TẢI MP3 – TRẦN THIỆN TÍCH
TẢI MP3 – TÂM TỪ
TẢI MP3 – CHÂN TRÚ LẠC
TẢI MP3 – DIỆU LIÊN
Bạn Thân Mến,
Nói đến hai chữ nhận lỗi là nói đến một việc gì đó, mà chúng ta đã nói hay làm, nhưng không đúng với một ai đó, hay với chính mình, khi đã vượt qúa những ranh giới mà chúng ta đã quy định.
Nhận lỗi là một chủ đề lớn, mà rất nhiều các nhà hiền triết trên thế giới, đã cố gắng trao truyền và giảng giải cho con người, từ xưa cho đến nay. Các Ngài đang cố gắng tận hết sức mình để giúp người, giúp đời. Nhưng cho đến nay, muốn nói đến hai chữ “nhận lỗi” thì không ít người trong chúng ta vẫn cảm thấy đó là việc vô cùng khó khăn để thực hiện. Vì sao?
Vì, khi chúng ta nhận lỗi với một ai đó, cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta đã làm sai điều gì, hay chúng ta đã tin sai, nên mới đưa đến hành động hay lời nói sai.
Nói sai hay làm sai thì cũng chẳng có gì là to tát cả, nhưng điều đó sẽ trở nên to lớn, khi lời nói, hay hành động sai, trong Ngã Thức của chúng ta, bắt đầu khích hoạt những vùng cảm xúc/giác như: xấu hổ, mất mặt, tự ty, tự tôn, v.v.
Khi những nguồn cảm xúc/giác này bắt đầu “khống chế” Ngã Thức của chúng ta, và sử dụng Ý Thức để làm công cụ “biện minh” cho lời nói, hay hành động sai, thì lúc đó, cho dù, qua sự phân tích của Ý Thức, có biết là chúng ta sai, nhưng nguồn năng lượng tiêu cực nêu trên, nhất là nguồn năng lượng của tự tôn sẽ không bao giờ cho Ngã Thức của chúng ta chấp nhận, chúng ta sai.
Chính vì vậy, tuy học thuyết “nhận lỗi” rút gọn từ “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” đã có cả ngàn năm, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta chịu thực tập.
Chúng ta chỉ thích ca tụng, tán thưởng, những câu danh ngôn như trên; chúng ta chỉ thích lý luận để phô trương kiến thức và sự hiểu của mình, nhưng tai hại nhất là, chúng ta lại không chịu thực hành.
Các nhà hiền triết đã bỏ ra bao tâm huyết, bao trải nghiệm, để rút tỉa ra phương pháp cho chúng ta thực hành, chứ không phải, để “tô hồng” thêm cho kiến thức của chúng ta.
Nếu chúng ta khi học những câu danh ngôn này, mà chỉ học để “tô hồng” thêm cho kiến thức của chúng ta, thì há chẳng phải là, chúng ta đang lãng phí đi những tinh hoa mà cha ông của chúng ta đã tích lũy hay sao.
Danh ngôn ngày nay thì lan tràn trên internet. Đâu đâu cũng thấy nhan nhãn nhưng câu danh ngôn, được trang hoàng lộng lẫy trên những nền rất đẹp, và đăng đầy rẫy trên những diễn đàn, hay mạng xã hội.
Người đăng có khi bỏ công ra trang trí những câu danh ngôn, hay đi sưu tầm những câu của người khác làm, rồi đăng lên trên mạng xã hội, mỗi ngày, mỗi giờ. Nhưng nếu chúng ta hỏi người đăng, có Biết những gì họ vừa đăng, và có thực hành theo những điều đó không, thì chắc chắc, câu trả lời là: Không.
Vậy thì, cho dù những câu danh ngôn có hay bao nhiêu, có
nhiều bao nhiêu, thì có ích lợi gì. Hay, cho dù, kiến thức của chúng ta có cao bao nhiêu, có thuộc lòng bao nhiêu, thì cũng thành vô dụng. Vì sao?
Vì khi chúng ta gặp vấn đề cần phải giải quyết, thì chúng ta chẳng có chút xíu kinh nghiệm nào để sử dụng cả.
Mớ kiến thức mà chúng ta tự hào, huyên thuyên, khi chưa có vấn đề kia, chẳng giúp ích gì cho chúng ta trong việc giải quyết vấn đề của chúng ta một cách rốt ráo; và khi giải quyết vấn đề, thì chúng ta cũng chẳng sử dụng đến những câu danh ngôn mà chúng ta đã tán tụng, ngợi khen.
Sự thật là, nếu chúng ta nghiêm túc thực hành, thì đôi khi, chỉ một câu danh ngôn, cũng khiến chúng ta phải dành cả một đời mới thực hiện được.
Cho nên, chúng ta không cần thiết phải đi sưu tầm cả ngàn câu danh ngôn để làm gì. Chỉ cần, chúng ta chọn một câu mà chúng ta tâm đắc nhất, và đi thực hành câu đó, cho đến khi đạt được kết quả mới thôi. Như vậy, xem ra có lợi ích cho chúng ta nhiều hơn là, hiểu cả ngàn câu, nhưng không biết câu nào cho ra hồn.
Trở lại chủ đề “Nhận Lỗi” hay “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Tiên trách Kỷ, có nghĩa là, trước tiên hãy trách mình (kỷ), còn Hậu trách Nhân, nghĩa là, sau đó (hậu) mới trách người (nhân).
Trách mình thì trách gì đây? Chữ Trách là động từ, theo định nghĩa là: vạch ra và tỏ ý chê bai, bắt lỗi, đổ thừa chỗ sơ hở của người khác.
Khi học định nghĩa này trong cuốn Việt Nam Tự Điển của
tác giả Lê Văn Đức, chúng tôi thấy có chỗ không ổn, thí dụ như: “đổ thừa chỗ sơ hở của người khác” chẳng hạn. Nếu dùng định nghĩa vào câu, “tiên trách kỷ”, có nghĩa là, trước tiên, chúng ta nên đi đổ thừa chỗ sơ hở của người khác, trước khi nói về lỗi của mình.
Nếu định nghĩa là như vậy thì đây không thể nào là câu danh ngôn được, vì hành động đó, không được đẹp chút xíu nào, mà còn dậy chúng ta nên trốn tránh trách nhiệm, không cần gánh lấy hậu quả do chính chúng ta gây ra.
Cho nên, ngay cả khi học trực tiếp từ trong tự điển thì chúng ta cũng phải rất cẩn thận khi xem phần giải nghĩa có đúng không.
Chẳng hạn định nghĩa chữ trách như trên, nhưng khi chúng ta nói hai từ: trách nhiệm (cũng là động từ) thì lại mang một ý nghĩa khác, là gách vác công việc (nhiệm) và nhận mọi hậu quả hay kết quả từ công việc ấy.
Như vậy, chữ trách trong trách nhiệm, lại mang một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với định nghĩa của chữ trách là đổ thừa lỗi sơ hở của người khác.
Thế nên, khi chọn lựa câu danh ngôn này để thực tập trong đời sống hàng ngày, chúng tôi lại diễn dịch chữ “trách” thành nhận lỗi và xét lỗi.
Qua sự diễn dịch này, chúng tôi thấy định nghĩa của chữ “trách”, có thể ứng dụng được cho câu danh ngôn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, và hai chữ trách nhiệm khá chính xác, có nghĩa là, trước tiên nhận lỗi về mình, rồi sau đó mới đi xét lỗi người.
Chữ xét ở đây có nghĩa là nghiệm lại, suy nghĩ lại, tìm ra lẽ phải. Và với hai từ “trách nhiệm” thì nhờ chúng ta nhận ra lỗi gây ra hậu quả, nên chúng ta mới gánh chịu hậu quả.
Khi diễn dịch lại định nghĩa xong, chúng tôi mới đem câu danh ngôn thực tập vào trong đời sống hàng ngày. Trong qúa trình ứng dụng này, chúng tôi lại thấy, khi chúng tôi đã nhận lỗi về mình, thì chúng tôi cũng chẳng cần phải suy xét về lỗi của người kia để làm gì.
Vì trong cách ứng xử của hai người, nếu như một người đã có lỗi và nhận lỗi thì người kia đương nhiên trở thành vô tôi hay không có lỗi.
Cho nên, chúng tôi rút gọn cả câu danh ngôn “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” lại, chỉ còn hai chữ “nhận lỗi” là vậy.
Vậy thì, khi chúng ta nhận lỗi về chúng ta, thì chúng ta sẽ có được những lợi ích gì?
Khi chúng ta biết nhận lỗi về chúng ta, thì chúng ta có được ít nhất 8 điều lợi lớn như sau:
Thứ nhất: Chúng ta sẽ sửa sai và ít khi tái phạm vào những sai lầm đó thêm lần nữa.
Thứ hai: Chúng ta sẽ không phải chịu sự khổ đau lâu dài, vì chờ đợi người kia nhận lỗi hay tha thứ cho chúng ta.
Thứ ba: Chúng ta có nhiều cơ hội hơn để hiểu về chính chúng ta.
Thứ tư: Chúng ta dễ dàng tha thứ cho chính chúng ta.
Thứ năm: Chúng ta luôn được người khác quý mến hơn, vì chúng ta luôn là người chấp nhận lỗi về chúng ta.
Thứ sáu: Chúng ta sống có tự chủ hơn, có thể tự giải quyết vấn đề hay khổ đau của chúng ta mà không lệ thuộc vào ai.
Thứ bẩy: Chúng ta là người có dũng khí và đảm lược nên chúng ta sẽ dễ thành công hơn.
Thứ tám: Nơi nào có mặt của chúng ta là nơi đó có hạnh phúc, bình an.
Thứ nhất: Chúng ta sẽ sửa sai và ít khi tái phạm vào những sai lầm đó thêm lần nữa.
Không cần phải bàn rộng về việc này, vì ai trong chúng ta, khi chịu nhận lỗi và chịu sửa sai lỗi của mình, thì chúng ta sẽ ít tái phạm vào cùng một lỗi, hay những lỗi tương tự.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều khi chúng ta lại tái phạm, và những lần tái phạm như thế, thường lương tâm của chúng ta sẽ khiển trách chúng ta, và chúng ta cũng biết được, chúng ta đã làm sai và có lỗi, chứ không như trường hợp, chúng ta không nhận sai, hay thấy không có lỗi. Vì sao?
Vì lúc đó, Ngã Thức của chúng ta sẽ “chống đối kích liệt” và sẽ loại bỏ những phân tích của Ý thức, khi cho rằng, chúng ta sai hay Ngã Thức sai.
Cho nên, nếu chúng ta cần bàn, thì chúng ta nên bàn xem, cách thức nào, để chúng ta sẽ không thể tái phạm thì hay hơn.
Vậy làm sao chúng ta có thể đạt được sửa sai một lần mà dùng cả đời?
Muốn làm được điều này, thì chúng ta phải biết được, gốc rễ của lỗi lầm mà chúng ta gây ra từ đâu? Nếu chúng ta không thể biết được gốc rễ, mà chỉ nhận lỗi “trên ngọn”, thì khi gốc rễ phát triển, hoa trái của lỗi lầm mà chúng ta không muốn thấy, hay có, sẽ tiếp tục trổ ra.
Cho nên, việc đi tìm ra gốc rễ của vấn đề là quan trọng nhất, và phương pháp cũng như cách ứng dụng của việc tìm ra gốc rễ của vấn đề, đã được chúng tôi trình bầy trong rất nhiều bài viết.
Nếu cần tóm gọn thì đây là bốn bước:
- Xác định mình có lỗi
- Nguyên nhân tạo ra lỗi
- Phương pháp giải quyết lỗi
- Thời gian giải quyết lỗi
Chỉ cần chúng ta thực tập phương pháp bốn bước này, chúng ta có thể giải quyết được lỗi của mình, và làm sao sửa sai cho đúng cách, mà không bao giờ tái phạm.
Thứ hai: Chúng ta sẽ không phải chịu sự khổ đau lâu dài, vì chờ đợi người kia nhận lỗi, hay tha thứ cho chúng ta.
Khổ đau trong cuộc sống của con người thì vô vàn không sao kể xiết, nếu chúng ta không nhận lỗi, và cứ lại chất chứa thêm những khổ đau từng ngày, thì cuộc sống của chúng ta rơi vào khổ đau triền mien, cũng đâu có gì là lạ.
Rõ ràng, chẳng phải từ kiếp trước hay nghiệp lực nào, đem đến cho chúng ta khổ đau, mà nếu chúng ta chịu khó quan sát và nhìn sâu, chúng ta thấy, chính vì chúng ta không học cách nhận lỗi về chúng ta, đã chiếm hơn 80% những khổ đau trong cuộc sống của chúng ta rồi.
Trong sự khổ đau này, cái đau nhất, chính là thời gian chờ đợi. Thời gian chờ đợi càng dài bao nhiêu thì chúng ta càng đau khổ nhiều bấy nhiêu.
Có nhiều khi, chúng ta chờ đợi đến ngày chúng ta chết đi, mà người kia cũng không chịu nhận lỗi về phần họ, hay họ sẽ không tha thứ cho chúng ta, khi họ đã “quyết định” đó là lỗi của chúng ta.
Chính vì vậy, thay vì chúng ta hoàn toàn bị lệ thuộc, bị bị động, rơi vào thế đợi chờ, thì chúng ta có thể biến thế bị động đợi chờ người kia tha thứ cho chúng ta, thành thế chủ động: chúng ta tự nhận lỗi về mình.
Với thế chủ động này, chúng ta bắt đầu áp dụng phương pháp bốn bước để đi giải quyết tận gốc rễ. Khi chúng ta đã giải quyết xong thì sự khổ đau của chúng ta chấm dứt, mà không cần phải chờ đến chết mới được người khác thứ tha hay nhận lỗi.
Thứ ba: Chúng ta có nhiều cơ hội hơn để hiểu về chính chúng ta.
Khi nhận lỗi về phần chúng ta, và chúng ta đi tìm phương pháp để giải quyết cái lỗi đó, nếu chúng ta dùng đúng cách, thì chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội hiểu sâu hơn về chúng ta.
Chúng ta có thể hiểu được sự vận hành của Ngã Thức. Chúng ta có thể hiểu được tại sao cảm xúc/giác lại có mặt trên Ngã Thức, và cảm xúc/giác khích hoạt hay sử dụng Ý Thức như thế nào.
Chúng ta cũng có thể suy xét những niềm tin mà chúng ta đã thâu thập và tích lũy trong qúa khứ, nhưng chưa từng qua kiểm chứng, và thực chứng.
Chúng ta cũng có thể quan sát và nhìn sâu vào những niềm tin đó, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào, khi chúng ta sử dụng trong cách ứng xử với người, và với chính mình.
Như vậy, qua việc chúng ta nhận lỗi về chúng ta thì chúng ta đang cho chính chúng ta những cơ hội để hoàn thiện, chỉnh sửa lại chính mình.
Thứ tư: Chúng ta dễ dàng tha thứ cho chính chúng ta.
Tha thứ là hai chữ mà chúng ta đã nghe, thấy, và cũng đã sử dụng rất nhiều lần trong cuộc sống. Thông thường, khi chúng ta nghe, thấy, hai chữ tha thứ, thì chúng ta liên tưởng ngay đến việc, đối tượng nào đó đang bỏ qua một điều gì đó, mà chúng ta đã làm sai với đối tượng, và đối tượng đã không còn chấp nhất, hay bắt lỗi về việc làm sai của chúng ta nữa.
Như vậy, định nghĩa của hai chữ tha thứ là: bỏ qua, không bắt lỗi. Nhưng trên thực tế, thì có sự tha thứ của người nào đó cho chúng ta, mà sự tha thứ đó, có thật sự là tha thứ không?
Hay đó, chỉ là “tạm tha” trong giai đoạn, và khi chúng ta có một lỗi nào khác nữa, thì cái lỗi mà đã được gọi là tha thứ đó, lại quay về cộng chung vào cái lỗi mới.
Người vợ đang nấu phở, nhưng thiếu củ hành tây bỏ vào cho ngọt nước, nên sai người chồng, đi chợ mua một củ hành tây.
Người chồng lái xe ra chợ, thấy hành tây đang giảm giá bán $1/cho ba củ hành, trong khi, một củ bán lẻ giá 50 xu. Người chồng, thay vì, mua một củ hành như người vợ dặn, thì anh lại bị hấp dẫn bởi quảng cáo hạ giá, cho nên, anh đã mua ba củ hành.
Người chồng, sau khi trả tiền và lái xe về nhà, hí hửng vào khoe với vợ, về sự “khéo tính” của mình. Người vợ, không những không khen người chồng, mà còn quay sang quạt cho anh một trận, vì tội không biết tiết kiệm và hoang phí, trong khi, vợ chồng lại ít ăn hành tây, và chỉ dùng hành tây cho nấu phở.
Người chồng khi bị vợ mắng thì tiu nghỉu đi ra phòng khách, ngồi mặt bí xị. Khi người chồng bước đi thì người vợ nói với theo sau:
-Lần này tôi “tha” cho ông, lần sau, ông không được xài hoang phí như thế nữa.
Nửa tháng sau, người vợ nấu bún riêu, nhưng lại thiếu cà chua, nên sai người chồng, đi chợ mua thêm 5 trái cà chua. Người chồng lần này ra chợ, lại bị bảng hạ giá $1/ 10 trái hấp dẫn, nên anh lại mua một đồng cà chua đem về cho vợ.
Nhìn thấy gói cà chua có hơn năm quả, người vợ quát thật to:
“Tôi đã dặn ông, đi mua 5 trái, sao ông lại mua 10 trái, tôi càng tiết kiệm bao nhiêu, thì ông càng phá của bấy nhiêu. Lần trước, tôi nói ông đi mua một củ hành, thì ông lại vác về 3 củ hành; lần này, tôi kêu ông đi mua 5 trái cà chua thì ông đi vác về 10 trái, bộ ông tính chọc cho tôi tức chết ông mới vừa lòng sao.”
Nửa tháng trước, người vợ đã dõng dạc tuyên bố “tha cho ông”, nhưng hai tuần sau, thì cái lỗi của ông không những không được tha, mà còn được cộng thêm với cái lỗi mới.
Cho nên, khi mà chúng ta đã bị ghi vào sổ “bìa đen” là có lỗi, tuy người kia đã nói tha lỗi cho chúng ta, cái tha đó không phải là “tha thứ”, không còn nghĩ đến nữa, hay bỏ qua, mà chỉ là “tạm tha” trong giai đoạn mà thôi. Hiếm khi nào có sự tha thứ, đúng như định nghĩa.
Ngược lại, khi chúng ta nhận lỗi về chúng ta, thông thường, chúng ta hay sử dụng sự tha thứ cho chúng ta rất đúng với định nghĩa của tha thứ, đôi khi còn “qúa lố” nữa là khác.
Nửa tháng trước, khi đi khám bác sĩ về gan, bác sĩ cho anh biết, anh đã sử dụng rượu qúa nhiều, cho nên, gan của anh bắt đầu có triệu chứng bị sơ.
Nghe bị sơ gan, anh rất sợ, và thấy đó là lỗi của anh, khi đã uống rượu khá nhiều. Anh quyết định cai rượu để chuộc lại lỗi lầm của mình.
Gìn giữ được mươi ngày, thì người bạn thân, lại rủ anh đến ăn tiệc thôi nôi con của người bạn. Lúc đầu, anh còn giữ được kỷ luật, nên không uống, nhưng qua vài tua khích bác, thì anh đã say bí tỉ đêm hôm đó.
Anh không những, không giữ được kỷ luật do anh đặt ra, mà anh còn tha thứ “trọn vẹn” cho cái lỗi ham uống rượu, mà bác sĩ đã cảnh cáo anh, nếu anh không bỏ uống rượu, thì cơ hội gan của anh bị sơ là rất lớn.
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy, ít ai trong chúng ta có thể tha thứ cho người khác một cách trọn vẹn, nếu có chăng, thì đó chỉ là “tam tha” để mai kia tính lại, chứ không phải bỏ qua, không bao giờ nghĩ đến lỗi đó nữa.
Ngược lại tha thứ khi dùng cho chúng ta, thì mới có tha thứ một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất.
Thứ năm: Chúng ta luôn được người khác quý mến hơn, vì chúng ta luôn là người chấp nhận lỗi về chúng ta.
Không cần nói, thì ai trong chúng ta, cũng nhận thấy được lợi ích này, bởi vì, khi chơi với ai, mà người đó luôn chịu gánh lỗi, và chúng ta là người vô tội, thì ai mà chẳng muốn chơi với người đó, và ai mà chẳng yêu mến người đó chứ.
Dĩ nhiên, chúng ta yêu mến người đó vì lợi ích của chúng ta đã có người sẵn sàng chịu lỗi cho chúng ta. Nhưng chắc chắn người biết nhận lỗi kia, cũng có những lợi ích như: vừa học hoàn chỉnh họ, vừa tạo được môi trường sống không có thù hận, khổ đau. Không cần phải sống giả dối, lừa gạt nhau.
Thứ sáu: Chúng ta sống có tự chủ hơn, có thể tự giải quyết vấn đề hay khổ đau của chúng ta mà không lệ thuộc vào ai.
Đây có thể nói là lợi ích vô cùng quan trọng với chúng ta vì chính nhờ lợi ích này, mà chúng ta có thể quyết định cuộc đời của chúng ta như thế nào?
Cho dù, chúng ta có vấn đề từ nội tâm hay do ngoại cảnh, khi chúng ta có sự tự chủ, thì chúng ta có thể thay đổi hậu quả thành kết quả. Chúng ta có thể sống ít lầm lỗi và nhiều hạnh phúc an lạc hơn.
Thứ bẩy: Chúng ta là người có dũng khí và đảm lược nên chúng ta sẽ dễ thành công hơn.
Biết nhận lỗi với người, và dám gánh những hậu quả do mình gây ra, đó không phải là việc bình thường, ai cũng có thể làm được.
Muốn làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có sự quan sát và nhìn sâu rất vững chãi, mới có thể làm được. Khi đã có sự nhìn sâu vững chãi, và tiếp xúc được với sự thật, thì đạo giáo gọi đó là người có dũng khí và đảm lược.
Định nghĩa của hai chữ dũng khí là: nguồn năng lực (khí) mạnh mẽ (dũng), hay lòng can đảm. Hai chữ: can là gan, và đảm hay đởm là mật, là hai cơ quan, gánh những nhiệm vụ nặng nề trong việc bài tiết cholesterol và các chất độc thải ra ngoài cơ thể. Còn hai chữ: đảm lược, có nghĩa là, không biết sợ hãi, giỏi tính toán sắp đặt.
Như vậy, khi chúng ta nhận lỗi về chúng ta, và chúng ta biến đó thành thói quen, thì bất cứ làm việc gì, chúng ta cũng dùng sự quan sát và nhìn sâu, để tìm ra gốc rễ của vấn đề, và đi giải quyết nó, thì không những, chúng ta có thể đem an lạc và hạnh phúc cho chúng ta, mà yếu tố quan sát và nhìn sâu khi ứng dụng trong tất cả mọi nghành nghề, vẫn luôn là hai chất liệu quan trọng nhất để đưa đến thành công.
Vấn đề là, chúng ta phải tập thành thói quen sử dụng quan sát và nhìn sâu liên tục, nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lúc nhớ lúc quên, và hiển nhiên, quên nhiều hơn nhớ, khi va chạm với vấn đề.
Thứ tám: Nơi nào có mặt của chúng ta là nơi đó có hạnh phúc, bình an.
Lợi ích này thì không cần phải bàn rộng ra, vì ai trong chúng ta cũng hiểu, khi chúng ta đã nhận lỗi, tìm ra nguyên nhân lỗi, và đi giải quyết cái lỗi, thì chúng ta sẽ không còn khổ đau do những lỗi mà chúng ta gây ra. Cho nên, chúng ta có bình an và hạnh phúc là chuyện tất nhiên.
Là con người, nếu chúng ta sống hướng ngoại, và đi tìm bình an và hạnh phúc từ bên ngoài, thì chúng ta thường thiếu bình an và hạnh phúc. Cho nên, nếu chúng ta là người có bình an và hạnh phúc kéo dài, thì chúng ta có thể đem những bình an và hạnh phúc mà chúng ta có, để chia xẻ với những người đang thiếu.
Như vậy, chúng ta đang tạo ra một môi trường sống lành mạnh, môi trường mà, con người có thể sống với nhau có bình an và hạnh phúc, hiến tặng cho nhau.
Như vậy, qua tám lợi ích kể trên, chúng ta không những làm lợi cho người, mà chúng ta cũng đang làm lợi cho mình. Lợi cho người thì không biết là bao nhiêu, nhưng khẳng định, ít nhất chúng ta cũng đã có 8 điều lợi.
Chúng tôi thì vẫn đang học và hành nhận lỗi mỗi ngày, còn bạn, bạn có “dám” nhận lỗi về phần mình hay không?