album-art

00:00


TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT

Chiều nay, Hoàng Trang và Diệu hiền đến thăm ông chú. Như mọi lần, Diệu Hiền xà xuống ngồi bên cạnh ông chú. Không như những lần trước ngồi đối diện, lần này, Hoàng Trang cũng ngồi xuống bên cạnh ông chú, rồi nói:

Chú ơi, chiều nay chú có thể chia xẻ về hạnh phúc không chú? Nếu cháu nhớ không lầm, cháu có đọc được về định nghĩa của hạnh phúc trên một trang web nào đó, và họ cho rằng, có 10 định nghĩa về hạnh phúc là chuẩn, như sau:

  1. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.
  2. Những người tìm kiếm hạnh phúc trên chính đôi chân của mình, chứ không phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác, luôn là những người hạnh phúc nhất.
  3. Hạnh phúc là khi con người muốn đạt được những thứ nằm trong tầm với của mình. Hãy mơ những gì có thể đạt được và từ bỏ những thứ ở xa tầm với.
  4. Hạnh phúc giống như một con bướm, bạn càng rượt đuổi, nó càng bay xa hơn. Nhưng nếu bạn không để ý đến nó, nó sẽ tự bay đến gần bạn.
  5. Khi nghĩ đến những điều tốt đẹp, con người sẽ sống hạnh phúc hơn.
  6. Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, bởi hạnh phúc chính là một con đường.
  7. Hạnh phúc là khi quyền lực tăng lên và bạn có thể kiểm soát mọi thứ.
  8. Hạnh phúc là niềm vui thích chúng ta cảm thấy khi chúng ta phấn đấu đạt tới tiềm năng của chính mình.
  9. Chỉ khi nào chúng ta thỏa mãn được nhu cầu của riêng mình và cảm thấy hài lòng từ bên trong thì chúng ta mới có thể thực sự hạnh phúc.
  10. Ai đó từng hỏi tôi rằng rằng với tôi ba điều gì là quan trọng nhất để có được hạnh phúc. Câu trả lời của tôi là: một cảm giác chân thật bạn có với chính bản thân và những ai ở quanh bạn; một cảm giác bạn đã làm điều tốt nhất bạn có thể cả trong cuộc sống cá nhân và trong công việc; và có khả năng yêu thương người khác.

Thú thật, ngay bản thân cháu, cháu cũng chưa hiểu rõ ràng về định nghĩa của hai chữ này, và cháu cũng chưa biết ứng dụng làm sao cho có hiệu quả.

Này hai bạn trẻ, hai chữ hạnh phúc nếu nói theo định nghĩa của Hán Việt thì Hạnh là may mắn, nhiều an lành, thuộc về danh từ, và động từ là mừng, thích; còn Phúc là đầy tràn, đầy đủ, những sự tốt lành.

Hai chữ hạnh phúc khi ghép lại với nhau, diễn đạt sự mong chờ được hưởng những sự tốt lành, hay trong đời sống và cảnh ngộ làm cho tâm tình dễ chịu vui sướng, vừa lòng toại ý.

Nếu diễn tả trên góc độ năng lượng thì hạnh phúc là một nguồn năng lượng tích cực, có tần số rung động thanh nhẹ đem đến cảm giác thỏa mãn, dễ chịu.

Trước khi chúng ta quan sát và nhìn sâu vào hai chữ hạnh phúc, chúng ta cũng nên xem lại định nghĩa của hai chữ “định nghĩa” là gì?

Định có nghĩa là trụ lại, không xê dịch, không dời đổi, đã đúng, không sửa đổi nữa; và Nghĩa là nội dung của từ ngữ. Hai chữ định nghĩa là nội dung của từ ngữ đã đúng, không cần chỉnh sửa.

Như vậy định nghĩa của hạnh phúc có nghĩa là một nguồn năng lượng diễn tả một tâm trạng thỏa mãn, dễ chịu khi đạt được ý muốn của một cá thể.

Thông thường, khi nói về định nghĩa là chúng ta đang nói về cái nhân, còn mười định nghĩa mà bạn đưa ra đó, chỉ là quả từ cái nhân được thỏa mãn và có cảm giác dễ chịu.

Phần đông chúng ta vì ít chịu đi tìm hiểu gốc rễ của định nghĩa nên chúng ta hay diễn dịch bằng cách lấy cái quả rồi gọi đó là nhân.

Thí dụ: Trong câu “Hạnh phúc là khi con người muốn đạt được những thứ nằm trong tầm với của mình. Hãy mơ những gì có thể đạt được và từ bỏ những thứ ở xa tầm với”

Nếu chúng ta quan sát kỹ câu này, thì đây chỉ là kết quả từ cái nhân là muốn được thỏa mãn cái chúng ta đang muốn. Chứ đó không phải là định nghĩa của hạnh phúc. Chúng ta đang đi định nghĩa cái chúng ta muốn đạt được trong tầm tay của chúng ta, và cái quả mà chúng ta đạt được từ “định nghĩa diễn dịch” này sẽ dẫn đến những khổ đau thất vọng khi chúng ta không đạt được những ước mơ đó.

Trong chủ đề yêu và thương, chúng ta đã biết, khi chúng ta diễn dịch định nghĩa không đúng với “định nghĩa” thì chúng ta sẽ rơi vào những phiền lụy liên tục sau này.

Nếu chúng ta quan sát kỹ, chúng ta thấy cả mười định nghĩa được gọi là chuẩn đó, đều chỉ là cái quả từ định nghĩa là sự thỏa mãn dễ chịu đúng ý muốn mà ra.

Chính vì vậy, chúng ta ít thấy “bóng dáng” của hạnh phúc đến trong cuộc đời của chúng ta, đâu phải vì hạnh phúc không có, mà nó đã có rồi nhưng chúng ta không nhận ra.

Sự thật, không có nguồn năng lượng nào không có trong chúng ta, dù tiêu cực hay tích cực. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc an vui thuộc về tích cực, chúng ta chỉ cần đặt mục đích cho rõ ràng, rồi chúng ta thực tập mỗi ngày cho thành một thói quen.

Trong qúa trình tập thành thói quen, khi có bất cứ sự phiền não bất an nào đến, chúng ta phải luôn đem mục đích của mình lên để làm “lá chắn”. Chúng ta nương tựa nơi lá chắn để sự dụng ý thức nhìn sâu và giải quyết vấn đề đó.

Nếu không có “lá chắn” của mục đích thì chúng ta sẽ bị chao đảo, chúng ta sẽ bị cuốn hút vào trong vòng xoáy của những lo âu, phiền não, khiến cho chúng ta dễ dàng bỏ cuộc, hay đè nén, hay tìm cách trốn chạy vấn đề.

Dĩ nhiên sự bắt đầu bao giờ cũng khó cả, vì chúng ta chưa có kinh nghiệm. Nhưng muốn có kinh nghiệm thì chúng ta phải làm, phải thực hành; nếu không, chúng ta chỉ có một mớ kiến thức suông, chẳng giúp ích gì cho chúng ta, ngoài sự khoát lác.

Trở lại hai chữ hạnh phúc, khi chúng ta nói chúng ta đang hạnh phúc, có nghĩa là, những gì chúng ta muốn, đều được hoàn thành như ý chúng ta mong cầu, tạo cho chúng ta một cảm giác thỏa mãn vui vẻ.

Đúng trên góc độ của Ngã Thức, hạnh phúc là một nguồn năng lượng thuộc về Ngã Thức. Vì Ngã Thức ở ẩn bên trong, cho nên, chúng ta gọi nguồn năng lượng đó là hạnh phúc nội tại (hạnh phúc ở bên trong). Khác với nguồn năng lượng do tác động từ bên ngoài đem đến, hay gọi là hạnh phúc ngoại tại.

Đứng trên góc độ của tần số rung động của năng lượng thì sự rung động do tác động bên trong (hạnh phúc nội tại) hay từ bên ngoài (hạnh phúc ngoại tại) cũng không có sự khác biệt.

Nhưng nếu đứng trên góc độ ứng dụng để đạt được hạnh phúc, thì hạnh phúc nội tại dễ thực hiện hơn, và kéo dài hơn, khi đem so với hạnh phúc ngoại tại. Vì sao?

Vì hạnh phúc nội tại đang nằm trong tầm tay của chúng ta, chúng ta có quyền quyết định. Ngược lại, hạnh phúc ngoại tại thì lệ thuộc vào đối tượng. Khi đối tượng chỉ có khổ đau thì họ chỉ có thể hiến tặng khổ đau cho chúng ta mà không thể là hạnh phúc.

Chính vì vậy, nếu chúng ta cứ đi tìm hạnh phúc ngoại tại hay hạnh phúc ở bên ngoài, sẽ khó hơn khi tìm ở một người, nên chúng ta thường đi tìm ở nhiều người. Điều nghịch lý ở đây là, khi chúng ta càng tìm hạnh phúc nơi nhiều người thì nhiều người lại tạo ra những mâu thuẫn xung đột lẫn nhau, khiến cho “bóng dáng” của hạnh phúc lại càng trở nên mông lung, không hiện thực.

Nếu chúng ta có may mắn thì cũng chỉ gặp được hạnh phúc ở bên ngoài của một hay vài ai đó, trong một khoảng thời gian ngắn, rồi họ cũng sẽ rơi vào khổ đau hay phiền muộn của chính họ. Cuối cùng, điều họ hiến tặng cho chúng ta cũng là sự khổ đau, phiền não của họ.

Đây chính là lý do tại sao các diễn giả cho rằng hạnh phúc của chúng sanh là giả tạm, không thật, còn hạnh phúc của các bậc Bồ Tát Thánh Hiền thì Chân Thật. Nhưng các diễn giả lại không giải thích được sự khác biệt, tại sao của chúng sanh là giả tạm và của Bồ Tát là Chân Thật.

Nguyên do, bởi vì, về định nghĩa thì hạnh phúc nội tại hay ngoại tại đều giống nhau, nhưng về ứng dụng thì khác nhau.

Thí dụ: khi chúng ta mong muốn gặp lại người yêu, và khi chúng ta gặp được, thì sự thỏa mãn và vui mừng khi gặp được, dù là nội tại hay ngoại tại, đều giống nhau.

Với người ngoại tại, sau khi gặp gỡ, hàn huyên, người yêu đi về, khiến cho ý muốn gặp được người yêu lâu hơn không đạt được; từ đó, tạo ra cảm giác thất vọng. Khi cảm giác thất vọng có mặt lấn chiếm cảm giác hạnh phúc, khiến chúng ta rơi vào trạng thái tiêu cực. Khi Ngã Thức trong trạng thái tiêu cực, chúng ta gọi chung đó là cảm giác khó chịu.

Với người nội tại, ở đó không có sự mong cầu muốn gặp người yêu, vì với họ, hạnh phúc khi có người yêu hiểu và yêu họ, luôn có trong bộ nhớ của Tiềm Thức. Cho dù, họ có gặp hay không gặp người yêu thì người đó vẫn luôn có mặt mỗi khi Ngã Thức muốn tiếp xúc. Cho nên, dù có gặp hay không gặp người yêu, thì hạnh phúc bên cạnh người yêu của họ vẫn có trong sẵn kho của Ngã Thức.

Vì vậy, nếu có gặp mặt hay không, thì hạnh phúc đó vẫn có đó. Nếu có khác chăng là gặp thật hay gặp trong Tiềm Thức. Nhưng dù gặp như thế nào cũng không quan trọng, điều quan trọng là sự tác động tạo ra cảm giác nơi Ngã Thức.

Trong Ngã Thức chúng ta có nhiều nguồn tác động. Có sự tác động từ ngoại cảnh, có sự tác động của nội tâm, có sự tác động của Thân Thể Thức, v.v nhưng dù sự tác động nào, điểm cuối cùng, chính là cảm giác nào sẽ có mặt trên Ngã Thức, mới là điều quan trọng.

Nếu chúng ta thực tập một cách nghiêm chỉnh, chúng ta đừng phí thời gian vào việc tranh luận là nguồn tác động nào quan trọng hơn nguồn nào, mà chúng ta nên chú trọng tới qúa trình phát triển, thì chúng ta có thể có hạnh phúc kéo dài.

Trong những lần chia xẻ về nhân quả, chúng ta đã quan sát rất kỹ về quá trình này, cho nên, nếu chúng ta muốn có hạnh phúc thì chúng ta nên sử dụng qúa trình này trong ứng dụng.

Thói quen của chúng ta, khi đi tìm hạnh phúc, thường hay chọn cách “nằm ngoài tầm với” hơn là làm những gi “trong tầm tay” của chúng ta.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, khi chúng ta làm việc gì ngoài tầm với thì cơ hội mà chúng ta té ngã khá nhiều. Dĩ nhiên, có đôi khi chúng ta cũng thành công, nhưng nếu chúng ta chỉ cầm kiểm nghiệm lại, chúng ta sẽ thấy cơ hội thành công rất ít so với cơ hội thất bại.

Ai trong chúng ta cũng biết rằng, khi làm việc gì đó trong tầm tay, chúng ta sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn, và dễ đạt được kết quả mà chúng ta mong muốn hơn.

Tiếc thay, trong qúa trình đi tìm hạnh phúc, đa số chúng ta lại luôn chọn ứng dụng “nằm ngoài tầm với”.

Chúng ta tin và lý luận rằng, hạnh phúc vốn từ người khác ban phát cho chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta luôn hướng ngoại để tìm hạnh phúc.

Thí dụ, một người buồn chán, thay vì ứng dụng phương pháp bốn bước để giải quyết sự buồn chán của mình, lại khởi ý niệm, đi tìm một người bạn đi chơi để giải quyết sự buồn chán này. Người đó nghĩ rằng, khi mình được đi chơi với người bạn này, mình sẽ có hạnh phúc.

Cho nên, người này quyết định đi gặp người bạn. Khi đến nhà bạn, người bạn đang có chuyện bực mình, nên cau có, khó chịu, trách mắng, và từ chối đi chơi cùng.

Người này rơi vào trạng thái hụt hẫng, khó chịu và tự ái. Khó chịu vì ý muốn giải quyết sự buồn chán không được thỏa mãn; tự ái vì bị người bạn “xem thường”, nên nẩy sinh cảm giác tức giận. Nguồn năng lượng “không tên” bao gồm: tức giận, tự ái, buồn chán cùng hiệp lực bùng nổ, khống chế Ngã Thức, khiến Ngã Thức bị “tê liệt”, đưa đến những hành động vụng dại, nói những lời nói khó nghe, hay dựng chuyện qua phỏng đoán, nói không đúng với sự thật.

Người bạn khi nghe xong đã tức giận, đuổi người đó ra khỏi nhà, và thề không muốn gặp lại người đó.

Ban đầu chỉ là sự buồn chán và muốn đi tìm hạnh phúc từ người bạn. Nhưng sau khi gặp người bạn xong, người này vừa đau khổ vì bị nguồn năng lượng không tên dẫn dắt, nay lại mất đi người bạn có thể cho người đó chút hạnh phúc.

Ngược lại, trong trường hợp khi đến nhà bạn, và người bạn vui vẻ đi chơi cùng, thì người đó đạt được hạnh phúc, vì người bạn giúp cho người đó giải quyết được nỗi buồn chán đang có trong lòng.

Ở đây, chúng ta phải hiểu nỗi buồn chán này chỉ là những nỗi buồn chán vu vơ như nhà thơ Xuân Diệu “hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Chứ không phải những nỗi buồn chán mang tính “hình sự” như vừa cãi nhau với người yêu.

Nếu nỗi buồn chán mang tính “hình sự” thì dù có đi chơi, có hạnh phúc được thõa mãn, nhưng khi về nhà một mình, sự buồn chán đó vẫn tiếp tục tồn tại và tiếp tục “ngự trị” trong Ngã Thức. Cho dù, lúc đi chơi đã tạm được thay thế bằng cảm giác hạnh phúc.

Hiện tượng này được gọi là cảm giác hạnh phúc tạm thời, hay còn gọi là giả tạm, vì vấn đề của nỗi buồn chán chưa được giải quyết một cách rốt ráo, nên chưa đạt được hạnh phúc lâu dài hay hạnh phúc chân thật.

