TẢI MP3 – VIÊN NGUYỆT
TẢI MP3 – HỒNG TRẦN
Bạn Thân Mến,
Hai chữ “lợi dụng” thì không ai trong chúng ta xa lại gì, vì gần như chúng ta sử dụng mỗi ngày. Nhưng hai chữ lợi dụng, với sự diễn dịch định nghĩa của chúng ta, thì hai chữ này lại mang một ý nghĩa thiên về phần xấu, có nghĩa là, có ai đó đã sử dụng chúng ta như một công cụ để làm lợi cho họ.
Nếu bạn sinh hoạt với chúng tôi, bạn sẽ quen với cách giao tiếp của chúng tôi, là bao giờ cũng phải nói rõ định nghĩa mà chúng tôi sử dụng.
Chúng tôi đã luôn nhấn mạnh, ai trong chúng ta cũng đều có quyền diễn đạt định nghĩa theo ý mình. Nhưng diễn nghĩa làm sao để đem đến kết quả, đem đến an lạc và hạnh phúc lâu dài cho chúng ta thì đó mới là lựa chọn tốt nhất.
Còn nếu như sự diễn dịch của chúng ta mà đem đến những khổ đau, phiền muộn, tạo ra quá nhiều hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu, thì chúng ta nên chỉnh sửa lại sự diễn dịch của mình.
Chúng tôi cũng không cho rằng, cách thức của chúng tôi là tiêu chuẩn vàng, là đúng nhất, là hay nhất, hay cao nhất, mà đó chỉ là những trải nghiệm, những ứng dụng, mà chúng tôi đang học và hành trong cuộc sống hàng ngày để kéo dài sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời của chúng tôi.
Chúng tôi cũng khẳng định, chúng tôi không phải là văn, thi sĩ, đạo học gia, triết gia, hay triết luận gì. Chúng tôi là những người vô cùng bình thường như tất cả mọi người, cũng có những lúc buồn vui bất chợt.
Nhưng vì, chúng tôi từng là nạn nhân do chính những nhận thức sai lầm của chúng tôi đã làm cho chúng tôi đau khổ, phiền muộn. Cho nên, trong những lúc đối diện với khổ đau, thay vì, như những thói quen trước đây là trốn chạy và đè nén, thì chúng tôi đã quyết định dừng lại, và trực tiếp đương đầu và đi giải quyết những vấn đề.
Trong qúa trình đương đầu với các vấn đề, chúng tôi liên tục học hỏi và sửa sai. Chúng tôi chấp nhận chúng tôi sai, và tiếp tục chỉnh sửa mỗi ngày.
Cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hành, rồi học tập, rồi lại thực hành, chưa hề gián đoạn, bởi vì, qua qúa trình thực hành chúng tôi biết, muốn kéo dài An trong đời sống hàng ngày cho đến cuối đời, thì không phải chỉ hiểu và biết một lần là đủ, vì sự thật, chúng tôi đang sống với vô thường, nghĩa là luôn luôn có sự thay đổi.
Chính vì vậy, ngày nào, chúng tôi cũng có chuyện để chia xẻ với bạn, không phải vì, chúng tôi muốn khoa trương kiến thức, mà chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bạn rằng, ngày nào, chúng ta cũng có những vấn đề phải giải quyết, và cách thức giải quyết vấn đề như thế nào để có thể có được an lạc, hạnh phúc kéo dài hơn.
Chúng tôi rất ngưỡng mộ những ai có khả năng chỉ cần thực hành một lần, và có an lạc, hạnh phúc cả đời. Chúng tôi mong được theo chân các vị đó để được học hỏi.
Có lẽ, chúng tôi phận mỏng, nên chưa đủ cơ duyên để được gặp các Ngài. Thay vì ngồi chờ đợi các Ngài, chúng tôi sẽ tận lực đi giải quyết những vấn đề mà mỗi ngày chúng tôi đối diện, giải quyết một cách rốt ráo để kéo dài an lạc cho chúng tôi.
Còn bao giờ chúng tôi có đủ cơ duyên được gặp các Ngài thì chúng tôi thật sự không biết, và các Ngài là ai thì chúng tôi cũng chưa biết.
Nói theo đạo Phật thì tất cả những điều đó đều tùy thuộc vào duyên.
Cho nên, chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, đây chỉ là những sự trải nghiệm của cá nhân chúng tôi, chứ không phải đi xét nét, ai đúng, ai sai. Ai trong chúng ta cũng đều có niềm tin, và chúng tôi tôn trọng niềm tin của mọi người.
Chúng tôi cũng không kêu gọi hay thuyết phục bạn nên tin vào cách ứng dụng của chúng tôi. Với chúng tôi, những gì chúng tôi chia xẻ với bạn, đó chỉ là những thông tin về một góc độ nhìn khác với bạn.
Có thể qua ứng dụng, đối với chúng tôi, đó là sự thật, nhưng với bạn có thể là không. Nhưng chúng tôi biết, có một dấu ấn vô cùng quan trọng mà chúng ta có thể sử dụng để biết được đâu là sự thật, đó là dấu ấn của AN.
Khi mà dấu ấn của AN không bị nhạt nhòe, tan biến trong một khoảng thời gian ngắn, và AN có thể kéo dài, không tạo ra hậu quả mà là kết quả, thì đó, chính là dấu ấn của sự thật.
Trở lại chủ đề về hai chữ Lợi Dụng, Lợi có nghĩa là điều có ích với mình, dồi dào, có nhiều; Dụng có nghĩa là dùng, xài. Như vậy, Lợi Dụng có nghĩa là làm lợi cho mình mà có hại cho người khác.
Nhưng nếu bạn đã quen với những bài viết của chúng tôi, bạn sẽ thấy cách chúng tôi diễn dịch định nghĩa sẽ “rất lạ” khi chúng tôi dùng qua ứng dụng.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy khi chúng tôi đặt tựa đề có hai chữ, thì thường chúng tôi lại có những diễn nghĩa “không giống ai”, cho nên, hai chữ Lợi và Dụng với chúng tôi qua ứng dụng, đó là, “Mình Làm Gì Có Lợi Để Cho Người Khác Dùng”.
Chắc chắn, sẽ có rất nhiều bạn sẽ không đồng ý với chúng tôi, vì cho rằng, như vậy là mình qúa thiệt thòi. Chúng tôi rất đồng ý với bạn, vì lúc xưa, chúng tôi cũng nghĩ giống như bạn, chúng tôi cũng tìm đủ mọi cách để “bảo vệ” chúng tôi để không cho ai có cơ hội lợi dụng.
Khi giao tiếp với ai, chúng tôi lúc nào cũng nghi ngờ đối tượng, và luôn lo âu không biết là người kia có lợi dụng chúng tôi hay không?
Chúng tôi nghĩ, khi chúng tôi nghi ngờ người kia ở trong lòng thì làm sao họ biết. Nhưng sau này, chúng tôi biết, là dù người kia họ không biết, nhưng họ có thể “cảm” được nguồn năng lượng nghi ngờ này của chúng tôi.
Lúc đó, chúng tôi không thể nào giải thích được, tại sao có nhiều thương vụ, đáng lý ra sẽ thành công, nhưng cuối cùng lại thất bại.
Chúng tôi phiền muộn vì bao công sức, bao nhiêu trí lực, đã đổ dồn vào thương vụ đều đem đi đổ sông đổ biển.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định đem những thất bại đó lên quan sát và nhìn sâu hơn, lúc đó, chúng tôi mới phát giác ra một điều vô cùng đơn giản, đó là, không phải vì kế hoạch của chúng tôi có vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ, chúng tôi đã khởi ý niệm nghi ngờ, sợ bị người khác lợi dụng, nên kết quả ra, chính là sự nghi ngờ thương vụ sẽ không thành công, hay người kia chỉ lợi dụng chúng tôi, chứ không phải là kết quả của thương vụ thành công như chúng tôi muốn.
Khi phát hiện được điều này, chúng tôi thay đổi cách nhìn và ứng xử của chúng tôi, và chúng tôi đã đạt được những thành công như mục đích của chúng tôi đặt ra.
Hãy lấy câu chuyện sau đây để minh họa:
Chị L với chúng tôi là người làm cùng nghành. Vì cơ sở của chị không có đủ những điều kiện để đấu thầu với những hãng lớn, nên bao giờ có đấu thầu thì chị cũng đến xin hợp tác với chúng tôi.
Sau khi có đầy đủ những kế hoạch của chúng tôi, cũng như cung cấp đầy đủ những yêu cầu đấu thầu, thì chị lại dùng tên của hãng chị để đấu thầu.
Phần lớn những đấu thầu của chị đều thành công. Nếu là bạn, bạn có nghĩ là chúng tôi đang bị lợi dụng không? Chắc chắn, phần đông các bạn đều cho chúng tôi đã bị chị lợi dụng, hay có nhiều bạn còn cho rằng, cách ứng xử của chúng tôi là “ngu ngốc”, khi đem những kế hoạch, và ngay cả cơ sở của chúng tôi, cho chị dung, cho mục đích của chị.
Nếu như ngày xưa, với những quan điểm sợ người khác lợi dụng và nghi ngờ người khác, thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng sau khi chúng tôi quan sát và nhìn sâu, thay vì nghi ngờ chị, chúng tôi lại đặt trọng tâm vào làm sao cho thương vụ đấu thầu được thành công mà không cần biết ai đi thực hiện.
Chính vì vậy, khi chị đấu thầu thành công, đối với chúng tôi thì mục đích đã đạt được, và chúng tôi rất an vui, thay vì, ngày xưa chúng tôi đau khổ vì thất bại, vì đấu thầu không thành công.
Thay vì, chúng tôi tự ty mặc cảm, vì chúng tôi không có đủ khả năng, hay kế hoạch không hoàn hảo, thì nay chúng tôi có thêm tự tin vào khả năng của chính mình. Chính sự tự tin này, đã giúp cho chúng tôi đã thành công rất lớn trong những thương vụ về sau.
Nếu chúng tôi không có Lợi cho chị L dùng, thì có lẽ giờ này chúng tôi vẫn còn sống trong những nghi ngờ bị người khác lợi dụng, và có lẽ, chúng tôi đã chìm sâu vào trong cảm giác tự ty mặc cảm và khó đạt được những thương vụ đấu thầu thành công.
Nhưng có một điều mà bạn chưa biết đến, là ngoài những Lợi mà chúng tôi đạt được như: sống có an lạc hơn thay vì phiền muộn vì nghi ngờ bị người khác lợi dụng, có kinh nghiệm hơn trong cách ứng xử, có tự tin hơn, và quan trọng là, chúng tôi nắm quyền chủ động để nhường lại cho chị L đi thực hiện những kế hoạch mà chúng tôi đã phát thảo ra, v.v, thì có một cái Lợi “ngoài lề” khác, mà chúng tôi cũng đạt được, đó là, tuy chị L trúng thầu, nhưng với khả năng của hãng chị thì chị chỉ có thể đáp ứng được cho giai đoạn đầu, nhưng về lâu về dài, hãng của chị không thể ứng phó được.
Cho nên, cuối cùng, chị cũng giao lại những mối hàng cho công ty của chúng tôi, và chị lại tiếp tục sử dụng những cái lợi mà công ty của chúng tôi đưa cho chị, để tiếp tục những cuộc đấu thầu mới khác.
Chị càng sử dụng cái lợi mà chúng tôi đưa cho chị bao nhiêu, thì chúng tôi lại có nhiều đơn đặt hàng lâu dài sau này, bấy nhiêu.
Nói theo dân gian, thì chị là người ăn ốc và chúng tôi là người đi đổ vỏ. Và ai trong chúng ta nghe qua, cũng đều cảm thấy chúng tôi bị chị L lợi dụng rõ ràng nếu nhìn trên góc độ ngắn hạn, nhưng trên thực tế, trên góc độ dài hạn thì mục đích của công ty chúng tôi luôn đạt được những thương vụ đấu thầu mà ít khi thất bại.
Nếu đem so với kết quả ngày xưa là nghi ngờ bị người khác lợi dụng và đề phòng, thường đem đến cho chúng tôi những thất bại, những phiền lo, thì khi ứng dụng nhân sinh quan mới của chúng tôi, “Hãy Làm Lợi Cho Người Khác Dụng”, lại đem lại cho chúng tôi những kết quả như: sống có an lạc hơn, có chủ động hơn, có tự tin hơn, và mục đích đặt ra phần trăm thất bại ít hơn.
Chưa nói đến cách ứng xử của chúng tôi với chị L cũng tốt đẹp hơn, thay vì, là đối thủ của nhau, thì chị đi trước ăn trước, chúng tôi đi sau ăn sau. Quan trọng không phải là trước hay sau, mà quan trọng là có ăn hay không? Nếu không thì cả hai cùng chết.
Câu chuyện thứ hai, chúng tôi muốn chia xẻ với bạn về những năm đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến nước Mỹ. Vì chúng tôi là những người Việt đến giai đoạn hai, nên lúc đó, khó khăn hơn các giai đoạn khác.
Trong giai đoạn này, những công ty có đông người Việt làm công nhân nhất, đó là, những công ty về điện tử, gắn và hàn những resistor, capacitor, v.v. vào các bảng mạch điện.
Sở dĩ, nghành này được đa số người Việt chọn, vì thứ nhất: cần đến khéo tay, thứ hai: nhàn hơn, và thứ ba: có thể kiếm nhiều tiền hơn nhờ làm thêm giờ.
Chúng tôi còn nhớ, lúc đó, chúng tôi xin vào làm tại một khâu chuyên về tráng những lớp sơn mầu xanh lên trên các bảng mạch điện.
Khi tráng lớp sơn thì lớp sơn phải đều, không có chỗ dầy chỗ mỏng. Vì nếu có chỗ dầy hay mỏng, thì khi chạy qua máy làm khô sơn sẽ không thể làm cho những chỗ sơn dầy, khô được, nên khi đi tẩy rửa thì sẽ tạo ra tróc sơn, và làm cho mạch điện bị chạm.
Ngày đầu tiên chúng tôi đi làm thì được giao đứng máy tráng sơn trên bảng mạch điện. Chiếc máy đó là chiếc máy mới tinh, mới vừa đặt từ bên Đức về, và các kỹ sư bên Đức đang thử nghiệm trước khi cho vận hành liên tục trong 24 giờ.
Không biết vì bị vấn đề gì, mà cứ khi chạy qua màng sơn thì sơn lại không đều, chỗ thì qúa dầy, chỗ thì lại không có. Ba người kỹ sư cứ như lên cơn điên, chạy đôn chạy đáo, hết chỗ này đến chỗ kia, họp hành liên tục.
Trong lúc đứng quan sát kỹ, chúng tôi thấy, khi bảng mạch điện được chạy qua màng sơn từ trên chảy xuống, thì bên dưới phải có một máng để chứa sơn dư, rồi sơn dư lại được bơm lên trên đầu máy để tạo thành lớp màng sơn tuôn xuống.
Lúc đó, chúng tôi thấy máng sơn lại hơi lệch về một bên, nên mới lấy một miếng giấy gấp lại, nhét vào, tạo ra thế quân bình. Sau đó, chúng tôi chạy thử, quả nhiên, sơn phủ đều lên trên các bảng mạch điện. Chúng tôi thử liên tục trong 60 lần, đều ra kết quả giống nhau. Sau đó, chúng tôi lại rút tờ giấy lót ra, thì kết quả là bị chỗ dầy, chỗ mỏng.
Dĩ nhiên, lúc đó, chúng tôi đâu phải là kỹ sư để đưa ra quyết định, cho nên, chúng tôi đem hai lô 60 miếng lên gặp kỹ sư để hỏi ý kiến. Họ cho biết, 60 miếng mà chúng tôi lót giấy, đó là tiên chuẩn mà họ muốn, và họ hỏi chúng tôi đã làm gì để ra kết quả này.
Lúc đó, chúng tôi không dám nói thật, vì chúng tôi nghĩ, một bộ máy trị giá cả hơn triệu đô, với bao nhiêu đầu óc suy nghĩ để làm ra, không lẽ lại không bằng một sự quan sát và nhìn sâu của chúng tôi sao, nên chúng tôi cứ giả ngu, nói rằng, không biết.
Trong ba người kỹ sư, thì người kỹ sư trưởng là tinh ý nhất. Ông biết là chúng tôi đã biết làm cách nào để ra kết qủa đến 60 miếng giống nhau chứ không thể do tình cờ, hay không biết được.
Cho nên, ông bắt đầu “theo dõi” chúng tôi sẽ làm gì. Cứ hễ có ông thì chúng tôi rút tờ giấy lót ra, và kết quả là hư, phải đi rửa lại bảng mạch điện, nhưng nếu ông chỉ cần đi đâu khoảng 5 -10 phút trở lại, thì kết quả lại ra y như ông muốn.
Cuối cùng, ông quyết định mời chúng tôi đi uống cà phê, ông chân thành tâm sự ông đã xa nhà và rất nhớ vợ con, nếu ông không thể hoàn tất nhiệm vụ cho sự vận hành của máy đúng cách, không những ông phải ở lâu hơn để giải quyết mà ông còn có thể bị mất việc không chừng.
Nghe câu chuyện của ông, lúc đó, chạm vào trái tim của chúng tôi, vì cùng chung nỗi nhớ thương người thân nơi quê nhà, cho nên, chúng tôi mới dẫn ông đến chỗ máy, và bắt đầu nhét miếng giấy vào máng đựng sơn, và chạy thử cho ông xem.
Thay vì, chúng tôi chỉ thực nghiệm có 60 miếng, nhưng ông lại thực nghiệm gấp ba lần – 180 miếng, kết quả đều ra giống nhau. Ông vui mừng ôm chúng tôi thật chặt, và nói cám ơn rối rít.
Sau đó, ông lấy thước đo độ dầy và độ phẳng của máng đựng sơn, thì máng bị mỏng hơn 2/10 inch, nên đã tạo ra vấn đề bên dầy, bên mỏng.
Ông lập tức ra lệnh cho hai kỹ sư khác liên lạc với hãng chính, và đặt lại máng sơn mới. Trong khi chờ đợi máng đựng sơn mới, thì phương pháp “lót giấy” của chúng tôi vẫn được sử dụng vì đơn đặt hàng đang chất đống. Vài tuần sau, máng đựng sơn mới được gởi đến, sau khi lắp vào thì đạt đúng tiêu chuẩn.
Ngày ông về nước, ông có mời chúng tôi đi ăn để cám ơn, lúc đó, ông hỏi chúng tôi, làm sao chúng tôi có thể nghĩ ra cách chêm giấy vào dưới máng đựng sơn?
Chúng tôi trả lời ông, chính vì chúng tôi thích quan sát và nhìn sâu, nhờ vậy, chúng tôi mới phát giác ra độ chênh giữa máng đựng sơn, và đó có thể là vấn đề.
Cho nên, chúng tôi mới thực nghiệm từng độ dầy của miếng giấy khác nhau; lần đầu tiên, chúng tôi nhắm chừng thì thấy độ phủ của sơn trên các bảng mạch điện có thay đổi. Chúng tôi lại tiếp tục thực nghiệm cho đến khi đạt đến kết quả cuối cùng.
Ông nghe xong, cám ơn chúng tôi rất nhiều lần, vì nhờ sự phát hiện này, mà công ty của ông đã sửa chữa lại phần máng, giúp cho công ty tiết kiệm được rất nhiều tiền, và quan trọng nhất là uy tín của công ty của ông không bị suy giảm.
Lúc chia tay, ông có tặng cho chúng tôi một món tiền khá lớn, bằng cả nửa năm lương của chúng tôi, nhưng chúng tôi không nhận.
Trở lại khâu sản xuất của chúng tôi, trong đó, bao gồm nhiều gia đoạn:
Giai đoạn một là phải rửa sạch cái bảng mạch điện;
Giai đoạn hai, máy chạy qua khâu của chúng tôi là tráng sơn,
Rồi qua giai đoạn ba là hấp; sau khi hấp cho sơn đủ khô thì đến giai đoạn bốn là làm phim để rửa sạch những chỗ hàn mạch điện;
Sau khi qua khâu phim thì máy sẽ làm cứng sơn những chỗ không che; sau đó, qua đến giai đoạn năm là phần kiểm tra xem những phim che có chính xác không, nếu những chỗ nối mạch điện bị sai, hay còn sơn đọng lại, thì coi như bảng mạch điện đó bị hư phải đem đi rửa, và làm lại từ đầu.
Những bảng mạch điện nào đủ chuẩn, thì lại đưa qua giai đoạn sáu là dùng một máy rửa khác để làm sạch;
Sau đó, qua giai đoan bẩy và tám là đưa qua phần in chữ và đem hấp lần cuối, thành sản phẩm hoàn tất.
Ngày chúng tôi vào làm, trên chúng tôi có tổ trưởng và người giám sát cho tất cả các khâu. Thay vì, chỉ biết khâu của chúng tôi, thì chúng tôi trong những lúc nghỉ giải lao, lại xuống học cách rửa bảng mạch điện. Người làm việc trong khâu rửa bảng mạch điện rất thích, vì những khi anh lười biếng thì chúng tôi có thể vào phụ việc.
Vì khâu của chúng tôi là khâu thứ hai, nên luôn lệ thuộc vào khâu thứ nhất của anh, cho nên, thay vì ở trong thế bị động, chúng tôi chủ động đi học, để khi cần, chúng tôi vẫn có thể sử dụng.
Sau đó, chúng tôi tuần tự đi học tất cả các khâu. Trong khi, mọi người đi nghỉ giải lao thì chúng tôi lại làm việc. Mọi người vui vẻ giao việc cho chúng tôi, và đi giải lao thoải mái.
Chắc bạn lại nghĩ, họ đang lợi dụng chúng tôi có phải không? Sự thật thì không phải vậy, vì chúng tôi đang làm lợi cho họ sử dụng, và Lợi của chúng tôi sẽ đến như thế nào?
Hơn một tháng sau, vì đơn đặt hàng qúa nhiều, nên công ty quyết định thay đổi lịch trình làm việc, thay vì, làm 8 tiếng mỗi ngày thì lại tăng lên làm 12 tiếng, làm việc trong 4 ngày, và nghỉ 3 ngày.
Người tổ trưởng của chúng tôi vì gia đình có vấn đề, anh không thể theo được lịch trình mới nên xin đổi qua vị trí khác. Chức vị tổ trưởng bị khuyết, nên người giám sát quyết định chọn chúng tôi làm tổ trưởng.
Quyết định của ông khiến nhiều người không phục, vì chúng tôi là người qúa mới, chỉ mới làm hơn hai tháng nếu đem so với kinh nghiệm của nhiều người đã có kinh nghiệm trên 10 năm.
Khi làm tổ trưởng, qua quan sát và nhìn sâu chúng tôi đã biết được những vấn đề mà ca ba của chúng tôi đang đối mặt, cho nên, chúng tôi đã quyết định dùng phương pháp thay phiên và hợp tác. Chúng tôi thay đổi người làm các khâu cho nhau, và ai cũng phải biết tất cả các khâu.
Ngày trước, ai làm khâu nào thì biết khâu đó, nên không hiểu được những khó khăn của khâu khác phải đương đầu là gì, giống như kiểu: sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi vậy.
Nhưng từ khi chúng tôi thay đổi khâu, nên ai cũng hiểu được khó khăn của khâu khác. Vì vậy, khi họ ở khâu nào thì họ sẽ điều chỉnh máy làm sao cho có ít vấn đề nhất cho các khâu sau.
Không những vậy, chúng tôi còn thay thế luôn cả vị trí tổ trưởng luân phiên hàng tuần, để mỗi người hiểu được sự khó khăn thế nào khi vào vai trò lãnh đạo.
Sau hai tháng, ca ba của chúng tôi đã trở thành ca có sản phẩm ít bị hư nhất, sản xuất nhiều sản phẩm nhất, và quan trọng nhất, khi làm xong chỉ tiêu qui định cho một ngày thì chúng tôi cùng nghỉ ngơi, ngồi nói chuyện hàn huyên, hay đi ngủ chờ đến giờ về.
Lúc chúng tôi mới vào làm, ca hai là ca “chiến” nhất, lúc nào, cũng sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn các ca khác. Nhưng kể từ khi chúng tôi áp dụng thay phiên và hợp tác, thì ca chúng ta sản xuất nhiều sản phẩm hơn ca hai, mà còn ít bị sai hơn. Vì ngay từ đầu, chúng tôi ai cũng ý thức được, nếu sai là sai cả tổ, nên cùng giúp đỡ, hợp tác với nhau, và cùng đưa ra những kết quả tốt nhất.
Sau này, những bảng mạch điện có giá trị cả trăm ngàn đô đều phải qua tay tổ ba của chúng tôi thực hiện. Có những lô bảng mạch điện lên đến cả triệu đô, lúc đó, những nhân vật cao cấp đều có mặt, vì sợ bị hư.
Nhưng với thói quen đoàn kết và có ý thức, chúng tôi vẫn làm theo cách của chúng tôi một cách tự nhiên, không hề bối rối, hay sợ hãi, khi có mặt của các xếp cao, mà gây ra sai trái. Và quả nhiên với tinh thần đó sản phẩm của chúng tôi làm ra, luôn đạt tiêu chuẩn cao, và luôn giao hàng trước ngày quy định.
Sau 8 tháng làm việc, chúng tôi quyết định trở lại đi học, nên xin nghỉ việc. Ngày chúng tôi nghỉ, ai cũng buồn, và họ tổ chức một bữa tiệc chia tay chưa bao giờ có trong khâu của chúng tôi, trước đây.
Sau này, khi có dịp gặp lại những người làm trong ca ba của chúng tôi ngày xưa, thì ai cũng đã lên chức làm giám sát hay cao hơn. Họ cám ơn chúng tôi đã chia xẻ và tập cho họ biết làm sao để giải quyết vấn đề, và làm sao làm một người lãnh đạo có trách nhiệm.
Qua hai câu chuyện trên, bạn thấy đấy, đâu phải lợi dụng chỉ mang ý nghĩa xấu là biến mình thành công cụ cho người khác có lợi để dụng, mà thật ra, chúng ta cũng có Lợi.
Cái Lợi mà chúng ta có được, nhiều khi còn hơn là cái lợi mà chúng ta cho người khác sử dụng. Chỉ vì, chúng ta không biết chủ động trong việc làm lợi cho người khác sử dụng mà thôi.
Nếu đã bàn đến Lợi rồi, chúng ta cũng nên bàn thêm về chữ Dụng như thế nào?
Nói đến chữ Dụng thì ai trong chúng ta cũng biết dùng cả, nhưng dùng làm sao cho có ích lợi, mang lại hiệu quả cho mình và cho người, thì lại là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải học hỏi liên tục.
Có một câu chuyện thế này:
Khi có những đợt hàng mới, đòi hỏi những loại máy đặc biệt mới có thể ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và sản xuất đại trà. Thế nên, chúng tôi đã quyết định mua máy đó, thay vì đi mướn.
Sau một khoảng thời gian hợp tác với công ty đó, chúng tôi có những đấu thầu mới, tốt hơn, nên không cần phải sử dụng đến máy đặc biệt này.
Thông thường khi những máy móc không còn sử dụng thì chúng tôi thường xếp vào một góc riêng và trùm những máy lại để không bị bụi bặm.
Có một ngày, có một người thợ, vì hoàn cảnh gia đình, người chồng bị thất nghiệp đã lâu nên kinh tế gia đình vô cùng eo hẹp.
Công ty cũ lúc trước chị làm, lại có những sản phẩm, cần đến máy đặc biệt này. Chị muốn lãnh hàng về nhà cho chồng của chị tập làm để có thêm chút tài chánh, nhưng chị lại không đủ khả năng để mua hay mướn máy.
Chị đến ngỏ lời với chúng tôi xin mua để trả góp. Nghe hoàn cảnh gia đình chị, chúng tôi quyết định đem cái máy đặc biệt tặng cho chị. Chị nhận máy mà nước mắt chan hòa.
Chắc không ít bạn đồng ý với cách giải quyết của chúng tôi, có phải không? Tại sao chúng tôi lại không cho chị mướn, hay cho chị mua trả góp, ít nhất là chúng tôi cũng lấy lại được một phần tiền mua máy?
Có lẽ, quan niệm của chúng tôi hơi “khác người”. Với chúng tôi, khi một cái máy mà không còn được sử dụng hay hữu dụng thì chiếc máy đó trở thành “vô dụng” theo định nghĩa của chúng tôi.
Thay vì, để những chiếc máy “vô dụng” trùm lại thì tại sao chúng tôi không biến nó thành hữu dụng, có thể giúp ích cho mọi người.
Dĩ nhiên, chúng tôi có thể cho chị mướn hay cho chị mua trả góp thì cũng đã là giúp cho chị và cũng biến những thứ “vô dụng” thành hữu dụng rồi. Như vậy, cũng là gọi biết thương người rồi. Nhưng với chúng tôi, tình thương, tình yêu hay tình người, mà còn có điều kiện với nhau thì tình yêu thương hay tình người đó vẫn có thể gây ra khổ đau cho nhau.
Cho nên, khi đã hiến tặng điều gì cho ai chúng tôi luôn hiến tặng một cách vô điều kiện. Chúng tôi không phải chỉ nói suông, mà chúng tôi phải luôn thực tập khi có cơ hội, để biến thành một thói quen.
Đó mới là mục đích trong cuộc đời của chúng tôi. Nếu đứng trên thực tế, bạn đúng vì khi cho chị mua trả góp, hay cho chị mướn, thì chúng tôi có được thêm vài trăm một tháng từ chị.
Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi với chính chúng tôi:
Một vài trăm một tháng của chị có làm cho chúng tôi giầu có thành tỷ phú không? Câu trả lời là không.
Nếu có thêm vài ba trăm một tháng của chị, có làm cho chúng tôi đẹp ra không? Câu trả lời cũng không.
Vậy nếu chúng tôi đem tặng máy cho chị thì chúng tôi có giầu có không? Câu trả lời là có, vì khi tặng máy cho chị, chúng tôi đang làm giầu có cái an và cái vui của chúng tôi.
Nếu chúng tôi đem máy tặng cho chị chúng tôi có đẹp hơn không? Có, vì chúng tôi đang tiếp tục thực hiện những điều mà tổ tiên của chúng ta đã từng dậy dỗ: Thương người như thể thương thân. Chúng tôi đang tiếp nhận gia tài của tiên tổ để lại, và đang trao truyền hạt giống đẹp này cho các thế hệ tương lai.
Nếu cần phải đem so sánh, cân đo đong đếm thì rõ ràng khi tặng cái máy, đối với chúng tôi là “vô dụng”, thì với gia đình của chị lại thành “hữu dụng”.
Chị không cần phải chắt chiu từng tháng để trả góp cho chúng tôi, như vậy, ít nhất trong bữa cơm của nhà chị, những thành viên trong gia đình sẽ có thêm những chất dinh dưỡng khác.
Chị không còn sợ hãi vì chúng tôi sẽ có thể lấy lại máy bất cứ lúc nào, vì chị còn thiếu lại tiền của chúng tôi. Như vậy, chị sẽ có tâm an hơn, và khi làm ra sản phẩm sẽ ít bị hư hơn, tài chính gia đình của chị có thể nhờ đó mà cải thiện.
Dĩ nhiên, chị có lợi của chị và chúng tôi cũng có lợi của chúng tôi. Đôi bên đều có lợi thì sao chúng tôi lại không làm.
Ngược lại, nếu chúng tôi cho chị mua theo dạng trả góp, biết đâu khi sử dụng, chị làm hư máy và đem trả lại cho chúng tôi, không những chúng tôi bực mình vì phải nhận lại cái máy hư. Nếu bỏ tiền ra sửa thì cũng về chất đống, mà nếu không sửa thì đúng là cái máy trở thành “vô dụng” hoàn toàn. Có thể nói dù trong trường hợp nào cũng khiến chúng tôi rơi vào đau khổ.
Đặt những câu hỏi, quan sát và nhìn sâu, chúng tôi thấy, việc đem tặng cái máy cho chị là việc làm tốt nhất trong các giải pháp để đem đến an vui cho chúng tôi và cho chị.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện khi chúng tôi cho một người bạn mượn chiếc xe để lái khi người bạn của chúng tôi qua California để tham quan thắng cảnh.
Trong lúc đang lái xe, người bạn của chúng tôi đã bị xẩy ra tai nạn, do cô bé mới tập lái, vì chưa quen nên đã đụng từ phía sau.
Vì chiếc xe của chúng tôi cũng là loại đặt tiền, cho nên, người bạn của chúng tôi vô cùng bất an, và đã gọi điện thoại cho chúng tôi để báo tình hình xẩy ra.
Khi nghe người bạn chúng tôi báo qua điện thoại, chúng tôi đã quyết định không làm khó cô bé vừa tập lái, bởi vì, chúng tôi biết, nếu vấn đề đụng xe được bảo hiểm bồi thường thì sau này cô bé sẽ gặp vô vàn khó khăn khi mua bảo hiểm, và nếu có mua được thì giá cũng cao ngất ngưỡng, trong khi, cô bé lại sắp sửa vào trường đại học cần rất nhiều chi phí liên quan đến tài chánh.
Khi người bạn đem xe về nhà chúng tôi, thay vì, đi xem chiếc xe của chúng tôi có ra sao không, thì chúng tôi lại quan tâm đến sức khỏe của người bạn của chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi hỏi người bạn có cần đi bác sĩ không? Có những bất thường nào trong cơ thể không? Có cần đi bịnh viện không?
Khi mà người bạn cho chúng tôi biết, anh vẫn an toàn thì chúng tôi mới thở phào, an tâm. Với chúng tôi, quan niệm về vật chất cũng rất thoáng: một đời ta bằng ba đời nó. Cho nên, khi chiếc xe bị lõm vào một chút, như má lún đồng tiền, thì đó cũng là nét đẹp cho chiếc xe của chúng tôi. Vì thế thay vì đi sửa lại thì chúng tôi quyết định để nguyên vết lõm nhỏ đó.
Qua hai câu chuyện trên, chúng tôi muốn chia xẻ với bạn về cách dùng, và ai trong chúng ta cũng biết. Nhưng mỗi người đều có cách dùng khác nhau, và chúng ta đều có quyền để lựa chọn, chúng ta dùng như thế nào.
Quan trọng không phải là cách dùng này, hay hơn cách dùng khác, mà trọng tâm chúng ta cần hướng đến, đó là cách dùng của chúng ta có đem đến lợi ích cho người và cho mình, và có đem đến cho chúng ta bình an hay hạnh phúc hay không?
Tóm lại, qua hai chữ Lợi Dụng, chúng tôi không chia xẻ với bạn về góc nhìn mà chúng ta đã qúa quen thuộc và sử dụng trong cuộc sống cũng như trong cách ứng xử của chúng ta, mà chúng tôi chia xẻ với một góc nhìn mới, góc nhìn lợi dụng theo tích cực.
Có nghĩa là, bất cứ một việc gì trên thế gian này, cũng có hai mặt, dù mặt này có xấu bao nhiêu thì mặt kia cũng sẽ tốt bấy nhiêu.
Một bài thơ để nhắc nhở chúng tôi khi ứng dụng hai chữ lợi dụng như sau:
Hạnh phúc và khổ đau
Như đồng tiền hai mặt
Cũng như trước và sau
Liền nhau trong tích tắc
Biết dụng không vướng mắc
Biết dụng là Di Lặc
Hay đơn giản hơn và dễ nhớ hơn,
“Chúng ta sẽ trở nên “Vô Dụng” khi chúng ta không có thể làm Lợi cho người khác dùng.
Ở đời, đâu ai muốn trở thành người “Vô Dụng”, có phải không?