album-art

00:00

TẢI MP3 – TRƯƠNG THU HUYỀN
TẢI MP3 – QUẢNG BẢO TÂM

Chiều nay, Diệu Hiền và Nhật Minh lại đến thăm ông chú. Sau những câu chào hỏi, Diệu Hiền đã xà xuống, ngồi bên cạnh ông chú, rồi nói:

Chú ơi, tối qua, sau khi đi ăn với chú về, cháu và anh Nhật Minh đã cùng nhau chia xẻ về Nghiệp và Luân Hồi.

Theo sự hiểu biết của cháu, Nghiệp và Luân hồi là hai ý niệm đã có trong Ấn độ Giáo được truyền giảng trong các Kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư, vào khoảng 1500 năm trước công nguyên. Như vậy, hai ý niệm này đã có trước khi giáo lý về Nghiệp và Luân Hồi của đức Phật được truyền giảng.

Đứng trên góc độ trải nghiệm về các kinh của Ấn Độ giáo thì cả hai đứa cháu đều không có nhiều hiểu biết về Nghiệp và Luân hồi được họ truyền giảng như thế nào.

Nhưng đứng trên góc độ của đạo Phật, theo cháu hiểu, thì Nghiệp là hành động chịu ảnh hưởng của luật Nhân Quả, vì mỗi một hành động làm ra, được gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp.

Nhưng trong một số kinh điển khác của đạo Phật thì lại cho rằng: không phải hành động nào cũng tạo ra Nghiệp. Nghiệp chỉ được tạo ra khi có một sự tác ý, và khi đã tạo ra Nghiệp thì Nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tái sanh trong vòng sinh tử luân hồi.

Tuy cháu và anh Nhật Minh cũng đã tham khảo và nghiên cứu khá nhiều kinh điển, nhưng chúng cháu vẫn cảm thấy rất mơ hồ về Nghiệp và Luân Hồi, chú có thể chia xẻ với chúng cháu sự quan sát của chú về Nghiệp và Luân hồi được không?

Này hai bạn trẻ, Nghiệp và Luân Hồi là một đề tài rất lớn, và mỗi một tôn giáo, bao gồm: Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, và Hồi giáo, v.v. đều có những quan niệm và cách diễn giải riêng tùy thuộc vào giáo lý mà tôn giáo đó và các tín đồ của tôn giáo đó, Tin theo như thế nào.

Cho nên, rất khó để có thể đưa ra, đâu là chuẩn và đâu là cần chỉnh.

Như những lần trước tôi đã chia xẻ, muốn biết được đâu là chuẩn thì chúng ta cần phải tiếp xúc được với sự thật. Nếu chúng ta không thể tiếp xúc được với sự thật thì tất cả những gì chúng ta diễn giải đều chỉ là những phỏng đoán mà thôi.

Trước khi chúng ta dùng sự quan sát và nhìn sâu vào Nghiệp và Luân Hồi, tôi nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua về những quan điểm cũng như giáo lý của các tôn giáo diễn giải về Nghiệp và Luân Hồi như thế nào?

Tôi còn nhớ, có đọc một bài của tác giả nào đó không để tên trên Lạc Tửu Lâu. Tác giả vô danh đó đã viết một bài khảo cứu về Nghiệp và Luân Hồi như sau:

Theo Hindu giáo, luật nhân quả được biểu hiện qua cặp nhị nguyên là: Nghiệp Báo và Luân Hồi.

Ấn Độ giáo quan niệm rằng, linh hồn của bất kỳ một thể sống nào, bao gồm: động vật và thực vật; khi chết đi, hay hoại diệt, và đầu thai, đều có liên hệ một cách phức tạp với Nghiệp.

Nghiệp hay gọi đúng hơn là Nghiệp Báo, theo Hindu giáo, là tổng số các hành động của một người, và là lực, sẽ quyết định sự đầu thai kế tiếp của người đó qua vòng xoay, luân chuyển (Luân Hồi) của việc chết và tái sinh.

Theo tư tưởng Nghiệp Báo và Luân Hồi, kinh Upanishad (Áo Nghĩa Thư – kinh điển với ý nghĩa uyên áo, giữa thầy và trò) cho rằng: Con người sẽ trở nên tốt, nhờ họ có những hành động tốt trong cuộc sống, và họ sẽ trở nên xấu nếu cuộc sống của họ có nhiều hành động xấu.

Và để diễn rộng hơn, kinh Áo Nghĩa Thư, đã dẫn chứng những ví dụ như:

Nếu người nào sống có những hành vi tốt đẹp thì sau khi chết sẽ đầu thai vào kiếp khác tốt đẹp hơn, hoặc thành Bà La Môn, hoặc thành người quý tộc, hoặc thành thương nhân.

Còn những ai có hành vi xấu xa, sau khi chết, sẽ phải đầu thai vào những kiếp xấu xa như: kiếp chó, kiếp heo, ngạ quỷ, hay những kẻ nô lệ hèn mọn, làm tôi tớ cho người khác, v.v.

Bên cạnh đó, quan điểm về Luân Hồi, còn được thể hiện trong các thuyết Ashrama (những bước trong hành trình của cuộc sống), về bốn giai đoạn mà con người phải trải qua để đạt được sự giải thoát của linh hồn, tức là tránh khỏi Luân Hồi, bao gồm:

  • Học tập
  • Lập gia đình, tạo sự nghiệp
  • Hướng về tâm linh
  • Thoát ly xã hội để tu hành

Bốn gia đoạn này, cũng được diễn giải qua tư tưởng Brahman (Đại Ngã) và Atman (Tiểu Ngã).

Cũng theo Áo Nghĩa Thư, đại ngã là nguồn gốc tối cao của vũ trụ; và đại ngã là đại vũ trụ, là đại hồn, hay còn gọi là Thượng Đế. Còn tiểu ngã là bản ngã của con người. Hay, tiểu ngã là tiểu hồn, là tiểu vũ trụ. Và tiểu ngã chỉ là một phần rất nhỏ từ đại ngã tách ra.

Do đó, đại ngã và tiểu ngã vốn đồng về bản chất, nên đại ngã và tiểu ngã có thể tương thông được với nhau. Vì vậy, tiểu ngã có thể nhờ sự tu luyện để đạt được sự giải thoát của linh hồn, thoát khỏi các khổ não ràng buộc nơi cõi trần, và có thể đem tiểu ngã trở về hợp nhất với đại ngã.

Nếu tiểu ngã nào không thể giải thoát được những ràng buộc, và vẫn không dứt khỏi nghiệp thì tiểu ngã đó không dứt khỏi Luân Hồi và phải đầu thai trở lại cõi trần, hết kiếp này đến kiếp khác.

Dựa trên những định nghĩa và cách diễn giải về luật Luân Hồi này, đã giúp cho các thầy tu Bà La Môn giải thích được cho các tín đồ Hindu giáo, về lý do tại sao lại có sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ của ngày xưa cũng như ngày nay.

Vậy còn quan điểm về Nghiệp và Luân Hồi theo đạo Phật thì sao?

Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc con người trong luân hồi sinh tử, chính là tam độc: tham, sân và si.

Luân Hồi tuân theo nguyên tắc của luật Nhân Quả, luân chuyển qua sáu cõi, tùy vào nghiệp của con người đã tạo ra trong quá khứ, mà người đó, sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi, gồm: Trời-Thần; Người; Atula; Súc Sinh; Quỷ Đói (Ngạ Quỷ); và Địa Ngục.

Còn định nghĩa của Nghiệp theo đạo Phật là hành động hay việc làm. Nghiệp được gây nên bởi hành, cụ thể là do thân, khẩu, ý, tạo ra.

Thế nên, tùy theo Nghiệp Báo mà chúng ta có thể sinh ra trong một tình trạng, hay hoàn cảnh nào đó, tùy thuộc vào chính những hành động của chúng ta trong quá khứ đã tạo nên.

Nếu trong kiếp hiện tại, mặc dù, chúng ta sống một đời sống trong sạch, nhưng chúng ta lại gặp phải những điều bất hạnh thì chúng ta phải biết rằng, đó là, do nghiệp xấu của ta trong quá khứ đã tác động, mà có.

Trái lại, nếu chúng ta đang sống trong một đời xấu xa, tội lỗi, nhưng chúng ta vẫn đang được hưởng an vui hạnh phúc, giàu sang, may mắn, thì đó, cũng là do nghiệp tốt của chúng ta đã tạo trong quá khứ, mà có.

Đạo Phật quan niệm rằng, kiếp sau của chúng ta như thế nào, tùy thuộc vào 4 loại nghiệp như sau:

  • Nghiệp Cận Tử: Đây là nghiệp quan trọng nhất. Khi chúng ta sắp chết chúng ta sẽ tiếc nuối vòng đời, chúng ta sẽ được tua lại, trong đó, có những việc chúng ta tiếc là mình đã làm, và cũng có những việc chúng ta tiếc là đã không làm
  • Tích Lũy Nghiệp: là nghiệp sinh ra trong quá trình chúng ta sống. Nghiệp được sinh ra bởi Tâm, Thân, Khẩu. Mỗi một lời nói, suy nghĩ, hành động của chúng ta đều giống như đang gieo hạt, và hạt đó sẽ sinh ra quả tốt hay xấu tương ứng
  • Tập Quán Nghiệp: là thói quen của chúng ta sinh ra nghiệp
  • Cực Nghiệp: Nghiệp tạo ra, gây ra hậu quả nghiêm trọng, trái với luân thường đạo lý như: giết người.

Luật Nhân Quả trong Phật giáo, cũng khá tương đồng với Hindu giáo, trong quan điểm về Nghiệp Báo và Luân Hồi. Nhưng đứng trên góc độ xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, không phân biệt cao thấp, thì Phật giáo lại đi ngược lại với xã hội phân chia gia cấp hay phân biệt đẳng cấp mà Hindu giáo muốn tạo dựng.

Đó là những nét căn bản về định nghĩa, cũng như quan điểm và diễn giải của Hindu giáo và Phật giáo về Nghiệp và Luân Hồi.

Vậy còn quan điểm về, Con Đường Giải Thoát theo Hindu giáo và Phật giáo thì như thế nào?

Đứng trên góc độ của bản thể luận đến hiện tượng luận, thì cả Phật giáo lẫn Hindu giáo đều thống nhất rằng: cuộc đời này là sự giả tạm, là đau khổ. Bởi thế, sự giải thoát khỏi sự giả tạm và khổ đau là yêu cầu cấp thiết nhất mà tất cả các thế hệ tư tưởng của Ấn Độ đều nỗ lực tìm kiếm.

Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ về triết lý và tư tưởng, thì hai tôn giáo này đều có những mục đích khác nhau.

Đối với Hindu giáo, nếu một tiểu ngã muốn đạt được sự giải thoát thì tiểu ngã đó phải quay trở về với bản thể Phạm Thiên (đại ngã). Vì sao?

Bởi vì, Tiểu Ngã đã ngày càng xa rời khỏi những quy luật của đấng sáng tạo Phạm Thiên tạo ra. Linh hồn của tiểu ngã đã bị vô minh, dục vọng làm ô nhiễm nên bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi và khó có thể trở về hợp nhất với đại ngã được nữa.