Đúng ra, chúng ta không nên gọi là giả tạm hay chân thật, vì dễ gây ra sự hiểu lầm. Chữ chính xác nên dùng là hạnh phúc ngắn hạn và hành phúc kéo dài sẽ giúp chúng ta không rơi vào sự hiểu lầm về định nghĩa của hạnh phúc là có thật và có giả, mà là qua sự ứng dụng có ngắn hay dài, nhưng sự thật thì định nghĩa vẫn giống nhau, không có giả và không có thật.

Ngược lại, hạnh phúc nội tại sẽ có mặt khi chúng ta áp dụng phương pháp bốn bước để giải quyết vấn đề. Khi vấn đề được giải quyết triệt để, chúng ta đạt được cảm giác thỏa mãn ý muốn, và đạt được trạng thái hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc này sẽ khéo dài cho đến khi nào có một sự khởi niệm mới, hay một cảm giác tiêu cực khác thay thế. Nếu không có cảm giác tiêu cực thì lúc đó cảm giác thỏa mãn vẫn tiếp tục có mặt, hay hạnh phúc có mặt dài hơn, bất chấp là sự buồn chán đến từ buồn vu vơ hay buồn chán “hình sự”.

Với sự ứng dụng này, chúng ta hoàn toàn chủ động, chúng ta không bị lệ thuộc vào bất cứ một ai. Chúng ta đang giải quyết vấn đề trong tầm tay của chúng ta, và chúng ta có thể kéo dài hạnh phúc theo ý chúng ta muốn.

Muốn đạt được điều này, chúng ta có thể dùng mục đích làm Giới cho chúng ta. Có nghĩa là, chúng ta biến mục đích hay Giới làm “lá chắn” để che chở cho chúng ta, khi có những nguồn năng lượng tiêu cực nẩy sinh trong Ngã Thức.

Khi có một nguồn năng lượng tiêu cực nẩy sinh, Ngã Thức của chúng ta sẽ dùng mục đích để hướng Ý Thức của chúng ta đi tìm những giải pháp qua việc sử dụng Trí hay Tuệ.

Cách phân biệt giữa Trí và Tuệ khá đơn giản. Khi nào chúng ta thấy cách giải quyết chỉ qua nhìn nông cộng thêm phỏng đoán và tưởng tượng, thì chúng ta biết chúng ta đang dùng Trí.

Hay, chúng ta cũng có thể sử dụng cái quả mà chúng ta nhận, để biết được cái quả đó có biến thành nhân và tạo ra các hậu quả khác không. Nếu không, chúng ta biết chúng ta đang sử dụng Tuệ. Nghĩa là, ra đúng kết quả mà chúng ta muốn, mà không có những hậu quả khác theo sau.

Về mục đích thì chúng ta có thể có vô vàn mục đích. Chúng ta có thể chọn bất cứ mục đích nào. Nhưng cách dễ nhất vẫn là mục đích An hay Hạnh Phúc, vì hai mục đích đó luôn là khát khao mong ước của con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc mãn phần.

Còn những mục đích khác thì thường hay rơi vào thế ngắn hạn. Khi chúng ta đạt được hay không, thường rơi vào tình trạng không liên tục, nghĩa là, dù bỏ cuộc giữa chừng hay khi mục đích đó đã hoàn tất. Nếu như, ngay sau khi mục đích đó đã hoàn thành hay bỏ cuộc, mà chúng ta không có một mục đích nào khác tiếp nối, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái không có mục đích.

Khi cuộc sống của chúng ta rơi vào trạng thái sống không có mục đích, hay không có sự ham muốn, thì lúc đó, Ngã Thức của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái trung tính. Thông thường, sống trong trạng thái trung tính, mang tích cách bình bình, tạo ra cho chúng ta cảm giác buồn chán, và khơi dậy nguồn năng lượng tiêu cực.

Dĩ nhiên, đó là những hiện tượng dành cho những ai trong chúng ta đặt mục đích không phải là mục đích dài hạn. Đối với những người đặt mục đích dài hạn như An Lạc và Hạnh Phúc, thì ngoài mục đích dài hạn, họ vẫn có những mục đích ngắn hạn.

Nhưng khi thực hiện những mục đích ngắn hạn, trong qúa trình phát triển mục đích, họ vẫn sử dụng mục đích An hay Hạnh Phúc làm “la bàn”, hay định hướng cho những cách thức giải quyết.

Nếu trong qúa trình đó đi ngược lại mục đích An hay hạnh phúc, và tạo ra rất nhiều bất An hay không có hạnh phúc, họ sẽ dừng lại và tìm một mục đích khác. Vì sao? Vì họ biết, nếu trong qúa trình phát triển mà đã có bất An và không có hạnh phúc thì cái quả họ đạt được sẽ là hậu quả, sẽ đem đến rất nhiều hệ lụy.

Họ dừng lại không phải họ không có khả năng đạt được cái quả, mà bởi vì, họ không muốn phí thời gian. Thay vào đó, họ tìm mục đích khác mà mục đích đó, trong quá trình phát triển có An Lạc, Hạnh Phúc để thực hiện.

Chú ơi, chú có thể dùng một thí dụ để minh họa cho chúng cháu hiểu rõ về mục đích An ứng dụng chung với các mục đích khác không chú? Hoàng Trang nói.

Thí dụ: Mục đích của bạn muốn thành lập một trung tâm Tư Vấn Tâm Lý để giúp cho những bịnh nhân có xáo trộn về tâm lý, có thể có được An Lạc và Hạnh Phúc sau khi được bạn chữa trị hay cố vấn. Bạn muốn trung tâm của bạn thành công, nhưng bạn lại không có đặt mục đích An hay Hạnh Phúc làm nền.

Trong qúa trình phát triển để đạt được mục đích, bạn phải dùng tiếp thị để kiếm bịnh nhân. Thay vì, dùng tiếp thị, bạn lại dùng quảng cáo.

Có sự khác biệt giữa quảng cáo và tiếp thị, nhưng phần đông chúng ta lại lầm lẫn tiếp thị là quảng cáo, hay ngược lại.

Quảng có nghĩa là rộng rãi, Cáo có nghĩa là thông báo; hay quảng cáo là thông báo rộng rãi, nói rộng ra cho mọi người cùng biết, hay làm cho mọi người biết đến.

Còn Tiếp nghĩa là nối theo, nối tiếp, nối liền, liên tục, và Thị nghĩa là chợ, nơi có đông người mua bán (danh từ), thích, nghiện, ham (động từ). Tiếp Thị nghĩa là liên tục khơi dậy lòng ham muốn hay ưa thích của con người.

Thông thường, với một bịnh nhân mới, vì họ chưa biết đến sự phục vụ của bạn, nên họ chẳng ưa thích hay ham muốn sử dụng dịch vụ của bạn, cho nên, họ chẳng có tin tưởng gì về bạn cả.

Nhiệm vụ của tiếp thị là làm sao phải khiến cho bịnh nhân mới của bạn biết về dịch vụ của bạn như thế nào. Đây là vấn đề khó nhất của người làm tiếp thị.

Với những người giỏi về tiếp thị, họ phải biết đưa ra những khó khăn mà bịnh nhân của bạn đang gặp phải, và phải đưa ra những cách thức bạn sẽ giải quyết những vấn đề cho bịnh nhân ra sao, và phải chứng minh được kết quả đó là có thật.

Khi những bịnh nhân mới, chưa biết về dịch vụ của bạn, họ sẽ qua thông tin tiếp thị của bạn để biết được những lợi ích mà họ có được khi sử dụng dịch vụ của bạn. Sau đó, bạn mới tiếp nối những thông tin đó bằng những ngôn từ khích thích sự ham muốn sử dụng của họ.

Khi bạn đã thành công khích thích được sự ham muốn của họ rồi, và họ đã đến sử dụng dịch vụ của bạn, bạn mới bắt đầu sử dụng quảng cáo để tăng thêm sự tin tưởng của họ vào dịch vụ của bạn, và biến họ thành bịnh nhân trung thành với dịch vụ của bạn.

Đó chính là quy trình của tiếp thị và quảng cáo. Nhưng phần đông các doanh nghiệp, khi sử dụng tiếp thị và quảng cáo không hiểu rõ ràng, nên thay vì tiếp thị thì họ lại đi quảng cáo giảm giá, trong khi, bịnh nhân của họ chưa biết gì về dịch vụ của họ, cũng như. các khó khăn mà người bịnh đang có là gì, và làm sao dịch vụ có thể giúp họ giải quyết thì lại không nhắc đến. Cho nên, dù doanh nghiệp có giảm giá, họ cũng chẳng quan tâm, vì họ có biết gì về dịch vụ của doanh nghiệp đâu mà họ ưa thích hay ham muốn dùng dịch vụ.

Vì vậy, trung tâm của bạn sẽ rơi vào tình trạng thiếu bịnh nhân; trong khi, trung tâm của bạn cần phải có bịnh nhân mới có thể có đủ tiền để chi trả tiền mướn trung tâm, cũng như các chi phí cho cuộc sống của bạn.

Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài, bạn sẽ rơi vào sự thất vọng, chán nản, lo âu và phiền muộn. Khi những vấn đề này cứ tiếp tục gia tăng, cuối cùng bạn phải đóng cửa trung tâm trong sự thất vọng, chán chường.

Nếu như bạn may mắn có được thành công, nhưng trong qúa trình thực hiện lại không có mục đích của An hay hạnh phúc, thì trong sự phục vụ của bạn, chỉ mang yếu tố phục vụ, chứ không phải là chia xẻ từ chính kinh nghiệm của bạn.

Vì bạn chẳng có An hay Hạnh Phúc, nên những gì bạn đưa ra phương pháp giải quyết, chỉ là những kinh nghiệm dựa trên sách vở. Cho nên, những gì bạn cố vấn hay chữa trị chỉ là phần ngọn, không đem đến sự giải quyết triệt để. Vì vậy, vấn đề đó sẽ “vắng mặt” trong một khoảng thời gian ngắn, rồi sau đó trở lại, khiến cho uy tín của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất trầm trọng trong tương lai.

Khi điều đó xẩy ra, bạn sẽ rơi vào những “áp lực” vô hình từ những lời đồn thổi, khiến cho trung tâm của bạn càng lúc càng rơi vào tình trạng thiếu bịnh nhân; hay nguy hiểm hơn, bịnh nhân sẽ không tin tưởng vào bạn, nên không còn hợp tác với bạn để giải quyết vấn đề, mà còn tạo ra những thông tin giả, khiến cho phục vụ của bạn càng khó khăn hơn, và tạo ra cho bạn rất nhiều phiền muộn và khổ đau với họ.

Nếu như mục đích mở trung tâm của bạn kết hợp với dùng mục đích An hay hạnh phúc trong qúa trình phát triển thì khi dùng tiếp thị, bạn sẽ dùng chính những kinh nghiệm của bạn, khi bạn có vấn đề, bạn giải quyết ra sao để bạn có được An hay hạnh phúc kéo dài làm những thông tin trung thực của bạn. Khi họ biết được sự phục vụ của bạn, họ đến dùng dịch vụ của bạn, và đạt được kết qủa như họ muốn, họ sẽ tin tưởng bạn.

Khi họ đã tin tưởng bạn, họ sẽ giới thiệu những người quen của họ khi có vấn đề đến gặp bạn, lúc đó, có khi bạn không cần đến quảng cáo nữa, vì chính những bịnh nhân của bạn đã làm việc quảng cáo cho bạn miễn phí.

Trong qúa trình phát triển khi tiếp xúc với bịnh nhân, bạn không những, giúp cho bịnh nhân của bạn giải quyết được vấn đề của họ, mà ngay trong qúa trình đó, bạn cũng được học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều cho những lần chữa trị kế tiếp, hay cho những bịnh nhân có cùng bịnh chứng.

Quan trọng nhất, bạn sẽ không rơi vào trong trường hợp “ôm” những vấn đề của bịnh nhân vào bạn, và phải đi tìm một bác sĩ tâm lý khác để giúp bạn giải quyết.

À, cháu cũng có chút kinh nghiệm về việc đặt mục đích An hay hạnh phúc vào một vài mục đích khác của cháu, nhưng cháu lại không biết, chúng ta có thể áp dụng mục đích An hay hạnh phúc vào tất cả mọi mục đích. Nhưng nếu như trường hợp có mục đích An hay hạnh phúc mà thất bại thì sao chú?

Cũng đơn giản thôi, đâu phải chỉ có trung tâm tư vấn mới giúp được người, bạn vẫn có thể làm tư vấn cho từng cá nhân qua điện thoại, qua những trang web, trên diễn đàn có trả tiền hay trên Youtube, v.v.

Điều quan trọng là bạn phải có An và có Hạnh Phúc.

Muốn có An và hạnh phúc, bạn phải đặt những mục đích này làm mục đích của bạn. Sau đó, bạn thực hành trong đời sống hàng ngày của bạn. Khi bạn đã có trải nghiệm, bạn có phương pháp rõ ràng, và bạn dùng chính sự trải nghiệm và phương pháp để kiếm tiền, không những bạn có An Lạc và Hạnh Phúc cho chính bạn, mà những gì bạn tư vấn hay giúp cho người khác, cũng là chân thực, không phải qua những kinh nghiệm tích lũy từ sách vở.

Chúng ta phải nhớ rằng, kinh nghiệm của người khác, chúng ta chỉ nên dùng để kiểm chứng lại sau khi chúng ta có sự trải nghiệm thật sự, chứ đừng bao giờ lấy kinh nghiệm của họ làm của mình, mà chưa qua quá trình trải nghiệm và thực nghiệm.

Tóm lại, dù chúng ta muốn đặt mục đích là An hay Hạnh Phúc thì tùy mỗi người trong chúng ta lựa chọn. Chúng ta cũng có thể chọn vui, chọn hoan hỷ, v.v. Nhưng dù chúng ta chọn mục đích là gì thì điều kiện bắt buộc đó là mục đích đó phải liên tục. Có nghĩa là, mục đích đó phải là khát khao, mong muốn từ lúc mới sinh ra cho tới lúc mãn phần mà chúng ta luôn đi tìm kiếm.

Muốn đạt được trạng thái An hay Hạnh Phúc thì cách dùng đơn giản, nhanh nhất, và đạt hiệu qủa tối ưu là phương pháp bốn bước, gồm:

Bước một: Xác Định Có Vấn Đề

Bước hai: Đi Tìm Nguyên Nhân Tạo Ra Vấn Đề

Bước Ba: Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề

Bước Bốn: Thời Gian Giải Quyết Vấn Đề

Nếu chúng ta ứng dụng đúng cách và thực tập liên tục cho đến khi trở thành thói quen thì chắc chắc chung ta sẽ có được hạnh phúc lâu dài, hay An lâu dài, mà không cần lệ thuộc vào bất cứ một đối tượng ở bên ngoài “ban phát” cho chúng ta.

Dĩ nhiên, khi chúng ta sinh hoạt với các đối tượng bên ngoài, chúng ta cũng nhận được An hay hạnh phúc từ họ, nhưng An hay hạnh phúc đó chỉ là phần “tô điểm” chứ không phải là nguyên liệu chính.

Cho nên, có cũng tốt, mà không có cũng không sao. Vì vậy, chúng ta không cần phải “giãn cách”, “cách ly” hay “tránh né” đối tượng, mà chúng ta vẫn sinh hoạt hết sức bình thường với họ. Khác biệt chỉ là chúng ta chủ động tạo ra hạnh phúc của chúng ta, mà không bị động chờ họ ban phát.

Cháu thì rất hạnh phúc khi được đi mua sắm mà không có anh Nhật minh, và chỉ số hạnh phúc của cháu sẽ giảm dần khi anh Nhật Minh không chịu móc ví trả tiền.

Ba chú cháu cười vui vẻ trước câu nói đùa của Diệu Hiền.

Những con chim đậu trên cành cây hót vang những tiếng ríu rít, như đang chia xẻ hạnh phúc đến loài người.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept