải chịu trách nhiệm là chúng ta có gây ra tổn thương cho người khác hay không, hay có làm tổn hại đến công ty của người khác hay không? Bởi vì, theo lý luận và diễn dịch của chúng ta, chúng ta có quyền tự do ngôn luận.
Nếu như chính quyền hay luật pháp vì bảo vệ quyền tự do chung của mọi cá nhân trong tập thể, và trừng phạt cái quyền tự do hành động hay ngôn ngữ gây ra tổn thương và tổn hại cho người khác của chúng ta, thì chúng ta cho rằng, chính quyền hay luật pháp đó bất công đã vi phạm vào quyền tự do hành động hay tự do ngôn luận tuyệt đối của chúng ta. Và chúng ta nổi loạn, chống đối lại chính quyền hay đa số.
Rõ ràng, quyền tự do ngôn luận chỉ được áp dụng cho chính trị, chứ không hề áp dụng cho xã hội hay kinh tế. Nhưng chúng ta lại thích diễn dịch theo ý mình, nên đã gây ra những nhận thức sai lầm, những tư tưởng lệch lạc, những phỏng đoán thiếu chính xác.
Rồi chúng ta dựa trên sự tư duy đó để hành động, và tạo ra vô vàn hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu, bao gồm: sự bạo loạn, đấu tranh, loạn lạc, chết chóc, đau thương, và khốn khổ cho tất cả mọi người.
Với những nước có nền dân chủ cao, những luật lệ được đặt ra, dựa trên quyền tự do chung, thì trong luật lệ, luôn có một phần đặt biệt dành cho những cá nhân thuộc về thiểu số.
Với những người thiểu số, họ có thể dành được quyền tự do chung của tập thể, theo ý họ, mà không cần phải gây ra bạo động, nổi loạn, gây ra chiến tranh, tàn hủy con người, đó là, luật lệ hay chính quyền luôn cho phép những người thuộc phe thiểu số có quyền kêu gọi, thỉnh cầu, thuyết phục những cá nhân khác, qua diễn thuyết, hay dự luật bầu cử, để thay đổi luật lệ, luật pháp, hay chính quyền, khi nhóm thiểu số biến thành đa số.
Tiếc rằng, phần lớn chúng ta lại thích sử dụng đến bạo động, nổi loạn, đấu tranh, lật đổ, hơn là sử dụng những quyền mà luật pháp cho phép, trong cách giải quyết ôn hòa, êm thắm.
Dĩ nhiên, trên thực tế, cái quyền tự do chung của luật pháp, cho phép những người thiểu số có thể thay đổi cái quyền tự do hành động, theo ý họ, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, hay các thể chế. Có nơi có, nơi không.
Nhưng trên căn bản, ai trong chúng ta cũng đều có Tự Do và Quyền Tự Do. Vấn đề ở đây là, Tự Do và Quyền Tự Do đó, chúng ta sẽ sử dụng vào lĩnh vực nào. Vì mỗi lĩnh vực khác nhau thì Tự Do và Quyền Tự Do sẽ có sự ứng dụng, giới hạn, cũng như kết quả hay hậu quả sẽ khác nhau.
Cho nên, khi chúng ta nói đến tự do và quyền tự do thì chúng ta cần phải hiểu rất rõ ràng, đó là tự do và quyền tự do đang thuộc về tư tưởng hay hành động.
Tóm lại, Tự Do trong Tư Tưởng là sự tự do tuyệt đối của cá nhân. Không ai có quyền cấm, bắt, giam, hay trừng phạt cá nhân đó, nếu như cá nhân đó dùng quyền tự do tuyệt đối trong tư tưởng của cá nhân đó mà thôi.
Ngược lại, Tự Do trong Hành Động là sự tư do tương đối, khi cá nhân đã chấp nhận sống chung với tập thể, và phải chấp nhận thay đổi một số quyền tự do tuyệt đối của họ theo quyền tự do chung tương đối của tập thể đã quy định.
Cá nhân đó, có quyền sử dụng quyền tự do hành động một cách tuyệt đối theo ý mình, khi cá nhân đó chỉ sinh hoạt một mình, và không có sự liên hệ hay va chạm đến tập thể.
Nếu cá nhân đó, vì sợ sống cô đơn, hay vì lý do gì khác, muốn sống chung với tập thể, thì cá nhân đó phải chấp nhận lệ thuộc vào quyền tự do chung của tập thể, và phải tuân thủ theo đúng với những luật lệ quy định mà tập thể đó đặt ra.
Nếu cá nhân nào vi phạm vào quyền tự do chung của tập thể thì sẽ bị luật pháp hay luật lệ của tập thể đặt ra, trừng phạt, bắt ép, giam cầm v.v.
Qua thí dụ về định nghĩa hai chữ Tự Do, chúng ta thấy, chỉ cần chúng ta diễn dịch lệch lạc là chúng ta sẽ tạo ra biết bao khổ đau cho con người.
Chính vì vậy, chúng ta phải rất cẩn thận khi diễn dịch định nghĩa của chúng ta, nếu không, chính chúng ta cũng đang biến chúng ta thành nạn nhân của chính mình.
Trở lại niềm tin, nơi mà Ngã Thức của chúng ta nương tựa vào đó để xây dựng cá tính và cách ứng xử của chúng ta. Chúng ta thấy, niềm tin của chúng ta là cái quả từ cái nhân là định nghĩa. Nếu muốn thay đổi cái quả, chúng ta chỉ cần bắt đầu từ nhân.
Và đây là một số phương pháp mà chúng ta có thể ứng dụng trong đời sống hàng ngày để tạo ra một niềm tin vững chãi.
Khi bắt đầu một câu chuyện thì chúng ta nên luôn luôn xác định chúng ta đang đứng trên góc độ nào để nói. Việc xác định góc độ sẽ giúp cho chính chúng ta và người nghe có thể nhìn về cùng một hướng.
Khi chúng ta dùng những từ ngữ liên quan đến cảm xúc/giác, chúng ta cũng nên nói rõ định nghĩa của chúng ta là gì. Không có định nghĩa đúng hay sai. Chỉ là, mỗi người chúng ta đều có quyền diễn dịch theo ý của mình. Vì vậy, trong giao tiếp, chúng ta cần nên nói rõ định nghĩa của chúng ta để tránh gây ra những hiểu lầm về định nghĩa.
Khi nghe những từ ngữ liên quan đến cảm xúc/giác, chúng ta cũng nên xác định và hỏi lại đối tượng định nghĩa của họ là gì. Hỏi để chúng ta biết về định nghĩa và góc độ nhìn hay sự diễn dịch định nghĩa của họ, chứ không phải để lên án hay chỉ trích định nghĩa của đối tượng là đúng hay sai. Hay áp lực người đó phải thay đổi định nghĩa của họ theo mình.
Không nên sử dụng tiêu chuẩn kép, dù trong bất cứ trường hợp nào. Chỉ nên dùng một tiêu chuẩn: hễ đúng với mình thì đúng với người, mà sai với mình thì sai với người.
Muốn xác định được niềm tin của chúng ta như thế nào thì trước khi tin, nên hỏi những câu hỏi như sau: “có thật không”, “đã hỏi hay hiểu được định nghĩa của họ chưa?” Nếu là thông tin, thì “nguồn đó ở đâu?”, “có đáng tin cậy không?”, “Có bao nhiêu thông tin trái ngược với thông tin này?”, v.v.
Khi đã tin, và trong hành xử, thì dùng kết quả hay hậu quả để biết được niềm tin đó đúng hay sai. Nếu ra kết quả là đúng, nếu ra hậu quả là sai. Khi sai thì thay đổi lại định nghĩa, chứ không cần chèn ép hay áp bức phải thay đổi trong cách hành xử.
Đó là vài nét về cách ứng dụng để chỉnh lại niềm tin.
Khi niềm tin được kiểm chứng, có hiểu biết rõ ràng những góc độ, thì niềm tin đó sẽ đem đến cho chúng ta nhiều kết quả hay An Lạc nhiều hơn.
Khi có được sự An Lạc, và chúng ta chia xẻ trong chính những sự trải nghiệm, kiểm nghiệm của chúng ta thì khi nói hay làm việc gì, chúng ta sẽ tự tin. Vì sao? Vì chúng ta dựa vào kết quả và sự trải nghiệm của chính chúng ta.
Ngày nay, một số các diễn giả hay hướng dẫn các cách thức, hay phương pháp để gia tăng sự tự tin (tin vào khả năng của mình) của cá thể. Nhưng sự thật, sự tư tin chỉ xuất hiện khi chúng ta có niềm tin vững chãi, đúng với sự thật.
Khi niềm tin của chúng ta chỉ dựa trên sự phỏng đoán hay tưởng tượng thì khi tiếp xúc với sự thật chúng ta sẽ dễ bị “vỡ mộng”.
Chính vì vậy, không ít người trong chúng ta đã vô cùng thất vọng về những niềm tin của mình, và cuối cùng rơi vào trạng thái tự ty, tự tôn.
Tóm lại, muốn có được tự tin (tin vào khả năng của mình) thì nên phát triển từ niềm tin. Niềm tin chính là gốc rễ của tự tin. Khi gốc rễ phát triển mạnh thì tự tin sẽ có mặt, hay nở hoa trái là chuyện tất nhiên.
Thí dụ: chúng ta chỉ có thể tự tin khi chúng ta có kinh nghiệm hay trải qua những vấn đề nào đó. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm thì chúng ta không thể tự tin được. Nếu có chăng, đó cũng là sự đánh lừa hay “tự trấn an”, chứ đó không phải là tự tin.
Chúng ta phải hiểu, khi nói tự tin là khả năng, có nghĩa là, chúng ta đã phải làm qua, trải qua, mới xác định được chúng ta có khả năng hay không. Chứ không thể nào, chưa làm qua, mà chúng ta có thể khẳng định là chúng ta có khả năng được; trừ khi, chúng ta dùng sự tượng tượng và phỏng đoán để đưa ra kết quả.
Và muốn trải qua, hay có kinh nghiệm thì chúng ta phải có niềm tin trước, rồi mới bắt đầu thực hành quá trình trải nghiệm hay tích lũy kinh nghiệm.
Nếu chúng ta không bắt đầu từ niềm tin, và cứ tìm đủ mọi phương pháp để gia tăng sự tự tin, thì cũng giống như chúng ta đang “mò trăng dưới nước” vậy.
Thay vì, tốn nhiều thời gian cho việc phát triển cái ngọn tự tin, chúng ta nên dành thời gian đó để kiểm chứng và thay đổi lại những niềm tin mà chúng ta đã tích lũy trong qúa khứ.
Nếu niềm tin nào đúng thì chúng ta giữ lại, và niềm tin nào sai thì chúng ta đi thay lại định nghĩa mới cho niềm tin đó.
Việc làm này, xem ra hợp lý, thiết thực, và hữu ích hơn. Vì sao? Vì chúng ta đang có vô vàn niềm tin vẫn chưa được kiểm chứng.
Cứ càng nghe chia xẻ của chú thì cháu càng thấy chúng ta thích dùng Trí hơn dùng Tuệ chú nhỉ.
Chẳng trách sao, cuộc đời của chúng ta cứ đau khổ, vì chúng ta cứ lo tập trung để phát triển về phần ngọn mà lại quên đi phần gốc. Thật đáng tiếc làm sao. Hoàng Trang nói.
Những đứa trẻ từ đâu kéo đến gần chỗ ba chú cháu đang ngồi, và bầy trò chơi “bịt mắt bắt dê”. Chúng vui đùa, cười nắc nẻ. Ba chú cháu cùng hướng mắt về đám trẻ và vui lây với sự hồn nhiên tươi mát của trẻ thơ.