Cho nên, muốn trở về, tiểu ngã cần phải diệt được dục vọng, và vô minh. Và muốn diệt được dục vọng, và vô minh, thì phải dùng Yoga để đạt được những trạng thái thiền định. Chính trạng thái thiền định này sẽ giúp cho tiểu ngã hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng của Ý Thức, nơi mà, theo quan điểm của Hindu giáo, chính là nguyên nhân gây ra: sự phân biệt đối đãi, vô minh, và ham muốn của tiểu ngã.

Bởi thế, Hindu giáo, chủ trương dùng trí tuệ đạt được, qua cách thể nhập vào các loại định Yoga để loại bỏ sự kiềm tỏa của Ý Thức. Khi sự kiềm tỏa từ Ý Thức bị đứt đoạn, rụng rơi, thì lúc đó, tiểu ngã mới có sự giải thoát, và tiểu ngã mới có thể được hòa nhập vào đại ngã.

Còn đối với Phật giáo, phạm trù giải thoát, bao gồm: đối tượng để giải thoát, phương pháp và kết quả:

Về đối tượng giải thoát, Phật giáo cùng quan điểm với Hindu giáo rằng: cuộc đời của con người là đau khổ. Và nỗi khổ này, không có nguyên nhân nào khác ngoài vô minh, ái dục. Cho nên, muốn hết khổ thì phải loại bỏ những nguyên nhân này.

Tuy nhiên, quan điểm về vô minh của Phật giáo lại khác với Ấn Độ giáo, khi Ấn Độ giáo cho rằng: vô minh là do mối quan hệ giữa Ý Thức và cảm giác hiện tượng quá sâu đậm dẫn đến sự mê đắm, từ đó, đánh mất đi tính chất thanh cao của bản ngã nên bị luân hồi sanh tử; thì Phật giáo, lại cho rằng: khi người thực tập không đủ khả năng nhận ra được bản chất như thật của các pháp thì đó gọi là vô minh.

Bản chất Như Thật ở đây, tức là bản chất Không Thật Tính của các pháp. Và Phật giáo cũng cho rằng: muốn giải thoát, thì người thực tập phải có khả năng nhận ra được bản chất Như Thật của các pháp.

Trong khi quan điểm của Hindu giáo, chú trọng vào việc đưa bản ngã của con người ra khỏi tầm ảnh hưởng của Ý Thức, thì Phật giáo lại chú trọng đến sự phát triển Ý Thức lên đỉnh điểm của nhận thức để chuyển hóa tâm thức và giác ngộ được Thật Tính của các pháp.

Về phương pháp giải thoát, do vì quá chú trọng đến sự thể nhập của tiểu ngã vào đại ngã làm đối tượng, nên các phương pháp của Hindu giáo thường sử dụng các lễ nghi, nghiên cứu kinh Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, và thực hành Yoga, với mục đích hạn chế Ý Thức để đạt được giải thoát.

Trong khi đó, Phật giáo lại cho rằng: Người thực tập muốn đạt được Giải Thoát phải là người có khả năng nhận ra được các pháp như “Nó Đang Thật Là”. Điều này, đã được đức Phật dậy như sau: Ai thấy được lý Duyên Khởi thì người ấy thấy được Pháp. Ai thấy được Pháp thì người ấy thấy Phật.

Bởi vậy, trong Phật giáo, các pháp môn, dù là lễ bái, niệm Phật, hay tọa thiền, v.v., tất cả đều lấy việc, nâng cao sự nhận thức của tâm thức lên đến tột đỉnh của sự giác ngộ. Nói khác hơn, tất cả chỉ để hoàn thiện tính năng tự hoạt của tâm, mà một trong các đại diện của cái tâm đó là Ý thức.

Đó chính là những nét căn bản về Con Đường Giải Thoát của Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Dĩ nhiên, ngoài Ân Độ giáo và Phật giáo, thì các tôn giáo khác cũng có những quan điểm về Nghiệp, Luân Hồi, và con đường giải thoát để truyền giảng giáo pháp của mình.

Nếu chúng ta đều đi tìm hiểu từng tôn giáo một thì sẽ tốn rất nhiều thời gian, và cũng khiến đề tài sẽ trở nên rộng hơn, dễ khiến cho chúng ta choáng ngợp.

Chính vì vậy, chúng ta chỉ nên chú trọng đến Ấn Độ giáo và Phật giáo, vì cả hai tôn giáo này có những sự liên hệ đặc biệt như sau:

  • Vì giáo lý của đạo Phật có sau giáo lý của Ấn Độ giáo, nên trong hàng đệ tử của đức Phật, cũng có khá nhiều các bậc tôn giả, đã từng thực hành, hay ít nhiều đã thấm nhuần những tư tưởng của kinh Áo Nghĩa Thư hay Vệ Đà; mà ngay cả đức Phật, khi còn là thái tử, cũng đã thực tập qua những bộ kinh này.

Vì vậy, khi giảng dậy cho những vị tôn giả, đức Phật đã dùng khá nhiều những tư tưởng của kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư để giúp cho những tôn giả, đã có những kinh nghiệm về các kinh này, có thể dễ lĩnh hội được những quan điểm khác biệt giữa hai tôn giáo.

  • Trong thời đức Phật còn tại thế thì Ấn Độ giáo đang sinh hoạt rất mạnh tại Ấn Độ.Trong kinh điển của đạo Phật, cũng đã nhắc đến những bậc thức giả Bà La Môn đã từng ghé qua những tu viện nơi đức Phật cư trú để chất vấn và tranh luận.

Cho nên, trong những nét căn bản giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo đã có rất nhiều tư tưởng về giáo lý gần như giống nhau, nhưng mục đích thì lại hoàn toàn khác nhau.

Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ nên tập trung quan sát và nhìn sâu vào hai tôn giáo này mà thôi. Chứ không phải, giáo lý hay tư tưởng của hai tôn giáo này vĩ đại hơn, thâm sâu hơn, vi diệu hơn, hay chánh đạo hơn các tôn giáo khác.

Này hai bạn trẻ, khi chúng ta quan sát và nhìn sâu vào sự Trải Nghiệm và Dụng Nghiệm của đức Phật, Ai trong chúng ta cũng đều công nhận rằng, đức Phật là bậc Giác giả, là người đã tiếp xúc được với Sự Thật, một người có khả năng nhận ra, biết ra, được Bản Chất Như Thật của các Pháp.

Cho nên, nếu như Ngài được sinh ra ở thế giới hôm nay, chắc chắn, Ngài sẽ diễn giải về Nghiệp, Luân Hồi và Nhân Quả không dựa trên tư tưởng của Ấn Độ giáo, mà Ngài sẽ sử dụng ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của hiện đại sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều.

Thật bất hạnh thay, chúng ta không có nhân duyên đó. Cho nên, chúng ta phải dùng sự quan sát và nhìn sâu của chúng ta để tiếp cận với sự thật, tiếp cận với các pháp “Chân Thật Như Đang Là”.

Muốn làm được việc đó, đầu tiên, chúng ta cần, đó là: quan sát sự hình thành của thuyết Nghiệp, Luân Hồi và Nhân Quả.

Rõ ràng, thuyết về Nghiệp và Luân hồi được hình thành, theo Ấn Độ giáo (ngày nay), hay Vệ Đà giáo (ngày xưa), nhằm mục đích giúp các vị Bà La Môn có thể giải thích được lý do tại sao có sự phân biệt gia cấp trong xã hội.

Theo những tài liệu của các nhà nghiên cứu về Ấn Độ giáo, ngày nay, hay Vệ Đà giáo, Bà La Môn giáo, ngày xưa, thì Bà La Môn giáo, hay Vệ Đà giáo, phát triển đến thế kỷ thứ nhất sau tây lịch thì cải biến thành Ấn Độ giáo. Tôn giáo này, quy định thứ tự của các đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ như sau:

Đứng đầu là các vị Bà La Môn (Brahman), bao gồm: những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả, và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người nắm giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, và cúng bái.

Vệ Đà giáo, hay Ấn Độ giáo, quy định, các vị Bà La Môn là đẳng cấp cao thượng nhất, được sinh ra từ miệng của Phạm Thiên. Họ có toàn quyền thay Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc. Cho nên, họ có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất. Dân chúng Ấn Độ nhất định phải tuân theo và tôn trọng đẳng cấp này. Nếu không, họ sẽ bị trừng phạt từ Phạm Thiên.

Vị Trí thứ hai, thuộc về Sát Đế Lỵ, hay Sát Đế Lợi (Kshastriya) là hàng vua chúa quý phái. Ấn Độ giáo quy định, những Sát Đế Lợi này, sinh ra từ cánh tay của Phạm Thiên và họ có thể thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

Vị Trí thứ ba, thuộc về Vệ Xá (Vaisya) là những người bình dân, thương gia, nông dân. Ấn Độ Giáo quy định, họ sinh ra từ bắp vế của Phạm Thiên, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước như: kinh doanh, mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia.

Vị Trí thứ tư, thuộc về Thủ Đà La (Sudra) là hàng tiện dân. Ấn Độ giáo quy định, họ sinh ra từ gót chân của Phạm Thiên, nên phải thủ phận và phải phục vụ các giai cấp trên.

Vị trí thứ năm, thuộc về Chiên Đà La (Pariah, Dalit) là giai cấp người cùng khổ, nô lệ. Ấn Độ giáo quy định, họ là đẳng cấp hạ tiện nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất như: gánh phân, dọn nhà vệ sinh, giết mổ gia súc, v.v, và bị coi như sống ngoài lề xã hội, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ty tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay hay chân vào những người thuộc các đẳng cấp khác. Thậm chí, họ còn không được giẫm lên cái bóng của những người thuộc đẳng cấp cao như: Bà La Môn, Sát Đế Lỵ, v.v.

Không dừng lại ở đó, cũng theo những giáo điều này, Ấn Độ giáo, cũng quy định rất nghiêm khắc về cách “cha truyền con nối”, như:

Tổ tiên thuộc đẳng cấp nào thì con cháu cũng thuộc đẳng cấp đó. Cho dù, một người ở đẳng cấp thấp hơn, có giỏi giang, cố gắng đến đâu thì cũng không thể được xếp lên đẳng cấp cao hơn.

Thí dụ: một người Thủ Đà La cho dù có tài năng xuất chúng, có chiến đấu dũng cảm, lập  được nhiều chiến công đến đâu thì cũng mãi chỉ là lính, không bao giờ được bổ nhiệm làm tướng, vì chức vị đó chỉ dành cho những người thuộc đẳng cấp Sát Đế Lỵ.

Hay, người thuộc các đẳng cấp chênh lệch xa thì không được kết hôn với nhau. Thí dụ: một người thuộc đẳng cấp Bà La Môn, Sát Đế Lỵ thì chỉ có thể kết hôn với một người cũng thuộc đẳng cấp Bà La Môn, hoặc Sát Đế Lỵ, cùng lắm cũng chỉ kết hôn với một người Vệ Xá giầu có, chứ tuyệt đối không được kết hôn với Thủ Đà La.

Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, Bà La Môn là cấp cao nhất trong hệ thống xã hội phân chia tầng lớp ở Ấn Độ.

Như vậy, qua các tài liệu ghi chép, chúng ta có thể thấy, giới cầm quyền Bà La Môn đã đưa ra thuyết Nghiệp và Luân hồi cũng như Nhân Quả có hai mục đích rõ rệt:

  • Mượn Thần Linh và lợi dụng sự hiểu biết nông cạn của người dân, về vấn đề sợ chết, chết đi về đâu, hay tại sao họ nghèo khó, hay tại sao họ phải phục tùng, v.v. để đặt ra những tư tưởng nhằm giải thích những hiện tượng, tình trạng hay hoàn cảnh của con người, và chỉ dựa trên sự phỏng đoán mà không hề đúng sự thật.
  • Dùng những tư tưởng Nghiệp, Luân Hồi, Nhân Quả để bảo vệ quyền hành và quyền lợi của chính họ. Cũng như, đặt ra những sự trừng phạt, đọa đầy qua thần linh đối với những ai có những tư tưởng chống đối lại những sự bất công do họ tạo nên.

Chính vì những mục đích này, cho nên, chúng ta cũng không lấy làm lạ, khi kinh điển của Áo Nghĩa Thư đã định nghĩa Nghiệp, là tổng số các hành động của một người, và là lực, sẽ quyết định sự đầu thai kế tiếp của người đó qua vòng xoay, luân chuyển (Luân Hồi) của việc chết, và tái sinh.

Nếu chúng ta chịu khó quan sát và nhìn sâu vào trong định nghĩa này, chúng ta thấy, có nhiều điều thiếu chính xác, khi Kinh Áo Nghĩa Thư cho rằng: Nghiệp là tổng các hành động và là lực, thúc đẩy sự đầu thai, hay tái sinh của người nào đó trong lục đạo luân hồi.

Qua trải nghiệm, cũng như qua thực nghiệm, ai trong chúng ta cũng có thể biết rất rõ ràng. Nếu chúng ta muốn hành động một việc gì đó thì chúng ta phải có sự tư duy, hay có cảm xúc/giác trước đó.

Hay cho dù, chúng ta có hành động theo thói quen, thì trước khi muốn biến thành thói quen, được lập đi lập lại nhiều lần, thì mỗi lần chưa trở thành thói quen, chúng ta cũng phải có suy nghĩ, hay có cảm xúc/giác về việc làm đó trước khi có hành động. Chứ không thể nào, không có sự tư duy hay cảm xúc/giác mà chúng ta có thể hành động được.

Thí dụ, chúng ta bị muỗi chích và bị ngứa. Nếu như mới lần đầu thì vùng bị muỗi chích do Thân Thể Thức gởi về cho Tiềm Thức, và đưa vào kho Ngã Thức. Ngã Thức khi tiếp xúc với vùng bị muỗi chích mới khích hoạt cảm giác Ngứa. Vì cảm giác ngứa gây ra khó chịu nên Ngã Thức liền sử dụng Ý Thức để tìm phương pháp làm dịu cảm giác ngứa.

Ý Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức thì mới dùng khả năng phân tích để tìm ra phương pháp giải quyết. Sau khi Ý Thức phân tích, so sánh, và tìm ra phương pháp xong thì gởi về kho dữ liệu của Tiềm Thức.

Vì cảm giác Ngứa đang có mặt trong Ngã Thức, nên Tiềm Thức sẽ sắp xếp những phương pháp từ phân tích của Ý Thức vào kho của Ngã Thức. Ngã Thức khi tiếp nhận các phương pháp từ Ý Thức, mới tác động lên Thân Thể Thức. Thân Thể Thức khi nhận lệnh từ Ngã Thức mới điều khiển đôi tay đưa vào chỗ ngứa để gãi.

Nếu như chỗ bị ngứa, lại rơi vào chỗ mà đôi tay không thể chạm đến để gãi, thì Thân Thể Thức sẽ gởi vấn đề: “tay không thể chạm đến chỗ gãi” về kho của Ngã Thức trong Tiềm Thức.

Ngã Thức lại sử dụng Ý Thức đi phân tích vấn đề “tay không chạm được chỗ gãi” để tìm ra những phương pháp khác, thí dụ như: dựa chỗ ngứa vào tường để gãi, hay dùng một que gãi có cán dài để gãi v.v. và gởi những phương pháp này về lại cho Tiềm Thức.

Tiềm Thức lại sắp xếp vào kho Ngã Thức, và Ngã Thức lại ra lệnh cho Thân Thể Thức, ứng dụng những phương pháp từ Ý Thức để giải quyết cảm giác Ngứa. Khi Thân Thể Thức đã chạm vào chỗ Ngứa, và giải quyết được cảm giác đó, và khi cảm giác Ngứa không còn có mặt trong Ngã Thức thì Thân Thức sẽ đem những phương pháp giải quyết đó, gởi về Tiềm Thức lưu giữ.

Tiềm Thức sắp xếp những phương pháp giải quyết đó vào trong kho của Ngã Thức, và chúng ta quen gọi những phương pháp được tích lũy hay lưu giữ trong kho Ngã Thức này là những kinh nghiệm sống của một cá thể.

Trong trường hợp chúng ta liên tục bị muỗi chích, và bị ngứa. Những kinh nghiệm tích lũy trong Ngã Thức được sử dụng nhiều lần, thành thói quen, thì lúc đó, chúng ta chẳng cần phải suy nghĩ phải làm gì, mà tự động, lúc đó, chúng ta tùy theo chỗ ngứa ở vị trí nào mà giải quyết một cách rốt ráo dựa trên những phương pháp đã có sẵn.

Nếu như, lại rơi vào trường hợp, chưa có những phương pháp có trước, hay tích lũy trong kho Ngã Thức không có, thì lập trình  trên lại được lập lại theo đúng sự vận hành của các Thức.

Như vậy, nếu quan sát sâu hơn về sự vận hành của các Thức, chúng ta thấy, nếu cảm giác ngứa không có mặt nơi Ngã Thức, cũng như, Ngã Thức, nếu không muốn giải quyết cảm giác ngứa, vì còn đang bận giải quyết những vấn đề khác quan trọng hơn, thì chúng ta không thể có hành động gãi theo sau.

Trạng thái này, chúng ta gọi là sự vô cảm của Ngã Thức với cảm giác ngứa. Nghĩa là, không có nguồn năng lượng nào sinh khởi từ Ngã Thức để đi giải quyết vấn đề của Ngứa, cho nên, không có hành động gãi, tiếp theo.

Thế nên, qua sự quan sát và nhìn sâu vào sự vận hành của các Thức, chúng ta thấy, định nghĩa của Nghiệp theo Áo Nghĩa Thư, là tổng số hành động, và là lực điều khiển đến sự tái sinh hay luân hồi theo lục đạo thì hoàn toàn không hợp lý, và không đúng với sự thật, cũng như không đúng với sự vận hành của các Thức.

Nếu nói chính xác hơn, thì sự tư duy hay cảm xúc/giác mới chính là nguồn lực để tạo ra sự tái sinh theo luân hồi, chứ không thể nào là Nghiệp được.

Và điều này, chúng ta lại thấy rất rõ, trong phần con đường giải thoát, Áo Nghĩa Thư cho rằng: Ý Thức mới chính là nguyên nhân tạo ra sự ràng buộc mê đắm và tạo ra sự tái sinh trong sinh tử luân hồi.

Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta chỉ đang quan sát đến góc độ định nghĩa về Nghiệp là lực, là tổng số các hành động mà thôi, chứ chúng ta chưa quan sát đến có tái sinh, và có luân hồi hay không? Vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục quan sát khi thực nghiệm về tái sinh luân hồi và nhân quả.

Như vậy, qua sự quan sát về sự hình thành gia cấp của các vị Bà La Môn trong Bà La Môn giáo, hay Vệ Đà giáo, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lý do tại sao lại có thuyết về Nghiệp, Luân Hồi, và Nhân Quả được hình thành, và diễn giải có lợi ích lớn hơn, cho các vị chức sắc Bà La Môn.

Vấn đề này, chúng ta cũng lại thấy trong một số kinh điển của giáo lý của đạo Phật đã được đề cập đến như bạn Diệu Hiền đã trình bầy:

“Nghiệp là hành động chịu ảnh hưởng của luật Nhân Quả, vì mỗi một hành động làm ra, được gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp.

Hay không phải hành động nào cũng tạo ra Nghiệp. Nghiệp chỉ được tạo ra, khi có một sự tác ý. Và khi đã tạo ra Nghiệp, thì Nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tái sanh trong vòng sinh tử luân hồi.”

Nếu chúng ta lại quan sát và nhìn sâu vào sự vận hành của các Thức, thì chúng ta cũng thấy, định nghĩa của đạo Phật cũng có những vấn đề tương tự như Ấn độ giáo. Có nghĩa là, những định nghĩa này chỉ dựa trên sự suy luận, và phỏng đoán mà không hề có sự tiếp xúc với sự thật.

Trước tiên, chúng ta hãy quan sát định nghĩa về Nghiệp theo đạo Phật, là hành động chịu ảnh hưởng của luật Nhân Quả, vì mỗi một hành động làm ra, được gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp.

Định nghĩa như thế này có chuẩn không?

Chắc chắn là không chuẩn, Vì sao? Vì qua sự quan sát vận hành của các Thức thì hành động luôn đến sau sự tư duy hay cảm xúc/giác có trước trong Ngã Thức. Cho nên, hành động phải thuộc về Quả, chứ không phải là Nhân; và cái Nhân thật sự phải là sự tư duy hay cảm xúc/giác, chứ không phải là hành động.

Theo luật Nhân Quả, cái gì có trước và qua tác động sinh ra cái có sau, thì cái có trước, được gọi là Nhân hay Nguyên Nhân, và cái có sau gọi là Quả, Kết Quả hay Hậu Quả.

Theo định nghĩa, trong câu đầu: “hành động chịu ảnh hưởng của luật Nhân Quả” điều này chính xác, vì hành động có hay không, còn tùy thuộc vào sự quyết định hay trạng thái của Ngã Thức lúc đó đang là gì. Cho nên, có hai trường hợp sẽ xẩy ra theo vận hành của các Thức: một, có xẩy ra hành động, và hai, không có xẩy ra hành động.

Chính vì, hành động chịu sự tác động trực tiếp từ cái Nhân trong Ngã Thức, hay nói, Quả-hành động chịu ảnh hưởng từ luật Nhân Quả, là điều vô cùng hợp lý và đúng với sự thật về sự vận hành của các Thức.

Chắc chắn, định nghĩa này, phải phát xuất từ một bậc Giác giả, một người đã tiếp xúc với sự thật, mới có thể diễn giải như vậy.

Nhưng nếu quan sát tiếp câu thứ hai, chúng ta lại thấy, định nghĩa của đạo Phật lại gần giống với định nghĩa của Áo Nghĩa Thư, chỉ khác trong cách sử dụng những từ ngữ, nhưng nội dung lại hoàn toàn dựa vào sự phỏng đoán khi cho rằng:

“Vì mỗi một hành động làm ra, được gọi là nguyên nhân, đều có một hậu quả tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho một hậu quả kế tiếp.”

Như chúng ta đã từng quan sát về các chức năng của Ngã Thức, chúng ta đều biết rằng, trong Ngã Thức có chức năng về Đạo Đức. Và trong phần Đạo Đức lại được chia làm ba phần riêng biệt, gồm cặp đối lập: Thiện-Ác, và phần thứ ba thuộc về Trung Tính, không Thiện, không Ác.

Thí dụ như, nhà thơ Xuân Diệu, khi diễn tả về nỗi buồn của mình ông đã viết:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn, không hiểu, vì sao tôi buồn.

Qua hai câu thơ này, nếu chúng ta quan sát theo sự vận hành của các Thức, chúng ta thấy, ông Xuân Diệu, khi nhìn lên trời, thấy mây bay trên cao, và nẩy sinh một cảm giác buồn.

Vì cảm giác buồn của ông thuộc về Trung Tính, không thiện, không ác, nên ông chẳng có bất cứ một hành động Ác hay Thiện nào kế tiếp để giải quyết nỗi buồn của ông.

Ngã Thức của ông, cũng không muốn giải quyết nỗi buồn của ông qua việc ra lệnh cho Ý Thức đi tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao ông có nỗi buồn, và ông cũng chẳng muốn Ý Thức của ông tìm ra phương pháp để giải quyết nỗi buồn.

Vì vậy, ông đã sử dụng hai từ “không hiểu”, để diễn tả về Ngã Thức của ông đang hoạt động như thế nào. Nghĩa là, ông đã cho biết, ông không sử dụng khả năng phân tích của Ý Thức để đi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gây ra nỗi buồn của ông, hay tìm ra phương pháp giải quyết nỗi buồn của ông.

Mà ở đây, ông chỉ sử dụng Ý Thức để nhận diện ra nguồn năng lượng đang có trong ông, đó là nỗi buồn. Mà nỗi buồn đã qua sự phân tích của Ý Thức được xác định, đó không phải là những nguồn năng lượng khác như: chán, nản, khó chịu, v.v., nên ông khẳng định, đó là ông đang buồn, chứ không phải ông đang chán, hay ông đang khó chịu.

Nếu chúng ta quan sát và nhìn sâu, trên góc độ của Nhân Quả thì sẽ có bốn trường hợp xẩy ra.

Trường hợp thứ nhất, thuộc về cách ứng dụng trong việc ứng xử của cá nhân ông Xuân Diệu với những người chung quanh. Nếu như ông Xuân Diệu có nỗi buồn, và muốn giải quyết nỗi buồn của ông bằng cách đi gây chuyện, cãi vã, bạo hành với người khác để giải tỏa nỗi buồn, thì nỗi buồn của ông là nguyên nhân, gây ra hậu quả là hành động: gây chuyện, cãi vã, hay bạo hành với người khác. Và hành động này của ông sẽ kéo theo những hậu quả khác như: bị thương tích, phải bồi thường, hay bị giam cầm v.v.

Trường hợp này, xẩy ra đúng với một phần của định nghĩa trên, có nghĩa là, hành động của ông Xuân Diệu đã là nguyên nhân kế tiếp gây ra Hậu Qủa, không phải chỉ có Một Hậu Quả không, mà có khi lại tạo ra nhiều Hậu Quả như: bị bắt giam, bị thương tích, bị bồi thường v.v.

Và nếu chúng ta quan sát và nhìn sâu hơn, chúng ta thấy, cái Quả của hành động để tạo ra các Nhân mới, không phải là cái Nhân chính. Cái Nhân chính là nỗi buồn của ông. Nếu ông không có nỗi buồn, và lại không lựa chọn những hành động mang tính bạo động thì ông không tạo ra các nhân mới được.

Trường hợp thứ hai, như hai câu thơ của ông, ông chỉ cảm nhận được ông đang buồn, ông không tìm cách giải quyết nỗi buồn của ông qua người khác. Ông không dùng Ý Thức của ông để tìm hiểu tại sao ông buồn. Ông chỉ nhận biết trong ông đang có nỗi buồn, và ông không có bất cứ một hành động nào, đối với chính thân thể ông, hay với bất cứ ai khác.

Cho nên, tuy ông đang có Nhân là nỗi buồn, nhưng ông lại không tạo ra bất cứ một Quả hành động nào cả. Như vậy, trong trường hợp này thì chỉ có Nhân nhưng lại không có Quả.

Vậy thì trong trường hợp thứ hai này, định nghĩa trên hoàn toàn không hợp lý, và thiếu độ chính xác.

Trường hợp thứ ba, khi ông cảm nhận được nỗi buồn trong ông, thay vì kết hợp với những nguồn năng lượng tiêu cực như đi gây hấn, bạo hành, thì ông lại kết hợp nguồn năng lượng nỗi buồn vu vơ, thuộc về Trung Tính của ông, với những nguồn năng lượng tích cực, như: hối lỗi (vì chưa làm tròn những trách nhiệm với đất nước), hay cảm thông (những nỗi buồn của người khác, nên không sáng tác những vần thơ buồn, để tưới tẩm những hạt giống đó), và có những hành động tích cực như: siêng năng làm việc hơn khi buồn, sống có ý thức hơn; thì những hành động này, lại không gây ra Hậu Quả, mà lại là Kết Quả.

Như trường hợp thứ ba này thì định nghĩa trên lại hoàn toàn trái ngược với những gì xẩy ra trong thực tế.

Trường hợp thứ tư, đó là trường hợp chỉ liên quan đến chính cá nhân của ông Xuân Diệu, đó là trường hợp nỗi buồn của ông lại là Quả, chứ không phải là Nhân.

Có nghĩa là, nỗi buồn mà ông có, đến từ một khởi niệm nào trong Ngã Thức của ông khi qua sự tiếp xúc của ngũ quan, ngũ thức hay Ý Thức. Qua sự tiếp xúc này, mới sinh ra nỗi buồn. Ở đây, nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định, cái Qủa nỗi buồn của ông, đến qua sự tiếp xúc của mắt với trời cao, mây trắng, và qua Nhãn Thức, nhận diện được hình sắc, mới tạo ra nỗi buồn.

Nếu ông Xuân Diệu là một người Thể Nghiệm, muốn đi tìm sự thật thì ông sẽ sử dụng Ý Thức của ông để tìm ra nguyên nhân thật sự gây ra nỗi buồn.

Nhân nói về Ý Thức, chúng ta có thể quan sát về sự khác biệt giữa định nghĩa giữa Trí và Tuệ, mà phần lớn chúng ta đã có những lầm lẫn giữa hai định nghĩa này.

Định nghĩa của Trí là: sự quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, nhân dạng, và phỏng đoán, theo chiều nông, và định nghĩa của Tuệ là: sự quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, nhận dạng, nhưng không có sự phỏng đoán, và theo chiều sâu.

Như vậy, định nghĩa giữa Trí và Tuệ gần giống nhau về khả năng: quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, nhân dạng, nhưng khác nhau, là Trí có thêm sự phỏng đoán và phát triển theo chiều nông. Còn Tuệ, thì không có sự phỏng đoán và phát triển theo chiều sâu.

Để kiểm chứng định nghĩa này, chúng ta có thể dùng phương pháp của Tứ Diệu Đế hay Bốn Bước làm minh họa:

Thí dụ, Nếu ông Xuân Diệu muốn đi tìm nguyên nhân gây ra nỗi buồn của ông, thì ông có thể sử dụng Tập Đế hay Bước Thứ Hai như sau:

Tại sao tôi buồn?

Tôi buồn vì mắt tôi tiếp xúc với những đám mây bay trên bầu trời.

Tại sao những đám mây bay trên trời lại khiến tôi buồn?

Vì tôi cảm thấy những đám mây kia, tụ tán vô thường, không biết lúc nào còn, lúc nào mất.

Tại sao tụ tán vô thường lại khiến tôi buồn?

Vì tôi nghĩ đến đời sống của tôi, cũng vô thường như đám mây, rồi có một ngày nào đó tôi sẽ chết. Và tôi rất sợ cảm giác chết.

Tại sao lại sợ chết?

Tại vì, tôi không biết, khi tôi chết sẽ đi về đâu.

Dĩ nhiên, nếu ông Xuân Diệu tiếp tục hỏi tại sao, ông sẽ biết được gốc rễ thật sự, hay cái Nhân đã gây ra nỗi buồn của ông.

Khi đã tìm được cái nhân, hay gốc rễ thật sự gây ra nỗi buồn, ông sẽ ứng dụng Đạo Đế, hay Bước Thứ Ba, để đi giải quyết vấn đề đó. Và khi giải quyết được vấn đề đó, bằng cách chấm Dứt từ Cái Nhân thì cái Quả là nỗi buồn của ông được giải quyết một cách triệt để.

Qua thí dụ trên, chúng ta thấy, ai trong chúng ta cũng có khả năng sử dụng Trí và Tuệ. Nhưng tiếc thay, chúng ta hay sử dụng những nguồn năng lượng tiêu cực như: lười biếng, do dự, chán nản v.v. cho nên, chúng ta thường làm việc qua loa, vì vậy, chúng ta thường sử dụng Trí nhiều hơn dùng Tuệ.

Thông thường, chúng ta cũng như nhà thơ Xuân Diệu, sẽ chỉ dừng lại ở câu trả lời số một, và phỏng đoán, cho rằng, đó chính là cái Nhân tạo ra nỗi buồn của chúng ta. Nhưng khi dùng Tuệ, chúng ta không dừng lại ở câu trả lời số một, mà chúng ta lại tiếp tục nhìn sâu hơn. Cho nên, chúng ta có khả năng để tiếp xúc với sự thật mà không cần đến sự phỏng đoán.

Nếu như, nhà thơ Xuân Diệu, hay chúng ta, dừng lại ở câu số bốn thì chúng ta thấy, nguyên nhân gây ra nỗi buồn của Xuân Diệu bắt nguồn từ cái Nhân “sợ chết không biết về đâu”, chứ không phải từ trời xanh mây trắng.

Giả sử như, đó chính là gốc rễ, thì khi áp dụng Đạo Đế, hay Bước Thứ Ba, chúng ta sẽ có những cách giải quyết hoàn toàn khác nhau, cũng như, sẽ tạo ra Hậu Quả hay Kết Quả khác nhau.

Thí dụ, qua Bước Thứ Ba, tìm những phương pháp giải quyết vấn đề từ cái Nhân. Nếu chúng ta dùng Trí, và dừng lại ở câu hỏi số một, thì chúng ta sẽ gặp vô số các vấn đề kế tiếp khi hỏi:

Làm sao giải quyết nỗi buồn, đem đến từ trời xanh mây trắng?

Chúng ta sẽ rơi vào trạng thái bế tắc, vì chúng ta không thể làm sao thay đổi được cái Nhân trời xanh mây trắng kia. Và nếu như, Ngã Thức của chúng ta đã Tin Trời Xanh mây trắng kia chính là cái Nhân, và lại không thể chuyển hóa, hay thay đổi cái Nhân, vì nằm ngoài tầm tay của chúng ta, thì chúng ta tạo ra một hậu quả là không thể giải quyết vấn đề này, và hậu quả này sẽ khích hoạt tạo ra một Nhân mới, đó là cảm giác thất vọng.

Cảm giác thất vọng mới được tạo ra sẽ kết hợp với nỗi buồn của chúng ta có sẵn, thành một nguồn năng lượng “không tên” mạnh mẽ hơn, và  nếu nguồn năng lượng này, liên tục xẩy ra, sẽ khích hoạt nguồn năng lượng tự ty, thấy mình nhỏ bé, v.v.

Và nếu chúng ta lại không thể giải quyết thì những nguồn năng lượng này lại tiếp tục kết hợp với những nguồn năng lượng khác, và trở nên mạnh mẽ hơn; cuối cùng, khống chế Ngã Thức của chúng ta và sẽ tạo ra những hậu quả liên tục.

Đây, cũng chính là những lý luận của Ấn Độ giáo, khi cho rằng Ý Thức là mầm mống hay là Nguyên Nhân gây ra sự mê đắm của con người. Hay đúng hơn, chúng ta sử dụng Trí nên tạo ra nhiều Hậu Quả.

Nếu chúng ta quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy, sự khởi đầu của nhà thơ Xuân Diệu có thể chỉ là một nỗi buồn vu vơ qua sự tiếp xúc với trời xanh, mây trắng. Nhưng qua việc sử dụng Trí, để giải quyết nỗi buồn, qua sự thiếu nhìn sâu và dùng phỏng đoán, chúng ta có thể tạo ra vô số những nguồn năng lượng “không tên”, và chính những nguồn năng lượng không tên này là nguyên nhân gây ra các hậu quả kế tiếp.

Còn nếu như chúng ta sử dụng Tuệ thì câu hỏi sẽ như sau:

Làm sao có thể giải quyết nỗi buồn khi sợ chết và chết đi về đâu?

Sợ chết là vấn đề thuộc về phạm trù của Ngã Thức, về quan điểm, nhận thức của Ngã Thức, cũng như niềm tin của Ngã Thức vào những kinh nghiệm đã tích lũy.

Vì thuộc về Ngã Thức, cho nên, vấn đề “sợ chết” nằm trong tầm tay của chúng ta, có thể thay đổi được. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách kiểm tra lại niềm tin của chúng ta có đúng không? Chúng ta có thể kiểm tra lại những nhận thức của chúng ta có đúng không?

Chúng ta cũng có thể học hỏi những kinh nghiệm của những người đã sợ chết, và họ đã dùng những nhận thức nào, hay niềm tin của họ sẽ tin thế nào, để thay thế cho những nhận thức, hay niềm tin lệch lạc của chúng ta trong quá khứ. Hay chúng ta có thể quan sát những hiện tượng, tình trạng đang xẩy ra, để nhận thấy, sự lệch lạc, và chỉnh sửa lại cho đúng, v.v.

Khi những nhận thức và niền tin lệch lạc đã được chỉnh sửa lại cho đúng (Nhân), và có thể giải quyết được nỗi buồn của chúng ta, thì chúng ta đã chấm dứt được cái Quả nỗi buồn của chúng ta mà không còn tạo ra thêm những Hậu Quả, thì chúng ta gọi cái Quả đó là Kết Quả. Quả không còn tạo ra nhân mới, để sinh ra các Hậu Quả khác.

Quá trình này, được gọi là Giải Thoát hay Kiến Ngộ, qua việc quan sát và nhìn sâu, tiếp xúc với gốc rễ, nguyên nhân chính, hay sự thật, mà không hề có sự phỏng đoán.

Đây, chính là lý do, tại sao đức Phật lại khuyến khích các đệ tử của ngài phát triển Ý thức đến độ cao nhất.

Nếu nói chính xác hơn, không phải phát triển Ý Thức đến độ cao nhất, mà là sử dụng sự quan sát và nhìn sâu của Tuệ Giác để giải thoát khỏi những định kiến, nhận thức sai lầm đã tích lũy trong Ngã Thức.

Như vậy, qua bốn trường hợp nêu trên, trong đó có ba trường hợp, mà nỗi buồn được coi là Nhân, và mỗi trường hợp, lại đưa ra những Hậu Quả, hay Kết Quả khác nhau. Không giống như định nghĩa của đạo Phật khi cho rằng:

“vì mỗi một hành động làm ra, được gọi là nguyên nhân, đều có MỘT hậu quả tương ứng; và hậu quả sẽ trở thành nguyên nhân cho MỘT hậu quả kế tiếp.”

Điều này chỉ đúng với duy nhất một trường hợp, khi Qủa Hành Động đó, được kết hợp với những nguồn năng lượng tiêu cực.

Còn với hai trường hợp khác thì lại hoàn toàn thiếu chính xác, và không hợp lý, đặc biệt với trường hợp thứ tư, thì nỗi buồn không phải là Nhân, mà là Quả.

Như vậy, qua sự quan sát, nhìn sâu và kiểm nghiệm trên thực tế, chúng ta có thể nhận thấy, phần định nghĩa thêm vào sau về Nghiệp, không thể nào phát xuất từ một bậc Giác Ngộ như Đức Phật, một người đã chỉ dậy phương pháp Tứ Diệu Đế để đi tìm ra sự thật, lại có một định nghĩa thiếu sự chính xác cũng như không hợp lý như vậy.

Nếu chúng ta có dịp quan sát về sự phát triển của đạo Phật, chúng ta có thể hiểu, phần thêm vào này có thể phát xuất từ những vị đệ tử của đức Phật, trong qúa trình đi tìm sự thật, các vị đã sử dụng Trí, để đưa ra những sự phỏng đoán, mà lại không dựa vào Tuệ, dựa vào sự nhìn sâu và áp dụng phương pháp Tứ Diệu Đế để tìm ra sự thật.

Chính vì vậy, nên phần định nghĩa thêm vào sau, thiếu đi sự chính xác, không hợp lý, và không đúng với sự vận hành của các Thức.

Nếu đức Phật còn tại thế, Ngài sẽ định nghĩa lại Nghiệp theo ngôn ngữ mới, sẽ dễ hiểu hơn.

Nghiệp là hành động hay việc làm, phát xuất từ sự khởi niệm, suy nghĩ, hay cảm xúc/giác từ Ngã Thức. Nghiệp, có thể tạo ra Hậu Quả hay Kết Quả, tùy theo cái Nhân trong Ngã thức, đang kết hợp với nguồn năng lượng nào: tiêu cực hay tích cực.

Nếu cái nhân ban đầu kết hợp với những nguồn năng lượng tiêu cực thì Nghiệp sẽ tạo ra Hậu Quả. Khi là Hậu Quả thì sẽ tạo ra những Nhân mới và sẽ sinh ra những Hậu Quả, hay Kết Quả mới, tùy thuộc vào sự kết hợp các nguồn năng lượng trong Ngã Thức, và Nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi Ngã Thức khi Ngã Thức đang sử dụng Ý Thức thuộc về Trí hay Tuệ. Nếu là Trí thì sinh ra hậu Quả, nếu là Tuệ thì sinh ra Kết Quả.

Nếu cái nhân ban đầu, kết hợp với những nguồn năng lượng tích cực như Tuệ Giác thì Nghiệp sẽ tạo ra Kết Quả. Khi là Kết quả thì sẽ không tạo ra những nhân mới hay tạo ra các hậu quả khác.

Nghiệp sẽ không là phải là lực tạo ra sự tái sinh hay luân hồi mà sự tái sinh hay luân hồi của con người lệ thuộc vào nguồn năng lượng hay lực từ những nhận thức sai lầm, những tư tưởng, những ý niệm, hay cảm xúc/giác phát sinh trong Ngã Thức.

Sự tái sinh, hay luân hồi chỉ có thể xẩy ra khi Ngã Thức của cá nhân sử dụng là Trí thay vì là Tuệ. Luân hồi hay Nghiệp, sẽ chấm dứt khi cá thể đó dùng Tuệ Giác để tiếp xúc được với sự thật, qua việc quan sát và nhìn sâu mà không có sự phỏng đoán.

Khi Tuệ Giác luôn được sử dụng, từ cách tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, và áp dụng trong cách tìm ra những phương pháp giải quyết vấn đề từ gốc rễ, thì cá thể đó đạt được sự giải thoát khỏi Nghiệp và Luân Hồi.

Như tôi đã nói, Nghiệp và Luân Hồi là một đề tài rất lớn, nếu chúng ta muốn nhặt những hạt sạn trong kinh điển của các tôn giáo thì rất tốn thời gian, và cũng là việc làm vô ích. Vì sao?

Vì ai trong chúng ta cũng đều có niềm tin. Chúng ta tin, nhưng chúng ta lại ít khi nào đi kiểm chứng hay trải nghiệm để chứng thực cho niềm tin đó có đúng sự thật hay không? Chúng ta cứ tin, và cứ tiếp tục bảo vệ niềm tin đó. Cho dù, niềm tin đó chỉ là sản phẩm từ sự phỏng đoán, thiếu chính xác, và không đúng với sự thật.

Niềm tin đó, không ai có thể làm lung lay hay chuyển đổi, mà chỉ có chính chúng ta mới là người có quyền thay đổi niềm tin lệch lạc đó mà thôi.

Ngày nào, Ngã Thức của chúng ta còn tin rằng, những kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy còn làm lợi cho chúng ta thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Giáo Pháp của đức Phật đã truyền qua hơn 26 thế kỷ, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta có thể học hỏi để chỉnh sửa lại những nhận thức sai lầm.

Cho nên, chúng ta sẽ dừng lại phần quan sát về Nghiệp. Hy vọng với một vài nét căn bản mới, dựa trên sự quan sát và vận hành của các Thức có thể giúp chúng ta có một hướng nhìn mới, tiếp cận với sự thật dễ dàng hơn.

Bây giờ, chúng ta hãy quan sát và nhìn sâu vào Luân Hồi, xem học thuyết này của đạo Bà La Môn, hay Vệ Đà giáo, ngày xưa, sẽ như thế nào, qua bài khảo cứu, “Bản Chất Triết Học Bà La Môn  Dưới Cái Nhìn Của Đạo Phật”, của Tỳ Kheo Thích Quảng Nguyên, trong Thư Viện Hoa Sen.

Theo khảo cứu, tư tưởng Triết học của Vệ Đà giáo, vào thời kỳ đầu, với trình độ nhận thức của con người còn thấp kém, nên tư tưởng triết học của Bà La Môn Giáo, chủ yếu dựa vào hình thức tế lễ, mang đậm tính chất đa thần. Vì sao?

Vì họ tin tưởng rằng, nhờ những nghi thức tế lễ, mà người ta có thể thông cảm với thần linh, được thần linh che chở, và giúp đỡ cho giải thoát. Tới khi trình độ nhận thức của con người càng ngày càng cao, con người bắt đầu ý thức về sự tồn tại của mình. Họ suy ngẫm về cuộc đời, số phận, và đi tìm lẽ sống cho con người.

Để đáp ứng nhu cầu đó, nên tư tưởng triết học Áo Nghĩa Thư đã ra đời. Đây là đỉnh cao của Triết học Bà La Môn giáo.

Theo Áo Nghĩa Thư, cứu cánh của mọi Triết học, tôn giáo, chính là vấn đề giải thoát. Theo chuyên luận về Áo Nghĩa Thư (Brihadaranyaka Upanishad): “Bậc chân tri sau khi chết sẽ vượt qua không gian lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng”.

Cõi hạnh phúc vĩnh hằng là cảnh giới dành cho những người đạt giải thoát thực sự. Còn những kẻ tội lỗi thì phải chịu sự chi phối bởi định luật nghiệp báo, bị đọa đày khổ sở trong vòng luân hồi cho tới khi dứt nghiệp, và đạt được chân tri.

Ngoài ra trong Chândogya của Áo Nghĩa Thư cũng nói đến hai nẻo đường giải thoát: đường của Tố Phụ, và đường của Thần Linh. Đường của Tố Phụ dành cho những người ra sức hành thiện, những người ấy sau khi chết sẽ được vào cõi trời (thiên đường). Nhưng khi hưởng hết phước báo trong một khoảng thời gian tương ứng, họ sẽ trở lại trần gian.

Chỉ khi nào con người đi vào nẽo đường của Thần Linh, không bị nô lệ bởi vật chất, đồng nhất được Phạm Thiên đại ngã với tiểu ngã ngay tại chính mình, bấy giờ mới được giải thoát, và được hưởng hạnh phúc viên mãn vĩnh hằng.

Nhưng, muốn được giải thoát thì phải trải qua tiến trình tu tập. Phải toàn tâm kiên trì tu luyện đạo đức, và tu luyện tri thức, nhằm diệt mọi dục vọng, lo âu, phiền não, rũ bỏ hết mọi ràng buộc, lôi kéo bởi thế giới vật dục biến ảo, vô thường của thế giới trần tục; dày công thiền định, suy tư chiêm nghiệm nội tâm, “thực nghiệm tâm linh” bằng trực giác; nhận cho ra chân bản tánh của mình, để đạt chân lý tối thượng hòa nhập vào bản thể tuyệt đối.

Đó chính là sự giải thoát, ý nghĩa tối cao của cuộc sống. Nhưng nhận thức được sự đồng nhất đó với linh hồn bất tử, không phải là điều cảm giác, hay trí tuệ thông thường có thể đạt được. Nó có thể đạt được nhờ vào sự thực nghiệm tâm linh.

Thực nghiệm tâm linh là sự thực nghiệm ngay trong sâu thẳm tâm hồn mình. Phải trải qua mức cảm nghiệm, nhưng trước hết là phải đưa nhận thức quay về chính mình.

Kinh Áo Nghĩa Thư cho rằng: “Tiểu ngã chẳng có thể nhận biết được bởi học vấn, bởi sức mạnh của trí óc. Tiểu ngã chẳng thể nhận thức được bằng giác quan. Tự ngã mở các giác quan ra ngoài, bởi thế, người ta chỉ trông ra thế giới bên ngoài mà không nhìn về bản ngã”. Có 3 con đường chính để đạt đến giải thoát:

  • Con đường tri thức đòi hỏi tu hành khổ hạnh, chuyên tâm rèn luyện, sẵn lòng thoát ly thế giới trần tục.
  • Con đường hành động theo nguyên tắc tâm linh vị tha, vì lợi ích chung, vì cái thiện, vì đại ngã.
  • Con đường cuối cùng, rộng rãi nhất, dành cho mọi người đó là con đường sùng tín, hết lòng tin yêu, tôn kính đấng tối cao – Tiểu Ngã có thể hoà nhập với Đại Ngã trong tình yêu và bằng tình yêu cao cả thiêng liêng.

Như vậy, theo quan điểm của Áo Nghĩa Thư thì Luân Hồi là qúa trình của “Bậc chân tri sau khi chết sẽ vượt qua không gian, lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng”.

Cõi hạnh phúc vĩnh hằng, là cảnh giới dành cho những người đạt giải thoát thực sự. Còn những kẻ tội lỗi thì phải chịu sự chi phối bởi định luật nghiệp báo, bị đọa đày khổ sở trong vòng luân hồi cho tới khi dứt nghiệp, và đạt được chân tri.

Chúng ta hãy quan sát và nhìn sâu vào lý luận này qua sự vận hành của các Thức xem có thật đúng như vậy không?

Trong câu đầu tiên, chúng ta thấy, kinh Áo Nghĩa Thư nhấn mạnh đến vấn đề sinh tử về sự diệt sinh của một bậc Chân Tri từ một kiếp này qua một kiếp khác. “Bậc chân tri, sau khi chết, sẽ vượt qua không gian, lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng.”

Đứng trên góc độ của sinh tử, về bản chất, chúng ta thấy sinh tử có hai phạm trù riêng biệt, gồm:

  • Sinh tử theo vật chất
  • Sinh tử theo tinh thần

Sinh tử theo vật chất, về bản chất “Chân Thật Như Là” của vật chất, thì hễ có hình tướng được tạo ra, hay sinh ra, thì luôn có sự chuyển hóa. Thời gian chuyển hóa của mỗi hình tướng, ngoài việc tuân theo sự vận hành của Bản chất Chân Thật Như Là thì còn chịu ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh, tình trạng, năng lượng, v.v.

Thí dụ, theo các nhà hóa học, một miếng vàng, được hợp thành từ những nguyên tố được đặc trưng bởi số lượng Proton có trong hạt nhân của mỗi nguyên tử của nó. Trong đó, Vàng là nguyên tố mà mỗi hạt nhân có chứa 79 Proton.

Proton là tên gọi cho một loại hạt tổ hợp, bao gồm, hạt hạ nguyên tử. Proton và Neutron là hai loại hạt chính cấu tạo nên hạt nhân của nguyên tử.

Có những nguyên tử chỉ có Proton, và không có Neutron, như nguyên tử Hydrogen, nhưng đa phần, các nguyên tử đều có hai hạt Proton và Neutron.

Bản thân của một hạt Proton được tạo thành từ 3 hạt Quark nhỏ hơn,  gồm: 2 Quark lên và 1 quark xuống, còn Neutron thì cũng có 3 hạt Quark nhỏ hơn, nhưng: 2 Quark xuống và 1 Quark lên.

Trong nguyên tử trung hòa về điện tích, số lượng hạt Proton có trong hạt nhân, thường bằng đúng với số lượng hạt Electron của lớp vỏ nguyên tử. Số Proton có trong nguyên tử của 1 nguyên tố, luôn bằng với số điện tích hạt nhân của nguyên tố đó.

Để tách hay cộng thêm một Proton hoặc Neutron ra khỏi hạt nhân, chúng ta cần một nguồn năng lượng cực lớn.Theo bảng phân loại tuần hoàn của hóa học, nếu chúng ta có thể cộng thêm một Proton vào nguyên tố Vàng, thì nguyên tố Vàng sẽ biến thành nguyên tố Thủy Ngân (80), và nếu lấy ra một Proton, thì Vàng lại biến thành nguyên tố Bạch Kim (78).

Như vậy, nếu đứng trên góc độ về bản chất Đang Thật Là của vật chất, chúng ta thấy, tất cả các nguyên tố, từ thể khí như Hydrogen hay Oxygen, đến thể rắn như, vàng, bạc, hay vừa thể khí và thể rắn như con người, động vật, và thực vật v.v. đều có cấu tạo như nhau, gồm phân tử, nguyên tử, hạt nhân và các điện tích âm quay chung quanh hạt.

Khi phân tử, nguyên tử, hay hạt nhân bị sự tác động của một nguồn năng lượng mạnh khác, như thêm vào, hay lấy đi, thì sẽ chuyển hóa sang thành một vật chất khác hay một danh xưng khác.

Nếu đứng trên góc độ về bản chất của Thực Tánh Đang Là, tuy là có sự biến dạng từ hình thể, nhưng số hạt Proton và Neutron bên trong của nguyên tử, vẫn không hề bị diệt.

Cơ thể của con người, các động vật hay thực vật, hay ngay cả vũ trụ, đều có chung một bản chất về sự cấu tạo của nguyên tử. Cho nên, cái mà chúng ta gọi là sinh tử của cơ thể, nếu nói đúng hơn, chỉ là qúa trình chuyển hóa từ vật này qua vật kia, mà không hề có sự chết, tử hay diệt.

Và trong qúa trình chuyển hóa tạo ra một vật mới khác, khó có thể nào theo quy trình của Luân Hồi.

Chúng ta hãy quan sát và nhìn sâu vào thành phần cấu tạo cơ thể của con người theo khoa hóa học. Trên căn bản, gần 99% khối lượng của cơ thể của chúng ta được cấu thành từ sáu nguyên tố: Oxygen, Carbon, Hydrogen, Nitrogen, Calcium và Phosphorus. Trong đó Oxy chiếm 65%, Carbon 18.5% và Hydro 9.5%.

Giả sử như, khi chúng ta chết, và thân thể của chúng ta bị phân hủy, thì các nguyên tố như Oxy và Hydro chiếm 75%, thuộc về dạng khí, sẽ bay lên hòa nhập với dạng khí trong không gian. Nếu lúc đó, có sấm chớp do sự va chạm giữa hai luồng khí nóng lạnh, thì Oxy và Hydro của chúng ta có thể kết hợp thêm với Nitrogen, tạo thành axít nitric hay những hạt mưa. Những hạt nước mưa này, lại được các động, thực vật khác sử dụng thành các nguồn năng lượng khác cho sự sống còn.

Vậy, làm sao một Bậc chân tri, sau khi chết, sẽ vượt qua không gian lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng, và những kẻ tội lỗi, sau khi chết thì phải chịu sự chi phối bởi định luật nghiệp báo, bị đọa đầy, khổ sở trong vòng luân hồi, cho tới khi dứt nghiệp.

Rõ ràng, nếu đứng trên góc độ về bản chất của vật chất thì sự cấu tạo về cơ thể của bậc Chân Tri và người tội lỗi đều giống nhau.

Và nếu nhìn sâu hơn, chúng ta cũng không thấy được sự Luân Hồi có mặt trên lĩnh vực vật chất. Bởi vì, trong quá trình chuyển hóa theo bản chất, thì vật chất sẽ không trở về dạng cũ được, mà có thể liên tục biến hóa, tùy theo môi trường, hoàn cảnh, hay những nguồn năng lượng chung quanh, tác động.

Hơn nữa, chúng ta cũng chẳng thấy có lực nghiệp báo nào của cá nhân tội lỗi lại bị đọa đầy khổ sở trong vòng luân hồi cả, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ của hai khí Hydrogen và Oxygen thoát ra từ thân thể của chúng ta khi chết.

Nếu có nguồn năng lực tác động chăng thì đó chỉ là nguồn năng lượng tạo ra từ sự va chạm của hai nguồn khí, nóng và lạnh từ thiên nhiên.

Cho nên, thuyết Luân Hồi để phải chịu tội khổ sở đầy đọa, trả nghiệp cho tội lỗi kiếp trước gây ra sẽ không đúng với sự thật, khi chúng ta đứng trên góc độ Bản Chất về Vật chất Đang Như Là.

Vậy thì sự sinh tử, tái sinh, trả nghiệp, luân hồi chỉ liên quan đến tinh thần. Hay chính xác hơn, là liên quan đến những nhận thức của Ngã Thức về sinh tử, trả nghiệp, luân hồi, tái sinh v.v.

Nói đến Ngã Thức, thì chúng ta lại phải dùng đến sự vận hành của các Thức để quan sát xem có sinh tử, trả nghiệp, luân hồi, tái sinh hay không?

Trên căn bản, khi Ngã Thức của chúng ta khởi một niệm hay một vấn đề nào đó, cần đến Ý Thức để phân tích, quan sát, hay so sánh, thì vấn đề đó, chúng ta gọi là sinh (ý niệm sinh); và khi Ý thức của chúng ta, đã tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề, và đưa về Tiềm Thức lưu giữ vào kho của Ngã Thức, và Ngã Thức của chúng ta sử dụng các phương pháp để giải quyết vấn đề đó xong, thì coi như, vấn đề đó chấm dứt hay gọi là diệt, tử.

Trong qúa trình giải quyết vấn đề này sẽ có hai trường hợp xẩy ra:

Trường hợp 1: Nếu Ngã Thức ra lệnh cho Ý thức sử dụng Trí, thì vấn đề chỉ được giải quyết trên ngọn. Vì vậy, vấn đề có thể tái sinh trở lại, và bắt Ngã Thức phải sử dụng Ý Thức để tìm các giải pháp khác.

Nếu như vấn đề này, cứ trở đi trở lại, vì cứ sử dụng cách giải quyết tạm thời, thì chúng ta gọi đó là luân hồi (trở đi trở lại, theo hình thức vòng tròn). Và cứ mỗi lần, Ngã Thức phải làm lại các hành động cũ, hay thêm vào một vài hành động mới thì những hành động đó gọi là Nghiệp.

Khi những hành động/ Nghiệp tác động lên những nguồn năng lượng tiêu cực khác như: bực bội, tức giận, chán nản, thất vọng.v.v, thì sẽ tạo ra cảm giác khó chịu. Nếu những cảm giác khó chịu này kéo dài trong cuộc sống thì gọi là trả nghiệp, hay thọ nghiệp báo.

Trường hợp 2: Nếu Ngã Thức ra lệnh cho Ý thức sử dụng Tuệ thì vấn đề được giải quyết tận gốc rễ. Cho nên, sẽ không có sự tái sinh của vấn đề. Vì không có tái sinh, nên không có sự lập đi lập lại, vì vậy, cũng không có luân hồi. Nhưng ở đây, vẫn có Nghiệp, là những hành động như Quan sát, nhìn sâu, để giải quyết vấn đề. Khi vấn đề đó được giải quyết xong thì Nghiệp/ hành động quan sát, và nhìn sâu cũng chấm dứt.

Như vậy, qua trường hợp một, chúng ta thấy, định nghĩa trên khá chính xác khi diễn giải về sinh tử, tái sinh, luân hồi và trả nghiệp. Nhưng có một điều vô cùng quan trọng cần chỉnh, đó là những diễn biến này, chỉ xẩy ra trong Ngã Thức thuộc về tinh thần, chứ không phải thuộc về vật chất. Trong khi, định nghĩa trong kinh lại hướng về bản chất của vật chất, mà không phải là bản chất của tinh thần.

Điều này, chúng ta nhận thấy rất rõ qua câu, “Bậc chân tri, sau khi chết, sẽ vượt qua không gian lên tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng.” Thật ra, nếu là bậc Chân Tri, và Ngã Thức của bậc đó đã sử dụng Tuệ Giác để giải quyết vấn đề, thì bậc Chân Tri đó, không cần đợi đến chết mới tái sinh vượt qua không gian để tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng, mà bậc Chân Tri đó, có thể đạt đến cõi hạnh phúc vĩnh hằng ngay khi còn sống.

Điều này, cũng tương tự như những người được gọi là có tội lỗi. Họ chỉ chịu sự chi phối bởi định luật nghiệp báo, bị đọa đày khổ sở trong vòng luân hồi cho tới khi dứt nghiệp, khi họ sử dụng Trí. Nếu họ sử dụng Tuệ thì điều đó sẽ không xẩy ra. Và họ cũng có thể đến được cõi hạnh phúc vĩnh hằng ngay khi còn sống như các bậc Chân Tri.

Vậy tại sao Áo Nghĩa Thư lại có giải nghĩa, diễn dịch, một cách mập mờ, không đúng với sự thật như vậy?

Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì, khi trình độ nhận thức của con người càng ngày càng cao, con người bắt đầu ý thức về sự tồn tại của mình. Họ suy ngẫm về cuộc đời, số phận, và đi tìm lẽ sống cho con người. Cho nên, có những câu hỏi, những thắc mắc của họ liên quan đến những sự việc xẩy ra trong đời sống hằng ngày như: tại sao tôi khổ, tại sao tôi sống là một người tốt mà cuộc sống cứ nghèo khổ v.v.

Những câu hỏi khó đó, Nếu các vị Bà La Môn chưa đạt đến trình độ Chân Tri, tiếp xúc được với sự thật thì không thể giải thích được. Cho nên, họ đã đem sự sinh tử, tái sinh, luân hồi, thuộc về tinh thần, hướng qua vật chất để giải thích.

Thí dụ, nếu có một người, mà người đó tự cho là một người tốt, nhưng cứ luôn luôn gặp chuyện xấu, bị người khác lợi dụng, và luôn gặp chuyện không may xẩy ra trong đời. Nếu người này đến gặp các vị Ba La Môn để thỉnh giáo đáp án vì sao họ bị như vậy. Chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu như vị Bà La Môn đó không thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng?

Chắc chắn, nếu vị Bà La Môn đó không thể trả lời được thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, bị mất mặt, bị coi thường, không còn được tôn trọng. Cho nên, muốn giải quyết vấn đề đó, vị Bà La Môn đó sẽ phải “diễn rộng: sự sinh tử, tái sinh, luân hồi, nhân quả, trả nghiệp thuộc về tinh thần qua vật chất, để lý giải nguyên nhân tại sao người kia đang sống là một người tốt nhưng toàn gặp chuyện không may.

Đó cũng là một trong nhưng nguyên nhân, tại sao lại phải có kiếp trước kiếp sau, vì nếu không có kiếp trước và kiếp sau thì không thể có tái sinh. Mà nếu không có tái sinh, thì không có Luân Hồi, và cũng sẽ không có nghiệp kia phải trả.

Vậy thì làm sao có thể giải thích được những việc không may đang xẩy ra với người kia. Bởi vậy, tạo ra tư tưởng có kiếp trước và kiếp sau là hoàn toàn hợp lý. Vì chỉ cần vin vào kiếp trước của người đó đã có những hành động tội lỗi, nên kiếp này phải trả là chuyện tất nhiên.

Nếu như người đó cắc cớ, không chấp nhận kiếp trước và kiếp sau, thì vị Bà La Môn có thể dẫn chứng cả ngàn câu chuyện qua phỏng đoán, suy tưởng, nhằm thuyết phục, hay răn đe, qua sự trừng phạt hay đọa đầy của Thần linh, hay đưa ra một số những dữ kiện về một số người có thể nhớ lại kiếp trước để bảo vệ cho sự lý giải này.

Trong khi, tất cả kinh điển đều không có bất cứ một chứng minh nào về kiếp trước. Và cũng không ai biết được kiếp trước họ là ai, họ đã tạo ra lỗi lầm gì? Ngoài những câu giải thích miễn cưỡng như: gieo nhân nào thì gặt qủa đó. Hay vì nặng nghiệp của kiếp trước nên kiếp này phải trả.v.v.

Nhưng sự thật có phải vậy không? Chúng ta chỉ cần quan sát lại sự vận hành của các thức thì sẽ rõ.

Các nhà Tâm Lý học ngày nay đã chứng minh rằng: Trong một giây, Tiềm Thức của chúng ta tiếp nhận 11 triệu thông tin, trong khi đó, chỉ có 40 thông tin được Ý Thức nhận dạng.

Như vậy, trong hai mươi bốn giờ, Tiềm Thức của chúng ta tiếp nhận khoảng 15,840 tỷ thông tin. Có những thông tin hoàn toàn mới, có những thông tin liên quan đến những vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết, có những thông tin liên quan đến sự khổ đau mà chúng ta đang trốn chạy.

Qua sự thực nghiệm của các nhà tâm lý, chúng ta thấy, một người luôn gặp chuyện xui xẻo, không may mắn trong cuộc sống, chẳng mắc mớ gì đến nghiệp phải trả từ kiếp trước, hay phải chịu sự khổ đau về tinh thần, mà những việc xẩy ra mang đến sự xui xẻo, bất hạnh trong cuộc sống, phát xuất từ sự trốn tránh giải quyết các vấn đề, và nếu có giải quyết, họ chỉ sử dụng Trí. Họ chỉ giải quyết mang tính cách tạm thời. Họ chỉ giải quyết trên ngọn mà không xuống tận gốc rễ.

Hãy lấy một thí dụ để minh họa;

Một người thiếu tiền để trả tiền nhà, Ngã Thức của anh chàng này đã quyết định dùng Trí để giải quyết vấn đề thiếu tiền như sau: đi mượn tiền bạn để trả.

Khi người bạn cho mượn tiền, người đó có cái An tạm thời, không lo bị chủ nhà đuổi. Nhưng người đó lại không nghĩ cách để kiếm ra tiền, trả lại cho người bạn. Ngược lại, khi có tiền, lại tiêu xài hoang phí, đi ăn chơi cho thỏa thích. Đến tháng sau, lại thiếu tiền, lại đi gọi người bạn để mượn tiền. Nếu người bạn không cho mượn tiền, và đòi lại số tiền cho mượn tháng trước, thì người đó nổi giận, cho rằng, người bạn đó là người xấu.

Và nếu, không mượn được tiền của ai khác nữa thì sự bất an vì bị người chủ đuổi nhà, cộng thêm cơn giận người bạn không chịu thỏa mãn cho mình. Cho nên, đặt điều đi nói xấu người bạn, và viện lý do, người bạn là người xấu, nên cũng không chịu trả lại số tiền đã mượn, coi như là một sự trừng phạt.

Nếu có ai đó, hỏi người đi mượn nợ là người như thế nào, thì chắc chắn người đó sẽ nói rằng, họ là người tốt, họ đã luôn trả tiền khi hai người đi ăn chung, hay khi người đó đi mua quần áo cũng đã mua cho người kia v.v.

Điều mà người đi mượn tiền tự diễn dịch định nghĩa những việc làm của người đó theo Ngã Thức của người đó muốn, và dựa vào những hành động đó, gọi là người tốt; thì người đó, có thật sự là một người tốt không?

Và nếu người tốt đó, cứ tiếp tục hành động như vậy thì có còn ai muốn chơi với người đó không?, và khi người đó gặp khó khăn thì có ai muốn giúp không?

Nếu không có ai giúp thì “người tốt” đó sẽ than van rằng: cuộc đời của họ sống là một người tốt, nhưng sao toàn gặp chuyện xui xẻo, kém may mắn, luôn bị người khác lợi dụng.

Và nếu người này, tin vào có kiếp trước, kiếp sau, có  luân hồi, nhân quả, có trả nghiệp, vì kiếp trước đã gây ra lỗi lầm để tự an ủi mình, thì vĩnh viễn, người này sẽ không bao giờ gặp may mắn được, và cũng không thể nào đạt đến sự giải thoát được.

Vì vấn đề của người này, bắt đầu tự sự diễn dịch định nghĩa “uốn nắn” theo Ngã Thức, đưa đến những sự suy nghĩ, nhận thức sai lầm, từ đó, đưa đến cách hành xử vụng về, và tạo ra sự đau khổ cho chính mình, ngay trong kiếp này, chứ không phải từ kiếp trước hay kiếp sau nào cả. Và cái giá phải trả cho những hành động vụng dại, cũng bắt đầu ở kiếp này, chứ không phải từ kiếp trước.

Nếu chúng ta hiểu sự vận hành của các Thức, chúng ta biết, bất cứ một vấn đề nào xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta, nếu là xấu thì bắt đầu bằng sự trốn chạy, đè nén, hay chọn cách giải quyết vấn đề một cách tạm thời của chúng ta trong cuộc sống đã tạo nên.

Có thể, vì chúng ta, qua quá trình đè nén, nên tưởng rằng, chúng ta không có vấn đề. Nhưng khi Tiềm Thức của chúng ta tiếp nhận thông tin, sắp xếp, và liên kết sẽ đưa vấn đề đó trở lại và đòi cách giải quyết.

Vì Ngã Thức của chúng ta đã từng thất bại không có cách giải quyết trước đây, nếu lần này, lại tăng thêm ngưồn năng lượng mới sẽ khiến Ngã Thức của chúng ta bị “đuối”, và dần rơi vào chỗ tê liệt, không còn sử dụng được Ý Thức, nên sẽ tạo ra những hành động vụng dại, và tạo ra vô số nhân mới, cũng như tạo ra những hậu quả mới.

Một người, nếu cứ liên tục gánh và chịu những nhân mới và hậu quả mới trong cuộc đời thì chúng ta quen gọi là người xấu số, hay bất hạnh, hay kém may mắn là chuyện tất nhiên, chẳng liên quan gì đến kiếp trước họ có gây ra lỗi lầm gì hay không? Và cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề, họ có là người tốt hay người xấu hay không?

Sự thật, cái họ đang trả Nghiệp là do sự đè nén, trốn tránh giải quyết vấn đề trong chính Ngã Thức của họ, chứ không phải họ là người xấu hay người tốt.  Người nào, dù tốt hay xấu, khi có vấn đề, chỉ lo trốn chạy, hay tìm cách đè nén, thì người đó luôn gặp bất hạnh, kém may mắn trong cuộc đời.

Qua sự quan sát này, chúng ta có thể giải thích luôn, tại sao một người sống đầy tội lỗi nhưng vẫn hưởng được sự may mắn giầu sang, hạnh phúc.

Đơn giản, là vì họ chịu đi giải quyết vấn đề của họ, còn người tốt thì không. Chứ không liên quan gì đến kiếp trước của họ đã làm điều tốt, nên kiếp này họ hưởng. Và nếu như kiếp trước họ đã làm việc tốt rồi, thì kiếp này, họ phải mang theo những điều tốt đó, họ phải sống có đạo đức hơn, chứ sao họ lại sống có tội lỗi hơn.

Cho nên, nếu chúng ta muốn cuộc sống của chúng ta có An Lạc, hạnh phúc, may mắn, thì chúng ta chỉ cần đương đầu với các vấn đề của chúng ta, mà không trốn chạy hay tìm cách đè nén. Và khi giải quyết thì nên ứng dụng phương pháp Tứ Diệu Đế, hay Bốn Bước để tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, và đi giải quyết ngay tại gốc rễ đó.

Vì vậy, đem sự sinh tử, tái sinh, luần hồi, nhân quả, trả nghiệp của tinh thần, hay đúng hơn là của Ngã Thức, qua áp dụng cho vật chất là một tư tưởng không chính xác, hợp lý và cần chỉnh sửa.

Vậy còn quan điểm của Đạo Phật khi giảng giải về Luân Hồi thì sao? Theo Thư Viện Mở thì:

“Luân hồi còn gọi là vòng luân hồi hay bánh xe luân hồi, có khi được gọi là hữu luân, vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh Tử. Thuật ngữ này, chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình, khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn.

Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là tam độc: tham, sân và si. Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ, mà chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: trời, thần (a-tu-la), người, súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), địa ngục.

Sáu cõi luân hồi là thuật ngữ trong Phật giáo, dùng để chỉ về những con đường mà chúng sinh sẽ tái sinh vào, sau khi chết. 6 cõi luân hồi bao gồm:

  • Cõi trời
  • Cõi thần
  • Cõi người
  • Cõi súc sinh
  • Cõi ngạ quỷ
  • Cõi địa ngục

Đặc điểm chung của các cõi luân hồi là vô thường, chúng sinh sau khi chết sẽ được tái sinh vào một trong 6 cõi này.

Tùy theo nghiệp của chúng sinh đã làm được nhiều việc tốt hoặc cố tình làm nhiều việc xấu sẽ được tái sinh vào các cõi trên là các cõi trời, cõi thần, cõi người (dành cho chúng sinh có nhiều việc làm tốt) hoặc sẽ tái sinh vào các cõi dưới là cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục (dành cho chúng sinh có nhiều việc làm xấu). Còn những chúng sinh đã chứng quả A-La-Hán thì sẽ không phải luân hồi sau khi chết nữa.

Sau khi tái sinh, phần lớn các chúng sinh sẽ không còn nhớ gì về kiếp trước đó. Các chúng sinh sẽ có một cuộc đời mới. Việc chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó.”

Qua quan sát và nhìn sâu vào quan điểm về Nghiệp và Luân Hồi của đạo Phật, chúng ta thấy, những tư tưởng về Nghiệp và Luân hồi, gần giống hoàn toàn với Ấn Độ giáo.

Vì vậy, ngoài việc sử dụng và diễn nghĩa của Áo Nghĩa Thư như: có kiếp trước kiếp sau, tái sinh, luân hồi trả nghiệp ra, thì ở đây, đạo Phật cũng dùng đến một cõi đặc biệt, đó là cõi địa ngục.

Trong Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch, có đoạn viết về địa ngục như sau:

Tư tưởng địa ngục, tuy đã manh nha từ thời đại Lê Câu Vệ Đà, nhưng vẫn chưa rõ ràng, đến A Thát Bà Vệ Đà, và Phạm Thư, nó mới được biểu hiện dần dần, và cuối cùng, đến thời đại Phật giáo, thì tư tưởng đó trở nên rất thịnh. Những kỷ tải của nó, liên tục trải qua các niên đại, và dần dần đã được phô bày một cách tinh tế. Trong các kinh điển nguyên thủy của Phật giáo, hoặc Ma Ha Bà La Đa thứ 12 cũng đều đã nói đến.

Trên căn bản, về định nghĩa của địa ngục có 28 loại, nhưng ở đây, chúng ta chỉ quan sát về 7 Định nghĩa của địa ngục, như sau:

  • Khiếu Hoán Địa Ngục, là chỗ đi đến của những người chỉ biết lợi mình, không đoái hoài gì đến lợi của chúng sanh. Nỗi khổ là do rắn hành hạ.
  • Bình Chử Địa Ngục, là nơi ở của những kẻ giết người hay thú vật. Nổi khổ là bị chưng trong chảo dầu.
  • Hắc Thằng Địa Ngục, là nơi đi đến của những người giết cha mẹ hay giết Bà La Môn. Địa ngục này rộng một vạn do tuần, trên dưới do đồng nóng đốt cháy. Tội nhân chịu khổ trải qua vô số kiếp.
  • Đao Diệp Lâm Địa Ngục, là nơi đi đến của những người bỏ kinh Vệ Đà để chạy theo những kẻ mê tín dị đoan.
  • Thực Trùng Địa Ngục, là nơi đi đến của những người không tế lễ, không bố thí cho người khác. Nỗi khổ là bị ác trùng ăn thịt.
  • Ngục Khuyển Địa Ngục, là chỗ ở của những kẻ làm nghề giặc cướp, bóc lột người khác. Nỗi khổ là do 720 con chó của sứ giả Diêm Ma cắn xé.
  • Vô Gián Địa Ngục là nơi của những kẻ giả dối, lừa gạt. Nổi khổ là đứng trên một mỏm đá cao 100 do tuần mà lộn nhào xuống, và cứ thế tiếp tục, không bao giờ ngừng.

Qua 7 định nghĩa về địa ngục này, chúng ta thấy, hầu như những hình phạt này, dựa hoàn toàn vào luật pháp của thế gian, sau đó, qua sự suy luận, phỏng đoán, và phóng đại lên thành một cõi, dùng để trừng phạt những người vi phạm sau khi chết. Trong đó, Đao Diệp Lâm Địa Ngục là nơi trừng phạt những ai bỏ kinh Vệ Đà để chạy theo mê tín dị đoan.

Đây có thể nói là một sự đe dọa cực kỳ vô lý, và là sự phóng đại, suy diễn, phỏng đoán, một cách vô cùng thiếu chính xác và đi ngược lại những gì mà giáo lý của đức Phật đã chủ trương.

Giáo lý của Đức Phật là những phương pháp, giúp cho người thực tập chú tâm đến việc sử dụng Tuệ nhiều hơn Trí.

Là một bậc Giác giả, đức Phật không thể nào không phân biệt được sự khác biệt giữa Trí và Tuệ, cũng như không thể nào, Ngài không biết cách giải quyết một vấn đề một cách rốt ráo, để đạt đến sự An Tịnh, không khổ đau.

Rõ ràng, bài pháp thoại đầu tiên khi truyền sự trải nghiệm cho năm anh em Kiều Trần Như, Ngài đã truyền lại Tứ Diệu Đế. Một phương pháp tuyệt vời để phát triển Tuệ Giác, và cách thức giải quyết vấn đề một cách rốt ráo để đạt sự An Lạc, giải thoát khỏi khổ đau.

Cho nên, không thể nào Ngài lại không biết sinh tử, tái sanh, luân hồi, nhân quả, trả nghiệp chỉ thuộc về tinh thần hay Ngã Thức, chứ không thuộc về vật chất.

Chính vì vậy, không thể nào, Ngài lại sử dụng một cõi như địa Ngục để đe dọa, trừng phạt con người, nếu họ phạm tội nơi trần gian nhưng lại trả Hậu Quả nơi Địa Ngục.

Qua đó, chúng ta có thể thấy, đứng trên góc độ về Nghiệp và Luân Hồi của đạo Phật, thì hệ thống tư tưởng này gần như sử dụng 99% tư tưởng của Kinh Vệ Đà. Duy nhất 1% khác biệt, đó là xác định ai đạt được quả A La Hán thì được giải thoát khỏi luân hồi.

Cho nên, chúng ta có thể khẳng định, hệ tư tưởng về Nghiệp và Luân hồi sẽ không do đức Phật giảng dậy, mà đây là do các đệ tử của ngài, vốn đã lầu thông kinh điển Vệ Đà, và Áo Nghĩa Thư đã thêm vào trong những lần kiết tập, sau khi Đức Phật Nhập Diệt.

Chính vì vậy, tai sao trong đạo Phật lại có thêm Thiền Tông?

Nguyên do, là vì, các vị Thiền Tổ đã thấy có qúa nhiều “sạn” trong giáo nghĩa, kinh văn của đức Phật được truyền lại sau này. Vì vậy, tông chỉ của Thiền Tông là:

Bất Lập Văn Tự

Giáo Ngoại Biệt Truyền

Trực Chỉ Chân Tâm

Kiến Tánh thành Phật

Nghĩa là, không lập thành văn tự giáo nghĩa, chỉ thẳng vào tâm người, thấy tánh thành Phật.

Quả thật như chú nói Nghiệp và Luân Hồi là một đề tài qúa lớn, dù cho có diễn giải như thế nào cũng có người chấp nhận, người không.

Nhưng qua các chia xẻ dưới góc nhìn sự vận hành của các Thức, cháu đã hiểu rõ hơn về Nghiệp là Luân Hồi. Nhật Minh lên tiếng.

Diệu Hiền nhìn đồng hồ, rồi nói:

Giời ạ, đã hơn chín giờ, chúng cháu xin phép đi về, chiều mai, chúng ta sẽ “luân hồi” tiếp nha chú.

Nghe Diệu Hiền đùa về hai chữ Luân Hồi, ông chú cười vang.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept