TẢI MP3 – CHÂN TRÚ LẠC
TẢI MP3 – DIỆU LIÊN
TẢI MP3 – HỒNG TRẦN
TẢI MP3 – MỘC LAN
Bạn Thân Mến,
Tham là một chủ đề lớn, nhưng ít ai lại muốn nói về tham. Có lẽ, trong cách tư duy của chúng ta, tham được coi như những “độc tố”, những gì liên quan đến xấu xa, tội lỗi như câu chuyện sau đây:
Trước năm 1975, ông là một nhà thầu khoán của lính Mỹ. Cái gì lính Mỹ cần trong sinh hoạt như: giặt ủi quần áo, giầy dép, hay dụng cụ cá nhân, ông đều thầu. Ngay cả như rác trong các khu quân sự của lính Mỹ, ông cũng thầu.
Mỗi một ngày, những chuyến xe ra vào trại lính Mỹ của công ty ông, ít nhất cũng tới cả chục lần. Cứ mỗi lần xe ra vào như vậy, thì những con số trong sổ ngân hàng của ông thay đổi, tăng liên tục, từ ngày này sang ngày khác.
Nếu không có sự thay đổi năm 1975, chắc tên ông cũng nằm trong danh sách những người giầu có ở miền nam.
Sau năm 1975, tất cả những kinh doanh của ông không còn tồn tại. Với tài sản của ông, chuyện cơm áo gạo tiền trong đời sống hàng ngày, không thành vấn đề. May mắn cho ông, trước khi chính sách đổi tiền của chính phủ mới xẩy ra, ông đã mua vàng để cất, thay vì ông để tiền trong ngân hàng qúa nhiều.
Vì vậy, khi sống trong một chế độ mới không thích hợp, ông quyết định mua tầu vượt biên.
Chiếc tầu vượt biên của ông cũng khá lớn, có thể chuyên chở được hơn 800 người. Trung bình mỗi người muốn đi vượt biên, phải trả cho ông từ 3 đến 5 lượng vàng. Có nghĩa là, khi tầu của ông cập bến tại Mã lai, ông đã có trong tay ít nhất hơn 2,000 lượng vàng.
Nếu ai đã từng sống trong trại tỵ nạn thì đều biết, chỉ cần có một lượng trong tay, cũng đã có một cuộc sống “huy hoàng” nơi trại tỵ nạn.
Với số vốn hùng hậu của ông, khi đến trại tỵ nạn, ông lại tiếp tục kinh doanh, và tiếp tục cộng thêm những lượng vàng mới vào trong gia tài của ông.
Gia đình của ông lúc đó, chỉ có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, một trai và một gái. Trước khi được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho gia đình ông được định cư, ông đã đổi hơn nửa số vàng thành tiền đô. Sau đó, ông chuyển khoản cho một người thân của ông ở Mỹ.
Ngày gia đình ông đặt chân đến Mỹ, trong khi, những người tỵ nạn khác còn đang sống nhờ sự trợ cấp của chính phủ, thì ông đã có một số tiền khá lớn trong ngân hàng.
Nói đến những người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ thì có thể phân chia làm bốn gia đoạn khác nhau.
Giai đoạn một: những người Việt tỵ nạn năm 1975, khi nước Mỹ rút quân về nước. Những người Việt tỵ nạn này, ngoài một số ít đi được do may mắn, còn đa số, cũng đã làm việc với người Mỹ, nên tiếng Anh với họ không thành vấn đề. Vì vậy, khi đến Mỹ, họ đã có thể thích nghi nhanh hơn so với những người tỵ nạn đến sau này.
Vì muốn thích nghi nhanh, cũng như vì môi trường hoàn cảnh lúc đó rất ít người Việt, nên sử dụng tiếng Anh trong nhà trở thành một thói quen. Chính vì vậy, những đứa con của họ dần dần cũng không biết tiếng Việt.
Hơn nữa, vì đã có công ăn việc làm tại các hãng xưởng ổn định, nên rất ít người Việt trong giai đoạn này, nghĩ đến phát triển về kinh doanh.
Trong gia đoạn này, hầu như những cơ sở kinh doanh của người Việt rất hiếm hoi. Nếu muốn ăn những món ăn Việt, người Việt chỉ có thể đi mua tại những chợ của người Trung Hoa.
Giai đoạn hai: Đây là gia đoạn quan trọng nhất của cộng động người Việt ở hải ngoại, bao gồm: phát triển kinh doanh, đóng góp nhiều nhân tài cho nước Mỹ, và là cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ một cách hài hòa nhất.
Nguyên nhân, vì những người tỵ nạn trong khoảng thập niên 80-90 đều là những chàng thanh niên, không cha, không mẹ, không người thân, vì đã, hay gần đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, nên gia đình chắt chiu lắm mới có thể cho đi vượt biên.
Vì vậy, khi được định cư tại nước Mỹ, ngoài việc đầu tư vào học vấn, họ cũng học những nghành nghề kiếm được đồng lương cao hơn, để giúp đỡ cho thân nhân còn ở Việt Nam. Ngoài số vốn Anh Ngữ được đào tại các trường đại học, họ còn một số vốn về Việt Ngữ khá giỏi. Cho nên, họ đã có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ một cách lưu loát, trong khi cộng đồng người Việt cũng bắt đầu khá đông.
Họ đã biết kết hợp với những người Việt gốc Hoa để bắt đầu lấn chiếm sang lĩnh vực kinh doanh, mà trước đây, do cộng đồng người Hoa đóng vai trò chính.
Những chàng thanh niên với những bầu nhiệt huyết, vì không có thân nhân, nên xem bạn bè như những người thân, đã biết đoàn kết và giúp đỡ nhau trong tất cả mọi lĩnh vực bao gồm: học vấn, kiếm nghành nghề phát triển, đầu tư kinh doanh, v.v. Họ đã xông xáo tham gia vào tất cả mọi nghành nghề để học hỏi, và sau đó, mở ra những cơ sở kinh doanh của người Việt.
Những tầng lớp bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ xuất chúng của người Việt bây giờ, phần lớn đều xuất thân trong giai đoạn này.
Gia đoạn ba: Những con Lai và đoàn tụ gia đình. Khi những người con lai và những người được bão lãnh đoàn tụ đến nước Mỹ, họ đã có sẵn những nền tảng mà những người trong giai đoạn hai đã xây dựng. Họ tiếp tục phát triển xây dựng cộng đồng người Việt, nhưng nếu đem so với giai đoạn hai thì không bằng, vì họ thiếu đi những “cơ hội bị bắt buộc” của những người trong giai đoạn hai.
Tại sao lại gọi là những “cơ hội bị bắt buộc”? Vì những chàng trai trẻ thân cô thế cô này, ngoài việc phải cố gắng học ra, họ không còn có thể làm gì khác. Họ phải học vì những khát khao mong mỏi của người thân tại quê nhà. Họ phải học vì họ có được những sự trợ cấp của chính phủ, mà chính nhờ sự trợ cấp này, họ mới có tiền để sinh hoạt.
Cứ 10 người thanh niên tỵ nạn lúc đó đã có ít nhất 7 người đăng ký học chương trình đại học. Có những người, vì sự túng thiếu của gia đình bên Việt Nam, họ vừa phải đi làm buổi sáng, nhưng đến tối, họ vẫn tiếp tục đi học.
Nhưng với những người trong giai đoạn ba thì khác. Họ không còn thân cô thế cô nữa. Họ đi với cả gia đình như những người con lai, hay nếu được bão lãnh thì cũng đã có người thân bảo lãnh chăm lo. Vì thế, họ thiếu đi những “cơ hội bị bắt buộc”, nên những người Việt tỵ nạn trong gia đoạn ba, khoảng thập niên 90-2000, ít đầu tư vào lĩnh vực học vấn, mà lại chú trọng hơn đến lĩnh vực kinh doanh.
Giai đoạn bốn: Chương Trình H.O. Qua chương trình nhân đạo, chính phủ Mỹ đã quyết định chấp nhận những quân nhân từng chiến đấu với quân đội Mỹ, sau khi thay đổi chế độ bị bắt đi học tập cải tạo, được đi định cư tại Mỹ.
Trong chương trình này, những người cựu quân nhân có thể đi cùng gia đình với con cái dưới 21 tuổi và chưa có lập gia đình.
Vì là những người đến định cư tại Mỹ sau khi cộng đồng người Việt đã được những người trong giai đoạn hai và ba gầy dựng và phát triển, nên những người Việt tỵ nạn trong giai đoạn bốn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển kinh doanh cũng như học vấn.
Đa số những cựu quân nhân đã rơi vào độ tuổi U50, và con cái cũng khá lớn tuổi, nên khó học tiếng Anh hơn. Vì vậy, những người Việt trong giai đoạn bốn này, trong kinh doanh thường phát triển về nghề thuộc về phục vụ nhiều hơn.
Ông thầu khoán là người được định cư ở Mỹ trong giai đoạn hai. Trong khi, những chàng thanh niên thân cô thế cô đang miệt mài kinh sử, với kinh nghiệm kinh doanh có sẵn, lại có thêm sức mạnh về tài chánh, cho nên ông đã sớm có những định hướng về tương lai cho gia đình của ông.
Trong khoảng thời gian những năm 85-90, nghành may mặc gia công của người Việt đang phát triển mạnh mẽ. Ông đã mở vài hãng may, và bắt đầu kinh doanh với một số thợ Việt, và những người thợ Mễ, di dân bất hợp pháp.
Nhờ nắm đúng thời cơ, tài sản của ông tiếp tục được gia tăng, và ông đã mua những cơ sở thương mại lớn để cho thuê.
Sau này, khi hai đứa con của ông, người con trai tốt nghiệp làm bác sĩ chỉnh hình, và con gái làm bác sĩ nhãn khoa, ông thay đổi những trung tâm thương mại của ông thành những cơ sở thương mại về Y khoa.
Gia sản của ông bây giờ có thể có từ vài chục triệu, hay cả trăm triệu đô cũng không ai biết rõ. Nhưng những sự việc xẩy ra cho gia đình ông, mà ai quen biết ông, cũng không lấy gì làm lạ.
Khi con gái của ông quyết định lấy chồng thì ông nhất quyết không cho. Lý do của ông rất đơn giản, vì ông sợ con rể của ông, thấy ông có nhiều tiền nên sẽ tìm cách “đào mỏ” nhà ông.
Con gái ông vì không chấp nhận cái lý lẽ vô lý của ông, nên hai cha con đã có những cuộc xung đột lớn, và hậu quả, con gái ông vẫn quyết định kết hôn và không nhận ông làm cha.
Con gái ông, sau khi kết hôn có hai đứa con. Không biết vì nguyên nhân buồn phiền gì mà cô bị điên, và phải đưa vào nhà thương tâm thần. Sống trong nhà thương tâm thần 4 năm, cuối cùng, cô tự tử chết, mà ông cũng không đến dự đám tang, và ông cũng không công nhận hai đứa cháu ngoại.
Đứa con trai còn lại của ông, cũng yêu thương một người con gái, nhưng ông vẫn không cho con trai ông ký giấy hôn thú với người con gái đó. Nguyên nhân duy nhất của ông, nếu làm giấy hôn thú thì cô gái kia sẽ chiếm lấy văn phòng bác sĩ mà cậu con trai của ông đang điều hành.
Người con trai không dám cãi lời ông, nên chỉ sống với cô gái đó mà không kết hôn. Cho đến một ngày, khi đang khám cho bịnh nhân, người con trai của ông cảm thấy khó chịu, nên đóng cửa về nhà nghỉ, và sau đó rơi vào hôn mê.
Ông đã tốn kém khá nhiều tiền để chữa trị, nhưng vẫn không có kết quả. Sau bốn năm sống như người thực vật, người con trai của ông cũng ra đi, để lại ông sống cô độc một mình.
Năm nay ông đã hơn 90 tuổi, không con, không cái, không người thân, sống cô độc một mình với khối tài sản lớn, tranh đua gìn giữ cả đời. Cuối cùng, ông còn lại gì, khi khối tài sản đó cũng không thể mang đi khi ông nằm xuống.
Câu chuyện của ông, ai nghe qua cũng đều phán rằng, tại ông qúa tham nên ông mới gặp quả báo này.
Còn bạn thì nghĩ sao? Có phải vì quá tham mà ông đang gánh lấy những quả báo, sống cô độc một mình không? Như vậy, có phải là tham luôn đem đến những hậu quả xấu không?
Dĩ nhiên, chúng tôi đồng ý với bạn, Tham có thể đem đến những hậu quả xấu, nhưng Tham cũng có thể đem đến những kết quả tốt.
Bạn không tin ư? Vậy chúng ta hãy cùng nhau quan sát và nhìn sâu vào Tham, xem Tham đem lại những kết quả tốt nào?
Hãy bắt đầu bằng việc bạn đang chọn lựa cách sống lành mạnh, không hút thuốc, không uống rượu, ăn uống điều độ, sinh hoạt ngủ nghỉ đúng giờ, v.v. vậy thì bạn có tham không?
Có chứ, vì định nghĩa của Tham là một nguồn động lực. Không có nguồn động lực này, chúng ta không thể làm được những việc như vừa kể trên. Chúng ta đang tham sống, có phải vậy không? Vậy thì cái Tham này đâu có xấu. Ngược lại, tất cả các tổ chức về y tế trên thế giới, đều khuyến khích chúng ta làm như vậy để duy trì sự sống tốt nhất.
Đứa bé trong bụng mẹ đã phải chịu rất nhiều sự thay đổi, tác động của những hóa chất, nhưng vì Tham Sống, nên mới có thể có được một cơ thể khỏe mạnh khi chào đời.
Người tu tập, cũng Tham đạt được sự An Lạc, nên mới có đủ động lực để tiếp tục cố gắng tu hành.
Người học sinh, cũng phải Tham học hỏi mới có động lực để vượt qua các kỳ thi khó, và đạt được những học vị cao quý.
Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng đều thấy có mặt của Tham. Nếu chúng ta không có động lực của Tham thì chúng ta đã không có mặt trên thế gian này.
Như vậy, tại sao khi chúng ta nói đến Tham, chúng ta không dám tự hào như chúng ta có thành công này, hay thành công khác. Nguyên do bởi vì, chúng ta đã có những định kiến sai lầm về Tham. Chúng ta đã quy định cho Tham là xấu, là những gì cần phải diệt trừ hay kiềm hãm lại.
Trong khi, bản chất của Tham thuộc về Trung Tính. Nghĩa là, không xấu và không tốt. Khi chúng ta sử dụng động lực Tham, chúng ta có quyền hướng cái động lực Tham đến mục đích tốt, thì cái Tham đó lại là cái Tham mà chúng ta làm cho cuộc đời này đẹp hơn.
Xấu hay tốt trong cuộc đời cũng vậy. Cũng là Trung tính. Xấu với người này, nhưng có thể đẹp với người khác, hay ngược lại.
Một đứa bé bướng bỉnh trong lớp học, luôn hỏi cô giáo tại sao về tất cả các vấn đề nó học; đối với cô giáo thì đứa bé đó là đứa bé ngỗ nghịch, bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Nhưng tương lai đứa bé có thể là một bác sĩ tài ba, có thể cứu được rất nhiều người, vì nhờ biết hỏi tại sao để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của bịnh, để chữa trị tận gốc.
Vấn đề là, nếu đứa bé kém may mắn gặp phải người thầy hay cô, không đủ khả năng để giải thích và hướng dẫn, nên cuối cùng, đứa bé thay vì có thể trở thành một người hữu dụng, thì nay thành người vô dụng, thích chống đối lại xã hội và con người.
Tham cũng như vậy. Nếu chúng ta không nhìn được Tham dưới góc nhìn tích cực, mà cứ nhìn Tham theo góc nhìn tiêu cực thì cuộc chiến giữa Tham trong tích cực, và tiêu cực, vẫn luôn đối kháng nhau, khiến cho nội tâm của chúng ta không bao giờ được yên ổn.
Đừng nói gì xa xôi, khi bạn bắt đầu một bước chân đi, bạn đã có Tham rồi, bạn phải có động lực thúc đẩy thì đôi chân của bạn mới di chuyển được. Nếu chẳng may, bạn bị một tai nạn nào đó, khiến đôi chân bạn không thể di chuyển. Cho dù bạn có tham, có động lực, cũng chưa chắc bạn đã làm được.
Cho nên, cứ không phải Tham là xấu, mà trong Tham có phần tốt nữa. Cái sai lầm lớn của chúng ta là, đã có sẵn định kiến Tham thuộc về Xấu, thuộc về tiêu cực. Và muốn tốt và có tích cực thì phải diệt tham.
Trong khi, muốn đạt được việc tốt và có tích cực, thì chúng ta có thể hướng cái động lực Tham đó vào những thói quen tốt, những suy nghĩ tích cực để đạt được điều đó.
Chúng ta đang sống trong thế giới của nhị nguyên, thế giới của đối đãi, đa số tất cả những gì đang xẩy ra với chúng ta luôn có hai mặt. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải có sự lựa chọn cho đúng đắn. Nếu không thì chúng ta sẽ gánh lấy hậu quả từ sự lựa chọn của chúng ta.
Tham trong thế giới nhị nguyên luôn ở dạng trung tính. Nghĩa là, chúng ta có quyền lựa chọn cái Tham nghiêng về bên nào. Nếu nghiêng về bên xấu thì chúng ta có những hành xử xấu, không được đẹp. Nếu nghiêng về bên tốt thì chúng ta có những hành xử tốt mang đến những niềm vui cho người và cho chính mình.
Cũng như câu chuyện của ông thầu khoán, thay vì tham để giữ tiền thì ông có thể Tham vào việc giúp văn phòng khám mắt của con gái và con rể ông khám miễn phí cho người nghèo. Hay hỗ trợ cho con trai ông nghiên cứu ra những dụng cụ hữu ích, với giá cả phải chăng, để giúp cho những người khó khăn về tài chánh vẫn có thể sử dụng dụng cụ, làm cho cơ thể khỏe mạnh.
Ông cũng có thể đầu tư vào tương lai cho hai đứa cháu ngoại của ông, để sau này có được những công ăn việc làm tốt, giúp ích cho đời. Ông cũng không cản ngăn con trai ông cưới cô gái mà anh ta yêu, biết đâu, ông lại có thêm những đứa cháu nội, và con trai của ông, cũng biết đâu, vẫn tiếp tục sống vì bổn phận và trách nhiệm của người cha.
Hay, ông có thể đầu tư vào những sự nghiên cứu của các bác sĩ, để tìm ra những dụng cụ hay cách thức chữa trị mới, giúp cho đời sống con người có thể sống tốt đẹp hơn, và ít bịnh tật hơn.
Ông có cả trăm cái Tham tích cực có thể đem đến rất nhiều lợi ích cho đời, cho người, và cho chính cá nhân ông. Nhưng ông không chọn những cái Tham đó. Ngược lại, ông chọn cái tham, giữ của. Để rồi, cuối cùng ông chỉ còn lại một mình, ông sống cô độc với số tiền khổng lồ, mà khi chết rồi, ông cũng không thể mang theo và cũng không thể sử dụng cho bản thân của ông được.
Khi bạn biết sử dụng Tham đúng cách, bạn sẽ thấy, Tham không phải là xấu hoàn toàn, mà Tham cũng có mặt tốt, tích cực, mà chúng ta có thể chọn lựa.
Khi chúng ta chọn lựa Tham tích cực, chúng ta không cần phải phí thời gian đi tìm tham tiêu cực xấu xa để tiêu diệt hay kiềm hãm, vì cái tham đó chưa từng hiện hữu.
Trên thực tế, vốn dĩ, không thể nào, chúng ta có thể diệt hay kiềm hãm được cái Tham của chúng ta lâu dài.
Nếu chúng ta làm được, thì chắc chắn, chúng ta đã về hưởng nhan thánh Chúa, hay về miền cực lạc lâu rồi.
Đơn giản, vì khi không có động lực của Tham thì không ai trong chúng ta có thể còn tồn tại được.
Chọn Tham xấu hay Tham tốt, Chọn Tham tích cực hay tiêu cực, tất cả đều nằm trong tầm tay của chúng ta, mà không phải đến từ nghiệp nào trong kiếp trước tác động, hay bất cứ một sự trừng phạt nào từ cõi trên.
Tất cả đều phát xuất từ sự lựa chọn của chúng ta mà ra cả.
Vậy, khi sử dụng Tham để tìm An có được không? Thật tuyệt vời, nếu bạn biết dùng đúng cách.
Thí dụ như, trong câu chuyện khi đút cho người thân của chúng tôi ăn, nếu chúng tôi Tham công tiếc việc, cứ đút cho xong, mặc kệ người thân của chúng tôi có bị sặc hay không, miễn chúng tôi đút cho người thân ăn xong là đủ làm tròn bổn phận.
Nhưng theo các bác sĩ tây y, những người già, khi mà bị sặc nhiều quá sẽ khiến thức ăn có thể lọt vào phổi. Khi thức ăn lọt vào phổi thì sẽ gây ra sưng hay viêm phổi, và 80% những những người già chết vì bị sưng hay viêm phổi.
Như vậy, thay vì Tham công tiếc việc, chúng tôi lại biến thành Tham An cho người thân, và chỉ tập trung vào từng muỗng đút, làm sao cho người thân ăn không bị sặc.
Không những người thân của chúng tôi có được bữa ăn ngon lành, và yên ổn, mà ngay chúng tôi, cũng đạt được sự an vui khi đã biết, biến cái Tham làm những việc khác thành cái Tham An cho người thân và chúng tôi.
Hay như câu chuyện mà chúng tôi tức giận người thân của chúng tôi khi vừa tắm xong lại đi đại tiện. Nếu như lúc đó, chúng tôi cứ Tham giận, và cứ tiếp tục phiêu lưu trong những suy nghĩ tiêu cực, thì cơ hội rơi vào trầm cảm của chúng tôi chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Nhưng lúc đó, chúng tôi đã biến cái Tham giận thành Tham An. Chính nhờ động lực của Tham An, đã kéo chúng tôi ra khỏi vòng cuốn hút của giận.
Nhờ đó, chúng tôi mới có thể giải quyết vấn đề một cách rốt ráo để đem An đến cho chúng tôi, và người thân của chúng tôi.
Qua đó, chúng ta thấy, đâu phải Tham chỉ có xấu như câu chuyện buồn của ông thầu khoán, mà Tham khi chúng tôi biết hướng động lực của Tham vào góc độ tích cực thì mỗi việc chúng tôi trải qua, đều có những kết quả tốt và giúp chúng tôi kéo dài được cái An trong ngày.
Không biết bạn thì sao, nhưng với chúng tôi Tham không hề xấu chút nào. Có xấu chăng, là vì, chúng ta đã lựa chọn sử dụng Tham vào góc độ tiêu cực mà thôi.
Vì vậy, Tham vốn không có tội lỗi gì, nên không cần phải diệt trừ hay kiềm hãm Tham. Chỉ cần chúng ta sử dụng Tham đúng chỗ thì Tham là một nguồn năng lượng vô cùng hữu dụng, khi ứng dụng trong bất cứ việc gì chúng ta muốn đạt được sự thành công.